Hội chứng Capgras có liên quan đến tình trạng sa sút trí tuệ

Hội chứng Capgras thường gặp ở những bệnh nhân sa sút trí tuệ, tâm thần phân liệt, chấn thương sọ não,… Đặc trưng của hội chứng này là niềm tin phi lý về việc người thân bị giả dạng, mạo danh. Hiện nay, nghiên cứu về bệnh còn hạn chế nên căn nguyên chưa được biết rõ và điều trị còn tồn tại nhiều khó khăn.

Hội chứng Capgras
Hội chứng Capgras đặc trưng bởi niềm tin vô lý về việc những người thân thiết bị giả mạo

Hội chứng Capgras là gì?

Hội chứng Capgras hay hoang tưởng Capgras (Capgras Syndrome) là một trong những hội chứng tâm lý hiếm gặp. Hội chứng này thường xảy ra ở những người bị sa sút trí tuệ, chấn thương não và người có các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Hội chứng Capgras thực chất là một dạng hoang tưởng. Người mắc chứng bệnh này có niềm tin mãnh liệt rằng người thân của mình đã bị thay thế bởi những kẻ giả mạo. Tuy nhiên, họ vẫn có thể nhận diện những người không có mối quan hệ thân thiết (hàng xóm, đồng nghiệp).

Triệu chứng của hoang tưởng Capgras khởi phát khá đột ngột. Bỗng một ngày bệnh nhân trở nên hoảng loạn, liên tục gào thét tên người thân dù họ đang đứng ở trước mặt. Người bệnh có niềm tin mãnh liệt rằng một kẻ mạo danh nguy hiểm nào đó đang giả dạng những người thân yêu.

Ngoài việc không nhận ra người thân, một số bệnh nhân mà còn phát triển ý nghĩ phi lý là đồ vật, ngôi nhà và thú cưng đều đang bị mạo danh. Đến nay các chuyên gia vẫn chưa thể lý giải cơ chế bệnh sinh và xác định được căn nguyên của bệnh.

Hoang tưởng Capgras là hội chứng tâm lý rất hiếm gặp. Hội chứng này đa số gặp ở phụ nữ, đặc biệt là người trung niên và cao tuổi. Trẻ em rất hiếm khi mắc phải chứng hoang tưởng “những khuôn mặt thân thuộc”.

Nguồn gốc của hội chứng hoang tưởng Capgras

Hội chứng Capgras là một dạng hoang tưởng nhận dạng, đặc trưng bởi niềm tin vô lý về việc cha mẹ, bạn đời, người thân và bạn bè thân thiết đã bị mạo danh bởi một kẻ nào đó. Hội chứng này được đặt theo tên của Bác sĩ Tâm thần người Pháp Joseph Capgras (1873–1950) – người đầu tiên đề cập đến hoang tưởng Capgras.

Vào năm 1923, bác sĩ Joseph Capgras cùng với các cộng sự nhận thấy các dấu hiệu kỳ lạ ở bệnh nhân nữ. Người bệnh này nhất định tin rằng bạn đời và con cái đã bị thay thế. Người thân thật sự của cô có thể đang bị bắt cóc và những người hiện tại chỉ là bản sao. Bệnh nhân cũng tự nhận mình là công tước Salandra – con cháu của vua Louis XVIII.

Đến năm 1942, bác sĩ Joseph Capgras tiếp tục gặp một trường hợp có biểu hiện hoang tưởng Capgras. Bệnh nhân này tiếp tục là nữ với độ tuổi còn khá trẻ. Người bệnh cho rằng bố ruột của mình đã bị thay thế, mạo danh. Sau nhiều năm nghiên cứu, bác sĩ đã quyết định đặt tên cho căn bệnh này là hội chứng Capgras.

Nhận biết hội chứng hoang tưởng Capgras

Hoang tưởng Capgras đặc trưng bởi niềm tin mãnh liệt về việc người thân, bạn bè, thậm chí thú cưng bị mạo danh. Hoang tưởng tức là những niềm tin được hình thành một cách vô lý, không phù hợp với tình huống thực tế trong cuộc sống.

Hội chứng Capgras
Bệnh nhân hoang tưởng Capgras luôn cảm thấy nghi ngờ, bất an, thậm chí hung hăng vì cho rằng người thân đang bị mạo danh

Ý nghĩ về việc người thân bị giả mạo có thể khiến bệnh nhân trở nên hung hăng, gây hấn với chính những người thân yêu. Dù hiếm gặp nhưng đã có trường hợp bệnh nhân giết hại người thân vì cho rằng đó là kẻ giả mạo với mục đích xấu.

Một điều đặc biệt là nếu không nhìn mà chỉ nghe âm thanh qua giọng nói, khả năng nhận diện người thân sẽ trở lại bình thường. Hoang tưởng Capgras hiếm khi là tình trạng đơn độc mà thường có liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần và các bệnh lý thần kinh. Do đó, bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng khác.

Nguyên nhân gây ra hội chứng Capgras

Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng Capgras chưa được biết rõ. Dù vậy, đã có rất nhiều giả thuyết được đặt ra. Ban đầu, hội chứng này chỉ xảy ra ở nữ giới nên các chuyên gia tin rằng nguyên nhân có thể do nội tiết hoặc những bệnh lý thực thể thường gặp ở phụ nữ. Cho đến năm 1936, các bác sĩ phát hiện hoang tưởng Capgras cũng gặp ở bệnh nhân nam.

Hiện nay, các nghiên cứu về hoang tưởng Capgras còn khá hạn chế. Các giả thuyết được đặt ra chủ yếu dựa trên những nghiên cứu quy mô nhỏ và thống kê dịch tễ.

Một số yếu tố được cho là có liên quan đến hội chứng hoang tưởng Capgras:

1. Sa sút trí tuệ

Hội chứng Capgras là tình trạng khá phổ biến ở những bệnh nhân bị sa sút trí tuệ (Alzheimer, mất trí nhớ,…). Các chuyên gia tin rằng, sa sút trí tuệ làm suy giảm trí nhớ và khiến người bệnh thay đổi cảm quan thực tế. Đặc biệt, hội chứng Capgras rất phổ biến ở bệnh nhân Alzheimer.

Hội chứng Capgras trong sa sút trí tuệ
Hoang tưởng Capgras là hội chứng tâm lý thường gặp ở những bệnh nhân sa sút trí tuệ

Ngoài việc cho rằng người thân của mình đang bị thay thế, giả dạng, một số bệnh nhân không nhận ra chính mình trong gương. Có xu hướng đối xử với những nhân vật trong phim ảnh như người thật. Bên cạnh hoang tưởng Capgras, sa sút trí tuệ còn gây ra những dạng hoang tưởng khác như hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị hại,…

Ở bệnh nhân Alzheimer, sự tích tụ bất thường các protein trong não được cho là nguyên nhân hình thành hoang tưởng Capgras. Ngoài ra, bệnh nhân mất trí nhớ thể Lewy cũng có thể mắc phải hội chứng này. Nhìn chung, các dạng sa sút trí tuệ được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng Capgras.

2. Tâm thần phân liệt

Hoang tưởng là một trong những triệu chứng chính của tâm thần phân liệt. Người mắc chứng bệnh này có thể xuất hiện hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị truy hại, hoang tưởng tự cao và một số ít xuất hiện hoang tưởng Capgras.

3. Chấn thương não

Hội chứng Capgras có liên quan đến chấn thương não. Các chuyên gia nhận thấy, chấn thương ở bán cầu não phải – vùng xử lý nhận dạng khuôn mặt là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc hoang tưởng Capgras. Khi vùng não này bị tổn thương, bệnh nhân sẽ không thể nhận dạng những người thân yêu và cho rằng họ đang bị thay thế.

Hội chứng Capgras trong sa sút trí tuệ
Chấn thương não bộ được xem là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc hội chứng hoang tưởng Capgras

4. Chấn thương tâm lý nghiêm trọng

Một thống kê được thực hiện vào năm 1980 cho thấy, khoảng 30% bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng Capgras đều phải bị chấn thương tâm lý nghiêm trọng.

Biến cố quá lớn gây ức chế, rối loạn một số vùng ở não bộ bao gồm cả vùng xử lý nhận dạng khuôn mặt. Do đó, sau khi trải qua chấn thương tâm lý, một số bệnh nhân có biểu hiện hoang tưởng Capgras. Thống kê cho thấy, đa phần bệnh nhân đều bị chấn thương tâm lý do trải qua tai nạn giao thông nghiêm trọng.

5. Một số yếu tố khác

Ngoài những yếu tố kể trên, hội chứng Capgras còn liên quan đến những yếu tố khác nhau:

  • Động kinh
  • Teo não, rối loạn chức năng não
  • Các rối loạn tâm thần khác

Ảnh hưởng của hội chứng Capgras

Hội chứng Capgras thực chất là một dạng hoang tưởng hiếm gặp. Khi mắc phải hội chứng này, người bệnh có niềm tin mãnh liệt rằng người thân, thậm chí thú nuôi và vật dụng trong gia đình đang bị thay thế/ mạo danh. Niềm tin được hình thành một cách phi lý chi phối cả cảm xúc và hành vi của người bệnh.

Người mắc chứng hoang tưởng Capgras luôn ở trong trạng thái đề phòng, hung hăng, sẵn sàng gây hấn với người thân vì tin rằng đó là kẻ giả mạo. Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân tấn công gây tổn thương thể chất nghiêm trọng cho những người xung quanh.

Ngoài ra, hoang tưởng về việc người thân bị thay thế/ mạo danh cũng khiến cho bệnh nhân thường trực cảm giác căng thẳng và sợ hãi. Trạng thái tinh thần không ổn định sẽ làm nghiêm trọng các vấn đề sức khỏe thể chất và tâm thần đi kèm.

Không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người bệnh, hội chứng Capgras cũng gây ra những phiền toái cho người thân, bạn bè. Một số trường hợp bệnh nhân bị cưỡng chế điều trị nội trú để đảm bảo an toàn cho gia đình.

Chẩn đoán hội chứng Capgras

Đánh giá sức khỏe tâm thần thường được sử dụng để chẩn đoán hội chứng Capgras. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ khai thác tiền sử bệnh lý, các loại thuốc đang sử dụng, loại trừ nguy cơ nghiện rượu, nghiện chất, chụp MRI, CT não,…

Hội chứng Capgras trong sa sút trí tuệ
Chẩn đoán hội chứng Capgras dựa vào đánh giá sức khỏe tâm thần, chụp CT, MRI não bộ,…

Hoang tưởng Capgras là tình trạng rất hiếm gặp và chưa được đề cập chính thức trong Cẩm nang Chẩn đoán 7 Thống kê các rối loạn tâm thần phiên bản thứ 5 (DSM-5). Do đó, chẩn đoán chứng bệnh này chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ.

Điều trị hội chứng hoang tưởng Capgras bằng cách nào?

Hội chứng Capgras là một trong những hội chứng tâm lý hiếm gặp và chưa được nghiên cứu nhiều. Hiện nay, lựa chọn điều trị cho hội chứng này còn khá hạn chế. Hóa dược trị liệu và liệu pháp tâm lý được đánh giá là phương pháp tối ưu nhất cho bệnh nhân hoang tưởng Capgras.

1. Tâm lý trị liệu

Liệu pháp tâm lý được xem là phương pháp hiệu quả nhất cho đến thời điểm hiện tại. Mấu chốt của phương pháp này là xây dựng sự tin tưởng với người bệnh và nhà trị liệu. Có như vậy, bệnh nhân mới có thể hợp tác trong quá trình trị liệu và cởi mở hơn với những yêu cầu/ đề nghị của chuyên gia.

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) mang lại những cải thiện rõ rệt đối với bệnh nhân mắc hội chứng Capgras. Liệu pháp này giúp chuyên gia đánh giá tác động qua lại giữa nhận thức (suy nghĩ), cảm xúc và hành vi của người bệnh. Sau quá trình trị liệu, bệnh nhân sẽ dần loại bỏ niềm tin phi lý và chấp nhận khuôn mặt của những người thân trong gia đình.

Hội chứng Capgras
Tâm lý trị liệu nói chung và liệu pháp nhận thức hành vi nói riêng là phương pháp hiệu quả nhất với hội chứng Capgras

Ngoài ra, tâm lý trị liệu cũng giúp ích rất nhiều cho các vấn đề sức khỏe đi kèm như tâm thần phân liệt, rối loạn phân ly,… Khi các bệnh lý này được kiểm soát, biểu hiện của hội chứng Capgras cũng thuyên giảm đáng kể.

Dù được đánh giá là phương pháp triển vọng và hiệu quả nhất, song trị liệu tâm lý cho bệnh nhân hoang tưởng Capgras còn nhiều hạn chế. Ở nước ta, tâm lý trị liệu chưa thực sự phổ biến nên nhiều gia đình còn ngần ngại cho bệnh nhân can thiệp.

2. Hóa dược trị liệu

Như đã đề cập, hội chứng Capgras là một dạng hoang tưởng. Do đó, có thể sử dụng thuốc để làm giảm triệu chứng. Các loại thuốc được cân nhắc dùng cho bệnh nhân hoang tưởng Capgras bao gồm:

Hội chứng Capgras trong sa sút trí tuệ
Sử dụng thuốc có thể làm giảm tình trạng hoang tưởng ở bệnh nhân mắc hội chứng Capgras
  • Thuốc chống loạn thần: Thuốc chống loạn thần là nhóm thuốc mang lại hiệu quả trong việc điều trị hoang tưởng nói chung và hoang tưởng Capgras nói riêng. Sau khi dùng thuốc, bệnh nhân dần hồi phục và có thể nhận diện khuôn mặt những thành viên trong gia đình. Các loại thuốc chống loạn thần thông dụng bao gồm Clonazepam, Risperidone, Sertraline,…
  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm, đặc biệt là nhóm SSRIs được chứng minh có hiệu quả trong một vài trường hợp mắc hoang tưởng Capgras. Nhóm thuốc này giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng đau khổ, buồn bã và dần dần phục hồi khả năng nhận diện khuôn mặt.
  • Thuốc ức chế cholinesterase (AChEI): Thuốc ức chế cholinesterase có tác dụng tăng nồng độ của các chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine. Nhóm thuốc này được sử dụng cho hội chứng Capgras ở bệnh nhân sa sút trí tuệ. Thuốc giúp ích trong việc cải thiện trí nhớ và khả năng phán đoán, từ đó làm giảm hoang tưởng về việc người thân bị giả mạo, thay thế.

3. Điều trị các bệnh lý liên quan

Hội chứng Capgras có liên quan đến nhiều bệnh lý như sa sút trí tuệ, chấn thương sọ não, động kinh, tâm thần phân liệt,… Để kiểm soát bệnh hiệu quả, cần điều trị các vấn đề sức khỏe đi kèm. Ngoài sử dụng thuốc, phục hồi chức năng và phẫu thuật cũng được cân nhắc.

Hướng dẫn chăm sóc người mắc hội chứng Capgras

Bệnh nhân hoang tưởng Capgras cần được chăm sóc đặc biệt để tránh các hành vi gây hấn, làm tổn thương những người xung quanh. Chăm sóc người mắc chứng bệnh này cần sự kiên nhẫn, thấu hiểu – nhất là khi người bệnh luôn cho rằng người thân là kẻ mạo danh.

Khi chăm sóc bệnh nhân Capgras, cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Trước tiên, nên trang bị kiến thức về hoang tưởng Capgras và vấn đề sức khỏe mà bệnh nhân mắc phải (sa sút trí tuệ, động kinh,…). Hiểu biết về bệnh sẽ giúp gia đình chăm sóc, hỗ trợ đáng kể cho bệnh nhân trong quá trình điều trị.
  • Bệnh nhân có thể gây hấn và tranh cãi gay gắt với những người thân trong gia đình vì tin rằng đó là kẻ giả mạo. Để tránh những tình huống đáng tiếc, tốt nhất không nên tranh cãi và không ép buộc bệnh nhân phải thay đổi suy nghĩ.
  • Thừa nhận cảm xúc và suy nghĩ của người bệnh. Đây là cách tốt nhất để hạn chế các mâu thuẫn, tranh cãi. Để có kỹ năng xử lý tốt tình huống, gia đình có thể trao đổi thêm với bác sĩ.
  • Bệnh nhân hoang tưởng Capgras có thể nhận diện người thân qua lời nói. Vì vậy trước khi xuất hiện, có thể chào hỏi người bệnh để tạo cảm giác thân thuộc.
  • Hội chứng Capgras thường gặp ở bệnh nhân sa sút trí tuệ. Để cải thiện hội chứng này, gia đình nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và khuyến khích người bệnh tập thể dục mỗi ngày. Lối sống khoa học sẽ hỗ trợ đáng kể trong việc cải thiện trí nhớ và tăng khả năng nhận dạng.
  • Trường hợp cần thiết, nên cho bệnh nhân điều trị nội trú để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.

Hội chứng Capgras là một dạng hoang tưởng đặc biệt, thường gặp ở những bệnh nhân sa sút trí tuệ. Đây là hội chứng tâm lý vô cùng hiếm gặp nên ít được quan tâm và đề cập. Hy vọng những thông tin giúp ích cho bạn đọc trong việc trang bị kiến thức để có thể nhận diện và phát hiện sớm chứng bệnh này.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *