Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc: Dấu hiệu và Cách điều trị

Rối loạn kiểm soát cảm xúc xảy ra khi việc quản lý cảm xúc trở nên khó khăn hơn bình thường. Tình trạng này gặp chủ yếu ở trẻ nhỏ và có thể tự cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, điều trị vẫn sẽ được xem xét nếu tinh thần trở nên bất ổn và chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng sâu sắc.

rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc
Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc khiến cho tâm trạng trở nên thất thường, không ổn định

Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc là gì?

Cảm xúc là cách mà con người phản ứng với những sự kiện xảy ra cả bên trong và bên ngoài cơ thể. Có rất nhiều trạng thái cảm xúc nhưng nhìn chung sẽ được chia thành 2 nhóm là cảm xúc tích cựccảm xúc tiêu cực. Phản ứng của mỗi người là hoàn toàn khác nhau và điều này phụ thuộc nhiều vào tính cách, môi trường, trải nghiệm thực tế trong cuộc sống…

Tâm trạng có thể lên xuống với biên độ khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung mọi người đều có nhiều nét tương đồng do cảm xúc được quản lý bởi hệ thống limbic – cấu trúc nằm sâu bên trong não bộ.

Qua những nghiên cứu đã thực hiện, các chuyên gia thấy rằng, cảm xúc và hành vi của con người bị chi phối với hệ thống limbic bao gồm các bộ phận như thể chai, hạch hạnh nhân, hồi hải mã và vùng dưới đồi. Nhờ có những cơ quan này, tâm trạng thường sẽ lên xuống trong một phạm vi nhằm đảm bảo tính ổn định.

Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc xảy ra khi một hoặc nhiều cơ quan trong hệ thống limbic bị rối loạn, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý tâm trạng. Tình trạng này gặp nhiều ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và rất ít khi gặp ở người cao tuổi.

Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc (Emotional Dysregulation) dễ bị nhầm lẫn với rối loạn cảm xúc. Rối loạn cảm xúc là tình trạng khí sắc tăng hoặc giảm vượt quá phạm vi cho phép. Khí sắc có thể tăng cao hoặc trầm buồn xảy ra trong nhiều ngày và thường có tính ổn định.

Trong khi đó, rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc khác biệt hoàn toàn. Người mắc rối loạn này có thể giữ tâm trạng như bình thường. Tuy nhiên khi có sự việc nào đó xảy ra, cảm xúc có thể thay đổi đột ngột với mức độ vượt quá tính chất của sự việc.

Ở rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc, cảm xúc không ổn định và thất thường là những đặc điểm nổi bật nhất. Trong đó, chiếm ưu thế thường là các cảm xúc mạnh như thất vọng, khó chịu, tức giận, nóng nảy, thậm chí là kích động.

Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc có phải là bệnh tâm thần?

Khác với rối loạn cảm xúc, rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc có thể không phải là bệnh tâm thần. Ở trẻ nhỏ, chức năng kiểm soát cảm xúc và hành vi của hệ thống limbic chưa được hoàn thiện. Vì vậy, trẻ rất dễ thay đổi cảm xúc, hay nóng nảy, tức giận, nhạy cảm, buồn bã. Một số trẻ còn có hành vi kích động, bướng bỉnh và cứng đầu nhằm thể hiện sự chống đối.

rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc
Rối loạn kiểm soát cảm xúc có thể không phải là rối loạn tâm thần nhưng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý sau này

Khi trưởng thành, chức năng này sẽ dần hoàn thiện và cảm xúc sẽ trở nên ổn định hơn. Tuy nhiên, rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc ở thời thơ ấu có thể là yếu tố nguy cơ cho những rối loạn tâm thần sau này.

Bên cạnh đó, chức năng kiểm soát cảm xúc bị rối loạn nhiều khả năng liên quan đến các rối loạn khác như rối loạn lưỡng cực, tự kỷ, tăng động giảm chú ý, rối loạn mất điều chỉnh tâm trạng muốn gây rối, rối loạn căng thẳng sau chấn thương…

Nếu tình trạng không được cải thiện hoặc đi kèm với những dấu hiệu khác thường, việc tìm gặp bác sĩ chuyên khoa là điều cần thiết. Bởi khi đi kèm với các rối loạn tâm thần kể trên, cảm xúc gần như không bao giờ ổn định và điều này sẽ kéo theo một loạt những ảnh hưởng, cản trở đối với cuộc sống.

Nhận biết rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc

Biên độ cảm xúc ở mỗi người là khác nhau. Trẻ em thường thay đổi tâm trạng nhiều hơn người trưởng thành, cảm xúc có xu hướng được bộc lộ với cường độ mạnh hơn. Chẳng hạn trẻ có thể la hét, quấy khóc dữ dội chỉ vì những điều rất nhỏ. Và trở nên vui vẻ, phấn khởi tột độ khi được ba mẹ nuông chiều hoặc đáp ứng sở thích.

Trong khi đó, cảm xúc ở người trưởng thành ổn định hơn. Cường độ, cách biểu lộ cảm xúc cũng trở nên chừng mực, tần suất các cảm xúc mạnh xuất hiện không nhiều như thời thơ ấu. Điều này là do chức năng kiểm soát cảm xúc đã phát triển hoàn chỉnh. Vì đặc điểm này, rối loạn kiểm soát cảm xúc thường gặp ở trẻ nhỏ và rất ít khi phát triển ở người trưởng thành.

rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc
Trẻ bị rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc có xu hướng hay quấy khóc, giận dữ, la hét, đập phá đồ đạc dù không có lý do chính đáng

Rối loạn này có những dấu hiệu nhận biết như sau:

  • Có phản ứng thái quá trước những tình huống trong cuộc sống. Có xu hướng thất vọng, buồn bã hoặc nóng nảy, tức giận quá mức trước những sự việc không có tính chất quá nghiêm trọng.
  • Rất khó có thể giữ bình tĩnh và ổn định tâm trạng.
  • Khi cảm xúc không ổn định, hành vi cũng có xu hướng vượt ngoài tầm kiểm soát. Chẳng hạn như khi tức giận, nóng nảy sẽ đi kèm với hành vi bốc đồng, hung hăng, tấn công người khác.
  • Người lớn bị rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc có thể cảm nhận rõ bản thân dường như bị mất kiểm soát.
  • Cảm xúc không ổn định, có khi buồn bã, thất vọng cực độ có khi trở nên nóng nảy, thiếu kiềm chế.
  • Trong cơn “bùng phát”, cảm xúc và hành vi gần như bị mất kiểm soát hoàn toàn. Sau khi kết thúc, một số người nhận ra sự bất ổn của bản thân. Dù vậy ở những lần kế tiếp, họ sẽ lại có những phản ứng tương tự.
  • Cảm thấy bối rối trước cảm xúc của bản thân. Không hiểu vì sao bản thân lại quá nhạy cảm và dù nỗ lực cũng không thể lấn át, kiểm soát cảm xúc đang chực chờ bùng nổ.
  • Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc có thể biểu hiện khác nhau ở các đối tượng. Trẻ em thường có xu hướng khóc lóc, la hét dữ dội, từ chối giao tiếp với những người xung quanh (cả bằng lời nói và ánh mắt)…

Nguyên nhân gây rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc. Trong đó, đa phần các trường hợp đều không thể tìm được nguyên nhân đơn nhất.

rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc
Người bị rối loạn nhân cách sẽ có nguy cơ cao phát triển rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc

Các yếu tố có thể gây ra rối loạn kiểm soát cảm xúc:

  • Hệ thống limbic chưa hoàn chỉnh: Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc gặp nhiều ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên hơn so với người trưởng thành. Vì vậy, các chuyên gia tin rằng, rối loạn này có thể do hệ thống limbic chưa phát triển hoàn chỉnh.
  • Do các rối loạn phát triển thần kinh: Chức năng kiểm soát có thể liên quan đến các rối loạn phát triển thần kinh như tự kỷ, tăng động giảm chú ý, rối loạn thách thức chống đối… Trẻ có những vấn đề này thường khó kiểm soát được hành vi và cảm xúc.
  • Nghiện chất: Nghiện chất có thể là nguyên nhân khiến cho chức năng kiểm soát tâm trạng bị rối loạn. Khi sử dụng chất gây nghiện hoặc lạm dụng rượu bia trong một thời gian dài, hệ thần kinh trung ương sẽ bị ức chế. Chức năng của các cơ quan bên trong hệ thống limbic cũng có xu hướng bị rối loạn, mất kiểm soát.
  • Rối loạn nhân cách: Những người bị rối loạn nhân cách nhiều khả năng sẽ phát triển rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc. Đặc biệt là người bị rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách kịch tính, rối loạn nhân cách hoang tưởng…
  • Các rối loạn tâm lý, tâm thần khác: Các vấn đề tâm lý, tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, rối loạn stress sau sang chấn… có thể là yếu tố dẫn đến rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc. Trong nhiều trường hợp, rối loạn này ở thời thơ ấu có thể là dấu hiệu cảnh báo cho các vấn đề về tâm lý khi trưởng thành.
  • Do tổn thương thực thể ở não bộ: Ở một vài trường hợp, rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc có thể là kết quả của chấn thương não, đột quỵ, u não, bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng…

Rối loạn kiểm soát cảm xúc và những hệ lụy khôn lường

Rối loạn kiểm soát cảm xúc không đơn giản chỉ ảnh hưởng về mặt tinh thần. Bởi cảm xúc chi phối mạnh mẽ đến tư duy và hành vi. Khi có cảm xúc quá khích như tức giận, nóng nảy… hành vi vì thế cũng có xu hướng mất kiểm soát. Không ít người trở nên bốc đồng, hung tính, tấn công người khác khi đang mất bình tĩnh và bị cơn giận chi phối.

rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc
Rối loạn kiểm soát cảm xúc sẽ làm gia tăng mâu thuẫn trong các mối quan hệ

Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc có thể không phải là rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, trường hợp tình trạng này xảy ra thường xuyên có thể dẫn đến những hậu quả sau:

  • Ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Gây ra cảm giác xấu hổ, tự ti, cảm thấy bản thân yếu kém và vô dụng vì không thể kiểm soát cảm xúc.
  • Gia tăng mâu thuẫn trong các mối quan hệ vì phản ứng thái quá, thiếu kiềm chế.
  • Trẻ nhỏ bị rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc sẽ gặp khó khăn trong quá trình học tập, kết bạn và hòa nhập.
  • Người lớn phải đối mặt với nguy cơ bị kỷ luật, thậm chí đuổi việc do thái độ không tốt.
  • Rối loạn kiểm soát cảm xúc có thể là nền tảng để phát triển các rối loạn tâm lý, tâm thần sau này như trầm cảm, rối loạn lo âu…
  • Một số người tìm đến bia rượu và lạm dụng thuốc với mong muốn làm “tê liệt” cảm xúc. Tuy nhiên, chất gây nghiện càng làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn, tâm trạng thay đổi thất thường, dễ kích động…
  • Gia tăng nguy cơ stress, rối loạn ăn uống, hội chứng Self-Harm (đặc biệt là ở thanh thiếu niên và người trẻ)
  • Khi chức năng kiểm soát cảm xúc bị rối loạn, việc giữ bình tĩnh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Vì vậy, những người gặp phải tình trạng này gần như không thể giải quyết xung đột. Ở trẻ nhỏ, rối loạn kiểm soát cảm xúc là rào cản khiến trẻ khó phát triển các kỹ năng sống cần thiết.

Cách điều trị rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc

Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc có thể không phải điều trị nếu chỉ có một số biểu hiện nhẹ. Khi trưởng thành, cảm xúc sẽ dần ổn định, tình trạng thất thường, quá khích… có xu hướng tự cải thiện mà không cần can thiệp.

Tuy nhiên, nếu rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, tìm gặp bác sĩ là điều cần thiết. Có khá nhiều lựa chọn được cân nhắc khi điều trị rối loạn này bao gồm:

1. Liệu pháp hóa dược

Không có loại thuốc nào được phê chuẩn dùng trong điều trị rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc. Thuốc chỉ được sử dụng để giải quyết rối loạn có liên quan, chẳng hạn như rối loạn lưỡng cực, tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý…

2. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp chính đối với rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc. Phương pháp này giúp cải thiện tình trạng mất kiểm soát, bốc đồng… trước những sự việc xảy ra trong cuộc sống.

rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc
Tâm lý trị liệu có thể cải thiện rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc hiệu quả

Hiện nay, liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) là phương pháp có hiệu quả nhất đối với rối loạn kiểm soát cảm xúc. Marsha Linehan đã phát triển liệu pháp này vào những năm 1980 nhằm giúp những người bị rối loạn nhân cách ranh giới tránh “bùng nổ” cảm xúc và học cách giữ sự bình tĩnh trong các tình huống.

Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) xây dựng những thói quen tích cực với mục đích điều chỉnh cảm xúc và học cách đối phó với các tình huống căng thẳng trong cuộc sống. Ngoài ra, liệu pháp này cũng giúp thay đổi lỗi tư duy tuyệt đối hay còn gọi là tư duy đen trắng.

3. Giáo dục trẻ phù hợp

Khi trẻ có biểu hiện rối loạn kiểm soát cảm xúc, gia đình cần có cách giáo dục phù hợp nhằm giúp trẻ học cách quản lý tâm trạng và giữ sự bình tĩnh.

rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc
Gia đình nên khuyến khích trẻ duy trì các hành vi tích cực để dần quản lý cảm xúc tốt hơn

Các biện pháp hỗ trợ cải thiện rối loạn kiểm soát cảm xúc ở trẻ nhỏ:

  • Tránh các tình huống có thể khiến trẻ trở nên kích động, mất kiểm soát
  • Trao đổi với thầy cô để nhận được sự hỗ trợ
  • Không trừng phạt hay áp đặt trẻ phải thay đổi cảm xúc, thay vào đó bố mẹ nên thay đổi hành vi tích cực hơn để con trẻ có thể noi gương.
  • Khi con trẻ mất kiểm soát, hãy ở bên cạnh và trấn an tinh thần. Tránh phản ứng quá khích, la hét, mắng nhiếc khiến cảm xúc của trẻ bùng nổ.
  • Khi con có những hành vi tích cực như biết cách kiểm soát cảm xúc, không nóng nảy vô cớ… hãy khuyến khích bằng phần thưởng. Chẳng hạn như một lời khen, nấu một món ăn ngon hay thưởng cho trẻ quyển sách, món đồ chơi yêu thích… Dần dần, trẻ sẽ học được cách kiểm soát cảm xúc và có ý thức hơn về phản ứng, hành vi của bản thân.

Rối loạn kiểm soát cảm xúc là tình trạng khá phổ biến ở trẻ em và đa phần đều có thể tự thuyên giảm theo thời gian. Dù vậy, nếu rối loạn này gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống, can thiệp trị liệu là điều cần thiết.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *