Tổng kết Trị liệu nhóm trực tiếp tại Hà Nội số 13: Chìa khóa cân bằng cuộc sống & đón nhận hạnh phúc 

Đến với buổi Trị liệu nhóm trực tiếp tại Hà Nội số 13, ngày 15/10/2022, với chủ đề “Chìa khóa cân bằng cuộc sống & đón nhận hạnh phúc” được thực hiện bởi chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Trần Thị Hương, khách hàng đã hiểu hơn về kỹ năng cân bằng cảm xúc và ứng phó với căng thẳng, thấu hiểu ý nghĩa nội tại về bình an và hạnh phúc.

1. Biểu hiện, nguyên nhân của việc mất cân bằng trong cuộc sống

Tốc độ phát triển của xã hội cùng với áp lực của cuộc sống đã khiến cho rất nhiều người rơi vào tình trạng căng thẳng, stress kéo dài. Đã có nhiều người cảm thấy bế tắc, mệt mỏi, ngột ngạt vì không tìm ra ý nghĩa của cuộc sống hoặc bị quá tải với nhiều thứ áp lực vô hình của công việc, gia đình, nuôi dạy con cái, các mối quan hệ hay sức khỏe tinh thần.

Một số dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi mất cân bằng trong cuộc sống:

  • Cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức: Mệt mỏi là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của việc mất cân bằng trong cuộc sống. Điều đó dễ khiến bạn mất đi nhịp độ sinh hoạt, làm việc đều đặn hàng ngày.
  • Không có mục tiêu, không có kế hoạch: Trường hợp này xuất hiện khi chúng ta có quá nhiều việc phải làm, có quá nhiều thứ phải lo toan mà không biết nên bắt đầu từ đâu. Điều này khiến chúng ta làm mọi thứ dồn dập, vô tổ chức, không có kế hoạch và không có mục tiêu định hướng, phát triển.
  • Khó khăn, mâu thuẫn trong các mối quan hệ: Đi sớm, về khuya, thường bỏ bữa cơm tối với gia đình, mâu thuẫn với đồng nghiệp hay đã lâu không liên lạc với bạn bè hoặc từ chối các cuộc gặp với lý do “bận”,… Quá nhiều mối quan hệ “kém chất lượng”cũng là dấu hiệu dễ nhận biết.
  • Chỉ tập trung vào một khía cạnh nào đó: Khi có quá nhiều việc phải lo và không biết cân bằng, sắp xếp sao cho hợp lý, chúng ta thường chỉ tập trung vào một khía cạnh nào đó như công việc, gia đình,…
  • Nuông chiều bản thân: Nuông chiều bản thân sau khi đã ôm đồm quá nhiều đầu việc cũng là dấu hiệu đặc biệt cần lưu ý. Đây không phải cách để thư giãn hay thả lỏng cho chính mình, mà là cái cớ cho sự lười biếng và trì trệ.

2. Hệ quả của việc mất cân bằng trong cuộc sống

Tác hại của sự thiếu cân bằng này sẽ khiến bạn luôn ở trong trạng thái căng thẳng, cáu gắt, mất tập trung và lo lắng. Nếu không nhanh chóng cân bằng cuộc sống và công việc, bạn có thể bị uể oải, mệt mỏi kiệt sức, stress, từ đó gây tổn hại tới cả thể chất và tinh thần.

Tệ hơn nữa, hiệu quả công việc thấp, ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ xung quanh, cuộc sống gia đình đảo lộn, chất lượng cuộc sống giảm sút. Ngoài ra, ở một số khía cạnh tiêu cực nhất, sức khỏe của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng trầm trọng. Những trường hợp trụy tim, đột quỵ, trầm cảm đều xuất phát từ triệu chứng căng thẳng quá độ.

3. Làm thế nào để cân bằng cuộc sống và đón nhận hạnh phúc?

Cân bằng cuộc sống không chỉ quan trọng để cảm thấy hạnh phúc và khỏe mạnh mà còn là động lực để chúng ta tốt lên mỗi ngày. Chìa khóa để tìm thấy cân bằng trong cuộc sống không phải là cố gắng thay đổi mọi thứ ngay tức thì mà cần thực hiện những điều chỉnh nhỏ mỗi ngày, từ đó tạo được những thói quen mới tích cực.

Một số mẹo nhỏ giúp cân bằng cuộc sống có thể thực hiện:

  • Thiết lập, xây dựng mục tiêu và kế hoạch cụ thể (Ngắn hạn, dài hạn): Một khi xác định được mục tiêu của mình là gì thì bạn sẽ biết mình phải làm gì để hoàn thành mục tiêu đó. Khi một kế hoạch lớn được cụ thể hóa thành những mục tiêu nhỏ thì danh sách công việc sẽ trở nên chi tiết và rõ ràng hơn, thời gian hoàn thành (ngắn/dài) cũng nhờ đó mà dễ dàng được xác định. Kết quả là bạn luôn luôn chủ động trong từng hành động và có thể làm chủ được nhiều tình huống phát sinh, từ đó hiệu quả và năng suất làm việc cũng được cải thiện.
  • Nhật ký công việc (Quan trọng, ưu tiên và công việc khác): Đây là bản liệt kê các công việc trong ngày của một nhân viên theo thứ tự thời gian. Việc ghi lại nhật ký công việc sẽ giúp bạn hiểu rõ khả năng của bản thân, duy trì được thái độ tích cực cũng như có những điều chỉnh hợp lý.
  • Quản lý thời gian: Hiểu đơn giản đây là việc sắp xếp, phân chia các công việc cần phải hoàn thành trong thời gian nhất định. Lập kế hoạch chi tiết sẽ giúp chúng ta tối ưu hóa hiệu suất làm việc nhưng sẽ linh hoạt tùy thuộc vào mục đích của mình, bạn có thể lập kế hoạch công việc theo ngày, theo tuần hoặc là theo tháng, năm.
  • Quản lý cảm xúc:  Đây là khả năng cá nhân nhận thức rõ cảm xúc của mình trong một tình huống cụ thể, hiểu được ảnh hưởng của cảm xúc đối với bản thân và đối với người khác thế nào, biết cách điều chỉnh và thể hiện cảm xúc một cách phù hợp. Khi học được cách quản lý cảm xúc, bạn sẽ hoàn thiện công việc tốt hơn, thực sự tận hưởng cuộc sống và dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân mình.
  • Đánh giá, điều chỉnh: Đánh giá và điều chỉnh cũng là công việc quan trọng không nên bỏ qua. Hãy dành thời gian để theo dõi công việc, thời gian, sức khoẻ của mình có theo đúng kế hoạch mà mình đã đề ra hay không. Trước khi đi ngủ, hãy dành vài phút để nghĩ về hôm nay và hình dung tới ngày mai, từ đó có được sự điều chỉnh phù hợp nhất, tránh tình trạng mất cân bằng.

Chia sẻ với buổi trị liệu nhóm, khách hàng trải nghiệm đã có một số cảm nghĩ:

Cá nhân mình rất thích những chia sẻ của chuyên gia Trần Hương, sau buổi này mình có nhận thức đúng hơn về việc cân bằng cuộc sống, tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần.”

Sau buổi trị liệu nhóm này, mình nhận thấy bản thân còn ôm đồm quá nhiều việc sinh ra mệt mỏi, stress, áp lực. Đây cũng là dấu hiệu để mình thay đổi, lên kế hoạch cho cuộc sống và công việc trong thời gian sắp tới.”

Chương trình trị liệu nhóm trực tiếp tại Hà Nội số 13 đã giúp khách hàng có thêm kiến thức về kỹ năng cân bằng cảm xúc và ứng phó với căng thẳng, thấu hiểu ý nghĩa nội tại về bình an và hạnh phúc. Hy vọng qua những chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Thị Hương, bạn sẽ biết cách cân bằng cảm xúc để có một cuộc sống hạnh phúc, bình an.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *