Nỗi sợ bị chỉ trích: Nguyên nhân và cách giúp bạn vượt qua

Nỗi sợ bị chỉ trích là một trong những nỗi sợ cơ bản thuộc bản chất tự nhiên của con người. Tuy nhiên, một số người có thể sợ hãi quá mức về việc bị phê bình, đánh giá dẫn đến nhiều phiền toái trong công việc cũng như cuộc sống.

Nỗi sợ bị chỉ trích
Nỗi sợ bị chỉ trích là tình trạng lo sợ quá mức, dai dẳng về việc bị đánh giá và phê phán

Nỗi sợ bị chỉ trích là gì?

Chỉ trích là hành động phê phán, chê trách và chỉ ra những lỗi sai, mặt hạn chế của một đối tượng, sự việc,… Hành động này xuất hiện ở nhiều hoàn cảnh và mối quan hệ như bố mẹ – con cái, anh chị em, bạn bè, người thân, thầy cô – học sinh, giữa các học sinh, cấp trên – cấp dưới. Về cơ bản, chỉ trích là hành động cần thiết để nhìn nhận lại những hạn chế và lỗi sai của bản thân. Đối với sự việc, chỉ trích sẽ giúp mọi người đánh giá cả mặt tích cực – tiêu cực, qua đó có những biện pháp giải quyết hợp lý nhất.

Nỗi sợ bị chỉ trích là cảm giác lo sợ, thậm chí sợ hãi quá mức và hoảng loạn khi bản thân bị chỉ trích, phê phán. Trên thực tế, đây là nỗi sợ cơ bản thuộc bản chất tự nhiên của con người. Bởi cảm giác khi bị chỉ trích thực sự không dễ chịu. Thậm chí nhiều người còn hình thành những suy nghĩ tiêu cực và méo mó về bản thân sau khi nhận những lời chỉ trích nặng nề từ người khác.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Chỉ trích, phê phán là một phần của cuộc sống – nhất là với người trưởng thành. Nỗi sợ bị chỉ trích có thể khiến bạn mất đi sự tự tin, không dám sáng tạo và đột phá vì lo sợ những kế hoạch bản thân đề xuất bị phê bình. Với trẻ nhỏ, nỗi sợ bị chỉ trích bắt nguồn từ cách giáo dục không phù hợp của gia đình và nhà trường. Việc bị chỉ trích nặng nề trước đám đông khiến trẻ hình thành nỗi sợ với hành vi này.

Nguyên nhân gây ra nỗi sợ bị chỉ trích

Như đã đề cập, nỗi sợ bị chỉ trích là nỗi sợ cơ bản thuộc về bản chất của con người bên cạnh nỗi sợ ốm đau bệnh tật, sợ chết, sợ tuổi già, sợ mất đi tình thương, sợ nghèo đói và ngu dốt. Hầu hết chúng ta đều có nỗi sợ về những hành vi, đối tượng mang đến các cảm xúc tiêu cực như bị chỉ trích, phê phán, bình phẩm, tẩy chay,… Tuy nhiên, một số người có thể sợ bị chỉ trích nhiều hơn do một số trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ.

Nỗi sợ bị chỉ trích
Người từng thất bại nhiều lần trong cuộc sống sẽ dần hình thành nỗi sợ với việc bị phê phán và chỉ trích

Các nguyên nhân gây ra nỗi sợ bị chỉ trích:

  • Từng bị chỉ trích thậm tệ khiến tâm lý bị tổn thương nghiêm trọng (nhất là khi sự việc này xảy ra khi còn nhỏ)
  • Chứng kiến người khác tổn thương khi bị những người xung quanh chỉ trích, phê phán.
  • Người có tính cách nhút nhát, thụ động, thiếu tự tin và thiếu các kỹ năng xã hội thường có nỗi sợ lớn hơn so với người có tính cách mạnh mẽ và quyết đón.
  • Người gặp nhiều thất bại trong cuộc sống cũng sẽ trở nên nhạy cảm hơn lời chỉ trích và phê bình.

Nhìn chung, nỗi sợ bị chỉ trích không phải là nỗi sợ vô lý như ám ảnh sợ chuyên biệt. Nỗi sợ này hình thành do ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý xã hội và đặc điểm tính cách là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ.

Nỗi sợ bị chỉ trích biểu hiện như thế nào?

Nỗi sợ bị chỉ trích được thể hiện bằng nhiều cảm xúc và trạng thái khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung, nỗi sợ này thường có những biểu hiện như sau:

  • E dè, nhút nhát: Người sợ bị chỉ trích thường e dè, nhút nhát trong các cuộc hội thoại, thảo luận, đặc biệt là những cuộc họp có tính chất quan trọng. Sự nhút nhát thể hiện qua ánh mắt chớp liên hồi, cử chỉ vụng về, ít nói vì sợ lời nói của mình bị người khác phê phán.
  • Thiếu tự tin: Người sợ bị chỉ trích mất đi sự tự tin vốn có, thay vào đó là cảm giác tự ti, khúm núm và bộ dạng rụt rè. Nếu phải phát biểu trước đám đông, người sợ bị chỉ trích thường thể hiện rõ sự căng thẳng, lời nói thiếu mạch lạc, nói trước quên sau do trí nhớ giảm.
  • Mặc cảm: Người có nỗi sợ bị chỉ trích thường mặc cảm về bản thân. Họ không dám thể hiện cá tính và có xu hướng bắt chước lời nói, phong cách, thói quen ăn mặc của người khác. Ngoài ra, một số người thường khoe thành tích của mình để che lấp đi sự tự ti ở bên trong.
  • Thiếu cá tính: Người sợ bị chỉ trích thường thiếu cá tính do không tự tin vào bản thân. Họ học theo người khác từ thói quen cho đến lời nói và dần dần trở thành bản sao. Ngoài ra, họ cũng không biết cách tranh luận và ít khi dám nói ra ý kiến của bản thân vì sợ bị người khác đánh giá. Do đó, những người luôn sợ bị chỉ trích sẽ dễ thuận theo ý kiến của người khác.
  • Thiếu sáng kiến: Như đã đề cập, người có nỗi bị chỉ trích thường ít tư duy vì sợ những suy nghĩ của bản thân sẽ bị mọi người phản bác và chỉ trích. Tuy nhiên, việc nói ra ý kiến và nhìn nhận góp ý của mọi người sẽ giúp ích trong việc cải thiện năng lực. Những người sợ bị chỉ trích thường thiếu sáng kiến và luôn luôn thuận theo ý kiến của người khác.
  • Thiếu tham vọng: Nỗi sợ bị chỉ trích lấn át khiến cho những bạn không dám khẳng định bản thân, tinh thần bạc nhược, chần chừ không dám đưa ra quyết định, thiếu sự nhanh nhạy và dễ bị tác động. Những người sợ bị chỉ trích thường không dám phản kháng và cũng không có tham vọng trong sự nghiệp. Họ lựa chọn cuộc sống an nhàn để tránh thị phi, xung đột và luôn lựa chọn giải pháp hòa bình trong tất cả mọi vấn đề.
  • Bồn chồn, bất an: Những người sợ bị chỉ trích luôn bất an, bồn chồn khi phải đối mặt với những tình huống quan trọng. Người đối diện sẽ dễ dàng nhận thấy họ có sự bất an, bồn chồn trong lời nói cũng như ánh mắt.
  • Các hành vi quá độ: Những người sợ bị chỉ trích đôi khi có những hành vi quá độ nhằm thể hiện bản thân. Đây cũng là cách để họ tạo ra vỏ bọc cho chính mình. Ngoài ra, khi những người xung quanh mua sắm những vật dụng đắt đỏ, họ cũng sẽ không ngần ngại vì sợ bị mọi người chê cười và chỉ trích. Tuy nhiên, những hành vi này đôi khi vượt quá nhu cầu và khả năng tài chính.

Nỗi sợ bị chỉ trích chính là rào cản trong cuộc sống cũng như công việc. Tuy nhiên, rất nhiều người không ý thức được ảnh hưởng của nỗi sợ này.

Cách vượt qua nỗi sợ bị chỉ trích, phê bình

Cảm giác khi bị chỉ trích thực sự không hề dễ chịu. Ban đầu là cảm giác khó chịu, sau đó chuyển sang trạng thái xấu hổ, căng thẳng, lo lắng, buồn bã và mặc cảm. Mặc dù vậy, việc bị chỉ trích đôi khi không thể tránh khỏi. Thay vì trốn tránh, bạn nên đối mặt với nỗi sợ bị chỉ trích để có thể vượt qua nỗi sợ và tự tin hơn trong cuộc sống.

Để vượt qua nỗi sợ bị chỉ trích, bạn có thể thử một số cách sau:

1. Hiểu rõ lợi ích của việc bị chỉ trích, phê bình

Mặc dù những lời chỉ trích, phê bình không phải là điều mà bạn mong muốn nhưng điều này không phải lúc nào cũng mang đến những tác động tiêu cực. Chỉ trích giúp bạn nhìn nhận lại bản thân và đánh giá đúng điểm tốt – điểm xấu của chính mình. Đối với các sáng kiến và kế hoạch, lời phê bình của những người xung quanh sẽ giúp bạn nhìn ra những điểm hạn chế và khắc phục chúng.

nỗi sợ bị chỉ trích
Những lời chỉ trích đôi khi khó nghe nhưng sẽ giúp mỗi người nhìn nhận lại bản thân

Trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi những sai lầm và thiếu sót. Những lời chỉ trích đôi khi khó nghe nhưng sẽ giúp bạn phát hiện ra khuyết điểm và biết cách hoàn thiện bản thân hơn mỗi ngày. Sẽ như thế nào nếu tất cả mọi người đều không phê bình hay chỉ trích những lỗi sai, điểm hạn chế của người khác.

Với một số người, họ không đưa ra lời góp ý chân thành mà chủ yếu dựa vào các điểm hạn chế của bạn để chỉ trích và hạ bệ danh dự. Đối mặt với những lời nói khó nghe thật sự không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, bạn nên suy nghĩ theo chiều hướng tích cực hơn để khẳng định bản thân và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Hiểu rõ lợi ích của những lời chỉ trích sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn và tự tin vượt qua nỗi sợ hãi.

2. Học cách kiểm soát cảm xúc

Rất nhiều người thể hiện rõ cảm xúc sợ hãi, bồn chồn, căng thẳng, lo lắng,… khi đối mặt với những lời chỉ trích và phê bình. Tuy nhiên, cảm xúc tiêu cực sẽ khiến bạn càng sợ hãi việc bị chỉ trích. Hơn nữa, thể hiện cảm xúc của bản thân trước mặt những người khác sẽ khiến bạn dễ bị nhìn thấu và khó chiếm được sự tin tưởng của cấp trên.

Học cách kiểm soát cảm xúc là một trong những kỹ năng quan trọng trong cuộc sống. Khi có kỹ năng này, bạn có quản lý tốt những tình huống bất ngờ xảy ra và giảm thiểu được những phiền toái không đáng có.

Chế ngự cảm xúc khi bị chỉ trích sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt trong mắt cấp trên và đồng nghiệp. Việc chỉ trích người khác một cách quá nặng nề sẽ khiến cho họ nhận lại những ánh nhìn thiếu thiện cảm từ mọi người. Vì vậy, bạn không nhất thiết phải đáp trả họ. Thay vào đó, nên giữ sự bình tĩnh, chế ngự cảm xúc và tự nhìn nhận lại bản thân để ngày một hoàn thiện hơn.

Nếu xử lý khéo léo, sự việc sẽ không đi quá xa và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Mặc dù những lời chỉ trích có thể khiến bạn suy nghĩ nhiều nhưng việc chế ngự cảm xúc kịp thời sẽ giúp bạn biết cách cân bằng và chấp nhận bị chỉ trích, phê bình là một phần của cuộc sống.

3. Nâng cao năng lực bản thân

Năng lực kém và thiếu kỹ năng khiến cho bạn bị phê bình, chỉ trích thường xuyên. Vì vậy, cách hiệu quả nhất để vượt qua nỗi sợ bị chỉ trích là nâng cao năng lực bản thân. Khi có năng lực, bạn sẽ gây được ấn tượng tốt trong công việc và dần khẳng định được vị thế. Hơn nữa, bạn cũng có thể dễ dàng phản biệt những ý kiến trái chiều hay những lời phê bình, chỉ trích gay gắt.

nỗi sợ bị chỉ trích
Nâng cao năng lực bản thân là cách giúp bạn vượt qua nỗi sợ bị chỉ trích

Nâng cao năng lực của bản thân là cách để mỗi chúng ta tự tin và chủ động hơn trong cuộc sống. Thay vì chìm đắm trong sự sợ hãi và tự ti, bạn nên nỗ lực học tập và cầu tiến trong công việc để nâng cao vị thế. Ngoài ra, nên trang bị thêm những kỹ năng mềm để giao tiếp khéo léo, linh hoạt hơn và nhanh nhạy trong việc xử lý những tình huống trong cuộc sống.

4. Rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp

Người sợ bị chỉ trích dễ thuận theo ý kiến của người khác và đôi khi nhiễm các thói hư tật xấu. Vì thiếu chính kiến và dễ bị ảnh hưởng nên bản thân không nhận thức được đâu là đúng, đâu là sai. Do đó, để vượt qua nỗi sợ bị chỉ trích, bạn nên rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp.

Trước tiên, cần tự tin vào bản thân, lắng nghe những lời phê bình và góp ý từ những người xung quanh với thái độ thiện chí, cầu tiến. Bên cạnh đó, cần rèn cho bản thân tính cách mạnh mẽ, quyết liệt và có chính kiến. Tuy nhiên, không nên quá bảo thủ và giữ khư khư ý kiến của bản thân.

Ngoài ra, cần gia tăng lòng tự trọng, sự tự tin bằng cách nỗ lực học tập và cống hiến trong công việc. Luôn giữ cho bản thân thái độ sống lạc quan, vui vẻ, tránh những suy nghĩ tiêu cực và bi quan sau khi bị người khác phê bình, chỉ trích.

5. Tìm sự giúp đỡ của các chuyên gia

Trong một số trường hợp, bạn không thể tự mình vượt qua nỗi sợ bị chỉ trích. Dù không phổ biến nhưng đôi khi sự sợ hãi quá mức về việc bị chỉ trích, phê bình và từ chối có thể là biểu hiện của rối loạn nhân cách né tránh. Người mắc chứng bệnh này luôn né tránh nhiều tình huống trong cuộc sống vì sợ bị chỉ trích và bình phẩm. Dần dần người bệnh giảm dần sự tương tác xã hội, có xu hướng tự cô lập và sống tách biệt với mọi người.

Tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua nỗi sợ bị chỉ trích. Nếu nỗi sợ chỉ đơn thuần xuất phát từ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, tham vấn tâm lý sẽ giúp vượt qua nỗi sợ và tự tin hơn. Tuy nhiên trong trường hợp nỗi sợ bị chỉ trích có liên quan đến các rối loạn tâm thần, bạn sẽ phải trị liệu tâm lý trong một thời gian khá dài.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Nỗi sợ bị chỉ trích có thể cản trở bạn trong công việc cũng như cuộc sống. Do đó, nên tìm cách vượt qua nỗi sợ để thoải mái là chính mình và khẳng định được bản thân. Nếu cần thiết, nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý trong trường hợp nỗi sợ quá lớn, dai dẳng và gây ra nhiều phiền toái.

Tham khảo thêm:

Bình luận (2)

  1. giấu tên says: Trả lời

    tôi đang bị tình trạng trên cần được giúp đỡ

  2. Giấu Tên says: Trả lời

    mình đang bị trường hợp trên, cần được giúp đỡ bởi chuyên gia

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *