Hoang Tưởng Bị Hại Là Gì? Nguy Hiểm Như Thế Nào?

Người mắc chứng hoang tưởng bị hại luôn có niềm tin rằng đang có những người theo dõi, muốn làm hại mình nên bắt đầu có các hành vi tấn công những người xung quanh trong trạng thái mất kiểm soát. Đây là một dạng hoang tưởng vô cùng nguy hiểm, không thể tự khỏi nếu không sớm có biện pháp điều trị kịp thời.

Hoang tưởng bị hại là gì?

Hoang tưởng bị hại là một trong những dạng rối loạn hoang tưởng phổ biến hiện nay (gồm hoang tưởng bị hại, ghen tuông hoang tưởng, hoang tưởng cơ thể, hoang tưởng được yêu, hoang tưởng tự cao). Đặc trưng của tình trạng này chính là người bệnh luôn có niềm tin rằng đang có người hay một thế lực nào đó có âm mưu làm hại mình, cảm giác như luôn có mối nguy hiểm kề cận nên luôn trong trạng thái đề phòng. Thậm chí họ còn có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ mình.

Hoang tưởng bị hại
Người mắc chứng hoang tưởng bị hại luôn có niềm tin rằng có người đang theo dõi, làm hại mình

Điểm chung của những người mắc chứng hoang tưởng chính là họ luôn nghi ngờ xung quanh và luôn cho rằng mình đúng, niềm tin ấy vô cùng mãnh liệt nên cho dù ai có đưa ra bằng chứng nào cũng không thể thay đổi suy nghĩ này. Họ dành rất nhiều thời gian để bảo vệ mình. Những hành động hết sức bình thường của những người xung quanh cũng đều trở thành nguy hiểm hoặc mang tính chất khiêu khích, coi thường thông qua con mắt của những người mắc chứng hoang tưởng.

Hiện tại, vẫn chưa thể biết chính xác cơ chế gây chứng hoang tưởng bị hại nên bệnh thường được giải thích thông qua các mô hình xã hội – sinh lý – tâm lý (biopsychosocial model). Cụ thể, theo các chuyên gia, nguyên nhân gây hoang tưởng bị hại có thể liên quan đến các vấn đề sau

  • Bị ngộ độc rượu, ma túy người người nghiện các chất này
  • Người mắc các bệnh tâm lý, tâm thần chẳng hạn như tâm thần phân liệt, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ám ảnh, loạn thần do nghiện bia rượu
  • Người có cấu tạo thể chất bất thường, dị tật bẩm sinh hay một số thiếu sót về não bộ làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách
  • Người gặp các chấn thương làm ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ như chấn thương sọ não, trải qua các cuộc phẫu thuật não kéo dài,  nhiễm trùng thần kinh, các bệnh mạch máu não hay nhiễm độc thần kinh..
  • Người có trải nghiệm thơ ấu kinh hoàng, chẳng hạn bị bắt cóc, bị bạo lực, lạm dụng tình dục.

Người mắc chứng này cũng rất dễ mắc đồng thời với các bệnh tâm lý khác như trầm cảm hay rối loạn lo âu nên đôi khi cũng gây khó khăn trong việc chẩn đoán cũng như làm các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn.  Bệnh có xu hướng gặp ở những người trong độ tuổi trung niên hoặc cuối đời, chức năng tâm lý thường bị suy giảm do có liên quan đến các niềm tin vô lý của họ.

Triệu chứng của hoang tưởng bị hại

Các dấu hiệu điển hình của hoang tưởng chính là có xu hướng chống đối người khác, nghi ngờ, luôn trong tư thế phòng bị vì cho rằng sẽ có người tấn công mình. Điều này dẫn tới họ luôn trong trạng thái căng thẳng, dễ kích động và làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống hằng ngày. Những người mắc bệnh này cũng khó có thể tham gia các hoạt động sinh hoạt hằng ngày hoặc gặp khó khăn trong việc đi học, đi làm như những người bình thường.

Hoang tưởng bị hại
Niềm tin về việc bị làm hại khiến người bệnh luôn sống trong trạng thái lo lắng và căng thẳng

Cụ thể, một số dấu hiệu điển hình của căn bệnh này như

  • Luôn có niềm tin rằng đang có một người, một tổ chức hay một thế lực nào đó đang theo dõi hay chuẩn bị hãm hại mình. Người bệnh có thể chia sẻ với một vài người và yêu cầu được bảo vệ nhưng không được tin tưởng. Nếu người bệnh vô tình bị quẹt xe hoặc gặp một số tình huống gây nguy hiểm thì sẽ càng khẳng định niềm tin của mình. Đặc biệt niềm tin của họ cực kỳ chắc chắn và không điều gì có thể làm thay đổi suy nghĩ này. Thậm chí bản thân họ cũng đưa ra những lập luận cực kỳ logic cho niềm tin của bản thân
  • Rối loạn cảm xúc và hành vi được biểu hiện khá rõ ở những người mắc chứng hoang tưởng bị hại. Họ luôn có những cảm lẫn lộn, thay đổi bất ngờ, chẳng hạn như khóc ở đám cưới, cười ở đám ma. Có những người họ bỗng nhiên vô cùng yêu quý, thân thiết như quen từ rất lâu nhưng nếu ghét ai sẽ luôn xa lánh hay thậm chí làm hại họ.
  • Rối loạn giấc ngủ là tình trạng gặp ở hầu hết những người mắc bệnh này. Họ thường cảm thấy khó ngủ, ngủ không ngon giấc, thậm chí gặp ác mộng. Do luôn lo lắng có mối nguy hiểm rình rập nên lúc nào tâm trí họ cũng “ăn không ngon, ngủ không yên” nên giấc ngủ luôn chập chờn, khó ngủ sâu giấc
  • Có xu hướng đi lang thang với đôi mắt thẫn thờ, vô hồn hoặc vừa đi vừa nói lảm nhảm, một số lại chửi những người xung quanh mà không có thể nghe được họ nói gì
  • Rối loạn ảo giác, một số người có thể nghe thấy ảo thanh hay nhìn thấy ảo giác. Chẳng hạn rất nhiều người cho rằng trong tai họ cũng luôn có những lời nói khuyến khích họ tấn công những người xung quanh hay bắt ép mình phải làm điều này, điều kia
  • Một số bệnh nhân có biểu hiện như bị “ma nhập”, chẳng hạn như la hét, quằn quại, gào thét.. tất cả đều được diễn ra một cách đột ngột – đây chính là dấu hiệu của rối loạn tâm thần nặng
  • Tấn công người khác bởi họ có thể nhầm lẫn, cho rằng người đó là kẻ thù, người đang âm mưu làm hại mình hoặc bản thân họ nghe được những tiếc nói trong đầu đang thúc giục họ thực hiện
  • Dễ bị giật mình, kém tập trung, thậm chí một số người không dám ăn, không dám tắm rửa vì sợ kẻ thù hạ độc
  • Nếu nhất định phải ra ngoài sẽ mặc đồ rất kín đáo, chẳng hạn như đội mũ, đeo kính râm để bảo vệ bản thân, một số người còn có cả xu hướng mang theo vũ khí để bảo vệ bản thân
  • Không tin tưởng những những người xung quanh nên thường không để ai động vào mình. Chẳng hạn một số bệnh nhân hoang tưởng bị hại thường có mái tóc dài bù xù, bết dính, rất lâu rồi họ chưa cắt tóc, gội đầu vì họ cho rằng những thợ cắt tóc có thể dùng kéo làm hại mình
  • Tâm lý tiêu cực, dễ kích động và ngay chính bản thân họ cũng không thể nào kiểm soát được những nguy nghĩ của mình

Các triệu chứng hoang tưởng của người bệnh thường được nhận thấy một cách cực kỳ rõ ràng bởi ngay cả khi bạn đưa ra một bằng chứng rõ ràng về việc họ không bị theo dõi nhưng vẫn không thể nào khiến họ tin tưởng. Mặt khác cũng rất khó kiểm soát được những người mắc bệnh này bởi họ luôn có xu hướng đi lang thang, rất khó tìm kiếm. Do đó những người xung quanh thường đánh giá người mắc bệnh này là người “điên”.

Hoang tưởng bị hại có nguy hiểm không?

Rối loạn hoang tưởng hay hoang tưởng bị hại nói chung đều là những căn bệnh cực kỳ nguy hiểm. Với bản thân người bệnh, do luôn sống trong lo lắng, không dám ăn uống, ngủ không đủ nên sức khỏe cũng sa sút trầm trọng. Hầu hết những người mắc bệnh này đều có thân hình gầy gò, không sạch sẽ do họ đã đi lang thang từ rất lâu.

Hoang tưởng bị hại
Do có những ảo thanh và những hoang tưởng về việc bị làm hại khiến người người chọn cách “ra tay trước” để bảo vệ bản thân

Mặt khác, mức độ nguy hiểm của hoang tưởng bị hại còn nằm ở các hành vi khi họ bị kích động. Một số người cho rằng đối phương đang muốn làm hại họ và họ chọn cách ra tay trước, tấn công người mà họ cho là “kẻ thù”. Trong cơn hoang tưởng họ hoàn toàn cho rằng đối phương đang tấn công mình và không có cách nào nhìn ra hiện thực.

Rất nhiều trường hợp thực tế tương tự đã xảy ra chỉ bởi gia đình không thể phát hiện và đưa người bệnh đi thăm khám kịp thời. Khi người bệnh đang rơi vào trạng thái kích thích, thấy ảo thanh, ảo thị dường như họ có một sức mạnh lớn nên nếu không biết cách sẽ rất khó để giúp họ bình tĩnh và ngăn cản các hành vi quá khích. Bởi thế những người xung quanh cũng rất dễ bị tổn thương khi can ngăn người bệnh.

Rất nhiều người đã rơi vào vòng lao lý vì làm hại những người xung quanh. Tuy nhiên nếu được xác định là mắc bệnh tâm thần thì bệnh nhân không phải chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng vẫn sẽ phải chịu quản chế khá gắt gao từ nhà nước. Mặt khác người bệnh nếu rơi vào tình trạng này khó có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.

Một số bệnh nhân mắc tâm thần phân liệt dễ tới hoang tưởng bị hại vẫn có thể tham gia cuộc sống sinh hoạt như bình thường và đặc biệt họ còn lên các kế hoạch cho cuộc tấn công “kẻ thù”. Mặt khác ở một số bệnh nhân trầm cảm hay rối loạn lo âu cũng có xu hướng tự tử do trong đầu họ luôn có những lời nói kích động khiến bản thân họ không thể chịu đựng nổi.

Nói chung, hoang tưởng bị hại là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm cần được điều trị sớm. Gia đình hay những người xung quanh khi thấy ai có những biểu hiện nay nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện tâm thần hay các trung tâm tâm lý để được hỗ trợ tốt nhất.

Hướng điều trị hoang tưởng bị hại

Cần biết rằng, hoang tưởng bị hại cũng như các vấn đề tâm lý, tâm thần nói chung nếu không thực hiện điều trị sẽ không thể khỏi bệnh. Sự hỗ trợ của thuốc và chuyên môn của các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý sẽ chính là sợi dây dẫn lối giúp người bệnh nhanh chóng trở về với cuộc sống bình thường. Tuy nhiên cũng còn phụ thuộc vào từng trường hợp, bệnh nhân cũng như sự giúp sức của gia đình.

Điều trị bằng thuốc

Mục đích chính của việc dùng thuốc chính là xoa dịu thần kinh, kiểm soát được các trạng thái quá khích của người bệnh hoặc giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ cho bệnh nhân hoang tưởng bị hại. Trong một vài trường hợp, bệnh nhân cũng có thể phải điều trị nội trú tại bệnh viện trong thời gian đầu để phòng tránh nguy cơ họ lang thang hoặc xuất hiện các hành vi quá khích mà người nhà không thể kiểm soát.

Hoang tưởng bị hại
Một số loại thuốc có thể giúp kiểm soát trạng thái tâm lý bất thường của bệnh nhân

Các nhóm thuốc phổ biến thường được sử dụng cho bệnh nhân hoang tưởng bị hại như

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRIs), thường nhất là fluoxetine (Prozac), fluvoxamine (Luvox) hay paroxetin (Paxil)
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng, điển hình là clomipramine (Anafranil) và imipramine (Tofranil)
  • Thuốc an thần, thuốc hỗ trợ giấc ngủ
  • Một số loại thực phẩm chức năng bổ thần kinh, thuốc hỗ trợ giấc ngủ cũng được chỉ định để ổn định tâm trí của người bệnh tốt hơn

Gia đình cần cố gắng kiểm soát việc dùng thuốc của người bệnh. Cần phải dùng thuốc duy trì đều đặn, đúng cách, đúng liều thì mới có thể đem đến kết quả tốt nhất. Ngưng thuốc quá sớm hay lạm dụng thuốc quá mức đều gây ra rất nhiều hệ lụy xấu và tăng nguy cơ bệnh tái phát trở lại nên gia đình cần chú ý.

Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý sẽ được kết hợp song với dùng thuốc để loại bỏ niềm tin của người bệnh về các mối nguy hiểm xung quanh. Chuyên gia tâm lý sẽ nói chuyện nhẹ nhàng với bệnh nhân để cho họ biết niềm tin của họ là vô lý, là không có thật. Bằng chuyên môn của mình, nhà trị liệu sẽ loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực, nỗi ám ảnh ra khỏi tâm trí của người bệnh và thay thế bằng các suy nghĩ tích cực, kéo người bệnh về với thực tại.

Hoang tưởng bị hại
Trị liệu tâm lý được đánh giá là biện pháp tốt nhất với những người mắc bệnh

Liệu pháp nhận thức hành vi, thôi miên, liệu pháp phơi nhiễm là những biện pháp có thể được chỉ định cho những bệnh nhân hoang tưởng bị hại. Bệnh nhân nếu đáp ứng với các liệu pháp này có thể cải thiện rất tốt các triệu chứng, tinh thần tỉnh táo hơn, loại bỏ được được các ảo thanh, ảo thị hoang tưởng.

Mặt khác việc phối hợp giữa trị liệu tâm lý và dùng thuốc có thể ngăn chặn được các hành vi nguy hiểm của người bệnh với những người xung quanh. Các chuyên gia tâm lý đồng thời cũng hướng dẫn người bệnh cách kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ, học cách suy nghĩ tích cực để cải thiện các triệu chứng hoang tưởng bị hại hiệu quả.

Bên cạnh đó, gia đình hay những người sống cùng cũng nên tham gia các buổi trị liệu tâm lý cùng người bệnh để biết cách hỗ trợ và kiểm soát người bệnh hiệu quả hơn. Việc chăm sóc những người mắc bệnh cũng không hề đơn giản nên trò chuyện cùng chuyên gia tâm lý còn giúp hạn chế được tối đa nguy cơ gặp các vấn đề tâm lý cho chính những người thân trong gia đình.

Chăm sóc tại nhà

Bản thân người bệnh cần phải ý thức và tự hiểu về tình trạng bệnh của bản thân thì việc điều trị mới thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó sự hỗ trợ từ gia đình cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng để đẩy lùi bệnh tốt nhất. Gia đình và những người xung quanh nên kiên nhẫn, nói chuyện nhẹ nhàng và không nên có thái độ xa lánh, kỳ thị người bệnh.

Hoang tưởng bị hại
Thiền sẽ giúp người bệnh duy trì sự bình tĩnh, tích cực, hạn chế được trạng thái kích động

Một số lưu ý trong chế độ chăm sóc tại nhà có thể giúp ích cho người bệnh như

  • Thực hành thiền hằng ngày sẽ giúp duy trì tâm trí trong trạng thái cân bằng, kiểm soát được trạng thái kích động, học cách giữ bình tĩnh và nhìn nhận các vấn đề một cách tích cực hơn. Người bị hoang tưởng cực kỳ nên thực hành thiền hằng ngày sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình trị liệu
  • Đảm bảo ngủ đủ giấc, nên đi ngủ trước 11h, thiếu ngủ sẽ làm tinh thần dễ kích động hơn
  • Tránh xa bia rượu, thuốc lá, đồ uống có cồn hay bất cứ chất kích thích nào
  • Cố gắng tạo ra không gian sống thoải mái cho người bệnh, tránh xa căng thẳng, lo âu hay các cuộc tranh cãi
  • Trò chuyện với người bệnh hằng ngày với thái độ vui vẻ, thoải mái, nhẹ nhàng, chia sẻ tâm trạng với người bệnh để giải tỏa những căng thẳng trong tâm trí của họ
  • Hướng người bệnh đến các hoạt động cần có sự tập trung cao độ để loại bỏ các suy nghĩ ám ảnh trong tâm trí
  • Khiến người bệnh cảm thấy bản thân mình có ích thông qua việc tham gia các hoạt động từ thiện hay thực hiện các công việc có thể kiếm tiền
  • Gia đình cũng cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh, tăng cường rau xanh, các loại hạt, các thực phẩm tốt cho não bộ

Hoang tưởng bị hại là căn bệnh tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho bản thân người bệnh và những người xung quanh nên tuyệt đối không được chủ quan. Gặp gỡ bác sĩ tâm lý, tâm thần từ sớm chính là giải pháp tốt nhất cho những người mắc căn bệnh này. Gia đình cũng cần thực sự kiên trì bên cạnh động viên, chăm sóc, hỗ trợ để người bệnh nhanh chóng quay trở lại với cuộc sống bình thường.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *