Các rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên và cách phòng ngừa

Rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên là vấn đề phát triển về tâm lý và tâm thần phản ánh sự phức tạp của môi trường xã hội ngày nay. Điều này đặt ra những thách thức đáng kể trong việc nhận biết và quản lý sức khỏe tâm thần của thế hệ trẻ.

Rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên là gì?

Rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên là những tình trạng ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của trẻ. Những rối loạn này có thể gây ra đau khổ đáng kể và suy giảm khả năng hoạt động trong học tập, các mối quan hệ và các hoạt động hàng ngày khác.

rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên là gì
Hiện nay các rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên ngày càng phổ biến

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 10 – 20% trẻ vị thành niên trên toàn cầu mắc các rối loạn tâm thần và ảnh hưởng của chúng đối với cuộc sống hàng ngày là không hề nhỏ. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ vị thành niên mắc các rối loạn tâm thần cũng đang ở mức cao.

Các rối loạn tâm thần ở trẻ em vị thành niên phổ biến

Các rối loạn tâm thần ở trẻ em vị thành niên trở nên phổ biến bởi tâm lý và tinh thần của các em đang phải đối mặt với nhiều áp lực và thách thức. Cụ thể các rối loạn đó bao gồm:

1. Trầm cảm

Trầm cảm ở trẻ vị thành niên là một vấn đề đáng lo ngại với với biểu hiện có thể biến đổi từ cảm giác buồn rầu, mất hứng thú đến sự cô đơn và tuyệt vọng. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là sự kết hợp yếu tố di truyền, môi trường xã hội và gia đình. Căng thẳng từ học tập, mối quan hệ xã hội không ổn định, mất mát trong gia đình cũng có thể hình thành nên vấn đề này.

Ảnh hưởng của trầm cảm không chỉ làm suy giảm tự tin của trẻ mà còn đe dọa đến sức khỏe tâm trí và thậm chí là tính mạng. Cùng với đó, khả năng học tập và tương tác xã hội cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tạo ra một vòng tuần hoàn tiêu cực mà trẻ khó có thể tự vượt qua một mình.

2. Tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt ở trẻ vị thành niên là một căn bệnh tâm lý nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cách trẻ suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Triệu chứng của bệnh này bao gồm ảo giác, ảo tưởng, suy nghĩ rối loạn, hành vi kỳ lạ, mất cảm xúc và hứng thú.

các rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên
Trẻ mắc tâm thần phân liệt bị suy giảm nhận thức trầm trọng

Các triệu chứng của tâm thần phân liệt như mất ngủ và suy giảm nhận thức có thể gây ra sự suy yếu về sức khỏe toàn diện và làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe vật lý khác cho trẻ. Những biểu hiện lâm sàng trên tinh thần và hành vi này của trẻ còn gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực ảnh hưởng đến chất lượng sống.

3. Rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu là một vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến ở trẻ vị thành niên với khoảng 30% trong số đó mắc các rối loạn này suốt cuộc đời. Các triệu chứng thường biểu hiện đa dạng, từ lo lắng và sợ hãi quá mức đến khó tập trung và dễ cáu kỉnh. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp vấn đề về giấc ngủ và xuất hiện các triệu chứng thể chất như đau bụng, nhức đầu.

Những triệu chứng của rối loạn lo âu có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của trẻ bằng việc giảm hiệu suất học tập, giao tiếp và hình thành các mối quan hệ. Đặc biệt, nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như suy giảm tự tin, cảm giác tuyệt vọng và thậm chí là ý nghĩ tự tử ở một số trẻ.

4. Rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực ở trẻ vị thành niên là một căn bệnh tâm lý phức tạp, ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi của trẻ. Biểu hiện của căn bệnh này thường biến đổi giữa hai giai đoạn cực đoan: giai đoạn hưng cảm và giai đoạn trầm cảm.

hình thức rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên
Rối loạn lưỡng cực ở trẻ vị thành niên đặc trưng bởi hưng cảm và trầm cảm

Giai đoạn hưng cảm thường xuất hiện với tâm trạng hân hoan, năng lượng dồi dào khiến trẻ có xu hướng thiếu suy nghĩ, hành động liều lĩnh, dễ cáu giận. Trong khi đó, giai đoạn trầm cảm thường đi kèm với tâm trạng buồn bã, mất hứng thú với các hoạt động yêu thích và cảm giác mệt mỏi. Trẻ có thể gặp rối loạn giấc ngủ và thường có suy nghĩ tiêu cực cùng ý nghĩ tự tử trong giai đoạn này.

Rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên – Nguyên nhân do đâu?

Rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên thường là sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố sinh học, môi trường và phát triển.

  • Yếu tố sinh học: Di truyền là yếu tố không thể bỏ qua khi các rối loạn tâm thần có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cùng với đó, bất thường trong cấu trúc não hoặc sự mất cân bằng hóa chất như serotonin và dopamine có thể góp phần gây ra các rối loạn như trầm cảm, lo âu và rối loạn lưỡng cực.
  • Yếu tố môi trường: Căng thẳng trong gia đình như cha mẹ ly hôn hoặc thất nghiệp có thể gây ra cảm giác bất an. Đồng thời việc bị lạm dụng, bỏ bê, bạo lực đều gây ra chấn thương tâm lý sâu sắc, làm tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần. Ngoài ra, nghèo đói và thiếu thốn cũng có thể gây ra lo lắng kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của trẻ.
  • Yếu tố phát triển: Thời kỳ dậy thì là giai đoạn phát triển mạnh mẽ cả về thể chất và cũng là lúc trẻ vị thành niên dễ bị tổn thương nhất về mặt tâm lý. Những thay đổi về hormone, sự phát triển của cơ thể và áp lực xã hội có thể dẫn sự bất ổn về cảm xúc như lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống.
nguyên nhân rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên
Gia đình bất hòa là nguyên nhân gây ra rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên

Hệ lụy nghiêm trọng của rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên

Rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi mà còn có những tác động lớn đến nhiều khía cạnh của cuộc sống. Một trong những hậu quả đáng lo ngại là tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như tim mạch, tiểu đường và ung thư do rối loạn tâm thần làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ.

Ngoài ra, rối loạn tâm thần cũng làm tăng nguy cơ tự hại và tự tử, đặc biệt là ở những trẻ vị thành niên bị mắc trầm cảm đồng thời. Khả năng lạm dụng chất kích thích như rượu, thuốc lá và ma túy cũng cao hơn ở những trẻ mắc rối loạn tâm thần, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.

hậu quả rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên
Trẻ mất kết nối với bạn bè do mắc rối loạn tâm thần nghiêm trọng

Trong môi trường học tập, tình trạng này có thể dẫn đến kết quả học tập sa sút và thậm chí là bỏ học. Cùng với đó, mâu thuẫn trong gia đình và mất kết nối với bạn bè cũng là những vấn đề phổ biến, ảnh hưởng đến quá trình phát triển xã hội của trẻ.

Hơn nữa, rối loạn kể trên cũng có thể gây chậm phát triển về mặt cảm xúc, xã hội và nhận thức, khiến cho việc thích nghi với cuộc sống trưởng thành trở nên khó khăn. Về mặt kinh tế, chi phí điều trị và giảm năng suất lao động khi trẻ trưởng thành đều là những vấn đề đáng quan ngại, gây áp lực cho gia đình và xã hội.

Phòng ngừa hiệu quả rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên

Phòng ngừa hiệu quả rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên là mục tiêu quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ và tăng cường sức đề kháng tâm lý cho trẻ. Các chiến lược và biện pháp sau đây có thể áp dụng để xây dựng môi trường tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ vị thành niên.

1. Thuốc điều trị

Trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc được cho là có hiệu quả trong điều trị toàn diện cho trẻ vị thành niên có nguy cơ cao mắc các rối loạn tâm thần. Các loại thuốc phổ biến được sử dụng bao gồm thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm và thuốc ổn định tâm trạng cho người mắc rối loạn lưỡng cực.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần được điều chỉnh và giám sát chặt chẽ bởi các chuyên gia y tế để tránh các tác dụng phụ và đảm bảo hiệu quả điều trị. Đặc biệt cần thông báo cho bác sĩ biết ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu không bình thường xuất hiện trong quá trình sử dụng thuốc. ​​​​

2. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên bên cạnh việc dùng thuốc. Phương pháp này sử dụng các kỹ thuật tâm lý nhằm giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần và cải thiện chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số phương pháp trị liệu tâm lý thường được sử dụng để phòng ngừa tình trạng này ở trẻ vị thành niên:

vượt qua rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên
Các phương pháp trị liệu tâm lý giúp loại bỏ rối loạn tâm thần hiệu quả
  • Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT): Liệu pháp này được thực hiện nhằm thay đổi những suy nghĩ và hành vi tiêu cực là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần. CBT tập trung vào mối liên hệ giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành vi, từ đó cải thiện sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống.
  • Liệu pháp gia đình: Đây là liệu pháp giúp cải thiện giao tiếp và giải quyết xung đột trong gia đình, từ đó giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em.
  • Liệu pháp nhóm: Liệu pháp hướng dẫn trẻ học hỏi lẫn nhau và phát triển các kỹ năng xã hội trong một môi trường nhóm.

3. Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống vừa giúp ngăn ngừa vừa hỗ trợ điều trị rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên. Một số biện pháp thay đổi lối sống hiệu quả bao gồm:

  • Ngủ đủ giấc ít nhất 7 – 8 tiếng mỗi đêm giúp cải thiện tâm trạng, tăng cường khả năng tập trung và ghi nhớ
  • Đi ngủ và thức dậy vào cùng thời điểm mỗi ngày, ngay cả vào cuối tuần để cơ thể duy trì nhịp sinh học ổn định
  • Phòng ngủ cần tối, yên tĩnh và mát mẻ để dễ dàng đi vào giấc ngủ sâu
  • Tránh sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ bởi ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử có thể gây khó ngủ
  • Tập thể dục ít nhất 60 phút mỗi ngày với các hoạt động thể dục yêu thích  và bắt đầu từ mức độ nhẹ rồi tăng dần cường độ và thời gian tập luyện
  • Khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc bị kìm nén với người lớn mà trẻ tin tưởng
  • Thực hành các kỹ năng thư giãn như yoga, thiền và hít thở sâu nhằm giảm căng thẳng và lo âu
  • Cha mẹ hướng dẫn trẻ học cách giải quyết vấn đề gây căng thẳng để trẻ cảm thấy được chăm sóc và an tâm.
  • Nghe nhạc nhẹ nhàng mang lại sự thư giãn và giảm bớt lo âu
  • Tích cực tham gia các hoạt động xã hội để kết bạn mới, giảm cảm giác cô đơn và cải thiện tâm trạng
  • Chủ động tìm kiếm và tham gia các hội nhóm, câu lạc bộ phù hợp với sở thích của mình
  • Dành thời gian cho những người thân yêu, bạn bè để cảm nhận được yêu thương và quan tâm, giúp cải thiện tâm trạng tích cực hơn
can thiệp rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên
Đảm bảo giấc ngủ đầy đủ giúp cải thiện triệu chứng rối loạn tâm thần

4. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Một chế độ ăn uống khoa học có thể giúp cung cấp cho cơ thể trẻ những dưỡng chất cần thiết để phát triển não bộ, điều hòa cảm xúc và giảm nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần.

Đảm bảo đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng:

  • Chất đạm: Thịt nạc, cá, trứng, sữa, đậu cung cấp chất đạm giúp phát triển não bộ và hệ thần kinh.
  • Chất béo: Các chất bé như dầu ô liu, quả bơ, hạt giống chứa chất béo không bão hòa đơn và đa, cung cấp năng lượng và hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong dầu.
  • Chất xơ: Rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt là nguồn chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt và kiểm soát lượng đường trong máu.
  • Vitamin và khoáng chất: Vitamin B, D, sắt, kẽm, magie từ thực phẩm hoặc viên uống bổ sung giúp hỗ trợ chức năng của cơ thể và hệ thần kinh.
cải thiện rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên
Trẻ vị thành niên có thể phòng ngừa rối loạn tâm thần nhờ thực đơn ăn uống dinh dưỡng

Hạn chế thực phẩm có hại:

  • Hạn chế đồ ăn nhanh: Đồ ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol, muối và đường không tốt cho tim mạch và não bộ.
  • Hạn chế đồ ngọt:  Cung cấp calo rỗng, gây tăng cân, béo phì, và ảnh hưởng đến tâm trạng và tập trung.
  • Tránh xa rượu bia, chất kích thích: Gây hại cho não bộ và làm trầm trọng các triệu chứng của rối loạn tâm thần.

Ăn uống đủ bữa: 

  • Đảm bảo ăn đủ 3 bữa chính và 2 – 3 bữa phụ mỗi ngày
  • Tránh bỏ bữa hoặc ăn uống thất thường

Khuyến khích ăn uống cùng gia đình: Việc thường xuyên ăn uống cùng gia đình giúp trẻ học hỏi thói quen lành mạnh và giao tiếp hiệu quả với người thân xung quanh.

Với nhận thức ngày càng cao về các rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên, việc xây dựng các chiến lược phòng ngừa và điều trị hiệu quả trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đồng thời, tạo dựng môi trường xã hội và gia đình gắn kết cũng như tích cực có thể giúp các em vượt qua những thách thức về sức khỏe tâm thần và phát triển một cách lành mạnh.

Có thể bạn quan tâm:

vote

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *