Mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm và vô sinh hiếm muộn

Mối quan hệ giữa trầm cảm và vô sinh hiếm muộn được biểu hiện qua nhiều giai đoạn và các góc độ khác nhau. Theo thống kê, tỉ lệ người vô sinh mắc phải căn bệnh trầm cảm tương đối cao, có thể lên đến khoảng 54%. 

Mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm và vô sinh hiếm muộn

Vô sinh và trầm cảm là hai khía cạnh bệnh lý thuộc hai chuyên ngành không có quá nhiều sự liên quan đến nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, tỉ lệ bị trầm cảm ở người bệnh vô sinh lại khá cao. Ngược lại, các triệu chứng của trầm cảm cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của mỗi người. Vậy mối quan hệ giữa bệnh trầm cảm và vô sinh hiếm muộn là gì?

Mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm và vô sinh hiếm muộn
Hiện nay, tỉ lệ người vô sinh mắc phải căn bệnh trầm cảm tương đối cao, có thể lên đến khoảng 54%.

1. Bệnh nhân vô sinh hiếm muộn có khả năng cao mắc bệnh trầm cảm

Theo thống kê từ trung tâm hỗ trợ sinh sản của trường đại học Harvard cho biết, hàng năm tại Hoa Kỳ có khoảng 1,3 triệu người bệnh phải nhận sự điều trị hoặc tư vấn về tình trạng vô sinh hiếm muộn có dấu hiệu của những vấn đề tâm lý. Hiện nay, có khoảng hơn 12% các cặp vợ chồng gặp phải những vấn đề về khả năng sinh sản. Mặt khác, người bệnh lại ít khi chia sẻ về câu chuyện của mình, họ thường phải đấu tranh với những cảm xúc lo lắng, bất an, chán nản, mất kiểm soát.

Song những cảm xúc tiêu cực liên tục xuất hiện và kéo dài sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc phải các căn bệnh về tâm lý, đặc biệt là chứng trầm cảm. Ngoài ra, trong một số nghiên cứu chuyên khoa thì tình trạng trầm cảm cũng có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng thụ thai hoặc gây cản trở trong quá trình điều trị bệnh vô sinh.

Hầu hết những người vô sinh hiếm muộn đều phải trải qua những cảm xúc tuyệt vọng, đau khổ, bế tắc. Một số phản ứng thường gặp như chán nản, khóc nhiều, dễ tức giận, tủi thân, cảm thấy tự ti với bản thân, mặc cảm, thấy bản thân vô dụng, tội lỗi. Hơn thế, tình trạng này kéo dài còn gây ảnh hưởng đến mối quan hệ xung quanh của người bệnh, không chỉ là người bạn đời mà ngay cả những người thân xung quanh hoặc bạn bè.

Do tâm lý mặc cảm nên các vợ chồng vô sinh hiếm muộn thường tránh né, không muốn giao tiếp với bạn bè hoặc những người thân xung quanh, đặc biệt là những gia đình đã có con. Họ có thể đối mặt với tình trạng rối loạn chức năng tình dục có liên quan đến tâm trạng lo lắng và xảy ra những xung đột trong cuộc sống hôn nhân.

Một số lý do có thể khiến cho bệnh nhân vô sinh hiếm muộn dễ mắc phải căn bệnh trầm cảm như:

  • Lo lắng về kinh tế: Được biết, chi phí để điều trị vô sinh hiếm muộn khá cao, do đó khiến nhiều người phải lo ngại, đặc biệt là những gia đình không có điều trị tốt. Việc không thể đáp ứng được khoản chi phí điều trị sẽ làm người bệnh rơi vào trạng thái bất lực, vô vọng kéo dài.
  • Căng thẳng, áp lực: Việc hiếm muộn có thể gây nên rất nhiều căng thẳng, áp lực trong cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là những định kiến hoặc lời chỉ trích từ những người thân xung quanh.
  • Áp lực trong quá trình điều trị: Hiện nay, tình trạng vô sinh có thể được can thiệp bằng nhiều biện pháp khác nhau, khả năng thụ thai của các cặp vợ chồng cũng được tăng cao. Tuy nhiên, người bệnh cần phải học cách điều chỉnh về vai trò và chịu nhiều áp lực trong quá trình mang thai, sau khi sinh con khiến cho họ dễ mắc phải các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
  • Kết quả điều trị: Nếu kết quả điều trị không đạt như mong muốn sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy đau khổ, tuyệt vọng và buồn bã. Đa phần người bệnh rất khó chấp nhận việc mình không thể sinh con khiến cho bản thân luôn cảm thấy dằn vặt, day dứt.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Vào năm 1987, Steingold và các cộng sự của ông đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra kết quả về tình trạng căng thẳng, rối loạn tâm lý của các cặp đôi đang điều trị vô sinh bằng các thụ tinh trong ống nghiệm. Cho đến năm 2000, Warnock và cộng sự cũng đồng thuận về kết quả này. Theo đó, có khoảng 60 đến 75% người bệnh sử dụng thuốc kích trứng xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng và triệu chứng của bệnh trầm cảm. 

2. Ảnh hưởng của trầm cảm đối với việc điều trị vô sinh hiếm muộn

Trầm cảm và vô sinh hiếm muộn có mối quan hệ qua lại với nhau. Trầm cảm cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh hiếm muộn. Thông thường, những bệnh nhân trầm cảm sẽ có thói sinh hoạt không lành mạnh, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và khả năng thụ thai của người bệnh. Ngoài ra, sự thèm ăn, thừa cân hoặc thiếu cân cũng có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ vô sinh.

Hơn thế, những người bị trầm cảm thường tìm đến bia rượu, thuốc lá để giải tỏa căng thẳng, áp lực. Điều này gây nên những tổn thương nghiêm trọng đến khả năng sinh sản. Bên cạnh đó, tình trạng rối loạn giấc ngủ, mất ngủ thường xuyên cũng có thể là yếu tố tác động xấu gây nên nhiều cản trở nên việc sinh con.

Mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm và vô sinh hiếm muộn
Trầm cảm có thể là yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị vô sinh ở nhiều người bệnh

Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh trầm cảm còn có thể gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng và làm cản trở đến quá trình điều trị bệnh vô sinh hiếm muộn. Các chuyên gia cho biết rằng, yếu tố tâm lý có ảnh hưởng đến kết quả của việc điều trị vô sinh vì thế việc tư vấn tâm lý luôn được tiến hành trước khi bắt đầu quá trình điều trị tình trạng vô sinh hiếm muộn.

Theo một nghiên cứu gộp nhận thấy trong khoảng 25 nghiên cứu về chủ đề này có đến khoảng 16 nghiên cứu cho rằng vấn đề tâm lý sẽ làm suy giảm tỉ lệ thụ thai và gia tăng tỉ lệ sảy thai. Ngoài ra, một nghiên cứu khác dựa trên 151 người bệnh được thực hiện bởi Klonoff-Cohe và các cộng sự vào năm 2001 và 2004 cho biết, tỉ lệ thụ thai tăng lên gấp 2 lần so với những đối tượng không bị ảnh hưởng bởi stress.

Phương pháp điều trị hiệu quả

Hiện nay, phương pháp điều trị tâm lý đi kèm với những biện pháp hỗ trợ cải thiện tình trạng vô sinh đang được áp dụng rộng rãi. Quá trình điều trị sẽ giúp bệnh nhân cải thiện và cân bằng được tâm lý, đồng thời gia tăng tỉ lệ mang thai ở người bệnh.

Vào năm 2015, Frederikse và những cộng sự của ông đã tiến hành một nghiên cứu dựa trên 800 người bệnh và nhận thấy số người bệnh có sự can thiệp của điều trị tâm lý sẽ gia tăng tỉ lệ mang thai lên 1,7 lần so với những người bệnh không tiến hành điều trị.

Một số biện pháp thường được áp dụng cải thiện tâm lý cho người bệnh vô sinh hiếm muộn như:

1. Tư vấn

Thông thường, trước khi tiến hành áp dụng bất kì phương pháp điều trị vô sinh nào thì các bác sĩ đều tư vấn cụ thể và cho bệnh nhân nắm rõ những thông tin cần thiết. Bởi trong rất nhiều nghiên cứu đã gợi ý rằng, việc tư vấn sẽ giúp giải quyết bớt những vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm, căng thẳng, stress từ đó có thể là gia tăng cơ hội thụ thai. Các bác sĩ tâm thần có thể sẽ cung cấp một số thông tin cần thiết về cách quản lý mệt mỏi, căng thẳng, áp lực, lo âu và giúp bệnh nhân có thể cải thiện được việc giao tiếp với những người xung quanh.

Mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm và vô sinh hiếm muộn
Các bác sĩ sẽ tiến hành tư vấn tâm lý trước khi áp dụng các biện pháp hỗ trợ cải thiện bệnh vô sinh

2. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu cũng là một trong những phương pháp mang lại hiệu quả rất tốt cho việc kiểm soát tâm trạng, cảm xúc. Các triệu chứng trầm cảm nhẹ hoặc trung bình ở bệnh nhân vô sinh sẽ được cải thiện tốt bằng liệu pháp nhận thức hành vi và liệu pháp tương tác cá nhân.

Phương pháp này được đánh giá rất cao bởi nó an toàn, không có sự can thiệp của thuốc điều trị. Đồng thời, sau liệu pháp người bệnh sẽ được phục hồi sức khỏe một cách tự nhiên nhất, hạn chế được tình trạng tái phát bệnh. Nhờ đó mà các đối tượng vô sinh sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình điều trị bệnh, giúp gia tăng tỉ lệ thụ thai và sinh con mạnh khỏe.

3. Áp dụng các biện pháp thư giãn

Thông thường, những người bệnh vô sinh luôn cảm thấy căng thẳng, lo lắng về tình trạng bệnh của mình. Điều này sẽ gây cản trở rất nhiều trong quá trình điều trị và làm giảm khả năng thụ thai. Do đó, các chuyên gia khuyên rằng, bệnh nhân nên áp dụng các biện pháp thư giãn an toàn để ổn định tâm trạng tốt hơn.

Người bệnh có thể tìm hiểu và áp dụng các bài tập hít thở, yoga, thiền định hoặc lựa chọn những liệu pháp hỗ trợ như massage, xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt, ngâm chân với nước ấm,…để quản lý căng thẳng tốt hơn. Đồng thời những biện pháp thư giãn này cũng cải thiện được giấc ngủ, giúp người bệnh có được một sức khỏe ổn định hơn.

4. Sử dụng thuốc

Trong một số trường hợp cần thiết, các loại thuốc chống trầm cảm, giải tỏa lo âu sẽ giúp người bệnh kiểm soát được những triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần được sự chỉ định và hướng dẫn cụ thể của các chuyên gia. Họ cần phải xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng về nguy cơ của thuốc đối với khả năng thụ thai và sự phát triển của thai nhi sau này.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc hướng thần có thể tương tác với thuốc điều trị vô sinh. Vì thế, bệnh nhân cần phải chia sẻ cụ thể về những loại thuốc mình đang sử dụng và tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Trong thời gian uống thuốc nào có xuất hiện các triệu chứng bất thường, bạn cần thông báo ngay với chuyên gia để được hướng dẫn phương pháp xử lý kịp thời.

Trầm cảm và vô sinh hiếm muộn là hai căn bệnh khác nhau nhưng lại có mối quan hệ khá mật thiết. Vô sinh có thể kèm theo các triệu chứng của bệnh trầm cảm và trầm cảm cũng là một trong các yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị vô sinh. Vì thế, trước khi điều trị vô sinh, các bác sĩ thường tư vấn và áp dụng các biện pháp cân bằng tâm lý để giúp gia tăng cơ hội thụ thai ở người bệnh.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *