Rối loạn giấc ngủ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Số liệu thống kê cho thấy rằng, có khoảng 20% dân số Việt Nam bị rối loạn giấc ngủ do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tình trạng này nếu không sớm kiểm soát có thể gây ra nhiều hệ lụy cho cả sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống.

Bệnh rối loạn giấc ngủ là gì?
Bệnh rối loạn giấc ngủ là gì? Làm thế nào để cải thiện và phòng ngừa chứng bệnh này?

Bệnh rối loạn giấc ngủ là gì?

Ngủ là nhu cầu sinh học bình thường và cũng là một trong những hoạt động phổ biến nhất của con người. Các nhà khoa học cho biết, trung bình mỗi người dành ra 1/3 cuộc đời để ngủ.

Đây là hiện tượng sinh lý bao gồm nhiều chu kỳ và có nhịp điệu. Với thời lượng khoảng 90 phút, mỗi chu kỳ gồm 4 giai đoạn: bắt đầu đi vào giấc ngủ, ngủ sâu, ngủ rất sâu và ngủ nghịch thường (paradoxical sleep). Ngủ nghịch thường còn có tên gọi khác là ngủ có chuyển động mắt nhanh (ngủ REM – Rapid Eye Movement sleep).

Thông qua quá trình nghiên cứu sinh lý và tâm sinh lý, các chuyên gia phân chia giấc ngủ thành 2 pha:

  • Pha nhanh (REM thường mơ) chiếm 25% thời lượng giấc ngủ, diễn ra khoảng 9 phút, xảy ra ở đầu giấc ngủ và có thể kéo dài đến 30 phút lúc càng về cuối giấc ngủ.
  • Pha chậm (NREM) chiếm đến 75% thời lượng giấc ngủ, với 4 giai đoạn nhỏ: ngủ thiu thiu, ngủ chưa sâu, ngủ sâu và ngủ rất sâu.

Nhìn chung, mỗi chu kỳ pha chậm đến pha nhanh diễn ra trong vòng 90 – 120 phút. Mỗi đêm chúng ta ngủ 4 – 5 chu kỳ liên tiếp nhau. Theo khuyến cáo từ Tổ chức Quốc gia về Giấc ngủ Hoa Kỳ, thời gian ngủ cần thiết của người khỏe mạnh thuộc từng độ tuổi như sau:

  • Trẻ sơ sinh (0 – 3 tháng tuổi): 14 – 17 tiếng
  • Trẻ nhỏ (4 – 11 tháng tuổi): 12 – 15 tiếng
  • Trẻ em mới biết đi (1 – 2 tuổi): 11 – 14 tiếng
  • Trẻ mẫu giáo (3 – 5 tuổi): 10 – 13 tiếng
  • Trẻ đang độ tuổi đi học (6 – 13 tuổi): 9 -11 tiếng
  • Thanh thiếu niên (14 – 17 tuổi): 8 – 10 tiếng
  • Thanh niên (18 – 25 tuổi): 8 – 10 tiếng
  • Người lớn (26 – 64 tuổi): 7 – 9 tiếng
  • Người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên): 7 – 8 tiếng

Có nhiều người cần ngủ nhiều (khoảng 9 – 10 tiếng/đêm), trong khi những người khác ngủ ít hơn (khoảng 7 – 8 tiếng/đêm). Độ dài giấc ngủ không phải bao giờ cũng tương quan với rối loạn giấc ngủ.

Tuy nhiên, một nghiên cứu được tiến hành trên 1 triệu người vào năm 2002 cho biết, những người ngủ ít hơn 3,5 tiếng/đêm và những người ngủ nhiều hơn 8,5 tiếng/đêm có nguy cơ tử vong cao hơn những người ngủ 7 tiếng/đêm khoảng 15%. Nhóm người ngủ ít cũng thường mắc phải các bệnh phối hợp. Hiện nay, giới chuyên môn vẫn chưa thể lý giải vấn đề này một cách cặn kẽ.

Rối loạn giấc ngủ là thuật ngữ mô tả một số tình trạng bất thường khiến giấc ngủ của bạn thay đổi. Là một trong những chứng bệnh phổ biến của thời hiện đại, rối loạn giấc ngủ sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể và kéo giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Mỗi năm, có đến 30 – 45% người lớn bị rối loạn giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ có thể chỉ là triệu chứng duy nhất trong tình trạng mất ngủ tiên phát hoặc là một trong những triệu chứng của các căn bệnh tâm thần khác như: nghiện rượu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu lan tỏa, tâm thần phân liệt…

Cả rối loạn giấc ngủ tiên phát và rối loạn giấc ngủ thứ phát đều có xu hướng phát triển mạn tính. Do đó, bệnh nhân cần kiên trì điều trị trong vòng nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí suốt đời.

Chất lượng giấc ngủ đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong lâm sàng tâm thần bởi rối loạn giấc ngủ là vấn đề thường gặp nhất trong tất cả bệnh lý tâm thần. Một số trường hợp rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng có thể dẫn đến hậu quả khó lường, khiến bệnh nhân bị rối loạn nhận thức nặng nề, thậm chí tử vong.

Các dạng rối loạn giấc ngủ

Căn cứ vào triệu chứng, nguyên nhân, khả năng tác động đến tâm sinh lý cùng nhiều tiêu chí khác, rối loạn giấc ngủ được phân thành nhiều dạng khác nhau, trong đó, phổ biến nhất là:

  • Mất ngủ (ngủ dưới 5 tiếng/đêm) là tình trạng bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ hoặc thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm và rất khó ngủ lại. Các triệu chứng mất ngủ có thể xuất hiện ở thể cấp tính (trong 1 – 2 ngày) hoặc mạn tính (hơn 1 tháng).
  • Mất ngủ giả dẫn đến những hành vi và cử động bất thường trong khi người bệnh đang ngủ như: đái dầm, nói mớ, mộng du, nghiến răng…
  • Ngủ ngáy là tình trạng ngủ ngáy xuất hiện khi một phần đường thở bị tắc nghẽn, gây ra việc thở bất thường và làm gián đoạn giấc ngủ. Một số trường hợp ngủ ngáy không liên quan đến bệnh lý nên không nguy hiểm.
  • Ngưng thở khi ngủ là tình trạng thay đổi nhịp thở bất thường trong lúc ngủ. Bệnh nhân có thể thở thoi thóp hoặc ngừng thở trong vòng 10 – 30 giây và lặp lại nhiều lần trong suốt giấc ngủ. Các triệu chứng phổ biến khác gồm có: ngáy to, thở hổn hển lúc ngủ, buồn ngủ, mệt mỏi vào ban ngày. Đây là hình thái rối loạn giấc ngủ tương đối nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng.
  • Chứng ngủ rũ là tình trạng buồn ngủ cực độ vào ban ngày. Khi mắc phải dạng rối loạn này, bệnh nhân sẽ đột ngột cảm thấy vô cùng mệt mỏi và ngủ thiếp ngay sau đó mà không thể kiềm chế được.
  • Hội chứng chân không yên (bệnh Willis Ekbom) là tình trạng bồn chồn, khó chịu, bị thôi thúc phải đứng dậy di chuyển khi người bệnh đang cố gắng chìm vào giấc ngủ.
  • Rối loạn sinh học ngày đêm là tình trạng thay đổi đồng hồ sinh học do bệnh nhân phải thường xuyên thức khuya để học tập, làm việc trong một khoảng thời gian dài. Lúc này, họ sẽ cảm thấy vô cùng buồn ngủ vào ban ngày nhưng lại cực kỳ tỉnh táo vào ban đêm.
Các dạng rối loạn giấc ngủ
Căn cứ vào triệu chứng, nguyên nhân, khả năng tác động đến tâm sinh lý cùng nhiều tiêu chí khác, rối loạn giấc ngủ được phân thành nhiều dạng khác nhau.

Triệu chứng điển hình của rối loạn giấc ngủ

Các biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ tùy thuộc và nguyên nhân hình thành. Những dấu hiệu nhận biết điển hình của tình trạng này bao gồm:

  • Khó chìm vào giấc ngủ
  • Giật mình tỉnh giấc nhiều lần trong đêm, khó ngủ lại
  • Thức dậy quá sớm
  • Thường xuyên gặp ác mộng và hoảng sợ trong đêm
  • Ngừng thở khi ngủ
  • Rối loạn cảm giác ở chân tay
  • Ngủ nhiều vào ban ngày
  • Nhức đầu do rối loạn giấc ngủ
  • Ngủ không ngon
  • Thao thức, trằn trọc suốt đêm
  • Ngưng thở hoặc ngáy to khi ngủ
  • Buồn ngủ cực độ vào ban ngày và ngủ quên lúc nào không rõ
  • Mệt mỏi, uể oải, hay ngáp, cử động chậm chạp, hai mắt quầng thâm vào sáng hôm sau
  • Suy giảm hứng thú khi tiếp xúc với gia đình, bạn bè và những người xung quanh

Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ mạn tính cũng thường mất tập trung, khó chú ý và mắc phải các vấn đề về trí nhớ, ức chế cảm xúc, lo âu kéo dài, trầm cảm nhẹ, không có khả năng tự kiềm chế sự bực bội, cáu gắt của bản thân. Cảm giác lo âu, bất an, sợ hãi thường tập trung vào buổi tối (nhất là trước khi đi ngủ), khiến bệnh nhân khó chìm vào giấc ngủ.

Theo một thống kê gần đây, hơn 80% trường hợp đến bệnh viện thăm khám chuyên khoa thần kinh đều mắc chứng rối loạn giấc ngủ, trong đó, khoảng 5% bệnh nhân đang bước vào giai đoạn nặng. Vì vậy, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường trên, bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Căng thẳng tinh thần đến từ áp lực học tập, công việc, cuộc sống là một trong những nguyên nhân hàng đầu của chứng rối loạn giấc ngủ. Bệnh tình có xu hướng chuyển biến tồi tệ khi chúng ta đột ngột đối mặt với một số thay đổi lớn lao trong cuộc đời.
  • Tổn thương/chấn thương não có thể ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thần kinh, do đó, bệnh nhân sẽ bị căng thẳng sau chấn thương, đi kèm rối loạn giấc ngủ.
  • Thiếu ngủ lâu ngày dẫn đến sự thay đổi của đồng hồ sinh học, vì vậy, người bệnh thường mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày nhưng lại mất ngủ, ngủ không ngon giấc vào ban đêm.
  • Sử dụng thuốc Tây điều trị bệnh huyết áp, Parkinson và trầm cảm có thể chính là lý do làm bạn gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ.
  • Thói quen xem tivi, dùng máy tính, lướt điện thoại, đọc sách quá chăm chú sẽ làm đảo lộn giờ ngủ sinh học vì bệnh nhân tập trung quá mức trước khi đi ngủ.
  • Cảm lạnh, dị ứng và nhiễm trùng đường hô hấp khiến bạn khó thở vào ban đêm (nếu không thể thở được bình thường bằng mũi, chúng ta sẽ dễ bị khó ngủ).
  • Tiểu đêm chính là một trong những nguyên nhân phổ biến gây gián đoạn giấc ngủ, khiến bệnh nhân thức giấc giữa đêm, đặc biệt, tình trạng mất cân bằng nội tiết tố hoặc những bệnh lý về đường tiết niệu có thể làm rối loạn giấc ngủ càng thêm trầm trọng. Hãy thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức nếu bạn thường xuyên tiểu đêm, đau buốt và chảy máu.
  • Các cơn đau mạn tính của bệnh viêm khớp, viêm ruột, hội chứng mệt mỏi mạn tính, đau cơ xơ hóa, đau lưng dưới, nhức đầu dữ dội… sẽ kéo giảm chất lượng giấc ngủ của người bệnh một cách rõ rệt. Trong nhiều trường hợp, những cơn đau dai dẳng này còn khiến chứng rối loạn giấc ngủ thêm nặng nề. Theo một số nghiên cứu, các vấn đề về giấc ngủ có thể là làm bệnh đau cơ xơ hóa tiến triển nhanh chóng và khó kiểm soát hơn.

Rối loạn giấc ngủ là căn bệnh phổ biến, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống của mọi đối tượng, mọi độ tuổi. Trong đó, phụ nữ dễ mắc bệnh hơn. Độc giả nên cố gắng kiểm soát bệnh lý bằng cách giảm thiểu những yếu tố nguy cơ dưới đây:

  • Tuổi tác
  • Yếu tố di truyền
  • Lối sống kém khoa học, không lành mạnh (di chuyển qua nhiều múi giờ, làm việc theo ca, lịch trình làm việc – nghỉ ngơi không hợp lý…)
  • Thói quen lười vận động, hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều cà phê, quản lý căng thẳng kém hiệu quả

Hậu quả của rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ có thể tác động tiêu cực đến hoạt động nhận thức (bao gồm khả năng ghi nhận, thấu hiểu, phán đoán và xử lý công việc), sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Nếu tiếp tục kéo dài, tình trạng này sẽ khiến người bệnh chóng mặt, đãng trí, chán ăn, dễ cáu gắt, bi quan, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, sa sút trí tuệ, dễ mắc phải các rối loạn tâm thần, thậm chí nảy sinh ý định tự sát.

Hậu quả của rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ có thể tác động tiêu cực đến hoạt động nhận thức (bao gồm khả năng ghi nhận, thấu hiểu, phán đoán và xử lý công việc) của bệnh nhân.

Bên cạnh đó, rối loạn giấc ngủ cũng ảnh hưởng lớn đến cân nặng của chúng ta. Một số nghiên cứu đã chứng minh mối quan hệ mật thiết của chứng mất ngủ và tình trạng thừa cân. Khi bạn mất ngủ, quá trình trao đổi chất sẽ bị cản trở. Lúc này, nồng độ insulin bên trong cơ thể thay đổi. Do đó, chúng ta cảm thấy thèm ăn hơn và dễ tăng cân.

Đặc biệt, theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Hoa Kỳ, tình trạng ngủ nhiều hơn 9 tiếng/đêm hoặc ngừng thở khi ngủ (hai hình thái phổ biến của rối loạn giấc ngủ) có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở người trung niên.

Một nghiên cứu đã theo dõi trên 500.000 người Anh (độ tuổi trung bình là 57 tuổi) không bị bệnh Alzheimer. Những người tham gia phải báo cáo về đặc điểm giấc ngủ, thời lượng ngủ ngày/đêm và thông tin chẩn đoán ngưng thở khi ngủ.

Trong khoảng thời gian theo dõi trung bình là 6,4 năm, 932 người đã mắc bệnh Alzheimer. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, so với nhóm người ngủ 6 – 9 tiếng/đêm, những người ngủ nhiều hơn có nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn. Sau khi điều chỉnh thời lượng giấc ngủ, triệu chứng buồn ngủ ban ngày và ngưng thở khi ngủ vẫn là nguy cơ dự đoán của Alzheimer.

Tiến sĩ Lei Gao thuộc Đại học Y khoa Harvard và Bệnh viện Brigham and Women’s tại Boston, Massachusetts (Hoa Kỳ), tác giả chính của nghiên cứu này, nhận định: Vấn đề ngủ quá nhiều có thể là nguyên nhân của tình trạng sa sút trí tuệ. Trên thực tế, việc buồn ngủ và ngủ quá lâu vào ban ngày có thể là kết quả của bệnh Alzheimer tiền lâm sàng.

Biện pháp chẩn đoán rối loạn giấc ngủ

Để chẩn đoán chính xác chứng rối loạn giấc ngủ, đầu tiên, bác sĩ chuyên khoa sẽ trực tiếp khám sức khỏe và thu thập thông tin cần thiết về tiền sử bệnh và triệu chứng lâm sàng. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể được yêu cầu tham gia các bài kiểm tra chuyên sâu như:

  • Điện não đồ (Electroencephalogram – EEG): Thông qua việc đánh giá mức độ hoạt động điện của não bộ, bài kiểm tra này có thể phát hiện các vấn đề tiềm ẩn liên quan. Điện não đồ là một phần của nghiên cứu đa ký giấc ngủ.
  • Đo đa ký giấc ngủ (Polysomnography – PSG): Được tiến hành tại các trung tâm nghiên cứu giấc ngủ, kỹ thuật này sẽ theo dõi nồng độ oxy trong máu cũng như chuyển động của sóng não và cơ thể, từ đó xác định tác động của chúng đến giấc ngủ.
  • Kiểm tra giấc ngủ ngắn ban ngày (Multiple Sleep Latency Test – MSLT): Phương pháp nghiên cứu giấc ngủ ngắn vào ban ngày thường được kết hợp song song với kỹ thuật đo đa ký giấc ngủ vào ban đêm nhằm chẩn đoán chứng ngủ rũ.

Cả 3 xét nghiệm này đều đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng phác đồ điều trị rối loạn giấc ngủ.

Phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ

Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng, tình hình sức khỏe và hình thái rối loạn giấc ngủ, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả nhất.

Một số dạng rối loạn giấc ngủ có thể được cải thiện dễ dàng bằng cách điều chỉnh lịch ngủ, thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân. Trong nhiều trường hợp, người bệnh cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc phẫu thuật can thiệp.

Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, chứng bệnh này có khuynh hướng phát triển mạn tính và kéo dài nhiều năm, thậm chí cả đời. Tin vui là nếu phát hiện từ sớm và điều trị tích cực, rối loạn giấc ngủ có thể được chữa khỏi hoàn toàn.

Điều trị nội khoa

Để đẩy lùi bệnh lý, độc giả cần tuân thủ nghiêm túc mọi hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa trong quá trình điều trị nội khoa. Các loại thuốc chữa rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất hiện nay là: chloral hydrate, zolpidem, benzodiazepin…

Để hạn chế cảm giác buồn ngủ vào mỗi buổi sáng, những người bệnh ngủ nhiều nên dùng trà đặc, cà phê hoặc thay thế bằng thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ thuộc loại chống trầm cảm có ức chế chọn lọc thụ thể serotonin như: sertralin, fluoxetin…

Để đưa giấc ngủ quay về trạng thái bình thường, bệnh nhân không nên ngủ vào ban ngày. Nếu ban đêm không thể ngủ được, bạn hãy uống thêm thuốc an thần, sau đó giảm dần liều lượng cho trong vòng vài ngày hoặc vài tuần cho tới khi ngủ được bình thường thì ngừng thuốc hẳn. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi uống thuốc, tuyệt đối không sử dụng bừa bãi.

Áp dụng liệu pháp thư giãn

Liệu pháp thư giãn có thể điều trị rối loạn giấc ngủ và các căn bệnh tâm căn vô cùng hiệu quả. Phương pháp này bao gồm tập tư thế, thở khí công và làm giãn cơ. Tất cả hoạt động này đều liên quan đến cơ chế ám thị, dựa trên điểm tựa là ám thị, với mục đích tác động qua lại giữa cơ thể và tâm thần.

  • Cơ thể tác động đến tâm thần: Giãn cơ, thở khí công, tập tư thế làm cho tâm thần thư thái, trầm tĩnh, xoa dịu căng thẳng.
  • Tâm thần tác động trở lại cơ thể: Các hoạt động của nội tạng và hệ thần kinh thực vật có thể loại trừ tình trạng rối loạn giấc ngủ theo hướng đã được định sẵn.

Điều chỉnh lối sống

Ngoài việc điều trị nội khoa và áp dụng liệu pháp thư giãn, bệnh nhân cần chủ động điều chỉnh thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng theo những gợi ý sau:

  • Nếu có vấn đề gì đó chưa thể giải quyết xong trong ngày, hãy tạm thời gác lại khi đến giờ nghỉ ngơi, tránh vừa nằm chờ giấc ngủ vừa tìm cách xử lý công việc
  • Khi đã lên giường ngủ, cố gắng không suy nghĩ đến bất cứ điều gì khác. Nếu không ngủ được sau khoảng 10 – 15 phút, bạn nên ngồi dậy và làm một việc nhẹ nhàng nào đó
  • Thức dậy vào một khung giờ nhất định mỗi ngày (kể cả ngày nghỉ) dù tối hôm trước đã bị mất ngủ
  • Kiêng cữ sử dụng trà đặc, cà phê, rượu bia, thuốc lá vào buổi chiều
  • Chỉ ngủ trưa tối đa 30 phút vào ban ngày và không nghỉ ngơi sau 3 giờ chiều
  • Tập thể dục buổi sáng (có thể tập nặng) đều đặn hàng ngày
  • Hạn chế tiếp xúc với yếu tố kích thích trước khi ngủ như: đọc một cuốn sách quá hay, nghe nhạc quá to, xem bộ phim đòi hỏi óc quan sát và khả năng suy luận…
  • Tắm nước ấm trước khi đi ngủ khoảng 20 phút
  • Không ăn quá no và tránh xa những bữa tối quá thịnh soạn
  • Đảm bảo phòng ngủ thông thoáng, sạch sẽ, không quá nóng hoặc quá lạnh, ít ánh sáng
  • Sử dụng nút bịt tai nghe hoặc tận dụng tiếng ồn trắng để dễ ngủ hơn nếu bạn hay giật mình thức giấc giữa đêm
  • Nếu ánh sáng cản trở giấc ngủ của bạn, hãy đeo mặt nạ ngủ và kéo rèm lại
  • Suy nghĩ lạc quan, tích cực, duy trì tâm trạng vui tươi, thoải mái trước khi đi ngủ
  • Tránh suy nghĩ tiêu cực và ngừng lo lắng về những sự kiện sắp diễn ra
  • Giải tỏa tâm trí trước lúc đi ngủ bằng cách lập danh sách công việc sớm hơn (vào buổi chiều thay vì buổi tối)
  • Tuyệt đối không làm việc khác khi đã nằm trên giường như: ăn uống, xem tivi, lướt web, làm việc…
  • Tập yoga, ngồi thiền hoặc thực hiện các bài tập thư giãn trước khi đi ngủ
  • Tránh xem đồng hồ, chỉ sử dụng đồng hồ với mục đích báo thức
  • Nếu bị đột nhiên thức giấc giữa đêm và không thể ngủ lại sau 20 phút, hãy ra khỏi phòng ngủ và tìm kiếm một hoạt động thư giãn ở căn phòng khác, không nằm yên trên giường và liên tục trằn trọc thời gian đã trôi qua bao lâu bởi thói quen này sẽ khiến bạn thêm khó chịu và lo âu
  • Các món đồ ăn nhẹ như: táo, mứt, bánh mì, ngũ cốc, sữa tươi, sữa chua, bánh quy… có thể giúp bạn dễ ngủ hơn hẳn
  • Thường xuyên tập thể dục (đi bộ, chạy bộ, bơi lội…) nhưng tránh tập luyện trong vòng 4 tiếng trước khi đi ngủ
  • Tắt đèn lúc ngủ vì bóng tối có thể báo hiệu cơ thể giải phóng hormon ngủ tự nhiên melatonin
  • Kết hợp một số yếu tố vật lý nhằm tạo nên điều kiện thuận lợi cho giấc ngủ như: tiếng mưa rơi, tiếng gió thổi, tiếng lá xào xạc, tiếng động đều đều, tiếng nhạc giao hưởng…
  • Điều trị dứt điểm các bệnh lý nội khoa đi kèm chứng rối loạn giấc ngủ như: tiểu đường, bệnh đường tiết niệu, bệnh tuyến giáp, rối loạn tâm thần…
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng và đầy đủ dưỡng chất
  • Tránh uống nước trước khi đi ngủ 2 – 3 tiếng

Giữa cuộc sống hiện đại hối hả, bận rộn, rối loạn giấc ngủ là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất. Để chủ động phòng tránh tình trạng này, độc giả cần cố gắng tránh xa những tác nhân có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ như: căng thẳng, áp lực, lối sống kém khoa học, chế độ ăn uống nghèo nàn dưỡng chất hay một số bệnh lý thực tổn và rối loạn tâm thần khác.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *