Tìm hiểu hội chứng sợ có bầu và sinh con (Tokophobia) ở phụ nữ

Hội chứng sợ có bầu và sinh con (Tokophobia) không phải là cảm giác lo lắng đơn thuần khi thực hiện thiên chức làm mẹ. Người mắc hội chứng này có nỗi sợ tột độ, không thể kiểm soát về việc mang thai. Nỗi ám ảnh mạnh mẽ đến mức có thể chi phối cảm xúc, hành vi dẫn đến các hành động như tránh giao hợp, thực hiện các biện pháp ngừa thai, thậm chí là phá thai.

chứng sợ có bầu và sinh con
Hội chứng sợ có bầu và sinh con là lý do khiến không ít phụ nữ chần chừ khi lên kế hoạch mang thai

Hội chứng Tokophobia là gì?

Mang thai và sinh con là cột mốc đáng nhớ đối với mỗi người phụ nữ. Khi biết rằng trong cơ thể đang có một sự sống, bên cạnh cảm giác hạnh phúc là tâm lý lo lắng, bất an. Tuy nhiên, phản ứng này là hoàn toàn bình thường và không giống với nỗi sợ có bầu, sinh con trong hội chứng Tokophobia.

Tokophobia được xếp vào nhóm rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt. Người mắc hội chứng này có nỗi sợ dai dẳng, quá mức với việc mang thai và sinh con. Khác với tâm lý lo lắng thông thường, người bị chứng Tokophobia cho rằng việc có con là một điều kinh khủng. Suy nghĩ tiêu cực dẫn đến cảm giác sợ hãi, lo lắng và họ nỗ lực tìm mọi cách để tránh việc mang thai.

Ngoài tên gọi Tokophobia, chứng sợ có bầu và sinh con còn được biết đến với tên gọi khác là Parturiphobia và được mô tả lần đầu tiên vào năm 1897 bởi Knauer. Mặc dù được phát hiện khá sớm nhưng hội chứng này rất dễ bị bỏ qua và có thể nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần khác.

Phân loại chứng sợ có bầu và sinh con

Chứng sợ có bầu và sinh con được chia thành 2 loại là nguyên phát và thứ phát:

Tokophobia nguyên phát:

Thuật ngữ này đề cập đến hội chứng Tokophobia xuất hiện ở phụ nữ chưa từng mang thai trước đó. Dù chưa từng trải nghiệm việc mang thai nhưng do vài lý do, một số người có thể phát triển nỗi sợ, ám ảnh quá mức về việc có con.

Những người mắc chứng Tokophobia nguyên phát vẫn có đời sống tình dục bình thường. Tuy nhiên, họ có xu hướng né tránh việc sinh con bằng cách dùng các biện pháp bảo vệ. Trường hợp mang thai ngoài dự tính, họ thường lựa chọn phá thai hoặc sinh mổ.

Tokophobia thứ phát: 

Tokophobia thứ phát được định nghĩa là chứng sợ mang bầu phát triển ở những người đã từng sinh con hoặc phải đình chỉ thai vì lý do y tế (thai bị dị tật, bong nhau thai, thai chết lưu…). Các chấn thương sản khoa có thể để lại ám ảnh và là nền tảng để phát triển nỗi sợ quá mức về việc sinh nở.

chứng sợ có bầu và sinh con
Hội chứng Tokophobia thứ phát xảy ra ở nữ giới đã từng sinh con hoặc phải đình chỉ thai do nhiều lý do

Thực tế, mang thai – sinh con là một trải nghiệm lớn đối với mỗi người phụ nữ. Cảm giác đau đớn khi sinh nở khiến không ít người không muốn sinh thêm con. Thống kê cho thấy khoảng 78% phụ nữ đã từng mang thai cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi nghĩ đến việc sinh nở. Nhưng trong đó chỉ có khoảng 13% người nỗ lực trì hoãn việc mang thai do ám ảnh, sợ hãi tột độ.

Nguyên nhân gây ra chứng sợ có bầu và sinh con

Mang thai là sự kiện lớn trong cuộc đời của mỗi người phụ nữ. Sự thay đổi về thể chất và tinh thần sẽ kéo theo nhiều vấn đề đi kèm. Bỏ qua tâm lý lo lắng, bất an ở giai đoạn đầu, phần lớn phụ nữ đều thật sự tận hưởng và trải nghiệm khoảng thời gian đặc biệt này.

Những ở những người mắc chứng Tokophobia, thay vì có một trải nghiệm đáng nhớ, họ trở nên hoảng loạn và ám ảnh quá mức về việc sinh nở. Chứng sợ có bầu và sinh con là một rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt. Dù chưa tìm được nguyên nhân chính xác nhưng các chuyên gia tin rằng rối loạn này liên quan đến các yếu tố sau:

1. Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ

Tương tự như các rối loạn ám ảnh chuyên biệt khác, chứng sợ có bầu và sinh con có thể bắt nguồn từ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Các sự kiện sang chấn như bị lạm dụng tình dục, cưỡng hiếp… có thể để lại tổn thương tâm lý, dẫn đến nỗi sợ về việc quan hệ tình dục và mang thai.

hội chứng Tokophobia
Từng bị tai biến sản khoa, suýt tử vong khi sinh nở có thể gây ra nỗi sợ quá mức về việc mang thai

Đối với phụ nữ đã từng mang thai, các biến chứng thai kỳ và sản khoa như tiền sản giật, băng huyết, đình chỉ thai do thai chết lưu, dị tật… cũng có thể để lại nỗi ám ảnh và sợ hãi kinh hoàng. Một số người cảm thấy sợ hãi việc mang thai vì đã từng suýt tử vong trong quá trình sinh nở.

Khi trải qua những sự kiện này, não bộ sẽ hình thành cơ chế phòng vệ trong vô thức. Để tránh cơ thể gặp phải tình huống nguy hiểm tương tự, hạch hạnh nhân sẽ tạo ra nỗi sợ, cảm giác bất an về việc sinh nở.

2. Ảnh hưởng từ những người xung quanh

Trên thực tế, một số người chưa từng mang thai nhưng lại phát triển hội chứng Tokophobia. Ngoài trải nghiệm thực tế của bản thân, việc chứng kiến người thân, bạn bè suýt tử vong khi sinh nở hay phải đối diện với các biến chứng sản khoa nghiêm trọng cũng có thể vô tình gây ra nỗi sợ quá mức về việc mang thai.

Ngày nay, trước sự bùng nổ của thông tin, người ta có thể dễ dàng tiếp cận với những bài báo, video clip về việc gặp phải biến chứng thai kỳ. Những thông tin tiêu cực này vô tình gây ra cảm giác sợ hãi và “gieo rắc” nỗi ám ảnh về việc có con.

3. Lo lắng về cuộc sống sau khi có con

Nỗi sợ mang thai, sinh nở có thể bắt nguồn từ những lo lắng sau khi có con. Khi có thành viên mới, trách nhiệm của các cặp đôi sẽ tăng lên. Cả hai sẽ không có nhiều thời gian để tận hưởng cuộc sống hay tự do, vui vẻ với những buổi hẹn hò lãng mạn.

chứng sợ có bầu và sinh con
Lo lắng về tài chính, áp lực về việc chăm sóc con cái… cũng có thể là nguyên nhân gây ra chứng sợ có bầu và sinh con

Bên cạnh đó, có con đồng nghĩa với việc áp lực tài chính sẽ gia tăng. Người vợ không thể duy trì công việc mà phải dành toàn thời gian để chăm sóc em bé. Một số phụ nữ cảm thấy lo lắng về thân hình và tình cảm của cả hai sau khi sinh nở. Tất cả những vấn đề này đều có thể là cơ sở để phát triển nỗi ám ảnh, sợ hãi về việc mang bầu và sinh con.

4. Bắt nguồn từ các hội chứng khác

Chứng sợ có bầu và sinh con có thể bắt nguồn từ những hội chứng khác như:

  • Obesophobia: Sợ tăng cân
  • Algophobia: Sợ đau
  • Haphephobia: Sợ bị đụng chạm
  • Iatrophobia: Sợ bác sĩ
  • Pedophobia : Sợ trẻ con
  • Thanatophobia: Sợ chết
  • Trypanophobia: Sợ kim tiêm
  • Nosocomephobia: Sợ bệnh viện

Khi mang thai và sinh con, nữ giới sẽ phải đối mặt với những nỗi sợ này. Đây đôi khi có thể là nguồn gốc sâu xa làm phát triển hội chứng Tokophobia.

Nhận biết chứng sợ có bầu và sinh con

Trên thực tế, rất nhiều nữ giới đều có cảm giác lo lắng, bất an khi mang thai. Trước khi quyết định có con, cả hai sẽ phải chuẩn bị về tâm lý, tài chính… để có thể thuận lợi vượt qua sự kiện trọng đại này. Tuy nhiên, cảm giác lo lắng thông thường không giống với hội chứng sợ có bầu và sinh con (Tokophobia).

Trong hội chứng này, nỗi sợ được mô tả là quá mức, thậm chí đến mức vô lý và hoang đường. Cảm giác sợ hãi dai dẳng kéo theo những hành vi né tránh như không quan hệ tình dục, luôn thực hiện các biện pháp tránh thai, thậm chí lựa chọn phá thai vì sợ hãi phải sinh con.

Đối với hội chứng sợ có bầu và sinh con, các hoạt động hằng ngày ít bị gián đoạn như chứng sợ độ cao, chứng sợ không gian hẹp… Nhưng rối loạn này có thể gây ra những cản trở về lâu dài như lập gia đình và có con.

chứng sợ có bầu và sinh con
Những người mắc chứng sợ có bầu và sinh con thường không sẵn sàng cho việc sinh nở và luôn tìm mọi cách để né tránh việc mang thai

Các dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ có bầu và sinh con (Tokophobia) bao gồm:

  • Ý nghĩ về việc mang thai và có con có thể gây ra cảm giác lo lắng, sợ hãi, bất an. Nỗi sợ lớn đến mức có thể kích hoạt các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như đổ mồ hôi, nóng bừng, tay chân lạnh, khó chịu ở vùng thượng vị, chóng mặt, buồn nôn…
  • Né tránh việc mang thai bằng cách hạn chế quan hệ tình dục. Một số người vẫn duy trì sinh hoạt vợ chồng nhưng luôn thực hiện các biện pháp ngừa thai từ uống thuốc, đặt vòng tránh thai, dùng bao cao su…
  • Luôn tin rằng việc mang thai và sinh con sẽ mang đến nhiều điều tồi tệ. Chẳng hạn như cuộc sống sẽ không còn được hạnh phúc như trước, sợ bản thân sẽ gặp phải biến chứng khi sinh nở…
  • Tin rằng bản thân sẽ gặp phải các biến chứng thai kỳ nếu mang thai như thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, nhau thai tiền đạo, tiền sản giật, băng huyết…
  • Khi mang thai, nỗi sợ về việc sinh nở có thể dẫn đến các hành vi như lựa chọn sinh mổ, thậm chí là phá thai.

Hội chứng sợ có bầu và sinh con thường phát triển đồng thời với bệnh trầm cảm. Các hành vi né tránh việc mang thai có thể kéo theo một loạt các vấn đề như buồn bã, tuyệt vọng, đau khổ, cảm thấy bản thân vô dụng và không có giá trị. Nhiều người rơi vào trạng thái chán chường trong nhiều năm và không ít trường hợp đã xuất hiện ý nghĩ tự tử.

Ảnh hưởng của hội chứng sợ có bầu và sinh con

Ngày nay, những quan điểm hà khắc đối với nữ giới đã dần được nới lỏng. Phụ nữ có thể lựa chọn không kết hôn hoặc sinh con nếu bản thân chưa sẵn sàng. Tuy nhiên, điều này khác hoàn toàn với hành vi né tránh trong hội chứng sợ có bầu và sinh con.

Đôi khi những người mắc chứng Tokophobia vẫn khát khao một gia đình đủ đầy với bố mẹ và con cái. Nỗi sợ quá lớn về việc sinh nở có thể cản trở họ thực hiện thiên chức làm mẹ.

Những hành vi né tránh như hạn chế quan hệ tình dục, uống thuốc tránh thai… có thể tránh được việc mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, sự mâu thuẫn giữa mong muốn thực sự và hành vi có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu cùng với nhiều rối loạn tâm thần khác.

Phần lớn nữ giới mắc chứng Tokophobia đều cảm thấy bản thân vô dụng, không có giá trị vì không thể thực hiện thiên chức làm mẹ. Số khác cảm thấy bản thân kém cỏi vì không xây dựng được một gia đình hoàn chỉnh đúng nghĩa.

Ngoài ra, không sẵn sàng cho việc mang thai và sinh con cũng cản trở không nhỏ khi tìm kiếm bạn đời. Bởi ở hầu hết quốc gia, xã hội chỉ thừa nhận một gia đình đúng nghĩa khi có sự xuất hiện của con cái.

chứng sợ có bầu và sinh con
Phụ nữ mắc chứng sợ có bầu và sinh con sẽ không thể tận hưởng thai kỳ một cách trọn vẹn

Phụ nữ mắc chứng Tokophobia sẽ có nguy cơ sinh non, thai nhi phát triển chậm và nhẹ cân do căng thẳng trong suốt thai kỳ. Nếu không được trị liệu, những người mắc hội chứng này sẽ khó có thể chăm sóc em bé và bản thân một cách tốt nhất. Nhiều khả năng sẽ phát triển chứng trầm cảm sau sinh, nghiện rượu và gia tăng tỷ lệ tự sát.

So với các rối loạn ám ảnh chuyên biệt khác, chứng sợ có bầu và sinh con ít ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày. Người bệnh vẫn có thể học tập, làm việc, duy trì các mối quan hệ xã hội. Ảnh hưởng lớn nhất mà hội chứng này gây ra là cản trở các mục tiêu lớn trong cuộc sống như lập gia đình, lên kế hoạch sinh con…

Ngoài ra, chứng Tokophobia còn làm gia tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần thứ phát như trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu, nghiện chất.

Chẩn đoán hội chứng Tokophobia bằng cách nào?

Chứng sợ có bầu và sinh con đã được công nhận là rối loạn tâm thần chính thức. Tương tự như các rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt khác, hội chứng này được chẩn đoán dựa trên bộ tiêu chuẩn trong DSM-5 (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần phiên bản thứ 5).

Trước khi đưa ra chẩn đoán xác định, bệnh nhân sẽ được đánh giá tâm thần, khai thác tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình, kiểm tra sức khỏe thể chất… Các bước này được thực hiện để chắc chắn rằng, nỗi ám ảnh về việc mang thai không phải là kết quả của bệnh thực tổn hay do một chất nào khác.

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ đặt một số câu hỏi. Để tăng độ chính xác và khách quan cho chẩn đoán, tốt nhất nên có người nhà đi cùng, tránh trường hợp người bệnh thiếu trung thực khi trả lời.

Các phương pháp điều trị hội chứng sợ có bầu và sinh con

Đã có nhiều phương pháp điều trị được đề xuất cho hội chứng sợ có bầu và sinh con. Đa phần các trường hợp đều được khuyến khích kết hợp tâm lý trị liệu và thuốc để đạt kết quả khả quan.

Các phương pháp điều trị được cân nhắc đối với hội chứng Tokophobia bao gồm:

1. Tâm lý trị liệu

Hội chứng sợ có bầu và sinh con hiếm khi liên quan đến yếu tố nội sinh mà thường phát triển từ các trải nghiệm tiêu cực trong cuộc sống. Vì vậy, tâm lý trị liệu gần như là lựa chọn đầu tay đối với hội chứng này.

chứng sợ có bầu và sinh con
Tâm lý trị liệu có thể giúp giảm bớt cảm giác sợ hãi về việc sinh nở và mang thai

Liệu pháp tâm lý hành vi (CBT) mang lại cải thiện khá rõ rệt đối với nỗi ám ảnh về việc mang thai và sinh nở. Liệu pháp này tìm kiếm nguồn gốc sâu xa của nỗi sợ và giúp thay đổi những suy nghĩ tiêu cực. Khi nhận thức được điều chỉnh, cảm xúc và hành vi sẽ có chuyển biến tích cực. Cảm giác sợ hãi, lo lắng quá mức về việc mang thai và sinh nở sẽ giảm đi đáng kể.

Liệu pháp nâng đỡ tâm lý cũng được cân nhắc đối với hội chứng này. Mục tiêu là giúp kiểm soát cảm xúc, giải tỏa căng thẳng liên quan đến những cản trở trong cuộc sống do hội chứng Tokophobia gây ra.

Một số trường hợp được cân nhắc liệu pháp thôi miên. Ở trạng thái thư giãn tập trung, tâm lý gia có thể tìm hiểu được những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, khám phá nhận thức được giấu kín trong tiềm thức. Khi hiểu được gốc rễ của nỗi sợ, tâm lý gia có thể lên kế hoạch trị liệu hiệu quả, phù hợp hơn.

2. Dùng thuốc

Người mắc chứng sợ có bầu và sinh con thường có biểu hiện trầm cảm. Vì vậy, liệu pháp dược lý cũng được xem xét trong quá trình điều trị. Thuốc được sử dụng để giảm triệu chứng trầm cảm, lo âu và các rối loạn tâm thần tiềm ẩn.

chứng sợ có bầu và sinh con
Dùng thuốc giúp giảm đáng kể nỗi ám ảnh về việc sinh nở, cải thiện tâm trạng và các rối loạn giấc ngủ, ăn uống

Hiện nay, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần và thuốc chống co giật thường được sử dụng cho bệnh nhân mắc chứng Tokophobia. Khi dùng thuốc, tâm trạng và các triệu chứng liên quan đến giấc ngủ đều có cải thiện. Nỗi sợ hãi về việc mang thai, sinh nở cũng giảm bớt và nhiều người có thể bình thường hóa việc sinh hoạt vợ chồng.

Tuy nhiên, để người bệnh ổn định tâm lý và sẵn sàng mang thai, sinh nở sẽ cần một thời gian khá dài. Thuốc chỉ được xem là liệu pháp hỗ trợ, nếu muốn giải quyết triệt để tình trạng này, trị liệu tâm lý bắt buộc phải được thực hiện.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Nỗi ám ảnh, sợ hãi về việc sinh con sẽ kéo theo những vấn đề như tâm lý lo âu, bất ổn, cảm xúc buồn bã, trầm buồn, mất định hướng và hy vọng vào cuộc sống. Các vấn đề này cần phải được kiểm soát để nâng đỡ tinh thần và góp phần giải quyết triệt để nỗi sợ hãi về việc sinh nở.

Ngoài liệu pháp dược lý và tâm lý trị liệu, các biện pháp hỗ trợ sau sẽ giúp ích rất nhiều trong việc ổn định tinh thần, giảm lo lắng, căng thẳng:

  • Ngồi thiền
  • Tập thể dục (yoga, bơi lội)
  • Đọc sách
  • Viết nhật ký
  • Dành thời gian cho các hoạt động ý nghĩa như chăm sóc cây cối, leo núi, tham gia các chương trình thiện nguyện…

Các hoạt động này sẽ giúp giải tỏa tâm trạng, gia tăng sự tự tin và lòng tự trọng. Dù không phải là liệu pháp chính nhưng trên thực tế, các biện pháp hỗ trợ có thể giảm ý nghĩ tự sát và các hành vi cực đoan.

Mục tiêu khi điều trị chứng Tokophobia không phải là giúp bệnh nhân có thể mang thai và sinh con. Thực hiện thiên chức làm mẹ là lựa chọn, không phải trách nhiệm của người phụ nữ. Điều trị được thực hiện để giảm nỗi sợ vô lý, quá mức về việc sinh nở. Khi nỗi sợ được kiểm soát, phụ nữ có thể thoải mái về mặt tinh thần và dễ dàng thực hiện các mục tiêu trong cuộc sống như lập gia đình, sinh con…

Hội chứng sợ có bầu và sinh con (Tokophobia) là rối loạn tâm thần rất hiếm gặp. Trong bối cảnh hiện nay, hội chứng này dễ bị nhầm lẫn với tâm lý ngại sinh con đơn thuần nên việc phát hiện, chẩn đoán vẫn còn nhiều thách thức. Dù vậy, với mạng lưới y tế ngày càng được mở rộng, phụ nữ mắc hội chứng Tokophobia sẽ được hỗ trợ để có thể tận hưởng thai kỳ một cách trọn vẹn.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *