Đặc điểm phân biệt trẻ tăng động với hiếu động bạn nên chú ý

Trẻ mắc chứng tăng động có thể bị nhầm lẫn với tính cách hiếu động và nghịch ngợm thông thường. Để kịp thời cho trẻ khám và điều trị, bố mẹ cần biết cách phân biệt trẻ tăng động với hiếu động.

trẻ tăng động và hiếu động
Trẻ tăng động và hiếu động có nhiều điểm tương đồng nên rất dễ bị nhầm lẫn

Hiểu rõ về tăng động và hiếu động

Tăng động và hiếu động đều có biểu hiện chung là nghịch ngợm, tăng các hoạt động thể chất, tay chân táy máy và khó ngồi yên một chỗ. Tuy nhiên, hiếu động là đặc điểm tính cách thường gặp ở trẻ dưới 14 tuổi. Trong khi đó, tăng động là một dạng rối loạn phát triển gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và các khía cạnh khác của cuộc sống.

Hiếu động là đặc điểm phát triển tâm lý chỉ xuất hiện trong một giai đoạn cụ thể. Tình trạng này gặp nhiều ở bé trai và có xu hướng giảm hoàn toàn khi đến tuổi trưởng thành. Trẻ hiếu động vẫn phát triển khỏe mạnh và không gặp phải các vấn đề về tâm lý hay thể chất. Ngược lại, trẻ bị tăng động (rối loạn tăng động giảm chú ý) sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe và không ít phiền toái trong cuộc sống.

Rối loạn tăng động giảm chú ý là một dạng rối loạn phát triển khá phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh lý này có mối liên hệ mật thiết với rối loạn hành vi, rối loạn thách thức chống đối và rối loạn phổ tự kỷ. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở bé trai, tuy nhiên triệu chứng nghiêm trọng hơn ở nữ giới.

Khác với tính hiếu động, trẻ bị tăng động không thể kiểm soát được hành vi của bản thân, khó kiềm chế cảm xúc, hấp tấp, thiếu suy xét và không thấu đáo trong lời nói hay cách ứng xử. Chứng bệnh này có thể thuyên giảm khi bước vào giai đoạn trưởng thành. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phát triển dai dẳng sau 18 tuổi. Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ. Dù vậy, các phương pháp điều trị có thể kiểm soát triệu chứng và giúp trẻ học tập, phát triển một cách lành mạnh.

Rất nhiều gia đình nhầm lẫn giữa tăng động và hiếu động dẫn đến việc trẻ không được thăm khám và điều trị kịp thời. Chứng tăng động giảm chú ý không được điều trị có thể gia tăng các vấn đề tâm thần khác như rối loạn học tập, rối loạn ăn uống, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và bệnh trầm cảm. Ngoài ra, nếu không được thăm khám sớm, trẻ mắc chứng bệnh này sẽ gặp khó khăn khi tìm kiếm công việc trong tương lai.

Phân biệt trẻ tăng động và hiếu động

Tăng động và hiếu động có nhiều điểm chung. Tuy nhiên, hai vấn đề này hoàn toàn khác biệt về đặc điểm và tiến triển. Để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường ở con trẻ, bố mẹ cần biết cách phân biệt trẻ bị tăng động và hiếu động.

trẻ tăng động và hiếu động
Chứng tăng động khiến trẻ khó kiểm soát hành vi, lời nói và cảm xúc của chính mình

Cách phân biệt chứng tăng động và tính cách hiếu động ở trẻ nhỏ:

  TĂNG ĐỘNG HIẾU ĐỘNG
Đặc điểm Tăng động hay rối loạn tăng động giảm chú ý là một dạng rối loạn phát triển cần can thiệp điều trị. Bệnh gây ra những ảnh hưởng nhất định đến quá trình học tập, sinh hoạt và các mối quan hệ xã hội. Hiếu động là đặc điểm thường thấy ở trẻ nhỏ dưới 12 tuổi và phổ biến hơn ở bé trai. Biểu hiện của hiếu động là yêu thích vui chơi, chạy nhảy và tăng các hoạt động thể chất.
Độ tuổi Thường khởi phát từ 3 tuổi và đa phần đều xuất hiện trước năm 12 tuổi. Hiếu động gặp ở trẻ nhỏ từ khi mới biết đi cho đến khi qua tuổi dậy thì
Hành vi
  • Tăng hoạt động ở mọi lúc, mọi nơi ngay cả những trường hợp cần giữ sự im lặng (trong nhà thờ, chùa chiền, lớp học,…)
  • Trẻ hoàn toàn không ý thức được mức độ nghiêm trọng và hậu quả từ những hành vi của bản thân.
  • Nhanh chán, dễ bỏ cuộc và hay thay đổi.
  • Khó tập trung và gần như không thể duy trì sự chú ý trong một thời gian dài.
  • Không lắng nghe lời nói của người khác, hay bỏ qua các chi tiết trong lời nói dẫn đến việc làm sai hoặc mắc lỗi.
  • Nói liên tục làm phiền đến người khác và có xu hướng cắt ngang lời nói của những người xung quanh.
  • Khó có thể ngồi yên một chỗ.
  • Không hoàn thành nhiệm vụ – dù là những nhiệm vụ đơn giản nhất.
  • Trẻ không có khả năng sắp xếp và không biết nên ưu tiên nhiệm vụ nào. Do đó, trẻ bị tăng động thường gặp khó khăn trong việc hoàn thành bài tập về nhà và những yêu cầu được bố mẹ giao cho.
  • Nghịch ngợm, hiếu động nhưng khi có yêu cầu của người lớn, trẻ vẫn sẽ ngoan ngoãn giữ im lặng.
  • Trẻ chỉ hiếu động ở một số không gian quen thuộc như nhà ở, trường học và dè dặt khi đến những môi trường mới.
  • Trẻ có thể ngồi yên trong 10 – 15 phút hoặc hơn, sau đó trẻ nhanh chóng bị xao nhãng và thu hút bởi những thứ hấp dẫn xung quanh.
  • Có thể chen ngang lời nói của người khác nhưng không thường xuyên và có sửa đổi khi được nhắc nhở.
  • Biết sửa sai và hoàn thành khá tốt các nhiệm vụ được giao.
  • Các trò nghịch ngợm của trẻ chỉ ở mức vừa phải, hoàn toàn không gây nguy hiểm cho chính trẻ và những người xung quanh.
Cảm xúc
  • Khó kiểm soát cảm xúc của chính mình
  • Thường xuyên nổi giận, cáu kỉnh, nóng nảy (các cảm xúc này đôi khi xảy ra vì những sự việc nhỏ, không đáng kể)
  • Dễ căng thẳng và nhạy cảm quá mức với những lời phê bình, chỉ trích của người khác
  • Trẻ có phản ứng hung hăng, la hét khi tức giận
  • Cảm xúc khá ổn định và biết kiềm chế một số cảm xúc thái quá như nóng nảy, tức giận.
  • Trẻ thường rất vui vẻ, lạc quan và đôi khi có tức giận nhưng biết cách kiềm chế – nhất là khi được người lớn nhắc nhở.
  • Khi tức giận, trẻ có thể la hét nhưng không có các hành vi hung hăng.
Ngôn ngữ, lời nói
  • Chậm nói, câu nói thường không rõ nghĩa và khó khăn trong việc bộc lộ suy nghĩ của bản thân.
  • Trẻ lớn hơn thường thiếu thấu đáo trong lời nói và đôi khi có những lời nói thô lỗ, không phù hợp với hoàn cảnh.
  • Phát triển ngôn ngữ bình thường
  • Thậm chí những trẻ hiếu động còn giao tiếp giỏi và linh hoạt hơn so với những trẻ đồng trang lứa.
Giấc ngủ Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường gặp phải những rối loạn giấc ngủ, ngủ trằn trọc, khó ngủ và hay thức giấc giữa đêm. Không gặp bất cứ vấn đề nào về giấc ngủ.
Kỹ năng kết bạn
  • Khó khăn khi kết bạn do thiếu kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ chậm phát triển
  • Không duy trì được các mối quan hệ lâu dài do tính cách nóng nảy, hay tức giận.
Dễ dàng kết bạn và hoàn toàn không gặp phải bất cứ vấn đề gì.
Học tập
  • Khó tập trung, tiếp thu bài kém và thường bỏ qua lời nói của thầy cô giáo.
  • Không hoàn thành bài tập về nhà hoặc thực hiện sai yêu cầu do bỏ qua các chi tiết trong lời dặn dò của giáo viên.
  • Kết quả học tập thường kém và không ổn định.
  • Vẫn có thể học tập tốt và kết quả ổn định
  • Một số trẻ có thể lười làm bài tập về nhà nhưng sau đó nhanh chóng hoàn thành nếu có sự đốc thúc của gia đình.
Tiến triển
  • Thường nghiêm trọng dần theo thời gian (đặc biệt là ở giai đoạn thanh thiếu niên)
  • Khi bước vào tuổi trưởng thành, triệu chứng có thể trở nên mờ nhạt nhưng vẫn gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đối với các khía cạnh của cuộc sống
Tình trạng hiếu động sẽ giảm dần khi con bước vào tuổi dậy thì.

Lời khuyên cho bố mẹ khi có con bị tăng động

Sau khi nhận thấy con có dấu hiệu tăng động, gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện/ phòng khám để được chẩn đoán và điều trị trong thời gian sớm nhất. Do nguyên nhân chưa được xác định nên việc điều trị sẽ mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình, bác sĩ và nhà trường.

trẻ tăng động và hiếu động
Bố mẹ cần kiên trì để giúp con vượt qua chứng rối loạn tăng động giảm chú ý

Để giúp con vượt qua chứng bệnh này, bố mẹ nên:

  • Trước tiên, bố mẹ cần giữ vững tinh thần, tránh tình trạng suy sụp quá mức. Nếu cần thiết, có thể trị liệu tâm lý để nâng đỡ tinh thần và ổn định lại tâm trạng.
  • Tìm hiểu về bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý để hiểu hơn về tâm lý, cảm xúc và hành vi của con. Điều này có vai trò rất quan trọng và góp phần giúp bố mẹ điều chỉnh hành vi, cách ứng xử phù hợp hơn. Gia đình cũng nên chia sẻ bệnh tình của con cho ông bà, thầy cô giáo và hàng xóm để tránh tình trạng những người xung quanh có các lời nói làm tổn thương trẻ.
  • Bố mẹ nên hạn chế những tình huống khiến cho con kích động, tức giận. Bên cạnh đó, nên lờ đi khi nhận thấy con nóng nảy và có các hành vi hung hăng. Sau khi tâm lý con đã ổn định, nên đưa ra lời khuyên nhẹ nhàng để con điều chỉnh lại hành vi và phản ứng của bản thân.
  • Hỗ trợ trẻ lên thời gian biểu để hoàn thành tốt công việc và các nhiệm vụ cần thực hiện trong ngày. Trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc học tập. Do đó, gia đình cần hỗ trợ và ân cần để con hoàn thành tốt bài tập và những nhiệm vụ được giáo viên giao cho.
  • Xây dựng cho trẻ phẩm chất tốt và hướng con đến lối sống lành mạnh bằng cách khuyến khích trẻ tập thể dục mỗi ngày, vui chơi, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc.
  • Chứng tăng động khiến cho trẻ khó kiểm soát bản thân (đặc biệt là ở giai đoạn thanh thiếu niên). Do đó, gia đình cần giáo dục trẻ về tác hại của những thói quen xấu như hút thuốc lá, sử dụng chất, rượu bia và quan hệ tình dục sớm/ không an toàn.
  • Cho con phát triển năng khiếu bên cạnh thời gian học tập ở trường. Ngoài ra, bố mẹ cũng không nên đặt áp lực học tập cho con, thay vào đó nên khuyến khích trẻ phát triển những thứ mà con yêu thích.
  • Rèn cho con sự tập trung bằng cách cho con đọc sách hoặc xem phim (lựa chọn các cuốn sách, phim có nội dung lành mạnh, tránh các cảnh bạo lực, hung hăng). Ngoài ra, có thể hướng dẫn con chơi một số trò chơi trí tuệ để tăng khả năng tư duy và duy trì được sự tập trung lâu dài.
  • Cho con tái khám thường xuyên để theo dõi tình trạng sức khỏe.

Hy vọng qua bài viết, bố mẹ có thể phân biệt được trẻ bị tăng động và hiếu động. Đồng thời có hướng xử lý phù hợp khi con trẻ bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Quá trình điều trị bệnh còn nhiều khó khăn nên gia đình cần nỗ lực và kiên trì để giúp trẻ học tập, phát triển lành mạnh.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *