Áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) và cách vượt qua
Áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào nhưng phổ biến hơn ở thanh thiếu niên và người trẻ. Thành công của bạn bè sẽ tạo ra áp lực khiến một số người không tránh khỏi cảm xúc tiêu cực, sự ganh tị xen lẫn với cảm giác tự ti.
Áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) là gì? Thực trạng hiện nay
Áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) là cụm từ quen thuộc, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Thuật ngữ này đề cập đến tâm lý áp lực, căng thẳng trước thành công của bạn bè. Tâm lý chung của mọi người là thường so sánh bản thân với những người cùng tuổi. Khi bạn bè đồng trang lứa gặt hái được thành công, bản thân sẽ phải chịu sức ép rất lớn.
Từ môi trường học đường cho đến công sở, kinh doanh hay chính trong gia đình cũng luôn hiện diện áp lực đồng trang lứa. Trong cuộc sống hiện đại, mong muốn được khẳng định bản thân của người trẻ lớn hơn bao giờ hết. Địa vị, danh vọng đôi khi không phải là mục tiêu của người trẻ mà họ muốn đạt được thành công để nhận được sự công nhận và vượt qua áp lực từ bạn bè.
Phải thừa nhận rằng, thế hệ trẻ đang phải đối mặt với áp lực đồng trang lứa một cách rất rõ rệt và sâu sắc. Thống kê cho thấy, người từ 14 – 30 tuổi là đối tượng đang phải đối mặt với tình trạng này. Những người qua 30 tuổi có thể dễ dàng vượt qua áp lực từ bạn bè bởi hơn ai hết, họ thấu hiểu giá trị của bản thân và biết rằng năng lực của mỗi người là khác nhau.
Mỗi vấn đề đều sẽ có mặt tích cực và tiêu cực, Peer Pressure cũng như vậy. Nhìn nhận khách quan, áp lực từ bạn bè đồng trang lứa giúp bản thân mỗi người cố gắng hơn để hoàn thiện mình. Không ngần ngại đối mặt với thử thách, khó khăn để chạm tay đến thành công.
Tuy nhiên, Peer Pressure cũng khiến cho nhiều người rơi vào trạng thái khủng hoảng. Áp lực ngày một lớn làm mất đi sự tự tin, lo sợ và e ngại khi bắt đầu thử thách. Nhiều người có xu hướng trốn tránh, hạn chế tương tác vì sợ phải nhìn thấy sự thành công của người khác. Khi xung quanh ai ai cũng thành công, sự thất bại và kém cỏi của bản thân trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Gen Z và áp lực đồng trang lứa
Gen Z (Generation Z) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ những người được sinh ra từ năm 1997 – 2012. Sinh ra ở thời kỳ internet bùng nổ và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, gen Z có tính cách phóng khoáng, tự do hơn so với những thế hệ trước. Đặc điểm của gen Z là đề cao cái tôi và luôn muốn khẳng định bản thân.
Với những đặc điểm này, gen Z được hy vọng sẽ là nhân tố bùng nổ tạo ra sự mới mẻ và đột phá khi làm việc ở các doanh nghiệp. Phải thừa nhận rằng, các bạn trẻ ngày nay rất giỏi. Không chỉ có kiến thức, các bạn còn được trang bị đầy đủ kỹ năng, sự sáng tạo vô hạn và hơn hết sự tự tin mà những thế hệ trước hoàn toàn không có được.
Bất cứ đối tượng nào cũng phải đối mặt với áp lực đồng trang lứa nhưng tình trạng này phổ biến hơn ở Gen Z. Thứ nhất là vì đây là thế hệ khao khát khẳng định cái tôi, luôn muốn chứng tỏ năng lực, vị thế của bản thân. Trước thành công của bạn bè, đương nhiên sẽ không tránh khỏi tâm lý áp lực và căng thẳng.
Gen Z được sinh ra vào thời điểm internet phát triển và đời sống gần như đủ đầy, không thiếu thốn như các thế hệ trước. Vậy nên, giá trị mà những người thuộc thế hệ này hướng đến khác xa với Gen X hay Gen Y.
Gen Z bị choáng ngợp với những hình ảnh xa hoa, cuộc sống thành đạt, hạnh phúc của người khác. Thay vì xác định mục tiêu một cách rõ ràng, Gen Z chạy theo những hình mẫu mơ hồ mà không hiểu rõ bản thân thật sự cần gì và muốn gì.
Hơn nữa, Gen Z hiện tại đều là những người trẻ, chưa có trải nghiệm sống đủ phong phú để có cái nhìn sâu sắc. Vì vậy, khi chứng kiến bạn bè thành công, phản ứng đầu tiên là so sánh, cảm thấy bản thân kém cỏi và ganh tị.
Nhìn chung, áp lực đồng trang lứa là hiện tượng tâm lý mà bất cứ ai cũng phải trải qua. Nhưng mức độ ảnh hưởng, cường độ của mỗi người phải đối mặt là khác nhau. Với những đặc điểm hoàn toàn khác biệt so với thế hệ trước, Gen Z là nhóm đối tượng đang chịu sự ảnh hưởng lớn của hiện tượng tâm lý này.
Những câu chuyện về áp lực đồng trang lứa
Áp lực đồng trang lứa hiện diện ở tất cả các khía cạnh. Mỗi người sẽ phải đối mặt với áp lực theo một cách khác nhau. Không chỉ riêng những người hạn chế về năng lực, ngoại hình mà cả những người được xem là xuất sắc vẫn phải đối mặt với Peer Pressure.
Câu chuyện về áp lực đồng trang lứa xoay quanh sự thành công của bạn bè. Đó có thể là kết quả học tập, điểm số IELTS cao, đạt được hàng chục giải thưởng và dành được suất du học toàn phần. Hay đó cũng có thể khởi nghiệp thành công, có tất cả mọi thứ trong tay khi còn đang rất trẻ.
Khi đang ngồi trên ghế nhà trường hay khi đã ra đời, tìm kiếm công việc,… Peer Pressure vẫn luôn hiện diện. Có rất nhiều tiêu chí được đặt ra để so sánh, chẳng hạn như điểm số, mức lương, sự thăng tiến trong công việc. Sự thành công của những người xung quanh chính là tiêu chí để đánh giá về bản thân.
Trước sự thành công rực rỡ của bạn bè, sự kém cỏi của bản thân sẽ trở nên rõ ràng hơn. Người trẻ sẽ vì tâm lý này mà quên mất mục tiêu thật sự của bản thân là gì mà chạy theo những hình mẫu mơ hồ. Họ không thật sự hiểu rằng mình cần gì, muốn gì mà chỉ mong muốn có thể thành công để vượt qua áp lực từ sự thành công của người khác.
Dẫu biết việc so sánh bản thân và người khác là không nên nhưng rất nhiều bạn trẻ vẫn không thể dừng hành động này. Vì thế, áp lực đồng trang lứa vẫn luôn hiện diện và “nhấn chìm” những hoài bão, ước mơ thật sự.
Biểu hiện của áp lực đồng trang lứa – Peer Pressure
Áp lực đồng trang lứa có biểu hiện đa dạng tùy theo tính cách, hoàn cảnh và môi trường sinh sống. Dù biểu hiện như thế nào, Peer Pressure cũng đều gây ra những cảm xúc tiêu cực. Đó là tâm lý căng thẳng, áp lực, xen lẫn cảm giác ganh tị và tự trách.
Nhận diện sớm biểu hiện của áp lực đồng trang lứa sẽ giúp bản thân mỗi người hiểu hơn về chính mình. Qua đó vượt qua Peer Pressure và xây dựng mục tiêu phù hợp với năng lực của bản thân.
Áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) thường có những biểu hiện như sau:
- Không ngừng so sánh bản thân và người khác.
- Có cảm giác thua kém, cảm thấy bản thân kém cỏi hơn về mọi mặt.
- Căng thẳng khi nghĩ về thành công của người khác và tự tạo áp lực cho chính mình.
- Tinh thần mệt mỏi, cơ thể rơi vào trạng thái khủng hoảng và kiệt quệ.
- Thường trực cảm giác khó chịu, bồn chồn, dễ cáu gắt.
- Nhìn nhận mọi thứ vô cùng tiêu cực, có xu hướng đánh giá thấp về bản thân.
- Liên tục cập nhật thông tin từ bạn bè, đặc biệt là với những người có sự nghiệp thành công rực rỡ và cuộc sống hoàn hảo.
- Đánh mất chính mình và luôn xây dựng hình mẫu theo tiêu chuẩn chung của xã hội.
- Một số người có xu hướng né tránh gặp gỡ bạn bè vì lo sợ bị so sánh hoặc phải nghe về thành công của người khác.
- Hay nói về người khác, đặc biệt là những người có địa vị cao, thành công khi tuổi còn trẻ.
- Cố gắng thay đổi mình, chẳng hạn như thay đổi kiểu tóc, cách ăn mặc, chăm chút hơn về hình ảnh trên mạng xã hội.
- Phô trương bản thân về ngoại hình nhưng lại có xu hướng thu mình, không chia sẻ cụ thể về công việc, mức lương, tài chính và tình trạng hôn nhân. Có cảm giác lo sợ để mọi người biết được sự kém cỏi, thất bại của bản thân.
Theo thống kê, áp lực đồng trang lứa bắt đầu hình thành từ tuổi dậy thì. Ban đầu chỉ là so sánh điểm số, quần áo, đồ dùng sau đó đến so sánh về thứ hạng và những thứ cao cả hơn. Không ngừng so sánh bản thân và người khác chính là dấu hiệu rõ rệt nhất của áp lực đồng trang lứa.
Nguyên nhân gây ra áp lực đồng trang lứa
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure). Phải thừa nhận rằng, hiện tượng tâm lý này ảnh hưởng ở hầu hết các thế hệ. Tuy nhiên, Gen Z và những người trẻ từ 14 – 30 tuổi phải đối mặt với Peer Pressure một cách rõ rệt hơn.
Theo các chuyên gia, áp lực đồng trang lứa không chỉ xuất phát từ tâm lý so sánh thông thường mà còn bắt nguồn từ sự bùng nổ của internet và khát khao khẳng định cái tôi ở thời đại không thiếu thốn những giá trị vật chất. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp dẫn đến Peer Pressure:
1. Sự bùng nổ của internet
Sự bùng nổ của internet được xem là “chất xúc tác” khiến cho áp lực đồng trang lứa trở nên rộng rãi và sâu sắc như hiện nay. Internet giúp mọi người kết nối với nhau một cách thuận lợi, không bị giới hạn về không gian địa lý. Song bên cạnh những mặt tích cực, internet cũng có nhiều hạn chế.
Một trong những hạn chế của internet là làm gia tăng tình trạng áp lực đồng trang lứa. Ngày nay, mọi người có xu hướng khoe khoang cuộc sống hào nhoáng, bằng cấp, sự nghiệp bằng những bức hình được chỉnh sửa chỉn chu. Khi nhìn thấy những hình ảnh này, không ít người cảm nhận rõ sức ép từ thành công của bạn bè đồng trang lứa.
Ở lứa tuổi còn trẻ và chưa có nhiều trải nghiệm, người trẻ rất dễ bị choáng ngợp bởi những hình ảnh xa hoa. Hình ảnh này sẽ xâm chiếm hết suy nghĩ khiến người trẻ có xu hướng soi chiếu bản thân và nhận ra sự đối lập giữa bản thân và bạn bè.
Trong khi bạn bè thành công, vừa có ngoại hình vừa có danh vọng, tiền tài thì bản thân chỉ có sự kém cỏi, cuộc sống với đầy rẫy những vấn đề chưa thể giải quyết thỏa đáng. Công việc ngổn ngang, năng lực không được thừa nhận và thu nhập cũng chưa thật sự ổn định.
Khi nhìn thấy những hình ảnh hào nhoáng kia, người trẻ không ngừng “lún sâu” vào vòng xoáy. Họ không ngừng theo dõi để cập nhật hình ảnh mới nhất của những người thành công. Nhưng khi nhìn thấy những hình ảnh xa hoa của bạn bè, áp lực đồng trang lứa lại hiện diện sâu sắc hơn bao giờ hết. Nếu không biết cách vượt qua, không ít người phải đối mặt với cảm giác mặc cảm, tự ti trong thời gian dài.
2. Mong muốn được công nhận, khẳng định bản thân
Hiện nay, những giá trị vật chất đôi khi không phải là mục tiêu của người trẻ. Thứ họ cần là sự thừa nhận của mọi người về năng lực, bản lĩnh. Vì luôn khao khát khẳng định bản thân nên khi nhìn thấy thành công của người khác, cảm giác ganh tị, căng thẳng và áp lực là khó có thể tránh khỏi.
Ở những thế hệ trước, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên nhu cầu của bản thân mỗi người chưa thực sự cao. Tìm kiếm được công việc ổn định, có thu nhập đã là ước mơ lớn đối với rất nhiều người. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, người trẻ cần nhiều hơn như vậy.
Họ không chỉ có những nhu cầu cơ bản mà còn đòi hỏi cao hơn ở bản thân. Người trẻ khao khát thành công vì muốn khẳng định chính mình, muốn mọi người thừa nhận năng lực và bản lĩnh dù tuổi đời còn trẻ. Vậy nên khi nhìn thấy bạn bè thành công, bản thân người trẻ sẽ cảm thấy áp lực và khao khát khẳng định chính mình trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
3. Định kiến xã hội
Ngày nay, những định kiến đã dần được nới lỏng. Người trẻ có cuộc sống thoải mái hơn, không bị ràng buộc quá nhiều bởi các nguyên tắc, quy chuẩn cứng nhắc. Dù vậy, định kiến xã hội vẫn đang tác động phần nào lên tâm lý của người trẻ.
Xã hội đặt ra những cột mốc chung, chẳng hạn như sau khi tốt nghiệp cấp 3 phải vào đại học. Sau 4 năm đại học phải nhanh chóng tìm được công việc, tạo ra thu nhập ổn định, thăng tiến và kết hôn. Tiêu chuẩn chung của xã hội vô tình gây ra áp lực với rất nhiều người trẻ.
Những người chật vật để đi tìm đam mê, gian nan khi khởi nghiệp,… sẽ khó có thể theo kịp hành trình trên. Hành trình của họ khác biệt so với tiêu chuẩn chung mà xã hội hướng đến. Và đương nhiên bản thân họ cũng sẽ phải đối mặt với áp lực đồng trang lứa do những định kiến từ xã hội.
4. Cách giáo dục của gia đình
Phải thừa nhận rằng, đa phần cha mẹ Việt đều có thói quen so sánh con cái với người khác. Từ nhỏ, trẻ đã phải đối mặt với những lời so sánh về điểm số, thành tích. Cách giáo dục này dần dần ăn sâu vào suy nghĩ khiến trẻ lớn lên có xu hướng so sánh bản thân và bạn bè.
Khi con cái lớn lên, cha mẹ lại có xu hướng so sánh trường đại học, công việc, mức lương và ti tỉ những tiêu chuẩn khác. Khách quan mà nói, sự so sánh của cha mẹ xuất phát từ mong muốn con cái tốt hơn, hoàn thiện hơn mỗi ngày. Tuy nhiên, cách giáo dục này chưa thực sự đúng vì trẻ lớn lên sẽ luôn so sánh mình với ai đó và gặp khó khăn trong việc xác định mục tiêu cá nhân.
Khi chứng kiến thành công của bạn bè, hầu hết người trẻ đều sẽ cảm thấy áp lực đè nặng trên vai. Bên tai là văng vẳng những tiếng trách móc, so sánh của cha mẹ. Hơn bất cứ lúc nào, thời điểm người khác thành công cũng là giây phút nhận ra bản thân kém cỏi và tồi tệ nhất.
5. Do đặc điểm tính cách
Peer Pressure có thể ảnh hưởng đến bất cứ đối tượng nào. Qua những nghiên cứu đã được thực hiện, tình trạng này phổ biến hơn ở người trẻ và người có đặc điểm tính cách nhút nhát, thiếu tự tin, ngại giao tiếp. Đặc điểm tính cách này khiến họ không tin tưởng vào bản thân, ngại thử thách, lựa chọn trốn tránh thay vì đối mặt.
Người có tính cách tự ti, nhút nhát sẽ luôn tự đánh giá thấp bản thân. Họ không nhìn thấy điểm mạnh của mình mà chỉ chăm chăm vào những điểm còn hạn chế. Khi chứng kiến bạn bè thành công, sự tự ti ngày càng gia tăng, những khuyết điểm vì thế cũng trở nên rõ rệt hơn.
Trong khi đó, những người có tính cách quyết liệt, mạnh mẽ, tự tin và chủ động sẽ ít phải đối mặt với áp lực đồng trang lứa. Họ biết cố gắng để đạt được mục tiêu và nhận ra giá trị của bản thân thay vì chạy theo hình mẫu mà người khác đặt ra. Đây cũng là lý do vì sao việc giáo dục cần được đặt lên hàng đầu và đồng thời là yếu tố tiên quyết người đó có thành công trong tương lai hay không.
6. Ảnh hưởng của văn hóa tập thể
Ở phương Tây, người ta chú trọng vào chủ nghĩa cá nhân, luôn tôn trọng mong muốn và nhu cầu của bản thân thay vì bị chi phối bởi những người xung quanh. Ngược lại, người Châu Á nói chung và người Việt nói riêng bị ảnh hưởng bởi văn hóa tập thể.
Văn hóa tập thể nhấn mạnh nhu cầu của một nhóm người thay vì chú trọng vào mục tiêu của từng cá nhân. Phải thừa nhận rằng, văn hóa này đóng góp đáng kể vào việc xây dựng cộng đồng, hình thành tính cách nhân ái, đoàn kết. Tuy nhiên, vì chú trọng vào tính tập thể nên cá nhân mỗi người đôi khi quên mất mục tiêu của chính mình.
Ảnh hưởng của văn hóa tập thể là một trong những nguyên nhân gây ra áp lực đồng trang lứa ở người trẻ. Thay vì lắng nghe mong muốn và nhu cầu của bản thân, người trẻ chạy theo mục tiêu của đám đông. Điều này khiến họ luôn phải đối mặt với áp lực, rơi vào trạng thái mệt mỏi thường trực. Cảm thấy bản thân lúc nào cũng phải chạy theo mục tiêu, hình mẫu của người khác mà quên mất chính mình mong muốn điều gì.
7. Thường xuyên thất bại
Peer Pressure cũng có thể hình thành sau nhiều lần thất bại. Hành trình đi đến thành công chưa bao giờ dễ dàng – nhất là với người trẻ. Thứ họ có duy nhất chỉ làm đam mê. Hạn chế về kỹ năng, kinh nghiệm khiến người trẻ chật vật trong hành trình khởi nghiệp và khẳng định bản thân. Đa phần đều phải trải qua nhiều thất bại mới có thể đạt được thành công và kết quả mỹ mãn như mong muốn.
Thất bại quá nhiều lần khiến niềm tin giảm sút, đánh mất đi sự tự tin vào bản thân. Thay vào đó là sự nghi hoặc về năng lực cũng như bản lĩnh thực sự. Thất bại để lại ám ảnh về tâm lý và điều này khiến cho người trẻ càng bị gánh nặng bởi áp lực đồng trang lứa.
Áp lực đồng trang lứa – Cú hích hay là gánh nặng?
Áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) giống như một con dao hai lưỡi. Hiện tượng tâm lý này có nhiều mặt tích cực nhưng đôi khi cũng gây ra nhiều hệ lụy nếu người trẻ không đủ bản lĩnh để vượt qua và kiểm soát.
Nếu nhìn nhận đúng đắn, Peer Pressure sẽ là “cú hích” thúc đẩy các bạn trẻ hoàn thiện và khẳng định bản thân. Lúc này, thành công của bạn bè sẽ tạo động lực để các bạn trẻ cố gắng trong công việc và liên tục tìm kiếm những cơ hội mới.
Ngược lại, có không ít người chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực. U uất, bi quan, mất hy vọng và tự đánh giá thấp bản thân. Một số người lại có xu hướng trốn tránh các cuộc gặp gỡ chỉ để che đậy sự kém cỏi và thất bại của chính mình. Một số người khác chạy theo hình mẫu chung của tất cả mọi người mà quên mất bản thân thật sự cần gì, muốn gì.
Peer Pressure – Áp lực đồng trang lứa là “cú hích” hay “gánh nặng” phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân mỗi người. Hiểu rõ những tác động tiêu cực, lợi ích của hiện tượng tâm lý này sẽ giúp các bạn trẻ vượt qua một cách dễ dàng:
1. Tác động tiêu cực của áp lực đồng trang lứa
Công bằng mà nói, khó ai có thể thoát khỏi tâm lý áp lực và căng thẳng trước thành công của bạn bè. Trong khi những người xung quanh có cuộc sống hoàn hảo, bản thân lại đang chật vật gây dựng sự nghiệp, cuộc sống đầy những ngổn ngang và dự định chưa đâu vào đâu.
Bất cứ ai, dù xuất sắc đến đâu cũng phải đối mặt với Peer Pressure ở một mức độ nào đó. Xét theo khía cạnh tiêu cực, áp lực đồng trang lứa sẽ gây ra những hệ lụy như sau:
- Rơi vào trạng thái căng thẳng, tiêu cực kéo dài. Nếu gặp phải môi trường không thuận lợi (thất nghiệp, hoàn cảnh gia đình khó khăn,…), trạng thái này có thể phát triển thành trầm cảm.
- Đánh mất bản thân, không ngừng chạy theo mục tiêu và hình mẫu của người khác đặt ra.
- Tâm trạng không ổn định, dễ kích động, giảm khả năng tập trung khi làm việc.
- Đánh mất sự tự tin, xem nhẹ và hạ thấp bản thân.
- Một số người chọn lối sống buông thả để quên đi áp lực đồng trang lứa. Không ít bạn trẻ chìm đắm trong bia rượu và những cuộc vui bất tận để quên đi sự thất bại, kém cỏi của bản thân.
- Tinh thần không tốt trong một thời gian dài sẽ gây ra nhiều vấn đề thể chất như mất ngủ, suy nhược,….
Hầu hết mọi người đều phải đối mặt với tác động tiêu cực từ áp lực đồng trang lứa. Tuy nhiên, thời gian và mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người. Nếu không biết cách vượt qua, Peer Pressure thực sự là “gánh nặng” ngăn cản sự phát triển và khiến các bạn trẻ đánh mất chính mình.
2. Lợi ích của áp lực đồng trang lứa
Bên cạnh những tác động tiêu cực, áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) cũng mang đến vô số lợi ích. Ở mức vừa phải, áp lực sẽ tạo ra động lực và trở thành “cú hích” giúp các bạn trẻ hăng say hơn khi học tập, làm việc.
Trong cuộc sống đủ đầy như hiện tại, cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán và không có mục tiêu. Áp lực đồng trang lứa chính là trở ngại để bản thân mỗi người cố gắng hơn mỗi ngày. Khi bản thân hoàn thiện, bạn có thể tự tin hơn và dừng việc so sánh với người khác.
Những lợi ích từ áp lực đồng trang lứa – Peer Pressure:
Tạo động lực để bản thân hoàn thiện hơn cả về năng lực và tính cách.
- Thức tỉnh những bạn trẻ có lối sống hưởng thụ, giúp người trẻ xác định mục tiêu và cố gắng hơn trong cuộc sống.
- Rèn luyện khả năng thích nghi với các trở ngại, yếu tố không thuận lợi. Qua đó giúp người trẻ nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, khách quan, học được cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực.
- Sau khi đối mặt với Peer Pressure, nhiều bạn trẻ nhận ra đam mê thật sự và nỗ lực để theo đuổi.
Cách vượt qua áp lực đồng trang lứa cho người trẻ
Áp lực đồng trang lứa vừa tác động tích cực và tiêu cực đến tâm lý của người trẻ. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào cách nhìn nhận, tính cách của mỗi người. Trang bị cách vượt qua Peer Pressure là kỹ năng cần thiết để giúp các bạn trẻ giảm ảnh hưởng tiêu cực và tạo dựng cho mình động lực để hoàn thiện hơn mỗi ngày.
1. Chấp nhận bản thân
Chấp nhận bản thân là bước đầu tiên để có thể “cởi bỏ” gánh nặng từ Peer Pressure. Bạn cần phải học cách chấp nhận việc bản thân còn nhiều hạn chế. Cuộc sống đang có nhiều vấn đề cần phải giải quyết và cần nỗ lực hơn để có thể có được cuộc sống như mơ ước.
Tuy nhiên, chấp nhận không có nghĩa là cam chịu. Bạn chấp nhận bản thân và nhìn nhận lại ưu nhược điểm một cách khách quan. Có như vậy, mới có thể hoàn thiện hơn mỗi ngày để lấy lại sự tự tin và thoải mái chia sẻ niềm vui khi bạn bè thành công.
Giống như những áp lực khác, áp lực đồng trang lứa là một phần tất yếu của cuộc sống. Dù có giỏi giang đến đâu, bạn vẫn sẽ bị áp lực bởi những người đạt được thành công rực rỡ hơn. Vậy nên, hãy học cách chấp nhận thay vì chỉ chăm chăm nhìn vào sự kém cỏi của bản thân và sự thành công của người khác.
2. Tìm người để chia sẻ
Nếu cần người trò chuyện, bạn nên tìm ai đó để chia sẻ. Khi nói hết những điều khiến bản thân bận tâm sẽ khiến bạn thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Ở độ tuổi còn trẻ, việc cảm thấy áp lực trước thành công của bạn bè là điều dễ hiểu.
Khi chia sẻ với người khác, cả hai sẽ có sự thấu cảm, từ đó giúp xoa dịu đáng kể những cảm xúc tiêu cực. Đối phương cũng sẽ giúp bạn nhìn nhận khách quan hơn về thế mạnh của mình. Học được cách chấp nhận khuyết điểm của bản thân và hỗ trợ bạn trong việc hoàn thiện chính mình.
Bất cứ ai cũng sẽ có vấn đề trong cuộc sống, vì vậy hãy cởi mở chia sẻ những trăn trở với người thân và bạn bè. Tuy nhiên, nếu không thoải mái, bạn có thể lựa chọn cách viết nhật ký. Khi viết hết những gì đang suy nghĩ, tâm trạng của bạn sẽ khá hơn đôi chút.
3. Sử dụng mạng xã hội một cách thông minh
Những hình ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội là yếu tố “xúc tác” khiến cho áp lực đồng trang lứa trở thành gánh nặng đối với người trẻ nói chung và Gen Z nói riêng. Người trẻ có thể ngưỡng mộ cuộc sống xa hoa, giàu có của một ai đó chỉ qua vài bức ảnh. Khi nhìn lại thực tế, họ thấy rõ sự đối lập giữa bản thân và bạn bè đồng trang lứa.
Các chuyên gia khuyên rằng, một trong những cách để vượt qua Peer Pressure là sử dụng mạng xã hội một cách thông minh. Những hình ảnh hào nhoáng trên mạng đôi khi không phản ánh đúng cuộc sống thực sự.
Lướt xem hình ảnh trên mạng xã hội không mang đến bất cứ lợi ích nào. Nếu việc này khiến bạn cảm thấy khó chịu và luôn cảm thấy áp lực, hãy dừng lại. Nên tôn trọng cảm xúc của bản thân thay vì làm tâm trạng trở nên tồi tệ hơn. Hãy học cách bỏ qua những hình ảnh làm bạn cảm thấy áp lực, không soi mói và tò mò cuộc sống của người khác.
Sử dụng mạng xã hội một cách thông minh sẽ giúp giảm bớt những cảm xúc tiêu cực do áp lực đồng trang lứa gây ra. Gen Z là thế hệ bị chi phối nhiều bởi mạng xã hội. Vì vậy, học cách sử dụng mạng xã hội thông minh không chỉ giúp bạn vượt qua Peer Pressure mà còn tránh được các hiện tượng tâm lý như hội chứng tâm lý FOMO.
4. Loại bỏ những mối quan hệ tiêu cực
Bên cạnh những mối quan hệ thực sự, áp lực đồng trang lứa có thể đến từ những mối quan hệ độc hại. Trong những mối quan hệ này, bạn sẽ liên tục bị đem lên bàn cân so sánh. Có thể so sánh từ học vấn cho đến công việc, mức lương và bạn đời.
Các mối quan hệ tiêu cực chỉ mang đến cho bạn những cảm xúc tồi tệ. Việc bị so sánh liên tục khiến bạn đánh mất sự tự tin và nhìn nhận sai lệch về bản thân. Thứ duy nhất bạn nhìn thấy là khuyết điểm, sự kém cỏi của mình mà quên mất bản thân cũng có những thế mạnh riêng.
Để vượt qua áp lực đồng trang lứa, việc loại bỏ những mối quan hệ độc hại là cần thiết. Hãy sàng lọc lại để lựa chọn duy trì mối quan hệ với những người bạn thật sự. Từ chối những cuộc gặp gỡ mà bạn biết chắc chắn chỉ mang đến những cảm xúc tiêu cực, khi mà đối phương chỉ thao thao bất tuyệt về thành công của mình và liên tục so sánh, chỉ trích bạn.
5. Không ngừng hoàn thiện
Dù đã thành công hay chưa, bản thân mỗi người đều sẽ có những khuyết điểm cần phải hoàn thiện. Không ngừng hoàn thiện là “chìa khóa” giúp bạn thành công trong cuộc sống. Với mỗi người, thành công được định nghĩa khác nhau. Bạn nên cố gắng hoàn thiện để có cuộc sống mà bản thân mơ ước, không nên chạy theo hình mẫu mà mọi người đặt ra.
Không ngừng hoàn thiện sẽ giúp bạn nhìn nhận đúng giá trị của chính mình. Giữ được sự tự tin, hiểu rõ bản thân cần gì, muốn gì và quyết đoán hơn với những quyết định trong cuộc sống.
Bạn không cần phải so sánh thành công của mình với thành công của người khác. Hãy nghĩ đến bản thân trong quá khứ và hiện tại. Chỉ có bạn mới biết rằng, mình đã thực sự cố gắng để hoàn thiện hay chưa. Ở một phiên bản hoàn thiện hơn, bạn có thể dễ dàng vượt qua áp lực đồng trang lứa.
6. Đặt ra mục tiêu phù hợp
Do áp lực đồng trang lứa, nhiều người đặt ra mục tiêu vượt quá khả năng của bản thân. Năng lực của mỗi người là mỗi khác nên bạn không thể đi theo hành trình của người khác. Thay vào đó, hãy theo đuổi những gì bản thân thật sự đam mê và yêu thích.
Đặt ra mục tiêu phù hợp với bản thân sẽ giúp bạn ngừng việc so sánh với người khác và gỡ bỏ được áp lực đồng trang lứa đè nặng trên vai. Khi có mục tiêu, bạn cũng sẽ cố gắng, nỗ lực hơn trong quá trình học tập và làm việc.
7. Không so sánh bản thân với ai khác
Nếu được gia đình có thói quen so sánh con cái, sẽ thật khó để bạn có thể thay đổi thói quen này. Dẫu vậy, ngừng so sánh bản thân với người khác là cách tốt nhất để vượt qua áp lực đồng trang lứa. Peer Pressure hiện diện rõ nhất qua việc liên tục so sánh bản thân với những người xung quanh.
Mỗi người sẽ có những ưu nhược điểm riêng do môi trường sống, cách giáo dục hoàn toàn khác biệt. Mỗi cá thể là độc nhất và việc so sánh dù ở hình thức nào cũng vô cùng khập khiễng. So sánh bản thân với người khác hoàn toàn không mang lại bất cứ ích lợi gì. Thứ duy nhất bạn nhận được là một loạt các cảm xúc tiêu cực, sự nặng nề và bức bối khi chăm chăm vào sự kém cỏi của bản thân.
Không so sánh bản thân với người khác là bước đầu để yêu thương chính mình. Đây là lúc bạn bắt đầu nhận ra giá trị của bản thân và không bận tâm đến thành công hay mục tiêu của người khác. Yêu thương chính mình sẽ giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp và dễ dàng hơn.
8. Tìm gặp chuyên gia tâm lý
Thực sự, không phải ai cũng có thể vượt qua áp lực đồng trang lứa. Nhiều người trẻ không thể vực dậy sau khủng hoảng và biến cố. Thất bại liên tục, chật vật theo đuổi đam mê, không có sự nghiệp và áp lực từ thành công của bạn bè khiến không ít người rơi vào căng thẳng, trầm cảm.
Nếu cần thiết, bạn có thể tìm gặp chuyên gia tâm lý. Chuyên gia sẽ hỗ trợ bạn vượt qua giai đoạn khủng hoảng và học cách yêu thương bản thân. Sự hỗ trợ kịp thời của chuyên gia là cần thiết và sẽ giúp bạn tránh được những hệ lụy như trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng,…
Áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) là hiện tượng tâm lý mà nhiều bạn trẻ đang phải đối mặt. Nếu không tìm cách vượt qua và cân bằng, cảm xúc tiêu cực sẽ đeo bám khiến cho tinh thần trở nên kiệt quệ, mệt mỏi. Học cách yêu thương, chấp nhận và hoàn thiện bản thân là chìa khóa để bạn vượt qua tình trạng này một cách hiệu quả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!