Hội chứng sợ lỗ (Trypophobia): Nguyên nhân, biểu hiện, khắc phục

Hội chứng sợ lỗ đề cập đến tình trạng sợ hãi, ghê tởm dai dẳng khi nhìn thấy những vật thể có các lỗ tròn nhỏ như san hô, đài sen, dâu tây,…

hội chứng sợ lỗ
Hội chứng sợ lỗ là hội chứng tâm lý phổ biến với tỷ lệ mắc dao động từ 10 – 16% dân số thế giới

Hội chứng sợ lỗ là gì?

Hội chứng sợ lỗ (Trypophobia) là tình trạng sợ hãi thái quá và dai dẳng khi nhìn thấy có lỗ tròn. Đặc biệt là lỗ có kích thước nhỏ và chi chít.

Về cơ bản, hội chứng sợ lỗ có cơ chế tương tự như các ám ảnh đặc hiệu, hay rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Tuy nhiên, hội chứng này vẫn chưa được công nhận, và không được đề cập trong DSM-5.

Dù vậy, thuật ngữ Trypophobia bắt đầu phổ biến từ những năm 2009, và vẫn được sử dụng để chẩn đoán ở nhiều quốc gia khác nhau.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Tâm lý vào năm 2013 cho thấy, khoảng 16% người tham gia nghiên cứu có cảm giác khó chịu, ghê tởm và sợ hãi khi nhìn vào các lỗ tròn trên đài sen.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Nhận biết hội chứng sợ lỗ

Trypophobia đặc trưng bởi nỗi sợ, cảm giác ghê tởm và khó chịu dai dẳng khi nhìn thấy bề mặt có nhiều cụm lỗ nhỏ như san hô, đài sen, miếng bọt biển, tổ ong,…

Thực tế, những người mắc hội chứng này biết rõ các lỗ tròn nhỏ hoàn toàn vô hại, nhưng không thể nào kiểm soát sự khó chịu và sợ hãi của bản thân.

Cảm giác sợ lỗ ít gây hoảng loạn và ám ảnh hơn so với các ám ảnh cụ thể khác. Thay vào đó, người bệnh thường có cảm giác ghê tởm. Đây cũng là lý do Trypophobia chưa được công nhận trong DSM-5.

Bên cạnh sự ghê tởm, ám ảnh và sợ hãi, người bị hội chứng sợ lỗ cũng sẽ xuất hiện một số triệu chứng thể chất như:

  • Nổi da gà
  • Có cảm giác ớn lạnh và ghê rợn
  • Một số người có cảm giác ngứa ngáy, như có kiến bò
  • Đổ mồ hôi
  • Choáng váng, chóng mặt
  • Tim đập nhanh
  • Xuất hiện các triệu chứng liên quan đến thị giác như ảo ảnh, khó chịu, mỏi mắt
  • Hình ảnh trong mắt trở nên méo mó, dị thường
  • Có cảm giác vô cùng khó chịu, bứt rứt và thậm chí là đau khổ
  • Muốn rời mắt khỏi vật thể có các cụm lỗ nhỏ trong thời gian nhanh nhất
  • Đôi khi có cảm giác hoảng loạn, sợ hãi tột độ và run rẩy
  • Buồn nôn

Những người bị hội chứng Trypophobia hầu như không cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy lỗ tròn có kích thước lớn. Thay vào đó, họ chỉ sợ hãi và ghê tởm khi nhìn thấy các cụm lỗ tròn có kích thước nhỏ nằm sát nhau.

trypophobia là gì
Người mắc hội chứng sợ lỗ thường gặp ảo ảnh, bị choáng váng, nổi da gà và tim đập nhanh khi nhìn thấy các lỗ tròn

Những người mắc hội chứng sợ lỗ sẽ có xu hướng né tránh những thứ gây ra nỗi sợ. Chẳng hạn, họ sẽ hạn chế dùng các loại thực phẩm có lỗ tròn như dâu tây, hạt sen, các loại đậu,…

Nguyên nhân gây ra Trypophobia

Trypophobia chỉ mới được đề cập từ năm 2005 nên chưa có nhiều nghiên cứu về hội chứng này. Dù vậy, vẫn có một số giả thuyết giải thích sự hình thành của hội chứng sợ lỗ.

1. Do sự tiến hóa của con người

Theo một số chuyên gia, cảm giác sợ hãi và ghê tởm khi nhìn thấy các lỗ tròn có kích thước nhỏ có thể là kết quả của quá trình tiến hóa.

Sự tiến hóa này giúp con người nhận biết các vấn đề sức khỏe liên quan đến nhiễm trùng và kích ứng da như viêm nang lông, mề đay, rôm sảy,…

Giả thuyết này được ủng hộ vì người mắc hội chứng sợ lỗ cảm thấy ghê tởm và khó chịu nhiều hơn là sợ hãi.

2. Ám ảnh về các động vật nguy hiểm

Các nhà khoa học cho rằng, hình ảnh các cụm lỗ tròn có thể gợi nhắc đến ong, các loại ruồi, rắn, côn trùng có hại. Giả thuyết trên càng được củng cố khi nhiều người mắc hội chứng sợ lỗ từng bị ong đốt trong quá khứ.

3. Có các vấn đề tâm lý

Trypophobia thường gặp ở người có các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn hoảng sợ,…

Các vấn đề tâm lý này khiến cho não bộ trở nên nhạy cảm hơn khi nhìn thấy các lỗ tròn. Do đó, người bệnh xuất hiện cảm giác ghê tởm, sợ hãi không thể lý giải.

4. Sự nhạy cảm quá mức của thị giác

Trypophobia không chỉ gây ra sự ghê tởm khi nhìn thấy các lỗ tròn mà còn đi kèm với ảo ảnh, mỏi mắt và cảm giác khó chịu ở mắt.

bệnh sợ lỗ
Những vật thể có bề mặt chứa nhiều lỗ tròn như đài sen, san hô,… đều gây ra sự sợ hãi và ghê tởm với bệnh nhân mắc chứng Trypophobia

Do đó, các chuyên gia cho rằng, sự nhạy cảm quá mức của thị giác là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc hội chứng này. Những người có thị lực bình thường ít khi cảm thấy ghê tởm và sợ hãi khi nhìn thấy các cụm lỗ tròn.

5. Tiền sử gia đình

Nguy cơ mắc hội chứng sợ lỗ có thể tăng lên nếu gia đình từng có người mắc bệnh. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giả thuyết và các chuyên gia cần phải nghiên cứu thêm trước khi đưa ra kết luận chính thức.

Một số thống kê được thực hiện phần nào cho thấy nguy cơ mắc hội chứng này tăng lên ở những đối tượng bị trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn hoảng sợ và rối loạn ám ảnh sợ xã hội.

Những yếu tố kích hoạt hội chứng sợ lỗ

Trypophobia sẽ được kích hoạt khi bệnh nhân nhìn thấy những vật thể có các cụm lỗ nhỏ. Trong đó thường gặp nhất là những vật thể sau:

  • Bọt xà phòng
  • Đài sen
  • Dâu tây
  • Ruột của quả lựu
  • San hô
  • Tổ ong
  • Hơi nước ngưng tụ trên bề mặt kính
  • Bong bóng
  • Mề đay
  • Rôm sảy
  • Bề mặt của phô mai
  • Cụm mắt của côn trùng

Thực tế, xung quanh chúng ta có rất nhiều vật thể có dạng lỗ tròn. Điều này gây ra nhiều phiền toái cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ lỗ.

Xem thêm: Biến chứng của rối loạn lo âu đến sức khỏe người bệnh

Hội chứng sợ lỗ có nguy hiểm không?

Trypophobia không đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, cảm giác ghê tởm, sợ hãi và các triệu chứng thể chất khiến bệnh nhân phải đối mặt với nhiều vấn đề tiêu cực

Ảnh hưởng đầu tiên là người bệnh khó có thể duy trì hiệu suất lao động và học tập bình thường. Người bệnh phải luôn né tránh các đồ vật, không gian và thực phẩm có lỗ tròn nhỏ.

Ngoài ra, cảm giác ghê tởm và sợ hãi dai dẳng có thể là điều kiện để phát triển các rối loạn tâm lý như stress, trầm cảm và rối loạn lo âu.

Chính vì vậy, nếu nhận thấy bản thân sợ hãi và khó chịu quá mức khi nhìn thấy các lỗ tròn, nên thăm khám sớm để được tư vấn điều trị.

Chẩn đoán hội chứng Trypophobia

Thông thường, các bác sĩ sẽ không chẩn đoán cụ thể hội chứng sợ lỗ mà sẽ đưa ra chẩn đoán tổng quát hơn là chứng ám ảnh cụ thể.

cải thiện bệnh sợ lỗ
Bạn cần đến gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia để được chẩn đoán chính xác.

Tương tự như các rối loạn ám ảnh cụ thể khác, Trypophobia được chẩn đoán khi nỗi sợ, cảm giác ghê tởm và khó chịu khi nhìn thấy các cụm lỗ tròn kéo dài kéo dài từ 6 tháng trở lên.

Đồng thời phải gây ra sự căng thẳng, đau khổ nhất định và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bác sĩ cũng sẽ đánh giá sức khỏe tâm thần để phát hiện các rối loạn đi kèm, như trầm cảm và rối loạn lo âu.

Các phương pháp điều trị hội chứng sợ lỗ

Bệnh nhân mắc hội chứng Trypophobia sẽ được điều trị tương tự như rối loạn ám ảnh cụ thể.

Mục tiêu của điều trị là giúp giảm cảm giác sợ hãi, ghê tởm khi nhìn thấy các vật có cụm lỗ tròn. Đồng thời giúp bệnh nhân giải tỏa cảm xúc và cải thiện chất lượng cuộc sống lâu dài.

1. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý được xem là lựa chọn ưu tiên khi điều trị hội chứng sợ lỗ, và các ám ảnh cụ thể khác.

Phương pháp này tác động vào tâm lý của bệnh nhân nhằm giảm bớt sự sợ hãi. Bên cạnh đó, liệu pháp tâm lý còn giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và giải tỏa cảm xúc căng thẳng, đau khổ.

Tâm lý trị liệu có khá nhiều cách tiếp cận. Tùy theo tình trạng sức khỏe, độ tuổi và các đặc điểm cá nhân của từng trường hợp, chuyên gia sẽ lựa chọn phương pháp can thiệp thích hợp.

– Liệu pháp tiếp xúc (liệu pháp phơi nhiễm):

Liệu pháp tiếp xúc là phương pháp được áp dụng phổ biến trong trị liệu rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Phương pháp này cũng mang lại hiệu quả đối với hội chứng sợ lỗ.

Trong liệu pháp phơi nhiễm, chuyên gia sẽ cho bệnh nhân tiếp xúc với nguồn gốc gây ra nỗi sợ với cường độ tăng dần theo thời gian.

Ban đầu, chuyên gia có thể cho bạn xem hình ảnh các lỗ tròn của bong bóng xà phòng. Sau đó tăng mức độ lên bằng các hình ảnh ghê rợn hơn như lỗ tròn trên đài sen, bề mặt san hô,…

Trong quá trình tiếp xúc, chuyên gia sẽ đồng hành và hướng dẫn bệnh nhân cách đối phó với nỗi sợ cùng các triệu chứng thể chất đi kèm.

điều trị Trypophobia
Liệu pháp tâm lý được xem là liệu pháp hiệu quả nhất hiện nay trong điều trị chứng sọ lỗ.

Mục tiêu lâu dài của liệu pháp phơi nhiễm là loại bỏ nỗi sợ, sự ghê tởm vô lý và giúp bệnh nhân hạn chế các hành vi né tránh.

Hiện tại, liệu pháp phơi nhiễm được đánh giá là phương pháp có hiệu quả nhất khi điều trị hội chứng sợ lỗ.

– Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT):

Bên cạnh liệu pháp phơi nhiễm, liệu pháp nhận thức hành vi cũng được cân nhắc cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ lỗ.

CBT tập trung vào việc thay đổi những suy nghĩ không phù hợp. Thông thường, cảm xúc ghê rợn và sợ hãi khi nhìn thấy các cụm lỗ tròn liên quan đến trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ.

Chuyên gia sẽ giúp bạn tháo gỡ những suy nghĩ tiêu cực, qua đó giúp điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực hơn.

– Các liệu pháp thư giãn:

Ngoài những cách can thiệp trên, chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân một số kỹ thuật thư giãn.

Kỹ thuật thư giãn giúp bệnh nhân giải tỏa, và đối phó những cảm xúc tiêu cực do hội chứng sợ lỗ gây ra. Điều này có thể giảm bớt cảm giác ghê rợn và sợ hãi bằng cách phân tâm suy nghĩ.

Liệu pháp tâm lý thực sự có hiệu quả đối với hội chứng sợ lỗ. Tuy nhiên, quá trình trị liệu sẽ mất khá nhiều thời gian.

2. Sử dụng thuốc

Thuốc không phải là phương pháp chính thức trong điều trị Trypophobia. Tuy nhiên, hội chứng này có thể khiến bệnh nhân bị lo âu, căng thẳng và trầm cảm.

Sử dụng thuốc chỉ là liệu pháp tạm thời nên bệnh nhân bắt buộc phải kết hợp với liệu pháp tâm lý. Trong trường hợp đi kèm với trầm cảm và rối loạn lo âu, bệnh nhân phải sử dụng thuốc dài hạn theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trypophobia
Một số bệnh nhân có thể phải dùng thuốc để giảm tâm trạng căng thẳng, lo âu

Các nhóm thuốc được cân nhắc dùng cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ lỗ (Trypophobia) bao gồm: thuốc chống trầm cảm , thuốc an thần benzodiazepine, thuốc chẹn beta.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Ngoài sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý, bệnh nhân bị hội chứng sợ lỗ có thể thực hiện thêm một số biện pháp hỗ trợ như:

  • Tham gia vào các hội nhóm của những người mắc bệnh để được chia sẻ kinh nghiệm.
  • Chia sẻ vấn đề sức khỏe bản thân gặp phải với những người xung quanh.
  • Thực hiện các biện pháp giải tỏa cảm xúc như ngồi thiền, tập yoga, hít thở sâu, massage, liệu pháp mùi hương,…
  • Dành thời gian rảnh rỗi cho các hoạt động lành mạnh và sở thích của bản thân.
  • Cố gắng ngủ đủ giấc, tránh làm việc quá sức và hạn chế rượu bia, thuốc lá.
  • Xây dựng chế độ ăn cân bằng để cải thiện sức khỏe thể chất và hỗ trợ nâng đỡ tinh thần.
  • Tập thể dục thường xuyên để giảm bớt sự căng thẳng, lo âu, bi quan,…

Chăm sóc sức khỏe thể chất không thể giải quyết nỗi sợ và cảm giác ghê tởm khi nhìn thấy các vật thể có cụm lỗ tròn. Tuy nhiên, thể trạng khỏe mạnh sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát tốt hơn cảm xúc và các triệu chứng thể chất.

Hội chứng sợ lỗ (Trypophobia) là một hội chứng tâm lý ảnh hưởng đáng kể đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Do đó, nếu nghi ngờ bản thân mắc chứng Trypophobia, nên thăm khám sớm để được hỗ trợ kịp thời.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *