Hội chứng sợ độ cao (Acrophobia): Nguyên nhân và Cách chữa

Chúng ta luôn có một cảm giác lo sợ nhất định khi đứng ở những nơi cao, đó là cảm giác sợ rơi xuống vùng không gian bên dưới. Nếu ở những người bình thường, cảm giác này không quá mãnh liệt, va chúng ta vẫn có thể chịu đựng ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên với những người mắc hội chứng sợ độ cao, cảm giác sợ hãi này vô cùng khủng khiếp, có thể khiến họ kích động và mất kiếm soát.

Hội chứng sợ độ cao Acrophobia là gì?

Hội chứng sợ độ cao là một dạng rối loạn lo âu không quá hiếm gặp. Theo thống kê, có đến 3%-6% dân số hiện nay mắc chứng sơ độ cao. Những đối tượng mắc hội chứng này sẽ trải qua cảm giác lo lắng và sợ hãi độ cao vô cùng dữ dội. Chứng sợ độ cao sẽ bị kích thích khi người bệnh đứng ở ngang, hoặc cao hơn một độ cao nhất định. Độ cao này sẽ khác nhau tùy vào từng đối tượng.

hội chứng sợ độ cao
Hội chứng sợ độ cao mang đến ám ảnh cực độ cho những người mắc phải khi đứng ở những nơi cao, từ cầu thang bình thường đến những tòa nhà cao tầng.

Tất cả chúng ta đều thận trọng khi leo hoặc đứng trên những nơi cao, bởi vì cảm giác sợ rơi là cảm giác thường thấy ở con người. Chúng ta sẽ có cảm giác không thoái mái, hơi sợ và né tránh nhìn thẳng xuống đất khi đứng ở những nơi cao và chông chênh. Đây là những cảm xúc bình thường. Nhưng người sợ độ cao lại trải qua cảm giác sợ hãi cực độ, kể cả khi đứng ở những độ cao không nguy hiểm như ban công hay cầu thang.

Ngoài ra, những người mắc chứng sợ độ cao cũng có thể cảm thấy hoảng sợ khi tưởng tượng đến việc phải đứng ở một nơi cao, hoặc nhìn thấy những bức ảnh chụp thẳng từ trên xuống. Chứng sợ độ cao có thể ảnh hưởng đến mọi người, ở mọi lứa tuổi và giới tính. Thông thường hội chứng này khởi phát từ rất sớm, và biểu hiệu rõ ràng ở trẻ em và thanh thiếu niên. Số lượng nữ giới sợ độ cao nhiều gấp đôi nam giới.

Những biểu hiện thường thấy của người sợ độ cao

Biểu hiện rõ ràng nhất của chứng sợ độ cao là cảm giác hoảng sợ và lo lắng cực độ khi chúng ta đứng, hoặc tưởng tượng rằng đang đứng ở một nơi cao. Độ cao có thể gây sợ hãi sẽ khác nhau ở mỗi người, có người đứng ở trên lầu cao nhìn xuống mới có cảm giác sợ, có người đứng trên thang hoặc ghể đẩu là đã cảm thấy sợ hãi. Một số tình huống có thể gây sợ hãi cho những người mắc chứng sợ độ cao bao gồm:

  • Đứng trên thang hoặc ghế cao và nhìn xuống mặt đất.
  • Đi bộ lên cầu thang, cầu thang có thể cao hoặc thấp tùy vào mức độ sợ độ cao của bệnh nhân.
  • Đứng trên lầu cao nhìn xuống đất.
  • Sử dụng thang máy trong suốt có thể nhìn thấy cảnh vật bên dưới.
  • Đứng ở ban công hoặc hành lang nhà ở hay những khu cao tầng.
  • Đứng gần cửa sổ những căn nhà cao tầng.
  • Đứng hoặc đi trên cầu vượt giao thông, cầu bắt qua sông.
  • Tham gia những trò chơi cảm giác mạnh có sự thay đổi độ cao đột ngột, từ thấp lên cao và ngược lại.

Khi rơi vào những trường hợp này, người bệnh thường có những biểu hiện thể chất và tâm lý rất rõ ràng bao gồm:

hội chứng sợ độ cao
Sự sợ hãi và hoảng loạn khi đứbg ở những nơi cao và nhìn xuống mặt đất là biểu hiện rõ nhất của tình trạng sợ độ cao.
  • Cảm thấy hoảng sợ tột độ đến mức không thể tiếp tục nhìn xuống. Điều duy nhất họ muốn làm là tìm mọi cách giảm độ cao xuống thấp nhất có thể.
  • Không thể đứng thẳng vì tay chân run rẩy do quá sợ hãi. Người sợ độ cao có thể ngồi xổm xuống hoặc bò trên mặt đất để giảm cảm giác về độ cao.
  • Cảm thấy choáng váng, chóng mặt, xây xẩm mặt mày, có cảm giác mất thăng bằng và đứng không vững.
  • Đổ nhiều mồ hôi, tay chân run rẩy mất kiểm soát.
  • Có cảm giác đau tức ngực, khó thở, nhịp tim tăng nhanh.
  • Buồn nôn hoặc có cảm giác lâng lâng.
  • Có thể rơi vào cơn hoảng loạn khó kiểm soát, hoặc ngất xỉu khi cảm giác sợ hãi xâm chiếm tâm trí.
  • Cảm thấy ù tai, không nghe rõ những người xung quanh nói chuyện.
  • Tìm mọi cách tránh né việc phải tiếp xúc với những nơi cao

Đây là những biểu hiện thường thấy ở người mắc hội chứng sợ độ cao. Về cơ bản, họ sẽ né tránh đến mức thấp nhất việc phải đi đến những nơi cao, tránh đẩy mình vào những tình huống rắc rối khi phải đối diện với độ cao. Việc chẩn đoán hội chứng sợ độ cao phải được thực hiện bởi những bác sĩ có chuyên môn để đưa ra kết quả chính xác. Lý do là vì có những hội chừng ám ảnh khác có thể liên quan đến độ cao.

Ví dụ bạn cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến việc đi máy bay, hoặc khi đang ngồi trên máy bay ở một độ cao nhất định. Bạn cho rằng mình đang mắc chứng sợ độ cao. Nhưng thực tế, bạn có thể mắc chứng sợ bay. Chính vì những biểu hiện giống nhau của các hội chứng mà chúng ta cần đến gặp bác sĩ, hoặc các chuyên viên tư vấn tâm lý để được chẩn đoán và điều trị một cách bài bản và phù hợp.

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ độ cao

Hội chứng sợ độ cao ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày, và mang đến những trải nghiệm tồi tệ cho người mắc bệnh. Hiện nay vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra hội chứng này ở người. Tuy nhiên những yếu tố như di truyền, chấn thương tâm lý, thể chất kém, tai nạn,.., cũng có thể ảnh hưởng và thúc đẩy quá trình hình thành chứng sợ độ cao ở mỗi người trong chúng ta.

hội chứng sợ độ cao
Những người từng bị rơi từ nơi cao xuống đất, chịu tổn thương do té ngã, hoặc từng nhìn thấy người bị rơi có thể bị ám ảnh sợ độ cao.
  • Chấn thương tâm lý: Những người từng bị ngã từ trên cao xuống đất, hoặc trải qua cảm giác hoảng sợ khi bị buộc đứng ở trên cao sẽ bị ám ảnh độ cao. Chúng nhắc họ nhớ đến những kí ức không tốt trong quá khứ. Đây có thể là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành chứng sợ độ cao. Ngoài ra việc tận mắt nhìn thấy một người rơi từ trên cao xuống cũng có thể khiến chúng ta sợ hãi những nơi cao.
  • Rối loạn tiền đình: Rối loạn tiền đình khiến chúng ta chóng mặt, xây xẩm và không thể giữ thăng bằng. Vì thế những người thường xuyên bị tiền đình sẽ rất sợ đi đến những nơi cao, vì họ có thể rơi vào tình trạng mất thăng bằng, mất ý thức và rất dễ té ngã.
  • Ảnh hưởng từ môi trường: Nếu từ nhỏ bạn thấy những người xung quanh có biểu hiện sợ độ cao, bản thân bạn cũng có thể bị ảnh hưởng và sinh ra cảm giác sợ hãi. Ngoài ra, những người sống ở khu vực đồng bằng, trung du cũng dễ bị hội chứng sợ độ cao hơn những người sống ở vùng núi cao, vì không thích nghi được với độ cao.
  • Di truyền: Nếu cha mẹ và những người trong gia đình mắc chứng sợ độ cao hoặc rối loạn lo âu, con cái khi sinh ra cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng tương tự. Những cặp song sinh cũng có tỉ lệ mắc bệnh cao. Nếu một trong hai có biêu hiện sợ độ cao, người còn lại gần như cũng mắc hội chứng này.
  • Mắc các bệnh liên quan đến phổi và hô hấp: Theo thống kê, có khá nhiều trường hợp những người mắc chứng sợ độ cao có tiền sử bệnh liên quan đến đường hô hấp. Những căn bệnh về phổi ảnh hưởng đến hệ hô hấp, khiến ta dễ cảm thấy hụt hơi, mệt mỏi, thể chất kém dẫn đến việc khó thích nghi với sự thay đổi độ cao.

Trên đây chỉ là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến chứng sợ độ cao, chứ không phải là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này. Trong nhiều trường hợp, hội chứng sợ độ cao khởi phát không rõ nguyên nhân. Chưa có biện pháp chính xác để xác định nguyên nhân bệnh. Do đó bác sĩ sẽ dựa trên việc thăm khám và bệnh sử gia đình để đưa ra giải pháp cải thiện phù hợp nhất cho từng trường hợp.

Cải thiện hội chứng sợ độ cao

Việc cải thiện hội chứng sợ độ cao là cần thiết cho những người chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng của hội chứng này. Hội chứng sợ độ cao có thể ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống hàng ngày, cản trở sinh hoạt và công việc của chúng ta. Đặc biệt nếu bạn bắt buộc phải làm việc ở những tòa nhà cao tầng, hoặc thường xuyên phải đi cầu thang thì hội chứng này là một phiền toái không hề nhỏ.

hội chứng sợ độ cao
Hội chứng sợ độ cao gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống hàng ngày, khiến bạn không thể đến những nơi cao khi cần thiết.

Hiện nay những biện pháp phù hợp nhất để cải thiện tình trạng sợ độ cao là điều trị tâm lý và điều trị bằng thuốc. Điều trị bằng thuốc là giải pháp hạn chế tình trạng hoảng loạn, lo sợ quá độ, giúp bệnh nhân nhanh chóng bình tĩnh trong tình huống phải đối mặt với độ cao. Điều trị tâm lý là quá trình dài giúp người bệnh vượt qua nỗi sợ, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của chứng sợ độ cao.

1. Điều trị bằng thuốc

Thuốc thường chỉ được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp, giúp người mắc hội chứng sợ độ cao giảm bớt những triệu chứng lo lắng và sợ hãi. Người bệnh có thể dùng thuốc trong những tình huống bất ngờ, không thể tránh khỏi để ổn định tâm trạng, không làm ảnh hưởng đến công việc và hoạc tập. Một số loại thuốc có thể cân nhắc sử dụng bao gồm thuốc chẹn beta, benzodiazepin, thuốc chống lo âu, thuốc an thần,…

Việc sử dụng thuốc cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo liều lượng cần thiết. Không được tự ý sử dụng thuốc bừa bãi nếu không được sự cho phép từ người có chuyên môn. Ngoài ra không trao đổi thuốc với những người cũng mắc chưng sợ độ cao tương tự. Vì tình trạng sợ độ cao của mỗi người là không giống nhau, vì thế việc sử dụng thuốc cũng cần tuân theo tình trạng cụ thể của từng đối tượng.

2. Liệu pháp tâm lý

Nếu tình trạng sợ độ cao của bạn ảnh hưởng quá lớn đến sinh hoạt, bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc chuyên viên tư vấn tâm lý để được hỗ trợ tốt nhất. Các chuyên gia sẽ áp dụng những liệu pháp tâm lý phù hợp giúp bạn nhanh chóng vượt qua những ám ảnh về độ cao. Cũng như học cách đối mặt và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, cảm giác lo lắng và sợ hãi.

hội chứng sợ độ cao
Chuyên gia tư vấn tâm lý tại NHC Việt Nam có thể giúp bạn vượt qua nỗi sợ độ cao.

Liệu pháp tiếp xúc là một trong những liệu pháp điều trị được ứng dụng nhiều nhất trong trị liệu chứng sợ độ cao. Mục tiêu của liệu pháp này là giúp chúng ta quen dần với những yếu tố gây sợ hãi, thông qua việc liên tục tiếp xúc trực tiếp với chúng. Đây là cách tốt nhất để vượt qua những chứng ám ảnh cụ thể như hội chứng sợ độ cao. Bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý sẽ cho bạn tiếp xúc một cách thích hợp với độ cao.

Ban đầu bạn sẽ được tiếp xúc với hình ảnh được chụp từ những độ cao nhất định, những video ghi hình từ những địa điểm cao theo hướng tầm mắt để quen dần với độ cao. Sau một thời gian, bạn sẽ được bắt đầu tiếp cúc với những độ cao có mức độ tăng dần như thang bộ, thang máy, đứng ở lan can nhà cao tầng, hoặc băng qua những cầu vượt dành cho người đi bộ. Kết hợp phương pháp này với hít thở sâu có thể giúp bạn dần quen với nỗi sợ.

Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) cũng là một cách hay giúp bạn vượt qua nỗi sợ nếu chưa đủ dũng cảm áp dụng liệu pháp tiếp xúc. Thông qua các phương pháp cụ thể, liệu pháp hành vi nhận thức giúp ta chấp nhận và nhìn thẳng vào những suy nghĩ tiêu cực, từ đó thoát ra khỏi ảnh hưởng của việc sợ độ cao. Liệu pháp hành vi nhận thức vẫn có thể bao gồm tiếp xúc với độ cao, nhưng ở mức độ an toàn nhất định trong phòng trị liệu.

Liệu pháp tiếp xúc với thực tế ảo (VRET) giúp bệnh nhân có những trải nghiệm thực tế nhất thông qua máy móc công nghệ cao. Bệnh nhân ngồi trong phòng kín, nhưng vẫn có thể tận hưởng cảm giác chân thực như đang đứng trên lầu cao và nhìn xuống. Thực tế ảo mang đến trải nghiệm không khác gì đời thật nhưng cực kỳ an toàn, từ đó giúp người bệnh quen với những tình huống phát sinh nỗi sợ.

hội chứng sợ độ cao
Công nghệ thực tế ảo ngày nay đã được áp dụng nhiều trong việc điều trị các chứng ám ảnh sợ hãi bằng cách giúp bệnh nhân tiếp xúc với yếu tố gây sợ hãi.

Phương pháp này giúp bác sĩ có thể phản ứng kịp thời khi có tình huống bất ngờ phát sinh, cũng như đảm bảo an toàn cho người bệnh. Hạn chế những sự cố có thể xảy ra so với việc cho bệnh nhân tiếp xúc với độ cao thật sự. Kết quả từ những cuộc điều trị thông qua hình thức thực tế ảo vô cùng khả quan, có tác dụng tốt và vô cùng hiệu quả trong việc điều trị hội chứng sợ độ cao.

Hội chứng sợ độ cao là một hội chứng không hiếm gặp, và ảnh hưởng đến rất  nhiều người. Với những trường hợp bệnh nhẹ, việc sợ độ cao không quá ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày, và chúng ta có thể hạn chế đi đến những nơi quá cao để tránh ảnh hưởng. Còn với những trường hợp nghiêm trọng thì cần dến sự can thiệp của bác sĩ, hoặc các chuyên gia tâm lý, để có biện pháp cải thiện tốt hơn.

Có lẽ bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *