Cảm giác bị bỏ rơi khiến con người như rơi xuống vực thẳm

Cảm giác bị bỏ rơi thật sự rất đáng sợ, nó khiến cho nhiều người hoang mang vì không biết bản thân đã làm gì sai để luôn phải cô độc. Sự sợ hãi lâu dần có thể biến thành nỗi ám ảnh dẫn đến dằn vặt, thậm chí còn khiến cho chúng ta chấp nhận hạ thấp giá trị của bản thân chỉ để có người kề cạnh.

Cảm giác sợ bị bỏ rơi trông như thế nào?

Tưởng tượng rằng bạn đang cùng một nhóm bạn đi đến một nơi rất đông đúc, bỗng nhiên tất cả mọi người vội vàng đi mất và bỏ quên bạn thụt lùi phía sau. Nhìn xung quanh không thấy một ai quen thuộc, tất cả chỉ là những gương mặt hoàn toàn lạ lẫm trên một còn đường xa lạ. Bạn vội vã đi tìm kiếm mọi người, tìm mọi cách liên lạc nhưng đều không nhận được sự hồi đáp. Bạn đứng tại đó rất lâu nhưng mãi không thấy ai đi tìm. Và bạn nhận ra, thì ra, mình đã bị bỏ rơi, không ai chú ý đến sự biến mất của mình!

Cảm giác bị bỏ rơi
Cảm giác bị bỏ rơi khiến con người như rơi vào một hố sâu không đáy, tuyệt vọng và sợ hãi

Rất khó để định nghĩa được rằng cảm giác sợ bị bỏ rơi là như thế nào, tuy nhiên chắc chắn rằng đó là một cảm xúc cực kỳ đáng sợ mà không ai muốn bản thân phải trải qua. Ai trong cũng ta cũng muốn được quan tâm và yêu thương, trong khi đó việc bị bỏ rơi lại mang tính chất ngược lại. Tất nhiên dù việc bỏ rơi đó là “vô tình” hay cố ý thì vẫn hình thành những vết sẹo lớn trong tâm hồn.

Cảm giác sợ bị bỏ rơi – fear of abandonment là trạng thái tâm lý gặp ở rất nhiều người, thậm chí ai trong mỗi chúng ta cũng có những cảm xúc này, chỉ là biểu hiện ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên có những người biến nỗi sợ này thành nỗi ám ảnh, có gây ra những thay đổi theo hướng tiêu cực về nhận thức, hành vi, tính cách hay cảm xúc của mỗi người.

Một số đặc điểm nổi bật thường thấy ở những người luôn có cảm giác sợ bị bỏ rơi như

  • Có xu hướng gắn bó, nhanh chóng trở nên thân thiết với một ai đó cho dù chỉ là mới gắp
  • Luôn không sống đúng với suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, luôn làm theo ý kiến của người khác vì sợ ý kiến của bản thân không được ai quan tâm
  • Khi thân thiết với ai đó thường có xu hướng phụ thuộc quá mức, luôn muốn biết người đó đang làm gì
  • Quá quan tâm đến suy nghĩ, lời nói của người khác để làm hài lòng mọi người
  • Nhạy cảm quá mức, suy diễn, tưởng tượng vì sợ làm gì sai, sợ người khác không thích mình
  • Có xu hướng hẹn hò, gặp gỡ cùng lúc với nhiều người trong một mối quan hệ tình cảm, tuy nhiên thường có xu hướng rời đi trước vì lo lắng bản thân sẽ bỏ rơi hay bị từ chối
  • Có xu hướng ghen tị, tức giận nếu mà người họ thân thiết nói chuyện hay gặp gỡ một ai đó nhiều hơn mình
  • Luôn cố tỏ ra mình là người quan tâm tới mọi người để có thể hòa nhập, để được mọi người quan tâm và chú ý
  • Cảm giác sợ bị bỏ rơi khiến nhiều người có xu hướng suy diễn, lầm tưởng, lo âu về các mối quan hệ xung quanh. Chẳng hạn khi một ai đó không trả lời tin nhắn hay trả lời quá chậm cũng khiến họ trở nên căng thẳng một cách thái quá
  • Luôn cần một ai đó giúp đỡ dù rất đơn giản bởi điều này khiến họ cảm thấy được quan tâm và không bị cô đơn
  • Hầu như gặp rất nhiều khó khăn khi phải ở một mình hay làm các công việc một mình mà không có sự giúp đỡ
  • Có xu hướng phụ thuộc quá mức vào những mối quan hệ xung quanh, kể cả khi bản thân họ biết rằng đó là mối qua hệ tiêu cực nhưng điều này khiến họ không có cảm giác cô đơn
  • Dù làm thế nào nhưng cảm giác sợ bị bỏ rơi cũng khiến những người này có xu hướng hầu như không thể hòa hợp với mọi người
  • Dễ tổn thương, đau khổ khi phải nhận một lời chê bai hay chỉ trích về một ai đó
  • Có xu hướng lo lắng, tự dằn vặt bản thân, hạ thấp lòng tự trọng hay giá trị của bản thân

Cần biết rằng cảm giác sợ bị bỏ rơi khiến các hành vi, cảm xúc, thái độ của người này thể hiện trên tất cả các mối quan hệ, không chỉ riêng với mối quan hệ tình cảm. Chẳng hạn một người có thể trở nên ghen tị và đau khổ khi thấy bạn thân họ bỗng nhiên có thêm bạn mới; một người trở nên lo lắng khi thấy các đồng nghiệp khác tụ tập mà mình lại không được có mặt.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Vì sao một người có cảm giác sợ bị bỏ rơi?

Trên thực tế không một ai yêu thích cảm giác bị bỏ rơi. Nỗi sợ bị bỏ rơi (fear of abandonment) chính là một nỗi ám ảnh thường trực, xâm chiếm mọi hành vi, suy nghĩ, cảm xúc của người đó. Nỗi ám ảnh ảnh này có thể được hình thành từ chính những sự kiện trong quá khứ mà họ đã trải qua khiến suy nghĩ, nhận thức của họ phát triển theo hướng lệch lạc.

Nỗi ám ảnh từ quá khứ bị bỏ rơi là nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho một người luôn có cảm giác sợ bị bỏ rơi. Chẳng như thời thơ ấu bị cha mẹ bỏ quên; người có cha mẹ ly hôn phải sống cùng ông bà; người từng bị lạc khỏi người thân trong thời gian dài; từng bị cha mẹ cho ở trong nhà một mình. Những nỗi ám ảnh từ tuổi thơ khiến trẻ hình thành tâm lý căng thẳng, lo âu về việc sẽ bị bỏ lại nghiêm trọng.

Không chỉ các tổn thương ở tuổi thơ mà những người trưởng thành cũng hoàn toàn có thể trở nên lo lắng sau một sự kiện bị bỏ rơi. Đặc biệt với những người có tâm lý yếu, có tâm hồn nhạy cảm thì dù chỉ vô tình bị bỏ quên một lần,  bị lạc nơi đông người, bị bỏ lại nơi vắng vẻ sau khi cãi nhau với người yêu cũng đủ để trở thành bóng đen tâm lý trong tâm hồn.

Cảm giác bị bỏ rơi
Từng bị bỏ rơi thời thơ ấu khiến nhiều người hình thành nỗi ám ảnh sẽ luôn bị bỏ lại một mình

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra nỗi sợ bị bỏ rơi có liên quan mật thiết đến rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD). Ví dụ một đứa trẻ đi cùng gia đình và gặp phải một tai nạn kinh hoàng làm mất đi người thân; trẻ bị bạo hành về cả thể chất và tinh thần và trừng phạt bằng cách nhốt vào tủ quần áo. Những bóng đen tâm lý vẫn chưa được xóa bỏ khiến những người này luôn gặp phải ác mộng mỗi đêm.

Càng thiếu thốn tình cảm, người ta càng khao khát được yêu thương hơn và càng sợ hãi nỗi cô độc. Một người từng bị ngược đãi về tinh thần, từng bị lợi dụng tình cảm, từng bị cô lập, từng trải qua sự mất mát to lớn trong một mối quan hệ nào đó ( chẳng hạn như mất người thân) thì lại càng sợ hãi việc xung quanh mình sẽ chẳng còn ai.

Mặt khác một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có những bất thường trong bộ máy sinh học, hệ thần kinh khiến những người đó trở nên mẫn cảm quá mức với việc bị bỏ rơi. Thuyết vật thể hằng tồn (object constancy theory) cũng được đặt ra để chứng minh nó có liên quan đến những nhiễu loạn về khái niệm tồn tại và khiến cho một người luôn sợ hãi cảm giác bị bỏ rơi.

Người mang nỗi sợ bị bỏ rơi sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

Mỗi con người dù có tính cách hướng nội hay hướng ngoại, hài hước hay tẻ nhạt ai cũng có khao khát được yêu thương và đón nhận, đó giống như một nhu cầu tất yếu. Cảm giác bị bỏ rơi giống như một người bỗng nhiên lọt xuống một cái hố sâu tăm tối, dù biết bao nhiêu người đi qua nhưng không một ai dang tay ra giúp đỡ kéo họ lên. Tất cả chỉ có sự im lặng và cảm giác sợ hãi tột độ đang gào thét trong tâm trí.

Cảm giác bị bỏ rơi
Cảm giác bị bỏ rơi khiến những người này mất niềm tin, gặp nhiều khó khăn trong các mối quan hệ

Người đã từng bị bỏ rơi luôn mang một nỗi sợ hãi rằng điều này sẽ tiếp tục lặp lại, vết thương của họ lại sâu hơn một chút. Điều này khiến tâm lý, tính cách của họ dần phải thay đổi để thích ứng với nỗi sợ của bản thân. Chẳng hạn họ có thể làm mọi cách để bấu víu vào một ai đó, ngay cả khi biết rõ ràng đó không phải là một người tốt chỉ để bản thân không phải tiếp tục cô độc một mình, để xoa dịu trái tim đang run lên vì sợ hãi của họ.

Cảm giác vô dụng, vô giá trị có thể khiến một người hủy hoại chính bản thân mình chứ không phải một ai khác. Họ luôn phải đấu tranh tâm lý để trả lời các câu hỏi như vì sao không ai cần mình, bản thân đã làm gì sao mà bị đối xử như thế, liệu người đó có thực sự chân thành với mình hay không. Nỗi nghi ngờ về những người xung quanh và cũng về chính bản thân khiến họ không dám sống với cảm xúc của chính mình.

Mặt khác trong các mối quan hệ, nỗi ám ảnh về việc bị bỏ lại khiến họ cũng có xu hướng muốn kiểm soát đối phương gắt gao hơn, dù đó là tình bạn hay tình yêu. Họ có thể trở nên kích động, khó chịu, buồn bực khi thấy bạn thân đi cùng một người khác. Chính các hành vi và cảm xúc quá mức này đã khiến cho hầu hết các mối quan hệ của họ đều khó duy trì lâu dài, cho dù đã cố gắng hết mức.

Cảm giác bị bỏ rơi cùng những suy nghĩ tiêu cực dày vò tâm trí mỗi ngày khiến những người này thường có nguy cơ mắc rất nhiều vấn đề tâm lý khác, chẳng hạn Monophobia – Hội chứng sợ bị bỏ rơi; trầm cảm, rối loạn lo âu .. Đặc điểm chung của những tình trạng này đều là những cảm xúc tiêu cực quá mức mà bản thân họ không tự kiểm soát được nên rất dễ dẫn đến các hành vi tự hủy hoại bản thân, thậm chí là tự sát, đặc biệt là khi các tình huống bị bỏ rơi tái hiện lại.

Cách vượt qua cảm giác sợ bị bỏ rơi

Tâm lý, tinh thần của mỗi người là khác nhau; cùng trong một tình huống bị bỏ rơi nhưng người nghĩ tích cực, sống lành mạnh thì có thể nhanh chóng vượt qua những người có tâm lý yếu hơn, hay suy nghĩ nhiều thì dễ rơi vào trạng thái suy sụp. Chữa lành vết thương tinh thần, một lối sống lành mạnh hơn, học cách yêu thương chính bản thân và đối xử chân thành với mọi mối quan hệ chính là cách để vượt qua nỗi ám ảnh xấu xí này.

Loại bỏ những mối quan hệ tiêu cực

Một mối quan hệ độc hại là khi đối phương không giúp chúng ta nhìn nhận được giá trị của bản thân, không đem lại niềm vui hay sự an toàn mà chỉ khiến chúng ta mất tự tin, suy giảm lòng tự trọng cá nhân, tổn thương dù là bằng lời nói hay hành động. Và chắc chắn đây là một mối quan hệ không xứng đáng để tiếp tục và bạn không cần phải tiếc nuối. Chấm dứt những mối quan hệ có tính chất toxic chính là cách giúp bạn hạnh phúc hơn.

Cảm giác bị bỏ rơi
Dứt khoát chấm dứt các mối quan hệ chỉ mang lại cho bạn cảm giác tiêu cực và thiếu an toàn

Hãy luôn chân thành trong mọi mối quan hệ, dù đó là tình bạn hay tình yêu, luôn cố gắng làm hết những gì có thể, tuy nhiên không có nghĩa là bạn phải hạ thấp bản thân để gìn giữ tình cảm đó. Khi những trao đi là chân thành nhưng không được coi trọng mà chỉ luôn đem lại cho bạn cảm giác bị bỏ rơi và bạn quyết định chấm dứt nó thì người hối hận không phải là bạn mà chính là đối phương.

Mặt khác, đôi lúc cảm giác bị bỏ rơi được hình thành cũng chỉ do nỗi ám ảnh trong tâm trí khiến bạn có những góc nhìn mang đầy sự nghi hoặc và tiêu cực mà thôi. Vì vậy nếu bạn trân trọng mối quan hệ đó hãy thẳng thắn trao đổi với đối phương về những cảm xúc, cảm nhận của bạn để cả hai cùng tìm cách giải quyết, tuyệt đối không nên im lặng hay đột ngột biến mất bởi như vậy chẳng khác nào bạn đang lại gây ra cho người khác cảm tổn thương mà chính mình đang phải chịu đựng.

Yêu thương bản thân

Cảm giác bị bỏ rơi khiến người đó luôn có cảm giác bản thân không tốt, không phải có giá trị nên mới dễ bị người khác không coi trọng và vứt bỏ dễ dàng như thế. Tuy nhiên chắc chắn điều này là sai lầm. Mỗi người sinh ra đã là một cá thể quan trọng trên thế giới này, có giá trị quan trọng, ít nhất là với chính bản thân mình chứ không nhất thiết là phải đáp ứng trên một ai khác, một đối tượng nào khác.

Luôn yêu thương bản thân là một quy tắc mà bất cứ ai cũng cần phải ghi nhớ, bởi chỉ khi bạn tôn trọng mình thì những người khác mới đối xử với bạn như thế. Vì sao bạn phải bỏ bê hành hạ chính mình vì những người không xứng đáng? Nâng cao giá trị bản thân, có sự tôn nghiêm và quy tắc nhất định chính là cách để tự bạn bảo vệ bạn để những người xung quanh không có cơ hội làm tổn thương hay bỏ rơi bạn.

Mặt khác dành thời gian để chăm sóc và xây dựng giá trị cho bản thân cũng là cách hiệu quả để bạn quên đi cảm giác bị bỏ rơi rất hiệu quả và thực sự là có ích. Chẳng hạn

  • Thay đổi kiểu tóc hay phong cách ăn mặc, những điều mới lạ mà trước đó bạn chưa bao giờ dám thử
  • Ngủ đúng giờ, chăm sóc skin da hằng ngày
  • Dành thời gian luyện thể thể dục thể thao hằng ngày để có sức khỏe tốt, thể hình đẹp và một tinh thần tích cực
  • Thiền hay yoga đều là những liệu pháp tuyệt vời để thanh lọc tâm trí, cân bằng cảm xúc, hướng tinh thần đến những suy nghĩ tích cực hơn
  • Đọc sách hay dành thời gian để học thêm một kỹ năng, kiến thức mới cần thiết và có ích cho bạn
  • Đi du lịch để thư giãn, phục hồi lại năng lượng nếu có điều kiện
  • Bổ sung dinh dưỡng khoa học và hợp lý, tăng cường các thực phẩm lành mạnh từ tự nhiên như rau củ hay trái cây, tránh xa các đồ thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp ..
  • Không nên lạm dụng sử dụng bia rượu hay các chất kích thích để giải tỏa những cảm xúc căng thẳng

Tìm kiếm sự chia sẻ

Chúng ta thường hay tìm kiếm sự an toàn từ các mối quan hệ thiếu an toàn, trong khi có rất nhiều người tốt xung quanh thì chúng ta lại thường bỏ lỡ. Được quan tâm và chia sẻ là một nhu cầu hoàn toàn tự nhiên của con người, vì thế chẳng có gì đáng xấu hổ nếu bạn nói với một ai đó rằng bạn đang cảm thấy chán nản, bạn đang có cảm giác bị bỏ rơi hay bất cứ cảm xúc tiêu cực lo lắng nào khác.

Cảm giác bị bỏ rơi
Tìm kiếm sự giúp đỡ, sẻ chia từ bạn bè hay các chuyên gia khi cần thiết

Khi bạn đối xử chân thành và dịu dàng với một ai đó, chắc chắn sẽ luôn có những người nhìn nhận và đáp lại với bạn tương tự. Đó chẳng phải là người nào xa lạ mà có thể chính là gia đình, là anh chị em, là những người bên cạnh bạn mỗi ngày.  Sự chân thành của bạn chưa bao giờ là dư thừa nếu đối xử với đúng người, vì vậy đừng vì những người không xứng đáng mà mất niềm tin với tất cả mọi thứ.

Mặt khác, nếu bạn đang có quá nhiều cảm xúc khó khăn và không thể tìm cách giải quyết, hãy tìm đến sự trợ giúp từ chính các chuyên gia tâm lý. Bất cứ ai cũng có những câu chuyện khó nói thành lời và không phải ai cũng có thể hiểu, điều này càng khiến bạn ngại ngùng và khó mở lòng hơn. Trị liệu tâm lý là một phương án cần thiết nếu bạn đã chìm đắm trong cảm giác bị bỏ rơi những cảm xúc tiêu cực lạc lõng trong thời gian quá dài.

Nhà trị liệu tâm lý có thể đóng vai trò như một người bạn, có thể lắng nghe những nỗi lo lắng, những nỗi buồn được chôn vùi sâu trong tâm trí mỗi người. Mục tiêu của các liệu pháp tâm lý là giúp người tham gia trị liệu hiểu rõ có những vấn đề xảy ra lỗi không phải ở bản thân họ, thay đổi những nhận thức lệch lạc bằng những suy nghĩ đúng đắn phù hợp hơn, kiểm soát cảm xúc và nâng cao giá trị, cách nhìn nhận về chính mình.

Một điểm mấu chốt ở trị liệu tâm lý hay khi chia sẻ với một ai đó chính là, bạn cần phải mở lòng và thành thật. Khi bạn không nói rằng bạn đau ở đâu thì không ai có thể tìm cách điều trị cho bạn. Những người gặp các biến cố nghiêm trọng, người có dấu hiệu của các vấn đề tâm lý trầm trọng như trầm cảm hay lo âu được khuyến khích nên gặp gỡ nhà trị liệu càng sớm càng tốt để phòng tránh nguy cơ những tình huống tiêu cực khác xuất hiện.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Cảm giác bị bỏ rơi nếu ai đã từng trải qua sẽ cảm thấy giống như vừa bị đẩy xuống một vực thẳm hoang vắng với đầy sự lo lắng, tuyệt vọng, dù đã cố gắng làm mọi cách nhưng vẫn không một ai đến ứng cứu. Không có ai mong muốn trải qua cảm giác này, tuy nhiên nếu đã và đang phải đối mặt với nó thì hãy học cách vượt qua thay vì chìm đắm sâu vào nó. Dành thời gian để yêu thương và chăm sóc cho bản thân thay vì chỉ sống trong nỗi ám ảnh chính là lời khuyên cần thiết cho bạn.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *