Tổng kết trị liệu nhóm số 47: Cha mẹ thông thái

Chương trình trị liệu nhóm số 47 với chủ đề “Cha mẹ thông thái” được thực hiện bởi chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà đã mang đến những kiến thức, giải pháp giúp cha mẹ nhìn nhận ra vấn đề trong cuộc sống của mình thông qua những câu chuyện thực tế trong quá trình trị liệu tâm lý cho trẻ.

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam cơ sở Trần Duy Hưng (Hà Nội)

Ba môi trường ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý của trẻ: Gia đình là nền tảng quan trọng nhất

Theo chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà, ba môi trường tác động đến tâm lý của trẻ là gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình là nền tảng quan trọng nhất và ảnh hưởng nhiều nhất đến trẻ.

Mối quan hệ của trẻ với cha mẹ, những người trực tiếp chăm sóc trẻ, và mối quan hệ giữa cha và mẹ có ảnh hưởng lớn nhất đến sự hình thành nhân cách, đặc điểm, khả năng, nội lực, giá trị của trẻ… Những điều này sẽ quyết định đến sức khỏe, hạnh phúc và thành công của trẻ sau này.

Nhiều năm trong nghề tâm lý trị liệu, chuyên gia Dương Thị Thu Hà đã gặp gỡ với rất nhiều các bạn học sinh, sinh viên gặp vấn đề về tâm lý. Đa phần nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ cha mẹ của trẻ. Bởi vậy, trong các chương trình trị liệu tâm lý cho học sinh, sinh viên của Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam thường có buổi đồng hành cùng cha mẹ để cha mẹ thấu hiểu vấn đề của con, thấu hiểu nguyên nhân gốc rễ và những điều quan trọng trong việc đồng hành cùng con phát triển một cách toàn diện nhất. Điều này không chỉ giúp cho trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý một cách nhanh chóng và tốt nhất mà còn giúp cho trẻ có môi trường tương hỗ với sự phát triển của trẻ.

Cách dạy con của cha mẹ thường bị ảnh hưởng một cách vô thức từ những trải nghiệm trong quá khứ của cha mẹ, thường là học từ cách dạy con của ông bà. Dù không phải 100% nhưng nó cũng chiếm một phần không nhỏ. Đặc biệt là những lúc cha mẹ bật lên những cảm xúc không tích cực, cha mẹ thường hành động một cách vô thức mà đến khi mình bình tĩnh lại, mình không thể hiểu tại sao mình hành động như vậy. Có rất nhiều cha mẹ lúc bực tức đánh con rất nhiều nhưng đến khi bình tĩnh lại cảm thấy rất hối hận về hành động đó của mình. Hay đôi khi mình áp đặt con nhưng bản thân lại không biết rằng mình đang áp đặt. Nếu ba mẹ biết quan sát mình, cha mẹ mới dễ nhận biết ra những điều này từ phía mình.

Cuộc sống hiện đại ngày nay cũng có rất nhiều áp lực vô hình mà nếu cha mẹ không biết cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực, cha mẹ có thể sẽ đem về và trút giận lên những người thân yêu của mình.

Bên cạnh môi trường gia đình, nhà trường cũng là môi trường thứ hai mà trẻ tiếp xúc với lượng thời gian không nhỏ trước khi trẻ trở thành một người trưởng thành.

Ở môi trường này, trẻ có nhiều cơ hội để tiếp xúc với các bạn cùng trang lứa, cùng học hỏi và khám phá cũng như rèn luyện bản thân. Tuy nhiên, môi trường này cũng có thể xuất hiện những vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ như áp lực học tập, bạo lực học đường.

Nếu trẻ gặp những vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý từ môi trường nhà trường thì gia đình sẽ là nơi giúp con cảm thấy an toàn, được bảo vệ, được xoa dịu và chữa lành những tổn thương. Tuy nhiên, cha mẹ cần kết nối được với con thì con mới sẵn sàng chia sẻ cho ba mẹ để ba mẹ có giải pháp kịp thời.

Thực tế, chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà từng tham vấn và trị liệu cho rất nhiều trẻ gặp vấn đề trầm cảm có nguyên nhân từ những sự kiện trong môi trường nhà trường tuy nhiên điều quan trọng hơn là trẻ không thể chia sẻ với ba mẹ do mất kết nối với ba mẹ hoặc ba mẹ ứng xử không đúng khi con chia sẻ.

“Có trường hợp trẻ chia sẻ về vấn đề mình bị bắt nạt, cô lập ở trên lớp, ba mẹ lại có hành động không bảo vệ trẻ, không xoa dịu trẻ mà tỏ ra nghi ngờ con là người đã gây chuyện. Điều này có thể làm trẻ bị tổn thương hơn nữa”, chuyên gia Dương Thị Thu Hà chia sẻ.

Hiểu đặc trưng tâm lý ở từng giai đoạn của trẻ

Mỗi độ tuổi, trẻ sẽ có những đặc trưng tâm lý riêng. Và mỗi trẻ lại có những đặc điểm riêng vì tâm lý con người bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: Môi trường sống, sự kiện trọng đại trong cuộc sống, tích cách… Bởi vậy, việc đồng hành cùng con không thể dập khuôn theo bất cứ một giải pháp, cách thức nào cả.

Khi bước vào lứa tuổi tiểu học, trẻ có thể gặp những khó khăn do thay đổi môi trường học, thay đổi cách học, phương pháp học. Vì vậy, vai trò của cha mẹ khi con mới lên lớp một rất quan trọng, ba mẹ quan tâm đúng cách sẽ giúp trẻ chia sẻ, bày tỏ khó khăn để kịp thời có hướng giải quyết phù hợp. Nếu không, trẻ có thể không muốn đi học và gặp một vấn đề về tâm lý, sức khỏe.

Chuyển sang giai đoạn học trung học cơ sở, trẻ khá nhạy cảm. Bởi đây là giai đoạn trẻ bước vào tuổi dậy thì có sự thay đổi về cả thể chất, tinh thần, tâm sinh lý, thay đổi hóc môn. Sự thay đổi này khiến những mối quan hệ (gia đình, thầy cô, bạn bè) của trẻ có sự thay đổi.

Ở độ tuổi dậy thì, trẻ còn rất tò mò. Nếu cha mẹ không đồng hành để hướng dẫn con những kiến thức cơ bản về giới tính, mạng xã hội… trẻ có thể bị cuốn theo những thông tin không chính thống, không phù hợp trên mạng xã hội. Đặc biệt, ở lứa tuổi này trẻ có thể có crush, có bạn gái, bạn trai.

Nếu con cảm thấy cha mẹ đủ tin tưởng, con sẽ chia sẻ với ba mẹ. Nếu như cha mẹ và con cái ngắt kết nối thì đó là sự thiệt thòi cho cả bố mẹ và con. Khi con gặp vấn đề con sẽ tự giải quyết theo cách của con hoặc chia sẻ với những người ở bên ngoài mà con tin tưởng.

Theo chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà, có rất nhiều trường hợp, cha mẹ và trẻ bị ngắt kết nối từ tuổi dậy thì. Vì khi trẻ có vấn đề ở bên ngoài, chia sẻ với cha mẹ nhưng cha mẹ lại phản ứng không phù hợp, có thể là không lắng nghe, không tin tưởng hoặc la mắng trẻ. Sau một vài lần như vậy, trẻ không muốn chia sẻ với ba mẹ nữa.

Khi lên trung học phổ thông, trẻ để ý đến mình là người như thế nào, muốn trở thành ai. Đây cũng độ tuổi mà trẻ phải ra những quyết định hướng nghiệp cho mình. Nếu trẻ không có ưu điểm nổi trội hẳn, trẻ sẽ cảm thấy bối rối, khó khăn trong việc lựa chọn hướng nghiệp cho mình. Lúc này, vai trò của ba mẹ rất quan trọng. Nếu ba mẹ có thể đồng hành, làm bạn được với con, ba mẹ sẽ nhận ra điểm mạnh của con và giúp con định hướng lĩnh vực, nghề nghiệp phù hợp.

Làm gì để trở thành ba mẹ thông thái

Vậy làm thế nào để trở thành cha mẹ thông thái? Nếu bạn đã theo dõi bài viết này từ đầu đến đây, chắc hẳn bạn đã có đáp án cho chính mình. Điều mà chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà luôn nhắc tới trong các chia sẻ về làm cha mẹ là đồng hành cùng con, làm bạn cùng con. Vậy làm thế nào để làm bạn với con?

Để làm bạn với con, điều đầu tiên có lẽ bạn phải gạt bỏ tư tưởng rằng mình làm cha mẹ thì mình có quyền quyết định, xử lý mọi vấn đề của con. Hãy tôn trọng ý kiến của con.

Hãy yêu thương con như con vốn là. Tức là con như thế nào thì cha mẹ vẫn yêu thương mà không có một điều kiện gì với con. Dù bận như thế nào hãy dành cho con những cái ôm, những câu nói yêu thương mỗi ngày và thời gian chất lượng bên con. Đó là thời gian chúng ta thực sự hiện hữu với con mà không vướng bận đến công việc, phim hay mạng xã hội.

Yêu thương con cũng không có nghĩa rằng cha mẹ bao bọc hay nuông chiều con quá mức. Hãy để con được trải nghiệm và trưởng thành trong giới hạn an toàn có thể. Tùy vào từng độ tuổi hay sự trưởng thành của con, hãy đặt cho con những giới hạn phù hợp để con có thể tự do trong giới hạn đó. Dần dần mở rộng giới hạn đó để trẻ trưởng thành hơn ở mỗi giai đoạn.

Cha mẹ cũng cần sẵn sàng học hỏi tư duy làm cha mẹ từ sách, khoa học, từ những chuyên gia, sẵn sàng thừa nhận vấn đề của mình đang làm ảnh hưởng đến con để thay đổi. Hãy đặt mình vào vị trí của con để nói chuyện, thảo luận cùng với con, giúp con đưa ra những quyết định đúng đắn. Khích lệ động viên đúng cách để con phát huy những điểm mạnh của con… Hãy bình an với vấn đề của con.

Chương trình trị liệu nhóm số 47 đã giúp nhiều bậc phụ huynh nhận ra nhiều điều trong cuộc sống của mình, đặc biệt là trong giao tiếp với con. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là tìm ra giải pháp để hành động và thay đổi.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *