Mối quan hệ độc hại (Toxic Relationship) cách nhận biết & loại bỏ

Nếu bạn liên tục cảm thấy đau khổ, buồn chán, mệt mỏi và suy sụp trong một mối quan hệ nào đó thì nhiều khả năng bạn đang rơi vào một mối quan hệ độc hại. Tình trạng này nếu không kịp thời tìm cách sửa chữa và khắc phục tốt thì có thể bạn sẽ chịu phải nhiều sự ảnh hưởng tiêu cực về cả thể chất lẫn tinh thần, làm chất lượng cuộc sống của bạn bị suy giảm nghiêm trọng. 

Mối quan hệ độc hại
Mối quan hệ độc hại gây nên những tổn thương kéo dài về thể chất và tinh thần.

Mối quan hệ độc hại (Toxic Relationship) là gì?

Trong cuộc sống, chúng ta có rất nhiều các mối quan hệ với những vai trò khác nhau. Có thể là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, mối quan hệ giữa bạn bè, đồng nghiệp hoặc mối quan hệ yêu đương, hôn nhân,…Những mối quan hệ này giống như một nguồn sống luôn cần thiết đối với mỗi con người, nó giúp cho cuộc sống của bạn thêm nhiều màu sắc và phát triển tốt hơn về nhiều khía cạnh đời sống.

Tuy nhiên, rất khó để phân định rõ về các mối quan hệ lành mạnh và mối quan hệ độc hại. Cũng bởi không phải bất cứ mối quan hệ nào cũng có thể duy trì một cách tốt đẹp và bền vững như những gì chúng ta mong ước.

Trong thực tế có những mối quan hệ mang tính chất tiêu cực, nó khiến cho những người trong cuộc luôn cảm thấy mệt mỏi, tổn thương và vô cùng đau khổ. Không chỉ về mặt tinh thần mà đôi khi các mối quan hệ độc hại còn gây ra những tổn thương về mặt thể chất, khiến sức khỏe tổng thể của con người càng bị suy giảm, gây ảnh hưởng đến chất lượng đời sống.

Mối quan hệ độc hại hay còn được gọi là Toxic Relationship là cụm từ hiện đang được nhắc đến phổ biến trong xã hội hiện nay. Thuật ngữ này nhằm nói đến các mối quan hệ không có sự hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau, thậm chí liên tục hạ thấp, làm suy giảm giá trị của đối phương.

Khi rơi vào mối quan hệ độc hại, bạn sẽ luôn cảm thấy bản thân như đang bị tấn công về tinh thần lẫn thể chất, bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản và kiệt sức khi dành thời gian cho đối phương. Thậm chí bạn cảm thấy vô cùng sợ hãi và luôn muốn tìm cách lẩn trốn, thoát khỏi mối quan hệ này.

Mối quan hệ độc hại có thể xuất hiện trong bất kỳ hoàn cảnh và mối quan hệ nào. Nó có thể tồn tại giữa các cặp đôi yêu nhau, giữa bạn bè, đồng nghiệp hoặc là mối quan hệ thân thiết trong cùng một gia đình. Đồng thời, mức độ tổn thương cũng sẽ tùy thuộc vào từng tình huống, hoàn cảnh khác nhau.

Các nhận biết bạn đang ở trong mối quan hệ độc hại

Các mối quan hệ có thể tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau, thậm chí bản thân bạn cũng khó có thể nhận ra được mình đang rơi vào một mối quan hệ độc hại và không thể tìm cách thoát khỏi ra những sự tồi tệ này. Cũng bởi, những người độc hại thường viện rất nhiều lý do cho những hành tiêu, lời nói tiêu cực của mình.

Họ cũng có những cách thao túng tâm lý vô cùng tuyệt vời để khiến cho đôi phương tuy mệt mỏi, chán chường nhưng không thể nào bỏ rơi và rời xa họ. Trong thực tế, có rất nhiều các mối quan hệ yêu đương mặc dù liên tục bị hành hạ thể xác, bị kiểm soát và hạ nhục danh dự nhưng nhiều người vẫn không thể tự tìm ra lối thoát cho chính bản thân mình.

Do đó, muốn biết bản thân có đang thực sự ở trong một mối quan hệ độc hại hay không, cách tốt nhất bạn hãy rà soát lại các mối quan hệ của mình và đánh giá xem nó có xuất hiện các biểu hiện sau đây không.

1. Bạn cảm thấy không được hỗ trợ

Một mối quan hệ lành mạnh và có thể phát triển lâu dài là khi nó xuất phát từ cả hai phía và luôn có sự cho đi – nhận lại. Trong bất kỳ mối quan hệ nào chúng ta cũng cần sự hỗ trợ, tương tác và quan tâm lẫn nhau để cùng nhau phát triển và tiến bộ hơn so với hiện tại.

Mối quan hệ độc hại
Toxic Relationship được xác định khi bạn không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ đối phương.

Tuy nhiên, đối với các mối quan hệ độc hại, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự cố gắng chỉ được thực hiện từ một phía và đối phương hoàn toàn không thể hiện sự quan tâm hay biết ơn về những điều mà bạn đã làm. Nếu như bạn luôn cố gắng để vụ đắp và hỗ trợ hết mình cho cuộc sống, sự nghiệp của nửa kia nhưng hoàn toàn không nhận lại bất kỳ sự cảm kích hay biết ơn nào thì đó có thể được xem như một mối quan hệ độc hại.

Cụ thể nếu bạn đang duy trì một mối quan hệ nhưng đối phương hoàn toàn không mang đến cảm giác tích cực hay không thể trở thành động lực để bạn cố gắng và phấn đấu mỗi ngày. Dù bạn có thành công hay thất bại vẫn không có sự động viên, hỗ trợ và khuyến khích từ người đó. Thay vào đó họ luôn đòi hỏi ở bạn nhiều hơn, mong muốn bạn sẽ hy sinh và giúp đỡ họ trong mọi hoàn cảnh và mỗi khi mà họ cần.

2. Đối phương liên tục xúc phạm bạn

Mối quan hệ toxic sẽ được xác định nếu như bạn liên tục bị đối phương xúc phạm, hạ nhục danh dự và xem thường giá trị cá nhân. Khi người mà bạn cố gắng xây dựng niềm tin và đặt nhiều tình cảm, sự yêu thương nhưng họ luôn cố gắng để dành cho bạn những lời nói lăng mạ, sỉ nhục, coi thường hoặc thậm chí còn liên tục đe dọa bạn.

Mối quan hệ này khiến cho bạn liên tục bị tổn thương và đôi khi tự nghi hoặc về giá trị của chính mình, lâu dần khiến bạn trở nên tự ti hoặc thậm chí cho rằng mình thực sự là kẻ vô dụng, bất tài. Những lời nói sỉ nhục, tra tấn tinh thần liên tục đeo bám sẽ làm cho bạn dần tin rằng bản thân vô cùng tồi tệ, thấp bé.

Đây được xem là một trong các biểu hiện đặc trưng và thường gặp nhất trong hầu hết các mối quan hệ độc hại. Khi ở bên cạnh đối phương, bạn không thể là chính mình, bạn luôn phải đấu tranh với những sự giằng xé tâm lý và ám ảnh bởi những điều mà đối phương nói. Nhiều trường hợp liên tục phải đối diện với những sự chà đạp dữ dội khiến cho tâm lý của họ bị tổn thương và làm gia tăng nguy cơ trầm cảm.

3. Đối phương có hành vi kiểm soát quá mức

Kiểm soát, ghen tuông quá mức chính là một trong các biểu hiện thường thấy ở những mối quan hệ độc hại. Đối phương sẽ cố gắng quản lý hầu hết thời gian, các mối quan hệ xã hội, việc làm và cả những sở thích, nhu cầu cá nhân của bạn. Họ có thể sử dụng những hành vi và lời nói đe dọa, làm tổn thương chỉ mới mục đích kiểm soát được bạn.

Mối quan hệ độc hại
Sự kiểm soát quá mức chính là biểu hiện đặc trưng của mối quan hệ độc hại.

Đây là một trong các biểu hiện thường có ở những mối quan hệ yêu đương. Đối phương sẽ luôn muốn biết tất cả những thứ liên quan đến bạn và những hoạt động mà bạn làm trong ngày. Bên cạnh đó có một số trường hợp còn cố gắng để quản lý tài chính, kiểm soát kỹ lưỡng về những chi tiêu của cá nhân bạn.

Họ có xu hướng luôn muốn xuất hiện cùng bạn trong tất cả các hoạt động, luôn ở cạnh bạn mọi lúc mọi nơi và mong muốn tách bạn ra khỏi các mối quan hệ khác. Một số người còn cố gắng để xâm phạm vào các đời sống riêng tư như truy cập vào trang cá nhân, tự ý đọc tin nhắn, check mail, kiểm tra điện thoại liên tục,…

4. Sở thích của bạn không được tôn trọng

Chúng ta là những cá thể độc lập với những sở thích, đam mê và định hướng riêng biệt. Vì thế, dù ở trong bất kỳ mối quan hệ nào, kể cả tình yêu, gia đình thì những sở thích đó cũng cần được tôn trọng, lắng nghe và cảm thông. Tôn trọng được xem là nền tảng vững chắc giúp cho các mối quan hệ được duy trì và phát triển lâu dài.

Tôn trọng người khác cũng chính là cách tốt nhất để bạn thể hiện sự tôn trọng cho chính bản thân mình. Khi mối quan hệ thiếu đi sự tôn trọng thì sớm muộn nó cũng sẽ dẫn đến sự đổ vỡ hoặc tồn tại một cách tiêu cực, không lành mạnh.

Do đó, nếu những sở thích và nhu cầu cá nhân của bạn không được đối phương tôn trọng hoặc thậm chí là gạt bỏ, xem thường thì đây đích thực là một mối quan hệ độc hại cần được loại bỏ ngay lập tức. Sự thiếu tôn trọng sẽ khiến cho đối phương dễ dàng buông ra những lời nói thiếu chừng mực và họ luôn tỏ ra ngạo mạn, xem thường bạn.

Bên cạnh đó, Toxic Relationship khiến bạn giới hạn đi những sự tự do nhất định của bản thân, kiềm hãm những đam mê và ước mơ của chính mình. Ngược lại, đối phương có thể bắt ép và liên tục ra điều kiện để bạn thực hiện những điều mà họ mong muốn. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng căng thẳng, mệt mỏi và bất lực.

5. Bạn luôn là người có lỗi

Khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra giữa đôi bên, bạn luôn là người có lỗi. Nửa kia sẽ luôn cố gắng giải thích và tìm cách để đổ trách nhiệm lên bản thân bạn mặc dù vấn đề đó có xuất phát từ ai đi chăng nữa. Họ luôn có xu hướng trốn tránh mọi trách nhiệm và chính bạn phải là người đứng ra nhận lỗi, gánh chịu mọi sự tổn thương.

Mối quan hệ độc hại
Bạn có đang cảm thấy tội lỗi trong mối quan hệ của chính mình?

Hoặc họ sẽ liên tục tự trách cứ bản thân mình, tự cho rằng mình là người tồi tệ, bất tài để nhận lấy lòng thương từ bạn và rồi bạn vẫn sẽ là người cảm thấy mình có lỗi trong câu chuyện đó. Tình trạng này liên tục kéo dài sẽ khiến cho bạn hình thành những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực và mất dần sự tin tưởng vào mối quan hệ này.

6. Cảm xúc của bạn bị xem nhẹ

Nếu một người thực sự muốn tạo dựng một mối quan hệ tốt đẹp và duy trì tình bạn, tình yêu đối với bạn thì họ sẽ luôn quan tâm đến cảm xúc của bạn. Chắc chắn một người yêu chân thành, một người bạn tốt sẽ không thể bỏ mặc bạn mỗi khi bạn cảm thấy buồn bã, chán nản hoặc gặp phải những sự tuyệt vọng trong cuộc sống.

Tuy nhiên, với những mối quan hệ độc hại, đối phương sẽ có xu hướng thể hiện thái độ xem thường và cho rằng những cảm xúc tiêu cực của bạn là không phù hợp hoặc họ sẽ nghĩ rằng bạn đang cố gắng để làm quá mọi chuyện lên để nhận lấy sự quan tâm, chú ý của những người xung quanh.

Những đối tượng này chỉ sẽ quan tâm và muốn mọi người chú ý đến cảm xúc của chính mình mà không bao giờ để ý đến những suy nghĩ của người bên cạnh. Họ có thể cắt ngang câu chuyện vui mà bạn muốn chia sẻ, cười cợt trước những nỗi buồn của bạn hoặc chẳng bao giờ quan tâm để những điều liên quan về bạn.

7. Bạn cảm thấy mệt mỏi vì các cuộc cãi vã kéo dài

Các cuộc cãi vã kéo dài chính là một trong những đặc trưng thường thấy ở những mối quan hệ độc hại. Biết rằng trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng không thể tránh khỏi những khi bất đồng quan điểm, những lúc cãi vã nhưng nếu mối quan hệ của bạn liên tục xảy ra những mâu thuẫn khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và chán chường thì đây có thể được xem là Toxic Relationship.

Mối quan hệ độc hại
Toxic Relationship gây ra những cuộc mâu thuẫn kéo dài.

Hãy suy nghĩ và đánh giá lại tần suất giữa những cuộc cãi vã của bạn, nó có thực sự giúp cho cả hai hiểu nhau hơn sau những lần bất đồng quan điểm hay chính nó là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, tuyệt vọng. Thậm chí những lần mâu thuẫn đó còn gây ảnh hưởng tiêu cực đối với chất lượng cuộc sống của bạn, nó tác động đến công việc, sinh hoạt hàng ngày và làm cho bạn vô cùng chán nản.

Nên nhớ rằng, mục đích để bạn xây dựng và duy trì các mối quan hệ đó chính là giúp cho cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn. Do đó, đừng cố gắng gượng hoặc bắp ép bản thân phải trở nên mệt mỏi trước những cuộc cãi vã không hồi kết, đừng nên khiến cho sự thất vọng của bạn kéo dài mãi.

8. Đối phương liên tục đem bạn ra so sánh

Trong chúng ta, không ai là hoàn hảo, mỗi người sẽ có những giá trị riêng của mình và dù tốt hay xấu thì chúng cũng cần được tôn trọng. Những người thực sự yêu thương bạn sẽ luôn biết cách nhìn nhận những điểm tốt và đưa ra những lời khuyên phù hợp để bạn dễ dàng khắc phục những khuyết điểm của bản thân.

Tuy nhiên, khi bạn rơi vào những mối quan hệ độc hại, chắc hẳn những mặt chưa tốt đó có thể trở thành đề tài để đối phương cười nhạo và đem bạn ra so sánh với nhiều người khác. Việc bị chính những người thân yêu của mình đem ra so sánh với người khác thực sự là một điều tồi tệ và khó có thể chấp nhận được.

Mặc dù bạn đã nhiều lần tỏ thái độ không hài lòng hoặc đã thẳng thắn nói về những cảm xúc tiêu cực của bản thân trước những hành động so sánh đó nhưng đối phương lại tỏ ra thờ ơ, không quan tâm và cứ tiếp tục thực hiện điều đó. Lúc này có lẽ bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng về việc chấm dứt mối quan hệ này bởi càng duy trì thì người tổn thương sẽ chỉ có một mình bạn.

9. Mối quan hệ độc hại khiến bạn tổn thất về tiền bạc

Biết rằng bạn cần phải đầu tư khá nhiều để có thể duy trì tốt các mối quan hệ xã hội. Chắc hẳn không thể những cuộc hẹn hò, gặp gỡ, vui chơi để cùng nhau chia sẻ, trò chuyện về những điều xoay quanh cuộc sống.

Tuy nhiên, tiền bạc lại là vấn đề vô cùng nhạy cảm đối với các mối quan hệ, dù là thân thiết như người trong gia đình. Đặc biệt là trong thời đại ngày nay, chuyện rạch ròi về tiền bạc cũng là đều cần thiết để có được một mối quan hệ bền vững.

Mối quan hệ độc hại
Tổn thất tài chính là một trong các biểu hiện cảnh báo về mối quan hệ độc hại.

Nếu một mối quan hệ khiến bạn bị tổn thất quá nhiều về mặt kinh tế và bạn cảm thấy vô cùng khó khăn về điều đó thì đừng ngại chia sẻ với đối phương. Vì nếu họ thực sự quan tâm và dành tình cảm chân thành cho bạn thì họ sẽ biết cách cùng bạn san sẻ những khó khăn về tài chính.

Ngược lại, nếu một ai đó liên tục “bào mòn” tiền bạc của bạn vì một mục đích cá nhân khiến bạn cảm thấy khó chịu và mệt mỏi thì có lẽ bạn cần cân nhắc về việc tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Bất kỳ yếu tố nào cũng cần được xuất phát và hỗ trợ từ hai phía, ngay cả việc tiền bạc cũng cần được phân định rõ ràng trong hầu hết các mối quan hệ.

10. Bạn bị thao túng tâm lý

Nếu bạn đang bị đối phương thao túng tâm lý hoặc bạo hành bằng những lời nói gây tổn thương thì có lẽ bạn đang trở thành nạn nhân của mối quan hệ độc hại. Đối phương sẽ liên tục sử dụng những lời nói dối có cánh để có thể tiêm nhiễm vào suy nghĩ của bạn về những tình cảm tốt đẹp mà họ dành riêng cho bạn. Lâu dần bạn sẽ cảm thấy điều đó hoàn toàn đúng và có xu hướng nghe theo răm rắp những điều mà người đó sai bảo.

Họ sẽ dần biến bản thân trở thành chỗ dựa duy nhất cho bạn và thao túng tâm lý khiến bạn nghĩ rằng bạn không thể nào sống thiếu họ. Điều này sẽ khiến bạn dần lệ thuộc vào họ và sẽ dễ dàng thực hiện theo những nguyện vọng, yêu cầu mà họ đưa ra. Thậm chí bạn còn bác bỏ những lời khuyên răng của những người bên ngoài, đâm đầu vào mối quan hệ mà bản thân luôn bị chi phối.

Đối với những trường hợp, có thể bản thân bạn cũng không thể nào nhận biết được những sự bất ổn đang xảy ra trong mối quan hệ của bạn. Tuy nhiên, nếu có thể bình tĩnh suy nghĩ lại về mọi chuyện đang xảy ra, bạn hoàn toàn có thể tự thức tỉnh chính bản thân mình và mau chóng loại trừ được Toxic Relationship.

Cách giúp bạn thoát khỏi mối quan hệ độc hại

Khi có thể xác định được việc bản thân đang ở trong một mối quan hệ độc hại, điều mà bạn cần làm đó chính là giữa sự bình tĩnh để có thể giải quyết tốt các vấn đề đang xảy ra giữa cả hai, tìm cách loại bỏ đi những điều tiêu cực đang còn tồn tại để có thể mau chóng loại bỏ mối quan hệ này. Dưới đây là một số gợi ý mà bạn có thể tham khảo và thực hiện:

1. Tìm cách để chia sẻ và giải quyết vấn đề

Bất kỳ một mối quan hệ nào cũng đáng trân trọng và bạn cần phải cho cả hai cơ hội để cùng sửa chữa, tạo dựng nên một mối quan hệ lành mạnh, tốt đẹp hơn. Khi nhận thấy những sự bất ổn trong mối quan hệ giữa đôi bên, cách tốt nhất là bạn hãy giữ sự tỉnh táo và cùng ngồi lại để giải quyết vấn đề với đối phương.

Mối quan hệ độc hại
Cả hai cùng ngồi lại chia sẻ và giải quyết những vấn đề đang xảy ra trong mối quan hệ.

Lúc này bạn đừng nên đổ lỗi cho họ mà hãy chia sẻ về những cảm xúc tồi tệ mà bạn đang phải đối mặt trong thời gian qua. Hãy nhẹ nhàng nói cho họ hiểu về những điều mà bạn cảm thấy không hài lòng và mong muốn cả hai cùng thay đổi để trở nên tích cực, tốt đẹp hơn.

2. Cân nhắc đến việc chấm dứt mối quan hệ

Nếu sau thời gian hòa giải và tìm đủ mọi cách để có thể sửa chữa, thay đổi đối phương nhưng không thành thì bạn cũng nên cân nhắc đến việc rời bỏ mối quan hệ độc hại này. Lúc này bạn cũng sẽ không cảm thấy quá hối hận bởi bản thân đã cố gắng hết sức để gìn giữ và sửa đổi những sự tồi tệ trong mối quan hệ.

Bạn cần phải thực sự cứng rắn trong việc kết thúc sự gắn kết với đối phương. Hãy hiểu rằng những tổn thương mà họ đã gây ra cho bạn hoàn toàn không xứng đáng và bạn cần có cuộc sống tốt đẹp, vui vẻ, hạnh phúc hơn hiện nay. Các mối quan hệ lành mạnh xung quanh vẫn luôn sẽ chờ đón và hỗ trợ bạn trong cuộc sống sắp đến.

Bên cạnh đó, nếu thực sự đã có quyết tâm để thoát khỏi mối quan hệ tiêu cực này thì bạn cần chắc chắn rằng bản thân đã hoàn toàn cắt đứt mọi hình thức liên lạc với đối phương. Tốt nhất cả hai không nên liên lạc, trò chuyện hoặc gặp gỡ nhau để tránh khơi gợi những kí ức xưa cũ.

Tuy nhiên, có những mối quan hệ bạn không thể hoàn toàn chấm dứt hoặc không gặp gỡ họ suốt đời, chẳng hạn như mối quan hệ trong gia đình, đồng nghiệp. Do đó, sau khi cắt đứt mọi thứ, bạn hãy hạn chế gặp gỡ và chỉ giữ sự giao tiếp ở mức lịch sự, xã giao.

3. Quan tâm và yêu thương bản thân nhiều hơn

Bạn sẽ không thể nào nhận được sự yêu thương từ những người xung quanh ngay khi cả bản thân bạn cũng không biết cách yêu thương chính mình. Nên hiểu rằng, mỗi người sẽ có những giá trị và mục đích sống khác nhau. Bạn cũng thế, bạn xứng đáng nhận được sự trân trọng và yêu mến của những người thực sự quan tâm đến mình.

Mối quan hệ độc hại
Bạn nên tìm cách thư giãn và học cách yêu thương bản thân nhiều hơn.

Do đó, ngay từ bây giờ hãy dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, hãy quan tâm đến cảm xúc và những sở thích cá nhân của chính mình. Hãy luôn tự tin với những điều mình hiện đang có và luôn cố gắng trao đi những giá trị tốt đẹp và chân thành để nhận lại những điều quý giá, những mối quan hệ đáng mơ ước.

4. Tìm cách giải tỏa căng thẳng

Chắc rằng sau khoảng thời gian “sống cùng” với mối quan hệ độc hại bạn đã phải chịu đựng những tổn thương, mệt mỏi về cả thể chất lẫn tinh thần. Do đó, sau khi giải thoát cho bản thân, hãy dành thời gian để thư giãn và tìm kiếm những hoạt động giải trí để bản thân trở nên thoải mái, vui vẻ hơn.

Bạn có thể tham gia vào các câu lạc bộ, các hoạt động thuộc lĩnh vực mà mình yêu thích hoặc nếu có thời gian hãy tự tận hưởng cho mình một chuyến du lịch, tìm hiểu những vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới. Hoặc bạn cũng có thể chia sẻ và tâm sự với những người xung quanh, tuy nhiên chỉ nên lựa chọn những người mà bản thân thực sự tin tưởng.

Nếu vừa kết thúc một mối quan hệ yêu đương thì bạn cũng đừng vội tìm kiếm cho mình những đối tượng mới. Hãy thư giãn và để cho tinh thần trở lại trạng thái ổn định, thoải mái nhất. Sau tất cả mọi việc, chắc hẳn bạn cần có thời gian để chữa lành những vết thương đó và rồi những mối quan hệ tốt đẹp sẽ tìm đến một cách tự nhiên nhất.

Mối quan hệ độc hại gây nên nhiều ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống và cả sức khỏe của con người. Mặt khác bản thân những ai đang trong mối quan hệ này lại rất khó nhận ra bởi họ đã quen thuộc với việc chịu đựng những hành vi, lời nói tổn thương của đối phương. Hy vọng qua những thông tin chia sẻ trong bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về Toxic Relationship và có cách loại bỏ nó hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *