Hậu quả của sang chấn tâm lý nguy hại hơn bạn tưởng

Khi trải qua những sự kiện nghiêm trọng, nhiều khả năng bạn sẽ phải đối mặt với hậu quả của sang chấn tâm lý. Hiểu rõ về hậu quả sẽ giúp bạn đọc chủ động hơn trong việc vượt qua tổn thương về mặt tinh thần.

hậu quả của sang chấn tâm lý
Sang chấn tâm lý gây ra những hậu quả và ảnh hưởng nghiêm trọng

Các hậu quả của sang chấn tâm lý cần biết

Sang chấn tâm lý (Psychological Trauma) đề cập đến những thay đổi về cảm xúc, tư duy và thể chất sau khi trải qua những sự kiện có tính chất nghiêm trọng như tai nạn, thiên tai, ly hôn, chiến tranh,… Sang chấn tâm lý cũng là một dạng của stress nhưng mức độ nghiêm trọng hơn. Vì vậy, tâm lý sẽ phải đối mặt với tổn thương nặng nề sau khi chứng kiến và trải qua những sự kiện có tính chất sang chấn.

Tổn thương do sang chấn tâm lý sẽ sâu sắc hơn so với stress thông thường. Trải nghiệm tiêu cực này khó có thể xóa bỏ ra khỏi tâm trí và có khuynh hướng kéo dài trong nhiều năm. Khi đối mặt với sang chấn tâm lý, cường độ cảm xúc sẽ tăng cao đi kèm với những bất thường về tư duy (suy nghĩ) và hành động.

Trên thực tế, sang chấn không chỉ xảy ra khi bản thân là người trực tiếp chứng kiến và trải nghiệm. Bản thân chúng ta vẫn có thể bị sang chấn tâm lý khi lắng nghe những sự kiện khủng khiếp xảy ra đối với con cái, bạn đời, bạn bè và những người xung quanh.

Tác động từ sự kiện này sẽ khiến cho não bộ và toàn bộ hệ nội tiết trong cơ thể bị rối loạn. Từ đó dẫn đến một loạt các vấn đề tâm lý, tâm thần cấp và mãn tính. Hiểu rõ hậu quả của sang chấn tâm lý sẽ giúp mỗi người chủ động hơn trong việc điều trị và vượt qua những tổn thương về mặt tinh thần.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Các hậu quả nghiêm trọng bạn có thể phải đối mặt khi trải qua sang chấn tâm lý:

1. Rối loạn stress cấp tính

Rối loạn stress cấp tính (phản ứng cấp với stress) là hậu quả thường gặp của sang chấn tâm lý. Đây là một dạng rối loạn tâm lý xảy ra ngay sau khi cơ thể bị sang chấn rất mạnh về mặt thể chất và tinh thần. Các sự kiện có thể dẫn đến rối loạn stress cấp tính bao gồm phá sản, cháy nhà, người thân mất một cách đột ngột, bị cưỡng hiếp, chiến tranh, chứng kiến thiên tai hoặc bị tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Các triệu chứng rối loạn stress cấp tính xảy ra sau vài giờ hoặc vài ngày chứng kiến sự kiện gây sang chấn. Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp phải tình trạng này. Theo các chuyên gia, những người có tính cách yếu đuối và thể trạng suy nhược sẽ có nguy cơ cao hơn.

hậu quả của sang chấn tâm lý
Rối loạn stress cấp tính thường xảy ra sau vài giờ kể từ khi chứng kiến và trải qua sự kiện sang chấn

Triệu chứng điển hình của phản ứng cấp với stress là trạng thái ngây dại, mất khả năng tiếp nhận kích thích, giảm sự chú ý, sững sờ phân ly, kích động và đôi khi có tình trạng tăng vận động (bỏ trốn, chạy trốn,…). Bên cạnh triệu chứng tâm thần, bệnh nhân cũng sẽ gặp phải các rối loạn thần kinh thực vật như nóng bừng, vã mồ hôi, tim đập nhanh và thở nông.

Các triệu chứng của rối loạn stress cấp tính thường sẽ thuyên giảm sau vài ngày. Lúc này, người bệnh sẽ trở lại trạng thái ổn định hơn nhưng sẽ quên đi một phần hoặc toàn bộ những gì đã xảy ra trong thời gian rối loạn stress cấp tính khởi phát.

2. Rối loạn điều chỉnh

Rối loạn điều chỉnh cũng là hậu quả thường gặp của sang chấn tâm lý. Tình trạng này đặc trưng bởi những bất thường về hành vi và cảm xúc. Rối loạn điều chỉnh thường xảy ra sau khi trải qua tan vỡ về tình cảm, xung đột, mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng,… Một số trường hợp có thể khởi phát tình trạng này sau khi phải đối mặt với nhiều sang chấn thay vì một sang chấn tâm lý.

Rối loạn điều chỉnh đặc trưng bởi tình trạng lo âu, buồn bã, chán nản, mất khả năng đối phó và chất lượng công việc, cuộc sống giảm sút rõ rệt. Cũng có những trường hợp nảy sinh hành vi bạo lực, gây hấn (chủ yếu gặp ở thanh thiếu niên). Trẻ em mắc chứng rối loạn điều chỉnh sẽ có hiện tượng thoái hóa với biểu hiện là mút ngón tay, tè dầm và nói bập bẹ.

Khác với rối loạn stress cấp tính, rối loạn điều chỉnh thường xảy ra sau 1 tháng kể từ khi trải qua sang chấn và thường không kéo dài quá 6 tháng. Những trường hợp kéo dài hơn thời gian này thường có liên quan đến sang chấn trường diễn (ly hôn, khó khăn về tài chính, mắc phải các vấn đề sức khỏe mãn tính,…).

3. Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)

Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) thường là hậu quả của sang chấn tâm lý có tính chất cực kỳ nghiêm trọng như bị bắt cóc, tra tấn, tham gia chiến tranh, bị cưỡng hiếp, tai nạn nghiêm trọng,… PTSD được xem là phản ứng muộn và dai dẳng. Các triệu chứng khởi phát trong vòng 6 tháng kể từ thời điểm xảy ra sang chấn và có xu hướng kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm và thậm chí là hàng chục năm.

Nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn stress sau sang chấn vẫn chưa được biết rõ vì một số người trải qua sang chấn nhưng hoàn toàn không gặp phải tình trạng này. Các chuyên gia cho biết, PTSD xảy ra chủ yếu ở những người có tính cách yếu đuối, thiếu kinh nghiệm sống và có tiền sử loạn thần kinh.

hậu quả của sang chấn tâm lý
Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là hậu quả nghiêm trọng của sang chấn tâm lý

PTSD đặc trưng bởi sự xuất hiện một cách không chủ ý của những sự kiện sang chấn ở dạng ý nghĩ, giấc mơ hoặc hoang tưởng. Sự xuất hiện của những sự kiện này khiến bản thân người bệnh phải đối mặt với sự đau khổ và những cảm xúc tiêu cực. Người bệnh có cảm giác tê dại, tách rời với mọi thứ xung quanh, né tránh những đối tượng và không gian gợi nhắc lại sự kiện.

Rối loạn stress sau sang chấn gây ra những xáo trộn nghiêm trọng trong cuộc sống và có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề. Vì bệnh lý này khởi phát khá muộn nên bạn có thể ngăn chặn bằng cách trị liệu sớm để vượt qua những tổn thương tâm lý.

3. Tăng nguy cơ trầm cảm

Một hậu quả khác của sang chấn tâm lý là tăng nguy cơ trầm cảm. Có thể nói, trầm cảm là vấn đề tâm lý phổ biến nhất hiện nay. Đây là một dạng rối loạn cảm xúc mà người bệnh luôn có khí sắc trầm buồn, chán nản, đau khổ, bi quan và mất hứng thú với mọi thứ.

Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gây trầm cảm. Thế nhưng, các nghiên cứu đã thực hiện đều cho thấy vai trò rõ ràng của gen di truyền và sang chấn tâm lý trong cơ chế bệnh sinh. Khi đối mặt với sang chấn, vùng não giữa sẽ bị ức chế dẫn đến sự rối loạn của các chất dẫn truyền thần kinh và gây ra những bất thường trong quá trình kiểm soát cảm xúc, điều khiển tư duy, các hoạt động thể chất,…

Trên thực tế, các triệu chứng trầm cảm thường bùng phát sau khi phải đối mặt với sang chấn tâm lý, đặc biệt là những sự kiện có tính chất đau buồn như ly hôn, mất người thân, sảy thai, phá sản, bị lạm dụng tình cảm, bị lừa dối,… Ngoài ra, sang chấn tâm lý cũng là yếu tố khiến trầm cảm tái phát và có xu hướng phát triển mãn tính.

4. Gây rối loạn lo âu lan tỏa

Ngoài rối loạn stress sau sang chấn, sang chấn tâm lý cũng gia tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) – đặc biệt là trong trường hợp sang chấn trường diễn (nợ nần, tài chính bất ổn, cuộc sống hôn nhân không hòa hợp,…). GAD là một trong những dạng rối loạn lo âu thường gặp với cơ chế và căn nguyên chưa được biết rõ. Thế nhưng, các chuyên gia đã nhận thấy vai trò rõ ràng của sang chấn và stress trong cơ chế bệnh sinh.

hậu quả của sang chấn tâm lý
Sang chấn tâm lý trường diễn sẽ tăng nguy cơ rối loạn lo âu lan tỏa (GAD)

Trong trường hợp không can thiệp trị liệu, nhiều khả năng sang chấn tâm lý sẽ phát triển thành rối loạn lo âu lan tỏa và nhiều bệnh lý khác. Trên thực tế, GAD là dạng rối loạn lo âu ít ảnh hưởng nhất đến chất lượng cuộc sống và người bệnh vẫn có thể làm việc như bình thường.

Tuy nhiên, thường trực sự lo lắng thái quá và dai dẳng sẽ khiến người bệnh không bao giờ cảm thấy thoải mái, liên tục mệt mỏi và chán nản. Ngoài ra, lo lắng quá mức cũng gia tăng các vấn đề về thần kinh, giấc ngủ, tim mạch, tiêu hóa,…

5. Kích thích các bệnh tâm thần mãn tính tái phát

Nếu có sẵn các bệnh tâm thần, sang chấn tâm lý sẽ kích thích các bệnh lý này bùng phát. Trong đó, thường gặp nhất là trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu và tâm thần phân liệt. Đây cũng là lý do bác sĩ luôn khuyên gia đình nên xây dựng môi trường sống lành mạnh và cách ly bệnh nhân khỏi stress, sang chấn để ổn định bệnh lâu dài.

6. Sang chấn tâm lý gây suy nhược cơ thể

Suy nhược cơ thể là hậu quả thường gặp của sang chấn tâm lý. Tình trạng này được xác định khi cơ thể mệt mỏi, giảm năng lượng kéo dài trong ít nhất 6 tháng. Có khá nhiều nguyên nhân gây suy nhược cơ thể, trong đó stress và sang chấn được xem là nguyên nhân phổ biến nhất.

Suy nhược cơ thể có thể đi kèm với trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn stress sau sang chấn và các hậu quả khác của sang chấn tâm lý. Những trường hợp có đi kèm với suy nhược sẽ có triệu chứng nghiêm trọng do cả tinh thần và thể chất đều suy sụp. Do đó, trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần phải tích cực trị liệu tâm lý, sử dụng thuốc và xây dựng lối sống lành mạnh.

7. Ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách

Sang chấn tâm lý ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình phát triển nhân cách – nhất là ở trẻ nhỏ. Chẳng hạn như trẻ từng chứng kiến bạo lực gia đình và bản thân bị ngược đãi sẽ luôn cảm thấy thiếu thốn tình cảm, mong muốn được yêu thương và che chở. Những trường hợp này khi lớn lên có thể phát triển các rối loạn nhân cách như rối loạn nhân cách phụ thuộc, rối loạn nhân cách ái kỷ và rối loạn nhân cách ranh giới.

hậu quả của sang chấn tâm lý
Trong nhiều trường hợp, sang chấn tâm lý ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách

Tuy nhiên, cũng sự kiện như trên, một số trẻ trở nên hung hăng, bạo lực và không tin tưởng vào bất cứ ai. Những trường hợp này sẽ có khả năng mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng và rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Nhìn chung, khuynh hướng phát triển nhân cách do ảnh hưởng của sang chấn tâm lý không có bất cứ quy luật nào. Nhưng có thể khẳng định sang chấn tâm lý thực sự tác động đến nhân cách.

Ở người lớn, sang chấn tâm lý cũng ảnh hưởng đến nhân cách nhưng mức độ ít hơn so với trẻ nhỏ. Sau khi trải qua sang chấn, không ít người trở nên dè dặt, lo lắng và bi quan hơn trước kia. Ngoài ra, những người bị rối loạn stress sau sang chấn thương có khả năng biến đổi nhân cách nếu bệnh tiến triển dai dẳng.

8. Những hậu quả khác của sang chấn tâm lý

Ngoài những hậu quả trên, sang chấn tâm lý còn gây ra một loạt những ảnh hưởng nghiêm trọng sau:

  • Giảm khả năng tập trung khi học tập, làm việc
  • Tăng tỷ lệ thất nghiệp do thường xuyên sai sót trong công việc, thiếu sự tập trung và trí nhớ kém
  • Không hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong cuộc sống như trước kia
  • Nếu không nhận được sự thấu hiểu của những người xung quanh, sang chấn tâm lý vô tình tạo ra mâu thuẫn và xung đột trong các mối quan hệ – đặc biệt là mối quan hệ hôn nhân.
  • Tăng tỷ lệ sử dụng rượu bia và chất kích thích
  • Làm nghiêm trọng các bệnh lý thể chất sẵn có
  • Gia tăng các bệnh lý tâm căn

Ngăn chặn hậu quả của sang chấn tâm lý

Hậu quả của sang chấn tâm lý gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe và cuộc sống. Trên thực tế, chúng ta không thể tránh khỏi những sự kiện không mong muốn. Vì vậy, không có cách nào có thể phòng ngừa sang chấn hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn chặn hậu quả của sang chấn tâm lý thông qua những biện pháp sau:

hậu quả của sang chấn tâm lý
Trị liệu tâm lý kịp thời sẽ giúp bạn ngăn chặn được những hậu quả của sang chấn tâm lý
  • Ngay sau khi trải qua sang chấn, bạn nên tìm cách chia sẻ và giãi bày với những người xung quanh. Sự động viên, an ủi từ người thân sẽ giúp bạn có động lực vượt qua nỗi đau tinh thần.
  • Nếu cảm thấy không thoải mái, nên viết nhật ký để có thể bộc lộ được cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Khi bộc lộ hết những cảm xúc dồn nén, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn và có thể vượt qua sang chấn một cách nhanh chóng. Trong khi đó, những trường hợp kìm nén cảm xúc sẽ có nguy cơ cao bị trầm cảm hoặc rối loạn lo âu lan tỏa.
  • Hơn ai hết, bản thân mỗi người nên thay đổi suy nghĩ và hướng đến những điều tích cực trong cuộc sống để có thể vượt qua sang chấn.
  • Cố gắng duy trì lối sống lành mạnh hậu sang chấn. Tránh xa bia rượu, thuốc lá và chất kích thích vì những thói quen này sẽ gia tăng nguy cơ gặp phải hậu quả của sang chấn tâm lý.
  • Nếu sang chấn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe và cuộc sống, bạn nên tìm gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Hậu quả của sang chấn tâm lý là vô cùng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống. Vì những lý do này, mỗi người cần phải trang bị cho bản thân kỹ năng vượt qua stress, sang chấn và chủ động tìm gặp bác sĩ khi phải đối mặt với các vấn đề tâm lý.

Tham khảo thêm:

Bình luận (2)

  1. Ngọc says: Trả lời

    Em đang gặp 1 vấn đề về tâm lí lớn đó là một câu chuyện về gia đình ! Nó đã kéo dài được gần 3 năm rồi nhưng đến bây h nó vẫn tiếp diễn và giai đoạn này là đỉnh điểm ! Em có cảm giác mình bị sang chấn tâm lí khi lúc nào em cũng lo Âu mệt mỏi sợ hãi ! Nhưng không có một ai an ủi và thấu hiểu cho em mọi người luôn dành cho em những lời lẽ thô tục mắng chửi như thể em là nguyên nhân của mọi việc vậy ! Em đã nghĩ đến tự tử .

    1. Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam says: Trả lời

      Chào bạn, việc bạn đã chịu đựng những điều tiêu cực trong khoảng thời gian dài như vậy đã gây nên bất ổn tâm lý cho bạn. Để hỗ trợ bạn tốt nhất có thể, bạn có thể để lại số điện thoại hoặc liên hệ tới số hotline của Trung tâm 096 589 8008 sẽ có chuyên gia hỗ trợ tư vấn cho bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *