Ảo giác khuôn mặt (Pareidolia): Hội chứng làm nên nghệ thuật

Bạn có chú ý rằng, thỉnh thoảng khi nhìn lên những đám mây trên bầu trời, nhìn vào lớp vỏ sần sùi trên những cây to, hoặc nhìn bóng những chiếc lá in trên mặt đường, bạn sẽ nhìn thấy những khuôn mặt ẩn hiện? Những khuôn mặt này có thể rõ ràng hoặc biến dạng một cách kỳ lạ, nhưng đó vẫn là một khuôn mặt rõ ràng. Đây chính là hiệu ứng ảo giác khuôn mặt, hay còn gọi là Pareidolia.

Ảo giác khuôn mặt là gì?

Ảo giác khuôn mặt Pareidolia là một dạng ảo giác sinh ra trong quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin của não. Não chúng ta đã bị đánh lừa trong quá trình hoạt động, từ đó sinh ra ảo giác rằng những vật ta nhìn thấy có hình một khuôn mặt. Ảo giác khuôn mặt là điều rất phổ biến trong cuộc sống. Nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, Pareidolia có thể được xem là một loại bệnh.

ảo giác khuôn mặt
Ảo giác khuôn mặt khiến ta nhìn những vật có cách sắp xếp tựa như cấu trúc khuôn mặt thành hình mặt người.

Vẫn chưa có những bằng chứng thật sự đang tin cậy về nguyên nhân gây ra hiện tượng này, nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng ảo giác khuôn mặt liên qua đến hoạt động não. Một nghiên cứu từ trường đại học UNSW Sydney chỉ ra rằng, cơ chế mà não chúng ta dùng để xử lý thông tin và định dạng khuôn mặt người thật, cũng được ứng dụng trong việc định dạng những vật thể có cấu trúc tương tự.

Thông qua rất nhiều ví dụ về ảo giác khuôn mặt, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra, những hình ảnh dễ khiến ta liên tưởng đến khuôn mặt nhất thường có cấu trúc sắp xếp của hai mắt và miệng. Cấu trúc hai hình tròn hai bên, và một đường dài nằm chính giữa là sự sắp xếp cơ bản nhất để nhận diện khuôn mặt ở góc nhìn thẳng chính diện. Ở góc nhìn nghiêng hay nhìn một bên, ta cũng sẽ có những cấu trúc nhất định.

Một điếu tố nữa khiến những đồ vật này nhìn giống khuôn mặt là sự đậm nhạt trong màu sắc của chính vật thể, và khi bị ảnh hưởng bởi ánh sáng hay bóng tối. Những yếu tố này khiến những hình ảnh ngẫu nhiên ngày càng giống một khuôn mặt hơn, thậm chí là mang theo cảm xúc. Những biểu cảm này vô cùng phong phú, từ vui vẻ, đau khổ, buồn bã, đau đớn, hài hước, đến những biểu cảm biến dạng đáng sợ.

Một nghiên cứu về não đồ điện từ vào năm 2009 cho thấy, những vật thể có cấu trúc tương tự khuôn mặt sẽ tác động đặc biệt đến “vùng mặt hình thoi”. Từ đó, chúng tạo nên hình ảnh khuôn mặt trong nhận thức của chúng ta. Điều này có thể xác định vì sao cấu trúc hai hình tròn và một đường thẳng rất dễ được liên tưởng thành một khuôn mặt ngay lập tức. Ngoài ra, chúng cũng thể hiện cảm xúc.

Những đối tượng thường trải qua Pareidolia?

Như đã nói ở trên, Pareidolia là tình trạng thường gặp ở con người. Trong đó trẻ em có khả năng nhìn thấy ảo giác khuôn mặt nhiều hơn so với người lớn. Đây là do trí tưởng tượng và khả năng xử lý thông tin của những đứa trẻ luôn vượt trội hơn. Những điều này sẽ dần mất đi khi lớn lên, vì thế không ngạc nhiên khi thế giới nội tâm và góc nhìn của những đứa trẻ luôn độc đáo hơn so với người lớn.

ảo giác khuôn mặt
Trẻ con có đời sống tinh thần cùng trí tưởng tượng phong phú hơn nhiều so với người lớn.

Những người làm nghệ thuật, ví dụ như họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, hay những người sùng đạo, có những đức tin vào những điều siêu nhiên cũng thường gặp Pareidolia nhiều hơn so với người bình thường. Những người làm nghệ thuật luôn có sức sáng tạo và liên tưởng rất cao, từ đó giúp họ biến những thứ không có gì nổi bật trở nên sống động. Ảo giác khuôn mặt có thể mang đến những tác phẩm hội họa ấn tượng, hoặc tạo cảm hứng sáng tác tuyệt vời cho thơ ca.

Những người sùng đạo và tin tưởng vào đức tin cũng có thể nhìn thấy những ảo giác khuôn mặt nhất định. Họ tin rằng đây là một dấu hiệu tín ngưỡng. Nhiều người sẵn sàng thờ cúng những vật gợi lên hình ảnh khuôn mặt người như hòn đá, thân cây,… để cầu mong may mắn hay nguyện vọng thành hiện thực. Hiệu ứng này có thể ảnh hưởng đến đám đông, và khiến họ cùng có một cái nhìn tương tự.

Ảo giác khuôn mặt cũng là một biểu hiện của các hội chứng tâm thần. Trong cơn kích động hoặc ảo giác do bệnh gây ra, những người mắc bệnh có thể nhìn thấy những khuôn mặt méo mó xuất hiện. Trước đây người ta cho rằng Pareidolia là biểu hiện của bệnh tâm thần, nhưng về sau thì ảo giác khuôn mặt được xem là một dạng ảo ảnh thị giác bình thường xuất hiện ở người.

Ảo giác khuôn mặt cũng thường thấy ở phụ nữ hơn so với nam giới. Lý do cho hiện tượng này có thể bắt nguồn từ đặc trưng giới tính, khi phụ nữ có đời sống tinh thần phong phú hơn, cũng như khả năng nhận thức cảm xúc thông qua nét mặt tốt hơn. Tuy nhiên, có một điều thú vị là những khuôn mặt được ghi nhận lại có thiên hướng là nam giới, hoặc trung tính và không mang đặc điểm của nam hoặc nữ.

Ảo giác khuôn mặt trong nghệ thuật

Ảo giác khuôn mặt được ứng dụng trong nghệ thuật, thường là trong hội họa hay điêu khắc để tạo nên những tác phẩm tuyệt vời, độc đáo, đánh lừa thị giác người xem. Các họa sĩ và nhà điêu khắc sử dụng trí tưởng tượng siêu việt của bản thân, kết hợp với cảnh trí và sự sáng tối, đậm nhạt, cùng những hình thù đặc biệt của sự vật nhằm tạo nên những khuôn mặt ẩn trong tranh, thách thức thị giác của con người.

ảo giác khuôn mặt
Bức tranh áp dụng Pareidolia một cách vô cùng hiệu quả để tạo hiệu ứng kỳ dị và ma mị cho tổng thể.

Những tác phẩm nghệ thuật áp dụng Pareidolia thường lồng ghép nhiều tầng lớp hình ảnh, mang đến cảm giác méo mó, kỳ lạ nhưng cũng rất sáng tạo. Nếu tận dụng ảo giác khuôn mặt tốt, ta hoàn toàn có thể biến những mảnh tường tróc sơn, hay những vết ố trên tường, trên giấy trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Pareidolia cung có thể ứng dụng trong kiến trúc và điêu khắc để mang đến trải nghiệm mới lạ.

Tóm lại, Pareidolia là một ảo ảnh thị giác xuất hiện trong quá trình xử lý thông tin hình ảnh của não. Nếu trong trạng thái bình thường, việc nhìn thấy Pareidolia không có gì đáng ngại. Nhưng không thể loại trừ trường hợp những người mắc các bệnh tâm thần nhìn thấy ảo giác trong cơn động kinh. Trong trường hợp này, cần đưa người bệnh đấn gặp bác sĩ để được xư lý kịp thời.

Có lẽ bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *