Rối loạn học tập: Nguyên nhân, Cách nhận biết và Điều trị

Trẻ gặp khó khăn khi đến trường, kết quả học tập kém, không thể tập trung, bị ở lại lớp có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn học tập liên quan đến nhiều nguyên nhân. Phát hiện và điều trị sớm là cách tốt nhất để giúp trẻ tham gia vào quá trình học tập bình thường nhưng các bạn bè đồng trang lứa khác.

Rối loạn học tập là gì?

Thông thường khi một đứa trẻ có kết quả học tập không tốt, thường xuyên bị điểm kém, có nguy cơ ở lại lớp, thầy cô dạy mãi không hiểu thường bị đánh giá là học dốt, học yếu kém. Phụ huynh hay thầy cô giáo thường rất hay la mắng, thậm chí đưa ra các hình phạt, tăng cường giờ học với trẻ để kỳ vọng tình hình của của con có tiến triển tốt hơn. Tuy nhiên không phải lúc nào các trường này cũng có hiệu quả.

Rối loạn học tập
Rối loạn học tập mô tả tình trạng trẻ không thể đáp ứng với giáo dục, học tập dù đã thực hiện nhiều phương pháp

Rối loạn học tập (learning disability) là một thuật ngữ dùng để mô tả chung cho những trường hợp trẻ học tập mãi không có kết quả tốt dù đã làm mọi cách. Cần hiểu rằng tình trạng này có liên quan đến các bệnh lý, các khiếm khuyết về một hoặc nhiều cơ quan và được xếp vào nhóm rối loạn phát triển thần kinh. Khả năng học kém của con là điều có thể tiên đoán trước, mang tính chất lâu dài ở các trường hợp này.

Hiểu một cách đơn giản hơn, rối loạn học tập đề cập đến nhóm trẻ đang trong độ tuổi đi học thường có các đặc trưng khó tập trung, khó ghi nhớ, không thể làm các bài tập đơn giản không thể lập luận logic dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng về kết quả học tập cuối cùng. Quan trọng hơn là các yếu tố tác động liên quan này là tự nhiên, không liên quan đến việc trẻ lười biếng hay trốn tránh việc học.

Một thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy chỉ tính trong năm 2019-2020 đã có đến 7,3 triệu học sinh ( chiếm khoảng 14% số học sinh công lập trên toàn quốc) trong nhóm từ 3 đến 21 tuổi được yêu cầu tham gia giáo dục đặc biệt do các vấn đề liên quan đến rối loạn học tập. Một thống kê khác cũng cho thấy có khoảng 10 -15% các trẻ trong độ tuổi đến trường có thể gặp vấn đề này.

Rối loạn học tập thường kèm theo những ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt nhận thức, tư duy, hành vi, vận động cùng hàng loạt các hệ lụy tiêu cực khác kéo dài từ hiện tại đến tương lai. Phát hiện và can thiệp sớm các vấn đề có liên quan đến rối loạn học tập đang là một trong những mục tiêu được rất nhiều các tổ chức trên toàn thế giới về trẻ em đặt ra để thay đổi cuộc sống, tương lai cho các đối tượng này.

Các dạng rối loạn học tập thường gặp

Đôi khi trẻ chỉ học kém trong một vài khía cạnh, lĩnh vực chứ không phải toàn bộ, điều này có liên quan đến các khiếm khuyết mà trẻ gặp phải . Chẳng hạn có trẻ bị khó đọc, khó viết trong khi một số nhóm trẻ khác lại khó tính toán. Đây cũng là yếu tố khiến phụ huynh thường không phát hiện những bất thường để đưa con đi thăm khám từ giai đoạn sớm.

Rối loạn học tập là gì
Chứng khó đọc khiến trẻ không thể đọc rõ ràng, rành mạch, khả năng đọc – hiểu kém cỏi

Cụ thể, các dạng rối loạn học tập trẻ thường gặp phải gồm

  • Chứng khó viết (Dysgraphia hoặc agraphia): ở dạng này trẻ thường gặp khó khăn trong việc viết hay nhận diện các chữ cái như  p, q, b, và d; thường viết sai chữ trên giấy, viết sai kích cỡ chữ. Tuy nhiên ở dạng này trẻ vẫn có thể đọc như bình thường. Nguyên nhân gây ra tình trạng này được cho là có liên quan đến các rối loạn vận động tinh ở tay hay các tổn thương ở hệ thần kinh, các ám ảnh từ thời thơ ấu.
  • Hội chứng khó đọc (Dyslexia): trẻ không thể đọc một cách rõ ràng, đọc vấp, nói lắp, không đọc đúng chính tả, điều này gây ra ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập và ghi nhớ. Bởi rõ ràng việc đọc bài – đọc hiểu là một kỹ năng không thể thiếu. Trẻ cũng dễ mắc đồng thời với một số các rối loạn đi kèm khác.
  • Hội chứng khó học toán (Dyscalculia): trẻ khôn hiểu các phép tính đơn giản, không biết sắp xếp thứ tự, không nhớ mặt các con số, không ghi nhớ được các khái niệm, biểu tượng hay vấn đề chung có liên quan đến toán học. Tuy nhiên trong các khía cạnh học tập khác trẻ vẫn có thể phát triển bình thường, chỉ gặp khó khăn khi liên quan đến các con số.
  • Khó học môn hình học: trẻ có thể tính toán bình thường nhưng liên quan đến các dạng hình học lại không thể học hỏi và ghi nhớ.

Rối loạn học tập cũng có thể bao gồm cả 4 dạng này ở một người và gây ra rất nhiều ảnh hưởng khác đến quá trình học tập, phát triển nhận thức của con.

Biểu hiện rối loạn học tập ở trẻ

Ở một trẻ có các vấn đề khiếm khuyết nặng hầu hết đã bắt đầu có các biểu hiện bất thường về mặt nhận thức từ sớm, tuy nhiên những trẻ có các vấn đề nhẹ hơn thì đa số khi đến tuổi đi học phụ huynh mới phát hiện. Dù vậy hầu như nếu các thầy cô không có đủ kiến thức hiểu biết về các tình trạng này thì cũng rất ít người chấp nhận rằng con bị bệnh mà chỉ cho rằng con kém cỏi, lười biếng.

biểu hiện rối loạn học tập
Rối loạn học tập khiến trẻ hầu như không thể hoàn thành cả các phép tính đơn giản

Một số triệu chứng phổ biến khi trẻ mắc chứng rối loạn học tập như

  • Trẻ rất khó tập trung vào việc học, thường xuyên lơ đãng, không thể tập trung vào một chỗ
  • Trí nhớ kém, trẻ nhanh chóng quên những gì vừa được dạy dù đã lặp lại rất nhiều lần
  • Khả năng học tập kém, trẻ bình thường chỉ cần 1 tiết học đã có thể ghi nhớ nhưng với trẻ bị rối loạn học tập có khi phải tốn đến 5 tiết, thậm chí là nhiều hơn rất nhiều nhưng vẫn không thể theo kịp các bạn bè khác
  • Khó khăn khi tuân theo các chỉ dẫn, quy định được đặt ra ở trường lớp
  • Khó sắp xếp bài vở, kiến thức theo một trật tự khoa học. Chẳng hạn trẻ đang làm bài tập môn này có thể đột nhiên chuyển qua môn khác
  • Khó học tập, khó kết nối và tương tác với bạn bè
  • Trẻ bị rối loạn học tập thường có xu hướng khó ghi nhớ được các biểu tượng, ký hiệu hoặc khí vận dụng, áp dụng các khái niệm
  • Hầu như không thể kể lại một câu chuyện hoàn chỉnh
  • Trẻ phát âm sai, không đọc được tròn vành rõ chữ, nói ngọng, ngập ngừng khi nói…
  • Khá hiếu động, có thể không ngồi yên được một chỗ hoặc dễ bốc đồng, kích động, hiếu chiến, la hét lung tung không phù hợp với tình huống
  • Không nghe rõ thầy cô hay cha mẹ nói gì, thường xuyên hỏi ngược lại hoặc không đáp lời khi được gọi tên
  • Thường không nhận ra, không phân biệt được các hình ảnh tương đồng nên rất dễ nhầm lẫn, chẳng hạn không nhận diện được số 6 hay số 9…
  • Gặp khó khăn trong việc kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của bản thân
  • Có xu hướng không muốn đi học, la hét, khóc lóc nếu bị bắt ép đi học

Các đặc điểm này cần được quan sát và nhìn nhận trong một thời gian dài để đưa ra các chẩn đoán cuối cùng. Không chỉ trong học tập mà trong các hoạt động khác trẻ cũng có thể gặp những khó khăn trong việc diễn đạt, giao tiếp, kết nối với những người xung quanh.

Bên cạnh đó, từng cột mốc phát triển các triệu chứng rối loạn học tập cũng có thể biểu hiện với tần suất, mức độ khác nhau. Chẳng hạn như trẻ mầm non chỉ mới biểu hiện bằng việc chậm nói hơn các bạn đồng trang lứa, lên tiểu học trẻ kém nhạy bén hơn, học chậm hơn nhưng đến giai đoạn trung học mức độ cách xa các bạn bè khác đã rất lớn. Với những trẻ có mức độ nhẹ con có  thể bị ở lại lớp hoặc rất khó khăn để hoàn thành việc học.

Nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn học tập

Rối loạn học tập ở trẻ có thể xảy ra bởi rất nhiều nguyên nhân, bao gồm cả các yếu tố bẩm sinh không thể điều trị. Trẻ có thể khó học do sự bất ổn trong hoạt động của hệ thần kinh trung ương hoặc cũng có thể liên quan đến những ám ảnh từ quá khứ nào đó. Xác định sớm nguyên nhân là yếu tố quan trọng để có hướng can thiệp và điều trị phù hợp.

vì sao trẻ bị rối loạn học tập?
Một số vấn đề tại não bộ, thần kinh được cho là có liên quan lớn đến nguyên nhân gây rối loạn học tập

Cụ thể theo các chuyên gia, các vấn đề về thính giác: trẻ nghe kém sẽ dẫn tới tình trạng không hoặc chỉ tiếp thu mơ hồ những kiến thức, kỹ năng được thầy cô giảng dạy nên không thể học tốt. Chẳng hạn một số trẻ bị nhiễm trùng thính giác sẽ khó có thể nghe tốt. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ chậm nói, chậm đáp ứng với các âm thanh, phản ứng xung quanh, không quay đầu khi cha mẹ gọi tên.

Tuy nhiên những rối loạn trọng hệ thần kinh khiến việc tiếp nhận thông tin, xử lý dữ liệu trong quá trình học tập mới được coi là một trong những nguyên nhân chính liên quan đến rối loạn học tập. Chẳng hạn

  • Trẻ tự kỷ: nhóm trẻ này đa phần cũng có nhận thức khá hạn chế, con hầu như không có sự giao tiếp bằng mắt, không tập trung, chậm nói nên thường không hiểu người khác nói gì. Một phần nhóm trẻ tự kỷ thuộc nhóm chức năng cao, tuy nhiên trẻ chỉ có sự nổi trội ở một vào khía cạnh, một vài môn học, không phải tất cả các môn học. Tuy nhiên đa phần trẻ tự kỷ đều gặp rất nhiều khó khăn trong học tập, giao tiếp hay các hành vi thường ngày.
  • Trẻ chậm phát triển trí tuệ: có chỉ số IQ dưới 70 nên khả năng đọc hiểu, tiếp nhận thông tin, tư duy logic hay các khía cạnh khác cần thiết khác trong học tập dường như rất kém. Mọi khía cạnh về mặt trí tuệ, nhận thức, hành vi hay cả vận động của trẻ đều chậm hơn các nhóm trẻ khác. Chỉ số IQ càng thấp thì mức độ yếu kém trong học tập của trẻ càng tăng. Việc trẻ học tập kém cỏi, có nguy cơ ở lại lớp cao hoặc phải mất rất nhiều thời gian chỉ để tiếp thu các kiến thức cơ bản ở nhóm trẻ này là điều đã được tiên đoán ngay từ khi chẩn đoán ra chậm phát triển trí tuệ.
  • Trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý: biểu hiện chung của nhóm trẻ này chính là tăng động, vận động một cách quá mức, cơ thể luôn ở trạng thái dư thừa năng lượng quá mức rất khó kiểm soát. Trẻ hầu như không thể tập trung vào bất cứ vấn đề gì quá lâu, luôn ngọ nguậy, không thể ngồi yên nên dẫn tới rất khó học tập, ghi nhớ hay tiếp thu được các kiến thức tại trường lớp. Trẻ bị rối loạn học tập thuộc nhóm này cũng có tỷ lệ rất cao.

Với các nhóm trẻ này, nguyên nhân được cho là có liên quan đến các vấn đề khi mang thai, chẳng hạn mẹ sử dụng các chất kích, nhiễm độc, chấn thương tác động đến thai nhi. Một số vấn đề nghiêm trọng xảy ra trong thời điểm sinh, chẳng hạn trẻ bị thiếu oxy, trẻ bị tác động vào đầu gây chấn thương.. Các biến chứng khác khi sinh như nhiễm khuẩn âm đạo, nhiễm khuẩn huyết đều có thể gây ra các các động làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ.

Chẩn đoán đánh giá rối loạn học tập

Để chẩn đoán chính xác rối loạn học tập của trẻ thuộc tình trạng nào cần được thực hiện bởi các chuyên gia, bác sĩ chuyên môn để có kết quả chính xác nhất. Cần phải thực hiện các đánh giá chi tiết về ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc, giáo dục và cả các vấn đề y tế để có chẩn đoán chính xác, toàn diện nhất về nguyên nhân gây ra các tình trạng này.

Rối loạn học tập
Trẻ cần được thực hiện đầy đủ các chẩn đoán để xác định chính xác tình trạng

Trong Cẩm nang Chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần DSM-5, trẻ được xác định là rối loạn học tập nếu đáp ứng được  1 yếu tố dưới đây và đã tồn tại ≥ 6 tháng

  • Đọc từ không chính xác, ngọng nghịu, không tròn vành rõ chữ hoặc chậm hay mất rất nhiều thời gian
  • Viết được nhưng không hiểu hết nghĩa
  • Khó đánh vần
  • Viết khó, chẳng hạn viết sai chính tả, ngữ pháp, nội dung không rõ ràng
  • Khó hiểu chủ quan về các vấn đề liên quan số lượng, chẳng hạn không thể sắp xếp được thứ tự lớn bé, không làm được các phép tính đơn giản
  • Khó khăn trong lập luận tư duy logic, chăng hạn không thể áp dụng các được các khái niệm toán học để giải quyết các bài toán

Nhà trị liệu cũng cần làm việc trực tiếp với giáo viên hay người giảng dạy để được mô tả chính xác về tình trạng của trẻ, chẳng hạn như khả năng ngôn ngữ, đọc hiểu, tư duy logic, giải toán hay các khía cạnh khác liên quan đến chuyên môn giáo dục. Phụ huynh không thể đưa ra đánh giá chính xác vì không đủ chuyên môn và cũng không thể theo sát quá trình học tập, phát triển của con hằng ngày như các thầy cô giáo.

Bên cạnh đó, bác sĩ và chuyên gia cũng yêu cầu trẻ làm các bài test tâm lý để đánh giá các khía cạnh về cảm xúc, hành vi của trẻ. Trẻ càng có tâm lý bất ổn càng có xu hướng kích động, bốc đồng, có nguy cơ mắc thêm các vấn đề tâm lý khác, chẳng hạn trầm cảm hay rối loạn lo âu thường xuất hiện ở những nhóm trẻ rối loạn học tập khi đến trường.

Các kiểm tra y tế thông qua xét nghiệm thần kinh, kiểm tra tiền sử bệnh lý của trẻ và gia đình cũng là một yếu tố quan trọng cần thiết để chẩn đoán về rối loạn học tập. Kết quả kiểm tra kiểm tra này sẽ cho biết trẻ có sự thiếu hụt thần kinh hay chậm phát triển thần kinh, từ đó đưa ra chẩn đoán về mức độ phát triển và phân loại phù hợp cho từng trường hợp.

Hướng can thiệp điều trị rối loạn học tập

Hầu hết rối loạn học tập đều là vấn đề liên quan đến cả tương lai chứ không chỉ là các khó khăn ở thời điểm hiện tại, do đó cần có định hướng lâu dài để giúp trẻ có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Gia đình cần tham gia trực tiếp vào quá trình chăm sóc và hỗ trợ các nhóm trẻ này không chỉ để giúp trẻ tăng cường về mặt nhận thức mà còn để con có hành vi hay cách giao tiếp phù hợp với các chuẩn mực xã hội.

Giáo dục đặc biệt

Trẻ thuộc nhóm rối loạn học tập được khuyến khích tham gia giáo dục đặc biệt  để con được tham gia nền giáo dục phù hợp với năng lực. Bởi khả năng tiếp nhận thông tin từ trẻ rối loạn thường rất chậm chạp, nếu để con tham gia vào các môi trường giáo dục truyền thống sẽ rất khó theo kịp. Thầy cô giáo không thể lúc nào cũng chỉ chú ý kèm cặp mỗi trẻ và cũng không đủ chuyên môn để hỗ trợ nếu thuộc nhóm trẻ tự kỷ hay chậm phát triển trí tuệ.

Giáo dục đặc biệt được thành lập với mục đích giúp những trẻ có khiếm khuyết về thể chất, thần kinh hay tinh thần có cơ hội tiếp cận với nền tảng kiến thức cần thiết cũng như gia tăng khả năng hòa nhập vào xã hội. Các chương trình học tại đây được xây dựng dựa trên chính năng lực của từng học sinh, từ đó xây dựng cải thiện các vấn đề từ cơ bản đến nâng cao để đáp ứng đúng và đủ với nhu cầu, khả năng của con.

Rối loạn học tập
Tham gia giáo dục là biện pháp cần thiết để trẻ rối loạn học tập được tiếp cận với nền giáo dục phù hợp với năng lực

Tùy tình trạng mà những trẻ rối loạn học tập sẽ được thực hiện giáo dục 1:1 với thầy cô giáo, khi năng lực trẻ đã có tiến độ phù hợp sẽ được tham gia các lớp học chung để củng cố các kỹ năng giao tiếp, hòa nhập với bạn bè. Các môi trường giáo dục đặc biệt cũng xây dựng, thiết kế các trò chơi, tiết học để gia tăng các kỹ năng cá nhân cần thiết giúp trẻ có thể tự chăm sóc bản thân.

Mặt khác, giáo dục đặc biệt còn tập trung tìm kiếm và phát triển các thế mạnh cá nhân để bù đắp vào những khiếm khuyết của trẻ. Điều này giúp ích rất nhiều để trẻ thêm tự tin, gia tăng các giá trị cá nhân có thể giúp ích cho trẻ ở hiện tại lẫn tương lai. Đây là khía cạnh mà trẻ đặc biệt rất cần thiết để con có thể tự lập, tự nuôi sống bản thân ở tương lai mà không phải ohuj thuộc hoàn toàn vào gia đình.

Với những trẻ rối loạn học tập ở mức độ nhẹ, tham gia giáo dục đặc biệt ở giai đoạn sớm có thể tạo nền tảng vững chắc giúp trẻ có thể sớm hòa nhập vào môi trường giáo dục truyền thống mà không quá cách biệt với bạn bè. Phụ huynh nên theo dõi sát sao những tiến triển của con và trao đổi với bác sĩ, chuyên gia hay các giáo viên để xây dựng định hướng tương lai phù hợp cho con.

Điều trị bằng thuốc

Không có bất cứ loại thuốc nào được sử dụng đặc trị cho chứng rối loạn học tập hay các vấn đề bệnh lý liên quan nói chung. Tuy nhiên bác sĩ có thể xem xét từng trường hợp để chỉ định các nhóm thuốc thuốc xoa dịu tâm lý, tăng cường sự tập trung cho trẻ, chẳng hạn như methylphenidate và một số chế phẩm amphetamine..

Ngoài ra một số nhóm vitamin, thuốc bổ não cũng được chỉ định nhằm giúp trẻ tăng cường khả năng ghi nhớ và học tập tốt hơn. Tuy nhiên việc sử dụng bất cứ loại thuốc nào, bao gồm cả thuốc bổ với các đối tượng bị rối loạn học tập cũng cần có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn, tuyệt đối không nên tự ý sử dụng vì có thể không phù hợp với tình trạng của trẻ và gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Các biện pháp hỗ trợ tại nhà

Gia đình cần tham gia trực tiếp vào quá trình chăm sóc và hỗ trợ trẻ rối loạn học tập, không chỉ trong khía cạnh giáo dục mà còn là tăng cường nhận thức và các kỹ năng cần thiết khác. Không thể lúc nào cũng phụ thuộc vào giáo viên, bác sĩ hay chuyên gia mà chính gia đình cần là người đồng hành hỗ trợ con trong mọi hoạt động, gia tăng các kỹ năng thiếu hụt để con có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Rối loạn học tập
Phụ huynh cần dành thời gian quan tâm và hỗ trợ trẻ tại nhà để phát triển các khía cạnh bị thiếu hụt

Thực tế giáo dục hay chăm sóc cho các trẻ bị rối loạn học tập không phải là một vấn đề đơn giản, đòi hỏi sự kiên trì và cố gắng rất lớn từ người hỗ trợ. Một số lời khuyên hữu ích có thể tốt cho phụ huynh trong quá trình chăm sóc trẻ như

  • Xây dựng thói quen sinh hoạt, học tập có kế hoạch và đảm bảo để trẻ duy trì thực hiện đúng hằng ngày
  • Hiểu rõ vấn đề mà trẻ gặp phải để có thiết kế lộ trình, phương pháp học tập phù hợp
  • Nên sử dụng các dụng cụ trực quan, sinh động, có hình ảnh, màu sắc để thu hút sự chú ý của trẻ trong quá trình học tập thay vì chỉ dạy lý thuyết suông thì con rất khó tập trung
  • Tạo môi trường học tập, sinh hoạt tích cực, thoải mái, tuyệt đối không la mắng hay gây căng thẳng sẽ càng khiến con sợ hãi và không muốn học tập
  • Luôn dành những lời khen, phần thưởng phù hợp để khuyến khích con mỗi khi đạt được những thành quả tốt trong học tập
  • Trẻ rối loạn học tập cần phải xây dựng lộ trình học chuyên sâu, từ rãi, đi từ bước cơ bản đến nâng cao, đảm bảo con vừa ghi nhớ, vừa hiểu và có thể vận dụng được các kiến thức
  • Chú ý đến chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ nhỏ. Một số nghiên cứu cho rằng các nhóm thực phẩm có nhiều chất phụ gia có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ, tuy nhiên vẫn chưa được khẳng định hoàn toàn. Do đó phụ huynh nên trao đổi với bác sĩ, các chuyên gia để có thể thiết kế thực đơn dinh dưỡng phù hợp nhất cho trẻ
  • Tạo điều kiện để trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, tương tác xã hội bình thường. Chẳng hạn đưa trẻ đến các khu vui chơi thiếu nhi, công viên để gia tăng các kỹ năng tương tác xã hội

Rối loạn học tập nếu can thiệp điều trị quá muộn có thể ảnh hưởng cả về mặt tinh thần, tâm lý, năng lực phát triển nhận thức cùng rất nhiều vấn đề khác. Phụ huynh khi học quá kém, không đáp ứng mọi biện pháp giáo dục không nên vội vàng đánh giá trẻ hư hỏng, lười biếng mà nên quan sát con nhiều hơn và xem xét đưa trẻ đi thăm khám nếu cần thiết.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *