Chán nản sau hôn nhân: Nguyên nhân và cách vượt qua

Chán nản sau hôn nhân khiến nhiều người thực sự cho rằng “kết hôn là nấm mồ của tình yêu”. Những xung đột về tài chính, thiếu vắng cách hâm nóng tình cảm, thiếu sự thấu hiểu và san sẻ khiến tình cảm vợ chồng có nhiều rạn nứt. Tuy nhiên nếu cả hai nhìn nhận được vấn đề, ngồi xuống cùng nhau bàn luận và tìm cách giải quyết, chấp nhận thay đổi, cố gắng vì nhau thì không có thử thách nào là không thể vượt qua.

Chán nản sau hôn nhân
Chán nản sau hôn nhân là trạng thái các cặp vợ chồng hầu như đã từng trải qua ít trong gia đoạn nào đó

Chán nản sau hôn nhân – nguyên nhân vì đâu?

Tình yêu và hôn nhân thực sự là hoàn toàn là hai khái niệm khác nhau cho dù có cùng bản chất, cùng mục tiêu. Khi yêu nhau, người ta thường muốn kết hôn, muốn bên nhau trọn đời, muốn làm cho nhau hạnh phúc. Vì yêu nên mới kết hôn, muốn cùng chung sống dưới một mái nhà, muốn nhìn thấy nhau mỗi ngày, muốn sinh ra những đứa trẻ đáng yêu. Tình yêu và hôn nhân đều có chung một mục tiêu hướng tới là sự hạnh phúc.

Một thực tế chính là khi yêu, họ có thể làm tất cả mọi thứ vì nhau, không tiếc thời gian, công sức, tiền bạc chỉ để làm cho người mình yêu được hạnh phúc. Tuy nhiên khi đã kết hôn, tất cả mọi thứ lại thay đổi. Mỗi ngày, bạn lại thấy người bạn đời không phải là người mà mình từng yêu đến “chết đi sống lại” mà là một người xa lạ nào đó. Cảm giác cô độc, mệt mỏi khiến nhiều người chán nản sau hôn nhân và luôn nghĩ đến việc chấm dứt.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?

Sự quen thuộc

Một sự thật hiển nhiên trong cuộc sống chính là khi chúng ta có thứ gì đó trong tay, chúng ta thường không biết quý trọng. Chẳng hạn khi mới mua điện thoại, bạn không ngừng nâng niu, chỉ một cú sảy tay bạn cũng hoảng hốt vì sợ điện thoại xước. Thế nhưng qua một thời gian, bạn có thể sẵn sàng thẳng tay ném nó xuống giường, nằm đè lên nó không hề thương tiếc. Và, tình cảm cũng vậy.

Khi đang trong giai đoạn yêu đương, bạn luôn lo sợ sẽ mất đi người đó, chỉ một ngày không gặp nhau cũng cảm thấy “nhớ đến phát điên” nên chỉ trông ngóng ngày về chung một nhà. Thế nhưng khi đã về chung một nhà, nhìn thấy nhau mỗi ngày, tỉnh giấc là thấy nhau, bỗng nhiên chúng ta lại cảm thấy.. chán! Hầu như bất cứ cặp vợ chồng nào cũng có giai đoạn cảm thấy giai đoạn chán nản sau hôn nhân chính vì nguyên do này.

Sự quen thuộc hằng ngày, đặc biệt khi đã thực sự cầm tờ giấy đăng ký kết hôn trên tay, nhiều người sẽ ở bên mình mãi mãi nên còn chẳng còn sợ mất. Bởi thế có những người sau kết hôn bỗng nhiên thay đổi 180°, không còn nói những lời ngọt ngào, trở nên cục cằn thô lỗ, không còn dành thời gian cho đối phương, bao nhiêu tính xấu cũng bộc lộ ra hết vì họ nghĩ rằng người vợ/ chồng sẽ không thể rời xa mình nên không biết trân trọng.

Chán nản sau hôn nhân thường bắt đầu từ chính việc vì quá quen thuộc nên dần mất đi sự trân trọng với đối phương. Việc gặp nhau hằng ngày khiến họ thấy nhàm chán, không còn gì để chia sẻ, để nói chuyện với nhau như trước. Thậm chí có những cặp vợ chồng ở chung nhà nhưng cả ngày chẳng buồn nói chuyện khiến giữa cả hai ngày càng xa cách, mối quan hệ giống như người cùng thuê phòng chứ không phải vợ chồng.

Những xung đột đời sống

Trong bất cứ mối quan hệ nào tất nhiên cũng không tránh khỏi những lúc xung đột, cho dù đó là tình bạn, tình đồng nghiệp, tình yêu và đặc biệt là tình cảm vợ chồng. Tuy nhiên khi cả hai người cùng chung sống dưới một mái nhà, cùng hướng tới lợi ích, mục tiêu chung có những xung đột mà không được giải quyết, để diễn ra âm ỉ mỗi ngày chắc chắn sẽ dẫn đến chán nản sau hôn nhân nhanh chóng.

Chán nản sau hôn nhân
Tài chính là một trong những vấn đề làm nảy sinh mâu thuẫn, tranh cãi cho các cặp vợ chồng

Vậy những nguyên nào thường dẫn tới những xung đột trong mối quan hệ vợ – chồng?

  • Vấn đề tài chính: sau khi kết hôn, dường như số tiền phải chi tiêu lớn hơn gấp nhiều lần khi sống một mình. Không chỉ là các chi tiêu cá nhân cơ bản như tiền ăn uống, nhà cửa, đi lại mà còn là tiền cho các dự định tương lai như mua nhà, mua xe, tiền cho con cái ăn học, tiền bỉm sữa. Những gia đình có con nhỏ việc phải tiêu tốn cả chục triệu mỗi tháng là điều bình thường. Tài chính không dư dả, cuộc sống thiếu thốn luôn là chủ đề gây xung đột, mâu thuẫn ở rất nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay.
  • Các nhu cầu cá nhân: cả hai không chấp nhận các nhu cầu cá nhân của nhau cũng chính là yếu tố dễ dẫn đến chán nản sau hôn nhân. Chẳng hạn như khi người chồng có sở thích đi đá bóng nhưng người vợ lại luôn cằn nhằn, cấm cản; người vợ thích làm đẹp mua sắm nhưng người chồng lại luôn cho rằng đó là phung phí; người vợ quản tiền của chồng quá chặt, không có tiền cho các sở thích.. Tất cả đều dần dần trở thành những xung đột lớn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào trong gia đình.
  • Cách nuôi dạy con: nhưng mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng dường như có xu hướng tăng lên khi những đứa con ra đời. Lúc này không chỉ còn căng thẳng, áp lực về mặt tài chính mà còn là những bất đồng trong việc nuôi dạy con cái. Chẳng hạn người chồng muốn để con vui chơi và phát triển tự do trong khi người vợ muốn con đi theo khuôn khổ từ sớm, điều gì cũng phải theo phép tắc, đăng ký cho con học thêm nhiều. Điều này cũng có thể gây chán nản sau hôn nhân cho rất nhiều cặp vợ chồng.
  • Thiếu sự riêng tư: người ta thường nói rằng, khi kết hôn là tất cả phải chia sẻ cho nhau, thế nhưng trong tất cả chúng ta, ai cũng cần cho mình những khoảng không riêng để phục hồi tâm trí. Điều này không có nghĩa là dấu diếm nhau, chỉ đơn giản là có những lúc cần tôn trọng khoảng thời gian riêng của đối phương. Việc cả hai dường như không có chút thời gian nào dành cho mình cũng khiến bản thân họ cảm thấy bí bách, mệt mỏi nên bắt đầu có những cảm xúc chán nản sau hôn nhân.
  • Sự khác biệt về tính cách: một người hướng nội – người hướng ngoại có thể trở thành các cục nam châm hút nhau, cảm thấy đối phương thật thú vị và chính là mảnh ghép hoàn hảo cho cuộc sống của họ. Tuy nhiên khi đã kết hôn, sự đối lập về mặt tính cách sẽ làm phát sinh rất nhiều mâu thuẫn thường ngày mà họ không thể lường trước được. Chẳng hạn người chồng chỉ thích ở nhà  trong khi người vợ hướng ngoại lại thích la cà quán xá, tìm kiếm cảm hứng mới. Việc này diễn ra thường xuyên khiến cả hai trở nên bất đồng quan điểm với nhau và cảm thấy hối hận vì sự lựa chọn của mình.
  • Vấn đề tình dục: không hợp nhau về chuyện chăn gối cũng hoàn toàn trở thành nguyên nhân dẫn tới sự chán nản sau hôn nhân. Nhu cầu sex của mỗi người là khác nhau, việc không đáp ứng được với đối phương có thể khiến cho họ chán nản, mất hứng thú. Đặc biệt nhiều người đàn ông khi vợ mang thai đã cảm thấy cực kỳ thiếu thốn, khó chịu, chán nản vì không thỏa mãn được nhu cầu sinh lý của bản thân.

Thiếu đi những lời khen

Sau khi đã kết hôn, những lời khen có cánh dành cho đối phương, những món quà lãng mạn dường như biến mất, thay vào đó là những lời nói “thực tế đến đau lòng” bởi họ cho rằng vợ chồng thì phải thẳng thắn. Quan điểm này không sai, nhưng còn cần phải đúng trường hợp, đúng hoàn cảnh, linh hoạt ứng biến

Chẳng hạn như trước đây những ngày lễ, khi còn yêu đương cả hai sẽ cùng đi ăn nhà hàng, sẽ tặng hoa cho nhau. Nhưng sau kết hôn, họ cảm thấy điều này quá lãng phí và chọn cách chỉ ở nhà ăn cơm cùng nhau, thậm chí lược bỏ bước tặng quà. Những khoảnh khắc hâm nóng, vun đắp tình cảm không còn và thay thế bằng hiện thực khô khan khiến ai cũng không tránh khỏi cảm giác nhàm chán, cô đơn trong chính hôn nhân của mình.

Thay vì những lời khen, ngược lại họ con phải nhận những lời chê bai. Những người vợ bận tối mặt tối màu nhưng vẫn cố gắng tranh thủ về nấu cơm tối chờ chồng, cuối cùng vẫn bị chê vì cơm quá đạm bạc. Những người chồng cố gắng làm việc kiếm tiền chăm sóc cho gia đình nhưng chỉ nhận lại lời chê của vợ vì có ngoại hình quá xuề xòa, luộm thuộm. Những lời nói vô tình nhưng khiến cho trái tim người nghe mang đầy tổn thương và vụn vỡ.

Chán nản sau hôn nhân vì thiếu sự thấu hiểu

Thực tế thì các xung đột, mâu thuẫn dẫn đến chán nản sau hôn nhân đều hình thành từ việc cả hai thiếu đi sự thấu hiểu, sự vì nhau. Hôn nhân là một quá trình lâu dài, là cùng nhau bước trên một con đường dài mà đích đến cuối cùng là sự hạnh phúc. Thế nhưng trên con đường đó mà một trong hai cứ tranh luận xem nên rẽ trái hay rẽ phải, không ai chịu nhường ai thì chắc chắn đích đến sẽ ngày càng xa.

Chán nản sau hôn nhân
Khi một người không ngừng cố gắng hi sinh còn người kia xem đó là điều hiển nhiên sẽ không tránh khỏi sự chán nản

Chẳng hạn như việc người chồng luôn cho rằng bếp núc, dọn dẹp nhà cửa “phải” là công việc của phụ nữ, đàn ông chỉ lo “công to việc lớn” trong khi rõ ràng người vợ cũng đi làm đến 7- 8h tối như họ. Hoặc ngược lại, nhiều người phụ nữ cũng cho rằng việc của đàn ông là phải kiếm tiền chăm lo cho gia đình, tiền của vợ kiếm ra chỉ cần lo cho bản thân họ là được. Việc cả hai chỉ ích kỷ, nghĩ đến quyền lợi cá nhân mình chắc chắn sẽ không tránh khỏi chán nản sau hôn nhân.

Trong gia đình, khi một người chấp nhận hi sinh  nhưng đối phương vẫn đòi hỏi quá nhiều cũng không đủ để hàn gắn những vết rạn nứt. Sự thấu hiểu, biết sống, biết thay đổi vì nhau mới thực sự biến cả hai trở thành một mảnh ghép hoàn hảo để khỏa lấp các khoảng trống, thiếu sót ở nhau để tiến đến cuộc sống hôn nhân lâu dài.

Điều gì xảy ra khi cảm thấy chán nản sau hôn nhân?

Hầu hết khi đã kết hôn, ai cũng có một giai đoạn nào đó cảm thấy chán nản sau hôn nhân bởi rất nhiều thứ. Nếu không vượt qua được giai đoạn này sẽ rất dễ dẫn đến một trường hợp khác chính là ngoại tình. Ngoại tình trong tư tưởng hay ngoại tình ngoài thực tế cũng đều là những hành vi sai trái, nên tuyệt đối không nên xuất hiện trong hôn nhân.

Chán nản sau hôn nhân
Chán nản sau hôn nhân là nền tảng đầu tiên dẫn đến ngoại tình ở rất nhiều gia đình

Chẳng hạn khi người chồng ở nhà quá luộm thuộm, khô khan nhưng người đồng nghiệp nam mới tới công ty lại quá lịch sự, gọn gàng, đối xử ân cần với bạn, khéo léo quan tâm thì chẳng ai là không tránh khỏi cảm giác so sánh và rung rinh nhẹ. Khi về nhà chia sẻ người chồng lại chỉ bỏ qua, không chia sẻ với cảm xúc khiến bạn cảm thấy cực kỳ bức bối trong khi người đồng nghiệp lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe những khó khăn và giúp bạn bất cứ lúc nào.

Mặt khác khi đã có những cảm xúc chán nản sau hôn nhân, những cảm xúc tiêu cực sẽ xuất hiện nhiều hơn khiến cho dù đối phương làm gì bạn cũng cảm thấy khó chịu. Cảm xúc khi lấn át lý trí chính là nguyên nhân làm các mâu thuẫn đạt lên tới đỉnh điểm và xảy ra việc ngoại tình nếu có người thứ 3 xuất hiện. Đôi khi đó chỉ là một cơn say nắng tạm thời nhưng cũng có thể được hiện thực hóa nếu người đó không kiểm soát được bản thân.

Chán nản sau hôn nhân cần làm gì để vượt qua?

Chán nản sau hôn nhân nếu không sớm được giải quyết sẽ làm cả hai dần có sự rạn nứt. Nhiều cặp đôi dù đã có những sự chán nản nhưng vẫn cố gắng tiếp tục níu kéo cuộc hôn nhân vì con cái, vì gia đình nhưng bản thân họ lại không đi tìm lý do. Thực tế, chỉ cần cả hai hạ cái tôi của bản thân xuống, nhìn nhận vấn đề một cách tích cực hơn, tập sống về nhau thì bất cứ xung đột nào cũng có thể được hàn gắn.

Lắng nghe và trò chuyện

Những mâu thuẫn, cảm xúc khó chịu của cả hai nếu không ai chịu nói ra chắc chắn sẽ không thể nào giải quyết. Gia đình hay vợ chồng cần được xây dựng trên nền tảng chân thành, yêu thương, trung thực và tin tưởng nhau. Việc phải giữ trong lòng những khó chịu, bức bối nhưng lúc nào cũng phải gặp nhau chỉ khiến bạn thêm phần bứt rứt chứ không hề thuyên giảm đi.

Chán nản sau hôn nhân
Xung đột cần được giải quyết trực tiếp mới có thể gỡ bỏ khúc mắc

Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần mình im lặng, chỉ cần mình bỏ qua một chút thì những cuộc tranh cãi không xuất hiện, vợ chồng lại vui vẻ. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy, nếu không nói ra đối phương chưa chắc đã biết họ đã sai và không sửa đổi. Những sai phạm  tiếp tục tái diễn sẽ càng làm sự chán nản sau hôn nhân của bạn ngày càng chất chồng mà thôi.

Một nguyên tắc quan trọng mà bạn cần nhớ để tránh sự chán nản sau hôn nhân chính là cần nói đúng lắng, lắng nghe đúng lúc và không nên im lặng. Khi chọn im lặng thì không chỉ bạn mà chính đối phương cũng cảm thấy khó chịu vì những khúc mắc vẫn còn ở đó chứ chưa hề được giải quyết. Và tất nhiên, những nút thắt mà không được gỡ bỏ thì chỉ làm sợi dây thêm rối mà thôi.

Cả hai vợ chồng nên dành thời gian trò chuyện để nói hết ra những điều khiến mình khó chịu về lời nói hay cách hành xử của nhau bởi ngay trong hoàn cảnh xảy ra mâu thuẫn không phải lúc nào bạn cũng có thể nói ngay. Hãy nhân lúc khi cả hai đang cùng vui vẻ và bàn luận về những xung đột đó một cách nhẹ nhàng. Hoặc cả hai cũng có thể hẹn nhau mỗi tháng 1 lần để cùng tâm sự, chuyện trò về những gì đã diễn ra để tìm cách thay đổi, tránh tái diễn.

Nhìn nhận và thay đổi vì nhau

Đã là vợ chồng thì thời gian chung sống với nhau không chỉ là vài tháng, vài năm mà có thể là cả đời, có nghĩa là đến hàng chục năm. Nếu ai cũng mãi chỉ giữ cái tôi của bản thân, ích kỷ muốn tất cả mọi thứ phải diễn ra theo ý mình, bắt đối phương phải thay đổi thì sẽ không thể nào cùng đi chung với nhau trên con đường dài một cách suôn sẻ.

Hạ thấp cái tôi của bản thân, lắng nghe và biết bản thân đang thiếu sót và cần phải thay đổi ở đâu. Thấu hiểu cho những khó khăn của đối phương và cùng nhau xây dựng một tương lai hạnh phúc lâu dài. Chỉ những việc đơn giản như vợ nấu cơm thì chồng rửa chén; vợ giặt đồ thì chồng lau nhà, chỉ những điều giản đơn như thế cũng đủ để xóa tan đi những cảm xúc chán nản sau hôn nhân và vun vén cho một gia đình hạnh phúc.

Nhìn lại quá khứ để tiến đến tương lai

Nếu đang cảm thấy chán nản sau hôn nhân và muốn từ bỏ, liệu có bao giờ bạn nghĩ đến việc cả hai đã từng cố gắng vì nhau, đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách như thế nào để có thể đi đến được ngày hôm nay? Có những người đến với nhau không hề dễ dàng, phải vượt qua bao chông gai thử thách, vậy tại sao lại có thể rời bỏ nhau dễ dàng như thế?

Chán nản sau hôn nhân
Những khó khăn trong quá khứ còn có thể vượt qua thì sao không cố gắng cho hiện tại?

Trong tâm lý trị liệu có một liệu pháp gọi là “liệu pháp cánh hoa hồng” dành cho các cặp đôi. Cả hai sẽ cùng cầm một bông hoa hồng tươi để “liệt kê cảm xúc” dành cho nhau. Chẳng hạn cứ ngắt đi 1 cánh là bạn phải kể một niềm vui cùng nhau, cánh tiếp theo là nỗi buồn về nhau. Thông qua đó, cả hai có thể cùng ôn lại kỷ niệm xưa, cùng khóc, cùng cười với nhau để thấu hiểu nhau hơn.

Hãy nhìn về quá khứ để làm tiền đề hướng tới mục tiêu tương lai tốt đẹp hơn. Những khó khăn trong quá khứ chúng ta còn vượt qua được thì sự chán nản này tại sao tại không? Chỉ cần là mình cùng nhau, chỉ cần người không thay lòng thì không có gì là không thể.

Những phút giây lãng mạn giúp xóa bỏ chán nản sau hôn nhân

Một bông hoa hồng cho vợ không vào dịp gì hết, một bàn ăn với đầy những món ăn chồng thích cùng nến và hoa sẽ khiến tình cảm vợ chồng được hâm nóng. Dù đã là vợ chồng bao nhiêu năm, dù quen mặt nhau như thế nào, dù hiểu tính nhau ra sao thì cũng đừng quên tạo ra những không gian lãng mạn, ngọt ngào cho cả hai để hâm nóng tình cảm.

Thực tế thì bạn cũng chẳng cần làm gì quá cao sang để xóa tan cái chán nản sau hôn nhân, chỉ cần thay đổi một chút sự quen thuộc hằng ngày. Sự nhàm chán bắt đầu từ những thứ quen thuộc, vì vậy chỉ cần bạn đổi khác một chút thì cảm xúc sẽ thay đổi. Chẳng hạn diện một chiếc váy ngủ thật xinh, trang điểm lộng lẫy khi ra ngoài ăn tối cùng chồng. Không chỉ tạo bất ngờ cho đối phương mà còn là sự thay đổi ở chính bản thân mình.

Cảm ơn và xin lỗi

Dường như chúng ta có thể sẵn sàng nói lời cảm ơn và xin lỗi với bất cứ ai nhưng lại quên mất việc làm điều đó với những người thân yêu của mình. Một lời cảm ơn và xin lỗi chân thành hoàn toàn có thể làm xua đi những khúc mắc, xoa dịu những tổn thương và khiến người bạn đời cảm thấy việc họ chấp nhận chịu đựng không phải là vô nghĩa.

Chán nản sau hôn nhân
Đừng bao giờ quên việc gửi lời cảm ơn và xin lỗi cho người bạn đời tuyệt vời của mình

Điều quan trọng khi nói lời cảm ơn và xin lỗi với một ai đó chính là nằm ở sự chân thành chứ không phải là lời nói suông. Bạn cảm ơn vì bạn biết người đó đã dành cho mình những điều tuyệt vời như thế nào. Bạn xin lỗi nhưng bạn cần phải biết lỗi ở đâu và cần phải thay đổi chứ không phải chỉ là xin lỗi rồi cho qua. Chỉ có giải quyết được lỗi làm thì mới cải thiện được những cảm xúc chán nản sau hôn nhân.

Tư vấn trị liệu nếu cần thiết

Như đã nói, hầu như cặp đôi nào cũng từng có những cảm xúc chán nản sau hôn nhân nhưng không phải ai cũng biết cách gỡ bỏ. Có rất nhiều vấn đề khiến không phải cặp vợ chồng nào cũng sẵn sàng chia sẻ hay biết cách giải quyết những vấn đề khúc mắc giữa cả hai. Thay vì để những mâu thuẫn còn tồn đọng và ngày càng chồng chất, sao bạn không thử cùng người bạn đời tham gia trị liệu , chăm sóc tâm lý để xóa bỏ những khoảng cách này.

Trị liệu tâm lý cho các cặp vợ chồng thường hướng tới mục đích chính là hòa hợp các mối quan hệ, tìm hiểu được gốc rễ những vấn đề gây khúc mắc giữa cả hai và đưa ra định hướng giải quyết. Nhà trị liệu sẽ lắng nghe từ cả hai phía, tạo ra không gian phù hợp để cả hai có thể cùng chia sẻ một cách chân thật với nhau. Chỉ khi cả hai đã chân thành chia sẻ hết những khúc mắc trong lòng, chấp nhận tha thứ, chia sẻ, đồng cảm với nhau thì những nút thắt mới được gỡ bỏ.

Nhiều người thường cho rằng trị liệu tâm lý chỉ dành cho những người có bệnh tâm lý và nghĩ rằng bản thân không có vấn đề gì thì vì sao phải gặp nhà trị liệu. Tuy nhiên có những thứ về mặt cảm xúc mà chúng ta không thể lý giải, có những khúc mắc không thể nói thành lời, có những xung đột mà không phải cứ nói ra là có thể giải quyết. Khi cảm xúc tiêu cực tồn tại trong tâm trí quá lâu sẽ hình thành bệnh tâm lý. Đó chính là lý do mà nhiều cặp đôi nên tham gia các buổi tư vấn, trị liệu tâm lý này.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Nói chung, những cảm xúc chán nản sau hôn nhân  là điều khó tránh khỏi, đặc biệt khi cả hai có quá nhiều sự đối nghịch về tính cách, suy nghĩ, tuổi tác.. Tuy nhiên chỉ cần cả hai luôn hướng về nhau, chấp nhận thay đổi vì nhau, cho nhau cơ hội được nói và được lắng nghe để cùng hướng về một tương lai tích cực thì không gì là không thể.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *