Tổn Thương Tâm Lý Vì Bị Kỳ Thị, Phân Biệt Đối Xử

Bị kỳ thị, phân biệt đối xử gây ra tổn thương tâm lý sâu sắc. Nếu không biết cách vượt qua, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề như hình thành tính cách nhút nhát, thiếu tự tin và gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần.

kỳ thị phân biệt đối xử
Bị kỳ thị, phân biệt đối xử có thể hiện diện ở bất cứ đâu từ nhà trường đến gia đình và môi trường làm việc

Kỳ thị, phân biệt đối xử là gì?

Kỳ thị, phân biệt đối xử là các hành vi được tạo ra nhằm phân biệt giữa hai hoặc nhiều nhóm người. Có nhiều yếu tố được sử dụng để tạo ra sự phân biệt bao gồm tuổi tác, chủng tộc, quốc tịch, tầng lớp xã hội, giới tính, cấp bậc trong công việc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân,… Phân biệt đối xử tạo nên tình trạng không công bằng trong xã hội và hậu quả là một người hoặc một nhóm người phải chịu sự bất công, chèn ép.

Trên thực tế, phân biệt đối xử hiện diện ngay chính trong nhà trường và gia đình. Thầy cô giáo luôn dành tình cảm đặc biệt và sự ưu ái cho những học sinh ưu tú, giỏi giang và có định kiến nhất định với học sinh kém, hoàn cảnh gia đình phức tạp và thường xuyên vi phạm các quy định của nhà trường.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Trong gia đình, bố mẹ cũng có sự phân biệt giữa các con. Ở nước ta, gia đình thường ưu ái cho bé trai vì tư tưởng trọng nam khinh nữ. Ngoài ra, bố mẹ cũng tỏ ra yêu chiều hơn đối với em út trong nhà hoặc trẻ có thành tích học tập tốt, được thầy cô và nhà trường khen thưởng.

Mặc dù xã hội đã phát triển hiện đại hơn nhưng những bất công vẫn còn tồn đọng trong nhiều mối quan hệ và hoàn cảnh. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử như một liều thuốc độc đối với tâm hồn – đặc biệt là với trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Không ít người phải đối mặt với những thương tổn sâu sắc do bị chính gia đình phân biệt, lạnh nhạt.

Phân biệt đối xử và kỳ thị gây tổn thương tâm lý như thế nào?

Ngày nay, vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn luôn là đề tài nóng mỗi khi nhắc đến. Không khó để nhìn thấy trên ti vi các tin tức về biểu tình, bạo động do người da đen, người châu Á bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, ít ai để ý đến sự phân biệt trong chính gia đình và nhà trường.

Dù xảy ra ở hoàn cảnh như thế nào, nạn nhân bị kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn sẽ đối mặt với những tổn thương tâm lý sâu sắc. Mức độ tổn thương sẽ phụ thuộc vào các hành vi kỳ thị, thời gian bị kỳ thị và tính cách của từng người. Chính vì vậy, trẻ em và những người nhạy cảm thường dễ bị tổn thương hơn.

Những tổn thương tâm lý khi bị kỳ thị và phân biệt đối xử:

1. Tạo tâm lý lo lắng, nhút nhát

Tâm lý đầu tiên khi bị đối xử bất công là lo lắng, nhút nhát và buồn bã. Trong phạm vi gia đình, trẻ bị bố mẹ ghẻ lạnh luôn cảm thấy nặng nề trong ngôi nhà của chính mình. Trẻ sẽ đặt ra hàng loạt các câu hỏi vì sao mình bị đối xử phân biệt và không nhận được tình yêu thương từ bố mẹ.

kỳ thị và phân biệt đối xử
Người bị kỳ thị và phân biệt đối xử sẽ hình thành tâm lý nhút nhát, thiếu tự tin vào bản thân

Nếu bị kỳ thị trong trường học, tâm lý trẻ sẽ trở nên nhút nhát và tự ti. Các hành vi phân biệt đối xử “vô tình” khiến cho bản thân trẻ nghĩ rằng mình thực sự kém cỏi, vô dụng và yếu thế hơn so với những người khác. Trong trường hợp sự kỳ thị đến từ thầy cô giáo, trẻ sẽ có phản ứng sợ đến trường hoặc cố ý có những hành vi chống đối.

Ở phạm vi rộng hơn, những người da đen, da vàng, người đồng tính bị kỳ thị cũng sẽ phải đối mặt với tổn thương tâm lý. Trước những hành vi đối xử bất công, phản ứng của mỗi người là khác nhau. Nhưng tâm lý chung đều là buồn bã, lo lắng, một số người trở nên nhút nhát và thiếu tự tin vào bản thân.

2. Stress (căng thẳng)

Sự bất công, kỳ thị diễn ra trong một thời gian dài sẽ dẫn đến stress (căng thẳng). Nếu như trước đây, tiêu chí để phân biệt đối xử chỉ là giới tính và màu da thì giờ đây, người ta còn phân biệt thông qua cấp bậc, ngôn ngữ, tôn giáo và bệnh tật. Trong những năm gần đây, không khó để chúng ta nhận thấy người mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh xã hội phải nhận sự kỳ thị của xã hội.

3. Gia tăng nguy cơ mắc rối loạn tâm thần

Những hành vi kỳ thị và đối xử bất công nghiêm trọng có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý. Ngoài ra, tình trạng này kéo dài cũng khiến cho căng thẳng tích tụ và hậu quả là phải đối mặt với các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn hoảng sợ,…

Vượt qua tổn thương tâm lý do bị kỳ thị, phân biệt đối xử

Cuộc sống vẫn luôn tồn tại những điều bất công và các hành vi kỳ thị. Mặc dù không mong muốn nhưng bạn vẫn có thể trở thành nạn nhân của vấn nạn này. Để vượt qua tổn thương tâm lý do bị phân biệt đối xử, bạn có thể thử một số biện pháp sau:

1. Thẳng thắn yêu cầu đối phương dừng các hành vi kỳ thị

Việc đầu tiên bạn cần làm là yêu cầu đối phương dừng ngay hành vi kỳ thị bản thân. Nên để đối phương biết rằng tất cả mọi người đều phải được đối xử công bằng, không có bất cứ ai có quyền chà đạp hay kỳ thị người khác. Trao đổi với những người thiếu hiểu biết có thể không mang lại hiệu quả nhưng ít nhất điều này cho thấy sự phản kháng của bạn.

kỳ thị và phân biệt đối xử
Để vượt qua tổn thương tâm lý do bị phân biệt đối xử, nên thẳng thắn yêu cầu đối phương dừng hành vi kỳ thị

Nếu im lặng, đối phương có thể gia tăng các hành vi kỳ thị đối với bạn và những người xung quanh. Trong trường hợp bị bố mẹ phân biệt đối xử, bạn nên lấy lại bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo trước khi trò chuyện với bố mẹ. Trước tiên, cần xác định lý do vì sao bố mẹ đối xử phân biệt giữa bạn với anh chị em, đồng thời phải để bố mẹ biết rằng, các con nên được đối xử công bằng để có thể sống vui vẻ, hạnh phúc và phát triển lành mạnh trong chính gia đình của mình.

2. Tránh xa các mối quan hệ độc hại

Trên thực tế, bạn có thể bị kỳ thị ngay trong nhóm bạn của mình. Mọi người thường ưu ái những người có hoàn cảnh gia đình khá giả, ngoại hình ưa nhìn, giỏi giang,… và xem nhẹ những người không có gì nổi bật. Nếu đang trong mối quan hệ độc hại, bạn nên chủ động chấm dứt.

Đối với gia đình, việc chấm dứt gần như là không thể. Cách duy nhất là trao đổi một cách góp ý để bố mẹ thay đổi thái độ và cách ứng xử đối với con cái. Trong trường hợp không có hiệu quả, bạn buộc phải sống chung với sự phân biệt đối xử và lấy điều đó làm động lực để trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh hơn.

Cuộc sống có thể diễn ra không như ý muốn của chúng ta. Vì vậy, hãy học cách mạnh mẽ để có thể đương đầu với mọi thứ. Thay vì quá bi quan, buồn bã, bạn nên giữ tinh thần lạc quan và nỗ lực để nhanh chóng tự lập, tách ra khỏi gia đình.

3. Học cách yêu thương bản thân

Những hành vi kỳ thị từ mọi người vô tình khiến cho bạn thiếu tự tin, cho rằng bản thân thực sự kém cỏi và vô dụng hơn những người xung quanh. Vì vậy, đa phần những người bị phân biệt đối xử đều có tâm lý tự ti, nhút nhát, thụ động trong cuộc sống.

kỳ thị và phân biệt đối xử
Yêu thương bản thân là cách giúp bạn vượt qua tổn thương tâm lý do bị kỳ thị và phân biệt đối xử

Cách tốt nhất để vượt qua tổn thương tâm lý vì bị kỳ thị và phân biệt đối xử là yêu thương bản thân nhiều hơn. Những người kỳ thị bạn có hàng tá lý do cho rằng bạn thấp kém và đáng bị đối xử bất công. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng, mỗi chúng ta đều phải được đối xử công bằng và điều này không phụ thuộc vào giới tính, tầng lớp xã hội hay màu da. Những người đang kỳ thị bạn có thể thiếu sự hiểu biết hoặc họ có những quan niệm sai lệch. Vì vậy, hãy bỏ ngoài tai những lời nói khó nghe và lờ đi các hành vi kỳ thị.

Để yêu thương bản thân, bạn cần dừng việc so sánh bản thân với người khác và bỏ ngoài tai những lời nói chỉ trích, bình phẩm ác ý. Bạn nên tập trung vào việc học, nghề nghiệp và chú tâm vào cuộc sống của chính mình. Khi lờ đi những điều tiêu cực, bạn sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn và biết rằng bản thân là điều quan trọng hơn tất thảy.

4. Tìm kiếm những người bạn thực sự

Bạn bè là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Bạn không thể lựa chọn gia đình cho mình nhưng có thể chọn kết bạn với những người bạn thực sự. Bạn bè sẽ là điểm tựa tinh thần nếu bạn bị chính gia đình ghẻ lạnh và phân biệt đối xử.

Ngoài ra, sự đồng hành của bạn bè cũng sẽ giúp ích rất nhiều khi bạn phải đối mặt với hành vi kỳ thị ở nơi làm việc, nhà trường,… Vì là bạn bè cùng trang lứa nên họ sẽ hiểu được tâm lý và biết cách bày tỏ sự đồng cảm. Bố mẹ có thể là người dành tình cảm nhiều hơn nhưng do khoảng cách thế hệ, gia đình có thể không hiểu hết tâm lý và những suy nghĩ của bạn.

5. Nỗ lực cải thiện bản thân

Nâng cao năng lực cũng là cách để bạn vượt qua tổn thương tâm lý vì bị kỳ thị. Thực tế, ngoài màu da, quốc tịch và tầng lớp xã hội, nhiều người còn dựa vào năng lực của từng người để quyết định thái độ. Nỗ lực cải thiện bản thân sẽ giúp bạn nhận được sự công nhận của mọi người. Hơn nữa khi đạt được thành công trong cuộc sống, bạn sẽ không còn quan tâm đến những người kỳ thị bản thân.

Quan trọng nhất, nâng cao năng lực sẽ giúp bạn tự tin hơn trong cuộc sống, biết cách yêu thương bản thân và có thể tận hưởng cuộc sống đúng nghĩa.

6. Tha thứ cho những người kỳ thị bản thân

Để vượt qua tổn thương tâm lý vì sợ bị kỳ thị, bạn nên tha thứ và quên đi những người phân biệt đối xử với bản thân. Giữ sự thù hằn không mang lại cho bạn sự thoải mái, ngược lại khiến bạn bỏ qua niềm vui và đánh mất ý nghĩa thực sự của cuộc sống.

Vì vậy, nên quên đi những người đã kỳ thị bản thân và dành thời gian cho những người thực sự yêu thương mình. Cuộc sống vẫn luôn có bất công và nếu bạn quá để tâm đến những điều này, cảm xúc tiêu cực sẽ lấn át khiến bạn không bao giờ cảm thấy thoải mái và hài lòng.

7. Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia

Không ít người bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng do bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Vì vậy nếu cần thiết, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia. Chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn chữa lành thương tổn và học cách mạnh mẽ, bản lĩnh để vượt qua sự kỳ thị. Ngoài ra, chuyên gia sẽ hướng dẫn một số kỹ năng để bạn tránh xa những người tiêu cực và giảm thiểu phiền toái trong cuộc sống.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Tổn thương tâm lý vì bị kỳ thị, phân biệt đối xử có thể dẫn đến một số rối loạn tâm thần và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, bạn cần phải mạnh mẽ vượt qua để rèn luyện tính cách quyết đoán và bản lĩnh. Vượt qua sự kỳ thị cũng sẽ giúp bạn học cách yêu thương bản thân và không ngừng nỗ lực để khẳng định chính mình.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *