Rối loạn bùng phát gián đoạn (IED): Dấu hiệu và cách kiểm soát

Rối loạn bùng phát gián đoạn (IED) thường gặp ở những người có sức chịu đựng kém với căng thẳng, thất vọng,… Người mắc chứng bệnh này có thể bùng phát cơn giận dữ, thịnh nộ, hung hăng không tương xứng với mức độ căng thẳng của tình huống. IED là tình trạng mãn tính, kéo dài 12 – 20 năm hoặc đôi khi tiến triển suốt đời.

rối loạn bùng phát gián đoạn
Rối loạn bùng phát gián đoạn (IED) đặc trưng bởi cơn giận dữ, thịnh nộ không tương xứng với tính chất căng thẳng của tình huống

Rối loạn bùng phát gián đoạn là gì?

Rối loạn bùng phát gián đoạn hay còn gọi là rối loạn bùng nổ gián đoạn (Intermittent Explosive Disorder/ IED). Thuật ngữ này đề cập đến một dạng rối loạn tâm thần mà bệnh nhân có các hành vi bạo lực, phẫn nộ, hung hăng lặp đi lặp lại. Mỗi cơn “bùng nổ” kéo dài không quá 30 phút và tần suất có thể là vài lần/ tuần hoặc vài lần/ tháng.

Cảm xúc, hành vi của người bệnh không phù hợp với tính chất căng thẳng của tình huống. Trạng thái “bùng nổ” xảy ra vô cùng đột ngột và không hề có dấu hiệu báo trước.

Khi rơi vào tình huống căng thẳng, phản ứng tức giận và nóng nảy được xem là bình thường. Tuy nhiên, khi mắc chứng rối loạn bùng nổ gián đoạn, bệnh nhân bùng phát hành vi, lời nói hung hăng không tương xứng với hoàn cảnh.

Đa phần những người mắc chứng rối loạn bùng nổ gián đoạn đều có khả năng chịu đựng rất thấp. Chỉ với một tác động nhỏ, bệnh nhân có thể trở nên nóng giận, kích động một cách bất thường. Ngoài các cơn “bùng nổ”, người bệnh cư xử hoàn toàn bình thường, chừng mực.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Rối loạn bùng phát gián đoạn (IED) có thể gặp ở mọi độ tuổi và được chẩn đoán cho trẻ từ 6 tuổi trở lên. Thống kê cho thấy, chứng bệnh này gặp chủ yếu ở thanh thiếu niên và người trẻ – đặc biệt là những người từng tham gia chiến tranh.

IED là rối loạn mãn tính nhưng có xu hướng tự thuyên giảm theo độ tuổi. Mục tiêu điều trị là giảm các cơn “bùng nổ” để cải thiện chất lượng cuộc sống và hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ xã hội.

Trong cơn “bùng nổ”, bệnh nhân có thể vô tình làm tổn thương bản thân và những người xung quanh. Đa phần người mắc chứng bệnh này đều phải dính líu đến các vụ kiện tụng vì hành vi gây hấn, hung hăng.

Triệu chứng của rối loạn bùng phát gián đoạn (IED)

Rối loạn bùng phát gián đoạn đặc trưng bởi các cơn thịnh nộ, tức giận, hành vi và lời nói hung hăng không tương xứng với tình huống. Các cơn “bùng nổ” do IED thường diễn ra trong thời gian ngắn (không quá 30 phút), xảy ra đột ngột và không có dấu hiệu báo trước.

Rối loạn bùng nổ gián đoạn có thể gây tổn hại về thể chất cho chính bệnh nhân và những người xung quanh. Hành vi đập phá đồ đạc còn gây hao tốn tài chính và gia tăng các rắc rối pháp lý. Để ngăn chặn những hậu quả do chứng bệnh này gây ra, cần phát hiện sớm rối loạn bùng phát gián đoạn qua các biểu hiện sau:

rối loạn bùng phát gián đoạn
Người mắc chứng rối loạn bùng phát gián đoạn có thể gây hấn, bạo lực với những người xung quanh trong cơn thịnh nộ
  • Bùng phát cơn giận dữ, hành vi/ lời nói hung hăng và thịnh nộ nhưng không phù hợp với tình huống thực tế. Một số bệnh nhân có biểu hiện đập phá đồ đạc, đánh người, tự gây thương tích cho chính mình và những ngưỡng quanh.
  • Trong cơn “bùng nổ”, tâm trạng của người bệnh không ổn định. Biểu cảm khuôn mặt thể hiện rõ sự tức giận, cáu gắt, thịnh nộ.
  • Cơn “bùng nổ” kéo dài không quá 30 phút và có thể tự thuyên giảm mà không cần bất cứ can thiệp nào.
  • Bản thân bệnh nhân nhận thức được sự vô lý trong hành vi, lời nói nhưng không thể nào kiểm soát.
  • Có thể đi kèm với những triệu chứng cơ thể như căng cơ, nóng bừng, ngứa ran, đánh trống ngực,…
  • Sau khi cơn “bùng nổ” qua đi, bệnh nahan cảm thấy nhẹ nhõm nhưng sau đó là cảm giác tội lỗi, hối hận và đau khổ.
  • Một số ít trường hợp xuất hiện ý nghĩ hoang tưởng trong các cơn “bùng nổ”. Thường là hoang tưởng có nội dung bị truy hại. Ý nghĩ có ai đó muốn hãm hại mình khiến bệnh nhân trở nên hung hăng, sẵn sàng gây hấn và sử dụng bạo lực với người khác.

Rối loạn bùng phát gián đoạn gây ra sự đau khổ đáng kể cho bản thân người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh lý cũng khiến bệnh nhân phải đối mặt những rắc rối trong các mối quan hệ, trường học, công việc,…

Nguyên nhân gây rối loạn bùng phát gián đoạn (IED)

Rối loạn bùng phát gián đoạn (IED) thường gặp ở trẻ em từ 12 tuổi trở lên nhưng cũng có khi được chẩn đoán từ trẻ 6 tuổi. Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra chứng bệnh này. Tuy nhiên, qua những nghiên cứu đã được thực hiện, IED được cho là có liên quan đến các yếu tố sau đây:

rối loạn bùng phát gián đoạn
Trẻ sống trong môi trường bạo lực, gia đình vô tâm sẽ có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn bùng nổ gián đoạn
  • Chấn thương tâm lý: Phần lớn các trường hợp bị IED đều có liên quan đến chấn thương tâm lý. Các chuyên gia nhận thấy, đa phần bệnh nhân đều từng bị bạo hành thể chất và bạo hành bằng lời nói trong thời thơ ấu. Ngoài ra, chứng kiến hành vi bạo lực trong thời gian dài cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ bị rối loạn bùng phát gián đoạn.
  • Môi trường sống: Môi trường sống là một trong những yếu tố góp phần gây ra chứng rối loạn bùng nổ gián đoạn. Theo các chuyên gia, môi trường sống không thuận lợi, gia đình vô tâm, thiếu sự quan tâm, sống trong cảnh chiến tranh, chứng kiến hành vi bạo lực,… sẽ có nguy cơ mắc chứng bệnh này cao hơn những người có môi trường sống lành mạnh.
  • Yếu tố di truyền: Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, IED cũng có tính chất di truyền. Nghiên cứu cho thấy, khoảng 44 – 72% hành vi hung hăng, bốc đồng là do di truyền. Vì vậy, nếu tiền sử gia đình có người mắc bệnh, tỷ lệ bị rối loạn bùng phát gián đoạn sẽ tăng lên đáng kể.
  • Bất thường ở não bộ: Khi chụp cộng hưởng từ cho những bệnh nhân rối loạn bùng phát gián đoạn, các chuyên gia nhận thấy một vài điểm bất thường. Thứ nhất là hạch hạnh nhân hoạt động kém hơn bình thường và nồng độ serotonin thấp. Những bất thường này đều góp phần vào cơ chế bệnh sinh của rối loạn bùng phát gián đoạn.
  • Tiền sử có các rối loạn tâm thần: Người gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần như rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn hành vi, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn nhân cách chống đối,… sẽ có nguy cơ bị rối loạn bùng phát gián đoạn cao hơn so với bình thường.

Ngoài những yếu tố kể trên, IED được cho là phổ biến hơn ở người trẻ tuổi (đặc biệt là thanh thiếu niên). Nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn so với nam giới. Thường thì sau năm 40 tuổi, các hành vi hung hăng, thịnh nộ,… sẽ giảm đi đáng kể.

Rối loạn bùng phát gián đoạn có nguy hiểm không?

Rối loạn bùng phát gián đoạn (IED) là rối loạn tâm thần tương đối hiếm gặp. Đến nay, chứng bệnh này chưa thực sự được nghiên cứu nhiều. Do đó, căn nguyên và cơ chế bệnh sinh còn nhiều điểm chưa rõ ràng.

Người mắc chứng IED không thể kiểm soát lời nói, hành vi trong cơn “bùng nổ”. Các cơn thịnh nộ, hung hăng, phẫn uất,… bộc phát một cách đột ngột khiến bệnh nhân gặp nhiều vấn đề trong các mối quan hệ. Do không có dấu hiệu báo trước nên người bệnh không có sự chuẩn bị để ứng phó với các cơn “bùng nổ” của bản thân.

Đa phần bệnh nhân rối loạn bùng phát gián đoạn đều phát sinh mâu thuẫn với những người xung quanh. Mâu thuẫn có thể trở nên sâu sắc hơn khiến người bệnh bị cô lập. Một phần lý do là vì bệnh nhân không chia sẻ bệnh tình, lý do còn lại là vì nhiều người không có hiểu biết về rối loạn bùng phát gián đoạn.

rối loạn bùng phát gián đoạn
Người mắc chứng rối loạn bùng phát gián đoạn dễ lâm vào cảnh thất nghiệp và mâu thuẫn trong các mối quan hệ

Ngoài vấn đề trong các mối quan hệ, các cơn thịnh nộ, hành vi hung hăng, lời nói thiếu kiểm soát,… còn gây ra những hậu quả như các vấn đề tài chính, kiện tụng, tai nạn xe, thất nghiệp,… Nếu không có sự hỗ trợ, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sẽ tuột dốc nhanh chóng.

Sau các cơn “bùng nổ”, người bệnh luôn có cảm giác tội lỗi do không thể kiểm soát lời nói và hành vi của mình. Một số trường hợp phát triển thành trầm cảm, rối loạn lo âu, stress,… Người bệnh cũng có thể lựa chọn lối sống phóng túng, sử dụng bia rượu, chất gây nghiện để giải tỏa sự bất lực của mình. Tuy nhiên, lối sống thiếu tổ chức lại khiến cho chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh suy giảm không ngừng.

Sau một thời gian phát bệnh, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với các vấn đề tâm lý, sức khỏe thể chất suy giảm, chất lượng cuộc sống tuột dốc không phanh,… Những ảnh hưởng của IED còn có thể gia tăng hành vi tự sát và các hành vi tự hủy hoại.

Rối loạn bùng phát gián đoạn được chẩn đoán bằng cách nào?

Dù ít được đề cập nhưng rối loạn bùng nổ gián đoạn (IED) đã được công nhận là rối loạn tâm thần chính thức trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần phiên bản thứ 5 (DSM-5). Giống như các rối loạn tâm thần khác, IED sẽ được chẩn đoán dựa vào tiêu chí trong DSM-5.

Ngoài khai thác triệu chứng, bệnh nhân sẽ được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tâm lý để phân biệt với các rối loạn tâm thần có triệu chứng tương tự. Các kỹ thuật được sử dụng trong chẩn đoán rối loạn bùng nổ gián đoạn bao gồm:

  • Khai thác triệu chứng, bệnh sử: Bước đầu tiên, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh lý và các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Tốt nhất nên có người thân đi cùng vì đôi khi người bệnh không diễn tả đúng hoàn toàn cường độ của cảm xúc trong cơn “bùng nổ”.
  • Khám sức khỏe tổng quát: Bệnh nhân sẽ được khám sức khỏe tổng quát để loại trừ nguyên nhân nghiện rượu, chất kích thích và một số vấn đề thể chất khác. Bước này sẽ giúp các bác sĩ xác định hành vi hung hăng, thịnh nộ mất kiểm soát là rối loạn tâm thần.
  • Đánh giá tâm lý: Để đánh giá tâm lý của bệnh nhân, bác sĩ sẽ sử dụng các bài trắc nghiệm chuyên sâu. Kết quả của phương pháp này giúp loại trừ những vấn đề sức khỏe tâm thần có biểu hiện tương tự như rối loạn thách thức chống đối, rối loạn hành vi, rối loạn nhân cách ái kỷ,…

Sau khi đã có đầy đủ dữ liệu, bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chí trong DSM-5 để đưa ra chẩn đoán chính thức. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm do tỷ lệ mắc chứng rối loạn bùng nổ gián đoạn không cao.

IED sẽ được chẩn đoán khi đáp ứng được những tiêu chí sau:

  • Cơn bùng nổ tần suất cao/ cường độ thấp: Với dạng này, bệnh nhân thường xuyên có các hành vi gây hấn, lời nói giận dữ, tranh cãi gay gắt,… xảy ra ít nhất 2 lần/ tuần liên tục trong vòng 3 tháng. Các hành vi gây hấn ở mức độ nhẹ, không gây tổn hại về thể chất cho người, động vật và không gây tổn thất quá lớn về tài sản.
  • Cơn bùng nổ tần suất thấp/ cường độ cao: Ngược lại với dạng trên, một số bệnh nhân IED có tần suất các cơn “bùng nổ” thấp nhưng mức độ nặng nề hơn. Cơn “bùng nổ” xảy ra ít nhất 3 lần/ năm và để lại thương tích đối với người, động vật.

Một tiêu chí quan trọng khi chẩn đoán rối loạn bùng phát gián đoạn là cơn thịnh nộ, hành vi hung hăng, gây hấn,… không phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Cơn giận dữ, hung hăng phải xuất hiện một cách đột ngột, bộc phát không có kế hoạch trước. Chỉ khi đáp ứng được những tiêu chí này, bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc chứng rối loạn bùng phát gián đoạn (IED) thay vì hành vi gây hấn thông thường.

Cách kiểm soát rối loạn bùng phát gián đoạn (IED)

Rối loạn bùng phát gián đoạn là tình trạng mãn tính. Điều này có nghĩa là bệnh nhân phải sống chung với chứng bệnh này trong một thời gian dài. Hiện nay, sử dụng thuốc và liệu pháp nhận thức hành vi được đánh giá có thể quản lý chứng IED hiệu quả.

Theo thống kê, rối loạn bùng nổ gián đoạn có thể kéo dài từ 12 – 20 năm hoặc suốt đời. Dù không có phương pháp chữa trị dứt điểm nhưng tích cực điều trị giúp ích rất nhiều trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phần lớn bệnh nhân can thiệp điều trị kịp thời và tích cực đều nhận thấy cải thiện rõ rệt. Tần suất, mức độ của các cơn “bùng nổ” giảm đi đáng kể. Với những bệnh nhân không có đáp ứng tốt với điều trị, mục tiêu là đảm bảo sự an toàn cho chính bệnh nhân và những người xung quanh trong cơn phát bệnh.

Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, lựa chọn điều trị có thể bao gồm:

1. Tâm lý trị liệu

Cho đến thời điểm hiện tại, tâm lý trị liệu vẫn là phương pháp hiệu quả nhất đối với chứng rối loạn bùng phát gián đoạn (IED). Có nhiều phương pháp được áp dụng nhưng phổ biến nhất là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT).

CBT được áp dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như rối loạn nhân cách, rối loạn lo âu, rối loạn bùng phát gián đoạn,… Trong phương pháp này, nhà trị liệu sẽ tìm hiểu về cảm xúc và suy nghĩ của bệnh nhân. Sau đó, đánh giá suy nghĩ ảnh hưởng như thế nào đến hành vi.

rối loạn bùng phát gián đoạn
Tâm lý trị liệu hiện vẫn đang là phương pháp điều trị rối loạn bùng phát gián đoạn hiệu quả nhất

Can thiệp CBT giúp bệnh nhân loại bỏ những hành vi, suy nghĩ tiêu cực và hình thành những thói quen lành mạnh hơn. Bên cạnh đó, trị liệu tâm lý còn giúp người bệnh học cách quản lý các tình huống căng thẳng trong cuộc sống và ngăn chặn các cơn bốc đồng, hung hăng.

CBT bao gồm nhiều kỹ thuật và những kỹ thuật sau sẽ được cân nhắc cho bệnh nhân IED:

  • Tái cấu trúc nhận thức (Cognitive restructuring)
  • Kỹ năng thư giãn (Relaxation training)
  • Kỹ năng đối phó (Coping skills training)
  • Ngăn ngừa tái phát (Relapse prevention)

Ngoài những kỹ thuật trên, nhà trị liệu cũng sẽ cân nhắc thêm một số kỹ thuật khác tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân. Hạn chế duy nhất của tâm lý trị liệu là thời gian can thiệp khá lâu nên cần sự kiên nhẫn từ bệnh nhân và gia đình.

2. Hóa dược trị liệu

Một số loại thuốc có thể làm giảm các triệu chứng của rối loạn bùng phát gián đoạn (IED). Kinh nghiệm lâm sàng về hóa dược trị liệu trong điều trị IED còn nhiều hạn chế. Do đó, chỉ những trường hợp cần thiết mới được chỉ định thuốc.

rối loạn bùng phát gián đoạn
Thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần,… có thể làm giảm triệu chứng do rối loạn bùng phát gián đoạn gây ra

Các loại thuốc được dùng trong điều trị rối loạn bùng phát gián đoạn bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm (thường dùng nhất là Fluoxetine)
  • Thuốc chống co giật (Phenytoin, Carbamazepine, Lithium, Oxcarbazepine,…)
  • Thuốc chống loạn thần
  • Thuốc giải lo âu, an thần
  • Thuốc điều chỉnh khí sắc

Rối loạn bùng phát gián đoạn có thể khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái căng thẳng, trầm cảm, lo âu kéo dài. Vì thế, một số loại thuốc được sử dụng để cải thiện các rối loạn cảm xúc đi kèm. Loại thuốc, liều lượng sử dụng sẽ được bác sĩ cân nhắc tùy theo tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân.

Các biện pháp tự chăm sóc cho bệnh nhân rối loạn bùng phát gián đoạn

Các phương pháp y tế có thể quản lý rối loạn bùng phát gián đoạn hiệu quả. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh không thể kiểm soát hoàn toàn mà chỉ có thể thuyên giảm về tần suất và mức độ. Vì vậy, kế hoạch quản lý IED còn bao gồm cả các biện pháp tự chăm sóc.

Bệnh nhân rối loạn bùng phát gián đoạn nên thực hiện các biện pháp tự chăm sóc sau:

  • Kiêng cữ tuyệt đối rượu bia và chất gây nghiện. Hạn chế cồn, chất kích thích não bộ sẽ giảm phần nào mức độ hung hăng, thịnh nộ trong các cơn “bùng nổ”.
  • Rối loạn bùng phát gián đoạn gây ra sự đau khổ nhất định cho bệnh nhân. Do đó, trang bị các kỹ thuật thư giãn là vô cùng cần thiết. Thiền, yoga, thở khí công,… là những cách giúp cải thiện tình trạng căng thẳng do IED gây ra khá hiệu quả.
  • Cần học cách chia sẻ, cởi mở với mọi người về tình trạng sức khỏe của bản thân. Khi hiểu hơn về chứng rối loạn bùng phát gián đoạn, những người xung quanh có thể giúp đỡ bệnh nhân khi cần thiết.
  • Người mắc chứng rối loạn bùng nổ gián đoạn thường có tâm trạng không ổn định. Để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, nên tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc và hạn chế các yếu tố căng thẳng trong cuộc sống.
  • Nếu không tìm được người đủ thấu hiểu để chia sẻ, bệnh nhân có thể tham gia một số hội nhóm. Hiện nay, có nhiều tổ chức được thành lập với mong muốn hỗ trợ những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Sự chia sẻ, thấu hiểu từ các tổ chức sẽ giúp bệnh nhân vượt qua trở ngại và có thêm hy vọng vào cuộc sống.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Rối loạn bùng phát gián đoạn (EID) là chứng bệnh khá hiếm gặp. Dù vậy, những ảnh hưởng của bệnh thực sự rất đáng lo ngại. Nếu nghi ngờ người thân/ bạn bè mắc chứng bệnh này, nên khuyên nhủ họ tìm gặp bác sĩ để được can thiệp điều trị kịp thời.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *