Đặc Tính Lười Biếng Xã Hội (Social Loafing) Là Gì?
Khi làm việc theo nhóm, nhóm càng đông thì các thành viên càng có tâm lý ỷ lại, lười nhác, đây chính là đặc tính của chứng lười biếng xã hội. Vậy tình trạng này xuất phát từ đâu? Có ảnh hưởng gì đến xã hội không?
Lười biếng xã hội (Social Loafing) là gì?
Lười biếng xã hội là cụm từ thường được sử dụng để mô tả về xu hướng một người ít bỏ ra công sức, ít đóng góp hơn khi họ trở thành thành viên của một nhóm, một tập thể. Do tất cả các thành viên trong nhóm đều sẽ cùng nhau chung sức, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, đạt được mục tiêu chung nên mỗi cá nhân của nhóm sẽ ít nổ lực hơn so với năng lực thực sự của họ, lúc họ thực hiện công việc một mình và chịu trách nhiệm một cách độc lập.
Từ khi thuật ngữ lười biếng xã hội xuất hiện, đã có rất nhiều các định nghĩa nói về tình trạng này. Tuy nhiên, định nghĩa do Steven Karau và Kipling Williams đề xuất được đánh giá là có sự hoàn chỉnh và chính xác nhất. Các chuyên gia cho rằng lười biếng xã hội chính là sự sụt giảm về động lực và nỗ lực hình thành khi một cá nhân thực hiện các công việc trong một nhóm, một tập thể so với khi họ thực hiện chúng riêng lẻ, độc lập.
Trong thực tế, khi thực hiện một công việc nhóm, các cá nhân đều có cùng một mục đích và hỗ trợ nhau để đạt được nó. Chính vì thế, sự thể hiện của mỗi thành viên sẽ góp phần tạo nên một tổng thể của cả nhóm. Tuy nhiên, một số người lại có tâm lý ỷ lại, cho rằng nếu mình không làm việc đó thì chắc hẳn sẽ có những người khác thực hiện chúng, từ đó dễ hình thành tâm lý lười nhác, “ăn không ngồi rồi”.
Ăn không ngồi rồi và lười biếng xã hội là hai thuật ngữ gần giống nhau và thường được sử dụng thay thế cho nhau. Đối với các học giả tâm lý học và quản lý thường sẽ dùng cụm từ lười biếng xã hội để nói về những người có xu hướng hạn chế sự nỗ lực của mình trong quá trình làm việc tập thể. Còn thuật ngữ ăn không ngồi rồi thường sẽ được các học giả xã hội học và kinh tế dùng nhiều hơn.
Những nghiên cứu đầu tiên nói về lười biếng xã hội thường sẽ tập trung vào các nhiệm vụ thể chất, chẳng hạn như la hét, kéo dây,… Thời gian gần đây, các nhà khoa học đã bắt đầu mở rộng quy mô với các nhiệm vụ đánh giá như đánh giá về một bài viết, tác phẩm hoặc một số nhiệm vụ yêu cầu sự nhạy bén, sáng tạo,…Ngoài ra, sự lười biếng xã hội cũng có thể diễn ra trong các phòng thí nghiệm và nghiên cứu thực địa.
Lười biếng xã hội xuất hiện từ khi nào?
Các nghiên cứu hiện đại về lười biếng xã hội được thực hiện trong thời gian gần đây và đặc biệt là vào năm 1974 đã nhận được nhiều sự hưởng ứng và gây được nhiều hứng thú đối với các nhà chuyên môn, các nhà khoa học. Tuy nhiên, trong thực tế Max Ringelmann đã trình bày về đặc tính của lười biếng xã hội từ gần một thế kỷ trước.
Vào năm 1913, ông đã bắt đầu một cuộc thí nghiệm với phương thức kéo co. Những người tham gia được yêu cầu cùng kéo một sợi dây thực một mình và cùng một nhóm nhiều người. Sau khi quan sát và phân tích nhận thấy việc kéo co cùng với càng đông người thì họ lại càng có xu hướng giảm bớt công sức so với lúc thực hiện việc kéo một mình. Và vào năm 1974 – 2005, thí nghiệm này cũng đã được thực hiện lại với kết quả tương tự.
Sau Ringelmann thì đã có rất nhiều các nhà khoa học khác tiến hành nghiên cứu về lười biếng xã hội với nhiều hình thức, nhiệm vụ khác nhau và hầu hết các kết quả nhận được cũng giống với nhận định ban đầu. Giáo sư Bibb Latané đã từng thực hiện một thí nghiệm khá thú vị với nhiệm vụ cổ vũ, hò hét. Những người tham gia sẽ cùng nhau vỗ tay, reo hò, cỗ vũ càng nhiệt tình càng tốt. Tuy nhiên, khi họ được xếp vào nhóm 6 người thì mức độ thể hiện và sự nhiệt tình lại giảm đi 1/3 so với năng lượng thực sự của họ.
Tại hầu hết các quốc gia và các nền văn hóa khác nhau, lười biếng xã hội vẫn đang tồn tại và càng phát triển một cách âm thần. Nó có thể xuất hiện trong hầu hết các công việc tập thể, đội nhóm. Tuy nhiên, đối với các nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể như các nước Châu Âu thì sự lười biếng xã hội lại có mức độ biểu hiện thấp hơn.
Vì sao nhiều người lại lười biếng xã hội?
Nếu bạn là người thường xuyên hoặc đã từng làm việc nhóm để có thể đạt được một thành tích, mục tiêu to lớn nào đó thì chắc hẳn bạn cũng đã từng trải nghiệm tâm lý này. Hoặc nếu bạn chính là người dẫn dắt của một nhóm, không sớm thì muộn bạn cũng sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu và bực bội vì một số thành viên nào đó đôi khi không có sự nỗ lực và ít có đóng góp trong công việc chung. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự lười biếng xã hội?
- Do thiếu động lực: Nếu khi bắt đầu một công việc nào đó, bạn nhận thấy bản thân sẽ không nhận được bất kì lợi ích nào từ việc đó hoặc dù có nỗ lực đến mấy cũng không đạt được kết quả như đã mong đợi thì chắc chắn rằng bạn sẽ dễ hình thành xu hướng lười nhác và không muốn bỏ công sức quá nhiều cho những việc “vô bổ”.
- Do đánh giá cao khả năng của người khác: Trong một tập thể chắc hẳn rằng sẽ có một vài thành viên luôn năng nổ, xông pha và sẵn sàng làm bất cứ công việc nào được giao. Những người này sẽ luôn được tập thể đánh giá cao và một vài cá nhân lại dựa vào đó mà tự cho mình quyền được lùi về phía sau. Họ nghĩ rằng những cá nhân nhanh nhẹn, sáng dạ sẽ thích hợp làm người chỉ đạo và thậm chí họ sẽ làm người ôm đồm tất cả mọi việc.
- Do sự phân hóa trách nhiệm: Trong thực tế thì hầu hết chúng ta đều có xu hướng giảm bớt trách nhiệm hơn khi được phân chia các công việc nhỏ lẻ, mang tính chất không quan trọng và quyết định. Khi thực hiện một công việc gì đó trong tập thể, chúng ta thường có suy nghĩ rằng phần việc của mình không làm ảnh hưởng đến kết quả chung nên sẽ ít để tâm và dồn nhiều công sức vào đó.
- Ảnh hưởng từ quy mô nhóm: Một sự thật khá bất ngờ đó chính là khi bạn làm việc trong một tập thể với số lượng càng lớn thì năng suất của bạn sẽ càng bị giảm đi. Theo thuyết tác động xã hội thì mỗi cá nhân sẽ có sự ảnh hưởng độc lập. Vì thế, nếu quy mô càng lớn thì sự ảnh hưởng lại càng giảm, năng suất và sự đóng góp của mỗi cá nhân càng ít đi so với thực tế.
- Thuyết tiềm năng đánh giá: Thông thường, khi làm việc nhóm hoặc thực hiện một kế hoạch nào đó trong cùng tập thể thì kết quả đạt được sẽ được đánh giá trên toàn tập thể. Dù là người bỏ ra nhiều hay ít công sức cùng sẽ được ghi nhận và chấm điểm như nhau. Do đó, nhiều người sẽ có tâm lý lười nhác, họ cho rằng bản thân không cần phải cố gắng quá nhiều bởi sự nỗ lực của họ sẽ không được công nhận một cách độc lập.
Ảnh hưởng của lười biếng xã hội
Lười biếng chưa bao giờ là một đức tính tốt và chắc hẳn sự lười biếng xã hội cũng sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng to lớn đối với mỗi cá nhân và cả tập thể. Đặc tính tâm lý này có thể làm hại đến cách thể hiện của cả nhóm và làm tổn thất to lớn đối với các tổ chức. Tuy nhiên, hậu quả rõ ràng mà lười biếng xã hội gây ra lại không chiếm phần đông.
Khi một ai đó nhận thức được rằng một thành viên khác trong tập thể có khả năng hoàn thành tốt công việc mà mình đang lười biếng thì họ sẽ bắt đầu có xu hướng giảm bớt sự cố gắng và nỗ lực của bản thân vào công việc đó để cảm thấy không bị lợi dụng – hiện tượng này còn được gọi là lười biếng trừng phạt.
Trong một vài trường hợp, các thành viên khác trong nhóm sẽ cố gắng gia tăng sự nỗ lực để có thể bù đắp và hoàn thành tốt những sự lười biếng của các cá nhân khác. Khi các thành viên trong tập thể ý thức được rằng một ai đó không có đủ khả năng để thực hiện công việc được giao thì họ sẽ có xu hướng cố gắng nhiều hơn.
Cũng tương tự như thế, khi một nhiệm vụ nào đó được phân công và nó có ý nghĩa với một số cá nhân thì họ sẽ cố gắng làm nhiều hơn và dành nhiều công sức hơn để bù đắp cho sự thể hiện yếu kém của những kẻ lười biếng. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn làm mất cân bằng trong công việc, khiến những người lười biếng càng gia tăng tâm lý tiêu cực.
Theo thời gian, sự lười biếng của các cá nhân sẽ làm ảnh hưởng đến công việc của tập thể, tạo ra sự căng thẳng giữa các mối quan hệ hoặc có thể làm suy giảm hiệu suất, tác động đến kết quả chung của cả nhóm. Tuy nhiên, không phải bất cứ công việc nào cũng bị ảnh hưởng bởi các phân loại này. Trong thực tế vẫn có nhiều việc cần đến sự hỗ trợ của nhóm mới có thể đạt được kết quả tốt.
Cách khắc phục tình trạng lười biếng xã hội
Lười biếng xã hội là một trạng thái tâm lý thường xuyên xuất hiện khi chúng ta làm việc trong tập thể. Tuy rằng các ảnh hưởng của nó không quá rõ ràng, đôi lúc cũng có thể bù đắp được bằng nhiều biện pháp khác nhưng nếu nó cứ liên tục xảy ra trong cùng một nhóm sẽ dễ gây ảnh hưởng đến kết quả chung và làm rạn nứt các mối quan hệ. Chính vì thế, để hạn chế và khắc phục tốt tình trạng này, bạn cần áp dụng các cách sau đây:
1. Phân công cụ thể công việc của từng thành viên
Khi làm việc tập thể, các công việc sẽ được chia nhỏ ra cho từng thành viên. Nhiệm vụ của nhóm trưởng là cần nắm rõ khả năng của mỗi người và phân công công việc thật rõ ràng, công việc. Điều này sẽ giúp gia tăng tính trách nhiệm của mỗi cá nhân và giúp họ có thể chú tâm, nỗ lực hơn để hoàn thành tốt các việc được giao.
Khi hiểu rõ được các nhiệm vụ mà bản thân cần phải thực hiện, cá nhân sẽ ý thức hơn về vị trí và vai trò của mình trong một tập thể. Ngoài ra, họ cũng biết được mục đích cuối cùng mà nhóm cần phải hoàn thành, từ đó có sự cố gắng, đóng góp nhiều hơn để đạt được mục tiêu chung.
2. Đưa ra nhận xét và đánh giá phù hợp
Chắc hẳn trong bất kì công việc nào, ai cũng mong muốn nhận được những lời khen, đánh giá tích cực. Để có thể động viên nhau cố gắng thì cách tốt nhất là hãy cùng nhau quan sát, theo dõi sự nỗ lực của từng thành viên. Hãy đưa ra lời khen, nhận xét phù hợp và đúng lúc để có thể nâng cao hiệu suất và cổ vũ nhau cố gắng nhiều hơn.
Phương pháp này có thể giúp cho tập thể nhắc nhở nhau tốt hơn, tránh tình trạng lơ là, mất tập trung vào mục tiêu ban đầu. Đồng thời, các thành viên trong nhóm còn có thể thúc đẩy nhau gia tăng tiến độ để kịp hoàn thành công việc trong thời gian quy định, tạo cơ hội để gia tăng tình cảm, mối quan hệ thân thiết giữa các thành viên.
3. Hạn chế sự hỗ trợ khi không cần thiết
Biết rằng làm việc nhóm là cách tốt nhất để có thể gia tăng tinh thần đồng đội, hỗ trợ nhau nhiều hơn trong công việc. Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào bạn cũng cần giúp đỡ lẫn nhau. Bởi khi đã phân chia công việc cụ thể thì mỗi người phải có trách nhiệm để hoàn thành tốt việc mà mình được giao phó. Chính vì thế, chúng ta chỉ nên hỗ trợ nhau khi cần thiết, tuyệt đối không được thay đối phương làm việc của họ.
Đối với những việc trong khả năng của mỗi người thì tốt nhất bạn chỉ nên hướng dẫn, tuyệt đối không được làm thay. Chẳng hạn như những việc lên lịch hẹn, soạn văn bản, trả lời email,…Nếu các thành viên chưa nắm rõ thì bạn hoàn toàn có thể chỉ dạy và hướng dẫn họ một cách tận tình để họ có thể tự thực hiện chúng một cách tốt nhất. Điều này vừa giúp bạn có thể hỗ trợ đồng đội vừa giúp các thành viên ý thức hơn về nhiệm vụ của bản thân và có sự chủ động trong mọi việc.
Lười biếng xã hội là một tình trạng thường xuyên xuất hiện khi chúng ta làm việc trong một tập thể. Hi vọng qua thông tin của bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về các ảnh hưởng to lớn của nó và có cách khắc phục hiệu quả để hoàn thành công việc thật tốt.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!