Trầm cảm kháng trị là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Theo thống kê, khoảng 10 – 30% bệnh nhân trầm cảm không đáp ứng hoàn toàn với đợt trị liệu bằng thuốc đầu tiên. Những ca trầm cảm kháng trị này chính là nguyên nhân của khoảng 30% tổng số trường hợp trầm cảm mạn tính.

Trầm cảm kháng trị là gì?
Trầm cảm kháng trị là tình trạng các triệu chứng bệnh không được cải thiện sau một khoảng thời gian chữa bệnh nhất định.

Trầm cảm kháng trị là gì?

Trầm cảm kháng trị là tình trạng các triệu chứng bệnh không được cải thiện sau một khoảng thời gian chữa bệnh nhất định. Thông thường, phương pháp điều trị nội khoa và trị liệu tâm lý có thể làm thuyên giảm đáng kể triệu chứng trầm cảm của đa số bệnh nhân. Tuy nhiên, đối với các trường hợp trầm cảm kháng trị, những biện pháp điều trị tiêu chuẩn không thể mang đến kết quả khả quan.

Nếu đang sử dụng thuốc chống trầm cảm theo đúng chỉ định chuyên khoa nhưng các triệu chứng vẫn tiếp diễn, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ để được tư vấn cặn kẽ và điều trị thêm một số tình trạng sức khỏe tinh thần liên quan.

Lúc này, bác sĩ sẽ rà soát lại toàn bộ tình trạng bệnh lý và:

  • Đặt câu hỏi về các yếu tố trong cuộc sống có thể ảnh hưởng đến bệnh trầm cảm của bạn
  • Cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng đáp ứng của người bệnh đối với các phương pháp điều trị (sử dụng thuốc Tây, trị liệu tâm lý và những biện pháp khác mà bạn đã áp dụng)
  • Xem xét mọi loại thuốc bệnh nhân đã sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn cùng các loại thực phẩm chức năng từ thảo dược thiên nhiên
  • Thảo luận cụ thể về từng loại thuốc bạn đã được kê đơn và những bước điều trị tiếp theo trong tương lai
  • Cân nhắc về những vấn đề sức khỏe thực thể có thể khiến bệnh trầm cảm tồi tệ hơn như: đau nhức mạn tính, rối loạn tuyến giáp, bệnh lý tim mạch…
  • Chẩn đoán các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể gây ra hoặc làm bệnh trầm cảm xấu đi như: trầm cảm nhẹ dai dẳng, rối loạn nhân cách, rối loạn lo âu

Nhìn chung, các triệu chứng trầm cảm kháng trị có thể thay đổi mức độ từ nhẹ đến nặng và cần được xem xét, đánh giá, phân tích cẩn thận nhằm tìm ra phương hướng cải thiện an toàn, hiệu quả.

Hiện nay, để hạn chế tối đa sự đánh giá chủ quan của bệnh nhân và bác sĩ chuyên khoa, các chuyên gia đã đề xuất sử dụng một số thang đánh giá triệu chứng trầm cảm có giá trị khoa học như: Hamilton Rating Scale for Depression (HAM-D) và Montgomery Asberg Depression Rating Scale (MADRS). Người bệnh được coi là:

  • Không đáp ứng (nonresponse) khi điểm số thuyên giảm thấp hơn 25% sau khi điều trị với liều lượng thuốc chống trầm cảm phù hợp kéo dài 4 tuần
  • Đáp ứng một phần (partial response) khi điểm số thuyên giảm dao động trong khoảng 25 – 50% sau khi điều trị với liều lượng thuốc chống trầm cảm phù hợp kéo dài 6 – 8 tuần
  • Đáp ứng (response) khi điểm số thuyên giảm đạt 50%

Bệnh trầm cảm kháng trị thường đi kèm triệu chứng lo âu hay kích động nặng nề. Những cơn hoang tưởng hoặc hoảng loạn là các yếu tố tiên lượng xấu. Gần 50% trường hợp trầm cảm xuất hiện hiện tượng hoang tưởng kháng thuốc chống trầm cảm đơn trị liệu. Các ca bệnh đặc biệt này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa một số loại thuốc loạn thần và liệu pháp choáng điện trong một khoảng thời gian dài.

Ngoài ra, tình trạng kéo dài của các giai đoạn trầm cảm cùng sự hình thành của nhiều cơn trầm cảm trước khi chữa bệnh cũng chi phối khả năng đáp ứng của cơ thể người bệnh. Những bệnh nhân trầm cảm loạn thần kinh (neurotic depression) thường đáp ứng kém với thuốc chống trầm cảm hơn so với những bệnh nhân trầm cảm nội sinh.

Nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm kháng trị

Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm kháng trị vẫn chưa được giới chuyên môn hiểu biết cặn kẽ. Trong hầu hết trường hợp, tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn (chẳng hạn gen di truyền). Vì vậy, người bệnh cùng bác sĩ chuyên khoa cần kiên trì tìm ra phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.

Gen di truyền

Các nhà khoa học đã và đang quan sát, theo dõi những loại gen có thể liên quan trực tiếp đến một số dạng trầm cảm khó điều trị trên nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, những xét nghiệm về gen vẫn chưa thể chỉ ra loại thuốc chống trầm cảm phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể.

Vấn đề về thuốc

  • Không uống thuốc đúng thời gian chỉ định

Thuốc chống trầm cảm cần khoảng 6 – 8 tuần để phát huy công dụng tối đa. Thế nhưng, nhiều người bệnh đã bỏ cuộc quá sớm, trước khi đạt được kết quả như mong đợi.

  • Bỏ liều/bỏ cữ

Độc giả sẽ không thể biết được những loại thuốc bạn đang sử dụng có hiệu quả và phù hợp hay không nếu không tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa.

  • Gặp phải tác dụng không mong muốn

Ngay khi gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm, một số người bệnh đã dừng uống thuốc ngay. Đây là điều hoàn toàn không nên.

Thay vào đó, bạn có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được đổi sang loại thuốc mới hoặc kết hợp một số loại thuốc khác. Hơn nữa, trên thực tế, tác dụng không mong muốn của thuốc có xu hướng giảm dần theo thời gian.

  • Tương tác thuốc

Vài loại thuốc không nên dùng kèm thuốc chống trầm cảm. Khi chúng ta sử dụng chúng cùng lúc, không loại thuốc nào có thể phát huy công dụng tốt như bình thường. Thậm chí, rất có thể bạn sẽ gặp phải tương tác thuốc nguy hiểm trong một số trường hợp.

  • Uống sai liều hoặc sai loại thuốc

Hiệu quả của thuốc chống trầm cảm ở mỗi người rất khác nhau. Chúng ta không thể dự đoán chính xác loại thuốc trầm cảm nào phù hợp nhất với bệnh nhân nếu không để họ dùng thử chúng.

Do đó, quá trình tìm kiếm đúng thuốc và đúng liều cần một thời khoảng thời gian thử nghiệm nhất định. Bạn đừng vội vàng từ bỏ trước khi tìm ra loại thuốc phù hợp, an toàn nhé!

Nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm kháng trị
Quá trình tìm kiếm đúng thuốc và đúng liều cần một thời khoảng thời gian thử nghiệm nhất định.

Tình hình sức khỏe

Các tình trạng bệnh như: chán ăn, vấn đề tuyến giáp, ung thư, bệnh tim… có thể góp phần dẫn đến căn bệnh trầm cảm. Điều quan trọng là bệnh nhân nên cố gắng tìm ra giải pháp chữa bệnh phù hợp với cả trầm cảm lẫn các chứng bệnh khác.

Lạm dụng chất kích thích, chất gây nghiện cũng có thể đi kèm căn bệnh trầm cảm. Thói quen này sẽ tạo nên điều kiện thuận lợi để bệnh tình khởi phát hoặc trở nên trầm trọng, từ đó kéo giảm kết quả điều trị của các loại thuốc chống trầm cảm. Nếu đang gặp phải vấn đề này, người bệnh cần tìm kiếm sự giúp đỡ càng sớm càng tốt.

Chẩn đoán nhầm

Tuy khá khó tin nhưng đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng trầm cảm kháng trị. Một số bệnh nhân không thể đáp ứng với phác đồ điều trị chỉ đơn giản vì họ bị chẩn đoán nhầm bệnh. Bạn có thể mắc phải một số rối loạn tâm thần khác như: rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực mà không phải bệnh trầm cảm kháng trị.

Phương pháp cải thiện tình trạng trầm cảm kháng trị

Cuộc sống của những bệnh nhân trầm cảm kháng trị gặp rất nhiều khó khăn. Khi một liệu trình điều trị không thành công, người bệnh có thể cảm thấy chán nản, mệt mỏi và đánh mất hy vọng. Lúc này, dường như mọi nỗ lực chữa bệnh của họ đều hoàn toàn tan biến.

Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả không hề vô nghĩa hay lãng phí. Bạn cần dành đủ nhiều thời gian để thử nghiệm hàng loạt lựa chọn điều trị trước khi tìm thấy phương pháp chữa bệnh hiệu quả và phù hợp nhất.

Thay vì cảm thấy buồn bã, bi quan, hãy cố gắng nhìn mọi thứ theo hướng tươi sáng, tích cực hơn rằng sau mỗi lần thất bại với một liệu trình điều trị nào đó, bạn đồng thời cũng đang tiến lên một bước và đến gần hơn mục tiêu cuối cùng.

Điều trị nội khoa

Nếu đang sử dụng thuốc chống trầm cảm nhưng chưa nhận thấy kết quả khả quan thì đừng thất vọng nhé! Điều này có thể chỉ vì bệnh nhân chưa tìm đúng loại thuốc phù hợp hoặc cần kết hợp một số loại thuốc khác. Sau khi đánh giá tình hình hiện tại, bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu bạn:

  • Tăng thêm thời gian dùng thuốc

Thuốc chống trầm cảm và những phương pháp điều trị thường phát huy đầy đủ công dụng sau 4 – 8 tuần. Khi đó, các tác dụng không mong muốn cũng giảm đi đáng kể. Hơn nữa, những người bệnh trầm cảm kháng trị sẽ phải chữa bệnh lâu dài hơn một chút.

  • Tăng liều lượng nếu cần

Khả năng đáp ứng với thuốc chống trầm cảm của mỗi người rất khác nhau. Một số bệnh nhân cần sử dụng thuốc liều cao mới đạt được hiệu quả như ý. Hãy thường xuyên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về hiệu quả của thuốc để được hướng dẫn điều chỉnh liều lượng, tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc hoặc gia giảm một cách ngẫu nhiên, bừa bãi.

  • Đổi sang loại thuốc khác

Sau khi uống loại thuốc chống trầm cảm đầu tiên nhưng không thu được kết quả, nhiều người bệnh đã phải thử thêm các loại thuốc khác trước khi tìm thấy loại thuốc phù hợp, hiệu quả nhất với bản thân.

  • Kết hợp thuốc chống trầm cảm khác

Bác sĩ chuyên khoa có thể kê toa thuốc chống trầm cảm khác nhóm để bạn sử dụng cùng lúc. Giải pháp này giúp tất cả loại thuốc có thể tác động lên nhiều chất hóa học bên trong não bộ liên quan đến tâm trạng một cách toàn diện hơn. Những chất hóa học này là các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng như: norepinephrin, serotonin, dopamin…

  • Kết hợp loại thuốc điều trị bệnh lý khác

Bác sĩ điều trị có thể kê toa một loại thuốc với tác dụng điều trị tình trạng bệnh lý tâm thần hoặc bệnh lý thực thể khác (chẳng hạn thuốc an thần, thuốc điều trị tâm thần, thuốc chống lo lắng, hormon tuyến giáp và một số loại thuốc khác) để bạn sử dụng song song với thuốc chống trầm cảm.

  • Cân nhắc dùng thử genotype cytochrome P450 (CYP450) nếu có sẵn

Bài kiểm tra này giúp bác sĩ chuyên tìm kiếm sự tồn tại của các gen đặc biệt liên quan đến quá trình chuyển hóa thuốc Tây bên trong cơ thể người bệnh. Vì có nhiều đột biến gen kéo theo sự thay đổi của men cytochrome P450, các loại thuốc sẽ tác động khác nhau đến từng bệnh nhân.

Tuy nhiên, xét nghiệm này chỉ có thể cung cấp một số đầu mối chứ không thể chỉ ra cho chúng ta biết liệu rằng một loại thuốc chống trầm cảm nhất định có thể đem đến kết quả khả quan không.

Trị liệu tâm lý

Đây là phương pháp chữa bệnh trầm cảm kháng trị an toàn, hiệu quả. Để đạt được kết quả điều trị tối ưu, bệnh nhân nên kết hợp sử dụng thuốc chống trầm cảm với kỹ thuật trị liệu tâm lý.

Phương pháp này giúp người bệnh phát hiện ra nhiều vấn đề tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp đến căn bệnh trầm cảm của bạn, đồng thời:

  • Tìm ra giải pháp tốt nhất để bệnh nhân đương đầu, đối phó với hàng loạt thách thức trong cuộc sống
  • Chữa lành những chấn thương tâm lý và chấn thương cảm xúc trong quá khứ
  • Kiểm soát và điều chỉnh các mối quan hệ xã hội
  • Hướng dẫn biện pháp xoa dịu căng thẳng và giảm thiểu áp lực

Kỹ thuật trị liệu tâm lý bao gồm:

  • Liệu pháp nhận thức – hành vi giúp định danh, nắm bắt và tháo gỡ những cảm giác, suy nghĩ, hành vi ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng của bệnh nhân, hỗ trợ thay đổi tư duy tiêu cực, đồng thời hướng dẫn kỹ năng phản ứng một cách tích cực và hiệu quả trước các thử thách trong cuộc sống.
  • Liệu pháp chấp nhận và cam kết là một dạng của liệu pháp nhận thức – hành vi. Hình thức trị liệu này có thể định hướng và thúc đẩy chúng ta hành động tích cực, lành mạnh ngay cả khi trong đầu đang xuất hiện cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực.
  • Liệu pháp tâm lý giao tiếp tập trung chủ yếu vào quá trình giải quyết những vấn đề liên quan đến các hững mối quan hệ góp phần gây ra tình trạng trầm cảm kháng trị của bạn.
  • Liệu pháp hôn nhân hoặc gia đình cần có sự tham gia của chồng/vợ hoặc một số thành viên trong gia đình người bệnh trong buổi tư vấn. Kỹ thuật trị liệu này có tác dụng loại bỏ căng thẳng trong những mối quan hệ thân thiết, từ đó hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm một cách hiệu quả.
  • Liệu pháp điều trị tâm động giúp bệnh nhân khám phá các niềm tin và cảm giác sâu xa bên trong chính bạn, từ đó giải quyết triệt để những vấn đề cơ bản liên quan đến căn bệnh trầm cảm.
  • Liệu pháp hành vi biện chứng có khả năng xây dựng chiến lược chấp nhận thực tại và trang bị kỹ năng giải quyết toàn diện vấn đề, rất hữu ích cho những người bệnh nảy sinh ý định tự sát dai dẳng hoặc đang tìm cách làm tổn thương bản thân.
  • Liệu pháp trị liệu theo nhóm thu hút sự tham gia của một nhóm người bệnh đang cố gắng chiến đấu với căn bệnh trầm cảm, dưới sự dẫn dắt của một nhà tâm lý trị liệu.
Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là phương pháp chữa bệnh trầm cảm kháng trị an toàn, hiệu quả.

Nếu phương pháp trị liệu tâm lý không mang đến kết quả như mong đợi, người bệnh cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ chuyên khoa để thử nghiệm liệu trình khác hoặc cân nhắc thay đổi chuyên gia tâm lý. Tương tự quá trình điều trị nội khoa, bạn cần thử qua nhiều liệu pháp tâm lý khác nhau nhằm khám phá biện pháp phù hợp nhất với bản thân.

Một số phương pháp điều trị khác

Bác sĩ chuyên khoa có thể cân nhắc chỉ định liệu pháp xung điện, kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ và kỹ thuật kích thích thần kinh phế vị nếu công tác điều trị nội khoa và trị liệu tâm lý không thể mang lại hiệu quả.

  • Liệu pháp xung điện (Electroconvulsive Therapy – ECT)

Liệu pháp xung điện rất phổ biến ở Châu Âu. Khi đang ngủ, một liều điện từ đã được tính toán cẩn thận sẽ đi qua não bệnh nhân. Kỹ thuật này sẽ gây ra hiện tượng thay đổi các chất hóa học bên trong bộ não và nhanh chóng đảo ngược những triệu chứng của trầm cảm nặng.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, liệu pháp xung điện có thể mang đến lợi ích nhất định đối với những người bệnh tâm thần phân liệt và trầm cảm mạn tính. Theo thống kê, một số bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác nhưng lại đáp ứng tốt với liệu pháp xung điện.

Hình thức điều trị này thường được tiến hành 3 lần/tuần. Người bệnh có thể yêu cầu tối thiểu 3 – 4 buổi và tối đa 12 – 15 buổi trị liệu trong một liệu trình. So với lúc mới ra đời, liệu pháp xung điện không còn gây đau đớn như những thập kỷ trước. Thế nhưng, mất trí nhớ chính là tác dụng không mong muốn chính mà độc giả cần lưu ý. Những vấn đề liên quan đến trí nhớ có xu hướng hồi phục khoảng vài tháng sau khi kết thúc lần điều trị cuối cùng.

  • Kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ lặp lại (Repetitive Transcranial Magnetic Stimulation – rTMS)

Kỹ thuật này thường được áp dụng khi liệu pháp xung điện không phát huy tác dụng. Bằng cách kích thích tế bào thần kinh bằng trường điện từ, phương pháp kích thích từ trường xuyên sọ lặp lại có thể cải thiện hiệu quả các triệu chứng trầm cảm. Thông thường, liệu trình chữa bệnh trầm cảm kháng trị sẽ áp dụng hình thức điều trị này 16 phút/ngày trong vòng 4 ngày liên tục.

  • Kỹ thuật kích thích thần kinh phế vị (Vagus Nerve Stimulation – VNS)

Các chuyên gia chỉ chỉ định phương pháp kích thích thần kinh phế vị sau khi liệu pháp xung điện và kỹ thuật kích thích thần kinh phế vị không thành công.

Đúng như tên gọi, phương pháp này sẽ cấy một thiết bị chuyên dụng (có kết nối với thần kinh phế vị ở cổ) vào ngực người bệnh để kích thích dây thần kinh này bằng xung điện. Những tín hiệu điện sẽ đi từ thiết bị theo dây thần kinh phế vị đến các trung tâm tâm trạng của não bộ, từ đó cải thiện triệu chứng trầm cảm.

Một số lưu ý khi điều trị trầm cảm kháng trị

Trong quá trình chữa bệnh, độc giả cần ghi nhớ một số nguyên tắc sau:

  • Đánh dấu cẩn thận vào kế hoạch điều trị

Đừng bao giờ bỏ lỡ bất cứ cuộc hẹn điều trị hoặc phiên trị liệu nào cả. Mọi phương pháp chữa bệnh đều cần rất nhiều thời gian để phát huy hiệu quả. Đặc biệt, tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc ngay cả khi bệnh nhân đã cảm thấy tốt hơn. Nếu làm vậy, những triệu chứng phiền toái có thể dễ dàng quay trở lại.

Lúc này, bạn buộc phải đối mặt với hội chứng cắt thuốc. Ngoài ra, hãy thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ chuyên khoa nếu chi phí điều trị hoặc tác dụng phụ của thuốc khiến người bệnh gặp rắc rối.

  • Ngừng sử dụng các loại thuốc giải trí

Nhiều bệnh nhân trầm cảm đã cố tình tìm đến thức uống có cồn, cần sa hoặc các loại thuốc giải trí. Rõ ràng, thói quen này sẽ cản trở quá trình điều trị. Nếu độc giả dùng chúng trong một khoảng thời gian dài, những triệu chứng trầm cảm của bạn sẽ xấu đi rõ rệt.

  • Kiểm soát tốt căng thẳng

Các vấn đề tài chính, công việc, hôn nhân, cuộc sống, sức khỏe và mối quan hệ… chính là những tác nhân hàng đầu khiến bệnh trầm cảm kháng trị diễn biến tồi tệ. Hãy tìm ra giải pháp quản lý căng thẳng tối ưu bằng cách ngồi thiền, tập yoga, hít thở sâu, viết nhật ký… nhé!

  • Ngủ ngon hơn

Chất lượng giấc ngủ có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cảm xúc, tâm trạng, khả năng tập trung và mức độ năng lượng của chúng ta. Khi gặp phải các vấn đề về giấc ngủ, bạn có thể nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa.

  • Tập thể dục thường xuyên

Thói quen rèn luyện sức khỏe có tác động sâu sắc đến tâm trạng của chúng ta. Bên cạnh đó, các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, đơn giản như đi bộ, làm vườn cũng góp phần bạn xoa dịu căng thẳng, cải thiện giấc ngủ và hạn chế triệu chứng trầm cảm.

Bất kể điều gì xảy ra, xin đừng dễ dàng từ bỏ, đừng buông xuôi chấp nhận niềm tin tiêu cực rằng bản thân không thể vượt qua căn bệnh đáng sợ này. Bạn có thể làm được. Hành trình thoát khỏi bệnh trầm cảm của bạn tuy gian nan, thử thách nhưng nhất định sẽ thành công!

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *