Hội chứng sợ chó (Cynophobia): Ảnh hưởng và Cách vượt qua

Chó là loài động vật quen thuộc và là người bạn thân thiết với con người. Tuy nhiên không phải ai cũng yêu quý và thích thú với loài động vật này. Một số người bị ám ảnh và có nỗi sợ dai dẳng đến mức cảm thấy khủng hoảng, sợ hãi, và có những phản ứng mãnh liệt khi đối diện với chó. Nỗi sợ hãi phi lý này được gọi là hội chứng sợ chó hay Cynophobia.  

Thế nào là hội chứng sợ chó?

Cynophobia, hay hội chứng sợ chó, là tình trạng sợ chó cực độ, kéo dài dai dẳng, xảy ra trong mọi tình huống, và gây ra những phản ứng thể chất và tinh thần nghiêm trọng cho ngươi mắc phải. Hội chứng sợ chó là một dạng của chứng sợ động vật Zoophobia, là một loại rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi liên quan đến động vật.

hội chứng sợ chó
Hội chứng sợ chó không phổ biến như sợ gian hay sợ nhện, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày do chó là loài vật thường gặp trong đời sống.

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là một chứng rối loạn tâm thần khiến người bệnh cảm thấy sợ hãi, lo âu, căng thẳng cực độ khi đối diện với một tác nhân cụ thể. Họ cũng có những hành vi phản kháng mãnh liệt, có phản ứng cực đoan với đối tượng dù chúng không gây hại hay đe dọa đến sự an toàn. Trong trường hợp này, tác nhân gây sợ hãi là loài chó.

Những người rơi vào tình trạng này sẽ luôn tránh né mọi địa điểm có chó, và từ chối mọi cơ hội tiếp xúc với đối tượng gây ám ảnh. Trẻ em và người lớn đều có thể mắc phải hội chứng này. Họ không chỉ sợ tiếp xúc với chó, mà ngay cả khi nghe tiếng sủa, tiếng gầm gừ, hay nhìn thấy hình ảnh chó trên tranh ảnh, tivi đều có thể kích phát nỗi sợ hãi.

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là một hội chứng thường gặp ở người. Do đó có rất nhiều trường hợp mắc hội chứng sợ chó được ghi nhận, hầu hết là những trường hợp nghiêm trọng. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, trên thực tế số lượng người bị ảnh hưởng bởi hội chứng này lớn hơn nhiều so với báo cáo được ghi nhận.

Theo thống kê, số lượng người mắc hội chứng sợ rắn, sợ nhện hay sợ dơi phổ biến hơn nhiều so với sợ chó, vì những con vật này mang đến cảm giác ghê sợ và có phần nguy hiểm. Tuy nhiên, những phản ứng của cơ thể khi sợ chó dữ dội và mãnh liệt hơn nhiều, vì chó có ở khắp mọi nơi khiến tần suất tiếp xúc cao hơn.

Hội chứng sợ chó ảnh hưởng đến con người theo nhiều mức độ từ nặng đến nhẹ. Nhiều người không nhận thức được nỗi sợ chó của bản thân là vô lý, vì vậy họ không đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Những người mắc hội chứng không phân biệt nam nữ hay già trẻ, ai cũng có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên phụ nữ và trẻ em chiếm số lượng lớn trong những tình huống được ghi nhận.

Nguyên nhân của hội chứng sợ chó

Nguyên nhân chính xác khiến một người rơi vào tình trạng sợ chó vẫn chưa được làm rõ. Mặc dù đa phần các trường hợp mắc hội chứng này có biểu hiện cụ thể ngay trong thời thơ ấu, nhưng người lớn cũng có thể hình thành hội chứng sợ chó khi trưởng thành sau những biến cố liên quan đến loài chó.

Một trong số những yếu tố được cho là có ảnh hưởng đến việc phát triển hội chứng sợ chó ở người là ám ảnh trong quá khứ. Những người từng bị chó rượt đuổi, đe dọa, hoặc tấn công có thể phát triển hội chứng sợ chó sau tai nạn. Độ tuổi của đối tượng càng nhỏ, và càng bị tấn công dữ dội thì những biểu hiện sợ hãi và bài xích loài chó sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Chó có thể cắn bạn hoặc không, nhưng hành động sửa, gầm gừ và đe dọa sẽ gửi đến tiềm thức một tín hiệu nguy hiểm khiến bạn cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Những ám ảnh kinh hoàng sẽ hiện về mỗi khi đối mặt hoặc nhìn thấy hình ảnh của loài động vật này. Nỗi ám ảnh về chó này cũng được xem là tình trạng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý.

nguyên nhân của hội chứng sợ chó
Những đứa trẻ từng bị chó gầm gừ, đe dọa, tấn công, hoặc chính mắt nhìn thấy chó tấn công người khác dữ dội có thể phát triển thành hội chứng sợ chó về sau.

Một số trường hợp được ghi nhận có biểu hiện của hội chứng sợ chó là do chấn thương não, hoặc mắc một số chứng rối loạn tâm thần như tự kỷ, trầm cảm, thiểu năng trí tuệ, rối loạn lo âu tổng quát, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hoang tưởng,… Những người lạm dụng bia rượu, chất kích thích và bị rối loạn chất gây nghiện cũng có thể hình thành nỗi lo sợ phi lý về một đối tượng nào đó.

Ngoài ra, nếu trong gia đình có người mắc chứng sợ chó, hoặc mắc các chứng rối loạn ám ảnh khác, thì khả năng cao con cái của họ cũng rơi vào trường hợp tương tự. Tình trạng này có thể bao gồm cả tính di truyền và ảnh hưởng từ môi trường. Tuy nhiên chưa có bằng chứng chính xác về cách mà gen di truyền ảnh hưởng, và những gen nào góp phần trong quá trình này.

Sự phát triển nhận thức của trẻ bị ảnh hưởng rất lớn từ gia đình trong thời thơ ấu. Chính vì thế nếu người thân thiết có biểu hiện sợ chó nghiêm trọng, tiềm thức của trẻ cũng sẽ hình thành nỗi sợ vô lý với loài động vật này, dù trẻ chưa từng bị đe dọa hay tấn công. Tâm lý này có thể phát triển thành chứng sợ chó khi trưởng thành.

Biểu hiện và ảnh hưởng của hội chứng sợ chó

Biểu hiện của hội chứng sợ chó thể hiện qua hành vi và cảm xúc của người bệnh khi đối diện với hình ảnh, tranh vẽ, phim liên quan đến chó, hoặc một chú chó thật ngoài đời. Bất cứ sự vật nào liên quan đến chó cũng có thể kích động phản ứng, chứ không nhất thiết phải tiếp xúc với một chú chó thật.

Dù tiếng chó sủa, tiếng gầm gừ, hay một chú chó không có dấu hiệu nguy hiểm vì bị xích vào chuồng cũng có thể gây ra cảm giác hoảng sợ, ám ảnh kinh hoàng cho người bệnh. Ngay cả việc nhìn thấy tranh ảnh, hình minh họa, xem phim có sự xuất hiện của chó, hay tưởng tượng về loài động vật này cũng gây ra những phản ứng dữ dội.

Một số biểu hiện tiêu biểu của người mắc chứng sợ chó bao gồm:

  • Không dám suy nghĩ về chó, từ chối đi đến những nơi có chó. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày, công việc hay học hành.
  • Những người sợ chó nghiêm trọng luôn sợ hãi tiếng sủa, tiếng gầm gừ, và có phản ứng mãnh liệt khi nghe những âm thanh mang tính đe dọa dù chó bị nhốt trong nhà, trong chuồng và không thể gây hại cho người bệnh.
  • Cảm giác sợ hãi, khủng hoảng, thôi thúc chạy trốn kéo đến bất ngờ chiếm lấy tâm trí khi người bệnh đối diện với loài chó, kèm theo một số phản ứng sinh lý như: khó thở, tim đập nhanh, chóng mặt, buồn nôn, khô miện, tay chân run rẩy, đổ mồ hôi, đau ngực, có cảm giác sắp chết vì không thể thở được,… Trong tình trạng nghiêm trọng, người bệnh có thể mất kiểm soát hành vi và ngất xỉu vì sốc.
  • Người bệnh có thể gặp ác mộng liên quan đến chó, mơ thấy bị chó rượt đuổi và đe dọa, hoặc lặp lại những hình ảnh trong quá khứ khi bị chó tấn công.
  • Việc sợ chó có thể phát triển thành tâm lý thù ghét, suy nghĩ tiêu cực, và những phản ứng quá khích khi đối diện với loài động vật này.
biểu hiện của hội chứng sợ chó
Những biểu hiện của hội chứng sợ chó bao gồm phản ứng thể chất và các kích thích tinh thần khiến người bệnh cảm thấy hoảng sợ, choáng ngợp, khó thở,….

Không như rắn hay nhện là những loài động vật hiếm khi nhìn thấy, chó là loài vật nuôi quen thuộc, và xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống của chúng ta. Chính vì thế người mắc hội chứng này sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, vì rất ít cơ hội cho họ né tránh hoàn toàn việc nhìn thấy và tiếp xúc với chó.

Người sợ chó buộc phải tìm một nơi ở tránh xa loài vật này, và hạn chế những điều liên quan đến chó trong công việc hay cuộc sống. Sự bất tiện này khiến họ phải bỏ qua công việc yêu thích, hay cơ hội phát triển tốt hơn. Nỗi sợ hãi này cũng ngăn chặn việc đi du lịch, xem phim, đến thăm nhà bạn bè, hay đi đến những khu vực khác có nguy cơ xuất hiện chó.

Nhiều người sợ đến mức tự nhốt mình trong nhà và hạn chế đi ra đường nếu không cần thiết. Lâu dần, tình trạng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trạng thái tinh thần, và việc duy trì các mối quan hệ xã hội của người bệnh. Người bệnh nhận thức được sự sợ hãi là vô lý, nhưng không có cách nào giữ bình tĩnh khi đối diện với tác nhân kích thích.

Chẩn đoán và điều trị hội chứng sợ chó

Người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa, hoặc chuyên gia tư vấn tâm lý uy tín, nhiều kinh nghiệm, và có bằng cấp rõ ràng để được thăm khám cẩn thận. Những tiêu chí chẩn đoán hội chứng sợ chó sẽ dựa trên những tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi bao gồm:

  • Trạng thái lo sợ, hoảng loạn và ám ảnh khi đối diện với chó kéo dài ít nhất 6 tháng.
  • Nỗi sợ hãi mang tính dai dẳng, không có dấu hiệu thuyên giảm theo thời gian, và xuất hiện trong mọi tình huống.
  • Phản ứng lo sợ, tránh né xuất hiện ngay lập tức khi tiếp xúc với đối tượng kích thích.
  • Người bị ám ảnh hiểu rằng nỗi sợ của bản thân là vô lý nhưng không thể thoát khỏi sự ám ảnh.
  • Sự sợ hãi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày, cả trong cuộc sống, công việc và học tập.
  • Những triệu chứng về chứng sợ chó không  liên quan đến các rối loạn tâm thần khác

D‌ựa vào những tiêu chuẩn trên, kết hợp với bệnh sử gia đình và một số xét nghiệm khác nếu cần, bác sĩ sẽ xác định bệnh nhân có phải mắc hội chứng sợ chó hay không, và mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Từ đó tìm ra phương pháp điều trị phù hợp, hoặc kết hợp nhiều phương pháp để nâng cao hiệu quả.

1. Tâm lý trị liệu

Trị liệu tâm lý tỏ ra có hiệu quả với những đối tượng mắc rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, thông qua hai liệu pháp là liệu pháp tiếp xúc và liệu pháo hành vi-nhận thức. Hai liệu pháp này đều giúp người bệnh thay đổi nhận thức, làm quen với đối tượng gây ám ảnh, từ đó điều chỉnh hành vi và tâm trạng, thoát khỏi nỗi sợ bấy lâu.

điều trị hội chứng sợ chó
Gia đình nên đưa người bệnh đến gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý để được cải thiện tâm lý đúng cách và loại bỏ ám ảnh.
  • Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tiếp xúc, hay liệu pháp giải mẫn cảm, là một trong hai biện pháp được áp dụng trong điều trị hội chứng sợ chó. Đúng như tên gọi, liệu pháp này sẽ giúp người bệnh tiếp xúc và tương tác với tác nhân gây lo âu càng nhiều càng tốt để cơ thể làm quen, dần dần loại bỏ những phản ứng quá khích. Ban đầu, người bệnh chỉ được tiếp xúc với những sự vật gây kích thích nhẹ (tranh ảnh, hoạt hình, phim ảnh), và mức độ tương tác sẽ dần tăng lên cho đến khi tiếp xúc với thực thể từ xa đến gần.
  • Liệu pháp nhận thức-hành vi: Liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT) nhấn manh việc tự nhện thưc cua con người. Bác sĩ sẽ hỗ trợ người bệnh tìm ra những tác nhân ảnh hưởng đến nỗi sợ, từ đó nhận ra nỗi sợ của bản thân là vô lý. Liệu pháp nhận thức-hành vi thường được kết hợp với liệu pháp tiếp xúc, thôi miên và tưởng tượng để trải nghiệm lại sự cố trong quá khứ, học cách đối diện và giải quyết khúc mắc trong lòng. Mục tiêu của phương pháp này là giúp người bệnh kiểm soát nhận thức, cảm xúc và hành vi, có suy nghĩ tích cực về vấn đề

Để hỗ trợ cho quá trình điều trị tâm lý, công nghệ thực tế ảo đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi. Thực tế ảo giúp người bệnh có cảm giác chân thật về cả hình ảnh và âm thanh, dù đang ở trong môi trường an toàn và được kiểm soát như phòng trị liệu. Đây là cách giúp người bệnh dần làm quen với cảm xúc chân thật, và giúp bác sĩ có thể hỗ trợ nhanh chóng khi có bất cứ kích thích mãnh liệt nào.

2. Hóa dược trị liệu

Hóa dược trị liệu là sử dụng các loại thuốc hỗ trợ như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc chẹn beta nhằm hạn chế những triệu chứng sợ hãi, giúp người bệnh ổn định cảm xúc trong những tình huống kích thích quá lớn. Ảnh hưởng của thuốc đến từng đối tượng là khác nhau, vì thế không phải ai cũng phù hợp dùng thuốc.

Hóa dược trị liệu chỉ được khuyên dùng trong những tình huống khẩn cấp, hoặc khi các ảnh hưởng của hội chứng sợ chó đến tinh thần và hành vi của người bệnh là quá lớn. Thuốc không có tác dụng loại bỏ ám ảnh, hay chữa trị chứng sợ chó, mà là giúp người bệnh bình tĩnh, ngủ ngon hơn, và giảm phản ứng quá khích trong quá trình điều trị.

Việc sử dụng thuốc sẽ được kết hợp cùng với điều trị tâm lý nhằm tăng hiệu quả điều trị. Trong quá trình sử dụng thuốc, bệnh nhân cân tuân thủ đúng lời dặn của bác sĩ, không tự ý sử dụng những loại thuốc chưa được cho phép, không tự ý thay đổi liều lượng với mục đích đẩy nhanhh hiệu quả điều trị vì có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm.

3. Các phương pháp cải thiện tại nhà

Ngoài quá trình điều trị và cải thiện nỗi sợ với bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý, người mắc chứng sợ chó cũng có những cách điều trị tại nhà nhằm giúp bản thân vượt qua ám ảnh. Quá trình điều trị tại nhà có tác dụng thúc đẩy hiệu quả trị liệu, giúp chúng ta xử lý tốt hơn khi gặp kích thích.

  • Tránh đẩy bản thân vào tình trạng quá căng thẳng, không nên suy nghĩ quá nhiều về nỗi sợ mà nên tìm việc khác để làm nhằm đánh lạc hướng bản thân.
  • Việc tìm hiểu nhiều hơn về loài chó cũng giúp người bệnh dễ dàng vượt qua những ảnh hưởng xấu do ám ảnh mang đến. Người bệnh nên hiểu được những điều nên làm, và không nên làm khi đứng trước một con chó, hoặc những yếu tố nào có thể kích thích sự giận dữ của chó để né tránh. Chó thường tấn công người khi cảm thấy nguy hiểm, do đó chúng ta có thể ngăn chặn việc kích thích chúng.
  • Tránh bị ảnh hưởng bởi cái nhìn tiêu cực về loài chó, không nên xem những hình ảnh về chó dữ, chó bị dại, hoặc những loài chó to lớn để tránh gây cảm giác sợ hãi
  • Có chế độ sinh hoạt khoa học, ăn ngủ đúng giờ để giữ cho bản thân tỉnh tảo, khỏe mạnh.
  • Tăng cường tập thể dục, thể thao, thiền hoặc giảm stress bằng yoga để bảo vệ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực.
  • Nếu cảm thấy bản thân không thể tự vượt qua nỗi sợ, và cần thời gian để quen dần với việc tiếp xúc với chó thì nên nhờ người thân hay bạn bè giúp đỡ. Hãy tìm những người có thể thuần phục, hoặc quen thuộc với chó mèo để được hướng dẫn cách tiếp xúc an toàn. Chó mèo cũng nên được rọ mõm và cắt móng sạch sẽ để tránh gây tổn thương cho người bệnh trong thời gian đầu làm quen.

Hội chứng sợ chó gây ảnh hưởng đến tinh thần và cuộc sống hàng ngày của người bệnh, khiến họ mất đi nhiều cơ hội và các mối quan hệ trong cuộc sống. Tình trạng căng thẳng khi đối diện với chó kéo dài cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần, khiến người bệnh nhạy cảm và dễ cáu gắt hơn.

Bản thân người bệnh và gia đình nên chủ động đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, hỗ trợ và tìm cách giải quyết tối ưu nhất cho tình trạng này. Có như vậy người bệnh mới có thể quay lại cuộc sống bình thường, không bị những ám ảnh và nỗi sợ trong quá khứ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại.

Có lẽ bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *