Hội chứng Hikikomori: Nhiều người trẻ tự xa lánh cộng đồng

Hội chứng Hikikomori đang dần lan rộng ở nhiều quốc gia. Nó khiến con người trở nên yếu đuối, lo lắng và căng thẳng khi nghĩ đến những mối quan hệ xã hội và áp lực cuộc sống. Từ đó, họ tự nhốt mình trong phòng, tách biệt và cô lập với cộng đồng, không giao tiếp và trò chuyện với bất kỳ ai.

Hội chứng Hikikomori là gì?

Hội chứng Hikikomori xuất hiện đầu tiên tại Nhật Bản vào những năm 1990, đây là một hội chứng từ việc cô đơn và lo lắng dẫn đến tình trạng xa lánh xã hội và cộng đồng. Hikikomori được dịch sang tiếng Việt nghĩa là “Thu mình vào bên trong, trong phòng hạn chế giao tiếp và tiếp xúc với mọi người xung quanh”.

Hội chứng Hikikomori là gì?
Hội chứng Hikikomori khiến con người tách mình khỏi các hoạt động và giao tiếp với xã hội.

Bắt nguồn từ việc những người trẻ lo lắng, áp lực do sự kỳ vọng của gia đình và xã hội. Họ ngại và lo sợ cực độ khi phải đối mặt với việc hòa nhập vào xã hội. Đa số thời gian họ sẽ nhốt mình trong phòng để ngủ, chơi game, xem TV, đọc truyện, những người mắc hội chứng này thường chỉ hoạt động mạnh trên mạng xã hội.

Những người mắc phải hội chứng Hikikomori sẽ không có kết nối liên hệ với bất kỳ người nào bên ngoài, ngoại trừ người thân trong gia đình. Mặc dù vậy họ cũng không giao tiếp, tâm sự hay tham gia vào các hoạt động gia đình. Họ nghĩ rằng nếu từ bỏ lối sống này có thể sẽ khiến họ đau khổ và buồn bã.

Người mắc Hikikomori không muốn và cũng không có nhu cầu tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Họ hầu như chỉ ở trong nhà và cụ thể hơn là trong phòng ngủ của mình, rút lui hoàn toàn khỏi hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên hội chứng này không xuất phát từ các bệnh lý thể chất hoặc tâm lý nào.

Nguyên nhân gây ra hội chứng Hikikomori

Các chuyên gia tâm lý chưa thể tìm được nguyên nhân cụ thể dẫn đến hiện tượng Hikikomori. Nhưng phần lớn, hội chứng này xuất phát từ yếu tố nội tâm, có thể do những sang chấn tâm lý trong quá khứ làm họ chán ghét và mệt mỏi với việc kết giao với các mối quan hệ xã hội.

Chưa thể đưa ra nguyên nhân cụ thể vì có thể do quá nhiều yếu tố đã góp phần tạo ra hội chứng Hikikomori. Sự thay đổi về xã hội, đô thị hóa khiến một số bộ phận người dân cảm thấy lạc lõng và chơi vơi, họ không thể liên kết với cộng đồng, vì thế họ chọn cách tách rời và nhốt mình trong “thế giới riêng”.

Ngoài ra, hội chứng Hikikomori thường xảy ra ở những gia đình có điều kiện hoặc giàu có hơn là gia đình nghèo và có hoàn cảnh khó khăn. Bởi lẽ, khi có nhiều tiền của, gia đình sẽ không bắt ép con cái đi làm và lao động, đó cũng là nguyên nhân khiến một số bộ phận giới trẻ trở nên thụ động, chây lười và ngại tiếp xúc với bên ngoài. Chỉ ở lì trong phòng và làm việc riêng, dần không còn muốn giao tiếp với bất kỳ ai.

Một lý do khác cho việc mắc hội chứng Hikikomori là do cảm thấy thua kém với bạn bè hoặc xấu hổ với gia đình. Xã hội ngày nay có rất nhiều người giỏi và thành công, điều này vô tình khiến những người không giỏi cảm thấy tự ti và thất bại. Họ cảm thấy bản thân bất tài và xấu hổ với sự kỳ vọng của gia đình, từ đó họ cực đoan với xã hội.

Nguyên nhân gây ra hội chứng Hikikomori
Sức ép và kỳ vọng từ gia đình hay xã hội cũng khiến giới trẻ dễ mắc phải hội chứng Hikikomori.

Chấn thương tâm lý trong những trải nghiệm đau thương ở quá khứ khiến những người mắc Hikikomori bị rối loạn căng thẳng, ngại giao tiếp, dẫn đến nhút nhát và dễ lo sợ. Việc nay làm cho họ khó hòa nhập và muốn tách ra khỏi xã hội.

Xem thêm: Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) và những điều cần biết

Đối tượng mắc hội chứng Hikikomori

Ở Nhật Bản, được ghi nhận chiếm hơn 1% dân số mắc phải hội chứng Hikikomori. Các trường hợp này thường xảy ra ở thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 13 đến 29, đa số là nam giới, là những người tách biệt khỏi hoạt động và đời sống xã hội, không bạn bè, không đồng nghiệp.

Bên cạnh đó, vẫn có một số người trung niên do áp lực công việc, cuộc sống mà họ dần nhốt mình và không giao tiếp với xã hội. Hội chứng này hay mắc phải là những người đã tốt nghiệp đại học, sau đó không thể tìm được việc làm, ở nhà chơi game lâu ngày hình thành việc chán ghét ra bên ngoài hòa nhập với cộng đồng.

Những đối tượng được xem là đã mắc hội chứng Hikikomori khi tự nhốt mình trong phòng, không bước ra ngoài, không liên hệ với bất kỳ ai, ít nói chuyện với người thân trong khoảng từ 6 tháng trở lên. Họ cảm thấy căng thẳng và vất vả trong việc giao tiếp với các mối quan hệ xã hội, vì thế họ chọn cách thu mình trong căn phòng.

Biểu hiện của hội chứng Hikikomori

Hội chứng Hikikomori không có các triệu chứng hay biểu hiện cụ thể như các bệnh lý khác, nhưng khá dễ dàng để nhận biết một người có đang mắc Hikikomori không. Có 2 loại dạng chính của hội chứng Hikikomori: không tự tin và lo sợ khi giao tiếp xã hội; quá lậm và ham mê vào thế giới ảo.

Các Hikikomori thường có các biểu hiện giống nhau. Đa phần họ sẽ hoạt động nhiều vào ban đêm và ngủ vùi vào ban ngày, nên cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, uể oải vì không hoạt động cũng như thiếu ánh nắng mặt trời. Vào ban đêm là khoảng thời gian để các Hikikomori thực hiện các sở thích cá nhân của mình như đọc truyện, xem phim,…

Chế độ ăn uống cũng bất thường, các Hikikomori không quan trọng chuyện ăn uống, họ chỉ ăn cho qua bữa để hạn chế tối đa phải ra khỏi phòng. Khẩu phần thường thấy của các Hikikomori là mì gói. Nếu ở chung với gia đình thì họ sẽ được cung cấp thức ăn đa dạng hơn, nhưng đa phần họ ăn rất ít và lười ăn.

Không gian của các Hikikomori hằng ngày là một căn phòng nhỏ, tối tăm và bí bách. Họ cũng không có nhu cầu mở cửa sổ hoặc bật đèn. Nguồn ánh sáng duy nhất là đến từ điện thoại, máy tính hoặc TV. Căn phòng thường rất bừa bộn do chứa nhiều thứ để hạn chế việc ra ngoài lấy đồ. Mọi hoạt động đều được diễn ra trong căn phòng này.

Biểu hiện của hội chứng Hikikomori
Tự nhốt mình trong căn phòng tối, chật hẹp, bừa bộn cũng là dấu hiệu phổ biến ở các Hikikomori.

Trong phòng của một Hikikomori thường sẽ có các chồng truyện tranh, đĩa phim hoặc trò chơi điện tử, chai lọ hết được vứt bừa bãi ở trong phòng. Họ nhốt mình trong khoảng thời gian dài có khi lên đến nhiều năm. Một biểu hiện cô lập xã hội cực độ thường thấy ở các Hikikomori.

Không học hành cũng không làm việc, họ chỉ hoạt động mọi thứ ở trong căn phòng nhỏ. Không kết bạn và giao lưu hay tiếp xúc với bất kỳ ai. Người ngoài hoặc hàng xóm rất hiếm khi có thể thấy các Hikikomori xuất hiện. Khi các Hikikomori nổi giận cũng có nguy cơ gây tổn thương đến người thân hoặc cho chính bản thân họ.

Những biểu hiện của hội chứng Hikikomori không phải là đặc điểm của người hướng nội. Người có xu hướng hướng nội thông thường họ chỉ cảm thấy thích ở nhà nhưng vẫn có thể hoạt động và hòa nhập với xã hội. Còn Hikikomori sẽ có những lo lắng và ám ảnh cực độ với việc tiếp xúc với cộng đồng.

Xem thêm: Bài Test hội chứng sợ giao tiếp xã hội

Ảnh hưởng nghiêm trọng của hội chứng Hikikomori

Mắc bất kể hội chứng nào cũng sẽ gây ra những bất lợi và ảnh hưởng nhất định đến chất lượng cuộc sống. Trong đó, hội chứng Hikikomori sẽ ảnh hưởng không chỉ đến bản thân người mắc mà còn cả gia đình, xã hội và đất nước.

Vấn nạn về hội chứng Hikikomori ngày càng nhiều không chỉ ở Nhật mà đã và đang lan rộng sang các quốc gia khác. Việc người trẻ mắc hội chứng Hikikomori sẽ gây ra những ảnh hưởng và hệ lụy nghiêm trọng, từ đó trở thành thực trạng đáng báo động.

  • Phụ thuộc quá nhiều vào Internet

Hội chứng Hikikomori sẽ khiến người mắc không giao tiếp với xã hội bên ngoài và ngay cả người thân trong gia đình của họ. Phương tiện duy nhất giúp họ giải trí và theo dõi cuộc sống bên ngoài đó là Internet. Thói quen này ban đầu là sở thích nhưng lâu dần sẽ trở nên phụ thuộc và bị lậm dần vào các thiết bị như điện thoại, máy tính,…

Việc phụ thuộc vào Internet sẽ khiến người trẻ trở nên lạnh nhạt và thụ động. Mọi thứ cần biết chỉ cần lên mạng tìm kiếm và thu thập, lâu dần sẽ khiến các Hikikomori trở nên lười biếng và suy giảm khả năng động não. Vô cảm với mọi thứ xung quanh, tính cách cũng cáu gắt hơn, tiêu cực hơn do chỉ tiếp nhận thụ động một chiều.

Ảnh hưởng nghiêm trọng của hội chứng Hikikomori
“Nghiện” Internet, mạng xã hội là một hệ lụy nghiêm trọng của hội chứng Hikikomori.

Dẫu biết Internet cũng mang lại nhiều lợi ích, giúp con người mở mang thêm kiến thức, nhưng việc lạm dụng quá nhiều sẽ gây tác dụng ngược. Các Hikikomori sẽ dần không còn có nhu cầu giao tiếp và tự xa lánh cộng đồng xung quanh.

Xem thêm: Thực Trạng Nghiện Game Online: Dấu Hiệu Và Giải Pháp Khắc Phục

  • Sống dựa dẫm vào gia đình

Ở Nhật Bản, họ thường có chính sách hỗ trợ và phụ cấp suốt đời cho những người bị thất nghiệp, lợi dụng điều này các Hikikomori trở nên lười biếng và sống phụ thuộc hơn. Ngoài ra, khi gia đình có điều kiện cũng khiến người mắc hội chứng này dựa dẫm vào gia đình hơn.

Vì gia đình chu cấp đầy đủ mọi thứ, nên các Hikikomori không còn động lực để ra ngoài lao động và làm việc. Sống dựa dẫm vào gia đình khiến người mắc cảm thấy an toàn hơn, không phải chịu những áp lực đến từ công việc hay xã hội.

Không đi làm, không cần cạnh tranh, cố gắng khiến các Hikikomori trở nên lười biếng và ích kỷ. Suốt ngày chỉ ở trong phòng tù túng và tiếp xúc liên tục với mạng xã hội, không có bạn bè, đồng nghiệp, khiến cuộc sống nhàm chán, thiếu năng lượng.

  • Sức khỏe suy giảm

Khi nhốt mình quá lâu trong một căn phòng tối tăm, không vận động, không giao tiếp, ăn uống tùy tiện, độc hại, chắc chắn sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực không ít. Việc thiếu vận động sẽ khiến xương khớp bị cứng, đau nhức, là yếu tố dễ sinh ra các bệnh lý như tăng cân, tiểu đường, huyết áp, đột quỵ,…

Đối mặt với không gian kín 24/24 khiến cơ thể mệt mỏi do thiếu ánh sáng mặt trời. Việc không ra ngoài trời, thiếu tiếp xúc với thiên nhiên cây cối khiến việc trao đổi chất bị kém. Cơ thể thiếu vitamin từ ánh sáng mặt trời sẽ thiếu chất đề kháng chống lại bệnh tật.

  • Tâm lý bị căng thẳng

Mắc hội chứng Hikikomori không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây nghiêm trọng đến tinh thần. Việc xa lánh, cô lập bản thân sẽ khiến tâm trạng dễ rơi vào khủng hoảng, nhạy cảm gây phản ứng thái quá. Tâm lý căng thẳng khiến các Hikikomori bị bức xúc và dễ nổi nóng ảnh hưởng đến bản thân và người xung quanh.

Khi tâm lý bị căng thẳng kéo dài sẽ khiến các Hikikomori dễ bị mắc các bệnh tâm lý như tự kỷ và trầm cảm. Vì không được giải tỏa cảm xúc cũng như không có người để tâm sự và trò chuyện nên tâm trạng bế tắc là triệu chứng dễ xảy ra. Tâm lý bị căng thẳng khiến các Hikikomori càng muốn xa lánh cộng đồng tránh những rắc rối.

  • Ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước

Người trẻ thường được ví như “tương lai của đất nước”, nhưng một thực trạng đáng buồn khi đa số người mắc Hikikomori thường rơi vào lứa tuổi thanh thiếu niên. Điều này đe dọa đến sự phát triển của đất nước. Việc xa lánh cộng đồng khiến người trẻ trở nên nhút nhát, tự ti, kém giao tiếp nên việc hội nhập quốc tế cũng bị ảnh hưởng.

Theo các nghiên cứu thì những người mắc phải hội chứng Hikikomori, thường là những bạn trẻ thông minh và có năng lực, nhưng do ám ảnh cực độ với việc tiếp xúc xã hội nên dần thu mình lại. Việc này khiến đất nước mất đi một phần lực lượng lao động tiềm năng, tác động đến sự phát triển chung cho kinh tế đất nước.

Ngoài ra, người mắc chứng Hikikomori ít có trường hợp gây hại đến người khác, mà chỉ hành hạ chính bản thân mình. Nhưng nếu tâm lý ức chế, căng thẳng quá độ cũng có khả năng gây ra tổn thương đến người xung quanh. Việc này cũng khiến tỉ lệ tội phạm của đất nước đó tăng lên, dù không nhiều nhưng vẫn nguy hiểm.

Hội chứng Hikikomori có phải bệnh không?

Nhiều tranh cãi cho rằng Hikikomori là một loại bệnh tâm lý, nhưng các chuyên gia đã chứng minh điều đó là sai. Hội chứng Hikikomori thật chất không phải là một căn bệnh, nó phát xuất từ suy nghĩ chủ quan của người mắc, họ tự nghĩ ra những sự lo sợ và ngại khi hòa nhập với cộng đồng.

Hội chứng Hikikomori khác với hội chứng sợ giao tiếp xã hội (Social Anxiety Disorder). Hội chứng sợ giao tiếp xã hội sẽ kèm theo các hiện tượng lo âu, xấu hổ, né tránh… khi xử lý các vấn đề xã hội và đó được cho là một chứng bệnh tâm lý. Họ không thể chủ động và kiểm soát được những hành vi hoảng loạn của mình.

Còn đối với các Hikikomori là do họ tự chán ghét xã hội và mệt mỏi với những mối quan hệ. Khi họ cảm thấy việc hòa nhập và làm việc cùng cộng đồng là một áp lực lớn, từ đó sinh ra hiện tượng chán nản, yếu đuối và tránh né. Hikikomori vẫn có thể tiếp xúc với xã hội nhưng họ từ chối điều đó và cô lập bản thân mình.

Bản thân người mắc Hikikomori có thể đang mắc sẵn một bệnh tâm lý khác hoặc đã trải qua những tổn thương khiến ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý. Hikikomori không phải là chứng bệnh hay một loại tội phạm nguy hiểm, chỉ là do tâm lý họ không dám đối diện với những khó khăn và áp lực trong cuộc sống.

Cách khắc phục hội chứng Hikikomori

Hội chứng Hikikomori không phải là một bệnh lý nên sẽ không có phương pháp điều trị cụ thể. Tuy nhiên, để khắc phục hội chứng này rất cần bản thân người mắc Hikikomori phải nỗ lực và cố gắng vượt qua rào cản mà chính bản thân họ đặt ra.

Có rất nhiều người do không chịu nỗi với áp lực cuộc sống, cảm thấy quá sức với những mối quan hệ ràng buộc, nên họ chọn cách tự cô lập mình. Tỉ lệ người mắc Hikikomori có xu hướng tích cực hơn hiện nay rất hiếm, vì họ chỉ cảm thấy an toàn khi tồn tại trong lối sống này.

Để vượt qua được hội chứng Hikikomori đòi hỏi cả một quá trình thay đổi. Các Hikikomori phải bắt đầu thay đổi từ trong suy nghĩ và nhận thức của mình về giá trị cuộc sống, từ đó mới có thể thay đổi hành vi. Quá trình khắc phục sẽ rất dài và có khi là cả đời để kéo một người ra khỏi hội chứng Hikikomori.

Một số điều cơ bản cần thực hiện để có thể khắc phục được hội chứng Hikikomori. Người mắc có thể chọn ra vài điều để tập luyện dần, nhưng tốt nhất vẫn nên thực hiện theo trình tự để độ hiệu quả cao hơn:

  • Bật đèn phòng ngủ, mở cửa sổ để đón ánh nắng mặt trời.
  • Sắp xếp và dọn dẹp phòng ngủ gọn gàng, sạch sẽ.
  • Tập thể dục với động tác đơn giản trong phòng ngủ.
  • Tập giao tiếp và nói chuyện với người thân.
  • Thay vì đọc truyện tranh, hãy đọc sách về giá trị con người và cuộc sống.
  • Tập kéo dài thời gian rời xa các thiết bị điện tử.
  • Nghĩ về mục tiêu cho tương lai.
  • Bắt đầu ra ngoài và quan sát.
  • Kết bạn và tham gia hoạt động xã hội như: thiện nguyện, đạp xe, trồng cây,…
Cách khắc phục hội chứng Hikikomori
Hấp thụ ánh sáng mặt trời và hòa mình với thiên nhiên sẽ khiến tâm trạng thoải mái và tích cực hơn.

Ngoài sự nỗ lực từ bản thân người mắc Hikikomori, thì gia đình và xã hội cũng góp phần không nhỏ trong việc khắc phục hội chứng. Gia đình cần động viên, khuyến khích các Hikikomori để có thể mạnh dạn hơn, lấy lại tự tin và tái hòa nhập xã hội. Không ép buộc, thúc giục khiến các Hikikomori sẽ cảm thấy thêm áp lực, mệt mỏi.

Xã hội, đất nước cần có những chính sách động viên, giúp đỡ cho những người chưa giỏi hoặc đang thất nghiệp có thể có cơ hội được phát huy khả năng của mình trong công việc hoặc học tập. Phúc lợi cho các người dân như nhau những vẫn cần tạo động lực để họ cố gắng và không thụ động, lười biếng.

Cả gia đình và xã hội cần hạn chế các kỳ vọng như: học giỏi, vào trường tốt, việc làm lương cao, lập gia đình, sinh con,… để không gây ra áp lực và những tổn thương về mặt tâm lý. Thay vào đó khích lệ và cho họ thấy được những giá trị tốt đẹp của con người và cuộc sống.

Hội chứng Hikikomori khiến con người dần thu mình và tách biệt với cộng đồng. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân người mắc, khiến họ thụ động, lười nhác và luôn lo lắng. Đồng thời, sự phát triển của đất nước cũng bị suy yếu. Cần thay đổi, khắc phục để hội chứng không lan rộng và gây thêm hệ lụy đáng tiếc.

Có thể bạn quan tâm: 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *