Cách chăm sóc người mắc bệnh trầm cảm tại nhà

Trầm cảm là bệnh lý tâm thần phổ biến, có thể ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ cảm xúc, suy nghĩ và hành động của bệnh nhân. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm, căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 850.000 người. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cách chăm sóc người mắc bệnh trầm cảm tại nhà theo khuyến cáo từ các chuyên gia.

Cách chăm sóc người mắc bệnh trầm cảm tại nhà
Bệnh nhân trầm cảm luôn cần đến sự giúp đỡ, đồng hành của những người thân thương.

Hướng dẫn cách chăm sóc người mắc bệnh trầm cảm

Bệnh trầm cảm được đặc trưng bởi khí sắc trầm buồn và hiện tượng suy giảm hứng thú với cuộc sống trong một khoảng thời gian dài. Dạng rối loạn tâm thần này khá phổ biến (chiếm tỷ lệ 3% ở đàn ông và 9% ở phụ nữ), có xu hướng kéo dài và thường xuyên tái phát.

Các chuyên gia cho biết, nguy cơ bị bệnh trầm cảm trong suốt cuộc đời mỗi người ước tính vào khoảng 15 – 25%. Trong đó, nữ giới dễ mắc bệnh hơn nam giới.

Các dấu hiệu nhận biết điển hình của căn bệnh này bao gồm:

  • Thay đổi về giấc ngủ: mất ngủ, thiếu ngủ, khó ngủ, ngủ nhiều hơn bình thường, hay gặp ác mộng, cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy…
  • Thay đổi khẩu vị: chán ăn, ăn không ngon miệng, ăn nhiều bất thường
  • Buồn bã, khó chịu, dễ cáu gắt và hay kích động
  • Thiếu tập trung, hay phân vân, lo lắng, khó tự đưa ra quyết định
  • Tự ti, chán chường, thất vọng, bế tắc, cảm thấy kém cỏi
  • Mất hứng thú với cuộc sống thường ngày

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Nếu phát hiện người thân, bạn bè xuất hiện những biểu hiện trên, độc giả hãy khuyến khích họ đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.

1. Tự chuẩn bị tâm lý khi chăm sóc bệnh nhân

Vì đây là một dạng rối loạn tâm thần nên đa số người bệnh khó chấp nhận bản thân đang bị bệnh, nhất là trong giai đoạn đầu. Hơn nữa, bệnh nhân cũng khá nhạy cảm và dễ tổn thương. Vì vậy, bạn cần cố gắng cư xử khéo léo và chăm sóc cẩn thận nhằm giúp đỡ họ nhanh chóng vượt qua căn bệnh này.

Trong quá trình chữa bệnh, họ sẽ thường xuyên than phiền về những rối loạn cơ thể như: chóng mặt, mất ngủ, đau bụng, nhức đầu, đánh trống ngực… Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng hay bi quan, chán nản, khó tập trung, suy giảm trí nhớ… Theo thời gian, người thân của bệnh nhân dần khó chịu, mệt mỏi, đánh mất sự cảm thông và kiên nhẫn, đồng thời tỏ ra bất mãn khi người bệnh kêu than.

Thậm chí, một số người còn cố tình chế giễu bệnh nhân rằng họ quá yếu đuối, dựa dẫm, không có ý chí phấn đấu, không chịu tự lập. Lúc này, không chỉ bị mất đi chỗ dựa tinh thần, người bệnh còn bị tổn thương sâu sắc vì lời nói vô tình của những người thân thương. Do đó, họ trở nên khép mình, không dám chia sẻ và ngại tiếp xúc với thế giới xung quanh. Kết quả là họ ngày càng cô đơn, lạc lõng trong gia đình của chính mình.

Trái lại, người thân cũng cần tránh thái độ quá lo lắng, sốt sắng về bệnh tật của bệnh nhân. Nhiều bậc phụ huynh vì thiếu hiểu biết và quá yêu thương mà vội vàng đưa con em đi thăm khám ngay lập tức khi người bệnh chỉ nhức đầu, đau ngực. Điều này không tốt bởi bệnh nhân sẽ càng thêm bất an, lo lắng vì nghĩ rằng bệnh tình của mình quá nghiêm trọng và khó chữa.

Mọi người nên hiểu rằng, trầm cảm có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng cách sử dụng thuốc Tây và trị liệu tâm lý. Nếu điều trị đúng cách, các triệu chứng sẽ thuyên giảm đáng kể chỉ sau 4 – 6 tuần. Hơn nữa, bệnh nhân trầm cảm luôn cần đến sự giúp đỡ, đồng hành của những người thân thương. Vì vậy, hãy luôn kề vai sát cánh bên họ trong hành trình gian khó này nhé!

2. Trò chuyện với người bệnh

Độc giả hãy thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với người thân về những vấn đề mà họ đang gặp phải. Có thể bạn sẽ không thể hiểu hết toàn bộ những cung bậc cảm xúc phức tạp trong thế giới nội tâm của họ.

Trò chuyện với người bệnh
Bạn hãy thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với người thân về những vấn đề mà họ đang gặp phải.

Tuy nhiên, hãy tỏ ra bạn rất quan tâm, trân trọng, thực sự lắng nghe và sẵn sàng giúp đỡ họ. Một cuộc trò chuyện chân thành, sâu sắc sẽ giúp người bệnh cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, giải tỏa khúc mắc, hạn chế phiền não và sắp xếp lại những suy nghĩ hỗn độn của mình.

3. Dành thời gian bên họ

Những hoạt động gắn bó thú vị như: cùng nhau đi du lịch, shopping, nấu ăn, xem phim, chạy bộ, làm việc nhà, tập thể dục… sẽ giúp bạn và người bệnh trở nên vui vẻ, thư thái hơn. Nhờ đó, họ có thể dễ dàng thoát khỏi những cảm xúc u ám, phiền muộn, trầm tư, bi quan hiện tại.

Thế nhưng, hãy cố gắng tránh xa những hoạt động có thể khơi gợi cảm giác tiêu cực bởi điều này sẽ vô tình khiến bệnh tình của họ chuyển biến tồi tệ. Đặc biệt, các bệnh nhân trầm cảm thường có xu hướng tự làm đau bản thân, thậm chí tự tử. Do đó, hãy dành thời gian bên cạnh họ để đảm bảo người thân của bạn luôn an toàn.

4. Tôn trọng và kiên nhẫn

Những người bị bệnh thường sống trong tâm trạng buồn bã, chán nản kéo dài. Thỉnh thoảng, điều này sẽ làm bạn bực bội, cáu gắt vì bản thân đã dành rất nhiều thời gian, công sức chăm sóc người thân nhưng các triệu chứng của họ vẫn không được cải thiện.

Lúc này, độc giả cần lưu ý rằng, quá trình điều trị trầm cảm thường kéo dài. Dù thực sự cố gắng, bệnh nhân cũng khó lòng thoát khỏi bóng ma đáng sợ của chứng bệnh này một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Hãy cho người bệnh biết rằng bạn luôn yêu thương, tôn trọng và sẵn sàng để dành không gian riêng mỗi khi họ cần. Điều quan trọng nhất trong khoảng thời gian nhạy cảm này là người thân có thể quan tâm, tin tưởng, chia sẻ và đồng hành với bệnh nhân một cách trọn vẹn.

5. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh

Khi chăm sóc bệnh nhân trầm cảm trong một khoảng thời gian dài, độc giả có thể chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực về cảm xúc và suy nghĩ. Do đó, bạn nên nhờ đến sự hỗ trợ của bạn bè thân thiết hoặc các thành viên khác trong gia đình để cùng nhau giúp họ vượt qua căn bệnh trầm cảm.

Ngoài ra, sự tư vấn, hướng dẫn từ một bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý cũng rất hữu ích đối với bệnh nhân. Hãy đến gặp chuyên gia để nhận được những lời khuyên chính xác và phù hợp nhất với tình trạng hiện tại của người thân của bạn.

6. Lên lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa và đi khám cùng bệnh nhân

Lúc đầu, việc thăm khám và điều trị trầm cảm sẽ rất khó khăn đối với người bệnh. Do đó, bạn nên giúp đỡ họ từ những ngày đầu tiên. Hãy sắp xếp một buổi hẹn với bác sĩ và “hộ tống” người thân đi đến tận nơi. Đặc biệt, nếu người bệnh đang cố gắng tự tổn thương bản thân, bạn hãy thông báo với chuyên gia càng sớm càng tốt.

7. Giữ gìn sức khỏe bản thân

Việc chăm sóc cho bệnh nhân trầm cảm rất mệt mỏi và khó khăn. Độc giả có thể bỏ bê bản thân vì quá quan tâm đến họ. Trong trường hợp này, việc đôi khi bạn trở nên nóng nảy và tức giận hoàn toàn bình thường.

Sức khỏe tinh thần của cả hai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu người bệnh quá phụ thuộc vào bạn. Vì vậy, bạn cũng cần dành thời gian cho chính mình để ổn định cảm xúc và tâm trạng. Thỉnh thoảng, hãy đọc sách, nấu ăn, uống trà, mua sắm một mình hoặc gặp gỡ bạn bè để tự xốc lại tinh thần nhé!

Ngoài ra, bên cạnh 7 cách chăm sóc người mắc bệnh trầm cảm trên, bạn cần lưu ý:

  • Không chăm sóc bệnh nhân trầm cảm một mình. Điều này sẽ khiến đôi bên vô cùng mệt mỏi, thay vào đó, bạn nên tìm kiếm người thay thế phù hợp trong một số trường hợp nhất định.
  • Không đưa ra lời khuyên hay hướng dẫn vì bạn không phải bác sĩ tâm lý hay chuyên gia trị liệu, hãy chỉ kiên nhẫn lắng nghe và ở bên cạnh người thân bất cứ khi nào họ cần một chỗ dựa.
  • Không so sánh trải nghiệm cá nhân với trải nghiệm của họ. Cách làm này sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy tự ti, mặc cảm và thu mình hơn vì không tìm thấy sự đồng cảm cần thiết.
  • Không tự ý đưa ra lời khuyên về các loại thuốc, liều lượng và cách dùng thay bác sĩ chuyên khoa.
  • Chuẩn bị cho bệnh nhân những món ăn dễ tiêu, hợp khẩu vị và giàu năng lượng.
  • Nếu người bệnh mất ngủ, độc giả tránh để họ ngủ trưa, đi ngủ quá sớm hoặc cho họ nằm trên giường suốt ngày. Thay vào đó, bạn cần khuyến khích họ đi lại nhẹ nhàng và vận động vừa sức.
  • Đọc cho người bệnh nghe những bài thơ, mẫu chuyện mà họ yêu thích, đồng thời động viên họ xem phim, đọc báo, nghe đài nhằm hạn chế tình trạng chán nản, buồn bã
  • Đốc thúc người bệnh uống thuốc đúng giờ và đúng liều. Nhiều bệnh nhân sẽ tự ý bỏ thuốc ngay khi gặp phải các tác dụng không muốn muốn của thuốc chống trầm cảm như: mệt mỏi, đầy bụng, đắng miệng, khô miệng… Do đó, bạn cần trực tiếp bên cạnh để đảm bảo họ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Giữ liên lạc với bác sĩ điều trị và chủ động cập nhật tình trạng hồi phục của bệnh nhân. Sau khoảng 1 – 2 tháng chữa bệnh, bệnh nhân đã bắt đầu ổn định tâm lý. Vì vậy, họ cho rằng bản thân đã khỏi bệnh và không cần đến thăm khám cũng như điều trị củng cố. Hành động này có thể khiến căn bệnh trầm cảm dễ dàng tái phát và tiến triển nặng nề hơn.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Tóm lại, trong quá trình điều trị, người bệnh trầm cảm luôn cần đến sự hỗ trợ, đồng hành từ những người thân thương. Sự can thiệp y tế phù hợp của bác sĩ tâm thần hoặc nhà trị liệu tâm lý có thể mang đến hiệu quả bất ngờ cho cả bệnh nhân lẫn người chăm sóc. Vì vậy, bạn hãy tham khảo ý kiến chuyên gia nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến cách chăm sóc người mắc bệnh trầm cảm tại nhà.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *