Khủng hoảng tiền hôn nhân: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách vượt qua

Khủng hoảng tiền hôn nhân gây ra những bất ổn về tâm lý cho một hoặc cả hai người với những biểu hiện như buồn bã, chán nản, bế tắc, trống rỗng và bi quan. Đây là thử thách đầu tiên cả hai phải vượt qua để có thể bước vào đời sống hôn nhân với tâm thế thoải mái nhất.

khủng hoảng tiền hôn nhân là gì
Khủng hoảng tiền hôn nhân là tình trạng khó tránh khỏi ở các cặp đối sắp cưới

Khủng hoảng tiền hôn nhân là gì?

Kết hôn là sự kiện lớn trong cuộc đời của mỗi người. Sự kiện này đánh dấu bước tiến trong mối quan hệ tình cảm. Sau khi kết hôn, cả hai sẽ có sự ràng buộc về pháp lý, trách nhiệm và tình cảm. Từ đó cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc và ấm êm.

Tuy nhiên, trước khi kết hôn không ít người phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng tiền hôn nhân. Khủng hoảng tiền hôn nhân là tình trạng một hoặc cả hai người phải đối mặt với sự bất ổn trong tâm lý. Những cảm xúc tiêu cực liên tục xuất hiện khiến cho cặp đôi dễ cãi vã, bất hòa, mâu thuẫn, cảm thấy mệt mỏi và nặng nề.

Thực tế, nữ giới dễ gặp phải tình trạng này hơn so với nam giới do tính cách nhạy cảm và hay lo nghĩ. Hơn nữa, đa phần nữ giới sau khi kết hôn đều phải rời xa gia đình hiện tại. Điều này khiến cho không ít người bị khủng hoảng tâm lý trước khi đám cưới diễn ra.

khủng hoảng tiền hôn nhân là gì
Nữ giới là đối tượng dễ bị khủng hoảng tiền hôn nhân hơn do tính cách hay lo nghĩ và nhạy cảm

Thống kê cho thấy, khoảng 80% cặp đôi gặp phải những bất ổn về tâm lý trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Thông thường, cảm xúc sẽ nhanh chóng bình ổn trở lại khi cả hai cùng thấu hiểu và chia sẻ, nhưng cũng có nhiều trường hợp phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý sâu sắc. Không ít cặp đôi cố gắng kiểm soát cảm xúc của bản thân để đám cưới diễn ra một cách thuận lợi. Tuy nhiên, đây lại chính là yếu tố đe dọa đến cuộc sống hôn nhân về lâu dài.

Cuộc sống hôn nhân đòi hỏi sự ràng buộc từ cả hai phía. Nếu một trong hai người không thoải mái, lo lắng và bất an, cả hai sẽ khó tránh khỏi xung đột và mâu thuẫn. Về lâu dài, khoảng cách của cả hai sẽ trở nên xa cách và kết quả tệ nhất là sự đổ vỡ của hôn nhân.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Vì những lý do này, các cặp đôi cần phải giải quyết triệt để khủng hoảng tiền hôn nhân trước khi tiến xa hơn. Khi lấy lại sự cân bằng về mặt tâm lý, cả hai sẽ bước vào đời sống vợ chồng với tinh thần thoải mái và ổn định nhất. Bên cạnh đó, cùng vượt qua khủng hoảng sẽ giúp cả hai thấu hiểu và gắn bó hơn.

Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tiền hôn nhân

Sau một thời gian tìm hiểu, các cặp đôi sẽ đi đến quyết định kết hôn khi cả hai đã sẵn sàng. Tuy nhiên bên cạnh cảm giác hạnh phúc và hy vọng, các cặp đôi cũng không tránh khỏi tâm lý bất an, lo lắng, buồn bã và bi quan.

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến khủng hoảng tiền hôn nhân:

1. Bất đồng trong việc tổ chức lễ cưới

Thủ tục cưới xin ở các quốc gia Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng tương đối phức tạp. Khi đã có quyết định sẽ về chung một nhà, cả hai sẽ phải thông báo với hai bên gia đình. Sau đó sắp xếp cuộc gặp gỡ và bàn bạc để lên kế hoạch cho đám hỏi, đám cưới.

Những người trẻ tuổi có thể không hiểu rõ quy trình, cách chuẩn bị cho đám hỏi và lễ cưới truyền thống. Điều này khiến cho các cặp đôi dễ bị căng thẳng và xung đột. Ngoài ra, những bất đồng quan điểm trong việc tổ chức lễ cưới cũng là nguyên nhân khiến các cặp đôi tranh cãi. Nếu không có hướng xử lý sớm, cả hai có thể phải đối mặt với sự nặng nề, ngột ngạt và đôi khi dẫn đến khủng hoảng tiền hôn nhân.

2. Khác biệt về dự định cho cuộc sống hôn nhân

Sau khi kết hôn, cả hai sẽ cùng bàn tính cho cuộc sống hôn nhân. Nếu có cùng quan điểm, các cặp đôi sẽ đón nhận quan điểm của đối phương một cách dễ dàng. Ngược lại, khác biệt trong cách suy nghĩ và dự tính tương lai khiến không ít cặp đôi tranh cãi, mâu thuẫn.

nguyên nhân gây khủng hoảng tiền hôn nhân
Khác biệt về dự định cho cuộc sống tương lai khiến các cặp đôi phải đối diện với khủng hoảng tiền hôn nhân

Thông thường, các cặp đôi sẽ tranh cãi về việc sống chung với gia đình hay ở riêng và một số vấn đề như ai là người quản lý chi tiêu, lo lắng công việc nhà, thời điểm sinh con,… Những vấn đề này tưởng chừng rất nhỏ lại có vai trò to lớn trong cuộc sống hôn nhân. Nếu không đi đến quyết định chung, cả hai sẽ phải đối mặt với khủng hoảng tiền hôn nhân.

Trong trường hợp này, nhiều cặp đôi quyết định dừng bàn bạc để chuẩn bị cho lễ cưới và sẽ bàn lại vấn đề sau khi kết hôn. Tuy nhiên, đây lại chính là “mầm mống” đe dọa đến hạnh phúc gia đình nếu cả hai không thấu đáo trong cách ứng xử.

3. Áp lực tài chính

Áp lực tài chính là vấn đề lớn mà các cặp đôi phải đối mặt khi dự định làm đám cưới. Nếu cả hai không tính toán kỹ lưỡng, chi phí thực tế có thể vượt quá kế hoạch. Đối mặt với áp lực tài chính, các cặp đôi rất dễ phát sinh mâu thuẫn và tranh cãi.

Tài chính là vấn đề rất nhạy cảm đối với những cặp đôi mới cưới. Đây là cách để họ đánh giá bạn đời trong việc quản lý chi tiêu và xử lý các vấn đề tài chính. Vì vậy, nếu không xử lý đúng cách, cả hai khó có thể bước vào cuộc sống hôn nhân.

Khủng hoảng tiền hôn nhân do đâu?
Những vấn đề tài chính cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tiền hôn nhân

Những lo lắng về tài chính gặp chủ yếu ở nữ giới bởi phái nữ thường nhạy cảm và hay lo nghĩ về tương lai. Khi nhận thấy nửa kia của mình không biết cách tính toán và thiếu kỹ năng quản lý chi tiêu, rất nhiều nữ giới quẩn quanh với những suy nghĩ tiêu cực. Trong trường hợp không tìm được giải pháp chung, nhiều cặp đôi đi đến quyết định hủy hôn vì cảm thấy cả hai không hòa hợp và khó có thể hạnh phúc nếu kết hôn.

4. Tính cách hay lo lắng

Người có tính cách hay lo lắng sẽ dễ gặp phải tình trạng khủng hoảng tiền hôn nhân hơn so với những người có tính cách vui vẻ, ít suy nghĩ. Giai đoạn trước khi kết hôn sẽ có khá nhiều sự kiện xảy ra. Với những người hay lo lắng, những sự kiện này gây ra không ít cảm xúc tiêu cực và có thể dẫn đến khủng hoảng tâm lý nếu không được giải tỏa.

Trước những suy nghĩ ngổn ngang, nhiều người trở nên buồn bã, bế tắc, chán nản và không cảm thấy vui mừng hay hào hứng cho cuộc sống hôn nhân. Ngoài ra, người có tính cách hay lo lắng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý như stress, rối loạn lo âu, trầm cảm,…

5. Cả hai thiếu sự thấu hiểu, chia sẻ

Giữa các cặp đôi khó tránh khỏi những mâu thuẫn và xung đột do khác biệt trong cách suy nghĩ. Tuy nhiên, điều này không quá quan trọng nếu cả hai cùng chia sẻ, thấu hiểu và đồng cảm. Ngược lại, nếu thiếu đi những yếu tố này, mối quan hệ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Trước khi diễn ra đám cưới, cả hai sẽ phải cùng nhau bàn bạc nhiều vấn đề. Chính vì vậy, việc tranh cãi hay mâu thuẫn là điều khó có thể tránh khỏi. Nếu các cặp đôi cố chấp giữ quan điểm của mình, xem nhẹ lời nói và mong muốn của đối phương, mâu thuẫn sẽ trở nên sâu sắc hơn. Trước áp lực từ việc phải lo lắng cho đám cưới cộng với căng thẳng do mâu thuẫn, không ít người phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý sâu sắc.

6. Từng trải qua tổn thương tâm lý liên quan đến tình cảm – hôn nhân

Người từng bị tổn thương tâm lý liên quan đến tình cảm – hôn nhân như từng ly dị, từng bị lạm dụng, lừa gạt tình cảm, sống trong gia đình không trọn vẹn,… sẽ có khả năng cao bị khủng hoảng tâm lý. Những sự kiện này khiến bản thân mỗi người hình thành nỗi sợ ẩn sâu trong tiềm thức.

nguyên nhân gây khủng hoảng tiền hôn nhân
Người từng trải qua tổn thương liên quan đến hôn nhân sẽ dễ gặp phải tình trạng bất ổn tâm lý trước khi kết hôn

Khi đối diện với hôn nhân, không ít người trở nên lo lắng, bất an, cảm thấy bế tắc, nặng nề và đôi khi không kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Với nỗi sợ và sự lo lắng sẵn có, họ trở nên nhạy cảm với bất cứ sự kiện nào xảy ra trong thời gian trước hôn nhân như bất đồng trong quan điểm sống, khác biệt về mong muốn cho cuộc sống tương lai,… Lúc này, nửa kia cần thấu hiểu và đồng hành để người còn lại cảm thấy an tâm và vững vàng hơn khi bước vào đời sống vợ chồng.

7. Do mắc phải các vấn đề tâm lý

Ngoài ra, khủng hoảng tiền hôn nhân còn có liên quan đến các vấn đề tâm lý như:

  • Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia): Người mắc hội chứng sợ kết hôn vẫn có những mối quan hệ tình cảm nhưng họ sợ hãi khi nghĩ đến hôn nhân. Nếu đối phương liên tục đề cập đến việc gắn kết giữa hai người, người mắc hội chứng này sẽ không tránh khỏi sự lo lắng, sợ hãi, bất an, căng thẳng,… Hiện tại, đã có phương pháp cải thiện dành cho hội chứng Gamophobia nên cả hai vẫn có tiến đến hôn nhân nếu người bệnh được thăm khám và điều trị.
  • Rối loạn lo âu: Người bị rối loạn lo âu thường trực sự lo lắng thái quá về nhiều vấn đề. Những người mắc phải bệnh lý này sẽ dễ gặp phải khủng hoảng tiền hôn nhân do thói quen suy nghĩ quá nhiều, hay lo lắng và căng thẳng.
  • Stress (căng thẳng): Với những người bị căng thẳng thần kinh, tác động từ các sự kiện xảy ra trước hôn nhân sẽ khiến họ khó kiểm soát cảm xúc và cảm thấy chán nản, bế tắc. Những yếu tố gây stress sẽ chồng chất ngày qua ngày khiến tâm lý bị ảnh hưởng sâu sắc – nhất là khi nửa kia thiếu sự quan tâm và thấu hiểu.

Dấu hiệu nhận biết khủng hoảng tiền hôn nhân

Khủng hoảng tiền hôn nhân thực sự là vấn đề lớn nếu cả hai không tìm được cách vượt qua. Để kịp thời giải quyết tình trạng này, cả hai cần phải nhận biết khủng hoảng qua các dấu hiệu sau:

dấu hiệu khủng hoảng tiền hôn nhân
Khủng hoảng tiền hôn nhân khiến các cặp đôi trở nên chán nản, mệt mỏi, căng thẳng, dễ xảy ra xung đột và mâu thuẫn
  • Cảm thấy chán nản, bế tắc, mệt mỏi và bi quan trước khi đám cưới diễn ra. Cảm giác này sẽ kéo dài trong vài tuần đến vài tháng và thường trở nên sâu sắc hơn theo thời gian nếu không có biện pháp khắc phục.
  • Dễ cáu kỉnh, tức giận và đôi khi không kiểm soát được lời nói, hành vi của chính mình.
  • Tâm lý bất ổn khiến các cặp đôi dễ xảy ra tranh cãi, mâu thuẫn và xung đột.
  • Sự mệt mỏi và tiêu cực do khủng hoảng tiền hôn nhân gây ra khiến các cặp đôi khó tập trung cho công việc, cuộc sống.
  • Nhiều người bị khủng hoảng tiền hôn nhân có những suy nghĩ tiêu cực, bi quan về cuộc sống tương lai.
  • Lo lắng liệu cuộc sống sau khi kết hôn có tốt đẹp hay không. Nỗi lo sẽ gia tăng nếu cả hai luôn bất đồng quan điểm và nửa kia thiếu sự nhường nhịn, chia sẻ.
  • Cảm thấy không vừa ý với mọi thứ từ kế hoạch đám cưới, cuộc sống tương lai, tính cách, gia đình của nửa kia,…
  • Tâm trạng nặng nề, mệt mỏi và muốn buông xuôi tất cả.
  • Khó kiểm soát cảm xúc và đôi khi khóc lóc không lý do.
  • Một số người có hành vi la hét, cáu kỉnh, tức giận do khủng hoảng tâm lý tiền hôn nhân.
  • Những bất ổn về tâm lý gây ra các triệu chứng thể chất như mất ngủ, đau đầu, ăn uống kém, suy nhược cơ thể, sụt cân,…

Khủng hoảng tiền hôn nhân và những hệ lụy không phải ai cũng biết

Khủng hoảng tiền hôn nhân là tình trạng khá phổ biến ở những cặp đôi sắp cưới. Về cơ bản, đây là giai đoạn cả hai có những thay đổi về tâm lý và khó kiểm soát cảm xúc của chính mình. Tuy nhiên, khủng hoảng cần phải được giải quyết triệt để để tránh những hệ lụy về lâu dài.

Khi xảy ra khủng hoảng, một trong hai người có thể nảy sinh ý nghĩ muốn chia tay và dừng hôn lễ vì có cảm giác mệt mỏi, trống rỗng và bế tắc. Nếu nửa kia không thấu hiểu, rất có thể mối quan hệ sẽ đi đến bờ vực tan vỡ.

Ngoài ra, cũng có những cặp đôi cố gắng nhẫn nhịn để đám cưới diễn ra êm đẹp, sau đó mới giải quyết những bất đồng về cuộc sống tương lai, dự tính sinh con, quản lý chi tiêu,… Tuy nhiên, nếu bước vào đời sống hôn nhân với tâm lý bất ổn và không thoải mái, cả hai sẽ khó có thể hòa hợp và rất dễ phát sinh mâu thuẫn.

hệ lụy của khủng hoảng tiền hôn nhân
Các cặp đôi có thể đi đến quyết định chia tay do không thể vượt qua khủng hoảng tiền hôn nhân

Khủng hoảng tiền hôn nhân chủ yếu xảy ra ở nữ giới do phái nữ có tính cách hay lo lắng, căng thẳng và nhạy cảm hơn nam giới. Vì vậy, nam giới cần thấu hiểu tâm lý của nửa kia để giúp bạn đời tương lai của mình vượt qua sự lo lắng, bất an và bước vào cuộc sống hôn nhân với tâm lý vững vàng nhất.

Thực tế, nhiều nam giới thiếu đi sự tinh tế và cho rằng nửa kia đang nhạy cảm quá mức. Cách phản ứng này khiến mâu thuẫn giữa cả hai trở nên sâu sắc hơn và kết quả là xuất hiện những rạn nứt trong mối quan hệ. Nhiều người phụ nữ không ngần ngại kết thúc mối quan hệ vì không muốn chung sống với một người vô tâm, không biết cách chia sẻ và quan tâm.

Cách vượt qua khủng hoảng tiền hôn nhân

Có thể nói, khủng hoảng tiền hôn nhân là thử thách đầu tiên của các cặp đôi trước khi bước vào đời sống vợ chồng. Rất nhiều cặp đôi đã không thể vượt qua tình trạng này và phải chấm dứt mối quan hệ. Về mặt tích cực, khủng hoảng tiền hôn nhân là điều kiện để cả hai nhìn nhận lại bản thân và có đánh giá đúng đắn hơn về nửa kia của mình.

Nếu có đủ yêu thương, các cặp đôi sẽ dễ dàng vượt qua khủng hoảng tâm lý. Sau khi trải qua những bất ổn về tinh thần, cả hai sẽ gắn bó, thấu hiểu và bước vào đời sống hôn nhân với tâm lý thoải mái nhất.

Dưới đây là một số giải pháp giúp các cặp đôi vượt qua khủng hoảng tiền hôn nhân:

1. Suy nghĩ và đánh giá lại mọi việc

Trước khi đưa ra bất cứ quyết định gì, các cặp đôi đều phải suy nghĩ kỹ lưỡng và nhìn nhận mọi việc theo chiều hướng khách quan nhất. Thông thường, người phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý sẽ có tâm trạng bất ổn và dễ suy nghĩ bi quan. Thay vì chìm đắm trong những thứ tiêu cực, bạn nên nhìn nhận lại mối quan hệ và bản thân mình.

Nếu cảm thấy nửa kia không có sự thấu hiểu và chia sẻ, hãy tìm cách trò chuyện để tìm ra giải pháp. Tuy nhiên, bạn cũng phải nhìn nhận những cảm xúc tiêu cực phần lớn đều bắt nguồn từ cách suy nghĩ bi quan của bản thân. Đồng thời phải có cái nhìn công bằng hơn về tính cách và gia đình của nửa kia.

Việc hòa hợp 100% là điều rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu nửa kia luôn thể hiện sự tôn trọng dành cho bạn và cố gắng để tìm giải pháp chung, bạn nên gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực vì đây là biểu hiện của một người bạn đời lý tưởng. Trong cuộc sống hôn nhân, việc mâu thuẫn và xung đột vẫn sẽ xảy ra. Điều quan trọng nhất là cả hai luôn tôn trọng nhau và cố gắng tìm cách dung hòa.

2. Trao đổi thẳng thắn với nửa kia

Nếu cảm thấy lo lắng và không thoải mái, bạn nên chia sẻ trực tiếp với nửa kia của mình. Không ít người cố gắng kìm nén những suy nghĩ tiêu cực của bản thân với nửa kia. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là cách giải quyết hiệu quả. Nếu đã xác định gắn kết lâu dài, cả hai nên thẳng thắn trao đổi với nhau những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.

Để cuộc trò chuyện đi đến kết cục tốt, bạn nên giữ thái độ bình tĩnh và trò chuyện dựa trên tinh thần đóng góp, thấu hiểu thay vì trách móc và chì chiết nhau. Thông qua cuộc trò chuyện, bạn cũng có thể đánh giá nửa kia của mình và đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.

3. Nhờ gia đình, bạn bè chuẩn bị đám cưới

Áp lực từ việc chuẩn bị đám cưới, đám hỏi khiến các cặp đôi bị căng thẳng và dễ xảy ra mâu thuẫn. Vì vậy, thay vì tự sắp xếp mọi thứ, cả hai nên nhờ sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè. Với những người đã có kinh nghiệm, họ sẽ giúp bạn sắp xếp mọi thứ nhanh chóng và chỉn chu hơn.

Ngoài ra, những người thân trong gia đình cũng sẽ giúp các cặp đôi tiết kiệm chi phí cho đám cưới bằng cách lược bỏ những thứ không cần thiết. Điều này sẽ giúp cả hai vượt qua áp lực tài chính và hóa giải các mâu thuẫn, xung đột. Nếu muốn tự mình chuẩn bị cho đám cưới, các cặp đôi vẫn nên tham khảo ý kiến của những người xung quanh để lên kế hoạch chỉn chu và tiết kiệm chi phí nhất có thể.

4. Chăm sóc sức khỏe cho bản thân

Đối mặt với nhiều thứ phải lo cho đám cưới, không ít cặp đôi gặp phải tình trạng căng thẳng và suy nhược. Thể trạng kém khiến cả hai dễ cáu kỉnh, khó kiểm soát cảm xúc và dễ xung đột. Ngoài ra, suy nhược cơ thể cũng khiến cho cả hai không cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc trong ngày trọng đại. Do đó, cả hai cần phải chăm sóc sức khỏe cho bản thân để có thể vượt qua khủng hoảng tiền hôn nhân.

cách vượt qua khủng hoảng tiền hôn nhân
Chăm sóc sức khỏe bản thân trước khi đám cưới diễn ra sẽ giúp cả hai kiểm soát tốt hơn cảm xúc của chính mình

Cần đảm bảo ăn uống đầy đủ và ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi ngày. Lối sống khoa học sẽ giúp các cặp đôi kiểm soát căng thẳng và chế ngự tốt những cảm xúc tiêu cực. Trước khi đám cưới diễn ra, cả hai nên sắp xếp công việc và xin nghỉ phép trong vài ngày để tránh tình trạng lúng túng, cập rập trong lễ cưới.

5. Tham gia lớp học tiền hôn nhân

Tham gia các lớp học tiền hôn nhân là điều rất cần thiết cho các cặp đôi sắp cưới. Các lớp học này sẽ giúp cả hai thấu hiểu tâm lý của đối phương, hình thành tinh thần trách nhiệm đối với gia đình và nửa kia của mình.

Lớp học tiền hôn nhân còn trang bị cho các cặp đôi kỹ năng giao tiếp, xử lý vấn đề, quản lý thời gian, chi tiêu, thói quen sinh hoạt,… Thông qua các lớp học, cặp đôi sẽ dễ dàng hóa giải mâu thuẫn và tìm ra những giải pháp chung để hướng đến cuộc sống hôn nhân hạnh phúc bền vững.

6. Tham vấn, trị liệu tâm lý

Nếu không thể vượt qua khủng hoảng tiền hôn nhân, các cặp đôi nên xem xét tham vấn/ trị liệu tâm lý. Tham vấn là hình thức không chuyên sâu của liệu pháp tâm lý dành cho những cặp đôi xảy ra mâu thuẫn, xung đột trước khi kết hôn. Thông qua tư vấn, các cặp đôi sẽ thấu hiểu cảm xúc, tâm lý của đối phương và tìm ra giải pháp cho những vấn đề đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ phải can thiệp trị liệu tâm lý. Trị liệu được cân nhắc cho những người có vấn đề tâm lý và từng trải qua các sự kiện sang chấn có liên quan đến tình cảm – hôn nhân. Mục đích của trị liệu tâm lý là giúp cải thiện cảm xúc tiêu cực, thay đổi suy nghĩ và điều chỉnh hành vi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Sau khi tham vấn và trị liệu tâm lý, các cặp đôi sẽ thấu hiểu nhau và bước vào đời sống hôn nhân với tâm lý vững vàng nhất.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Khủng hoảng tiền hôn nhân là thử thách mà các cặp đôi phải vượt qua trước khi bước vào cuộc sống vợ chồng. Dù xảy ra do nguyên nhân gì, khủng hoảng tâm lý đều có thể vượt qua nếu cả hai cùng đồng hành và biết cách thấu hiểu, chia sẻ.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *