Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Rối loạn tăng động giảm chú ý là căn bệnh phổ biến ở trẻ em với tỷ lệ mắc phải là 3 – 6%. Tình trạng này thường khởi phát từ thời thơ ấu và có thể kéo dài đến độ tuổi trưởng thành. 

Rối loạn tăng động giảm chú ý là bệnh gì?

Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-Deficit/Hyperactivity Disorder – ADHD) là một dạng rối loạn mạn tính thường gặp trong quá trình phát triển của trẻ em. Các đặc trưng của chứng bệnh này bao gồm: hấp tấp, hiếu động thái quá (tăng động), biểu hiện hành vi bốc đồng, dễ dàng phân tâm, khó duy trì sự tập trung, chú ý…

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Rối loạn tăng động giảm chú ý là một dạng rối loạn mạn tính thường gặp trong quá trình phát triển của trẻ em.

Ước tính, tỷ lệ trẻ em Việt Nam mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý vào khoảng 3,01%. Con số này đang có chiều hướng gia tăng.

Những em bé mắc bệnh buộc phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc học tập, phát triển lòng tự trọng cũng như vướng vào một số rắc rối trong các mối quan hệ xã hội. Nhìn chung, các biểu hiện sẽ giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, ở nhiều bệnh nhân, những triệu chứng này không thể biến mất hoàn toàn.

Hiện nay, tuy chưa có phương pháp điều trị bệnh lý dứt điểm nhưng ít nhất việc sử dụng thuốc Tây và trị liệu tâm lý có thể góp phần cải thiện tình hình. Các chuyên gia nhấn mạnh, việc chẩn đoán từ sớm và chữa trị kịp thời có thể tạo nên sự khác biệt rất lớn trong hiệu quả điều trị.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn tăng động giảm chú ý

Trước đây, ADHD từng được gọi là rối loạn thiếu tập trung. Tuy nhiên, ngày nay, thuật ngữ rối loạn tăng động giảm chú ý được sử dụng rộng rãi hơn vì có thể bao quát đầy đủ triệu chứng điển hình của chứng bệnh này: tăng động, kém chú ý và hành động bốc đồng. Một số bé xuất hiện dấu hiệu nhận biết từ rất sớm (khoảng 2 – 3 tuổi).

Rối loạn tăng động giảm chú ý xuất hiện phổ biến ở bé trai hơn so với bé gái. Đồng thời, biểu hiện hành vi rối loạn của hai giới cũng rất khác nhau, chẳng hạn các bé trai hiếu động thái quá trong khi các bé gái thường kém chú ý một cách lặng lẽ.

Những triệu chứng đặc trưng của chứng bệnh này bao gồm:

  • Hay mơ màng
  • Khó tập trung, chú ý
  • Khó tuân thủ chỉ dẫn và có vẻ như đang không lắng nghe
  • Gặp khó khăn khi phải thực hiện các hoạt động mang tính tổ chức cao hoặc hoàn thành nhiệm vụ được giao
  • Thường xuyên bỏ quên hoặc làm mất đồ chơi và dụng cụ học tập
  • Dễ dàng sao lãng, phân tâm
  • Thường không hoàn thành công việc, bài tập được giao
  • Hay ngọ nguậy, bồn chồn, sốt sắng, không chịu ngồi yên
  • Nói quá nhiều, gần như không thể giữ im lặng
  • Hay cắt ngang cuộc trò chuyện hoặc chen vào trò chơi của những bé khác
  • Gặp khó khăn trong việc bình tĩnh chờ đợi đến lượt của mình
  • Không thể tập trung tốt vào các chi tiết, hay mắc lỗi cẩu thả
  • Gặp khó khăn về kỹ năng viết, đọc
  • Leo trèo, chạy nhảy liên tục
  • Khó kiềm chế cảm xúc, hay quậy phá, hay nổi giận dữ dội vào những thời điểm không thích hợp
  • Thiếu tự tin, ngại giao tiếp với bạn bè
  • Gặp khó khăn trong việc biểu hiện cử chỉ hoặc bày tỏ cảm xúc bằng lời nói

Nếu lo lắng rằng con em đang bị rối loạn tăng động giảm chú ý, cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ nhi khoa để được kiểm tra, đánh giá sức khỏe ban đầu, từ đó tìm kiếm nguyên nhân hình thành triệu chứng. Nếu bé được chẩn đoán mắc bệnh, bạn nên thường xuyên đưa bé đi gặp bác sĩ cho đến khi các triệu chứng từ từ được cải thiện, sau đó duy trì thăm khám mỗi 3 – 4 tháng 1 lần.

Nguyên nhân gây rối loạn tăng động giảm chú ý

Nguyên nhân cụ thể dẫn đến rối loạn tăng động giảm chú ý vẫn chưa được làm rõ. Hiện nay, các nhà khoa học đang tiếp tục đào sâu tìm hiểu. Theo một số nghiên cứu, yếu tố di truyền có thể liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và phát triển bệnh lý.

Nguyên nhân gây rối loạn tăng động giảm chú ý
Theo một số nghiên cứu, yếu tố di truyền có thể liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và phát triển bệnh lý.

Thế nhưng, cơ chế di truyền rất phức tạp và có thể không chỉ chịu ảnh hưởng của một lỗi di truyền đơn lẻ. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng và độc tố từ môi trường tích tụ trong thời gian mang thai có khả năng tác động đến hệ thần kinh trung ương của thai nhi và làm tăng nguy cơ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý.

Các yếu tố nguy cơ của dạng rối loạn này gồm có:

  • Có người thân trong gia đình từng bị rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc một dạng rối loạn sức khỏe tâm thần nào khác
  • Tiếp xúc với hóa chất trong môi trường (chẳng hạn kim loại chì trong nước sơn hoặc đường ống của những tòa nhà cũ)
  • Người mẹ uống thuốc Tây, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia khi mang thai
  • Người mẹ tiếp xúc với những hóa chất độc hại tồn tại trong môi trường (ví dụ polychlorinated biphenyls – PCBs) suốt thai kỳ
  • Trẻ bị sinh non

Rối loạn tăng động giảm chú ý có nguy hiểm không?

Căn bệnh này có thể khiến bé gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống vì:

  • Khó tập trung tiếp thu trọn vẹn bài giảng, do đó, kết quả học tập kém, phải đối mặt với sự trách mắng từ người lớn và thái độ chế giễu của bạn bè
  • Dễ bị tổn thương và tai nạn
  • Có lòng tự trọng thấp
  • Khó khăn trong quá trình giao tiếp, khó được bạn bè và người lớn yêu thương, chấp nhận
  • Có thể lạm dụng rượu bia, nghiện ma túy và phạm pháp sau này

Các chuyên gia cho biết, rối loạn tăng động giảm chú ý không gây ra các dạng rối loạn tâm lý hoặc những vấn đề về sự phát triển. Tuy nhiên, so với những em bé bình thường, trẻ em bị rối loạn tăng động giảm chú ý rất dễ mắc:

  • Rối loạn học tập (bao gồm các vấn đề về giao tiếp và nhận thức)
  • Rối loạn lo âu
  • Rối loạn lưỡng cực (tình trạng trầm cảm và hưng cảm quá mức)
  • Rối loạn thách thức chống đối (hành động thách thức cùng thái độ tiêu cực với người được ủy quyền)
  • Rối loạn tư cách đạo đức (chống đối xã hội, đánh nhau, trộm cắp, phá hoại tài sản, gây hại cho động vật hoặc người khác)
  • Trầm cảm
  • Hội chứng Tourette (một dạng rối loạn thần kinh được đặc trưng bởi hiện tượng co giật đột ngột ở mặt, chân, bàn tay…)

Biện pháp chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý

Nếu nghi ngờ bé yêu mắc phải vấn đề này, phụ huynh nên đưa con đi thăm khám bác sĩ nhi khoa. Căn cứ vào kết quả đánh giá ban đầu, bác sĩ sẽ giới thiệu trẻ đến với bác sĩ tâm thần, bác sĩ nhi chuyên khoa thần kinh, chuyên gia tâm lý hoặc chuyên gia về phát triển hành vi.

Nhìn chung, bác sĩ chuyên khoa chỉ xác định một em bé bị rối loạn tăng động giảm chú ý khi các triệu chứng chính của bệnh lý xuất hiện từ sớm và đã dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng và liên tiếp tại trường hoặc ở nhà. Khi chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý, bác sĩ sẽ dựa trên thang điểm đánh giá rối loạn tăng động giảm chú ý tiêu chuẩn để:

  • Kiểm tra sức khỏe tổng quát nhằm loại trừ các nguyên nhân khác
  • Thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe hiện tại thông qua tiền sử bệnh lý của trẻ và cả gia đình cũng các báo cáo từ trường học
  • Phỏng vấn trực tiếp hoặc điều tra thông qua bảng câu hỏi dành riêng cho giáo viên, người giữ trẻ và các thành viên trong gia đình

Theo Cẩm nang Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các dạng rối loạn tâm thần (DSM-5) do Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ xuất bản, một đứa trẻ được chẩn đoán bị rối loạn tăng động giảm chú ý khi hội đủ những điều kiện sau:

  • Các triệu chứng xuất hiện ở hơn 1 môi trường sống (chẳng hạn ở nhà và tại trường)
  • Các triệu chứng tồn tại tối thiểu 6 tháng
  • Các triệu chứng diễn ra trước khi bé được 7 tuổi
  • Các triệu chứng ảnh hưởng lớn đến chức năng xã hội, học tập và các hoạt động nghề nghiệp khác
  • Các triệu chứng bất thường quá mức so với mức độ phát triển của bé
  • Các rối loạn tâm thần khác có thể gây ra triệu chứng tương tự đã được loại trừ

Tùy thuộc vào đặc điểm của các dấu hiệu nhận biết, chứng rối loạn tăng động giảm chú ý được phân thành ba nhóm chính: nhóm tăng động – thiếu kiềm chế, nhóm kém chú ý và nhóm hỗn hợp. Sự phân nhóm của mỗi trẻ có thể thay đổi theo thời gian.

Biện pháp chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý
Tùy thuộc vào đặc điểm của các dấu hiệu nhận biết, chứng rối loạn tăng động giảm chú ý được phân thành ba nhóm chính: nhóm tăng động – thiếu kiềm chế, nhóm kém chú ý và nhóm hỗn hợp.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn DSM-V giúp các chuyên gia giảm thiểu sai sót trong quá trình chẩn đoán. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn trên bắt nguồn từ các nghiên cứu ở trẻ em được đánh giá bởi chuyên gia tâm thần thay vì các nhân viên chăm sóc y tế ban đầu.

Hơn nữa, mỗi người sử dụng có thể nhận định và lý giải khác nhau về đặc điểm hành vi chuyên biệt trong tài liệu này. Đây chính là hai điểm quan trọng cần lưu ý khi chẩn đoán bệnh lý dựa trên hướng dẫn của Cẩm nang Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các dạng rối loạn tâm thần (DSM-5).

Phương pháp chữa bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý

Theo nhiều tài liệu chuyên ngành chính thống, công tác điều trị tiêu chuẩn đối với trẻ em rối loạn tăng động giảm chú ý bao gồm: sử dụng thuốc Tây, tư vấn và chăm sóc ở nhà, tại trường. Sự kết hợp của nhiều phương pháp góp phần hạn chế tối đa các triệu chứng của bệnh lý.

Tuy nhiên, tất cả cách làm trên không thể chữa khỏi rối loạn tăng động giảm chú ý một cách dứt điểm. Ngoài ra, chúng ta cũng cần mất một khoảng thời gian dài để tìm thấy phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả nhất.

Sử dụng thuốc Tây

Nhóm thuốc kích thích thần kinh rất phổ biến trong quá trình điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý. Nhóm thuốc này có khả năng cân bằng nồng độ của các chất dẫn truyền thần kinh, từ đó cải thiện triệu chứng tăng động, bốc đồng, giảm tập trung một cách đáng kể và nhanh chóng.

Các loại thuốc kích thích thần kinh thường được chỉ định bao gồm: lisdexamfetamine (vyvanse), dextroamphetamine-amphetamine (adderall XR), dextroamphetamine (dexedrine), methylphenidate (concerta, ritalin, metadate)…

Liều lượng thuốc dành cho mỗi bé rất khác nhau. Vì vậy, độc giả cần kiên nhẫn điều trị cho trẻ trong một khoảng thời gian đủ dài để tìm ra liều lượng chính xác, an toàn và phù hợp nhất. Hơn nữa, liều lượng thuốc cũng cần được điều chỉnh linh hoạt nếu con đã trưởng thành hoặc gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng.

Lưu ý: Tuy hiếm gặp nhưng đã có một số trường hợp trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng nhóm thuốc kích thích bị tử vong. Hiện nay, khả năng gia tăng rủi ro đột tử vẫn chưa được kiểm chứng cụ thể nhưng nếu điều này tồn tại, các chuyên gia cho rằng hiện tượng tử vong chỉ xuất hiện ở những người có khuyết tật về tim hoặc bị bệnh tim tiềm ẩn.

Bên cạnh đó, các loại thuốc khác cũng có thể được kê toa trong quá trình điều trị, bao gồm: desipramine (norpramin), bupropion (wellbutrin), atomoxetine (strattera), guanfacine (intuniv, tenex), clonidine (catapres).

Việc cho trẻ uống thuốc kê đơn đúng liều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do đó, trong quá trình chữa bệnh, cha mẹ cần đảm bảo cất thuốc ở vị trí an toàn và nhắc nhở con uống thuốc đúng liều lượng vào thời điểm thích hợp. Ngoài ra, bạn cần:

  • Quản lý thuốc cẩn thận, không để bé tự giữ thuốc của mình
  • Cẩn thận cất thuốc vào hộp thuốc ở nhà và khóa lại kỹ lưỡng
  • Không đưa bé mang thuốc đến trường, thay vào đó, hãy nhờ giáo viên giữ thuốc cho con

Tư vấn

Phương pháp hữu ích này thường được thực hiện bởi nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần. Một số trẻ em bị rối loạn tăng động giảm chú ý có thể mắc thêm trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Đối với những trường hợp này, công tác tư vấn và trị liệu tâm lý đóng vai trò vô cùng cần thiết.

  • Liệu pháp hành vi: Phụ huynh và giáo viên có thể quan sát, theo dõi sự thay đổi hành vi của bé khi đối mặt với tình huống khó khăn và từ từ uốn nắn, điều chỉnh bằng cách khuyến khích, động viên, khen thưởng hoặc nhắc nhở, trách phạt nếu bé làm sai.
  • Liệu pháp tâm lý: Kỹ thuật này giúp các trẻ lớn bị rối loạn tăng động giảm chú ý chia sẻ về những vấn đề vướng mắc đang khiến con khó chịu. Nhờ đó, bạn có thể tìm hiểu kiểu hành vi tiêu cực của bé và đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả.
  • Liệu pháp gia đình: Cách làm này hỗ trợ cha mẹ và anh chị em của trẻ đối phó với tình trạng căng thẳng khi sống chung với người bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý.
  • Rèn luyện kỹ năng xã hội: Con trẻ sẽ học được cách hành động phù hợp với kỳ vọng của gia đình, nhà trường và xã hội.
  • Tập huấn kỹ năng cho phụ huynh: Điều này giúp cha mẹ phát triển và trau dồi kỹ năng thấu hiểu và định hướng hành vi của trẻ.

Thống kê cho thấy, kết quả điều trị bệnh lý rất khả quan nếu phụ huynh tìm thấy sự hỗ trợ, đồng hành và phối hợp nhiệt tình từ bác sĩ tâm thần, chuyên gia trị liệu và giáo viên chủ nhiệm của bé.

Chăm sóc ở nhà và ở trường

Rối loạn tăng động giảm chú ý mang tính chất phức tạp. Mỗi bệnh nhân là một trường hợp độc đáo, riêng biệt và hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, các chuyên gia khó đưa ra khuyến cáo chung nhất dành cho mọi trẻ em mắc phải bệnh lý này. Tuy nhiên, để góp phần cải thiện triệu chứng, các bậc phụ huynh nên:

Khi bé ở nhà

  • Thể hiện tình cảm yêu thương nồng nhiệt với trẻ

Những em bé bị rối loạn tăng động giảm chú ý cần biết rằng chúng luôn được yêu thương, tôn trọng và tin tưởng. Việc chỉ chăm chăm chú ý đến các hành vi tiêu cực khiến mối quan hệ giữa bạn và bé trở nên căng thẳng, rạn nứt, đồng thời bào mòn lòng tự trọng và sự tự tin của con trẻ.

Nếu bé khó nắm bắt và cảm nhận tình yêu thương từ lời nói đơn thuần, bạn có thể mỉm cười, cung nựng, ôm ấp, vỗ về trẻ mỗi ngày, đồng thời tìm kiếm những ưu điểm và hành vi tích cực để động viên, khen ngợi bé.

Chăm sóc ở nhà và ở trường
Những em bé bị rối loạn tăng động giảm chú ý cần biết rằng chúng luôn được yêu thương, tôn trọng và tin tưởng.
  • Dành nhiều thời gian bên trẻ 

Độc giả nên dành nhiều thời gian đồng hành với con yêu cũng như cố gắng chấp nhận toàn bộ nhược điểm và trân trọng tất cả ưu điểm của bé. Bằng cách dành thời gian quan tâm, chăm sóc, yêu thương, lắng nghe, trò chuyện, cổ vũ và hướng dẫn con liên tục, cha mẹ sẽ dần dần uốn nắn hành vi và điều chỉnh cách cư xử của trẻ theo đúng chuẩn mực.

  • Cố gắng nâng cao ý thức kỷ luật và cải thiện lòng tự trọng của bé

Những em bé bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường thể hiện rất tốt trong các bộ môn nghệ thuật và võ thuật như: hội họa, âm nhạc, khiêu vũ, taekwondo, karate… Tuy nhiên, cha mẹ đừng ép buộc con phải tham gia những hoạt động không yêu thích hoặc vượt quá khả năng.

Mọi em bé đều sở hữu những tiềm năng, sở thích riêng biệt và độc đáo. Chúng cần được phát hiện, trân trọng và nuôi dưỡng theo thời gian. Những thành công nho nhỏ trong các công việc/nhiệm vụ/hoạt động hàng ngày sẽ giúp trẻ củng cố ý thức kỷ luật và tăng cường lòng tự trọng.

  • Làm việc cẩn thận, gọn gàng với óc tổ chức linh hoạt

Phụ huynh nên hướng dẫn con em ghi chép kỹ lưỡng và sắp xếp công việc hàng ngày một cách hợp lý, đồng thời đảm bảo bé luôn được học tập, thư giãn trong một không gian hoàn toàn yên tĩnh. Môi trường sống gọn gàng, sạch sẽ và trật tự có thể thúc đẩy bé rèn luyện khả năng tổ chức linh hoạt.

  • Sử dụng ngôn từ chân phương và minh họa chỉ dẫn bằng những ví dụ trực quan

Đối với trẻ em rối loạn tăng động giảm chú ý, cha mẹ cần nói chuyện chậm rãi, nhẹ nhàng, cụ thể, rõ ràng cũng như chỉ đưa ra từng chỉ dẫn đơn lẻ vào một thời điểm nhất định. Người đọc cần nhìn thẳng vào mắt con trước và trong khi hướng dẫn, duy trì một thời gian biểu quen thuộc (cố định khung giờ ăn uống, học bài, nghỉ ngơi, thư giãn), đánh dấu những sự kiện đặc biệt sắp tới trong một cuốn lịch lớn…

Khi mắc phải căn bệnh này, bệnh nhân thường khó chấp nhận sự thay đổi và không thể linh hoạt thích ứng với mọi tình huống như người bình thường. Do đó, bạn cần hạn chế chuyển đổi đột ngột từ hoạt động này sang hoạt động khác hoặc ít nhất, hãy thông báo cho trẻ biết trước để chuẩn bị tinh thần.

  • Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi hợp lý

Tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, áp lực có thể khiến các triệu chứng trở nên tồi tệ. Do đó, bạn nên nhắc nhở bé yêu học tập chăm chỉ và nghỉ ngơi điều độ.

  • Xác định và tránh xa các tình huống khó khăn

Cha mẹ cần cố gắng giữ con tránh xa những tình huống khó khăn, chẳng hạn ngồi nghe một buổi thuyết trình nhàm chán kéo dài nhiều giờ hoặc đi mua sắm tại các trung tâm thương mại quá đông đúc, sầm uất, náo nhiệt.

  • Thiết lập hình phạt phù hợp

Phụ huynh hãy đặt ra một số thỏa thuận với bé về những hình phạt cụ thể nếu bé mắc lỗi gì đó hay quá hấp tấp mà không chịu chờ đợi. Lưu ý, khoảng thời gian chờ đợi tuy khá ngắn nhưng cũng đủ dài để bé kịp thời lấy lại khả năng kiểm soát tình huống. Thói quen này góp phần giảm thiểu và gây gián đoạn các hành vi ngoài tầm kiểm soát của bé.

  • Kiên nhẫn

Cha mẹ cần thực sự bình tĩnh và kiên nhẫn trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng một em bé bị rối loạn tăng động giảm chú ý, đặc biệt là những lúc hành động của con yêu bắt đầu khó kiểm soát hơn. Nếu bạn đủ kiên nhẫn và bình tĩnh, bé sẽ tự động học hỏi cách cư xử này và trở nên kiên nhẫn, bình tĩnh hơn.

  • Duy trì quan điểm đúng đắn

Phụ huynh cần thường xuyên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để nắm vững từng giai đoạn phát triển của trẻ, đồng thời đặt ra những kỳ vọng mang tính thực tế về sự cải thiện của cả bé và bạn.

  • Cho phép bản thân nghỉ ngơi

Nếu cảm thấy quá áp lực và mệt mỏi, độc giả có thể nhờ những người thân yêu trợ giúp để tạm thời lùi lại nghỉ ngơi bởi khi bị căng thẳng, bạn khó lòng hoàn thành vẹn toàn vai trò của một người cha/người mẹ tốt.

Khi trẻ đến trường 

  • Tìm hiểu cặn kẽ về chương trình học tập

Phụ huynh cần tìm hiểu kỹ lưỡng về chương trình đào tạo của ngôi trường mà con em đang theo học. Hãy cố gắng tận dụng tối đa mọi lợi thế của những chương trình học tập đặc biệt dành cho trẻ em rối loạn tăng động giảm chú ý (nếu có).

Ở Hoa Kỳ, luật pháp quy định trường học phải xây dựng những chương trình đào tạo riêng biệt nhằm đảm bảo mọi trẻ em mắc phải những khuyết tật ảnh hưởng đến năng lực học tập nhận được sự hỗ trợ đầy đủ và cần thiết.

Tại Việt Nam, người đọc có thể tìm hiểu về những cơ sở giáo dục đang áp dụng chương trình hỗ trợ đặc biệt cho trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc những ngôi trường chuyên biệt, dành riêng cho đối tượng này.

Thông thường, những chương trình đặc biệt gồm có sự điều chỉnh – đánh giá từng môn học, thay đổi cách thức tổ chức lớp học, điều chỉnh phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh hướng dẫn kỹ năng học tập và tăng cường sự hợp tác toàn diện giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh.

  • Trò chuyện với giáo viên chủ nhiệm

Cha mẹ cần thường xuyên liên lạc với giáo viên chủ nhiệm của trẻ để kịp thời nắm bắt tình hình của con trên lớp, đồng thời nhận được sự hỗ trợ tích cực từ họ. Hãy nhờ thầy cô giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của bé trong quá trình học tập.

Giáo viên nên đưa ra những lời nhận xét khách quan, trung thực, thường xuyên khen ngợi, khuyến khích, kiên nhẫn và linh hoạt khi tiếp xúc với trẻ cũng như chỉ dẫn các con thật cụ thể, rõ ràng.

Khi trẻ đến trường
Giáo viên cần kiên nhẫn và linh hoạt khi tiếp xúc với trẻ cũng như chỉ dẫn các con thật cụ thể, rõ ràng.

Ngoài ra, những trẻ em bị rối loạn tăng động giảm chú ý cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc viết chữ. Vì vậy, đôi khi, việc sử dụng máy tính có thể giúp trẻ loại bỏ phần nào những trở ngại này. Phụ huynh hãy thảo luận với giáo viên và nhà trường về việc cho phép bé sử dụng máy tính trong lớp học nhé!

Mọi đứa trẻ đều vô cùng ngây thơ, trong sáng, đáng yêu, hiếu động, tò mò và rất dễ tổn thương. Khi mắc phải rối loạn tăng động giảm chú ý, bé phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trong học tập và cuộc sống. Do đó, cha mẹ cần quan tâm, chăm sóc, yêu thương, đồng hành bên con trong mỗi phút giây.

Có thể bạn quan tâm

Bình luận (2)

  1. alethuan says: Trả lời

    Giáo viên hì thiếu kiến thức, thậm chí không phân biệt được TĐGCY và tự kỷ thì làm sao?

    1. Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam says: Trả lời

      Chào bạn, các thầy cô giáo chỉ là những người phụ trách dạy chuyên môn các môn học cho các bạn học sinh, không phải bác sĩ hay chuyên gia tâm lý nên việc họ không phân biệt được cũng là điều dễ hiểu bạn nhé. Nếu muốn rõ nhất tình trạng thì nên gặp Chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm lý thì sẽ là rõ nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *