Tổng kết Trị liệu nhóm trực tiếp tại TP Hồ Chí Minh số 08: “Trung thu” Tết của sự đoàn viên

Chương trình trị liệu nhóm trực tiếp tại TP Hồ Chí Minh số 08 với chủ đề “Trung thu – Tết của sự đoàn viên” do Chuyên gia Tâm lý trị liệu, Master Coach Phạm Thị Ngọc Trâm chia sẻ diễn ra vào ngày 10/9/2022 đã mang lại một ngày thứ 7 ý nghĩa với nhiều hoạt động chia sẻ và tương tác thú vị.

Ý nghĩa của “Trung thu” Tết của sự đoàn viên

Sau trò chơi khởi động vui vẻ là những câu chuyện xoay quanh ngày rằm tháng 8, từ sự tích Tết trung thu bắt đầu như thế nào cho đến các phong tục cổ truyền của người Việt Nam ra sao. Các hoạt động treo/ rước đèn, trao nhau quà tri ân bánh nướng – bánh dẻo hay thả đèn hoa đăng phát nguyện an lành đều được giới thiệu rất sinh động. Quan trọng nhất chính là giúp mọi người thấu hiểu được tinh thần Tết đoàn viên là một dịp ý nghĩa khi chúng ta quây quần bên nhau, trao nhau thật nhiều yêu thương.

Và ngay trong chương trình, rất nhiều hoạt động gắn kết được tổ chức như: Thiền Tonglen, trắc nghiệm tính cách, hát cùng nhau, tặng quà trung thu mang lại những phút giây đầy xúc cảm mùa trăng tròn.

Quy trình áp dụng ngôn ngữ yêu thương

Hiện nay, với sự phát triển của mạng xã hội, rất nhiều người bị mất nhiều kết nối trong các mối quan hệ gia đình: Cha mẹ – con; vợ – chồng; thế hệ khác nhau trong gia đình… Nhưng liệu rằng ta đã tự hỏi lại mình mỗi ngày đã tương tác như thế nào để gắn kết lại chưa? Ta đã hiểu rằng mình tương tác chưa hiệu quả chính là do còn những bất đồng ngôn ngữ? Master Coach Phạm Thị Ngọc Trâm đã chia sẻ chi tiết về 5 ngôn ngữ yêu thương như một cuốn cẩm nang cho mọi người hiểu và thực hành.

1. Lời khẳng định, khen tặng yêu thương

Trong cuộc sống, chúng ta luôn mong muốn được người khác ghi nhận, khen ngợi. Với cha mẹ, có khi người khác không phải khen mình mà khen con mình học giỏi, ngoan ngoãn thì bản thân cũng rất vui rồi. Khi mình hiểu về bản thân cũng sẽ dễ dàng thấu hiểu đối phương và trao đi lời khen tặng chân thành xuất phát từ trái tim. Đặc biệt, trong giao tiếp với những người đàn ông trong gia đình (cha, chồng, con trai…) thì đây là loại hình ngôn ngữ yêu thương mang đến cho họ thêm cảm giác tích cực về giá trị bản thân, thúc đẩy động lực phấn đấu để cống hiến cho gia đình nhiều hơn.

2. Cử chỉ yêu thương

Nếu như nam giới ưa lời khen tặng thì phụ nữ thích được quan tâm từ những cử chỉ yêu thương. Có lẽ cũng từ bản năng của người phụ nữ là quan tâm, chăm sóc mọi người. Đơn giản là cùng mẹ dọn mâm cơm, cùng con chơi thể thao, một chiếc hôn tạm biệt trước khi đi làm… nhưng cũng góp phần tạo nên một ngày ý nghĩa, kéo mọi người thêm gần nhau hơn.

3. Thời gian chất lượng và ý nghĩa

Đây là thời gian của sự sự gắn kết. Chúng ta không cần đưa ra bất kỳ lời khuyên nào mà chỉ cần hiện diện cũng đã gửi trao sự yêu thương, niềm tin, sự vững chãi cho đối phương. Và như thế, họ cảm nhận được sự đồng hành, đồng cảm. Ví dụ như khi thấy cha mẹ làm việc, con chỉ ngồi bên, không phụ giúp song chỉ cần con lắng nghe, hỏi han, chia sẻ qua lời nói thì đó chính là thời gian chất lượng.

Có nhiều khi, đối phương dù biết hết những câu trả lời rồi nhưng họ vẫn hỏi, bởi vì muốn cảm xúc được trút ra, chia sẻ. Chúng ta đơn giản là lắng nghe toàn tâm, không phán xét, cảm nhận trọn vẹn câu chuyện. Thi thoảng mình gợi mở bằng câu hỏi thấu cảm như: “Anh/em có thể giúp được gì cho em/anh?”. Khi đó, đối phương sẽ sẵn sàng mở lòng kể hết tâm sự.

4. Giao tiếp bằng xúc chạm cơ thể

Có nhiều người muốn thể hiện yêu thương nhưng không thể hiện được bằng ngôn ngữ nói thì giao tiếp cơ thể là một ngôn ngữ dễ thực hiện hơn cả. Và nó cũng mang lại sự kết nối nhanh nhất. Lúc thai kỳ, con ở trong bụng mẹ và được bao bọc trong bào thai vô cùng ấm áp, an toàn. Sau khi chào đời, con vẫn nhớ cảm giác ấy và thích được ôm ấp. Đó là một nhu cầu bản năng.
Master Coach Phạm Thị Ngọc Trâm đã hướng dẫn mọi người cùng thực hành ôm yêu thương ngay trong chương trình:

  • Đứng đối diện, nhìn vào mắt nhau khoảng 2 giây;
  • Thực hành ôm từ 8-10 giây trong tĩnh lặng.

Dù là những người lạ nhưng cảm giác dành cho nhau rất đỗi ấm áp, nhẹ nhàng. Vậy thì với người thân, tình cảm yêu thương ấy sẽ càng mãnh liệt, dạt dào biết bao. Và mỗi ngày chỉ cần 3-4 cái ôm thôi bạn sẽ thấy chuyển biến rõ rệt trong kết nối với gia đình, bạn bè.

5. Trao và nhận quà tặng

Quà vật chất hay tinh thần thì chúng ta đều thích nhận đúng điều mình muốn. Vì vậy, chúng ta đừng e ngại nói ra mong ước của mình để nhận những món quà phù hợp nhất, trong khả năng của người mua. Ngược lại cũng thế, khi tặng quà cho ai đó, chúng ta có thể gợi mở để họ chia sẻ về điều mình thích.

Tất cả chúng ta đều có 5 ngôn ngữ yêu thương này nhưng mỗi người sẽ có cách dùng riêng, có ngôn ngữ nổi trội riêng. Chúng là tương đối, thay đổi theo thời gian và thời điểm. Bởi thế, khi bạn chú tâm quan sát mọi người thường có xu hướng gì để lựa chọn ngôn ngữ phù hợp thì sẽ dễ dàng tạo hảo cảm, có sự đồng hành. Và quan trọng là bản thân tự nhận thấy cần thay đổi gì để tạo ra sự hài hòa trong các mối quan hệ. Không có công thức đảm bảo cho tình yêu và hạnh phúc lâu bền nhưng có cách để bạn đi đúng đường trên hành trình dài mang tên là tình yêu.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *