Bị căng thẳng stress nên uống thuốc gì?

Cuộc sống căng thẳng khiến chúng ta thường xuyên đối diện với căng thẳng stress. Bên cạnh một số lợi ích thiết thực ở mức độ vừa phải, tình trạng này cũng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể nếu xuất hiện quá thường xuyên. Trong một số trường hợp, bệnh nhân buộc phải kiểm soát triệu chứng bằng thuốc kê đơn. Vậy người bị căng thẳng stress nên uống thuốc gì?

Bị căng thẳng stress nên uống thuốc gì?
Người bị căng thẳng stress nên uống thuốc gì?

Căng thẳng stress là phản ứng của cơ thể trước những điều kiện khó khăn, bất thường của môi trường sống hoặc tín hiệu cảnh báo nguy hiểm. Các triệu chứng của tình trạng này là kết quả của một chuỗi biểu hiện tâm lý và thực thể.

Do đó, không có bất cứ loại thuốc nào được dùng chung cho mọi trường hợp căng thẳng stress. Lúc này, để điều trị vấn đề triệt để, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê toa một số loại thuốc, thực phẩm chức năng có thể giải quyết từng triệu chứng căng thẳng cụ thể.

Người bị căng thẳng stress nên uống thuốc gì?

Những loại thuốc điều trị stress sẽ tác động đến sức khỏe tổng thể và cảm xúc, hành vi của bệnh nhân, thậm chí, vài loại thuốc có thể gây nghiện. Vì vậy, trong quá trình sử dụng, người bệnh cần tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời thường xuyên theo dõi triệu chứng và thăm khám bác sĩ.

Các nhóm thuốc chữa căng thẳng phổ biến nhất hiện nay bao gồm:

1. Nhóm thuốc an thần

Nhóm thuốc này có công dụng giải lo, an thần (với liều lượng thấp) và gây ngủ (với liều lượng cao). Nếu lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách, thuốc có thể gây nghiện, đặc biệt là các thuốc barbiturat (secobarbital, immenoctal, butabarbital, amobarbital…).

Hiện nay, nhóm thuốc trên không còn được sử dụng rộng rãi như trước (chỉ tiêm gây mê bằng thiopental và chống co giật bằng phenobarbital). Tuy nhiên, trên thị trường đen đang lưu hành một số biệt dược với tên lóng là “xì coọc”. Chúng có thể gây ngộ độc nặng, thậm chí tử vong nếu bệnh nhân sử dụng quá liều. Vì vậy, bạn cần đặc biệt cảnh giác và cẩn trọng.

Nhóm thuốc an thần gây nghiện benzodiazepin bao gồm: quazepam (doral), triazolam (halcion), temazepam (normison, restoril), estazolam (prosom, nucfalon), flurazepam (dalmane), diazepam (seduxen, valium)… Đây đều là những loại thuốc hướng tâm thần được quản lý cấp phát chặt chẽ theo quy chế cụ thể.

Thế nhưng, nhóm thuốc này có thể được mua bán khá dễ dàng trên thị trường. Trên thực tế, tuy gây ngủ nhanh chóng nhưng nếu dùng nhiều, nhóm thuốc an thần gây nghiện benzodiazepin có thể khiến người bệnh trở nên phụ thuộc.

Nhóm thuốc an thần điều trị căng thẳng này dễ gây nghiện. Khi ngưng thuốc, bạn sẽ phải trải qua một số triệu chứng cai nghiện như: bồn chồn, khó chịu, mất ngủ trầm trọng, thậm chí tử vong. Ngoài ra, việc sử dụng nhóm thuốc này với rượu bia có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

2. Nhóm thuốc kháng histamin

Nhóm thuốc kháng histamin gồm có: pyrilamin, diphenhydramin, alimemazin, promethazin, doxylamin… Nhóm thuốc này có thể được bán mà không cần đơn thuốc của bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh khả năng gây ngủ, an thần, các thuốc kháng histamin còn điều trị cảm cúm, dị ứng…

Nhóm thuốc kháng histamin
Nhóm thuốc kháng histamin có thể được bán mà không cần đơn thuốc của bác sĩ chuyên khoa.

Khi uống thuốc, người bệnh thường gặp phải một số tác dụng không mong muốn như: mờ mắt, ngủ gà, tăng huyết áp, giảm huyết áp… Nếu xuất hiện các triệu chứng trên, bạn cần thông báo với bác sĩ càng sớm càng tốt để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

3. Nhóm thuốc chống trầm cảm

Nhóm thuốc chống trầm cảm đồng thời có thể cải thiện triệu chứng rối loạn lo âu và căng thẳng thần kinh. Hiện nay, thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin – SSRI (prozac, paxil, exapro) là nhóm thuốc chống trầm cảm chữa stress phổ biến nhất.

Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin có khả năng cản trở quá trình tái hấp thu serotonin, làm tăng nồng độ hormon này trong não bộ, từ đó cải thiện tâm trạng, hạn chế lo lắng, đẩy lùi căng thẳng stress.

Nhóm thuốc này không gây nghiện nhưng thường đi kèm nhiều tác dụng không mong muốn, ví dụ: khô miệng, chóng mặt, buồn nôn, tăng cân, rối loạn giấc ngủ, suy giảm ham muốn tình dục.

4. Nhóm thuốc chẹn beta

Nhóm thuốc chẹn beta thường được chỉ định để điều trị một số vấn đề về tim mạch và kiểm soát chứng cao huyết áp. Trong nhiều trường hợp, nhóm thuốc này có thể giảm thiểu và ngăn ngừa triệu chứng căng thẳng, lo âu.

Các thuốc chẹn beta như: tenormin (atenolol), inderal (propranolol) có khả năng ức chế hoạt động của hormon/chất dẫn truyền thần kinh norepinephrine trong cơ tim và động mạch, giúp động mạch mở rộng, giảm lực co và làm chậm hoạt động tim mạch.

Thêm vào đó, thuốc chẹn beta còn góp phần hạn chế các biểu hiện liên quan đến tình trạng căng thẳng stress như: hồi hộp, bồn chồn, tim đập nhanh…

Những tác dụng phụ của nhóm thuốc chẹn beta bao gồm: mệt mỏi, uể oải, rối loạn giấc ngủ, lạnh bàn tay, bàn chân, bất lực, chóng mặt, thở khò khè, khô mắt, phát ban và các vấn đề về đường tiêu hóa.

5. Nhóm thuốc bổ thần kinh/hướng thần kinh

Các thuốc bổ thần kinh/hướng thần kinh thường được sử dụng là pyritinol, piracetam, idebenone. Nhóm thuốc này có tác dụng tăng cường tiêu thụ glucose ở não và ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt oxy lên não.

Tuy nhiên, những người bị bệnh về gan, thận không nên dùng nhóm thuốc này. Ngoài ra, bệnh nhân cần lưu ý các tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc bổ thần kinh/hướng thần kinh bao gồm: mệt mỏi, bứt rứt, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ.

Nhóm thuốc bổ thần kinh/hướng thần kinh
Nhóm thuốc bổ thần kinh/hướng thần kinh có tác dụng tăng cường tiêu thụ glucose ở não và ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt oxy lên não.

6. Vitamin và khoáng chất

Theo nhiều nghiên cứu, một số loại vitamin có thể cải thiện triệu chứng căng thẳng stress nếu được bổ sung đầy đủ.

Người bệnh nên duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, tăng cường dung nạp thực phẩm giàu vitamin nhóm B (B1, B3, B5, B6, B12), vitamin C, vitamin D, vitamin E, axit folic (trong rau màu xanh đậm), sắt, biotin, magie, phốt pho, mangan, selen, kẽm, kali, omega-3, chất đạm, chất béo và cacbohydrate.

Bên cạnh đó, bạn cần chủ động kiêng cữ đồ ngọt, thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, rượu bia, thuốc lá, trà đặc, cà phê và các chất kích thích.

7. Men vi sinh

Với khả năng hoạt động độc lập nhờ vào hệ thống trên 100 triệu tế bào thần kinh, đường ruột được mệnh danh là bộ não thứ hai của cơ thể chúng ta. Hệ thần kinh đường ruột có thể trực tiếp tương tác với hệ thần kinh trung ương bên trong bộ não thông qua 400 – 600 triệu tế bào khác nhau. Sự kết nối tinh vi và kỳ diệu này tạo hình thành trục não – ruột.

Các hoạt động của đường ruột đã được chứng minh là có thể tác động đến trạng thái tinh thần và liên quan mật thiết với các dạng rối loạn tâm thần như: trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng stress…

Đặc biệt, hệ khuẩn chí đường ruột có khả năng ảnh hưởng sâu sắc đến cảm xúc, tâm trạng, đồng thời đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình dẫn truyền chính xác thông tin từ trục não – ruột.

Nhiều nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng, probiotic có thể ổn định cảm xúc, cải thiện tâm trạng và khắc phục các triệu chứng liên quan đến tình trạng căng thẳng, lo âu, trầm cảm. Các lợi khuẩn đường ruột sẽ tác động và chi phối chức năng não bộ thông qua 5 cơ chế chủ yếu, đó là:

  • Sản xuất chất dẫn truyền thần kinh (GABA, serotonin), điều tiết quá trình phóng thích chất dẫn truyền thần kinh và yếu tố hướng thần kinh (BDNF) bên trong bộ não
  • Bảo vệ hàng rào ruột, đảm bảo tính toàn vẹn, thống nhất của những điểm nối nằm trên lớp tế bào biểu mô ruột (đây chính là “bức tường” chặn đứng phản ứng viêm thần kinh và các chất gây viêm – tác nhân kích hoạt tình trạng căng thẳng stress)
  • Điều khiển dây thần kinh cảm giác ở đường ruột
  • Hình thành nhiều chất chuyển hóa quan trọng, đặc biệt là các axit béo
  • Kiểm soát hệ thống miễn dịch ở niêm mạc đường ruột

Vì vậy, ngày nay, các nhà khoa học đang kỳ vọng việc bổ sung lợi khuẩn đường ruột sẽ mở ra giải pháp điều hòa tâm trạng và cải thiện các dạng rối loạn tâm thần (căng thẳng stress, trầm cảm, rối loạn lo âu…) một cách hiệu quả trong khi vẫn đảm bảo an toàn, không gây ra tác dụng phụ.

Bài viết đã giải đáp chi tiết thắc mắc: “Những người bị căng thẳng stress nên uống thuốc gì?” Nhìn chung, trước khi sử dụng các nhóm/loại thuốc trên, bệnh nhân cần trao đổi cặn kẽ với bác sĩ chuyên khoa.

Trong quá trình điều trị, độc giả hãy tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị và tuân theo mọi hướng dẫn của chuyên gia, tuyệt đối không lạm dụng thuốc, tự ý ngừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng. Ngoài ra, bạn nên thường xuyên luyện tập thể dục, sinh hoạt điều độ, ăn uống – nghỉ ngơi hợp lý và tham gia các hoạt động vui chơi – giải trí phù hợp để hạn chế căng thẳng, mệt mỏi.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *