Tổng kết trị liệu nhóm số 50: Làm thế nào để làm tốt mỗi vai trò của mình trong cuộc sống?

Chương trình trị liệu nhóm số 50 với chủ đề “Làm thế nào để làm tốt mỗi vai trò của mình trong cuộc sống?” được thực hiện bởi chuyên gia tâm lý, Master Coach Phạm Thị Bình đã giúp các thành viên hiểu được rằng mỗi người có rất nhiều vai trò và yêu thương bản thân mình là chìa khóa đầu tiên để chúng ta làm tốt từng vai trò trong cuộc sống.

Hiểu được vai trò của mình trong từng mối quan hệ

Trong cuộc sống, chúng ta tham gia vào rất nhiều môi trường khác nhau. Đối với trẻ, 3 môi trường chính là gia đình, nhà trường và xã hội. Đối với người trưởng thành, 3 môi trường chính là gia đình, cơ quan và xã hội.

Trong từng môi trường đó, chúng ta lại có nhiều vai trò khác nhau. Chẳng hạn, trong môi trường gia đình, chúng ta có thể vừa là cha mẹ, vừa là con, vừa là anh/chị/em.

Trong những mối quan hệ chằng chịt và phức tạp đó, đôi khi chúng ta dễ bị nhầm lẫn giữa vị trí này với vị trí khác trong cùng một môi trường hoặc khác môi trường. Chính sự nhầm lẫn này đã khiến cho chúng ta diễn nhầm vai và xảy ra những mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống, gây ra sự khó chịu, căng thẳng, mệt mỏi cho chính mình và những người xung quanh.

Một đàn ông có thể đóng vai trò là người quản lý tại cơ quan nhưng khi về đến nhà, họ là con của bố mẹ, là chồng của người bạn đời, là cha của các con. Nhưng nếu chúng ta không rạch ròi được điều này khi về nhà, chúng ta có thể sử dụng quyền uy ở cơ quan của mình để áp đặt hay sử dụng ngôn từ không phù hợp với những người thân yêu của mình.

Hay người A có thể là anh của người B trong gia đình nhưng khi đến cơ quan, người B lại là sếp của người A. Nếu người B không phân biệt được vai trò của mình trong từng môi trường (cơ quan và gia đình), người B có thể cư xử với người A trong gia đình như đang cư xử với người A ở cơ quan. Điều này không chỉ khiến người A khó chịu mà còn bố mẹ khó chịu, vợ con của người A khó chịu. Nếu vấn đề tích tụ lâu dần có thể xảy ra mâu thuẫn, xung đột gia đình.

Cho nên, việc hiểu rõ vai trò của mình trong từng mối quan hệ, từng môi trường, chúng ta có trách nhiệm và nghĩa vụ gì trong từng vai trò là điều rất cần thiết. Khi chúng ta làm tốt được điều này, chúng ta sẽ dễ thấu hiểu và đồng cảm với người khác.

Vậy làm thế nào để làm đúng vai trò của mình trong từng mối quan hệ? Chuyên gia tâm lý, Master Coach Phạm Thị Bình cho rằng, điều đầu tiên là chúng ta cần phải hiểu được mình có thấu hiểu và yêu thương bản thân mình trước.

Làm thế nào để hiểu và yêu thương bản thân mình đúng cách?

Có rất nhiều tư tưởng, quan niệm, cách tiếp cận khái niệm yêu thương bản thân đúng cách. Đối với chuyên gia tâm lý, Master Coach Phạm Thị Bình, yêu thương bản thân đúng cách bắt đầu từ việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân đúng cách.

Sức khỏe là một trong tám khía cạnh của cuộc đời: Sức khỏe, phát triển bản thân, mối quan hệ, tài chính, sự nghiệp, giải trí, đóng góp xã hội, tâm linh. Tuy nhiên, sức khỏe có lẽ nó là khía cạnh quan trọng nhất. Vì không có sức khỏe, chúng ta không thể thực hiện được các khía cạnh khác một cách trọn vẹn. Ngay cả khi chúng ta có thật nhiều tiền thì chúng ta ốm, chúng ta cũng không thể thuê được một ai nằm trên giường bệnh hộ chúng ta để mình thực hiện những việc khác.

Hiểu đơn giản, sức khỏe gồm có thể chất và tinh thần. Để khỏe mạnh, chúng ta cần chăm sóc cả hai khía cạnh này một cách CHỦ ĐỘNG.

Trong đó, để khỏe mạnh về thể chất, chúng ta cần tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ, khoa học và có lối sống lành mạnh. Để khỏe về tinh thần, chúng ta cần giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ thông qua tình yêu thương và sự biết ơn.

Hãy biết ơn những gì đang có và bạn sẽ nhận được nhiều hơn. Nếu luôn luôn nhìn thấy những gì mình không có thì bạn sẽ không bao giờ có đủ được” – Frank A.Clark

Lòng biết ơn luôn mang đến cho chúng ta một tinh thần lạc quan, hạnh phúc và năng lượng tích cực. Lòng biết ơn cũng là một trong những giá trị quan trọng mà NHC Việt Nam hướng đến trong quá trình trị liệu tâm lý cho khách hàng. Điều này cũng đã được chứng minh qua bản đồ ý thức của Tiến sĩ, bác sĩ tâm thần, nhà nghiên cứu nhận thức và giảng viên tâm linh nổi tiếng người Mỹ, ông David R.Hawkins (1927–2012).

Vậy chúng ta cần biết ơn những gì? Chúng ta nên biết ơn những điều mà mình đang có, biết ơn những gì đã và đang xảy ra với mình, biết ơn cơ thể của mình… Đôi khi chúng ta hay tìm kiếm những điều xa xôi ở bên ngoài nhưng điều đó có thể khiến cho chúng ta bị cuộc đời dẫn dắt đến những điều mà chúng ta không vui. Hãy tập trung vào những gì mình đang sở hữu để chủ động duy trì và phát triển cuộc sống của mình ngày một tốt đẹp hơn.

Cuộc đời con người là một thước phim dài gồm nhiều ngày ghép lại. Bởi vậy, chỉ cần chúng ta có nhiều ngày thành công và hạnh phúc thì chúng ta sẽ có cuộc đời tươi đẹp. Và trong hoạt động mỗi ngày, ngủ là một hoạt động vô cùng quan trọng. Nó giúp cơ thể phục hồi và tái tạo năng lượng để bắt đầu ngày mới với tinh thần sảng khoái, thoải mái và tràn đầy năng lượng.

Để có một giấc ngủ tốt, bên cạnh những giải pháp mà chúng ta đã biết như vệ sinh giấc ngủ, thiền,… chúng ta hãy dành thời gian để ghi nhận những điều mình đã làm được trong ngày hôm nay và trân trọng biết ơn những gì mình đang có.

Mỗi ngày chúng ta sống sẽ có rất nhiều sự kiện, vấn đề, con người đến với chúng ta. Nó có thể mang cho ta những điều vui vẻ, hạnh phúc nhưng cũng có thể là phiền muộn, mệt mỏi. Vậy cuối mỗi ngày, chúng ta hãy quan sát lại chính mình của ngày hôm nay để điều chỉnh bản thân, tăng lên những điều hạnh phúc và giảm đi những điều phiền muộn, tập trung vào giải pháp và những điều mình mong muốn, biết ơn trân trọng những gì mình đang có.

Đặc biệt, tránh tập trung vào những điều làm cho chúng ta cảm thấy đau khổ, lo lắng, bất an. Đó là sự kiện trong quá khứ, những điều mình không thể kiểm soát được (thời tiết, mưa, nắng…) và những thứ mình không có. Tóm lại, những điều tốt cho mình thì mình tiếp nhận, những điều không tốt cho mình thì mình đừng tập trung đến nó.

Tất cả những điều đó giúp chúng ta có sự vui vẻ, hưng phấn, năng lượng tích cực để chúng ta đi vào giấc ngủ dễ dàng, ngủ sâu và ngon hơn. Một giấc ngủ tốt giúp chúng ta chuẩn bị cho một ngày mai tốt đẹp hơn vì tinh thần buổi sáng có thể ảnh hưởng đến tinh thần cả một ngày.

Và mỗi sáng thức giấc với có thể khỏe mạnh là một món quà quý để chúng ta biết ơn. Nó không chỉ giúp cho chúng ta có năng lượng tích cực cho một ngày làm việc mà còn có thể giúp chúng ta thực hiện những điều dang dở, những thứ chưa kịp làm, những lời yêu thương chưa kịp nói, những lời xin lỗi chưa kịp bày tỏ.

Với những chia sẻ thực tế và hữu ích, chương trình trị liệu nhóm số 50 do Trung Tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam thực hiện đã kết thúc tốt đẹp. Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Bình sẽ tiếp tục thực hiện chuỗi chương trình “Làm thế nào để làm tốt vai trong của mình trong cuộc sống” sẽ tiếp tục được thực hiện trong các số ra tiếp theo trong tháng 7 với từng chủ đề: Gia đình, vợ chồng, công việc. Mời các bạn theo dõi thông tin và đăng ký tham dự để nhận được những giá trị hữu ích giúp cuộc sống của mình Tâm An Sống Khỏe mỗi ngày.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *