Survivor’s guilt: Hiểu hơn mặc cảm tội lỗi của người sống sót

Survivor’s guilt – mặc cảm tội lỗi của người sống sót khiến họ luôn cảm thấy bị dằn vặt, đau khổ vì đã sống sót một mình trong khi nhiều người khác mất mạng. Vấn đề này sẽ ám ảnh họ mãi và có khi là suốt đời. Có nhiều biểu hiện để nhận biết và cần được điều trị sớm để không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng.

Survivor’s guilt là gì?

Survivor’s guilt – mặc cảm tội lỗi của người sống sót có thể được hiểu như tên gọi của nó, chính là cảm giác của một người sau khi trải qua tai nạn, biến cố hoặc thiên tai. Sau sự việc đau thương đó chỉ còn mình họ sống sót và cảm giác còn lại chỉ là những mặc cảm, tội lỗi và áy náy vì chỉ còn mình tồn tại trong khi mọi người đã mất mạng.

Survivor’s guilt là gì?
Mặc cảm tội lỗi của người sống sót khiến con người luôn cảm thấy tội lỗi, xấu hổ và không xứng đáng để được thoát chết.

Cảm giác có lỗi này có thể theo họ trong khoảng thời gian rất dài và có khi là cả cuộc đời. Họ nghĩ rằng tại sao mình lại có thể sống sót một mình trong khi tất cả mọi người đã phải mất mạng. Sau sự kiện thương tâm, chính bản thân người mắc Survivor’s guilt cũng không nghĩ rằng họ có thể vượt qua nhưng lại chỉ còn mình họ thoát được.

Survivor’s guilt không hề dễ chịu, nó khiến người mắc luôn cảm thấy mặc cảm và tội lỗi kinh khủng, nó giống như việc chính họ đã khiến cho những người khác phải mất mạng. Họ không nghĩ bản thân mình xứng đáng để sống sót một mình. Cảm giác sẽ tồi tệ hơn khi chính những người mất mạng là gia đình, người thân yêu của họ.

Sự mặc cảm tội lỗi của người sống sót được nghiên cứu rộng rãi hơn vào những năm 1960. Khi ấy, các nhà tâm lý đã nghiên cứu về cảm giác của những nạn nhân may mắn sống sót sau nạn diệt chủng Holocaust. Họ cảm thấy ân hận, bứt rứt và vô cùng tội lỗi vì gia đình họ đã phải thiệt mạng. Từ đó, Survivor’s guilt được chú ý hơn trong nhiều tình huống khác.

Hầu hết những người mắc phải mặc cảm tội lỗi của người sống sót thường là chỉ mình họ hoặc một ít người đã có thể may mắn vượt qua được biến cố đau lòng đó. Cảm giác tội lỗi nghiêm trọng đến mức khiến học phải ám ảnh cực độ, luôn thấy mình bất lực và có khi là muốn tự kết liễu mình để có thể “rửa sạch” những tội lỗi, mặc cảm.

Nhiều người cũng đã có những suy nghĩ dằn vặt rằng giá như họ hành động khác đi hoặc họ cố gắng thêm tí nữa có thể sẽ cứu mạng được nhiều người hơn. Thấy rằng nhờ chính những người thiệt mạng đã hy sinh để có thể cứu họ. Cảm giác mình trong số ít những người còn sống khiến họ thấy bản thân ích kỷ, nhu nhược và hèn hạ.

Xem thêm: 10 Cách Giúp Bạn Giải Tỏa Áp Lực Cuộc Sống Hiệu Quả

Đối tượng nào sẽ mắc phải Survivor’s guilt

Sẽ có một số đối tượng rơi vào những tình huống đau thương khác nhau khiến họ cảm thấy tội lỗi, đau buồn và cực kỳ ân hận vì đã để cho những người khác mất mạng. Ai cũng có thể trải qua cảm giác này, nó có thể ám ảnh lâu dài và khó có thể quên đi.

Mặc dù vấn đề này sẽ xảy ra phần lớn là với các tình huống thiệt mạng và thương vong. Nhưng theo một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng, các trường hợp mất mát về tài sản, sức khỏe, danh tính, nhân phẩm, những thứ quan trọng với con người,…cũng có thể gây ra cảm giác tội lỗi và mặc cảm này.

Một vài tình huống mà các đối tượng đã từng trải qua khiến họ có cảm giác tội lỗi và ân hận vì đã sống sót một mình:

  • Sau khi trải qua một tai nạn

Khi trải qua một biến cố, thiên tai, hỏa hoạn hay một tai nạn nghiêm trọng khiến cho mọi người đều nghĩ mình sẽ phải mất mạng. Nhưng sau khi được cứu hộ, vài người đã thoát khỏi “tử thần” một cách kỳ diệu. Tuy nhiên họ không hề thấy vui sướng vì điều đó, ngược lại cảm giác sống sót một mình không hề dễ chịu và nhẹ nhàng.

Việc sống sót sau một sự kiện đau buồn khiến nhiều người mất mạng được coi đó là sự may mắn và kỳ tích. Nhưng những người sống sót họ không hề thấy xứng đáng với những gì mình được nhận, nhất là khi trong những người thiệt mạng có gia đình, người thân hoặc bạn bè của họ.

Đối tượng nào sẽ mắc phải Survivor’s guilt
Sau khi trải qua một tai nạn nhưng chỉ còn mình sống sót, rất dễ gây sang chấn tâm lý và cảm thấy tội lỗi ám ảnh.
  • Sau khi thoát khỏi nguy cơ tử vong

Đây có lẽ là cảm giác vừa hạnh phúc vừa đau thương vì chính bản thân họ cũng đã vừa đấu tranh để vượt qua cái chết trong gang tấc. Nhưng những người cùng hoàn cảnh với họ đã không thể làm được điều đó, sự may mắn của họ lại trở thành sự mặc cảm và tội lỗi.

Họ nghĩ rằng chính bản thân mình đã lấy đi hết những may mắn, điều kiện thuận lợi để có thể cứu sống thêm nhiều người khác. Những người thoát khỏi nguy cơ tử vong cảm thấy bản thân không xứng đáng với điều đó hơn là nghĩ mình đã rất mạnh mẽ để vượt qua.

  • Sau khi vượt qua được bệnh hiểm nghèo

Những căn bệnh như ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,… hiếm có trường hợp nào có thể vượt qua và sống sót được. Vì thế những bệnh nhân đã được cứu giúp kịp thời và chiến thắng được bệnh tật đã cảm thấy rất có lỗi với bệnh nhân khác. Họ cho rằng cuộc đời đối xử bất công với nhiều người và họ thấy áy náy vì điều đó.

Hoặc ngay cả những bệnh nhân đã may mắn được cấy ghép nội tạng, họ đủ điều kiện tài chính và có nội tạng tương thích giúp họ vượt qua được bệnh hiểm nghèo. Điều này gây cho những người có lòng trắc ẩn cao nghĩ rằng họ đã giành cơ hội sống sót của rất nhiều người. Vì để cứu một mình bản thân họ mà đã phải hy sinh nhiều người.

  • Vắng mặt khi người thân qua đời

Đây không giống những tình huống trên, vấn đề này được coi là cảm giác ân hận, ray rứt nhiều hơn là tội lỗi. Đối với những người quan trọng thì khi có một sự kiện lớn như ngày mất của họ, nếu bạn vắng mặt thì chắc chắn sẽ là nỗi ân hận đến suốt đời. Ngay cả khi đã nguôi ngoai, bạn cũng không muốn nhớ lại nó.

Vắng mặt khi người thân qua đời làm cho bạn có suy nghĩ rằng bản thân mình thật tệ hại, vô trách nhiệm, bạn sợ rằng người mất sẽ nghĩ bạn không hề trân trọng và thương tiệc cho họ. Cảm giác này sẽ ám ảnh và gây đau khổ cho bạn trong một khoảng thời gian rất dài.

  • Vô tình gây ra một sự việc nghiêm trọng

Không chỉ ân hận vì người khác mất mạng, mà cảm giác tội lỗi cũng có thể xảy ra nếu bạn vô tình gây tổn hại đến những thứ quan trọng của họ. Việc nhìn thấy họ đau khổ và tổn thương khi mất mát một thứ gì đó do bạn gây nên, càng khiến sự ân hận, dằn vặt dữ dội hơn gấp nhiều lần.

Dù chỉ là vô tình nhưng bạn cũng không thể giải thích cho họ hiểu, bạn cũng không thể bù đắp được những mất mát và tổn thương của họ. Trong hoàn cảnh này, dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả mối quan hệ giữa hai bên. Họ có thể tha thứ cho bạn nhưng chính bản thân bạn lại không thể tha thứ cho mình và cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Một số đối tượng cụ thể được ghi nhận là đã từng trải qua cảm giác tội lỗi này:

  • Cựu chiến binh, thương binh liệt sĩ.
  • Những người được cứu đầu tiên.
  • Những người sống sót qua dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn,…
  • Những người sống sót khỏi căn bệnh nguy hiểm.
  • Những người nhận cấy ghép.
  • Thành viên sống sót của gia đình mắc bệnh di truyền gây tử vong.
  • Cha mẹ sống lâu hơn con mình.
  • Những người có điều kiện được ưu tiên.

Sau một sự kiện đau buồn, không phải ai cũng sẽ trải qua cảm giác tội lỗi nhưng chắc chắn trong họ vẫn còn những sang chấn và tổn thương. Cảm giác ray rứt sẽ tùy vào mỗi người có cách thể hiện khác nhau, tuy nhiên đây được xem là một phản ứng bình thường của tâm lý.

Xem thêm: Hậu Quả Của Sang Chấn Tâm Lý Nguy Hại Hơn Bạn Tưởng

Nguyên nhân gây ra Survivor’s guilt

Mặc dù Survivor’s guilt diễn ra khá phổ biến trong tâm lý con người sau khi trải qua một sự kiện đe dọa tính mạng, nhưng không phải tất cả mọi người đều sẽ trải qua. Có nhiều người họ nguôi ngoai và quên rất nhanh, có thể do sang chấn tâm lý nên họ muốn quên những sự kiện đau lòng trong quá khứ một cách nhanh chóng.

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng Survivor’s guilt, khiến con người dễ bị tác động. Từ đó sinh ra tâm lý tội lỗi, mặc cảm và xấu hổ vì bản thân đã vượt qua một mình trong khi nhiều người đã mất mạng và hy sinh rất nhiều thứ.

  • Chấn thương trong quá khứ

Việc chấn thương tâm lý trong quá khứ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những cảm xúc và suy nghĩ của người mắc. Họ luôn trong tâm lý bất ổn, căng thẳng, luôn cảm thấy sợ hãi. Nhất là khi đã từng trải qua sự kiện đe dọa đến tính mạng càng khiến họ dễ áp lực và sinh ra những cảm giác tội lỗi áy náy.

Có thể thời thơ ấu bản thân họ đã từng phải trải qua những việc như: bị lạm dụng, bị hành hạ bạo lực, bị la mắng, khủng bố tinh thần,… Nên sau này khi trưởng thành tâm lý cũng nhạy cảm hơn, dễ cảm xúc hơn vì thế họ dễ xuất hiện tình trạng Survivor’s guilt sau khi trải qua sự kiện đau buồn.

  • Mắc phải bệnh trầm cảm

Những người mắc bệnh trầm cảm hoặc bệnh sử đã từng trải qua căn bệnh này cũng sẽ dễ bị kích động và đau lòng. Bản thân bệnh nhân bị trầm cảm cũng đã có vấn đề về tâm lý khiến họ trở nên nhạy cảm và yếu đuối hơn, nên khi trải qua một sự kiện đau thương nhưng chỉ còn mình mình tồn tại sẽ gây ra một chấn thương lớn bên trong họ.

Họ khó chấp nhận được nỗi đau mất người thân, trong khi mình vẫn sống sót. Vấn đề này sẽ nghiêm trọng đối với người bị trầm cảm hơn là người bình thường, vì họ sẽ cảm thấy cuộc sống trở nên vô nghĩa và nguy cơ tự tử để được chết cùng người thân sẽ rất cao.

  • Lòng tự trọng thấp

Những người có lòng tự trọng thấp thường sẽ không xem trọng và đánh giá thấp bản thân của mình. Họ thường nghĩ mình không xứng đáng với những sự thành công hay may mắn, họ ít coi trọng hạnh phúc và giá trị của mình. Khi trải qua những sự kiện sống còn khiến họ cảm thấy nghi vấn về sự tồn tại của mình liệu có đáng hay không.

Nguyên nhân gây ra Survivor’s guilt
Những người có lòng tự trọng thấp luôn nghĩ rằng mình không có giá trị và không đủ xứng đáng để sống sót.

Việc nghi ngờ về sự xứng đáng của bản thân dần khiến họ trở nên mặc cảm và xấu hổ với sự sống sót của mình. Cảm giác hụt hẫng và tội lỗi ám ảnh họ mãi không thể nào nguôi ngoai. Họ luôn sống trong sự ân hận và dằn vặt chính mình vì đã lấy hết đi sự may mắn của mọi người và một mình sống sót.

  • Mức độ kiên cường thấp

Nguyên nhân này có thể xuất phát từ kinh nghiệm trải đời và mức độ kiên cường của mỗi người. Thông thường, sự đau khổ và cảm giác tội lỗi của người trẻ sẽ dữ dội hơn là những người lớn tuổi. Những người trẻ do chưa có nhiều kinh nghiệm trải qua những vấp ngã, thăng trầm và mất mát sẽ dễ có cảm giác tội lỗi của người sống sót.

Những người lớn tuổi họ đã qua nhiều năm trải nghiệm cuộc sống, mọi cảm xúc đau buồn cũng đã nếm trải trong đời, nên sự kiên cường để đối phó lại cảm xúc đó cao hơn so với người trẻ. Khi trải qua những sự kiện mất mát, người lớn tuổi vẫn sẽ sốc nhưng họ sẽ giải quyết nhanh chóng được vấn đề đó vì đã có nhiều kỹ năng chống chọi.

  • Thiếu sự hỗ trợ

Việc trải qua một sự kiện đau buồn dễ khiến tâm lý bị ảnh hưởng lớn dẫn đến sang chấn, gây ra một số các bệnh tâm lý khó lường khác. Trong giai đoạn hồi phục sau biến cố rất quan trọng, cần có sự hỗ trợ và đồng hành của người thân, bạn bè để giúp nạn nhân có thể vượt qua được những vấn đề về mặt tâm lý.

Nguyên nhân gây ra cảm giác mặc cảm tội lỗi của người sống sót có thể do thiếu đi sự quan tâm và hỗ trợ từ người xung quanh. Khiến nạn nhân khó có thể vượt qua được sự đau khổ và dằn vặt sau sự kiện mất mát đó. Sự hỗ trợ có thể giúp nạn nhân hiểu được giá trị và sự xứng đáng của họ khi được cứu sống để phần nào vơi đi được nỗi đau.

Cho dù việc may mắn sống sót không nằm trong dự tính hay quyết định của người mắc phải Survivor’s guilt và họ cũng không thể chọn lựa được giữa việc sống hay chết. Mọi thứ đều tùy thuộc vào phần số của mỗi người. Nhưng họ vẫn luôn phải chịu đựng những cảm giác đau khổ dằn vặt đến suốt cuộc đời.

Triệu chứng của Survivor’s guilt

Các triệu chứng sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự kiện đó. Triệu chứng có thể nặng hoặc nhẹ tùy theo sức khỏe tâm lý và khả năng chống chọi của mỗi người. Và mỗi đối tượng sẽ có sự biểu hiện về các triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng của Survivor’s guilt không nhất thiết phải xảy ra cùng lúc và đôi khi là không xảy ra.

Các triệu chứng tâm lý thường xảy ra như:

  • Luôn cảm thấy tội lỗi, áy náy.
  • Thường xuyên nhớ về sự kiện đó.
  • Dễ cáu giận hoặc bực tức.
  • Hay gặp ác mộng, ngủ bị giật mình.
  • Thiếu động lực sống.
  • Gặp khó khăn khi phải quên đi sự kiện đau buồn.
  • Bệnh tâm lý: trầm cảm, rối loạn lo âu, stress,…
  • Luôn cảm thấy sợ hãi

Các triệu chứng vật lý phổ biến bao gồm:

  • Rối loạn vị giác.
  • Mệt mỏi, nhức đầu
  • Khó ngủ ngon.
  • Đau dạ dày và buồn nôn.
  • Tim đập nhanh và mạnh.
  • Bắt đầu sử dụng các chất kích thích.

Cảm giác tội lỗi của người sống sót sau sự kiện đau thương có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về cả thể chất lẫn tinh thần. Khiến cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn, điều này càng chứng tỏ rằng người mắc phải được giúp đỡ và điều trị tâm lý sớm để có cách hiệu quả giúp đối phó với vấn đề này.

Xem thêm: Chấn thương tâm lý tuổi thơ nguy hại như thế nào?

Survivor’s guilt có phải là bệnh không?

Survivor’s guilt – mặc cảm tội lỗi của người sống sót được nhận định là một triệu chứng của căn bệnh rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Survivor’s guilt không được xem là một loại bệnh nhưng nó chính là một dấu hiệu quan trọng giúp nhận biết ra căn bệnh PTSD.

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) là những biểu hiện của tâm lý, sau khi bị tác động mạnh mẽ từ việc trải qua một biến cố nguy hiểm đến tính mạng. PTSD ám ảnh và đeo bám nạn nhân trong một thời gian dài, khiến bệnh nhân có những triệu chứng nghiêm trọng về tâm lý.

Tuy không phải là một căn bệnh, nhưng không thể phủ nhận được những ảnh hưởng nghiêm trọng của Survivor’s guilt. Nó gây ám ảnh kéo dài cho nạn nhân một khoảng thời gian dài hoặc có khi là suốt cuộc đời. Khiến họ luôn cảm thấy tội lỗi, ân hận, bất an và day dứt gây ra một sự mâu thuẫn lớn trong tâm lý.

Cần tìm ra giải pháp để có thể giải quyết sớm được vấn đề tâm lý này, tránh kéo dài gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho cuộc sống thể chất và cả tinh thần của nạn nhân.

Cách điều trị Survivor’s guilt

Survivor’s guilt là một vấn đề tâm lý ảnh hưởng đến hành vi của người mắc. Khiến họ luôn cảm thấy bứt rứt, khó chịu với những vấn đề mà họ đang phải chịu đựng. Tuy đã trải qua và sống sót sau biến cố, nhưng tâm lý sẽ bị ảnh hưởng nặng nề sau đó. Gây ra những suy nghĩ và cảm xúc khó kiểm soát.

Vì thế nếu có những hiện tượng bất thường, khó giải quyết sau khi trải qua sang chấn, nạn nhân cần đến ngay các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được kiểm tra và giúp đỡ chữa trị. Vì các vấn đề tâm lý khó nắm bắt và theo dõi chính xác nên cần quan tâm và tìm ra cách điều trị phù hợp để tránh được những hậu quả nghiêm trọng.

Các bác sĩ tâm lý có thể khuyên bệnh nhân áp dụng phương pháp liệu pháp nhận thức hành vi CBT để thay đổi suy nghĩ và hành động của mình. Phương pháp này đã được áp dụng thành công cho nhiều vấn đề về tâm lý. Nó cho phép bác sĩ khám phá những vấn đề tạo nên cảm giác tội lỗi, xác định được nguyên nhân xuất phát của vấn đề.

Từ việc đã có thể hiểu được những suy nghĩ và hoàn cảnh của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành trao đổi để giúp bệnh nhân phân biệt được những suy nghĩ thực tế và những suy nghĩ không có thật. Sau đó giúp bệnh nhân thay đổi suy nghĩ bằng những nhận thức đúng đắn hơn có thể giảm bớt được cảm giác tội lỗi và mặc cảm.

Cách điều trị Survivor’s guilt
Điều trị tâm lý giúp giải quyết nỗi ám ảnh được nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể hỗ trợ bệnh nhân bằng cách chỉ dẫn các biện pháp, kỹ năng để đối phó lại những suy nghĩ tiêu cực, ám ảnh đến bệnh nhân. Khi biết cách chống chọi với nỗi sợ, bệnh nhân sẽ giảm được các vấn đề về tâm lý.
Nếu không điều trị bằng phương pháp trị liệu CBT, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định điều trị bằng trị liệu nhóm hoặc uống thuốc để giảm bớt tình trạng căng thẳng dễ dẫn đến các bệnh tâm lý. Cần làm theo mọi chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để tránh các biến chứng khác nghiêm trọng.

Cách để đối mặt với vấn đề Survivor’s guilt

Khi trải qua một sự kiện đau buồn, chắc chắn tâm lý sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là khi bản thân là số ít may mắn được sống sót, trong khi nhiều người đã phải mất mạng. Nỗi ám ảnh này cứ kéo dài mãi khiến người sống sót cảm thấy bản thân quá tội lỗi và không xứng đáng với những gì nhận được.

Ngoài việc điều trị tâm lý thì chính bản thân người mắc cũng cần tìm ra biện pháp cho riêng mình để có thể dũng cảm đối mặt và chiến đấu với những cảm xúc từ ký ức đau buồn. Một số cách sau có thể giúp người mắc vượt qua được giai đoạn khó khăn này dễ dàng và hiệu quả hơn.

Cách để đối mặt với vấn đề Survivor’s guilt
Cần cố gắng tìm cách để vượt qua được nỗi buồn và sự mặc cảm sau biến cố.
  • Cho phép bản thân được đau buồn: Hãy nên nhớ rằng đây là cảm xúc nên có và bình thường ở tất cả mọi người. Bạn có thể đau lòng, la hét, khóc lóc, làm tất cả mọi thứ để khiến bản thân thoải mái hơn. Bạn có thể cho phép cảm xúc tiêu cực và đau khổ bao trùm lấy mình sau khi trải qua một sự kiện quá đau thương. Nhưng hãy nhớ rằng cần đặt ra giới hạn về thời gian cho nỗi buồn mình để dần có thể hồi phục và vượt qua.
  • Nói chuyện và chia sẻ nhiều hơn với người thân: Nói chuyện với những người bạn tin tưởng có thể giúp bạn giải tỏa được những căng thẳng và áp lực của bản thân. Hãy tìm một người sẵn sàng lắng nghe và an ủi bạn để có thể chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Việc “xả” được hết những nỗi niềm có thể giúp bạn vượt qua khó khăn nhanh chóng hơn.
  • Thực hiện kỹ thuật chánh niệm: Chánh niệm có thể hỗ trợ được những người từng trải qua chấn thương và đau đớn. Tập hít thở sâu và đều đặn để tâm trí được thư giãn và bình tĩnh hơn. Trả bản thân về với thực tại, dần quên đi quá khứ đau buồn, giúp bạn thức tỉnh và năng lượng hơn trong cuộc sống.
  • Tha thứ cho mình: Nên suy nghĩ tích cực và thực tế hơn, rằng bạn không thể quyết định được sự sống sót của bản thân, tất cả là do số phận của mỗi người. Bạn nên thật lòng thương tiếc cho những người đã mất nhưng cũng hãy biết ơn vì bản thân đã sống sót. Hãy tự tha thứ cho mình và cố gắng sống tốt hơn, tích cực hơn.
  • Làm những việc thiện nguyện: Làm những việc giúp đỡ người khác có thể giúp bạn nguôi ngoai được những cảm xúc tội lỗi của mình. Làm những việc thiện nguyện như: cứu trợ, ủng hộ người khó khăn, trồng cây, nấu cơm tình thương,… Những việc làm này sẽ khiến tâm trí bạn nhẹ nhàng và bình tâm hơn.

Mặc cảm tội lỗi của người sống sót là một dạng tâm lý tiêu cực của người được may mắn có cơ hội vượt qua biến cố, trong khi nhiều người khác đã mất mạng. Họ luôn cảm thấy đau khổ và tội lỗi vì sự sống sót của mình. Vấn đề này cần được giải quyết và điều trị nhanh chóng để không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bản thân.

Có thể bạn quan tâm: 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *