Hội chứng sợ vật nhọn (Aichmophobia) và cách khắc phục

Hội chứng sợ vật nhọn gây nên nỗi sợ vô lý, quá mức, dữ dội và kéo dài liên tục về các vật sắc nhọn như kim tiêm, dao, kéo, mũi tên, bút bi,…Nỗi sợ này gây nên nhiều phiền toái và cản trở đối với đời sống sinh hoạt của người bệnh, thậm chí có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần nguy hiểm khác khi không được can thiệp hiệu quả. 

Aichmophobia
Aichmophobia khiến nhiều người luôn tồn tại nỗi sợ quá mức về các vật sắc nhọn.

Hội chứng sợ vật nhọn (Aichmophobia) là gì?

Hội chứng sợ vật nhọn hay còn được gọi với tên khoa học là Aichmophobia, là một dạng ám ảnh sợ hãi cụ thể với sự đặc trưng là nỗi sợ dai dẳng, quá mức, phi lý về những vật có yếu tố sắc nhọn. Người bệnh luôn thường trực nỗi sợ hãi, lo lắng, căng thẳng tột độ về việc có thể nhìn thấy, nghe thấy hoặc chạm vào các đồ vật đó, chẳng hạn như bút bi, dao, kéo, kim tiêm, tăm, xiên que,….

Những người mắc phải hội chứng này thường có niềm tin mãnh liệt về việc các vật sắc nhọn sẽ gây nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng con người. Họ luôn có xu hướng tránh né việc tiếp xúc hoặc đến những nơi có sự xuất hiện của các đồ vật đó.

Mặc dù một số vật sắc nhọn có khả năng gây nguy hiểm có con người nếu chúng ta sử dụng nó không đúng mục đích hoặc không cẩn thận. Tuy nhiên, khác hẳn với sự sợ hãi thông thường, những người mắc phải chứng Aichmophobia luôn có nỗi sợ bất thường, thể hiện quá mức và không tương xứng với tình huống thực tế, thậm chí là phóng đại sự thật.

Đây được xem là một dạng rối loạn lo âu có thể khởi phát ở cả trẻ em và người trưởng thành. Mặc dù có mức độ phổ biến cao nhưng cho đến hiện nay, hội chứng sợ vật nhọn vẫn chưa được công nhận là một chứng rối loạn tâm thần riêng biệt theo DSM-5. Tuy nhiên, nếu có thể phát hiện sớm và kết hợp nhiều biện pháp hỗ trợ phù hợp thì bệnh nhân vẫn sẽ có cơ hội phục hồi tình trạng sức khỏe, loại bỏ nỗi sợ và cân bằng cuộc sống ổn định.

Cách nhận biết hội chứng sợ vật nhọn

Dấu hiệu nhận biết của hội chứng sợ vật nhọn cũng tương tự như các rối loạn ám ảnh sợ hãi cụ thể khác. Người bệnh cũng sẽ được đặc trưng bởi nỗi sợ bất thường, phi lý, quá mức và kéo dài dai dẳng tối thiểu 6 tháng đối với các vật nhọn xuất hiện xung quanh đời sống.

Người bệnh có thể sợ một hoặc nhiều các vật nhọn khác nhau. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà nỗi sợ sẽ được biểu hiện với tần suất riêng biệt, tuy nhiên vẫn có sự ảnh hưởng đối với đời sống, cản trở đến một số sinh hoạt đời thường của bệnh nhân.

Aichmophobia
Người bệnh Aichmophobia trở nên sợ hãi kinh hoàng khi phải đối diện với các vật sắc nhọn như kim tiêm, dao, kéo,…

Cụ thể một số dấu hiệu giúp nhận biết hội chứng sợ vật nhọn như:

  • Cảm thấy sợ hãi tột độ đối với các đồ vật sắc nhọn như dao, kéo, đầu bút, compa, kim tiêm,…
  • Nỗi sợ thường trực ngay cả khi người bệnh suy nghĩ hoặc liên tưởng đến đồ vật đó.
  • Có xu hướng tránh né tiếp xúc với các vật sắc nhọn, thậm chí không muốn nhìn thấy nó.
  • Từ chối việc bàn luận về những chủ đề có liên quan đến các vật sắc nhọn.
  • Mất kiểm soát, hoảng loạn khi nhìn thấy vật nhọn.
  • Khó khăn trong việc quản lý cảm xúc, dễ cáu gắt, nóng giận, kích động.
  • Mất ngủ, rối loạn ăn uống kéo dài.
  • Suy giảm khả năng tập trung, chú ý.

Bên cạnh các triệu chứng về mặt tâm lý, người bệnh Aichmophobia còn có thể xuất hiện hàng loạt các biểu hiện về thể chất khi phải đối diện với nỗi sợ của mình. Cụ thể như:

  • Khó thở, thở gấp, thở nhanh, hơi thở nông.
  • Tay chân run rẩy, toàn thân đổ nhiều mồ hôi.
  • Chóng mặt, choáng váng, đau đầu.
  • Nhịp tim tăng nhanh, giảm huyết áp.
  • Ớn lạnh, nổi da gà.
  • Bốc hỏa, căng cơ, nóng ran.
  • Buồn nôn, nôn mửa, dạ dày cảm thấy khó chịu.
  • Mất kiểm soát về hành vi, có thể khóc lóc, la hét, phản ứng dữ dội.
  • Ngất xỉu hoặc bỏ chạy

Các biểu hiện của hội chứng sợ vật nhọn có thể khác nhau ở từng trường hợp. Tuy nhiên, những triệu chứng này sẽ kéo dài và gây ảnh hưởng đến đời sống, làm cản trở các hoạt động thường ngày của bệnh nhân.

Hội chứng sợ vật nhọn khởi phát do đâu?

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ vật nhọn và các ám ảnh sợ hãi cụ thể khác hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, qua một số thông tin nghiên cứu được cùng các khảo sát thực tế, chuyên gia cũng đưa ra được một số giả định về các yếu tố nguy cơ có khả năng làm khởi phát chứng bệnh này như:

Aichmophobia
Các ám ảnh trong quá khứ có liên quan đến vật sắc nhọn có thể là nguyên nhân hình thành chứng Aichmophobia.
  • Các tổn thương, trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ: Phần lớn các trường hợp mắc phải hội chứng Aichmophobia đều có chia sẻ về những ám ảnh đã từng trải qua đối với những vật sắc nhọn. Họ có thể từng bị tổn thương, gặp phải tai nạn, bị đe dọa hoặc chứng kiến cảnh thương tâm do các vật sắc nhọn gây ra. Điều này có thể gây nên những nỗi sợ hãi vô thức khiến người bệnh luôn có sự ám ảnh dữ dội về các vật sắc nhọn, từ đó hình thành nên nỗi sợ Aichmophobia.
  • Yếu tố di truyền: Các nhà khoa học cho biết rằng, hội chứng sợ vật nhọn có thể bị ảnh hưởng và liên quan đến yếu tố gen, di truyền. Mặc dù vẫn chưa có thông tin xác thực cụ thể nhưng trong thực tế có thể thấy rằng, tỷ lệ mắc bệnh sẽ dần tăng cao nếu trong gia đình có người thân từng mắc phải chứng Aichmophobia hoặc các ám ảnh sợ hãi liên quan khác, ví dụ như hội chứng sợ kim tiêm, hội chứng sợ chết,…
  • Các rối loạn tâm thần khác: Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) có thể là nguyên nhân hình thành nên nỗi sợ phi lý về các vật nhọn. Họ có thể cho rằng những vật sắc bén sẽ khiến cho cơ thể bị trầy xước, lây nhiễm bệnh tật, chảy máu,…nên có xu hướng sợ hãi, né tránh nó.

Hội chứng sợ vật nhọn thường sẽ là kết quả của nhiều yếu tố tác động và gây nên nỗi sợ kéo dài dai dẳng, mãnh liệt. Tình trạng này khiến cho đời sống của bệnh nhân dần bị suy giảm nên cần được can thiệp và khắc phục càng sớm càng tốt.

Aichmophobia có nguy hiểm không?

Theo nhận định của các chuyên gia thì hội chứng sợ vật nhọn gây nên nhiều cản trở và phiền toái đối với đời sống của người bệnh. Cũng bởi, xung quanh chúng ta có rất nhiều các đồ vật được làm với hình dáng sắc nhọn, nó có thể nguy hiểm nhưng cũng mang đến rất nhiều lợi ích cho cuộc sống của con người trong nhiều khía cạnh khác nhau.

Việc luôn thường trực nỗi sợ và có xu hướng tránh né việc tiếp xúc, sử dụng các vật nhọn sẽ khiến cho bệnh nhân gặp khó khăn trong việc học tập và cả sinh hoạt đời thường. Ví dụ, một người sợ bút bi sẽ không thể nào duy trì hoạt động học tập hiệu quả, thậm chí là bỏ học vì nỗi sợ quá mức của bản thân. Hoặc một số người do quá sợ dao kéo nên họ không thể tự nấu ăn, không đáp ứng tốt các nhu cầu sinh hoạt, ăn uống thường ngày khi cần đến những dụng cụ này.

Aichmophobia
Nỗi sợ dao thái quá khiến nhiều người không thể tự nấu ăn và thực hiện các công việc liên quan đến vật nhọn.

Bên cạnh đó, cảm giác lo lắng, sợ hãi, căng thẳng kéo dài và không được khắc phục tốt sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần của nhiều bệnh nhân. Họ có thể hiểu rõ về sự phi lý, quá mức trong nỗi sợ của chính mình nhưng không thể kiểm soát và loại bỏ nó khởi tâm trí.

Điều này khiến cho nhiều bệnh nhân cảm thấy mặc cảm, xấu hổ, bất lực và dần trở nên tách biệt, tự cô lập bản thân. Các cảm xúc tiêu cực này không chỉ gây nên tình trạng mất ngủ, đau đầu, suy nhược cơ thể, rối loạn ăn uống, mất tập trung, giảm trí nhớ mà còn làm gia tăng khả năng hình thành các rối loạn tâm thần, điển hình như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ,….

Một vài người bệnh cũng có xu hướng lạm dụng các chất kích thích, chất gây nghiện độc hại do không thể tự kiểm soát được cảm xúc, hành vi của bản thân. Điều này khiến cho tình trạng sức khỏe thể chất, tinh thần càng bị suy giảm, quá trình can thiệp Aichmophobia cũng gặp nhiều trở ngại, khó khăn hơn.

Cách khắc phục hội chứng sợ vật nhọn

Hiện nay vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về tình trạng người mắc phải hội chứng sợ vật nhọn. Tuy nhiên, theo đó các chuyên gia ước tính chỉ có khoảng từ 10 đến 25% các trường hợp mắc bệnh tiến hành thăm khám và được điều trị hiệu quả trong giai đoạn đầu.

Mặc dù không được công nhận là một vấn đề sức khỏe tâm thần riêng biệt nhưng hội chứng Aichmophobia vẫn có thể được khắc phục tốt bằng các liệu pháp tâm lý, sử dụng thuốc kết hợp cùng những thay đổi tích cực trong lối sống. Vì thế, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo, người bệnh cần chủ động hơn trong việc thăm khám, chẩn đoán và áp dụng tốt các phương pháp hỗ trợ từ chuyên gia.

Dưới đây là một vài biện pháp thường được sử dụng cho người mắc hội chứng sợ vật nhọn như:

1. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý luôn là lựa chọn hàng đầu đối với hầu hết các bệnh nhân Aichmophobia. Theo chia sẻ của các chuyên gia tâm lý thì nỗi sợ phi lý của họ về các vật nhọn thường hình thành do những sai lệch về nhận thức, tư duy, cảm xúc hoặc các tổn thương tâm lý đến từ quá khứ.

Chính vì thế, việc hỗ trợ can thiệp và cải thiện tâm lý đóng vai trò chủ chốt trong suốt quá trình kiểm soát, loại bỏ nỗi sợ của bệnh nhân. Theo đó, các chuyên gia sẽ sử dụng ngôn ngữ giao tiếp để trò chuyện, tương tác và tác động sâu vào tiềm thức của người bệnh, giúp họ dần điều chỉnh tốt các cảm xúc, hành vi chưa lành mạnh, phù hợp.

Aichmophobia
Liệu pháp thôi miên giúp người bệnh kiểm soát và giảm thiểu nỗi sợ hãi về các vật sắc nhọn.

Đồng thời, chuyên gia tâm lý còn cân nhắc trong việc áp dụng các liệu pháp thư giãn, trang bị thêm những kỹ năng cần thiết để bệnh nhân có thể giảm stress, lo lắng và đối phó tốt với những nỗi sợ hãi, lo lắng của bản thân. Người bệnh sau khi tiến hành tâm lý trị liệu đều sẽ loại bỏ được tận gốc nguyên nhân gây lo sợ, đồng thời hạn chế được tối đa tình trạng tái phát, giúp họ nhanh chóng xây dựng được đời sống lành mạnh, tích cực hơn.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn, bệnh nhân cần phải kiên trì và tin tưởng vào nhà trị liệu. Tùy vào tình trạng bệnh lý của mỗi người mà chuyên gia có thể sử dụng kết hợp nhiều liệu pháp can thiệp khác nhau như liệu pháp nhận thức và hành vi, liệu pháp tiếp xúc, liệu pháp thư giãn, liệu pháp thôi miên, liệu pháp cá nhân, liệu pháp gia đình,….

2. Sử dụng thuốc

Không phải tất cả các trường hợp mắc hội chứng sợ vật nhọn đều sẽ được chỉ định sử dụng thuốc. Cũng bởi hiện nay vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc nào được công nhận về hiệu quả điều trị tận gốc chứng rối loạn này, phần lớn người bệnh sử dụng thuốc với mục đích kiểm soát và làm thuyên giảm các triệu chứng sợ hãi nguy hiểm, giúp giảm bớt lo lắng và ngăn chặn những phản ứng, hành vi quá khích động đối với những vật nhọn.

Tuy nhiên, việc dùng thuốc cũng mang đến nhiều rủi ro bởi nó có khả năng gây ra một vài tác dụng phụ ngoài ý muốn như khô miệng, buồn nôn, mất ngủ, chóng mặt, đau đầu, chán ăn,…Do đó, để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên tuân thủ đúng theo các chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ chuyên khoa, tránh việc tự ý thay đổi liều lượng hay ngừng thuốc đột ngột.

Việc kê đơn thuốc cũng cần tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh lý khác nhau. Bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định sử dụng một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta, thuốc an thần, thuốc chống lo âu với liều lượng thấp ban đầu để người bệnh dần đáp ứng tốt, sau đó gia tăng và duy trì ổn định để kiểm soát các triệu chứng gây nguy hiểm.

3. Hỗ trợ can thiệp tại nhà

Song song với việc áp dụng và tuân thủ đúng theo các phương pháp điều trị của bác sĩ chuyên khoa thì người mắc hội chứng sợ vật nhọn cũng được khuyến khích thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày theo chiều hướng lành mạnh, tích cực hơn. Bệnh nhân cần quan tâm đến chất lượng giấc ngủ, chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày và áp dụng tốt các biện pháp thư giãn để kiểm soát nỗi sợ hãi, căng thẳng hiệu quả hơn.

Aichmophobia
Người bệnh cần trang bị và rèn luyện tốt các biện pháp thư giãn an toàn ngay tại nhà.

Để giúp cho tình trạng Aichmophobia mau chóng được khắc phục và loại bỏ tốt thì bệnh nhân cần chú ý để thực hiện một số điều sau đây:

  • Tăng cường bổ sung đa dạng các loại thực phẩm chứa nhiều khoáng chất, vitamin như thịt, cá, hải sản, các loại đậu, trứng, rau xanh, hoa quả tươi ngon,…Đồng thời, cần loại bỏ thói quen lạm dụng các đồ ăn đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh chứa nhiều chất bảo quản.
  • Duy trì chế độ tập luyện thể dục thể thao, vận động phù hợp với sức khỏe. Mỗi ngày cần tập luyện khoảng 30 phút để cơ thể tăng sức đề kháng và giảm căng thẳng, lo âu hiệu quả, an toàn.
  • Chất lượng giấc ngủ cũng cần phải được đảm bảo tốt, nên ngủ và thức cùng một khung giờ để tránh tình trạng mất ngủ, ngủ không ngon giấc.
  • Tuyệt đối không được lạm dụng các chất kích thích, chất gây nghiện độc hại như rượu bia, thuốc lá,…
  • Tăng cường tham gia các hoạt động vui chơi, thư giãn ngoài trời để gia tăng sự kết nối với mọi người xung quanh.
  • Chia sẻ về nỗi sợ hãi của bản thân để những người bên cạnh có thể thấu hiểu và hỗ trợ bạn tốt hơn.
  • Tự trang bị các kỹ năng kiểm soát căng thẳng, lo âu để phòng tránh những ảnh hưởng từ nỗi sợ phi lý về vật nhọn.
  • Đăng ký tham gia vào các hội nhóm của người mắc bệnh ám ảnh sợ hãi cụ thể để được chia sẻ và nhận những lời khuyên hữu ích hơn.

Thông tin bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu thêm về hội chứng sợ vật nhọn (Aichmophobia). Mong rằng bạn đọc sẽ dễ dàng hơn trong việc phát hiện các triệu chứng cảnh báo và nhanh chóng tiến hành thăm khám, chẩn đoán, can thiệp tại các cơ sở chuyên khoa uy tín, từ đó loại bỏ tốt các ám ảnh, sợ hãi quá mức về những vật sắc nhọn.

Có thể bạn quan tâm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *