Buồn ngủ ban ngày quá mức (EDS): Nguyên nhân và cách khắc phục

Buồn ngủ ban ngày quá mức (EDS) đặc trưng bởi tình trạng buồn ngủ quá độ vào ban ngày, dẫn đến ngủ gật đột ngột vào bất cứ thời điểm nào. EDS là triệu chứng điển hình của chứng ngủ rũ bên cạnh mất trương lực, bóng đè, gặp ảo giác và ác mộng vào ban đêm.

Buồn ngủ ban ngày quá mức
Buồn ngủ ban ngày quá mức (EDS) là một dạng rối loạn giấc ngủ mãn tính thường gặp

Buồn ngủ ban ngày quá mức (EDS) là gì?

Buồn ngủ ban ngày quá mức/ Excessive daytime sleepiness (EDS) là triệu chứng chính của chứng ngủ rũ (Narcolepsy) – một dạng rối loạn giấc ngủ mãn tính. EDS là tình trạng ngủ gật đột ngột không thể cưỡng lại và buồn ngủ quá độ vào ban ngày. Theo số liệu thống kê, chứng bệnh này gặp chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên – đặc biệt là ở người mắc bệnh ung thư.

Người gặp phải tình trạng này thường khó duy trì được sự tỉnh táo trong thời gian dài dẫn đến nhiều phiền toái và hệ lụy trong cuộc sống. EDS không được kiểm soát sớm còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và về lâu dài có thể giảm tuổi thọ.

Buồn ngủ ban ngày quá mức và Cataplexy (mất trương lực đột ngột trong vài giây đến vài phút) là hai triệu chứng điển hình của chứng ngủ rũ. Cả hai tình trạng này đều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống – đặc biệt là hiệu suất học tập và làm việc. Ngoài ra, tình trạng buồn ngủ quá mức không thể cưỡng lại cũng làm gia tăng tỷ lệ gặp phải các tai nạn, chấn thương khi làm việc, sinh hoạt và tham gia giao thông.

Nguyên nhân gây buồn ngủ ban ngày quá mức (EDS)

Đôi khi bạn có thể bị buồn ngủ vào ban ngày do thức khuya, thiếu ngủ, mệt mỏi, làm việc căng thẳng,… Tuy nhiên, EDS là một dạng rối loạn giấc ngủ đặc trưng bởi tình trạng buồn ngủ và có thể ngủ gật vào bất cứ thời điểm nào.

EDS là một trong những triệu chứng chính của chứng ngủ rũ. Đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một số giả thuyết cho rằng, EDS hay chứng ngủ rũ có thể xảy ra do rối loạn miễn dịch gây tổn thương các noron chứa hypocretin ở đồi thị. Chính vì vậy, bệnh lý này xác định là có nguy cơ di truyền cao.

Nhận biết buồn ngủ ban ngày quá mức (EDS)

Buồn ngủ ban ngày quá mức cùng với mất trương lực đột ngột, bóng đè và ảo giác là triệu chứng điển hình của chứng ngủ rũ – một dạng rối loạn giấc ngủ mãn tính. Trong đó, EDS có những đặc điểm như sau:

Buồn ngủ ban ngày quá mức
Người bị chứng buồn ngủ ban ngày quá mức (EDS) có thể ngủ gật đột ngột khi đang làm việc, trò chuyện, ăn uống,…
  • Cảm giác buồn ngủ quá mức xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày
  • Không thể kiểm soát được giấc ngủ và có thể ngủ gật vào bất cứ lúc nào – ngay cả khi đang làm việc, trò chuyện với bạn bè
  • Ngủ gật vào ban ngày có thể kéo dài trong vài phút đến nửa tiếng. Khi thức dậy cảm thấy tỉnh táo nhưng rất nhanh xuất hiện lại cảm giác buồn ngủ
  • Sự tỉnh táo và khả năng tập trung giảm đi đáng kể. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả làm việc, học tập và chất lượng cuộc sống
  • Giấc ngủ thường ập đến đột ngột nhưng có tính lặp lại ở một số hoàn cảnh như khi xem phim, đọc sách,… Tuy nhiên, giấc ngủ cũng có thể xảy ra bất ngờ khi đang ăn uống, viết sách, thuyết trình và lái xe
  • Mặc dù buồn ngủ nhiều vào ban ngày nhưng chất lượng giấc ngủ vào ban đêm thường thấp và gặp phải nhiều vấn đề như ngủ không sâu, ngủ chập chờn và dễ thức giấc do gặp ác mộng, ảo ảnh,…

EDS gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống. Chính vì vậy, cần phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và chủ động thăm khám để được điều trị kịp thời.

Buồn ngủ ban ngày quá mức (EDS) có nguy hiểm không?

Buồn ngủ ban ngày quá mức (EDS) đặc trưng bởi tình trạng buồn ngủ nhiều ban ngày, không thể cưỡng lại cảm giác buồn ngủ và nhanh chóng rơi vào giấc ngủ vào bất cứ thời điểm nào. Bên cạnh đó, người mắc chứng EDS cũng rất khó để ngủ ngon vào ban đêm, giấc ngủ kém, ngủ không sâu giấc do gặp nhiều ảo ảnh và ác mộng.

Buồn ngủ ban ngày quá mức
Tình trạng ngủ gật không thể cưỡng lại có thể làm tăng nguy cơ tai nạn khi điều khiển phương tiện giao thông

Về lâu dài, EDS gây ra rất nhiều ảnh hưởng nặng nề đối với cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Buồn ngủ ban ngày quá mức có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng, biến chứng như sau:

  • Giảm năng suất học tập, lao động: Ảnh hưởng đầu tiên của chứng EDS là giảm khả năng tập trung khi học tập và làm việc. Ngoài ra, tình trạng buồn ngủ quá mức và giảm sự tỉnh táo cũng khiến não bộ hoạt động kém, xử lý chậm chạp và mất đi sự sáng tạo, nhanh nhạy vốn có.
  • Bất hòa trong các mối quan hệ: Rất nhiều người không biết đến chứng ngủ rũ và EDS. Vì vậy, người gặp phải tình trạng buồn ngủ ban ngày quá mức dễ bị hiểu lần trong nhiều hoàn cảnh. Trên thực tế, một số người bị EDS hoàn toàn không nhận biết được vấn đề mà cơ thể gặp phải. Do đó, họ không thể tìm được nguyên nhân để lý giải cho sự buồn ngủ quá mức vào ban ngày để những người xung quanh thấu hiểu và đồng cảm.
  • Tăng nguy cơ tai nạn: Như đã đề cập, cảm giác buồn ngủ quá mức không thể cưỡng lại do EDS gây ra có thể làm tăng nguy cơ tai nạn khi làm việc và tham gia giao thông. Nếu nhận thấy buồn ngủ quá mức, bạn nên gọi taxi để tránh những rủi ro và tình huống phát sinh.
  • Trầm cảm: Chất lượng giấc ngủ và trầm cảm là hai vấn đề có mối liên hệ mật thiết. Giấc ngủ kém làm tăng nguy cơ bị trầm cảm và ngược lại. Người mắc chứng EDS kéo dài rất dễ hình thành tâm lý lo âu và rối loạn cảm xúc do những hiểu lầm trong cuộc sống, áp lực khi hiệu suất học tập và làm việc đi xuống.

Có thể thấy, buồn ngủ ban ngày quá mức (EDS) gây ra nhiều ảnh hưởng trong mọi khía cạnh. Về lâu dài, chứng bệnh này còn khiến sức khỏe của bệnh nhân suy kiệt và làm tăng gánh nặng lên cho gia đình, xã hội.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Chẩn đoán buồn ngủ ban ngày quá mức

Theo số liệu thống kê, đa phần những bệnh nhân bị EDS đều chỉ được chẩn đoán sau 10 năm kể từ khi bệnh khởi phát. Chẩn đoán chứng bệnh này dựa vào những kỹ thuật sau đây:

  • Đa ký giấc ngủ: Đo đa ký giấc ngủ được thực hiện nhằm đánh giá chất lượng giấc ngủ bằng cách ghi lại sóng não, nhịp thở, nhịp tim, nồng độ oxy trong máu, chuyển động của tim và mắt. Qua kỹ thuật này, bác sĩ có thể phát hiện và đánh giác mức độ nghiêm trọng của các hội chứng rối loạn giấc ngủ.
  • Kiểm tra độ chậm của giấc ngủ: Kiểm tra độ chậm của giấc ngủ cũng là kỹ thuật chẩn đoán EDS phổ biến bên cạnh đo đa ký giấc ngủ. Ở người gặp phải tình trạng này, kiểm tra độ chậm của giấc ngủ cho thấy những biểu hiện sau như độ trễ ngủ trung bình =< 8 phút, thời kỳ REM khởi phát ít nhất 2 – 5 lần ngủ trưa.
  • Test duy trì sự tỉnh táo: EDS đặc trưng bởi tình trạng không thể duy trì sự tỉnh táo trong thời thời gian dài. Do đó, bác sĩ có thể test duy trì sự tỉnh táo để có thêm dữ liệu cho quá trình chẩn đoán.
  • Một số xét nghiệm khác: Ngoài ra, có thể chẩn đoán EDS thông qua các vấn đề sức khỏe đi kèm. Do đó bên cạnh những kỹ thuật trên, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp chẩn đoán khác như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh não,…

Cách điều trị buồn ngủ ban ngày quá mức (EDS)

Không có phương pháp điều trị dứt điểm đối với chứng ngủ rũ và EDS. Mục tiêu của điều trị là giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu các ảnh hưởng của EDS đối với sức khỏe.

Các phương pháp điều trị buồn ngủ ban ngày quá mức (EDS):

1. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị buồn ngủ ban ngày quá mức. Phương pháp này có thể duy trì sự tỉnh táo vào ban ngày và giảm thiểu ảnh hưởng của EDS đối với mọi khía cạnh trong cuộc sống.

Buồn ngủ ban ngày quá mức
Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị buồn ngủ ban ngày quá mức (EDS)

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị EDS:

  • Modafinil: Modafinil là loại thuốc điều trị EDS thông dụng nhất. Thuốc thường được dùng trong trường hợp nhẹ đến trung bình với liều 100 – 200mg vào buổi sáng và có thể tăng lên 400mg/ ngày nếu cần thiết. Modafinil có khả năng tái hấp thu chọn lọc noradrenaline và dopamine nhằm tăng sự tỉnh táo và giảm mức độ buồn ngủ. Trong thời gian sử dụng loại thuốc này, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như đau đầu và buồn nôn.
  • Metylphenidat hoặc dẫn xuất Amphetamine: Metylphenidat hoặc dẫn xuất Amphetamine được dùng khi EDS không có đáp ứng với Modafinil. Thuốc có thể được dùng thay thế hoặc phối hợp với Modanifil tùy theo từng trường hợp. Đây đều là các loại thuốc có khả năng kích thích và tăng cường thần kinh nhằm giảm cảm giác buồn ngủ do EDS. Nhóm thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như hưng cảm, tăng huyết áp, tăng nhịp tim và kích động.
  • Na oxybate: Na oxybate là muối natri của axit hydroxybutyric (GHB). Thuốc được sử dụng để điều trị mất trương lực cơ và buồn ngủ ban ngày quá mức do chứng ngủ rũ gây ra. Loại thuốc này được dùng trước khi đi ngủ với liều 2.25g và lặp lại liều sau 4 giờ (tối đa 9g/ đêm). Na oxybate có thể gây ra một số tác dụng phụ khi sử dụng như mộng du, tiểu không tự chủ, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt,…

Trong trường hợp gặp phải tình trạng ác mộng và ảo giác, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng một số loại thuốc chống trầm cảm như Clomipramine, Fluoxetine, Venlafaxine, Protriptyline,…

2. Các biện pháp hỗ trợ

Ngoài sử dụng thuốc, bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ để cải thiện tình trạng buồn ngủ ban ngày quá mức. Các biện pháp này có thể giảm bớt cảm giác buồn ngủ và tăng sự tỉnh táo khi học tập, làm việc.

Buồn ngủ ban ngày quá mức
Tập yoga có thể tăng sự tỉnh táo vào ban ngày và cải thiện chất lượng giấc ngủ vào ban đêm

Các biện pháp hỗ trợ cải thiện buồn ngủ ban ngày quá mức:

  • Hạn chế tối đa thức uống chứa cồn và caffeine từ 16:00 trở đi để cải thiện chất lượng giấc ngủ vào ban đêm. Giấc ngủ buổi tối được cải thiện có thể giảm phần nào cảm giác buồn ngủ vào ban ngày.
  • Để tăng sự tỉnh táo khi làm việc và học tập, bạn có thể dùng một số loại trà và thực phẩm như trà xanh, bạc hà, socola đen,… Caffeine và một số chất chống oxy hóa trong các loại thực phẩm này có thể cải thiện cảm giác buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
  • Vệ sinh phòng ngủ thường xuyên, sử dụng nệm màu xanh dương và để đèn phòng ngủ màu vàng dịu nhẹ để giúp ngủ ngon và sâu giấc hơn. Ngoài ra, cần đảm bảo không gian ngủ mát mẻ, không quá lạnh và quá nóng.
  • Có thể tập yoga và áp dụng liệu pháp mùi hương để giải tỏa stress, hỗ trợ cải thiện giấc ngủ vào ban đêm và tăng sự tỉnh táo khi học tập, làm việc.
  • Cân nhắc trị liệu tâm lý nếu EDS đi kèm với các triệu chứng lo âu, stress và trầm cảm. Nếu chủ quan, trầm cảm có thể chuyển biến nặng dẫn đến nguy cơ tự sát, có những hành động tự hủy hoại bản thân và những người xung quanh.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giúp kích thích sản xuất melatonin – hormone tạo cảm giác buồn ngủ vào bữa tối để tránh tình trạng ngủ chập chờn và dễ thức giấc. Khi giấc ngủ ban đêm được cải thiện, tình trạng buồn ngủ ban ngày quá mức (EDS) cũng sẽ thuyên giảm đáng kể.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Buồn ngủ ban ngày quá mức (EDS) gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Ngoài ra, EDS còn làm giảm chất lượng cuộc sống, dẫn đến bất hòa trong các mối quan hệ, tăng nguy tai nạn,… Chính vì vậy nếu nghi ngờ mắc chứng bệnh này, bạn nên thăm khám và điều trị sớm để giảm thiểu ảnh hưởng và phòng tránh các biến chứng nặng nề.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *