Hội chứng sợ yêu (Philophobia) là gì? Hướng dẫn cách vượt qua
Tâm lý sợ yêu được hình thành để bản thân tự bảo vệ chính mình sau những tan vỡ, thất bại. Tuy nhiên, trường hợp nỗi sợ lớn đến mức gây ra sự muộn phiền dai dẳng, làm suy giảm chất lượng cuộc sống có thể là biểu hiện của hội chứng sợ yêu (Philophobia).
Hội chứng sợ yêu (Philophobia) là gì?
Yêu là thứ xúc cảm vô cùng đặc biệt, kỳ lạ và không có nguyên tắc, khuôn mẫu. Cảm xúc yêu nảy sinh một cách tình cờ, đột ngột nhưng cũng có thể phát triển bằng cách vun đắp. Yêu mang đến đầy đủ các cung bậc từ hạnh phúc, vui vẻ, lạc quan cho đến ghen tuông, nghi ngờ và đau khổ cùng cực.
Trên thực tế, có rất nhiều hội chứng liên quan đến tình yêu như hội chứng Adele (chứng cuồng yêu) và hội chứng sợ yêu.
Hội chứng sợ yêu (Philophobia) đề cập đến một rối loạn tâm lý đặc trưng bởi nỗi sợ vô lý, thậm chí hoang đường về tình yêu. Người mắc hội chứng này sợ bản thân nảy sinh cảm giác yêu đương và tìm mọi cách để kiểm soát thứ cảm xúc đặc biệt này.
Nhiều người hình thành tâm lý sợ yêu và không muốn ràng buộc trong một mối quan hệ tình cảm vì lo sợ bị lừa dối, sợ đau khổ, sợ phải chịu trách nhiệm với nửa kia,… Song tình trạng này không giống như hội chứng sợ yêu.
Chứng sợ yêu – Philophobia đề cập đến nỗi sợ kỳ lạ, thái quá, có phần vô lý và hoang đường. Những người mắc chứng bệnh này sợ hãi tột độ, thậm chí ám ảnh khi nghĩ đến việc bản thân yêu một ai đó. Khi nhận ra bản thân đang yêu hoặc có ai đó đang yêu mình, lập tức nỗi sợ sẽ gia tăng kéo theo một loạt các triệu chứng thể chất như run rẩy, đau dạ dày, lâng lâng, chóng váng, thậm chí là ngất xỉu.
Hội chứng sợ yêu cản trở người bệnh phát triển và duy trì các mối quan hệ tình cảm. Giống như các hội chứng sợ khác, Philophobia gây ra nhiều phiền toái, cản trở trong cuộc sống. Vì vậy, dù cuộc sống không nhất thiết phải có tình yêu nhưng điều trị sớm, tích cực là điều cần thiết để phòng ngừa các biến chứng lâu dài.
Nhận biết hội chứng sợ yêu – Philophobia
Những người có tâm lý sợ yêu có thể che đậy tổn thương bên trong bằng hình mẫu mạnh mẽ, gai góc. Tuy nhiên, người mắc hội chứng sợ yêu không thể khống chế cảm giác sợ hãi các biểu hiện đi kèm. Nỗi sợ quá mức và thường trực dai dẳng chi phối cảm xúc, suy nghĩ, hành vi kéo theo một loạt những khó khăn trong cuộc sống.
Các dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ yêu (Philophobia) bao gồm:
- Thường trực nỗi sợ về tình yêu, lo ngại bản thân sẽ có cảm xúc yêu với ai đó và ngược lại.
- Khi nhận ra bản thân có cảm xúc yêu thương một ai đó, người bệnh sẽ có cảm giác sợ hãi và lo lắng cùng cực. Phần lớn đều tìm mọi cách để chấm dứt mối quan hệ, nỗ lực kiểm soát bản thân để tránh rơi vào tình yêu trong tương lai.
- Có xu hướng né tránh, thậm chí chấm dứt mối quan hệ với bất cứ ai mà họ cho rằng có nguy cơ phát triển cảm xúc với bản thân.
- Thường chỉ duy trì mối quan hệ với những người thuộc giới tính mà bản thân người bệnh biết chắc chắn sẽ không nảy sinh tình cảm.
- Khi nghĩ đến việc bản thân yêu say đắm một ai đó, nỗi sợ sẽ gia tăng kèm theo ám ảnh, hoảng loạn. Đồng thời sẽ xuất hiện các triệu chứng thể chất như tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, khô miệng, chóng mặt, có cảm giác mọi thứ vô cùng tồi tệ và một số trường hợp có thể ngất xỉu.
- Hội chứng sợ yêu không chỉ xảy ra với các mối quan hệ tình cảm. Nhiều người thậm chí sợ tình thân, tình cảm thân thiết với bạn bè, đồng nghiệp,…
Chứng sợ yêu (Philophobia) thường khởi phát ở thanh thiếu niên và người trẻ. Nếu không được can thiệp, hội chứng này sẽ kéo dài và dường như không có khả năng tự thuyên giảm. Các triệu chứng kể trên phải kéo dài ít nhất 6 tháng mới được xem là hội chứng Philophobia.
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ yêu
Tình yêu mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, tô màu cuộc sống, làm đa dạng và phong phú trải nghiệm của mỗi cá nhân. Tuy nhiên vì nhiều lý do, một vài người bị ám ảnh quá mức và sợ hãi dữ dội với tình yêu. Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra hội chứng này.
Một số yếu tố có liên quan đến chứng Philophobia bao gồm:
- Trải nghiệm tiêu cực từ các mối quan hệ trong quá khứ: Chứng Philophobia thường phát triển ở những người có trải nghiệm tiêu cực về các mối quan hệ như bị bỏ rơi, bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ, cha mẹ mất đột ngột, gia đình mâu thuẫn, ly hôn,… Để bảo vệ bản thân, trẻ lớn lên sẽ hình thành tâm lý sợ yêu và né tránh hoàn toàn các mối quan hệ tình cảm.
- Mắc chứng rối loạn ràng buộc xã hội thiếu kiềm chế: Rối loạn này thường xảy ra ở trẻ không được gia đình quan tâm, chăm sóc. Sự vô tâm của những người thân khiến trẻ lớn lên không muốn xây dựng mối quan hệ thân thiết với bất cứ ai. Trong khi đó với những người lạ mặt, bản thân trẻ có cảm giác thoải mái, vô tư thể hiện những hành động thân mật. Các chuyên gia nhận thấy, trẻ mắc rối loạn này sẽ có nguy cơ phát triển chứng Philophobia cao hơn bình thường.
- Di truyền: Các hội chứng sợ đều có liên quan đến yếu tố di truyền. Đa phần những người có bố mẹ, anh chị em ruột mắc chứng Philophobia sẽ có nguy cơ cao hơn bình thường. Nguyên nhân có thể là do gen hoặc do hạch hạnh nhân bên trong não bộ hoạt động quá mức.
- Có các rối loạn ám ảnh sợ hãi: Người có các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi như hội chứng sợ kết hôn, hội chứng sợ bị bỏ rơi,… sẽ có nguy cơ mắc chứng Philophobia cao hơn. Những hội chứng này đều có liên quan đến tình yêu và nỗi sợ sẽ phải trải qua cảm giác đau khổ, thất vọng cùng cực.
Đa phần những người mắc chứng Philophobia đều nghĩ về các mối quan hệ tình cảm theo chiều hướng tiêu cực như bị bỏ rơi, bị phản bội, bị lạm dụng,… Mặc dù nguyên nhân chưa rõ ràng, nhưng các chuyên gia tin rằng hội chứng này hình thành từ những trải nghiệm đau buồn trong quá khứ.
Hội chứng sợ yêu và những hệ lụy không ngờ
Phải thừa nhận rằng, dù mang đến hạnh phúc hay đau khổ, tình yêu vẫn là thứ gì đó vô cùng đẹp đẽ. Yêu và được yêu vẫn là khao khát muôn thuở của con người. Không có tình yêu, cuộc sống sẽ thiếu mất nhiều màu sắc và gia vị.
Hội chứng sợ yêu không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm trong cuộc sống mà còn kéo theo nhiều khó khăn, cản trở đối với công việc, học tập, các mối quan hệ. Nếu không được điều trị, hội chứng này sẽ kéo dài suốt đời và có nguy cơ gây ra những biến chứng sau:
- Hội chứng sợ yêu gây ra cảm giác sợ hãi thường trực, dai dẳng. Nỗi sợ xâm chiếm suy nghĩ khiến người bệnh khó tập trung hoàn toàn cho công việc, học tập. Vì vậy, dù có năng lực, người bệnh cũng khó có thể thăng tiến hay đạt được những thành tích rực rỡ trong lĩnh vực.
- Cảm giác sợ hãi dai dẳng và hành vi né tránh tình yêu khiến cho tinh thần luôn căng thẳng. Trong nhiều trường hợp, người bệnh có thể phát triển rối loạn lo âu và trầm cảm từ chứng Philophobia.
- Người mắc chứng Philophobia dù có tình cảm vẫn từ chối bước vào mối quan hệ vì sợ đau khổ, phản bội, chia ly,… Những lời nói, hành động tàn nhẫn, lạnh lùng với người mình yêu khiến bệnh nhân không tránh khỏi dằn vặt, tội lỗi. Nhiều người tìm đến rượu bia, chất kích thích để giải tỏa cảm xúc tiêu cực và uất ức.
- Nam giới mắc hội chứng sợ yêu có nguy cơ cao bị rối loạn cương dương và xuất tinh sớm. Nữ giới cũng có nguy cơ phát triển các rối loạn tình dục, thậm chí có nhiều người sợ hãi khi nghĩ đến việc gần gũi với ai đó.
- Vì luôn né tránh tình yêu, người bệnh có khả năng sẽ sống cô độc suốt đời nếu không được điều trị.
Chất lượng cuộc sống suy giảm là biến chứng thường thấy ở người mắc hội chứng Philophobia. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của hội chứng này có thể sâu sắc hơn nếu không được điều trị sớm. Thực tế có rất nhiều trường hợp bị trầm cảm, rối loạn lo âu, thậm chí tự cô lập bản thân vì sợ hãi sẽ nảy sinh cảm xúc yêu đương.
Chẩn đoán hội chứng sợ yêu
Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (DSM) đã xác nhận Philophobia là rối loạn chính thức. Các bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn được đề cập trong DSM để đưa ra chẩn đoán cho hội chứng này.
Chẩn đoán hội chứng sợ yêu sẽ bao gồm khai thác triệu chứng và sàng lọc những yếu tố nguy cơ (tiền sử gia đình, cá nhân, trải nghiệm đau buồn trong quá khứ,…). Sau đó, bác sĩ sẽ dựa vào tiêu chuẩn DSM phiên bản thứ 5 để đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Cách vượt qua và kiểm soát hội chứng sợ yêu
Dù không muốn xây dựng và phát triển các mối quan hệ tình cảm, điều trị hội chứng sợ yêu vẫn là điều cần thiết. Kiểm soát nỗi sợ vô lý về tình yêu sẽ giúp bệnh nhân loại bỏ những khó khăn trong công việc, học tập, thoải mái phát triển và duy trì các mối quan hệ lâu dài.
Yêu, kết hôn vốn dĩ là lựa chọn riêng của mỗi người. Nhưng phải nhớ rằng, đây là lựa chọn hoàn toàn chủ động và độc lập, không nên bị chi phối bởi bệnh lý (mà ở đây là hội chứng sợ yêu).
Cần nhận thức rõ, điều trị chứng Philophobia không nhất thiết vì mục đích phát triển các mối quan hệ tình cảm. Bệnh nhân nên được giải thích để hiểu được mức độ cần thiết của việc kiểm soát hội chứng này.
Hiện nay, điều trị chứng Philophobia sẽ bao gồm các phương pháp sau:
1. Liệu pháp nhận thức hành vi
Liệu pháp nhận thức hành vi là lựa chọn tối ưu cho hội chứng sợ yêu. Phương pháp này được thực hiện bằng hình thức trò chuyện, trao đổi để chuyên gia hiểu rõ hơn về tâm lý và suy nghĩ của người tham gia trị liệu.
Sau khi trải qua một mối quan hệ tan vỡ, tâm lý sợ yêu là cách phản kháng để bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương và thất vọng. Tuy nhiên, đa phần mọi người đều có thể cân bằng lại sau một thời gian và chỉ có một số ít trường hợp phát triển thành hội chứng sợ yêu.
Trong liệu pháp nhận thức hành vi, chuyên gia sẽ giúp điều chỉnh những suy nghĩ tiêu cực về tình yêu và các mối quan hệ tình cảm. Khi suy nghĩ thay đổi, nỗi sợ quá mức về tình yêu sẽ giảm dần. Hành vi né tránh, từ chối các mối quan hệ tình cảm cũng sẽ dần được khắc phục.
2. Liệu pháp tiếp xúc
Liệu pháp tiếp xúc là phương pháp hiệu quả đối với các rối loạn ám ảnh sợ cụ thể, bao gồm cả chứng Philophobia. Mục tiêu của liệu pháp này là giúp giảm nỗi sợ vô lý về tình yêu bằng cách thường xuyên đề cập về tình yêu trong các cuộc trò chuyện.
Sau khi đã thích nghi, chuyên gia có thể đặt ra những yêu cầu cao hơn như xây dựng các mối quan hệ tình cảm hoặc để cảm xúc của bản thân phát triển tự nhiên. Việc đề cập đến tình yêu sẽ kích hoạt các triệu chứng như hoảng loạn, lo lắng, sợ hãi, căng thẳng,… Vì vậy trước khi can thiệp, bệnh nhân sẽ được trang bị các kỹ năng thư giãn như ngồi thiền, hít thở sâu.
3. Liệu pháp thôi miên
Liệu pháp thôi miên được xem như công cụ hỗ trợ cho liệu pháp tiếp xúc. Bởi việc thực hành phát triển mối quan hệ tình cảm ngoài đời thực đôi khi không thể thực hiện.
Trong trường hợp này, chuyên gia sẽ sử dụng liệu pháp thôi miên để người bệnh có thể tưởng tượng những tình huống như đang ở trong mối quan hệ tình cảm, phát triển tình cảm với một ai đó,…
Vượt qua nỗi sợ là điều khó khăn với tất cả mọi người, đặc biệt là nỗi sợ vô lý, quá mức được hình thành từ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Hội chứng sợ yêu có thể được kiểm soát nếu tích cực trị liệu. Bệnh nhân sẽ từng bước vượt qua cảm giác sợ hãi, qua đó thuận lợi phát triển các mối quan hệ tình cảm với những người xung quanh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!