Bệnh loạn thần: Nguyên nhân, biểu hiện và cách can thiệp

Các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác của bệnh loạn thần sẽ khiến cho người bệnh tự thực hiện những hành vi, lời nói làm tổn thương chính mình hoặc những người xung quanh. Đây được xem là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm và cần được điều trị với phác đồ đặc biệt, người bệnh cũng cần sự chăm sóc và quan tâm nhiều hơn so với bình thường. 

Bệnh loạn thần
Bệnh loạn thần sẽ bao gồm các biểu hiện hoang tưởng, ảo giác kèm theo những lời nói sáo rỗng, lộn xộn

Bệnh loạn thần là gì?

Loạn thần là căn bệnh được xếp vào rối loạn thần kinh ở mức độ nghiêm trọng. Đây là tình trạng mà người bệnh không thể tự kiểm soát được những suy nghĩ, hành vi của mình, họ không thể tự suy nghĩ hay đưa ra phán đoán đối với những việc mà bản thân đã và sắp thực hiện. Hơn thế, bệnh nhân sẽ không thể tự điều khiển hay suy xét cảm xúc của chính mình như những người khác.

Bệnh loạn thần có mấy loại?

Có rất nhiều các loại bệnh loạn thần, cụ thể như:

  • Tâm thần phân liệt: Những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt sẽ có nhiều thay đổi về hành vi, họ thường xuyên hoang tưởng, ảo tưởng. Các triệu chứng bệnh sẽ kéo dài ít nhất 6 tháng và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, công việc và các mối quan hệ xã hội.
  • Rối loạn phân liệt cảm xúc: Những người bệnh ở dạng này cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng giống với tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, họ sẽ có thêm những dấu hiệu của rối loạn thần kinh, khí sắc trầm trọng và lưỡng cực.
  • Rối loạn dạng phân liệt: Các triệu chứng của người bệnh sẽ khá giống với tâm thần phân liệt nhưng thời gian sẽ duy trì ngắn hơn.
  • Rối loạn loạn thần ngắn: Bệnh nhân sẽ xuất hiện các hành vi loạn thần trong khoảng thời gian ngắn. Nguyên nhân chủ yếu có loại bệnh này đến từ những áp lực, căng thẳng, stress. Đối rối loạn loạn thần ngắn thì các triệu chứng chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn và phục hồi khá nhanh.
  • Rối loạn hoang tưởng: Người bệnh sẽ không thể phân biệt được rõ ràng giữa thực tại và hoang tưởng, lâu dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống. Do đó, đây được xem là loại bệnh có mức độ nặng.
  • Rối loạn loạn thần chia sẻ: Những người thân xung quanh của bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng và bệnh nhân cũng sẽ tin vào những gì mà người đó chia sẻ.
  • Rối loạn loạn thần do sử dụng chất kích thích: Nguyên nhân chủ yếu của dạng bệnh này chính là việc dùng thuốc hoặc cai các loại thuốc như cocain, thuốc gây ảo giác,..Người bệnh sẽ xuất hiện các hoang tưởng, ảo tưởng, những lời nói gây khó hiểu.
  • Rối loạn loạn thần thứ phát sau các bệnh khác: Tình trạng ảo tưởng, hoang tưởng hoặc các triệu chứng của bệnh loạn thần khác có thể xuất hiện sau khi chức năng não bị tác động, cụ thể như bị khối u não, chấn thương đầu.
  • Hoang tưởng paraphrenia: Loại bệnh  này sẽ có chung các triệu chứng của tâm thần phân liệt nhưng bệnh sẽ khởi phát trễ, chủ yếu là khi về già.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh loạn thần

Bệnh loạn thần vẫn chưa được xác định nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, các yếu tố sau đây sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

  • Di truyền: Trong một số nghiên cứu chuyên khoa thì di truyền là một trong các yếu tố có khả năng làm gia tăng nguy cơ mắc phải các chứng bệnh loạn thần. Nếu trong gia đình có người thân từng mắc phải các chứng bệnh này thì khả năng con cái sinh ra mắc bệnh sẽ cao hơn so với bình thường.
  • Các thay đổi trong não bộ: Sự thay đổi diễn ra trong cấu trúc của bộ não và một số chất hóa học đã được tìm thấy đối với những bệnh nhân bị loạn thần.
  • Hormone: Bệnh loạn thần sẽ thường xuất hiện đối với những phụ nữ sau khi sinh. Tình trạng này hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết rằng, sự thay đổi nồng độ hormone và các rối loạn về giấc ngủ cũng có thể là lý do cho bệnh lý này.

Bệnh loạn thần có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, cả nam và nữ. Tuy nhiên, các triệu chứng sẽ hình thành ở cuối độ tuổi vị thành niên, chủ yếu là từ 20 đến 30 tuổi.

Biểu hiện của bệnh loạn thần

Bệnh loạn thần sẽ có những biểu hiện đặc trưng như hoang tưởng, ảo giác và những lối suy nghĩ sáo rỗng, lộn xộn.

1. Hoang tưởng

Hoang tưởng là một niềm tin sai lệch, mâu thuẫn đối với thực thế nhưng được bệnh nhân duy trì và tin tưởng tuyệt đối. Hoang tưởng có thể biểu hiện ở nhiều chủ đề khác nhau như:

  • Hoang tưởng tự cao: Người bệnh sẽ có một niềm tin cực lớn vào những khả năng đặc biệt của bản thân, họ tin rằng mình có tài năng vượt trội hơn những người khác, không ai có thể so sánh với họ.
  • Hoang tưởng liên hệ: Những đối tượng mắc phải chứng hoang tưởng liên hệ đều cảm thấy rằng tất cả mọi việc xảy ra xung quanh đều có mối liên quan đến họ. Khi đang đi trên đường, họ có thể nghĩ rằng có người theo dõi và bám đuôi họ nhưng trong thực tế hoàn toàn không có ai đi phía sau họ. Hoặc đơn thuần là một tin nhắn gửi đến họ cũng sẽ nghĩ rằng ai đó đang muốn nhắn gửi về một thông điệp bí mật nào đó.
  • Hoang tưởng cơ thể: Chứng hoang tưởng này khiến cho người bệnh luôn có suy nghĩ rằng bản thân đang mắc phải một căn bệnh nguy hiểm, nghiêm trọng nào đó. Tuy nhiên khi tiến hành thăm khám, thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán thì cơ thể họ không có xuất hiện các bệnh lý bất thường (trừ những vấn đề về tâm thần).

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

2. Ảo giác

Khi mắc phải chứng bệnh loạn thần, người bệnh thường xuất hiện những ảo giác. Đây chính là sự nhận biết về một sự vật, hiện tượng nào đó khi không có bất kì kích thích nào bên ngoài. Các ảo giác mà người bị loạn thần thường gặp là ảo xúc, ảo thị, ảo thanh.

  • Ảo xúc: Tình trạng này sẽ phổ biến hơn ở những đối tượng nghiện rượu nhưng phải ngưng sử dụng. Họ sẽ luôn cảm thấy như có kiến đang bò trên da thịt hoặc cảm giác bị kim châm chích vào da nhiều lần.
  • Ảo thị: Người bệnh sẽ xuất hiện các hình ảnh mờ hồ, họ có thể nói rằng mình đang nhìn thấy Phật Quan Âm hay những người thân đã mất của mình.
  • Ảo thanh: Bệnh nhân có thể nghe thấy các âm thanh từ đơn giản cho đến phức tạp. Ví dụ như họ có thể nghe thấy tiếng nói của một người lạ nào đó chưa hề gặp, tiếng nói của hàng xóm cũ hoặc tiếng còi tàu mặc dù xung quanh không có bất kì ga tàu hay đường ray nào cả.

Người bệnh sẽ cảm thấy những ảo giác này rất chân thực nhưng trong thực tế chúng tại không tồn tại đối với họ.

Bệnh loạn thần
Khi mắc phải chứng bệnh loạn thần, người bệnh thường xuất hiện những ảo giác

Hậu quả của bệnh loạn thần

Các triệu chứng của bệnh loạn thần nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra rất nhiều hậu quả nghiệm trọng, thậm chí có thể làm hại đến tính mạng của bản thân và những người xung quanh.

  • Nghiện ngập: Những bệnh nhân bị loạn thần thường sẽ có nhiều khả năng lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy,…Bởi vì khi sử dụng các chất này sẽ giúp các triệu chứng bệnh được kiểm soát tạm thời. Tuy nhiên, việc lạm dụng và sử dụng quá nhiều các chất này sẽ làm cho tình trạng loạn thần càng chuyển biến xấu đi hoặc có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn.
  • Tự làm hại bản thân hoặc tự sát: Những đối tượng bệnh loạn thần sẽ có nguy cơ tự sát hoặc thực hiện những hành vi tự làm hại bản thân cao hơn so với người bình thường. Người bệnh thường sẽ có nhiều vết bầm, vết cắt, vết bỏng trên cổ, tay, chân, đùi, ngực,…Tuy nhiên, họ lại có xu hướng muốn che đậy và giấu đi những tổn thương đó.
  • Làm hại đến những người xung quanh: Khi người bệnh liên tục xuất hiện các ảo giác, hoang tưởng tiêu cực sẽ khiến cho họ phản ứng lại và có thể xuất hiện các hành vi, lời nói thô bạo hoặc thậm chí có thể đe dọa giết người.

Chẩn đoán bệnh loạn thần

Để có thể chẩn đoán được căn bệnh loạn thần, đầu tiên các bác sĩ sẽ trò chuyện với bệnh nhân, tiến hành kiểm tra và tìm hiểu về các nguyên nhân khác có thể gây nên tình trạng bệnh. Bệnh nhân sẽ được thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm hình ảnh học não và xét nghiệm máu để có thể loại trừ các bệnh thực thể hoặc các rối loạn do sử dụng chất.

Nếu sau khi tiến hành xét nghiệm nhưng không tìm thấy nguyên nhân thực thể để có thể giải thích cho các triệu chứng bệnh thì các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân tìm đến những bác sĩ tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần. Những chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ áp dụng các bài kiểm tra và sử dụng các công cụ đánh giá đặc biệt để có thể chẩn đoán và xác định chính xác bệnh nhân có mắc phải bệnh loạn thần hay không.

Bệnh loạn thần
Việc chẩn đoán bệnh loạn thần sớm sẽ giúp cho quá trình điều trị được thuận lợi và hiệu quả hơn

Chẩn đoán sớm

Nếu có thể chẩn đoán sớm được bệnh loạn thần sẽ cải thiện tiên lượng lâu dài. Thế nhưng không phải lúc nào cũng có thể chẩn đoán được bệnh ở những giai đoạn đầu. Tình trạng loạn thần nhẹ dẫn đến tâm thần phân liệt thường sẽ điều trị trễ khoảng 2 năm. Còn đối với bệnh loạn thần nặng có thể không xuất hiện các triệu chứng ở nhiều năm trước đó cho đến khi được phát hiện và chữa trị đặc hiệu.

Để giúp phát hiện bệnh sớm, các nhà tâm thần học cũng sẽ cân nhắc kỹ các chẩn đoán loạn thần ở những bệnh nhân trẻ tuổi với các biểu hiện như:

  • Hiệu suất học tập và làm việc bị giảm đáng kể trong một khoảng thời gian.
  • Tự tách mình ra khỏi xã hội, không muốn giao tiếp với bất kì ai.
  • Cảm xúc thay đổi bất thường, dễ buồn hoặc dễ kích động mà không rõ nguyên nhân.

Hiện nay vẫn chưa có bất kì xét nghiệm sinh học nào có thể chẩn đoán chính xác về căn bệnh này. Những xét nghiệm được thực hiện chỉ góp phần loại bỏ các vấn đề y khoa có thể gây ra những biểu hiện của bệnh.

Thông thường, bệnh loạn thần sẽ được chẩn đoán thông qua quá trình thăm khám lâm sàng và tìm hiểu về tình trạng bệnh sử. Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và thăm hỏi về suy nghĩ, cảm xúc, các triệu chứng, hành vi, hoạt động hàng ngày của bệnh nhân, đồng thời bác sĩ cũng sẽ hỏi về tiền sử bệnh tâm thần của các thành viên khác trong gia đình.

Khi các triệu chứng của bệnh loạn thần được xếp vào nhóm bệnh tâm thần thì sẽ có những tiêu chuẩn cố định nhằm chẩn đoán chính xác căn bệnh này. Thông thường các bác sĩ sẽ chẩn đoán loạn thần dựa vào tiêu chuẩn DSM của Hội tâm thần học Hoa Kì.

Hướng điều trị bệnh loạn thần hiệu quả

Cũng giống như các căn bệnh tâm thần khác, bệnh loạn thần cũng sẽ được điều trị chủ yếu bằng hai phương pháp đó là sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý.

1. Sử dụng thuốc

Thuốc chống loạn thần chính là loại thuốc hỗ trợ điều trị chủ yếu đối với những bệnh nhân loạn thần. Tuy các loại thuốc này không thể điều trị dứt điểm các triệu chứng và nguyên nhân gây ra bệnh nhưng chúng sẽ giúp kiểm soát và cải thiện các biểu hiện của bệnh, điển hình là tình trạng hoang tưởng, ảo giác.

Bệnh loạn thần
Thuốc chống loạn thần chính là loại thuốc hỗ trợ điều trị chủ yếu đối với những bệnh nhân loạn thần.

Các bác sĩ sau khi thăm khám và biết được tình trạng cụ thể của mỗi bệnh nhân sẽ tiến hành kê đơn thuốc phù hợp. Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng những loại thuốc chống loạn thần thế hệ mới bởi chúng có ít tác dụng phụ, khi sử dụng người bệnh cũng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn so với những loại thuốc cũ. Bên cạnh đó cũng có một số loại thuốc sử dụng bằng đường tiêm và mỗi tháng chỉ cần dùng khoảng 1 đến 2 lần.

Tùy vào cơ địa của mỗi bệnh nhân mà tác dụng thuốc sẽ đến sớm hoặc muộn. Thông thường khoảng sau vài tuần thì các triệu chứng của bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn. Để giúp cho tình trạng bệnh mau chóng cải thiện, bệnh nhân cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý tăng hoặc giảm liều lượng của thuốc.

2. Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý cũng là một biện pháp giúp cải thiện và điều trị triệt để được các triệu chứng của bệnh loạn thần. Bằng các kỹ thuật chuyên môn, các nhà tâm lý trị liệu sẽ giúp cho bệnh nhân thay đổi được nhận thức và hành vi của bản thân, giúp học biết cách kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc, lời nói của mình. Đối với trị liệu tâm lý sẽ có nhiều hình thức khác nhau, bệnh nhân có thể được điều trị cá nhân, theo nhóm hoặc điều trị theo gia đình.

Bệnh loạn thần
Hầu hết các bệnh nhân bị loạn thần đều được áp dụng phương pháp tâm lý trị liệu để cải thiện sức khỏe

Thông thường những người bệnh loạn thần chỉ cần điều trị ngoại trú, họ không phải sống trong các trại nuôi dưỡng tập trung. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp đặc biệt, các triệu chứng loạn thần biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng hoặc người bệnh có nhiều khả năng gây hại cho bản thân và những người xung quanh thì có thể được khuyến khích nhập viện để theo dõi và điều trị tốt hơn.

Lưu ý: Những người bị bệnh loạn thần thường rất dễ bị kích động, họ có thể thực hiện các hành vi hoặc lời nói làm tổn thương bản thân và những người xung quanh. Vì thế, trong trường hợp này, cần phải giúp cho họ bình tĩnh và trấn an họ nhanh chóng. Người thân hoặc bác sĩ sẽ dùng lời nói để trấn an và giúp cho bệnh  nhân bình tĩnh trở lại. Trong một số tình huống đặc biệt, các bác sĩ có thể sử dụng thuốc tiêm để giúp người bệnh dịu lại.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Bệnh loạn thần hiện vẫn chưa có biện pháp cụ thể để phòng tránh, tuy nhiên nếu có thể sớm phát hiện và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp sẽ giúp người bệnh mau chóng hồi phục. Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh cao thì nên chú ý hạn chế sử dụng các chất kích thích để làm chậm quá trình phát triển bệnh.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *