Các tiêu chuẩn chẩn đoán và phân loại rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ là thuật ngủ mô tả tập hợp nhiều rối loạn liên quan đến số lượng, chất lượng, thời điểm đi ngủ hoặc những hiện tượng bất thường diễn ra khi đang ngủ. Trước hàng loạt áp lực, căng thẳng của cuộc sống hiện đại, chứng bệnh này ngày càng trở nên phổ biến. Mời quý độc giả cùng chúng tôi tìm hiểu tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn giấc ngủ và cách thức phân loại.

Các tiêu chuẩn chẩn đoán và phân loại rối loạn giấc ngủ
Tìm hiểu tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn giấc ngủ và cách thức phân loại

Những tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn giấc ngủ

Theo tài liệu Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan (International Classification of Diseases – ICD) ấn bản thứ 10, các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn giấc ngủ cụ thể như sau:

1. Mất ngủ không thực tổn (F51.0)

Một người trưởng thành ngủ ít 5 tiếng/ngày được gọi là ít ngủ. Trong khi đó, bệnh nhân được xác định là mất ngủ không thực tổn khi:

  • Than phiền vì khó chìm vào giấc ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ thấp (trằn trọc, thao thức, ngủ không sâu giấc, hay tỉnh giấc, khó ngủ trở lại, thức dậy quá sớm vào buổi sáng)
  • Rối loạn giấc ngủ xuất hiện tối thiểu 3 lần/tuần, trong vòng ít nhất 1 tháng
  • Bận tâm và lo lắng quá mức về hậu quả của rối loạn giấc ngủ vào ban ngày lẫn ban đêm
  • Chất lượng hoặc số lượng giấc ngủ không đảm bảo, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đau khổ hoặc cản trở hoạt động xã hội và hoạt động chuyên môn (uể oải, sao lãng, mất tập trung, suy giảm thành tích học tập – lao động…)

2. Ngủ nhiều (F51.1)

Một người trưởng thành ngủ từ 10 tiếng/ngày trở lên được cho là mắc chứng ngủ nhiều. Những dấu hiệu nhận biết bao gồm:

  • Buồn ngủ quá mức vào ban ngày và ngủ không thể giải thích, ngủ quá nhiều vào ban ngày, không cảm thấy thỏa mãn sau khi thức giấc (dù đã ngủ rất nhiều)
  • Rối loạn giấc ngủ diễn ra hàng ngày, kéo dài trên 1 tháng, tái phát nhiều lần, gây mệt mỏi, ưu phiền rõ rệt và cản trở các hoạt động xã hội – nghề nghiệp
  • Không biểu hiện những triệu chứng phụ của chứng ngủ rũ (liệt khi ngủ, mất trương lực cơ) hay bằng chứng lâm sàng của chứng ngưng thở (khịt mũi từng cơn, ngưng thở ban đêm)
  • Không mắc phải các bệnh lý nội khoa, thần kinh có thể dẫn đến trạng thái buồn ngủ quá mức vào ban ngày

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

3. Rối loạn nhịp thức ngủ (F51.2)

Rối loạn nhịp thức ngủ là tình trạng thiếu sự đồng bộ giữa nhịp thức – ngủ cá nhân và nhịp thức – ngủ mong muốn phù hợp với môi trường xung quanh, kéo theo hiện tượng ngủ nhiều hoặc mất ngủ. Các tiêu chuẩn chẩn đoán dạng rối loạn giấc ngủ này là:

  • Ngủ nhiều trong khoảng thời gian cần thức hàng ngày, mất ngủ trong khoảng thời gian cần ngủ chính
  • Chu kỳ thức – ngủ cá nhân không tương quan với nhịp thức – ngủ ngày đêm bình thường
  • Chất lượng, số lượng và thời gian ngủ không thỏa mãn, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đau khổ hoặc cản trở hoạt động xã hội và hoạt động chuyên môn

4. Mộng du (F51.3)

Mộng du (miên hành) là tình trạng ý thức đặc biệt biến đổi, trong đó trạng thái thức – ngủ tồn tại đan xen. Trong cơn mộng du, bệnh nhân sẽ bất ngờ ngồi dậy khi đang ngủ, rời khỏi giường, đi lại xung quanh. Lúc này, khả năng phản ứng, nhận thức và vận động của họ ở mức khá thấp.

Khi thức dậy, người bệnh không thể nhớ lại những sự kiện đã diễn ra. Tiêu chuẩn chẩn đoán chứng mộng du gồm có:

  • Một hoặc nhiều cơn đứng dậy đột ngột, đi khỏi giường, di chuyển xung quanh vào 1/3 đầu giấc ngủ ban đêm là triệu chứng điển hình
  • Trong cơn mộng du, người bệnh có biểu cảm khuôn mặt ngây dại, đôi mắt vô hồn, đờ đẫn, không thể đáp ứng một cách tương đối nếu người khác muốn tiếp xúc với họ hoặc giúp họ thay đổi trạng thái, đồng thời rất khó được đánh thức
  • Hoàn toàn không thể nhớ được các sự việc đã xảy ra trong cơn mộng du khi thức dậy vào sáng hôm sau
  • Không tìm thấy bằng chứng về bất cứ bệnh lý cơ thể hoặc dạng rối loạn tâm thần thực tổn nào

5. Hoảng sợ khi ngủ (F51.4)

Hoảng sợ khi ngủ (hội chứng giấc ngủ kinh hoàng) được đặc trưng bởi những cơn hoảng loạn và cảm giác sợ hãi tột đột vào ban đêm, đi kèm biểu hiện la hét, tăng hoạt động thần kinh tự trị và vận động nhanh.

Khi bị bệnh này, vào 1/3 đầu giấc ngủ đêm, người bệnh sẽ đột ngột đứng dậy, la hét kinh hãi và thỉnh thoảng lao ra phía cửa sổ như đang cố gắng trốn chạy. Tương tự chứng mộng du, họ hoàn toàn không thể nhớ được những sự việc đã diễn ra.

Các tiêu chuẩn chẩn đoán chứng hoảng sợ khi ngủ bao gồm:

  • Xuất hiện một hay nhiều cơn tỉnh giấc, la hét, khóc lóc, hoảng sợ, tăng hoạt động của hệ thần kinh tự trị (thở gấp, mạch nhanh, toát mồ hôi, giãn đồng tử), tăng cử động cơ thể
  • Những cơn hoảng sợ điển hình xảy ra trong vòng 1 – 10 phút vào 1/3 đầu giấc ngủ đêm
  • Không tìm thấy bằng chứng về các bệnh lý cơ thể

6. Rối loạn ác mộng (F51.5)

Ác mộng là những giấc mơ tạo nên cảm giác lo lắng, bất an, tiêu cực, sợ hãi, khiến chúng ta giật mình thức giấc, đổ nhiều mồ hôi, tim đập nhanh và khó ngủ trở lại.

Rối loạn ác mộng (F51.5)
Ác mộng là những giấc mơ tạo nên cảm giác lo lắng, bất an, tiêu cực, sợ hãi.

Rối loạn ác mộng là phản ứng bình thường của bộ não con người trước những áp lực, căng thẳng, lo âu hàng ngày. Cơn ác mộng có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, đặc điểm là ở trẻ em. Khi gặp ác mộng, bạn sẽ bị rối loạn hệ thần kinh tự trị nhưng không la hét hay vận động cơ thể.

Những tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn ác mộng gồm có:

  • Sau khi tỉnh dậy từ giấc ngủ trưa hoặc ngủ đêm, người bệnh có thể kể lại đầy đủ và chi tiết về giấc mơ sống động vừa qua, trong đó, họ bị đe dọa đến sự an toàn, tính mạng hoặc giá trị bản thân
  • Những cơn ác mộng thường xuất hiện ở nửa sau giấc ngủ đêm
  • Sau khi trải qua cơn ác mộng, bệnh nhân trở nên linh hoạt, nhanh nhẹn và có thể định hướng tốt hơn
  • Hậu quả của dạng rối loạn giấc ngủ này là gây đau buồn, hoang mang, sợ hãi rõ rệt cho người bệnh

7. Ngủ lịm

Ngủ lịm là tình trạng bệnh nhân rơi vào giấc ngủ đột ngột mà không thể cưỡng lại. Bệnh lý có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, nhất là ở trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên. Ngủ lịm có xu hướng tiến triển chậm chạp và kéo dài suốt đời. Các tiêu chuẩn chẩn đoán ngủ lịm là:

  • Buồn ngủ không thể cưỡng lại mỗi ngày, kéo dài tối thiểu 3 tháng
  • Biểu hiện một trong hai triệu chứng: mất trương lực cơ hai bên một cách đột ngột hoặc gặp ảo giác nửa thức nửa ngủ, ngủ liệt
  • Dạng rối loạn này không phải liên quan đến bệnh lý thực tổn hoặc là hậu quả trực tiếp của một chất nào đó (thuốc Tây, ma túy…)

Phân loại rối loạn giấc ngủ

Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders – DSM) ấn bản thứ 5 do Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ ban hành vào năm 2013, rối loạn giấc ngủ được phân chia thành 3 dạng chính, đó là:

  • Rối loạn giấc ngủ tiên phát
  • Rối loạn giấc ngủ liên quan đến một bệnh lý tâm thần khác
  • Các rối loạn giấc ngủ khác (do lạm dụng chất thuốc Tây, chất kích thích hoặc do bệnh trong cơ thể)

Tài liệu Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan (ICD) ấn bản thứ 10 xem đa số dạng rối loạn giấc ngủ là triệu chứng của một bệnh lý tâm thần khác. Quá trình chẩn đoán rối loạn giấc ngủ chỉ được tiến hành khi bác sĩ chuyên khoa không thể tìm thấy bất cứ nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng mất ngủ.

Trong khi đó, tài liệu Phân loại Quốc tế về Rối loạn giấc ngủ (The International Classification of Sleep Disorders – ICSD) ấn bản thứ 3 (hệ thống phân loại rối loạn giấc ngủ được sử dụng rộng rãi nhất trong công tác chẩn đoán) đã phân chia chứng bệnh này thành 7 dạng khác nhau, đó là:

  • Mất ngủ (mất ngủ cấp tính, mất ngủ mạn tính)
  • Rối loạn trung tâm của chứng ngủ quá mức (chứng mất ngủ vô căn, chứng ngủ rũ loại 1, chứng ngủ rũ loại 2, hội chứng người đẹp ngủ trong rừng – Kleine-Levin, hội chứng ngủ không đủ giấc, chứng mất ngủ liên quan đến rối loạn y tế, chứng mất ngủ liên quan đến rối loạn tâm thần, chứng mất ngủ do thuốc hoặc chất gây nghiện)
  • Rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ (rối loạn ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, rối loạn giảm oxy máu liên quan đến giấc ngủ, rối loạn giảm thông khí liên quan đến giấc ngủ, hội chứng ngưng thở khi ngủ trung ương)
  • Rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ (rối loạn cử động chân tay theo chu kỳ, rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ do rối loạn y tế, rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ không xác định, rối loạn chuyển động nhịp nhàng liên quan đến giấc ngủ, rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ do thuốc hoặc chất gây nghiện, chứng chuột rút liên quan đến giấc ngủ, chứng nghiến răng liên quan đến giấc ngủ, chứng rung giật cơ tủy sống khi bắt đầu ngủ, chứng rung giật cơ khi ngủ lành tính ở trẻ sơ sinh, hội chứng chân không yên)
  • Rối loạn nhịp ngủ thức sinh học (rối loạn lệch múi giờ và rối loạn làm việc theo ca, rối loạn giai đoạn ngủ – thức muộn, rối loạn nhịp ngủ – thức không thường xuyên, rối loạn giai đoạn ngủ – thức nâng cao, rối loạn nhịp ngủ – thức không 24 giờ, rối loạn nhịp điệu ngủ, rối loạn thức – ngủ theo chu kỳ)
  • Mất ngủ giả (rối loạn ác mộng, mộng du, rối loạn kích thích, chứng sợ ngủ, rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ, đái dầm khi ngủ, hội chứng đầu nổ tung)
  • Các rối loạn giấc ngủ khác

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Bài viết đã giới thiệu những tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn giấc ngủ và cách phân loại chúng theo ba tài liệu chuyên ngành uy tín nhất hiện nay. Bạn hãy chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *