Hội chứng sợ đụng chạm (Haphephobia) gây ra nhiều hệ lụy

Người mắc hội chứng sợ đụng chạm có thể giật mình, la hét, run rẩy, bỏ chạy ngay lập tức nếu có ai đó vô tình chạm vào người họ. Nỗi ám ảnh này có thể liên quan đến những trải nghiệm đau thương ở quá khứ, chẳng hạn như bị tấn công tình dục hoặc có thể lo lắng quá mức về một bệnh truyền nhiễm nào đó. Một số người có thể chọn cách cô lập bản thân ở nhà để tránh nguy cơ va chạm với người khác.

Hội chứng sợ đụng chạm (Haphephobia) là gì?

Hội chứng sợ đụng chạm có tên khoa học là Haphephobia, là một dạng ám ảnh sợ chuyên biệt khá hiếm gặp. Thuật ngữ Haphephobia có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ, trong đó “ haphḗ ” có nghĩa là “va chạm, chạm vào” còn “phobia” là “nỗi sợ hãi, ám ảnh”. Một vài thuật ngữ khác cũng có thể được sử dụng chung như aphephobia, haphophobia, thixophobia, haptephobia, haptophobia hoặc hapnophobia..

Hội chứng sợ đụng chạm
Hội chứng sợ đụng chạm được đặc trưng bởi nỗi sợ tột độ dẫn tới các phản ứng quá mức của người bệnh khi bị ai đó chạm vào

Những đặc điểm đặc trưng của Haphephobia chính là nỗi căng thẳng, sợ hãi tột độ của một người khi bị người khác chạm vào, dù là vô tình hay cố ý. Chẳng hạn như khi đang đi trên phố đông đúc và vô tình bị một ai đó quệt vào tay cũng khiến họ giật mình hoảng loạn. Người mắc hội chứng sợ đụng chạm cũng luôn tìm cách tránh né các hoạt đụng cần va chạm, tiếp xúc trực tiếp, chẳng hạn như bắt tay.

Haphephobia  đã được đề cập tại Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm lý Tâm thần (DSM-5) phiên bản mới nhất và được xếp thuộc nhóm rối loạn lo âu. Nỗi sợ hãi, ám ảnh, lo âu tại đây thường mang tính chất quá mức và phi lý; không thể kiểm soát, có cường độ cao và đã kéo dài ít nhất 6 tháng.

Thực tế trong cuộc sống hằng ngày, sự “va chạm” giữa con người với con người là điều hầu như không thể tránh khỏi. Chẳng hạn như khi chúng ta đi trên một chuyến xe bus đông đúc việc vô tình va chạm vẫn có thể xảy ra. Hay trong công việc, bắt tay với đối tác khi ký kết hợp đồng cũng là một phép lịch sự nên làm. Do đó hội chứng sợ đụng chạm có thể gây ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh khác nên cần sớm tìm cách khắc phục.

Hội chứng sợ đụng chạm biểu hiện như hế nào?

Những phản ứng căng thẳng, lo âu quá mức ở Haphephobia có thể liên quan đến yếu tố giới tính ( chẳng hạn nữ giới sợ hãi khi bị nam giới đụng chạm, nhưng nếu đó là người cùng giới thì không vấn đề) nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ các giới tính. Các phản ứng của người bệnh nếu không được thấu hiểu có thể bị đánh giá là lố bịch, làm quá, dối trá tuy nhiên trên thực tế đây đều là những cảm xúc chân thật của họ.

Hội chứng sợ đụng chạm
Người bệnh có thể trở nên hoảng loạn, căng thẳng nếu cảm thấy sắp chạm phải một ai đó

Một số đặc trưng điển hình của người mắc hội chứng sợ đụng chạm bao gồm

  • Phản ứng khi cảm thấy nguy hiểm ( chẳng hạn khi ai đó đến gần và sắp va vào họ) gồm run rẩy, đánh trống ngực, toát mồ hôi, khó thở, đau tức ngực, choáng váng, mất phương hướng, khô miệng, buồn nôn, đứng không vững và muốn bỏ chạy ngay lập tức
  • Nếu bị ai đó vô tình hay cố ý chạm vào, người bệnh có thể la hét, hoảng loạn, kích đụng, bỏ chạy hoặc thậm chí là ngất xỉu
  • Luôn cảm thấy việc ra ngoài đầy rẫy nguy hiểm bởi có nguy cơ va chạm với người khác nên thường tìm cách tránh né
  • Bệnh nhân Haphephobia luôn từ chối đến những nơi đông người, có nguy cơ va chạm, chẳng hạn như xe bus, các buổi tiệc, các sự kiện vui chơi ngoài trời hay các trò chơi tập thể
  • Luôn trong trạng thái lo âu, phòng bị vì sợ sẽ va chạm với ai đó nên không thể tập trung làm bất cứ việc gì
  • Người mắc hội chứng sợ đụng chạm có thể gặp ác mộng nếu vô tình va chạm với ai đó, hoặc mơ đến các tình huống tương tự vì suy nghĩ, lo âu quá nhiều
  • Trẻ nhỏ có thể xuất hiện xu hướng la hét, khóc lóc, giận dữ nếu bị ai đó chạm vào

Bản thân người bệnh dù ý thức hay không ý thức được rằng mình có nỗi sợ phi lý thì cũng không thể nào kiểm soát được cảm xúc và các phản ứng của bản thân. Trạng thái này kéo dài làm cản trở đến việc tham gia vào rất nhiều các hoạt động, sự kiện, lĩnh vực trong đời sống của người bệnh.

Nguyên nhân hội chứng sợ đụng chạm

Những trải nghiệm tiêu cực, đáng sợ từ quá khứ có thể là nguồn gốc cho nỗi sợ hãi của hội chứng sợ đụng chạm. Tuy nhiên cơ chế bệnh sinh của Haphephobia vẫn chưa thể làm rõ, các nhà khoa học mới chỉ đưa ra giả thuyết về các yếu tố liên quan. Một số rối loạn tâm lý cũng được cho là có mối liên hệ trực tiếp với nỗi ám ảnh sợ hãi này.

Hội chứng sợ đụng chạm
Từng bị sàm sỡ hay lạm dụng tình dục là nguyên nhân khiến nhiều người mắc Haphephobia

Một số yếu tố hình thành nên hội chứng sợ đụng chạm chạm gồm

  • Ám ảnh từ quá khứ: những trải nghiệm đau thương, chẳng hạn từng bị tấn công tình dục, bị bạo hành, bị tra tấn về thể xác .., chính là tiền đề tạo thành nỗi sợ hãi tột độ ở rất nhiều bệnh nhân. Những sự kiện này sẽ tác động trực tiếp đến hạch hạnh nhân khiến nó trở nên nhạy cảm hơn. Do đó khi thấy có một ai đó tiến đến gần, cơ thể hình thành cơ chế phòng bị vì cảm thấy nỗi nguy hiểm đang đến dần. Trạng thái bỏ chạy diễn ra để bảo vệ bản thân tránh khỏi những tình huống nguy hiểm lặp lại như ở quá khứ.
  • Tính chất di truyền: nếu trong gia đình có người mắc Haphephobia hay các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác thì nguy cơ mắc hội chứng sợ đụng chạm ở các thành viên khác cũng sẽ cao hơn.
  • Yếu tố tính cách: những người có tính cách nhút nhát, ngại ngùng, hay xấu hổ, ít tiếp xúc với bên ngoài hay quá lo âu cũng có nguy cơ mắc hội chứng sợ đụng chạm hơn những người có tính cách hoạt bát, vui vẻ, dạn dĩ.
  • Tiếp xúc với các thông tin tiêu cực: Chẳng hạn một bé gái nếu luôn bị cha mẹ hù dọa rằng nếu nắm tay hay chạm vào người khác giới sẽ có bầu hay sẽ bị lây nhiễm bệnh; hay thông tin về các bệnh lây nhiễm qua tiếp xúc bên ngoài cũng khiến nhiều người lo lắng rằng việc va chạm với ai đó sẽ khiến mình bị mắc bệnh.

Bên cạnh đó, một số rối loạn tâm thần cũng được cho là có liên quan đến nguyên nhân hình thành hội chứng sợ đụng chạm, bao gồm

Nghiên cứu và thống kê cũng cho thấy, hầu hết người mắc rối loạn ám ảnh sợ hãi chuyên biệt đều có hơn 1 nỗi ám ảnh chính thức. Ngoài ra vẫn có những trường hợp mắc Haphephobia mà không có các nguyên nhân cụ thể nào khác. Tỷ lệ bệnh nhân đa phần cũng là nữ giới, trẻ em hay những người có tâm lý yếu.

Hội chứng sợ đụng chạm và những ảnh hưởng

Như đã nói, trong cuộc sống hằng ngày, việc có sự va chạm, hay chính xác hơn là “tương tác” là điều bình thường, tất nhiên tùy theo mức độ và hành vi, tính chất mối quan hệ. Chẳng hạn như bạn bè cùng quàng vai bá cổ, bắt tay cùng đối tác, vợ chồng cầm thay nhau hay đôi khi là một cái vỗ vai động viên đều là những hành đụng phổ biến, bình thường. Chỉ cần không vượt quá  ranh giới thì các va chạm bên ngoài vẫn được chấp thuận.

Việc người bệnh có xu hướng phản ứng thái quá với các hành vi va chạm có thể gây khó khăn cho chính cuộc sống của họ, đặc biệt trong các mối quan hệ. Những người xung quanh luôn phải tìm cách giữ khoảng cách phù hợp để người bệnh cảm thấy an toàn, không bị kích đũng. Nếu nỗi sợ áp dụng trên mọi giới tính, người bệnh luôn trong tình trạng tách biệt với mọi người.

Hội chứng sợ đụng chạm
Bệnh nhân Haphephobia tự cô lập bản thân với xã hội để có thể bảo vệ bản thân

Mặt khác không phải ai cũng dành sự thông cảm cho người mắc hội chứng sợ đụng chạm. Thậm chí có những người còn cho những người bệnh đang “diễn”; lố bịch, màu màu hay điên khùng. Chính vì những ánh mắt dò xét, nghi vấn này mà không ít người bệnh chọn cách trốn trách ở nhà, biệt lập bản thân với xung quanh, không ra ngoài để không phải va chạm với ai khác.

Nỗi ám ảnh của Haphephobia cũng khiến người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, chẳng hạn như khó tìm kiếm các công việc phù hợp, nếu còn là học sinh thì không thể đến trường. Các mối quan hệ yêu đương cũng hầu như không thể diễn ra bởi người bệnh cũng sợ hãi việc thân mật hay tình dục dẫn tới họ có thể phải sống trong cô độc đến suốt đời.

Người mắc hội chứng sợ đụng chạm nếu không được hỗ trợ sớm về tâm lý cũng có thể tiến triển thành rối loạn lo âu lan tỏa hay trầm cảm. Do nỗi ám ảnh căng thẳng diễn ra liên tục kết hợp với việc cô lập bản thân, thiếu hỗ trợ về mặt xã hội khiến nhiều người rơi vào tuyệt vọng và có thể có các hành vi tiêu cực để giải tỏa cảm xúc.

Làm thế nào để vượt qua hội chứng sợ đụng chạm?

Việc chẩn đoán hội chứng sợ đụng chạm được thực hiện tại các chuyên khoa tâm thần hoặc các trung tâm tâm lý trị liệu thông qua việc xem xét tiền sử bệnh lý, các bài test chuyên môn cùng một số kiểm tra sức khỏe cần thiết. Bác sĩ và chuyên gia cần trò chuyện trực tiếp để xem xét các hành vi, biểu hiện, trạng thái của người bệnh, từ đó mới có thể lên kế hoạch điều trị thích hợp.

Trị liệu tâm lý

Hội chứng sợ đụng chạm thường xuất phát từ chính những vướng mắc tồn tại trong tâm trí không được giải quyết, do đó trị liệu tâm lý được sử dụng như liệu pháp chính với các trường hợp này. Mục tiêu của tâm lý trị liệu là loại bỏ dần những suy nghĩ sai lệch về việc va chạm cơ thể, giải tỏa cảm xúc lo âu cho người bệnh để nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh hòa nhập dần với xã hội, các hoạt động thường ngày.

Hội chứng sợ đụng chạm
Tâm lý trị liệu giúp người bệnh thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi và có tinh thần thoải mái hơn

Xuyên suốt quá trình trò chuyện, nhà trị liệu sẽ đặt ra những câu hỏi hoặc yêu cầu người bệnh chia sẻ về cảm xúc, trải nghiệm của bản thân để nắm bắt được căn nguyên nỗi sợ hãi của Haphephobia. Dựa trên chính kết quả sau mỗi lần trò chuyện, chuyên gia tâm lý sẽ xây dựng lộ trình can thiệp thích hợp để người bệnh chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân.

Một số liệu pháp chính được chỉ định ứng dụng trong hội chứng sợ đụng chạm bao gồm

  • Liệu pháp hành vi nhận thức CBT: đây là một trong những biện pháp được sử dụng phổ biến nhất nhằm mục tiêu điều chỉnh tư duy sai lệch của người bệnh. CBT giúp người bệnh nhìn nhận nghiêm túc về nỗi sợ hãi của bản thân và hiểu rõ rằng điều này là phi lý, từ đó tìm cách thay thế những những suy nghĩ tích cực, phù hợp hơn. Mặt khác, CBT cũng giúp bệnh nhân Haphephobia thư giãn, sẵn sàng đối mặt hơn với những ám ảnh đau thương từ quá khứ có liên quan đến việc đụng chạm thân thể.
  • Liệu pháp tự phơi nhiễm: bằng việc cho người bệnh liên tục tiếp xúc với nỗi sợ hãi của bản thân với nhiều cấp độ, cơ thể sẽ hình thành cơ chế thích nghi, quen thuộc và giảm dần mức độ phản ứng với các hành vi đó. Với hội chứng sợ đụng chạm,  người bệnh có thể bắt đầu từ việc để người nhà bắt tay, cầm tay, sau đó có thể là những người xa lạ, hoặc đưa người bệnh đến với những nơi đông đúc để có những trải nghiệm thực tế. Nhà trị liệu sẽ đồng hành trong quá trình này để hướng dẫn người bệnh cách thư giãn, tránh các phản ứng kích thích quá mức có thể gây nguy hiểm.
  • Giải mẫn cảm & Tái xử lý chuyển động mắt (EMDR): được chỉ định với những bệnh nhân có những trải nghiệm đau khổ, tiêu cực ở quá khứ nhằm xoa dịu những tổn thương, giảm mức độ căng thẳng khi phải đối diện với các hành vi tương đồng với quá khứ, nhờ đó đáp ứng tốt hơn với các liệu pháp khác.
  • Liệu pháp thư giãn: Mục tiêu của liệu pháp này để giúp người bệnh thư giãn, thoải mái, bình tĩnh hơn khi phải đối diện với các tình huống gây căng thẳng. Khi tinh thần người bệnh cởi mở hơn, tích cực hơn cũng sẵn sàng đón nhận các phương pháp trị liệu để mang đến kết quả tích cực hơn.

Thống kê cho thấy trị liệu tâm lý thực sự có mang đến nhiều thay đổi tích cực trong suy nghĩ, hành vi của hội chứng sợ đụng chạm. Trong một vài trường hợp, thôi miên cũng có thể được chỉ định nếu người bệnh không đáp ứng tốt với các liệu pháp trên nhằm giúp người bệnh cởi mở hơn, thả lỏng hơn, thay thế nhận thức có hiệu quả hơn.

Điều trị bằng thuốc

Hiện tại vẫn không có bất cứ loại thuốc nào được chấp nhận là thuốc đặc hiệu cho hội chứng sợ đụng chạm, mặt khác cũng không có loại thuốc nào có thể giúp loại bỏ nỗi căng thẳng, sợ hãi của một người. Tuy nhiên bác sĩ vẫn có thể phải yêu cầu sử dụng một vài loại thuốc khi cần thiết để xoa dịu những cảm xúc, phản ứng quá mức của người bệnh để  cải thiện tình trạng này có hiệu quả hơn.

Các nhóm thuốc được chỉ định phổ biến cho người bệnh thường là thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta, thuốc giảm lo âu.. Thuốc có thể đi kèm một vài tác dụng phụ không mong muốn nên thường được chỉ định dùng theo từng giai đoạn. Tuân thủ đúng liều lượng, cách dùng từ đơn thuốc của bác sĩ sẽ hạn chế gặp các phản ứng phụ này.

Chăm sóc và điều trị tại nhà

Theo các chuyên gia, có đến 80% trường hợp mắc các chứng rối loạn ám ảnh cụ thể, bao gồm cả Haphephobia  có thể chữa khỏi nếu tham gia điều trị từ giai đoạn sớm. Trị liệu tâm lý, thuốc cùng một lối sống khoa học có thể giúp ích cho các đối tượng này. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là sự quyết tâm và kiên trì của bệnh nhân để điều trị dứt điểm các triệu chứng hoàn toàn.

Hội chứng sợ đụng chạm
Đôi khi sự “va chạm” lại chứa đầy tình yêu thương từ những người xung quanh

Một số biện pháp có thể giúp ích cho để vượt qua người mắc hội chứng sợ đụng chạm trong quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà bao gồm

  • Thư giãn, nghỉ ngơi, giữ tinh thần trong trạng thái tích cực, thả lỏng
  • Thiền và yoga có thể giúp ích trong quá trình cân bằng cảm xúc, điều chỉnh tư duy phù hợp với thực tại
  • Tránh tiếp xúc với các thông tin tiêu cực, chẳng hạn như lây bệnh qua va chạm với người lạ.. cần chắt lọc các thông tin để tiếp thu phù hợp, đặc biệt với những người vốn đã có tinh thần yếu và hay lo âu
  • Thực hiện các hành vi thể hiện tình cảm với gia đình hay bạn bè, đặc biệt sau thời gian mà bạn luôn xa lánh, tránh xa nhưng mọi người vẫn luôn bên cạnh, động viên bạn hằng ngày. Một cái ôm ấm áp với người thân yêu hoàn toàn có thể khiến bạn bỗng nhiên “nghiện” cảm giác đặc biệt này
  • Chia sẻ cảm xúc và nỗi lo lắng của bản thân với những người thân thiết để tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết, đặc biệt nếu cần đến những nơi đông người có nguy cơ va chạm nhiều
  • Người đang điều trị hội chứng sợ đụng chạm tuyệt đối không sử dụng đồ uống có cồn, chất gây nghiện hay chất kích thích nếu tinh thần chưa ổn định
  • Duy trì lối sống lành mạnh, bổ sung dinh dưỡng khoa học, nghỉ ngơi đầy đủ để tinh thần luôn tỉnh táo, tích cực
  • Trang bị kỹ năng kiểm soát cảm xúc, bảo vệ bản thân để tránh các tình huống không mong muốn có thể xảy ra

Hội chứng sợ đụng chạm làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng các mối quan hệ, sức khỏe tinh thần và đời sống của người bệnh nên cần tìm cách khắc phục càng sớm càng tốt. Gia đình cũng cần luôn bên cạnh động viên tinh thần, khuyến khích người bệnh nghỉ ngơi, chia sẻ cảm xúc của bản thân để sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *