Trầm cảm ở người bị ung thư: Biểu hiện và cách kiểm soát

Theo thống kê, tỉ lệ trầm cảm ở người bị ung thư khá cao. Đa phần người bệnh sẽ cảm thấy lo lắng, sợ hãi và hoang mang về tình trạng bệnh của mình khiến cho các triệu chứng trầm cảm dễ xuất hiện. 

Trầm cảm ở người bị ung thư
Trầm cảm ở người bị ung thư khiến người bệnh luôn cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng.

Khủng hoảng tâm lý ở người bị ung thư

Thông thường những đối tượng phát hiện mình bị ung thư sẽ cảm thấy sốc và hoang mang cực độ, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Ngoài ra, các gánh nặng từ gia đình, kinh tế, con cái sẽ khiến họ càng trở nên tuyệt vọng và bi quan hơn nhiều lần. Sự suy sụp về mặt cảm xúc và tinh thần sẽ khiến cho quá trình điều trị bệnh ung thư gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã thống kê được rằng, tại Việt nam có khoảng 95.000 người bệnh tử vong mỗi năm vì ung thư, trong số đó có khoảng 30% các trường hợp chết vì suy kiệt chứ không xuất phát từ sự tác động của khối u.

Khi bản thân đối mặt với căn bệnh ung thư quái ác, nhiều người sẽ bị khủng hoảng về mặt tâm lý, dần xuất hiện rất nhiều nỗi sợ hãi như:

  • Sợ thuốc điều trị sẽ gây ra các tác dụng phụ hoặc không mang lại hiệu quả.
  • Lo sợ về tình trạng tái phát sau điều trị hoặc biến chứng, di căn nguy hiểm.
  • Lo lắng về tình trạng không thể làm chủ hành vi của bản thân.
  • Sợ mất đi các mối quan hệ hiện có.
  • Lo lắng về những sự bất định.
  • Sợ hãi và lo lắng về cái chết.

Những sự lo lắng, căng thẳng này cũng chính là yếu tố gây nên nhiều trở ngại cho quá trình điều trị ung thư. Khi những cảm xúc tiêu cực, hoang mang của kéo dài cũng sẽ làm gia tăng khả năng mắc bệnh trầm cảm ở người bị ung thư.

Biểu hiện của chứng trầm cảm ở người bị ung thư

Trầm cảm ở người bị ung thư là một chướng ngại khá lớn có thể khiến cho người bệnh phải ngừng quá trình điều trị. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể điều trị được nếu bạn có thể kịp thời phát hiện và kiểm soát chúng. Sau đây là một số biểu hiện đặc trưng của người trầm cảm khi bị ung thư mà bạn nên biết.

Trầm cảm ở người bị ung thư
Buồn bã, suy tư, bi quan về cuộc sống là những biểu hiện đặc trưng của tình trạng trầm cảm khi mắc bệnh ung thư

Các triệu chứng liên quan đến khí sắc

Cũng khá giống với các trường hợp trầm cảm khác, tình trạng trầm cảm ở người bị ung thư cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng như:

  • Khí sắc trầm buồn, u sầu
  • Luôn cảm thấy chán nản, tuyệt vọng
  • Tinh thần xuống dốc đột ngột
  • Rất dễ bị kích động, hay cáu gắt
  • Vô cảm với mọi thứ xung quanh
  • Không còn hứng thú và quan tâm đến những hoạt động mà mình đã từng yêu thích.
  • Muốn ở một mình, không muốn gặp mặt bạn bè, người thân.
  • Không còn động lực, khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày, kể cả những việc đơn giản.

Các triệu chứng về nhận thức

Người bệnh có thể xuất hiện một số biểu hiện về nhận thức như sau:

  • Suy giảm trí nhớ
  • Khó tập trung
  • Không thể đưa ra quyết định.
  • Luôn nhìn nhận và đưa ra các đánh giá tiêu cực về cuộc sống xung quanh.
  • Xuất hiện các ý tưởng, hành vi tự làm tổn thương bản thân.

Các biểu hiện cơ thể

Ngoài ra, những trường hợp trầm cảm ở người bị ung thư còn có kèm theo một số triệu chứng về cơ thể như:

  • Thường xuyên mệt mỏi, thiếu sức sống
  • Ăn không ngon miệng, chán ăn, hay bỏ bữa.
  • Mất ngủ, ngủ không ngon giấc, thường xuyên tỉnh giấc vào ban đêm hoặc có thể ngủ quá nhiều.
  • Suy giảm chức năng tình dục, giảm ham muốn.

Tuy nhiên, các triệu chứng về cơ thể và nhận thức được nêu trên đây cũng có thể xuất hiện do quá trình điều trị ung thư. Do đó, để có thể chẩn đoán chính xác bệnh trầm cảm ở người bị ung thư, các bác sĩ sẽ thường dựa vào những triệu chứng liên quan đến hành vi và cảm xúc của bệnh nhân.

Cách kiểm soát trầm cảm ở người bị ung thư

Tình trạng trầm cảm ở người bị ung thư nếu không được phát hiện và kiểm soát sẽ gây ra rất nhiều các hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Do đó, khi nhận thấy các biểu hiện bất thường về cảm xúc và hành vi, bạn nên nhanh chóng thông báo cho bác sĩ để được thăm khám và đưa ra phác đồ chữa bệnh phù hợp.

Thông thường các trường hợp trầm cảm khi bị ung thư sẽ được chỉ định điều trị dựa trên phác đồ của chuyên khoa tâm lý – tâm thần. Tùy vào mức độ bệnh của mỗi người mà các bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp điều trị sau đây:

1. Tâm lý trị liệu

Đối với những đối tượng có biểu hiện trầm cảm ở mức nhẹ hoặc vừa thì chỉ cần áp dụng duy nhất biện pháp tâm lý trị liệu là có thể giúp các triệu chứng bệnh được thuyên giảm đáng kể. Thông qua liệu pháp trò chuyện, giao tiếp mà các chuyên gia tâm lý sẽ tháo gỡ những khó khăn, trở ngại của bệnh nhân, từ đó giúp cho họ ổn định được tinh thần và cân bằng cảm xúc tốt hơn.

Trầm cảm ở người bị ung thư
Đối với những đối tượng có biểu hiện trầm cảm ở mức nhẹ hoặc vừa thì có thể áp dụng duy nhất biện pháp tâm lý trị liệu để chữa bệnh.

Bằng các kỹ thuật chuyên môn mà các bác sĩ tâm lý sẽ điều chỉnh được hành vi và các cảm xúc tiêu cực của người bệnh. Đồng thời hỗ trợ họ có được niềm tin vào quá trình điều trị bệnh ung thư, giúp cho sức khỏe tinh thần được hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên để phương pháp này đạt được hiệu quả cao, người bệnh cũng cần theo sát liệu trình chữa bệnh đã đề ra và thoải mái chia sẻ với chuyên gia.

2. Điều trị bằng thuốc

Khi các triệu chứng trầm cảm ở người bị ung thư biểu hiện ở mức độ nặng hơn thì cần kết hợp đồng thời giữa hai phương pháp tâm lý trị liệu và sử dụng thuốc. Các loại thuốc chống trầm cảm sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát tốt các triệu chứng buồn bã, lo lắng và hạn chế những suy nghĩ tiêu cực, ngăn chặn tình trạng tự sát do trầm cảm.

Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc hỗ trợ chữa bệnh đều sẽ có khả năng gây ra một số tác dụng phụ. Vì thế để đảm bảo an toàn và giúp bệnh tình thuyên giảm tốt nhất, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ (liều dùng, thời gian dùng,…). Nếu trong quá trình sử dụng có xảy ra vấn đề gì hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên nhanh chóng báo ngay với chuyên gia để được ngăn chặn kịp thời.

Trầm cảm ở người bị ung thư là một hiện tượng khá phổ biến cũng bởi tâm lý của người bệnh ung thư sẽ dễ bị khủng hoảng và khó chấp nhận được tình trạng sức khỏe hiện tại. Hi vọng những thông tin của bài viết trên đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về chứng bệnh này và có cách kiểm soát chúng hiệu quả.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *