Phân tích tâm lý đám đông trên mạng xã hội và những ảnh hưởng
Tâm lý đám đông trên mạng xã hội là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Vấn đề này có cả mặt tích cực và tiêu cực, tốt nhất nên tìm hiểu cặn kẽ để biết cách ứng dụng phù hợp, tránh gặp phải những rắc rối khi tham gia mạng xã hội.
Tâm lý đám đông trên mạng xã hội là gì?
Tâm lý đám đông hay còn được gọi là hiệu ứng đám đông – một hiện tượng rất phổ biến trên mạng xã hội hiện nay. Ở hiện tượng này, cảm xúc, suy nghĩ, thái độ, lời nói và hành vi của một cá nhân sẽ bị tác động lớn từ nhiều người khác bên ngoài. Sự tác động này có thể khiến cho cá nhân đó “đánh mất chính mình”, đồng thời xuất hiện những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi mà khi ở một mình họ chưa bao giờ thể hiện.
Tâm lý đám đông trên mạng xã hội thường khiến nhiều người đổ xô vào phán xét một vấn đề mà không biết rõ nguyên nhân hay nguồn gốc của sự việc. Các hành vi của họ thường xuất phát từ sự hiếu kỳ, tò mò muốn biết việc gì đang xảy ra, họ hành động một cách vô thức, còn được gọi là “bắt chước” lẫn nhau.
Thực tế cho thấy, tâm lý đám đông trên mạng xã hội thường thể hiện theo nhóm, nó là tập hợp của nhóm người có cùng đặc điểm tính cách, cùng suy nghĩ và nhân sinh quan có phần giống nhau. Khi đứng trước một vấn đề thì nhóm người này có thể cho là đúng, là phù hợp nhưng nhóm người khác lại không đồng thuận, cho nó là sai và phản bác lại.
Những ý kiến trái chiều của các nhóm đám đông trên mạng xã hội có thể gây tranh cãi và sẽ thu hút nhiều người bên ngoài tham gia vào tranh luận hơn. Từ đó khiến cho hiệu ứng đám đông càng có sức ảnh hưởng sâu rộng, mang đến cả những kết quả tích cực và tiêu cực.
Đặc tính của tâm lý đám đông trên mạng xã hội
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học xã hội Gustave Le Bon – người Pháp thì đám đông trên không gian mạng xã hội thường quy tụ những tính chất điển hình sau đây:
– Tính bốc đồng, dễ thay đổi:
Hành động của đám đông thường bị điều khiển bởi hệ thần kinh thực vật nhiều hơn so với não bộ. Tức là, có rất nhiều người trong đám đông trên mạng xã hội bị điều khiển bởi sự vô thức.
Trên thực tế, hành động của đám đông thường đi theo những kích thích ngẫu nhiên thay vì được điều khiển bởi não bộ. Nhiều người không có sự suy tính, họ có thể bị kích động trong giây phút và trải qua nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau.
– Tính thái quá:
Những cảm xúc mà tâm lý đám đông trên mạng xã hội thể hiện đa phần đều rất đơn giản nhưng lại thái quá. Trong đó sự thái quá luôn mạnh mẽ bởi nó có xu hướng lan truyền nhanh, “lây nhiễm” từ người này sang người khác.
– Tính nhẹ dạ và dễ bị tác động:
Nhẹ dạ và dễ bị tác động cũng là một trong những đặc tính rất nổi bật của đám đông trên mạng xã hội. Đám đông dễ bị tình cảm mãnh liệt của chính họ kích thích, họ dễ bị lạc trong các ranh giới của sự vô thức, đồng thời luôn ngả theo mọi ảnh hưởng từ những người xung quanh.
– Tính phiến diện:
Đây là đặc tính của đám đông trên mạng xã hội giúp bảo vệ họ khỏi nghi ngờ và lưỡng lự. Một việc thoạt nhìn qua đã thấy rất đáng nghi nhưng đám đông lại chỉ nhìn nhận một chiều và ngay lập tức họ biến nó thành điều chắc chắn, rõ ràng mười mươi.
– Tính độc đoán, bảo thủ, không khoan dung:
Đa phần những ý kiến, tư tưởng truyền vào đám đông sẽ được tiếp nhận một cách nhanh chóng mà không cần xem xét. Đám đông trên mạng xã hội luôn ý thức được sức mạnh của họ, cho nên họ có xu hướng tùy tiện, độc đoán và không khoan dung.
Tâm lý đám đông trên mạng xã hội là luôn tôn sùng quyền lực. Họ dễ dàng chấp nhận sự bảo thủ, độc đoán, họ luôn kiên định với lập trường cố hữu mà không quan tâm đến đúng sai, phải trái.
Nguyên nhân hình thành tâm lý đám đông trên mạng xã hội
Hiệu ứng đám đông là một hiện tượng dễ dàng nhận thấy không chỉ trên không gian mạng xã hội mà còn trong cuộc sống hằng ngày. Riêng đối với mạng xã hội thì tâm lý đám đông có thể được hình thành từ một số nguyên nhân sau đây:
- Xu hướng hòa nhập, không muốn bản thân khác biệt: Đa phần mọi người đều không muốn trở nên khác biệt trong mắt những người xung quanh. Việc muốn hòa nhập động đồng khiến cho một cá nhân sẵn sàng bỏ qua ý kiến của mình để chạy theo số đông, điều này sẽ tạo cảm giác an toàn khi hòa nhập với những người xung quanh.
- Thiếu chính kiến, không có lập trường: Tâm lý đám đông trên mạng xã hội thường là nơi quy tụ của những con người thiếu chính kiến và không có lập trường vững vàng. Những người này rất dễ hùa theo ý kiến của người khác, thậm chí sẵn sàng thay đổi từ nhóm đám đông này qua nhóm đám đông khác khi thấy quan điểm phù hợp. Hoặc cũng có thể thấy bên nào đông hơn, có lợi hơn thì họ sẽ đứng về phe đó, không còn quan tâm đến vấn đề đúng sai.
- Sức mạnh của đám đông: Có những người tham gia vào đám đông trên mạng xã hội vì họ bị cuốn theo nhưng cũng có những người ban đầu họ đã có chủ đích. Những người này thường hiểu được sức mạnh của đám đông, họ lợi dụng điều này để thực hiện các chiến dịch quảng bá, kinh doanh nhờ gây được sự chú ý với nhiều người khác.
Ảnh hưởng của tâm lý đám đông trên mạng xã hội
Theo đánh giá từ các chuyên gia tâm lý học xã hội thì tâm lý đám đông trên mạng xã hội mang đến cả những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực. Cụ thể như sau:
1. Ảnh hưởng tích cực
Cùng với sự phát triển không ngừng của mạng xã hội thì tâm lý đám đông trên không gian mạng cũng đã mang đến vô vàn lợi ích cho một số nhóm người nhất định. Nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp,… đã ứng dụng tâm lý đám đông trên mạng xã hội để có được sự thành công vang dội trong những chiến dịch truyền thông, quảng bá.
Nếu chú ý bạn có thể thấy, trên mạng xã hội bây giờ đang rất thịnh hành chiến dịch “seeding” để thu hút đám đông. Đây là một ảnh hưởng tích cực mà tâm lý đám đông mang lại cho lĩnh vực marketing. Seeding sẽ giúp tạo hiệu ứng và gây dựng niềm tin cũng như lôi kéo sự quan tâm của nhiều người đối với sản phẩm, dịch vụ đang quảng cáo.
Một ví dụ khác cho ảnh hưởng tích cực mà tâm lý đám đông trên mạng xã hội mang đến đó là việc nâng cao tinh thần tương thân tương ái trong đại dịch covid-19. Ngay khi đại dịch đang hoành hành thì trên Facebook xuất hiện rất nhiều hội nhóm cùng chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch, giúp đỡ lẫn nhau cả về tinh thần lẫn vật chất. Những comment tích cực được hưởng ứng rất nhiều, mỗi người góp một tiếng nói để cổ vũ, động viên lẫn nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ngoài ra, cũng trong đại dịch, các kênh truyền thông của nhà nước đã ứng dụng rất tốt mặt tích cực của tâm lý đám đông trên mạng xã hội. Cụ thể là việc nêu gương người tốt việc tốt, tuyên dương tinh thần của đội ngũ y bác sĩ, công an, cán bộ các cấp,… trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Điều này cũng góp phần giúp mỗi người dân nâng cao hơn nữa ý thức và tinh thần trách nhiệm. Nhà nhà chống dịch, người người chống dịch và mỗi cá nhân sẽ không muốn mình trở thành kẻ lạc loài, đi ngược với số đông.
Một khía cạnh khác mà tâm lý đám đông trên không gian mạng có thể mang lại lợi ích khi biết ứng dụng đó là việc đòi lại công bằng. Tiếng nói của một người có thể không là gì nhưng của nhiều người thì có khả năng tạo ra một làn sóng. Rất nhiều người đã ứng dụng được điều này vào việc gây áp lực cho người khác trong vấn đề đòi danh dự, đòi nợ hoặc khiến nhiều vấn đề khuất tất được phơi bày ra ánh sáng.
2. Ảnh hưởng tiêu cực
Bên cạnh mặt tích cực thì tâm lý đám đông trên mạng xã hội cũng đã gây ra không ít những ảnh hưởng tiêu cực. Như đã phân tích, đám đông trên mạng xã hội thường có xu hướng hùa theo người khác mà không suy xét vấn đề, không quan tâm đúng sai. Có một số vấn đề rõ ràng là sai nhưng vẫn nhiều người tin theo, việc hành động theo cái sai, cái xấu nhất định sẽ để lại những hệ lụy khó lòng đong đếm.
Trên thực tế, đã có rất nhiều người lợi dụng ảnh hưởng của tâm lý đám đông trên không gian mạng để thực hiện các hành vi xấu bằng cách điều hướng dư luận, gây áp lực cho người khác. Một số nạn nhân đã phải chịu áp lực không đáng có từ mạng xã hội, dẫn đến suy sụp tinh thần, gặp các vấn đề rối loạn lo âu, trầm cảm,… Thậm chí một số nạn nhân còn nghĩ quẩn và tìm đến cái chết. Ở thời đại công nghệ 4.0, đám đông trên mạng xã hội đang có xu hướng làm gia tăng hơn nữa tình trạng bạo lực mạng rất đáng quan ngại.
Tại Việt Nam, văn hóa sử dụng mạng xã hội vẫn chưa được chú ý. Đối tượng tham gia mạng xã hội không chỉ là người trưởng thành mà còn có các cháu nhỏ ở độ tuổi thanh thiếu niên với nhận thức còn chưa chín chắn. Rất nhiều người trẻ có tính cách bốc đồng, dễ bị lôi kéo nên các đối tượng xấu sẽ lợi dụng điều này để cổ súy và lan tỏa các hành vi xấu, kém văn minh, thậm chí là các hành vi vi phạm pháp luật.
Trong kinh doanh, không ít người cũng đã lợi dụng hiệu ứng đám đông trên không gian mạng để chơi xấu, hạ bệ đối thủ cùng ngành bằng cách bịa đặt, tung tin đồn thất thiệt. Mặc dù các tin đồn sau đó đã được đính chính thì vẫn có nhiều người nghi ngờ, bởi tâm lý chung của đám đông là chỉ tin vào câu chuyện mở đầu.
Có thể thấy rằng, việc nắm bắt được tâm lý đám đông trên mạng xã hội là rất cần thiết. Nó giúp cho bạn không bị cuốn theo những chiêu trò, hành vi xấu từ người khác. Đồng thời cũng có thể ứng dụng được hiệu ứng đám đông trong trường hợp cần thiết để đấu tranh cho công bằng, lẽ phải.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!