Hội chứng Stockholm là gì? Dấu hiệu nhận biết và Cách điều trị
Vụ cướp ngân hàng tại Stockholm, Thụy Điển vào năm 1937 đã khiến nhiều người kinh ngạc, khi những nhân viên ngân hàng bị giam cầm thể hiện sự đồng cảm và bảo vệ kẻ đã giam giữ họ trong suốt nhiều ngày. Tình trạng nạn nhân hình thành mối quan hệ gần gũi, thậm chí đồng thuận với kẻ bắt cóc được gọi là hội chứng Stockholm, chính là lấy từ tên của thành phố nơi xảy ra sự kiện kỳ lạ này.
Hội chứng Stockholm là gì?
Hội chứng Stockholm là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng nạn nhân bị bắt cóc, hoặc bị bạo lực hình thành mối quan hệ thân thiết và đồng cảm với hung thủ. Trong một số trường hợp, nạn nhân có thể yêu và phát triển mối quan hệ tình cảm với kẻ lạm dụng và bạo hành bản thân. Hiện tượng này có thể đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử, nhưng lại không được chú ý cho đến ngày nay.
Hội chứng Stockholm được lấy theo tên thành phố Stockholm ở Thụy Điển, nơi xảy ra một vụ cướp ngân hàng vào năm 1973. Jan-Erik Olsson đã bắt và giam giữ bốn nhân viên, bao gồm ba nữ và một nam, thuộc một chi nhánh ngân hàng Kreditbanken ở Stockholm làm con tin trong 6 ngày. Những người này bị nhốt dưới tầng hầm trong thời gian Jan-Erik Olsson và Clark Olofsson (đồng phạm) thương lượng với cảnh sát.
Sau khi hai tên cướp bị bắt và những con tin được giải cứu, không ai trong số họ làm chứng chống lại những kẻ đã giam giữ mình trước tòa. Thay vào đó, họ đồng cảm và tìm cách bảo vệ những đối tượng này. Đây là một trạng thái tâm lý kỳ lạ. Bởi vì sự sợ hãi và chán ghét dành cho người bắt giữ mình mới là tâm lý bình thường của con người, chứ không phải là sự thấu hiểu, đồng cảm hay bảo vệ dành cho kẻ xấu.
Nhà tâm thần học và tội phạm học Nils Bejerot đã được mời đến, nhằm hỗ trợ cảnh sát phân tích về hiện tượng này. Ban đầu ông đặt tên cho tình trạng này là “hội chứng Norrmalmstorgssyndromet” theo tên Quảng trường Norrmalmstorg nơi diễn ra vụ cướp. Sau đó hội chứng này ngày càng được biết đến nhiều hơn, và người ta gọi đây là “hội chứng Stockholm”. Bác sĩ tâm thần học Frank Ochberg là người đã đưa ra định nghĩa cho hội chứng này.
Từ đó về sau, hiện tượng nạn nhân của những vụ bắt cóc hay bạo hành có một liên kết tình cảm nhất định với kẻ hành hạ mình, đến mức quay sang đồng cảm, bảo vệ hay yêu những đối tượng này được gọi là hội chứng Stockholm. Tuy nhiên không phải ai rơi vào trường hợp này cũng phát triển hội chứng tâm lý này. Dựa trên những tình huống được thống kê, có khoảng 8% nạn nhân từng có biểu hiện của Stockholm.
Nguyên nhân gây ra hội chứng
Hội chứng Stockholm tuy nổi tiếng và được nhiều người biết đến, nhưng lại không được công nhận trong ICD hay DSM, bởi vì vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh hiện tượng này. Hiện nay không có bất cứ tiêu chuẩn chẩn đoán nào cho hội chứng Stockholm được y học công nhận. Nguyên nhân gây ra vẫn chưa được làm rõ. Các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được vì sao hội chứng này chỉ có tác dụng lên một số đối tượng nhất định, trong khi những đối tượng khác thì khộng.
Trong sự kiện vụ cướp ngân hàng ở Stockholm, một trong số bốn con tin bị bắt giữ đã chất vấn Nils Bejerot và cảnh sát rằng, hành động của họ là coi thường mạng sống của con tin. Cô cáo buộc phía cảnh sát liên tục kích động bọn cướp, và sẵn sàng chỉa súng mà không màng đến mạng sống của họ. Nạn nhân cũng nói rằng cô nhận được chỉ thị của thủ tướng là buộc họ phải hy sinh, chứ không bao giờ chấp nhận yêu cầu của bọn cướp.
Trong khi đó, những kẻ bắt cóc lại cố gắng bảo vệ những con tin khỏi làn đạn của đôi bên. Rõ ràng là trong trường hợp này, hành động của cảnh sát và chính phủ có ảnh hưởng đến suy nghĩ của những nạn nhân, và là yếu tố thúc đẩy Stockholm xảy ra. Sự khác biệt trong hành động của đôi bên khiến những người bị giam cầm đồng cảm, thấu hiểu và bảo vệ những người đã giam cầm mình khi được cứu ra.
Sợi dây liên kết giữa con tin và kẻ bạo hành trong hội chứng Stockholm có thể được hình thành trong vài ngày, vài tuần, vài tháng hoặc vài năm bị giam cầm hoặc lạm dụng tình dục. Một số người cảm thấy quen thuộc, không muốn xa rời, và chấp nhận cuộc sống bên cạnh kẻ đã hành hạ mình. Họ bất chấp việc nhiều người cố gắng cứu bản thân ra khỏi tình trạng nguy hiểm, và có thể phản ứng dữ dội khi bị ép tách ra khỏi kẻ bạo hành.
Từ các bằng chứng trong lịch sử, các nhà tâm lý học cho rằng Stockholm là một cách con người sinh tồn, đối phó và thích nghi với những tình huống hiểm nghèo. Việc thiết lập một mối quan hệ gần gũi với những kẻ bắt cóc có thể giảm thiểu việc bị hành hạ, đánh đập và tăng tỷ lệ sống sót. Hiện tượng này có thể là một bản năng còn sót lại trong quá trình tiến hóa, giúp người cổ đại thích nghi, hòa nhập và tiếp tục sinh tồn.
Bên cạnh giả thuyết nêu trên, cũng có những nhà khoa học cho rằng, hội chứng Stockholm hình thành khi một người bị giam cầm hoặc lạm dụng trong thời gian dài là do sự tự điều tiết cảm xúc. Ví dụ, khi nạn nhân phải sống trong một môi trường xa lạ, điều kiện kém cỏi và không được giao lưu với những người bên ngoài, kẻ bắt cóc và bạo hành sẽ là người gần gũi nhất, tựa như “phao cứu sinh” của nạn nhân.
Lúc này, nạn nhân sẽ tự điều chỉnh cảm xúc và bắt đầu sinh ra cảm giác thân thuộc với kẻ bắt cóc. Khi những kẻ giam cầm không giết hại họ và thể hiện lòng tốt (dù là vô tình hay cố ý), người bị giam cầm và hành hạ có thể thay đổi cái nhìn và ấn tượng về kẻ phạm tội. Đây giống như một cơ chế “tẩy não” vì thông thường, những nạn nhân trong trường hợp này luôn bị đánh đập hoặc đối xử tệ bạc.
Ngoài ra, nếu nạn nhân không còn người thân, hoặc buộc phải làm hài lòng kẻ bắt cóc trong thời gian dài để tránh bị giết hại, họ có thể trở nên phụ thuộc vào người giam giữ mình. Những người không có người thân sẽ cảm thấy cô độc và bất lực, do đó họ có thể xem nơi mình bị giam giữ là nhà. Dần dần, điều này trở thành một thói quen khó bỏ, một sự chấp nhận thực tế. Họ không có nhu cầu được giải cứu hoặc thay đổi tình hình hiện tại.
Những người quen với việc phục tùng kẻ bắt giữ mình cũng rơi vào tình trạng tương tự. Họ có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, và dần quen thuộc với cuộc sống hiện tại. Có những trường hợp nạn nhân thông cảm cho những nỗi đau, ám ảnh, hoặc sự bất đắc dĩ của tội phạm, và đồng tình với những quan điểm, động cơ thúc đẩy những kẻ này phạm tội. Những yếu tố này khiến họ quay ngược sang bảo vệ kẻ giam giữ mình.
Hội chứng Stockholm cũng xuất hiện ở những trường hợp người vợ bị chồng bạo lực gia đình. Nhiều người trong số họ không lựa chọn báo cảnh sát. Họ luôn tin rằng mình vẫn yêu chồng, và người kia vẫn luôn yêu bản thân. Họ tự bào chữa cho những hành vi của người chồng, và chấp nhận cuộc sống như hiện tại. Stockholm xuất hiện ở những mối quan hệ lệ thuộc như vợ-chồng, chủ nhân-nô lệ, người đứng đầu giáo phái-tín đồ,…
Biểu hiện của hội chứng Stockholm
Hội chứng Stockholm có một số biểu hiện cụ thể và rất dễ nhận ra. Đầu tiên, nạn nhân thể hiện sự đồng cảm với hành vi và hoàn cảnh của kẻ giam cầm hoặc lạm dụng. Trong quá trình bị giam cầm, nạn nhân vừa sợ bị kẻ giam giữ hành hạ, vừa phải nỗ lực làm vừa lòng chúng để duy trì sự sống. Quá trình này càng lâu thì tỷ lệ xuất hiện hội chứng Stockholm càng cao, vì cuộc sống của nạn nhân chỉ xoay quanh kẻ bắt giữ.
Nếu kẻ giam cầm có bất cứ hành động thể hiện lòng tốt nào, người bị giam cầm sẽ bắt đầu sinh ra những cảm xúc tích cực. Họ bắt đầu bào chữa cho những hành động của những đối tượng này, và bắt đầu đồng cảm với họ. Những ngày tháng không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài có thể làm ảnh hưởng đến suy nghĩ và nhận thức của người bị bắt, khiến họ phụ thuộc và nghe lời những kẻ đã bắt mình vô điều kiện.
Sau khi đồng tình với kẻ xấu, nạn nhân có thể phát triển một sợi dây liên kết tình cảm đặc biệt, thậm chí là tình yêu hoặc cảm giác tôn sùng và phục tùng với những đối tượng này. Do đó họ cũng sẽ từ chối sự giúp đỡ của cảnh sát, chính quyền, hoặc những người xung quanh khi cố gắng giúp họ thoát khỏi kẻ bắt giữ. Họ cũng từ chối làm chứng để chống lại kẻ đã bắt giữ mình, và tìm mọi cách để bảo vệ những kẻ này.
Thực tế là chưa có bất cứ tiêu chuẩn nào để xác định chính xác một người có bị hội chứng Stockholm hay không. Vì trong quá trình họ bị giam giữ hoặc hành hạ, có nhiều yếu tố khách quan hoặc chủ quan ảnh hưởng đến suy nghĩ và góc nhìn của nạn nhân. Đây cũng là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi, vì những yếu tố hình thành Stockholm không đủ rõ ràng để đưa chúng thành một chứng bệnh.
Ảnh hưởng của hội chứng đến con người
Hội chứng Stockholm thường gắn với những sự kiện như bắt cóc, giam giữ trái phép, hành hạ thể xác, tra tấn tinh thần, và lạm dụng tình dục. Thông thường, nạn nhân trong những trường hợp này sẽ có cảm giác sợ hãi, kinh hoảng, chán ghét, kinh tởm, và thù hận đối với kẻ hành hạ mình. Tuy nhiên khi rơi vào hội chứng Stockholm, họ giống như bị “tẩy não” và có thể bị lạm dụng một cách tồi tệ hơn.
Hội chứng này trong nhiều trường hợp khiến nạn nhân có cái nhìn sai lệch về tình trạng mình đang gặp phải, thậm chí tiếp tay cho kẻ xấu làm hại nhiều người hơn. Việc phát sinh tình cảm với những kẻ giam giữ và hành hạ bản thân tạo ra một mối quan hệ độc hại, có thể khiến nạn nhân rơi vào tình trạng trầm cảm, rối loạn cảm xúc, căng thẳng, hoang tưởng, và có thể bị hành hạ nghiêm trọng hơn.
Những nạn nhân của tình trạng lạm dụng tình dục qua thời gian dài có thể sinh ra tình cảm đặc biệt với hung thủ. Đặc biệt là với những nạn nhân còn nhỏ tuổi. Những đối tượng này chưa đủ nhận thức về bản chất tiêu cực trong mối quan hệ của mình và kẻ xấu, cũng như không nhận ra những tổn thương tâm lý họ đang phải gánh chịu. Những kẻ xấu có thể lợi dụng điều này để thao túng nạn nhân.
Tâm lý tự bảo vệ bản thân, lo sợ sự thay đổi bất ngờ, và ám ảnh bị trả thù cũng là những nguyên nhân khiến nạn nhân bảo vệ hung thủ. Họ bắt đầu cảm thấy cần duy trì tình huống hiện tại để đảm bảo mạng sống, và lo sợ về sau sẽ bị trả thù nếu những kẻ xấu thoát được. Lúc này nhận thức của người bị hành hạ và giam giữ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và cần được điều trị tâm lý để thoát khỏi ám ảnh.
Hội chứng Stockholm có thể bóp méo nhận thức của nạn nhân về bản chất của sự việc, khiến họ thể hiện sự thông cảm và đồng tình với những hành vi sai trái của những kẻ xấu. Những nạn nhân này có thể tiếp tay cho kẻ xấu thực hiện những hành vi trái pháp luật. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến an ninh xã hội, mà còn làm hại nhiều người vô tội. Vì thế ảnh hưởng của hội chứng Stockholm là không thể xem thường.
Điều trị và cải thiện hội chứng Stockholm
Hội chứng Stockholm vẫn chưa được thừa nhận hoàn toàn bởi các nhà nghiên cứu, và không được xếp vào nhóm những rối loạn tâm thần thường thấy. Stockholm được xem là một cách để con người điều chỉnh tâm lý, làm quen với những tình huống bất thường, và là cách để đối phó với những cảm xúc tiêu cực và áp lực tâm lý. Bằng cách đồng tình và cảm thông với hung thủ, nạn nhân có thể giảm áp lực và duy trì hy vọng sống sót.
Với những trường hợp không nghiêm trọng, việc điều trị ngắn hạn bao gồm tư vấn tâm lý và sử dụng thuốc với liều lượng hợp lý có thể giúp nạn nhân dần thoát khỏi những ảnh hưởng của hội chứng Stockholm. Những ám ảnh tâm lý, cảm giác lo lắng sợ hãi và sự suy sụp tâm lý cần thời gian để chữa lành. Nạn nhân cần duy trì liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để theo dõi tình hình.
Ảnh hưởng của hội chứng này đến tâm lý của con người là không hề nhỏ, đặc biệt là trong trường hợp nạn nhân phải sống trong hoàn cảnh tồi tệ suốt một thời gian dài. Những chấn thương tâm lý hằn sâu, và nhận thức sai lệch của nạn nhân không thể điều trị dễ dàng trong một thời gian ngắn. Bác sĩ và các chuyên gia tư vấn tâm lý cần nhiều thời gian và sự cố gắng để giúp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.
Quá trình điều trị tâm lý là một quá trình lâu dài để giúp người mắc hội chứng này giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực, và nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống bình thường. Điều quan trọng là giúp người bệnh nhận ra nhận thức sai lệch của bản thân về hành vi và mục đích của kẻ xấu, từ đó không cố gắng bảo vệ và đồng tình với hành vi sai trái. Những nhà tư vấn tâm lý sẽ định hình lại suy nghĩ, và giúp nạn nhân vượt qua những ám ảnh còn sót lại.
Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm để hỗ trợ điều trị, hoặc một số biện pháp đặc biệt khác sẽ được áp dụng tùy theo từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, những người rơi vào hội chứng Stockholm cũng rất cần sự yêu thương, thông cảm và đồng hành từ bạn bè và người thân trong gia đình để vượt qua những ám ảnh và chấn thương tâm lý. Sự đồng hành của những người thân thuộc sẽ giúp cái thiện tình trạng một cách hiệu quả hơn.
Hội chứng Stockholm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, thay đổi suy nghĩ và hành vi của người bệnh, và khiến họ có nhận thức sai lệch về những hành vi sai trái. Để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực này, người bệnh cần duy trì điều trị tâm lý, thay đổi lối sống một cách tích cực, duy trì luyện tập thể thao để giữ cho tinh thần tỉnh táo, hướng đến suy nghĩ tích cực, và nỗ lực loại bỏ những ảnh hưởng xấu của tình trạng tâm lý này.
Có lẽ bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!