Hội chứng sợ màu sắc (Chromophobia): Dấu hiệu nhận biết

Hội chứng sợ màu sắc gây ra nỗi sợ quá mức kéo dài dai dẳng về màu sắc. Người bệnh thường cảm thấy căng thẳng, lo lắng, sợ hãi tột độ về tất cả những gì có liên quan đến màu sắc. Điều này gây nên những cản trở và phiền toái to lớn đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của từng bệnh nhân. 

Chromophobia
Chromophobia là thuật ngữ sử dụng để chỉ nỗi sợ hãi vô lý, quá mức về màu sắc.

Hội chứng sợ màu sắc (Chromophobia) là gì?

Hội chứng sợ màu sắc hay còn được gọi với tên khoa học là Chromophobia hoặc Chromatophobia, đây là một dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi hiếm gặp nhưng có thể gây ra rất nhiều sự hạn chế đối với đời sống của mỗi người bệnh. Những người mắc phải chứng sợ hãi này sẽ luôn bị ám ảnh, lo sợ quá mức về tất cả những gì có liên quan đến màu sắc.

Nỗi sợ sẽ kéo dài dai dẳng tối thiểu 6 tháng và gây ra những cản trở đối với cuộc sống của bệnh nhân. Người bệnh sẽ tồn tại nỗi sợ phi lý, không tương xứng với thực tế và mức độ nguy hiểm của màu sắc, thậm chí có nhiều người chỉ cần liên tưởng đến màu sắc cũng khiến họ cảm thấy hoảng sợ dữ dội.

Người bệnh có thể cảm thấy sợ hãi với một số màu nhất định hoặc thậm chí là tất cả các màu sắc khác nhau. Cụ thể như:

  • Rhodophobia: Hội chứng sợ màu hồng
  • Melanophobia: Hội chứng sợ màu đen
  • Erythrophobia: Hội chứng sợ màu đỏ
  • Chrysophobia: Hội chứng sợ màu vàng/ màu cam
  • Prasinophobia: Hội chứng sợ màu xanh lá cây
  • Xanthophobia: Hội chứng sợ màu vàng
  • Castanophobia: Hội chứng sợ màu nâu
  • Cyanophobia: Hội chứng sợ màu xanh dương
  • Leukophobia: Hội chứng sợ màu trắng

Tình trạng này khiến cho họ không thể đảm bảo tốt các sinh hoạt đời sống hàng ngày, thậm chí trở nên tách biệt và cô lập với cuộc sống xung quanh. Vì thế, hội chứng sợ màu sắc cần được kiểm soát tốt và loại bỏ hiệu quả nỗi sợ vô lý để giúp bệnh nhân cân bằng lại trạng thái tâm lý, xây dựng đời sống lành mạnh, tích cực hơn.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ màu sắc

Mặc dù hội chứng sợ màu sắc chưa được công nhận là một trong các vấn đề sức khỏe tâm thần riêng lẻ nhưng bạn vẫn có thể nhận biết chứng rối loạn lo âu này bằng các biểu hiện đặc trưng sau đây:

Chromophobia
Người bệnh Chromophobia luôn cảm thấy ám ảnh và sợ hãi tột độ đối với màu sắc.
  • Thường trực nỗi sợ hãi, lo lắng quá mức về màu sắc ( có thể là một cụ thể, nhiều màu hoặc tất cả các màu )
  • Luôn có xu hướng từ chối việc sử dụng các vật dụng, đồ vật có màu sắc gây sợ hãi.
  • Không tham gia vào các cuộc giao tiếp có nhắc đến màu sắc.
  • Sợ đến những nơi công cộng vì lo lắng việc sẽ nhìn thấy màu sắc.
  • Sự lo lắng, sợ hãi kéo dài tối thiểu 6 tháng gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, thói quen ăn uống, sức khỏe tổng thể của người bệnh.
  • Khó kiểm soát cảm xúc, nhạy cảm và dễ kích động, nóng giận.

Các biểu hiện sợ hãi màu sắc của mỗi bệnh nhân sẽ có sự khác biệt tùy vào từng mức độ sợ hãi. Tuy nhiên, khi phải đối diện với yếu tố gây sợ, người bệnh thường sẽ xuất hiện hàng loạt các biểu hiện như:

  • Tăng tiết mồ hôi trên cơ thể
  • Khô miệng
  • Chóng mặt, buồn nôn
  • Đau đầu
  • Chân tay bủn rủn, run rẩy
  • Tim đập nhanh
  • Khó thở, thở gấp, hơi thở nông
  • Căng cơ
  • Khó diễn đạt bằng lời nói
  • Ngất xỉu

Người bệnh có thể hiểu rõ về sự phi lý trong nỗi sợ hãi của bản thân nhưng họ không thể kiểm soát và điều chỉnh chúng theo chiều hướng đúng đắn. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể kèm theo các triệu chứng của trầm cảm, thường xuyên buồn bã, chán nản, tuyệt vọng và bi quan.

Hội chứng sợ màu sắc được hình thành do đâu?

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ màu sắc hiện vẫn chưa được tìm hiểu rõ. Tuy nhiên, cũng giống với các rối loạn ám ảnh sợ hãi cụ thể khác, Chromophobia được cho rằng có liên quan đến các sang chấn, tổn thương tâm lý từ nhỏ gây nên nỗi ám ảnh kéo dài dai dẳng.

Một sự kiện diễn ra lúc bé có liên quan đến màu sắc sẽ gây nên nỗi ám ảnh kinh hoàng trong tâm trí khiến cho nhiều người không thể đối mặt với nó. Ví dụ, nếu một người đã từng chứng kiến cảnh người thân gặp tai nạn và qua đời trên nền máu đỏ thẫm thì họ có nhiều khả năng hình thành chứng sợ màu sắc, cụ thể là sợ màu đỏ.

Chromophobia
Hội chứng sợ màu sắc có thể liên quan đến những ám ảnh, tổn thương thuở nhỏ.

Hoặc đối với các sự kiện tổn thương như từng bị cưỡng hiếp, bạo hành, bắt cóc,…đều có thể liên quan đến một màu sắc nhất định nào đó khiến cho người bệnh cảm thấy sợ hãi tột độ. Đây được xem là nguyên nhân phổ biến và có tính thuyết phục nhất đối với hầu hết các trường hợp mắc phải chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể.

Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể bắt nguồn từ văn hóa. Ở từng quốc gia khác nhau sẽ có những quan niệm, ý nghĩa về màu sắc riêng biệt. Có một số màu sắc được cho là xui rủi, tiêu cực nên nếu thường xuyên được tiếp với văn hóa đó sẽ khiến nhiều người dễ hình thành sự sợ hãi phi lý về màu sắc.

Ngoài ra, yếu tố di truyền, môi trường sống cũng có khả năng tác động đến tình trạng bệnh lý này. Nếu tiền sử bệnh lý cá nhân hoặc người thân trong gia đình từng có người mắc phải hội chứng sợ màu sắc hoặc các ám ảnh sợ hãi liên quan thì tỷ lệ khởi phát bệnh của bệnh cũng sẽ cao hơn so với mức bình thường.

Chromophobia có ảnh hưởng như thế nào?

Mặc dù hội chứng sợ màu sắc không quá phổ biến nhưng nó lại có sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bệnh nhân nếu không sớm được khắc phục hiệu quả. Cũng bởi, màu sắc là một trong các yếu tố cần thiết và luôn xuất hiện xoay quanh cuộc sống của mỗi chúng ta.

Do đó, những người sợ màu sắc sẽ gặp phải rất nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày, một số trường hợp không thể duy trì và đảm bảo tốt quá trình học tập, làm việc. Bệnh nhân sẽ bị giới hạn về phạm vi hoạt động của mình, khó có thể tiếp xúc và hoàn thành tốt các công việc được giao phó hoặc thậm chí trở thành gánh nặng của mọi người xung quanh.

Khi nỗi sợ kéo dài dai dẳng và trở nên quá mức, bệnh nhân có thể tự tách biệt khỏi xã hội, nhốt mình trong phòng kín để tránh việc nhìn thấy những màu sắc gây ám ảnh kinh hoàng. Tình trạng này không chỉ làm cản trở về chất lượng cuộc sống mà còn gây nên nhiều hệ lụy đối với tinh thần, khiến họ có nguy cơ khởi phát trầm cảm, rối loạn lo âu.

Một số người do không thể kiểm soát được cảm xúc tồi tệ của bản thân có thể lạm dụng chất kích thích để giải tỏa căng thẳng, lo lắng. Tuy nhiên, điều này nếu duy trì trong thời gian dài sẽ khiến cho cơ thể dần bị suy kiệt về sức khỏe, làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh và khiến cho quá trình điều trị gặp nhiều trở ngại hơn.

Cách vượt qua hội chứng sợ màu sắc

Do chưa được công nhận trong DSM-5 nên việc chẩn đoán hội chứng sợ màu sắc thường sẽ dựa vào các biểu hiện lâm sàng của người bệnh. Đồng thời, bác sĩ chuyên khoa cũng sẽ tìm hiểu thêm về tiền sử bệnh lý, môi trường sống, các tổn thương trong quá khứ hoặc cho người bệnh tiến hành một số bài test, xét nghiệm cần thiết.

Hội chứng này có thể được cải thiện hiệu quả nếu được phát hiện sớm và áp dụng tốt các biện pháp can thiệp phù hợp. Cụ thể, một số phương pháp sẽ được chỉ định sử dụng như:

1. Trị liệu tâm lý

Đây được xem là một trong các biện pháp luôn được ưu tiên sử dụng cho các trường hợp mắc rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Người bệnh sẽ được gặp gỡ và trao đổi trực tiếp cùng chuyên gia tâm lý để tháo gỡ tốt những nút thắt, lo sợ trong lòng.

Chromophobia
Chromophobia được can thiệp hiệu quả và an toàn bằng phương pháp trị liệu tâm lý.

Bằng ngôn ngữ giao tiếp, chuyên gia sẽ dần đi sâu vào trong tiềm thức của bệnh nhân, giúp họ nhìn nhận được những suy nghĩ sai lệch của bản thân và điều chỉnh theo chiều hướng đúng đắn, lành mạnh hơn. Kèm theo đó, họ sẽ hỗ trợ người bệnh đối mặt với những nỗi sợ hãi của bản thân, từng bước vượt qua được những cảm xúc căng thẳng, lo lắng để cải thiện hội chứng sợ màu sắc hiệu quả.

Cụ thể, một số liệu pháp sẽ được chỉ định sử dụng như:

  • Liệu pháp nhận thức và hành vi (CBT)
  • Liệu pháp tiếp xúc
  • Liệu pháp thôi miên
  • Liệu pháp thư giãn

Người bệnh có thể tham gia trị liệu cá nhân, nhóm hoặc gia đình tùy vào điều kiện đáp ứng. Sau quá trình trị liệu, bệnh nhân sẽ loại bỏ hoàn toàn được nỗi sợ hãi vô lý về màu sắc và biết cách xây dựng đời sống lành mạnh, tích cực, hạnh phúc hơn.

2. Dùng thuốc điều trị

Thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc giảm lo âu có thể được chỉ định sử dụng cho các trường hợp bệnh nặng, nỗi sợ trở nên quá mức và mất kiểm soát hoàn toàn. Đồng thời, phần lớn bệnh nhân ám ảnh sợ hãi sẽ có kèm theo các triệu chứng trầm cảm, lo lắng nên việc dùng thuốc sẽ mang đến nhiều lợi ích, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.

Tuy nhiên, những loại thuốc này thường chỉ được sử dụng tạm thời trong khoảng thời gian ngắn bởi nó có nhiều nguy cơ gây ra các tác dụng phụ như khô miệng, mất ngủ, chóng mặt, buồn nôn, chán ăn,…Vì thế, bệnh nhân cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, kịp thời thông báo nếu phát hiện có những dấu hiệu khác thường trong quá trình sử dụng để được hướng dẫn khắc phục hiệu quả.

3. Chăm sóc sức khỏe tại nhà

Sự lo lắng, căng thẳng, sợ hãi quá mức do hội chứng sợ màu sắc gây ra sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Đồng thời, các thói quen sinh hoạt kém lành mạnh mỗi ngày cũng có khả năng làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh nên cần phải được điều chỉnh hợp lý.

Vì thế, người bệnh cũng cần hỗ trợ rèn luyện và duy trì các thói quen lành mạnh tại nhà để giúp cho tình trạng bệnh mau chóng được khắc phục. Cụ thể như:

  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.
  • Thiết lập chế độ dinh dưỡng lành mạnh và khoa học.
  • Nâng cao chất lượng giấc ngủ.
  • Hạn chế sử dụng bia rượu, các chất kích thích, chất gây nghiện.
  • Chia sẻ về nỗi sợ với những người thân bên cạnh để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.
  • Tham gia vào các hội nhóm rối loạn sợ hãi để nhận được sự đồng cảm, chia sẻ và những lời khuyên hữu ích từ thực tế.
  • Tự trang bị cho bản thân những liệu pháp thư giãn để kiểm soát nỗi sợ, căng thẳng.

Hội chứng sợ màu sắc gây ra nhiều phiền toái đối với cuộc sống của người bệnh nên cần được hỗ trợ can thiệp càng sớm càng tốt. Mong rằng qua những chia sẻ trong bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu thêm về bệnh và có cách khắc phục hiệu quả, phù hợp để loại bỏ tốt nỗi sợ phi lý của bản thân hoặc người thân bên cạnh.

Có thể bạn quan tâm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *