Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm hiện nay

Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần thường gặp, đi kèm triệu chứng chán nản, buồn bã, mất hứng thú, giảm năng lượng, cảm thấy tội lỗi, đánh giá thấp bản thân, kém tập trung, rối loạn giấc ngủ. Căn bệnh này khá khó chẩn đoán phân biệt. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm hiện nay.

Tìm hiểu sơ lược về bệnh trầm cảm

Trầm cảm là bệnh lý về cảm xúc, tâm thần được biểu hiện bằng quá trình ức chế của toàn bộ hoạt động tâm thần. Bảng Phân loại Bệnh Quốc tế lần thứ 10 cho biết, bệnh trầm cảm điển hình bao gồm những dấu hiệu nhận biết như: khí sắc trầm, mất hứng thú với cuộc sống, giảm năng lượng, căng thẳng, mệt mỏi, phản ứng chậm chạp…

Tìm hiểu sơ lược về bệnh trầm cảm
Trầm cảm là bệnh lý về cảm xúc, tâm thần được biểu hiện bằng quá trình ức chế của toàn bộ hoạt động tâm thần.

Bên cạnh đó, chứng bệnh này cũng đi kèm một số biểu hiện: mất tự tin, suy giảm lòng tự trọng, kém tập trung, suy nghĩ bi quan, cảm thấy bản thân không xứng đáng, rối loạn giấc ngủ, ăn uống không ngon miệng, nảy sinh ý định hủy hoại bản thân hoặc tự sát. Thông thường, những triệu chứng này kéo dài tối thiểu 2 tuần.

Hội chứng trầm cảm chính là biểu hiện lâm sàng của căn bệnh trầm cảm. Dấu hiệu nhận biết của hội chứng trầm cảm điển hình là:

  • Cảm xúc ức chế: mệt mỏi, buồn rầu, giảm trương lực xúc cảm, chán ăn, không muốn làm việc, mất hứng thú trong cuộc sống, suy giảm ham muốn tình dục…
  • Tư duy ức chế: ý tưởng nghèo nàn, suy nghĩ chậm chạp, liên tưởng khó khăn, khó tập trung tư tưởng, cảm thấy tự ti, thường xuyên dằn vặt, chỉ trích bản thân, trở nên vô vọng, hình thành những ý định đen tối (đặc biệt là tự sát)…
  • Vận động ức chế: chậm chạp, lờ đờ, khí sắc trầm buồn, dáng điệu uể oải, giọng nói trầm, thiếu có sức sống, già trước tuổi, một số trường hợp có thể bị bất động…

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm hiện nay

Hiện nay, trong tâm thần học, công tác chẩn đoán rối loạn trầm cảm căn cứ vào hai hệ thống chẩn đoán, đó là hệ thống chẩn đoán trong Bảng Phân loại Bệnh Quốc tế (ICD-10) và hệ thống chẩn đoán của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (DSM-IV).

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm theo ICD-10

Những năm gần đây, công tác chẩn đoán bệnh trầm cảm ở nước ta được tiến hành dựa trên các nguyên tắc chẩn đoán trong Bảng Phân loại Bệnh Quốc tế (ICD-10). Các tiêu chuẩn này do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào năm 1992, có giá trị lâm sàng trong quá trình chẩn đoán bệnh trầm cảm ở mức độ nhẹ – vừa – nặng và hiện đang được ứng dụng trong nhiều nghiên cứu cộng đồng.

Trong Bảng Phân loại Bệnh Quốc tế ICD-10, bệnh trầm cảm được xếp ở mục F.32, thuộc phần Rối loạn khí sắc. Theo đó, dạng rối loạn tâm thần này bao gồm các triệu chứng sau:

3 triệu chứng đặc trưng

  • Khí sắc trầm
  • Mất hứng thú với cuộc sống và thế giới xung quanh
  • Mệt mỏi và giảm năng lượng

7 triệu chứng phổ biến khác

  • Suy giảm khả năng tập trung, chú ý
  • Kém tự tin, suy giảm lòng tự trọng, khó đưa ra quyết định
  • Cảm giác tội lỗi và không xứng đáng
  • Suy nghĩ bi quan, u ám về tương lai
  • Nảy sinh ý định hủy hoại bản thân hoặc tự sát
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn (tăng hoặc giảm), thay đổi trọng lượng cơ thể

Ngoài ra, những triệu chứng cơ thể/triệu chứng sinh học của bệnh trầm cảm gồm có:

  • Mất hứng thú với những hoạt động đã từng yêu thích trước đây
  • Mất phản ứng cảm xúc với môi trường hoặc sự kiện xung quanh
  • Thức dậy sớm hơn 2 tiếng vào buổi sáng so với bình thường
  • Trạng thái u uất, phiền muộn nặng hơn vào buổi sáng
  • Có bằng chứng khách quan về tình trạng tăng động hoặc vận động chậm chạp của bản thân (biểu hiện này được người khác nhận thấy và kể lại)
  • Giảm cảm giác ngon miệng
  • Tụt cân (khoảng 5% so với trọng lượng cơ thể tháng trước hoặc nhiều hơn)
  • Giảm/mất hưng phấn tình dục đáng kể
  • Xuất hiện triệu chứng loạn thần (ảo giác, hoang tưởng) trong một số trường hợp

Bệnh trầm cảm nhẹ (F32.0)

  • Có 2/3 triệu chứng đặc trưng và 2/7 triệu chứng phổ biến, diễn ra trong vòng tối thiểu 2 tuần
  • Khó tiếp tục hoạt động xã hội hoặc khó thực hiện các công việc hàng ngày (có thể có hoặc không đi kèm triệu chứng cơ thể)

Bệnh trầm cảm vừa (F32.1)

  • Có 2/3 triệu chứng đặc trưng và 3/7 triệu chứng phổ biến, diễn ra trong vòng tối thiểu 2 tuần
  • Gặp nhiều trở ngại trong hoạt động nghề nghiệp và sinh hoạt gia đình (có thể có hoặc không đi kèm triệu chứng cơ thể)

Bệnh trầm cảm nặng (F32.2)

  • Có 3/3 triệu chứng đặc trưng và 4/7 triệu chứng phổ biến, diễn ra trong vòng tối thiểu 2 tuần
  • Luôn xuất hiện triệu chứng cơ thể
  • Ít có khả năng tiếp tục hoạt động nghề nghiệp và sinh hoạt gia đình – xã hội

Bệnh trầm cảm nặng đi kèm triệu chứng loạn thần (F32.3)

  • Thỏa mãn mọi tiêu chuẩn đã nêu tiêu chí chẩn đoán bệnh trầm cảm nặng
  • Xuất hiện dấu hiệu ảo giác, hoang tưởng hoặc sững sờ rối loạn trầm cảm (bao gồm ảo giác, hoang tưởng có thể không phù hợp hoặc phù hợp với khí sắc)
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm theo ICD-10
Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm theo ICD-10

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm nặng theo DSM-IV

Theo tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm nặng DSM-IV, bệnh nhân cần có ít nhất 5/9 triệu chứng (được đề cập dưới đây) xuất hiện cùng lúc trong giai đoạn 2 tuần và thể hiện một sự thay đổi chức năng trước đó, đồng thời có tối thiểu 1 trong các triệu chứng hoặc của sự mất khoái cảm, mất quan tâm hoặc của khí sắc trầm.

  • Khí sắc trầm buồn suốt ngày, gần như mỗi ngày
  • Mất sự quan tâm, hứng thú một cách rõ rệt trong đa số hoạt động trong ngày, gần như mỗi ngày
  • Tăng cân hoặc giảm cân rõ ràng dù không ăn kiêng; tăng hoặc giảm cảm giác ngon miệng gần như mỗi ngày
  • Ngủ nhiều hoặc mất ngủ gần như mỗi ngày
  • Chậm chạp hoặc kích thích tâm thần vận động gần như mỗi ngày
  • Mệt mỏi, uể oải, mất năng lượng gần như mỗi ngày
  • Cảm thấy thừa thãi, vô dụng, tội lỗi một cách vô lý (có thể là hoang tưởng) gần như mỗi ngày
  • Mất tập trung, giảm khả năng chú ý, hay do dự gần như mỗi ngày
  • Suy nghĩ lặp lại về cái chết (không còn đơn thuần là cảm giác sợ chết), nảy sinh ý định tự sát (có hoặc không có kế hoạch cụ thể)

Các thang đánh giá bệnh trầm cảm

Thang đánh giá Beck Depression Inventory (BDI), thang đánh giá Hamilton Depression và thang đánh giá CES-D (Centre for Epidemiological Studies – Depression Scale) là 3 loại thang đánh giá bệnh trầm cảm phổ biến nhất hiện nay.

Thang đánh giá Beck Depression Inventory (BDI)

Aaron T. Beck là cha đẻ của thang đánh giá bệnh trầm cảm Beck Depression Inventory – BDI. Với 21 câu hỏi, công cụ này được Beck và các cộng sự xây dựng vào năm 1961. Cho đến tận ngày nay, đây vẫn là bản đánh giá tâm lý và kiểm tra mức độ trầm cảm được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới.

Thang đánh giá Beck Depression Inventory bao gồm 3 phiên bản sau:

  • Bản đánh giá BDI gốc được giới thiệu vào năm 1961
  • Bản đánh giá BDI-1A (là phiên bản chỉnh của bản BDI gốc) được công bố vào năm 1978
  • Bản đánh giá BDI-II (được thiết kế dành cho đối tượng từ 13 tuổi trở lên) ra mắt vào năm 1996

Theo kết quả tổng hợp từ hơn 2.000 nghiên cứu thực nghiệm sử dụng BDI tại 28 quốc gia trên toàn cầu, bản đánh giá này có thể mang đến hiệu quả cao về mặt lâm sàng và cận lâm sàng. Tuy nhiên, bản đánh giá BID gốc (năm 1961) chỉ đánh giá vào thời điểm phỏng vấn và có ý nghĩa thấp hơn. Trong khi đó, bản đánh giá BDI-II ưu việt hơn với chỉ số alpha mang tính ổn định.

Thang đánh giá Beck Depression Inventory phiên bản II (năm 1996) gồm 21 câu hỏi với mục đích kiểm tra nhận thức, tình cảm, triệu chứng, hành vi và các thể dạng của căn bệnh trầm cảm. Mỗi câu hỏi có thể phản ánh mức độ nghiêm trọng của triệu chứng bệnh lý. Bệnh nhân sẽ khoanh tròn vào những con số đại diện cho nhận định chính xác nhất về cảm xúc bản thân trong 2 tuần gần đây.

Nhìn chung, chỉ số BDI-II có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích và cần thiết về mức độ của triệu chứng trầm cảm. Thế nhưng, bên cạnh việc tự đánh giá bản thân bằng thang đo này, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ tâm thần hoặc gặp mặt nhà tâm lý lâm sàng để được đánh giá một cách cụ thể, chính xác nhất. Ở nước ta, thang đánh giá Beck Depression Inventory có thể hỗ trợ chẩn đoán triệu chứng lâm sàng cũng như theo dõi kết quả điều trị.

Thang đánh giá Hamilton Depression (HAM-D)

Được ra đời từ năm 1960, thang đánh giá bệnh trầm cảm Hamilton Depression thường được viết tắc theo chữ cái đầu trong tiếng Anh thành HAM-D (tức Hamilton Depression hoặc Hamilton Depression Rating Scale).

Đây là một trong những công cụ đo lường mức độ trầm cảm chung hàng đầu hiện nay. Thang đo này thường do bác sĩ tâm thần hướng dẫn (bệnh nhân) thực hiện và vẫn luôn được xem là những tiêu chuẩn vàng trong công tác chẩn đoán căn bệnh trầm cảm.

Thang đo Hamilton Depression gồm 17 đề mục. Mỗi đề mục đại diện cho những triệu chứng khác nhau của rối loạn trầm cảm. Người bệnh sẽ mất khoảng 20 – 30 phút để hoàn thành bài kiểm tra này. Điểm tổng kết của tất cả đề mục có thể phản ánh mức độ trầm cảm của người thực hiện.

Thang đánh giá Hamilton Depression (HAM-D)
Thang đánh giá Hamilton Depression (HAM-D) là một trong những công cụ đo lường mức độ trầm cảm chung hàng đầu hiện nay.

Thang đánh giá Centre for Epidemiological Studies – Depression Scale (CES-D)

Thang đánh giá Centre for Epidemiological Studies – Depression Scale (CES-D) là một bộ câu hỏi ngắn gọn giúp hỗ trợ các chuyên gia đánh giá triệu chứng trầm cảm cho cộng đồng.

Thang đo này đã được thử nghiệm trong nhiều cuộc điều tra phỏng vấn hộ gia đình cũng như ứng dụng trong một số nghiên cứu tâm thần học. Trải qua quá trình kiểm chứng chặt chẽ, thang đánh giá Centre for Epidemiological Studies – Depression Scale được công nhận là mang tính cụ thể và có độ chính xác cao.

Các đề mục của thang đo được thiết lập nhờ vào hệ thống biểu mẫu tự điền. Vì vậy, công cụ hữu ích này sở hữu tính hợp lệ, độ tin cậy và sự đồng nhất cao với đặc điểm nhân khẩu học trong những thử nghiệm trên dân số chung.

Tuy nhiên, nhược điểm của thang đánh giá này là nó không được sử dụng như một tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm lâm sàng, điểm cắt rối loạn trầm cảm để kiểm tra lâm sàng vẫn chưa được xác nhận. Hơn nữa, chất lượng đánh giá vẫn còn phụ thuộc phần lớn vào kỹ năng của người phỏng vấn cũng như trình độ nhận thức của cả bệnh nhân và người phỏng vấn.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Bài viết đã tổng hợp những thông tin cần biết về các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm hiện nay. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc câu hỏi nào liên quan đến các vấn đề về tâm lý nói chung và căn bệnh trầm cảm nói riêng, bạn hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được giải đáp cặn kẽ, chính xác.

TRUNG TÂM TÂM LÝ TRỊ LIỆU NHC VIỆT NAM

  • Cơ sở Hà Nội: Số 11 ngõ 83 Trần Duy Hưng, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy | Số điện thoại: (024) 2216 8008 – 096 589 8008
  • Cơ sở TPHCM: Số 18 đường Phan Chu Trinh, phường 13, quận Bình Thạnh | Số điện thoại: (028) 2201 2555 – 096 299 8008
  • Website: tamlytrilieunhc.com
  • Fanpage: fb.com/tamlytrilieunhc

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *