Tổng kết trị liệu nhóm số 51: Vai trò trong gia đình – Phụ huynh và con cái

Chương trình trị liệu nhóm số 51 với chủ đề “Vai trò trong gia đình – Phụ huynh và con cái” được thực hiện bởi chuyên gia tâm lý, Master Coach Phạm Thị Bình đã đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp cha mẹ và con trẻ có thể cảm thông, thấu hiểu và yêu thương nhau đúng cách.

Mối quan hệ cha mẹ – con cái trong xã hội hiện đại

Con người là một nguồn vốn quan trọng, hơn cả những loại vốn mà ta hay nghĩ như tiền hoặc tài sản vật chất, nhưng nghịch lý thay, lại là một loại vốn không được quan tâm đúng cách. Ngày nay, trong mỗi gia đình – môi trường mà con người được nuôi dưỡng, hình thành nhân cách và thế giới quan từ nhỏ, việc kết nối giữa các thành viên, đặc biệt là bố mẹ và con, đang dần trở nên khó khăn hơn do công việc bận rộn hay những phân tâm do mạng xã hội đem lại.

Những yếu tố đó đang khiến phụ huynh và con mình ít hoặc khó giao tiếp với nhau hơn, do vậy mà đôi khi khó có thể yêu thương nhau theo đúng cách mỗi người mong muốn. Xuất phát từ khác biệt giữa thế hệ, hoàn cảnh xuất thân, nhu cầu yêu thương của các con thường rất khác với những gì cha mẹ nghĩ chúng cần và ngược lại. Nếu các vị phụ huynh thiếu đi thấu hiểu và kiên nhẫn, sự chênh lệch ấy có thể khiến họ bày tỏ ý tốt cho con mình theo những hình thức không phù hợp – áp đặt, so sánh, la mắng,… Đây vốn không phải là một vấn đề mới nhưng với những áp lực của cuộc sống hiện đại (công việc, tốc độ thay đổi nhanh của xã hội, áp lực từ gia đình bên vợ / chồng,…), khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày nay lại lớn thêm.

Cần phải nhớ, mỗi con người có một giá trị riêng. Để giá trị này trở nên hữu ích trong xã hội, sự khích lệ, động viên để dung dưỡng và củng cố sự tự tin là vô cùng cần thiết. Đó chính là vai trò của gia đình, vì đây là môi trường mà ai cũng tiếp xúc hàng ngày, và đối với con trẻ, đây là môi trường an toàn giúp chúng chuẩn bị trước những thay đổi lớn từ ngoài xã hội – những thay đổi mà chúng có thể mất nhiều thời gian để hòa nhập hơn. Vì thế, sự hòa thuận giữa các thành viên trong gia đình hết sức cần thiết cho sự phát triển của con.

Phụ huynh nên thể hiện tình yêu thương cho con cái mình như thế nào?

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Phạm Thị Bình cho biết, có một học thuyết được gọi là “triune brain” (tạm dịch: bộ não tam thể), được đề xuất bởi nhà thần kinh học người Mỹ Paul D. MacLean. Theo học thuyết này, mỗi con người có sở hữu ba hệ thống não:

  • Não bò sát: Đây là hệ thống não bộ chịu trách nhiệm cho bản năng sinh tồn. “Bộ não” này là tầng cơ bản nhất, điều khiển một cách bản năng những hành vi giúp duy trì sự sống còn của mỗi loài động vật như hít thở, điều chỉnh nhịp tim, ăn, uống,…; cũng như những hành vi tự vệ, bảo vệ lãnh thổ;
  • Não động vật có vú: Đây được coi là hệ thống não bộ cảm xúc. Phần não này là vùng chịu trách nhiệm cho những cảm xúc cơ bản ảnh hưởng tới những hành vi nuôi dưỡng con cái hay hành vi trong mùa sinh sản, cũng như kích hoạt phản ứng chiến-hay-chạy khi gặp nguy;
  • Não người: Theo học thuyết, đây là vùng não được tiến hóa ở mức cao nhất và chỉ có ở người. Vùng não này đảm nhiệm những suy nghĩ cấp cao như tư duy ngôn ngữ, tư duy trừu tượng, tư duy tổ chức,… Chính vì vậy mà phần não này cũng chịu trách nhiệm cho khả năng kiểm soát hành vikiểm soát cảm xúc ở mỗi người.

Những hành vi và cảm xúc của mỗi người chịu ảnh hưởng từ sự phát triển của những vùng não này. Những lời nói, hành vi tiêu cực sẽ kích hoạt tới phản xạ phòng vệ mà não bò sát kiểm soát, từ đó mà sự tiếp xúc thường xuyên với sự tiêu cực sẽ khiến vùng não này phát triển hơn, kéo theo những ngôn từ và hành vi theo xu hướng phản kháng tăng lên. Ngược lại, môi trường tích cực với những khích lệ động viên sẽ khiến vùng não người phát triển hơn, giúp cho các cá nhân có thể kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn và phát huy tính tổ chức, sáng tạo.

Ở trẻ em, não bộ đang ở giai đoạn tiếp nhận tất cả các thông tin và phát triển nên các liên kết thần kinh trong não bộ nhiều hơn, khiến cho chúng tiếp nhận thông tin rất nhanh. Chính vì vậy, môi trường nuôi dạy xung quanh con trẻ từ nhỏ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển não trạng sau này.

Ở giai đoạn đầu của cuộc đời (từ 0-6 tuổi), lúc này con trẻ giao tiếp chủ yếu với cha mẹ và ít có ảnh hưởng của môi trường bên ngoài. Trong giai đoạn này, nếu cha mẹ hiểu và yêu thương con đúng cách, cũng như tạo dựng một môi trường mà bố và mẹ hòa thuận, cảm thông và yêu thương nhau, con trẻ sẽ có thể bước vào đời với lợi thế lớn về phát triển tinh thần và cảm xúc.

Tuy nhiên, do những áp lực khi mới nuôi con, không phải vị phụ huynh nào cũng có thể nuôi dạy con trong môi trường tối ưu. Có thể họ sẽ có lúc mất bình tĩnh và quát mắng con mình, hoặc vợ chồng có thể có những bất đồng phát sinh. Khi qua giai đoạn đầu và con trẻ lớn hơn, gặp nhiều vấn đề hơn từ môi trường bên ngoài, cha mẹ muốn nuôi dạy con tốt nên tìm cách cải thiện hành vi bản thân và suy nghĩ của con mình. Cha mẹ cần hiểu góc nhìn của con cái, hiểu cho hoàn cảnh của con, và giúp con mở lòng chia sẻ. Sự thấu hiểu và chia sẻ sẽ giúp hai bên giao tiếp với nhau tốt hơn. Một đứa trẻ có thể giao tiếp tốt với cha mẹ mình ắt sẽ giao tiếp được tốt với những người khác xung quanh chúng.

Chuyên gia tâm lý nhắc lại rằng, khi cha mẹ phản ứng lại việc con mình không nghe lời với những ngôn từ không yêu thương và những hành động mang tính áp đặt hay cấm đoán, vùng não bò sát của con sẽ kích hoạt cơ chế tự vệ. Có thể, trong giai đoạn đầu đời, khi con còn phụ thuộc nhiều vào cha mẹ, chúng sẽ nghe theo; nhưng, ở những khoảng thời gian sau này, khi con dần muốn khẳng định bản thân, sự phản kháng sẽ bộc lộ nhiều hơn. Ở trẻ có cá tính mạnh, chúng sẽ đối kháng, cãi lại. Ở trẻ trầm tính hơn, chúng sẽ mất dần sự kết nối với cha mẹ, nội tâm hóa những lời mắng của phụ huynh, lâu dài sẽ tạo nhiều áp lực cho bản thân, gây ra trầm cảm, thậm chí có thể dẫn đến những trường hợp tự tử.

Do vậy, các vị phụ huynh cần nuôi dạy con một cách thông thái. Hãy nói chuyện và truyền đạt lời yêu thương, khích lệ cho con từ nhỏ. Bản thân giữa bố và mẹ cần có sự thấu hiểu, cảm thông và hòa thuận với nhau. Không ai có thể tránh được hết những lỗi sai khi nuôi dạy con, nên những lúc sai, phụ huynh cần có lời xin lỗi với con mình. Và khi con ở tuổi khẳng định bản thân, cha mẹ cần hiểu cho con, cũng như chấp nhận con, sẵn sàng đón nhận con để chúng quay về với mình. Làm cha mẹ cần có sự kiên trìkhiêm nhường.

Con cũng cần phải có sự cảm thông cho cha mẹ mình

Ngược lại, con trẻ khi đã có nhận thức về thế giới và mọi người xung quanh cần biết đặt bản thân mình vào vị trí của cha mẹ.

Một vấn đề mà con trẻ hay có với bố mẹ mình là việc cảm thấy mình đang bị phụ huynh áp đặt. Sự áp đặt này thường đến từ việc giữa cha mẹ và con không có sự giao tiếp hiệu quả về nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng của bản thân mỗi người. Để giải quyết tình trạng này, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Bình khuyên những bạn trẻ nên hiểu những mong muốn của bản thân trước tiên. Chỉ khi mình hiểu được mình muốn gì, mình mới có thể làm rõ nhu cầu của mình với người khác và thuyết phục họ.

Master Coach nói thêm, con trẻ nên học cách biết ơn và trân trọng những thứ mình đang có – việc mình được sinh ra, được cha mẹ nuôi dưỡng theo cách tốt nhất họ có thể, việc cha mẹ và bản thân mình còn có sức khỏe tốt. Sự biết ơn đó sẽ giúp con trẻ hiểu được thêm về vai trò của mình, và từ đó biết tôn trọng và chăm sóc bản thân hơn. Đó chính là những điều căn bản mà mỗi cha mẹ mong mỏi ở con mình.

Quan trọng hơn nữa, giống như việc cha mẹ cần hiểu cho hoàn cảnh của con mình, khi mà thời thế có nhiều thay đổi và biến động, con trẻ cũng cần hiểu rằng các hành vi của cha mẹ mình là ảnh hưởng từ môi trường mà họ lớn lên: cách ông bà nuôi dạy cha mẹ mình, nền văn hóa trước khi có sự toàn cầu hóa,… Bối cảnh môi trường và văn hóa mà cha mẹ lớn lên khác nhiều so với môi trường hiện tại chúng ta đang sống. Và hơn hết, những gì cha mẹ được học từ cha mẹ của họ thường lại được áp dụng lên chính hôn nhân và nuôi dạy con. Việc này cũng như ông bà học được từ các cụ và nuôi dạy cha mẹ mình. Đây chính là nguồn cội của sang chấn liên thế hệ, và việc hiểu được hoàn cảnh mà cha mẹ mình lớn lên là bước đầu tiên mà các bạn trẻ có thể phá vỡ vòng lặp này.

Xét cho cùng, một mối quan hệ chỉ có thể tốt đẹp và lành mạnh nếu sự cho đi và nhận lại, sự hiểu và được hiểu diễn ra theo hai chiều. Mỗi người muốn yêu thương người kia đúng cách cần phải hiểu rõ bản thân, cũng như cần có sự lắng nghe và hiểu được đối phương trước khi biểu đạt mong muốn bản thân mình. Trên đời, không có ai giống ai, nên sự thấu hiểu sẽ giúp những mâu thuẫn không đáng có được giải quyết trước khi kịp bắt rễ.

Chương trình trị liệu nhóm số 51 do chuyên gia tâm lý Phạm Thị Bình dẫn dắt đã kết thúc tốt đẹp. Qua chương trình trị liệu nhóm lần này, các bậc cha mẹ và con cái mình đã có thể bước đầu thấu hiểu nhau hơn, và từ đó có thể làm tròn vai trò của bản thân trong gia đình. Trong các buổi trị liệu nhóm tiếp theo, chủ đề “Làm thế nào để làm tốt vai trong của mình trong cuộc sống” sẽ tiếp tục với những chia sẻ của chuyên gia về vai trò vợ chồng và công việc. Mời các bạn theo dõi thông tin và đăng ký tham dự để nhận được những giá trị hữu ích cho cuộc sống của mình.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *