10 Dấu hiệu Tâm lý bất ổn và Cách giúp bạn thoát khỏi hiệu quả

Sự bất ổn về mặt tâm lý có thể đến từ những căng thẳng, áp lực quá mức trong các khía cạnh đời sống hoặc do ảnh hưởng từ các yếu tố ám ảnh, tổn thương to lớn trong quá khứ. Tình trạng này khiến bạn dễ hình thành những suy nghĩ và hành vi tiêu cực, tác động xấu đến bản thân và những người xung quanh. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ về các dấu hiệu của tâm lý bất ổn, giúp bạn dễ dàng nhận diện và khắc phục. 

Tâm lý bất ổn
Tâm lý bất ổn là trạng thái không ổn định về mặt cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của một người.

Dấu hiệu Tâm lý bất ổn không nên xem thường

Trong cuộc sống, chắc hẳn chúng ta ai cũng đã từng trải qua sự bất ổn về mặt tâm lý trong một thời điểm nào đó, nhất là khi phải đối diện với những căng thẳng, mệt mỏi về công việc, học tập, gia đình, tài chính hay các mối quan hệ. Tâm lý bất ổn được xem là trạng thái không ổn định về mặt cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của con người. Nó làm ảnh hưởng rất nhiều đến các sinh hoạt đời sống cá nhân, tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Tuy nhiên, trạng thái này thường chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn và được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau tùy vào từng trường hợp. Nhưng nếu không biết cách kiểm soát và cân bằng tốt trạng thái tâm lý thì cũng có không ít người kéo dài sự bất ổn và gia tăng nguy cơ phát triển các vấn đề tâm lý nguy hiểm như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, stress nặng,…

Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội ngày nay, con người phải liên tục đối diện với nhiều áp lực xoay quanh các khía cạnh khác nhau, từ đó làm gia tăng tỉ lệ bị stress, bất ổn tâm lý. Tuy sự phổ biến của những bất ổn về tinh thần càng tăng cao nhưng số lượng người biết cách nhận biết các dấu hiệu bất ổn tâm lý lại không quá nhiều.

Trạng thái bất ổn tâm lý ở mỗi người sẽ có những diễn biến và biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, họ đều có sự chuyển biến tiêu cực về mặt cảm xúc, suy nghĩ, tư duy và hành vi. Cụ thể một số dấu hiệu nhận biết như sau:

1. Khó kiểm soát và trấn tĩnh cảm xúc

Dấu hiệu thường gặp và dễ nhận biết nhất ở những người đang bất ổn về mặt tâm lý đó chính là sự khó khăn trong việc tự kiểm soát cảm xúc, không thể trấn tĩnh bản thân ở mọi tình huống cản trở, thách thức. Tâm lý không được ổn định sẽ khiến nhiều người mất đi phương hướng, họ không thể xác định được cụ thể các vấn đề đang diễn ra xung quanh, không có khả năng giải quyết hay đưa ra sự lựa chọn.

Tình trạng này sẽ thường gặp ở những người thiếu hụt các kỹ năng xã hội, chẳng hạn như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thư giãn, kiểm soát cảm xúc. Vì thế, khi đối diện với những tình huống khó khăn, họ thường lúng túng không biết cách xử lý, kèm theo sự bất ổn tâm lý khiến nhiều người có xu hướng phản ứng một cách quá mức, làm cho sự việc càng trở nên nghiêm trọng và tồi tệ hơn.

Tâm lý bất ổn
Khi tâm lý trở nên bất ổn, bạn sẽ khó kiểm soát cảm xúc, hành vi của bản thân.

Sự mất kiểm soát này có thể xảy ra ở một số tình huống bất ngờ làm bạn không thể kịp thời thích ứng và giải quyết tốt. Tuy nhiên, nếu tình trạng khó quản lý cảm xúc, biểu hiện cảm xúc một cách quá mức diễn ra trong hầu hết các tình huống hàng ngày và ở mức độ thường xuyên thì có thể bạn đang ở trong trạng thái bất ổn và cần được hỗ trợ kịp thời.

2. Tâm trạng thay đổi nhanh chóng

Có những lúc tâm trạng của bạn sẽ thay đổi một cách bất ngờ và đột ngột, đặc biệt là con gái có thể thay đổi nhanh như thời tiết, “sáng nắng chiều mưa”. Đây được xem như một trạng thái bình thường và có thể gặp nhiều ở những đứa trẻ mới lớn, đang trong giai đoạn tuổi dậy thì. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên biến đổi tâm trạng một cách chóng mặt thì nhiều khả năng bạn đang rơi vào trạng thái bất ổn định về mặt cảm xúc, tâm lý không được cân bằng.

Sự bất ổn này có thể khiến bạn cảm thấy buồn vui bất chợt, tuy nhiên, nỗi buồn sẽ chiếm phần lớn hơn. Có thể chỉ vì một câu nói hoặc một hành động, sự việc nhỏ nhặt nào đó đang xảy ra cũng khiến cho bạn cảm thấy buồn chán, khó chịu, bức bối hoặc thậm chí có thể khóc lóc, kích động quá mức. Sự thay đổi nhanh chóng về trạng thái tâm lý nếu biểu hiện quá mức cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo về một vấn đề tâm lý nào đó, cụ thể là rối loạn lưỡng cực.

3. Dễ xảy ra xung đột trong các mối quan hệ

Một người đang có dấu hiệu bất ổn tâm lý sẽ khó có thể duy trì tốt một mối quan hệ theo hướng lành mạnh. Tâm trạng của họ không được đảm bảo nên rất dễ xảy ra xung đột với những người xung quanh, khó có thể trò chuyện hoặc hòa giải tốt trong hầu hết các mối quan hệ, kể cả đối với người thân, bạn bè , đồng nghiệp thân thiết. Họ thường hay gắt gỏng, bắt bẻ những chuyện nhỏ nhặt khiến cho đối phương cảm thấy khó chịu và dần không muốn giao tiếp với họ.

Tâm lý bất ổn
Tâm trạng cáu gắt, tiêu cực khiến bạn luôn căng thẳng, mâu thuẫn trong các mối quan hệ.

Thậm chí còn có nhiều trường hợp cảm thấy vô cùng khó chịu và bực bội khi có người khác hỏi han, quan tâm đến mình. Họ luôn tỏ thái độ cọc cằn, cáu gắt với những người xung quanh nên trong giai đoạn này, các mối quan hệ có thể bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến các xung đột, mâu thuẫn không đáng có. Tuy nhiên, khi tâm lý được cân bằng và ổn định hơn, họ cũng sẽ trở nên thoải mái và dễ chịu trong các mối quan hệ của mình.

4. Quan tâm quá mức đến vẻ ngoài

Việc quan tâm và chăm chút cho ngoại hình là một trong những việc nên làm. Đặc biệt là trong xã hội ngày nay, ngoại hình cũng chính là một yếu tố quan trọng và cần thiết để góp phần tạo nên sự thành công trong cuộc sống và công việc. Sở hữu một ngoại hình ưa nhìn, một gương mặt tươi sáng sẽ giúp bạn dễ dàng lấy được thiện cảm của người đối diện, thuận lợi hơn trong các mối quan hệ.

Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy ám ảnh về vẻ bề ngoài, chú ý một cách thái quá về diện mạo cũng không phải là một điều tích cực. Nhiều người có xu hướng liên tục thay đổi phong cách ăn mặc, không có định hướng cụ thể cho bản thân và cũng dễ bị tác động bởi những lời nhận xét, chê bai của những người xung quanh. Điều này cũng có khả năng là dấu hiệu cảnh báo về sự bất ổn tâm lý, nó chính là lớp màn che lấp đi những sự trống rỗng trong tâm trí của con người.

5. Không có nhiều niềm tin

Nếu bạn dần mất đi niềm tin với những người xung quanh, không còn đủ tin tưởng để chia sẻ về bất cứ điều gì xoay quanh cuộc sống với những người thân thiết thì có lẽ đây chính là dấu hiệu về sự bất ổn tâm lý. Khi bạn đã từng trải qua những tổn thương tinh thần, đối diện với những sự mất mát to lớn hoặc những ám ảnh tâm lý dữ dội thì dường như bạn không còn đủ niềm tin để tin tưởng vào bất kì điều gì, thậm chí bạn còn cảm thấy sợ hãi chính bản thân mình.

Những người đang ở trong trạng thái hỗn độn về mặt cảm xúc, họ sẽ thu mình lại, tách biệt với xã hội, không còn muốn đặt niềm tin, hi vọng vào bất kì ai, kể cả những người thân thiết. Họ cũng sẽ trở nên dè chừng hơn trong các mối quan hệ, khó có thể xây dựng một mối quan hệ bền chặt bởi họ không có sự tin cậy, thậm chí cảm thấy ghê sợ những người xung quanh và cả bản thân mình.

6. Phản ứng thái quá

Nếu trước đây bạn là một người điềm tĩnh, hòa động và luôn muốn hòa giải trong bất kì cuộc mâu thuẫn nào nhưng hiện tại lại trở nên cáu gắt, dễ nóng giận và hay có những phản ứng quá mức với hầu hết các tình huống diễn ra xung quanh thì nhiều khả năng bạn đang rơi vào trạng thái bất ổn tâm lý, cảm xúc trở nên rối bời. Bạn có thể kích động, nóng giận hoặc thậm chí quát tháo, chửi mắng những người xung quanh về những chuyện vô cùng nhỏ nhặt. Bạn có xu hướng làm quá mọi vấn đề, phản ứng một cách nghiêm trọng với hầu hết những sự việc xảy ra xung quanh và vô cùng khó chịu về điều đó.

Thậm chí, có những tình huống đơn giản, mọi người hoàn toàn có thể cùng nhau bàn bạc và thống nhất ý kiến chung nhưng bạn lại cảm thấy kích động về điều đó. Nếu bạn liên tục rơi vào những huống thế này và những người xung quanh luôn nói về các phản ứng bất thường và quá mức của bạn thì nhiều khả năng đó chính là dấu hiệu về sự bất ổn tâm lý cần được can thiệp và cải thiện nhanh chóng.

7. Mất cảm hứng

Mất dần các cảm hứng đối với hầu hết những hoạt động diễn ra xung quanh cũng là một trong các dấu hiệu nhận biết về sự bất ổn tâm lý. Lúc này bạn sẽ không còn nhiều hứng thú với những hoạt động giải trí, vui nhộn bên ngoài. Ngược lại bạn sẽ dần thu mình vào trong, tạo cho bản thân những lớp vỏ bọc riêng nhằm che giấu những cảm xúc tồi tệ đang hiện hữu bên trong.

Tâm lý bất ổn
Sự bất ổn trong tâm trí khiến bạn không còn hứng thú với bất kì điều gì.

Ngoài ra, khi tâm trí, cảm xúc trở nên tồi tệ, não bộ và hệ thần kinh cũng không thể hoạt động tốt. Nhiều người rơi vào trạng thái mất tập trung, giảm trí nhớ và khó có thể hoàn thành tốt các công việc hàng ngày, suy giảm chất lượng cuộc sống. Tình trạng này cần phải được nhanh chóng phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp để tránh gây ra những ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe, đời sống và hạn chế sự phát triển của bệnh tâm lý, nhất là chứng trầm cảm.

8. Nhạy cảm, khó chịu, bứt rứt

Khi rơi vào trạng thái bất ổn về mặt tâm lý, bạn sẽ trở nên nhạy cảm, dễ khó chịu và bứt rứt về mọi thứ đang diễn ra xung quanh. Những sự việc nhỏ xảy ra cũng khiến bạn cảm thấy vô cùng bực bội và dễ cáu gắt. Hoặc thậm chí khi không có bất kì vấn đề nào, bạn cũng cảm thấy bứt rứt, cồn cào trong bụng, cảm giác đứng ngồi không yên nhưng không rõ nguyên nhân.

Bên cạnh đó, những người có dấu hiệu tâm lý bất ổn cũng sẽ trở nên nhạy cảm hơn. Họ dễ cảm thấy buồn bã, chán nản, mệt mỏi và tuyệt vọng chỉ vì một vấn đề nhỏ. Ví dụ như khi xem một bộ phim buồn, họ có thể khóc lóc thảm thiết, rơi vào trạng thái bế tắt, chán chường và cảm xúc này có thể kéo dài đến vài ngày hoặc thậm chí là vài tuần.

9. Suy nghĩ bi quan, tiêu cực

Hầu hết những người có sự bất ổn về tâm lý đều sẽ có xu hướng suy nghĩ bi quan, tiêu cực về các vấn đề xoay quanh cuộc sống. Họ nhìn nhận mọi thứ theo một chiều và dường như chỉ nhìn thấy những mặc tồi tệ, sai trái của sự việc mà quên đi những điều tích cực, tốt đẹp của nó. Chỉ cần một vấn đề bình thường xảy ra, họ có thể suy diễn ra hàng loạt những hậu quả vô cùng nghiêm trọng và liên tục nói về điều đó.

Những suy nghĩ này có thể xâm chiếm lấy tâm trí của họ, điều chỉnh và chi phối cả hành động của con người. Nhiều người luôn tự cho mình là kẻ vô dụng, bất tài, luôn tự đổ lỗi cho bản thân, xem mình là một kẻ tồi tệ, là gánh nặng của gia đình và xã hội. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục và giải tỏa tâm lý hiệu quả có thể khiến họ suy nghĩ theo chiều hướng bi quan hơn, thậm chí là nghĩ về cái chết.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

10. Thay đổi thói quen sinh hoạt

Khi bạn vui vẻ, tinh thần phấn chấn thì các sinh hoạt đời sống cũng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi rơi vào trạng thái bất ổn về mặt cảm xúc và tâm lý thì nhiều người có xu hướng ăn uống không đều độ, rối loạn giấc ngủ, các sinh hoạt hàng ngày cũng bị xáo trộn. Sự buồn chán về mặt cảm xúc sẽ khiến cho nhiều người cảm thấy chán ăn hoặc ăn uống vô tội vạ, họ dung nạp thức ăn không kiểm soát, đặc biệt là những món ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn béo, chứa nhiều chất bảo quản độc hại.

Song song với đó, chất lượng giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng, phần lớn sẽ bị mất ngủ, ngủ không sâu giấc, hay mơ gặp ác mộng, tỉnh giấc nhiều lần trong đêm. Tuy nhiên cũng có vài trường hợp do quá buồn chán nên ngủ liên tục, ngủ li bì. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày mà còn tác động tiêu cực đối với sức khỏe, khiến cơ thể dần bị suy kiệt và mệt mỏi nhiều hơn.

Cách giúp bạn vượt qua trạng thái tâm lý bất ổn hiệu quả

Trạng thái bất ổn tâm lý nếu kéo dài liên tục và không được khắc phục tốt sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, đời sống và cả các mối quan hệ xã hội lành mạnh của mỗi người. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì tinh thần là một trong các yếu tố quan trọng góp phần quyết định đến sức khỏe tổng thể của con người, phải có một tinh thần tốt thì các hoạt động của cơ thể mới diễn ra một cách thuận lợi, mang đến những thành công nhất định.

Ngược lại, nếu tâm lý bất ổn sẽ khiến kéo theo sự suy giảm của thể chất, cơ thể dần mệt mỏi, chán chường, mất ngủ liên tục, thiếu sức sống. Tình trạng này gây nên những sự trì trệ trong các hoạt động hàng ngày, gây mất tập trung, giảm năng suất làm việc. Đồng thời, khi tâm trạng trở nên tiêu cực, bạn sẽ dễ nổi nóng và căng thẳng trong hầu hết các mối quan hệ, dễ tạo xung đột, mâu thuẫn.

Chính vì thế, sau khi nhận biết được các dấu hiệu của tâm lý bất ổn, bạn cần nhanh chóng tìm kiếm phương pháp khắc phục để thoát ra khỏi trạng thái tiêu cực này. Nếu đang loay hoay chưa biết làm cách nào để đối phó tốt với những sự hỗn độn trong tâm lý, bạn có thể tham khảo một số cách sau đây:

1. Tìm ra nguyên nhân và loại bỏ các yếu tố khiến tâm lý bạn bất ổn

Việc đầu tiên bạn cần phải làm đó chính là tìm ra nguyên nhân khiến tâm lý trở nên bất ổn. Bạn sẽ không thể nào thoát ra khỏi những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực nếu ngay chính bản thân cũng không biết rõ trạng thái này xuất phát từ đâu. Chỉ khi bạn tìm ra yếu tố khiến bản thân trở nên căng thẳng, mệt mỏi thì bạn mới có thể giải quyết và loại bỏ nó một cách hiệu quả nhất.

Có rất nhiều lý do khiến tâm lý của con người trở nên bất ổn, chẳng hạn như những áp lực về công việc, gia đình, tài chính, áp lực khi thất nghiệp, vừa mới chia tay người yêu, mâu thuẫn với bạn bè, gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng,….Bạn cần phải liệt kê tất cả những điều khiến bạn thân áp lực, suy nghĩ nhiều và dần từng bước loại bỏ, giải quyết nó.

Bạn nên hiểu rằng, nếu yếu tố gây căng thẳng, mệt mỏi cứ luôn hiện diện và xâm chiếm tâm trí bạn thì bạn mãi mãi sẽ không thể nào ổn định tốt trạng thái tâm lý. Ví dụ như nếu công việc quá tải là điều kiến bạn trở nên tiêu cực và bất ổn thì bạn cần phải sắp xếp lại bằng cách xử lý các vấn đề còn đang tồn đọng, lên kế hoạch làm việc cụ thể hoặc nhờ đến sự hỗ trợ của đồng nghiệp,…Khi các công việc đã được cân bằng hơn, tâm lý của bạn cũng sẽ dần ổn định và tích cực hơn.

2. Áp dụng phương pháp 5 nhìn – 4 nghe – 3  chạm – 2 ngửi – 1 nếm

Phương pháp 5 nhìn – 4 chạm – 3 nghe – 2 ngửi – 1 nếm là một trong các liệu pháp cải thiện tâm lý vô cùng đơn giản và hiệu quả được rất nhiều các chuyên gia khuyến khích áp dụng. Bằng cách sử dụng các giác quan, bao gồm thính giác, thị giác, khứu giác, xúc giác và vị giác mà bạn hoàn toàn có thể giành lại quyền làm chủ và kiểm soát tốt tâm trạng của chính mình.

Tâm lý bất ổn
Tìm kiếm và tập trung hít một mùi hương dễ chịu nào đó cũng giúp bạn cảm thấy thoải mái và tích cực hơn.

Theo chia sẻ từ Đại học Harvard thì phương pháp này có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần, ví dụ như căng thẳng, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhận thức. Bằng cách hướng sự tập trung vào những điều đang diễn ra xung quanh có thể giúp bạn đánh lừa não bộ và dần quên đi những gì khiến bản thân cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng.

Cụ thể cách áp dụng phương pháp 5-4-3-2-1 như sau:

  • 5 nhìn: Tìm và xác định về 5 thứ đang hiện diện xung quanh bạn và chú ý đến nó. Ví dụ như nhà, xe, điện thoại, máy tính, con chuột, bàn ghế,…
  • 4 chạm: Chạm vào bất kì một thứ gì đó và cảm nhận về nó. Ví dụ bạn có thể chạm vào chiếc nhẫn đang đeo, một con mèo, màn hình điện thoại, một chiếc giày,…
  • 3 nghe: Hãy cảm nhận và lắng nghe các âm thanh. Nó có thể là tiếng chuông điện thoại, tiếng gõ máy, tiếng còi xe, tiếng mọi người xì xào nói chuyện hoặc bạn cũng có thể tự tạo ra âm thanh bằng cách gõ vào bàn.
  • 2 ngửi: Hít thở sâu và bắt đầu cảm nhận về những mùi hương mà bạn đang ngửi thấy. Nó có thể là mùi nước hoa, mùi tinh dầu thơm,….
  • 1 nếm: Nếm thứ bất kì thứ gì mà bạn có thể cảm nhận nó. Chẳng hạn như một vài miếng bánh, một viên kẹo, môi son hoặc có thể là cả chiếc lưỡi của bạn.

Việc phân tán sự chú ý của bản thân vào những việc khác cũng là một cách hay để giúp bạn xua tan những sự ưu phiền của mình, giúp tâm trí trở nên ổn định và bình tĩnh hơn. Chính vì thế, khi bạn cảm thấy căng thẳng, tâm trí trở nên bất ổn thì có thể thử áp dụng phương pháp này để giúp làm dịu đi những lo âu của bản thân.

3. Sắp xếp lại lối sống lành mạnh

Sau khi tinh thần đã dần ổn định và cân bằng tốt hơn, bạn cũng nên bắt đầu sắp xếp lại cuộc sống của mình, thay đổi những thói quen sinh hoạt theo hướng tích cực và lành mạnh hơn. Trong khi tâm trí trở nên bất ổn, dường như bạn sẽ không thể nào duy trì tốt một lối sống khoa học hoặc thậm chí có thể trở nên tồi tệ trong các cách sinh hoạt, bỏ bê bản thân.

Như đã chia sẻ, những người có dấu hiệu bất ổn về mặt tâm lý thường sẽ dễ bị mất ngủ, ngủ không sâu giấc hay mơ gặp ác mộng, chán ăn, thường xuyên bỏ bữa hoặc dung nạp quá nhiều các thực phẩm có hại. Các lối sinh hoạt này gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tổng thể, làm suy giảm hệ miễn dịch và gia tăng nguy cơ các bệnh lý nguy hiểm. Đồng thời nó còn làm gián đoạn các hoạt động xã hội, giảm năng suất làm việc.

Chính vì thế, bạn cần phải xây dựng lại một lối sống lành mạnh hơn, chú ý nhiều hơn đến giấc ngủ, chế độ ăn uống hàng ngày. Đồng thời, hãy nâng cao tập luyện thể dục, tăng cường sức đề kháng và cải thiện tinh thần bằng các bài tập thể dục thể thao. Chỉ cần khoảng 15 đến 30 phút đi bộ, chạy bộ, tập yoga, bơi lội, tập gym hàng ngày cũng đủ giúp bạn có được một cơ thể dẻo dai, một tinh thần sảng khoái và tràn đầy năng lượng.

4. Chia sẻ với những người thân

Chia sẻ những phiền muộn, những khó khăn trong cuộc sống với những người thân yêu mà bạn tin tưởng cũng là một trong các cách hiệu quả giúp giải tỏa tiêu cực. Khi có thể bày tỏ những suy nghĩ, tâm tư, cảm xúc trong lòng sẽ giúp cho bạn cảm thấy thoải mái và nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Thay vì cứ cất giấu và che đậy những tổn thương của mình, bạn hãy cởi mở hơn trong việc chia sẻ nó với những người thân bên cạnh, nói ra hết những cảm xúc tiêu cực của mình để tinh thần được giải tỏa tốt hơn.

Tâm lý bất ổn
Nếu cảm thấy tâm trí bị xáo trộn, cảm xúc rối bời, bạn nên chia sẻ nó với những người thân bên cạnh.

Việc có thể tìm kiếm một người bạn để tâm sự cũng giúp cho bạn hiểu được rằng xung quanh vẫn còn người bên cạnh, quan tâm và yêu thương mình. Từ đó bạn cũng cảm thấy bớt cô đơn hơn, cảm nhận được sự ấm áp, quan tâm của những người bên cạnh. Đồng thời, bạn bè, người thân cũng có thể dành cho bạn những lời động viên, an ủi hoặc giúp bạn tìm ra giải pháp tốt để có thể vượt qua được những cảm xúc tiêu cực này, giúp cuộc sống cân bằng tốt hơn.

Nếu bạn không thể chia sẻ cùng những người xung quanh thì cũng có thể chọn cách viết nhật ký. Theo kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học nhận thấy rằng, thói quen viết nhật ký cũng chính là một trong các biện pháp giải tỏa tâm trạng, kiểm soát cảm xúc hiệu quả. Khi trải lòng trên từng trang giấy, bạn sẽ cảm thấy lòng được thư giãn và nhẹ nhàng hơn. Đồng thời, sau khi bình tĩnh và đọc lại những điều đó, bạn cũng sẽ biết cách giải quyết chúng hiệu quả.

5. Tìm gặp chuyên gia tâm lý

Nếu đã áp dụng hầu hết các cách trên nhưng các dấu hiệu bất ổn tâm lý vẫn không được kiểm soát và thuyên giảm thì bạn có thể cân nhắc tìm gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ tốt hơn. Việc được gặp gỡ và trò chuyện cùng chuyên gia sẽ giúp bạn giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực của mình, đồng thời học được cách kiểm soát và loại bỏ nó hiệu quả.

Trong thực tế, việc trải qua các sự kiện, tình huống tổn thương nghiêm trọng như phá sản, sự ra đi đột ngột của người thân, thất nghiệp, mắc bệnh nặng có thể khiến cho tâm trí của con người trở nên xáo trộn và bất ổn trong một thời gian kéo dài. Chính vì thế, việc tìm đến sự hỗ trợ của những người có chuyên môn sẽ giúp bạn nhanh chóng kiểm soát được trạng thái này và dần ổn định hơn về mặt cuộc sống.

Chuyên gia tâm lý sẽ trò chuyện và trao đổi trực tiếp với bạn, giúp bạn thoải mái chia sẻ về những vấn đề mà bản thân đang gặp phải, từ đó có hướng giải quyết và khắc phục phù hợp. Chuyên gia sẽ giúp bạn đối diện với những yếu tố gây tiêu cực và hướng dẫn cho bạn các biện pháp khắc phục, vượt qua được những khủng hoảng trong tâm lý. Đồng thời, bạn cũng sẽ học được những kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng đối phó với khó khăn nhằm ngăn chặn được tình trạng tái phát, giúp bạn đương đầu tốt với những thách thức, cản trở trong tương lai.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Trong cuộc sống có muôn vàn những thách thức, khó khăn mà bạn không thể tránh khỏi. Nhiệm vụ của bạn là học cách đương đầu, đối phó và vượt qua nó để tránh khỏi những tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Hi vọng qua những chia sẻ trong bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu thêm về các dấu hiệu bất ổn của tâm lý và có cách khắc phục, vượt qua hiệu quả.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *