Hội chứng sợ gọi điện thoại (Telephobia): Làm sao vượt qua?
Hội chứng sợ gọi điện thoại (Telephobia) là một bệnh tâm lý thuộc rối loạn lo âu xã hội. Nó khiến người mắc không thể và cũng không muốn tham gia vào bất kỳ cuộc gọi điện thoại nào. Họ luôn lo sợ và hoảng loạn khi tiếp nhận một cuộc gọi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống.
Hội chứng sợ gọi điện thoại là gì?
Cuộc sống ngày nay càng hiện đại càng khiến con người bắt đầu hình thành những nỗi sợ. Có những nỗi sợ nghiêm trọng gây ảnh hưởng tâm lý cả cuộc đời, cũng có cả những nỗi sợ tưởng chừng như vô lý nhưng lại ẩn chứa những nguyên nhân sâu xa về sự ám ảnh và lo lắng. Và hội chứng sợ gọi điện thoại cũng là một trong số đó.
Hội chứng sợ gọi điện thoại hoặc nghe điện thoại (Telephobia), được giải thích như đúng cái tên của nó. Chính là việc một người cảm thấy lo lắng, sợ hãi cực độ khi phải nghe hoặc tham gia vào một cuộc nói chuyện qua điện thoại. Đây được xem là một loại bệnh tâm lý trong rối loạn lo âu xã hội (social anxiety).
Hành vi lo lắng và sợ hãi nằm ngoài tầm kiểm soát của bệnh nhân, khiến họ luôn cảm thấy bất an khi phải nhận và nghe một cuộc gọi điện thoại. Đây là một loại ám ảnh sợ hãi được đánh giá là khá kỳ quặc và vô lý, nhưng nó tiềm ẩn những nguy cơ nghiêm trọng có thể đã từng gây sang chấn tâm lý cho bệnh nhân.
Khi mắc phải hội chứng này, bệnh nhân lo âu trầm trọng khi phải tiếp nhận và tham gia vào một cuộc trò chuyện qua điện thoại. Bệnh nhân thường sẽ có xu hướng né tránh, sợ hãi và lo lắng bất thường khi nghe điện thoại, họ cũng sẽ tỏ ra không thích và khó chịu khi nhận được sự liên lạc qua điện thoại.
Hội chứng này không ảnh hưởng đến việc sử dụng điện thoại. Bệnh nhân vẫn dùng điện thoại được trong những trường hợp khác ngoại trừ việc nghe điện thoại. Người mắc hội chứng sợ nghe điện thoại chỉ hoảng loạn khi phải nói chuyện điện thoại, còn việc dùng cho mục đích khác thì vẫn bình thường.
Xem thêm: Sợ Tiếp Xúc Với Người Lạ: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ gọi điện thoại
Hội chứng sợ nghe điện thoại được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Xoay quanh bởi việc họ sợ phải nghe một cuộc điện thoại và đối mặt với đoạn hội thoại đó. Cảm giác lo sợ sẽ “bao trùm” lấy suy nghĩ của bệnh nhân, khiến họ có những thái độ hoảng loạn và bất thường khi nghe một cuộc điện thoại.
Những đối tượng mắc phải hội chứng này sẽ không cụ thể. Mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp đều có thể mắc phải hội chứng này. Đa phần có thể do những trải nghiệm không mấy tích cực và vui vẻ, dẫn đến việc họ bị ám ảnh khi phải nghe điện thoại.
Các nguyên nhân có thể do môi trường, con người tác động hình thành nên nỗi sợ. Nhưng cũng có thể do chính bệnh nhân tự xuất hiện nỗi sợ đó có thể do tâm lý tự phát không rõ nguyên nhân hoặc do học tập, di truyền, ảnh hưởng từ người khác nhất là những người gần gũi xung quanh họ.
Một số nguyên nhân phổ biến thường được cho là gây ra hội chứng sợ nghe điện thoại (Telephobia):
- Sợ người gọi
Người gọi được xem là một mối đe dọa và nỗi sợ hãi của các bệnh nhân mắc hội chứng này. Có thể là tất cả những người gọi đều khiến họ sợ hãi và lo lắng hoặc trong quá khứ họ đã từng phải nghe điện thoại từ một số người đáng sợ nên dần hình thành hội chứng.
Nhất là với những cuộc gọi số lạ, bệnh nhân không biết rõ họ là ai càng làm tăng thêm sự lo lắng và sợ hãi. Nhưng bên cạnh đó, có những người họ đã biết rõ là ai nhưng họ vẫn sợ cảm giác phải nói chuyện với người khác thông qua điện thoại.
Sợ phải đối diện với những cuộc gọi đến bất ngờ, khiến bệnh nhân rơi vào tâm lý lo lắng khó tả. Người bệnh sẽ thường cảm thấy lo lắng khi nhấc máy và tiếp nhận một cuộc gọi đến. Đồng thời, khi gọi cho một ai đó và chờ họ bắt máy cũng khiến bệnh nhân sợ hãi bất thường.
- Sợ thông tin của cuộc gọi
Đây là nguyên nhân phổ biến hơn dẫn đến hội chứng này, có thể xảy ra do một trải nghiệm ám ảnh từ quá khứ. Trước đây, bệnh nhân đã từng nhận một cuộc gọi với thông tin xấu, gây sang chấn tâm lý có thể là thông tin người thân gặp tai nạn hoặc đã mất, hoặc các thông tin mang tính đe dọa.
Những cuộc gọi mang đến thông tin không tốt và gây sốc sẽ dễ gây ám ảnh tạo ra sợ hãi cho người nghe. Từ đó, họ phát sinh tâm lý sợ hãi, lo âu khi phải nghe điện thoại. Có rất nhiều lý do khiến một người phải thực hiện một cuộc gọi và trong những cuộc gọi đó có mang các thông tin tiêu cực sẽ khiến người nghe rơi vào trạng thái bất an.
Ngoài các cuộc gọi mang thông tin xấu hoặc đe dọa thì rất nhiều người đã mắc hội chứng này vì đã phải trải qua nhiều lần những cuộc gọi làm phiền, đùa giỡn, chơi khăm,… kết hợp với stress trong cuộc sống, khiến họ mệt mỏi và ám ảnh khi phải nghe điện thoại.
- Sợ tiếng chuông điện thoại/ Âm thanh khi gọi
Tiếng chuông điện thoại cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc sợ nghe điện thoại hoặc sợ người khác gọi điện. Có nhiều rất nhạy cảm với âm thanh, kể cả khi họ vô tình nghe phải một tiếng chuông điện thoại gây hoảng hồn cũng khiến tâm trạng hoảng sợ đột ngột.
Việc hồi hộp khi chờ đợi tiếng chuông điện thoại reo lên cũng là một nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với những người mắc hội chứng này. Dẫn đến việc họ luôn tránh né và hạn chế tối đa số cuộc gọi đến, thay vào đó là hình thức nhắn tin.
Ngoài ra, bệnh nhân mắc hội chứng sợ điện thoại cũng có thể do sợ âm thanh hoặc giọng nói phát ra từ điện thoại. Trên thực tế thì giọng qua điện thoại cũng có phần khác hơn so với giọng ngoài đời thật và bệnh nhân không thể thích nghi được. Họ cảm thấy như việc phải nghe giọng nói qua loa điện thoại như một sự tra tấn cho bản thân.
- Sợ mất kiểm soát trong việc diễn đạt
Có nhiều người không thể tự tin khi nói chuyện gián tiếp qua một vật nào đó. Họ cảm thấy không thể truyền đạt hết được những suy nghĩ và mong muốn của mình cho đối phương hiểu. Việc kết hợp giữa lời nói và ngôn ngữ cơ thể cũng trở thành thói quen của một số người, nên việc nói qua điện thoại làm họ rất hạn chế việc diễn tả hình thể.
Việc thiếu tự tin khi giao tiếp dẫn đến sự mất kiểm soát trong việc diễn đạt, câu nói sẽ trở nên lúng túng, lắp bắp và hay lặp lại. Bởi sự lo lắng nên dẫn đến việc sợ hãi, dù là một cuộc nói chuyện đơn giản qua điện thoại cũng khiến bệnh nhân lo lắng vì sợ không thể diễn đạt đầy đủ ý.
Tình trạng mất kiểm soát còn xảy ra mạnh mẽ hơn khi bệnh nhân phải nói chuyện điện thoại với một người quan trọng như cấp trên, đối tác, khách hàng, người phỏng vấn,… Dẫn đến việc rất khó khăn để truyền tải ý muốn và cảm xúc của bản thân, trở nên tự ti và kém chuyên nghiệp.
- Sợ sự đánh giá, phán xét
Những bệnh nhân mắc phải chứng rối loạn lo âu thường sẽ lo lắng bởi những việc nhỏ nhặt nhất. Sợ bị đánh giá và quan tâm đến người khác sẽ nghĩ gì cũng gây ra tình trạng sợ nghe điện thoại. Đây cũng là hệ quả của lý do không thể truyền đạt rõ ràng thông qua việc nói chuyện điện thoại.
Có nhiều người diễn đạt không hay và trôi chảy như khi trao đổi trực tiếp, vì thế họ rất sợ những cuộc gọi mang tính chất đàm phán, quyết định. Việc nói chuyện không trôi chảy khiến bệnh nhân sợ rằng liệu người đầu dây bên kia có đánh giá thấp và phán xét họ không. Khi quá nhiều sự lo lắng sẽ khiến nó trở thành một nỗi sợ hãi.
Ngoài ra, trong quá trình nói chuyện điện thoại sẽ có những lúc được coi là “khoảng lặng”, hai người không biết nói tiếp gì và sẽ im lặng. Điều này cũng gây ám ảnh cực độ cho người bệnh khi họ sợ rằng người kia sẽ cảm thấy chán khi nói chuyện, cảm thấy khả năng giao tiếp của mình kém,… Từ đó dẫn đến việc lo âu khi nghe điện thoại.
Xem thêm: Sợ Tiếp Xúc Với Người Lạ: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Dấu hiệu của hội chứng sợ gọi điện thoại
Mỗi nỗi sợ hãi đều kèm theo sự lo lắng và căng thẳng, hội chứng sợ gọi điện thoại cũng vậy. Người mắc bệnh có thể có những biểu hiện và hành động tương tự nhau, nhìn chung họ đều rất sợ những cuộc gọi đến hoặc gọi đi cho người khác. Ngoài thực tế, có thể là người rất lanh lợi và hoạt ngôn, nhưng khi nói qua điện thoại thì khác.
Khi nói chuyện qua điện thoại có thể nhận thấy bệnh nhân nhút nhát và tự ti hơn hẳn. Họ nói chuyện không rõ ràng và không kiểm soát được lời nói của mình. Một số những biểu hiện thường thấy của một người mắc hội chứng sợ gọi điện thoại (Telephobia):
- Tìm mọi lý do để tránh né cuộc gọi.
- Cố tình không bắt máy hoặc gọi lại sau.
- Luôn để điện thoại ở chế độ im lặng hoặc không làm phiền.
- Luôn dùng hình thức nhắn tin thay vì gọi.
- Cố gắng kết thúc cuộc trò chuyện nhanh chóng.
- Hay suy nghĩ và băn khoăn về những gì vừa nói.
- Sợ người khác hiểu sai ý.
- Tim đập nhanh khi nghe điện thoại.
- Tay chân run rẩy, đổ mồ hôi.
- Buồn nôn, khó thở.
- Khô miệng.
Tuy nhiên, cần xác định rõ ràng về vấn đề của bản thân vì các triệu chứng trên có ở tất cả những người sợ nghe điện thoại, nhưng nó cũng xuất hiện ở nhiều người bình thường do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nên việc mắc hội chứng cũng kèm theo những biểu hiện về thể chất, nếu thường xuyên xảy ra thì rất có thể bạn đã mắc bệnh.
Những ảnh hưởng của hội chứng sợ gọi điện thoại
Điện thoại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc sống ngày nay. Có nhiều người khi ra đường chẳng cần mang gì chỉ cần chiếc điện thoại là có thể giải quyết được nhiều thứ. Điện thoại ngày nay không còn chỉ để gọi hay nhắn tin mà nó còn mang lại nhiều công dụng hữu ích khác như: thanh toán, ghi chú, email, tra cứu, nghe nhạc,…
Việc mắc phải hội chứng sợ gọi điện thoại nghĩa là đã làm mất đi gần một nửa công dụng hữu ích từ điện thoại. Hội chứng này gây ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt và truyền đạt thông tin của một người. Sợ nghe điện thoại khiến họ phải xử lý công việc một cách chậm hơn, bất tiện và cồng kềnh hơn.
Nếu không gọi điện thoại vẫn có thể nhắn tin nhưng việc gọi sẽ truyền đạt được đầy đủ ý nghĩa hơn. Gọi điện thoại sẽ giúp cho tính hiệu quả và chất lượng thông tin được bảo đảm hơn, đồng thời nó cũng đỡ tốn thời gian hơn là nhắn tin.
Hội chứng sợ nghe điện thoại gây ra một rào cản và hạn chế rất lớn cho bệnh nhân. Khiến họ không thể hòa nhập dễ dàng với cộng đồng, gây ra một số sự bất tiện đáng kể cho cả bản thân và những người xung quanh. Khi muốn truyền đạt một thông tin cấp bách, sẽ rất khó khăn nếu bạn gặp vấn đề về việc nghe điện thoại.
Hội chứng này khiến tốc độ nhận tin và tiếp nhận ý muốn của người khác bị chậm trễ. Nhất là đối với các mối quan hệ kinh doanh, sẽ rất bất tiện khi không thể nói chuyện ngay qua điện thoại. Điều này cũng khiến công việc bị trì trệ, tạo ấn tượng xấu và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Cách vượt qua hội chứng sợ gọi điện thoại
Một số người có thể tránh né hoàn toàn việc gọi điện thoại bằng các cách khác như nhắn tin, gửi email, voice,… Nhưng những cách này đôi khi sẽ không thể thực hiện bởi một số nguyên nhân khác nhau gây cản trở đến quá trình truyền đạt và tiếp nhận thông tin.
Bệnh nhân không cần né tránh mà vẫn có nhiều cách để vượt qua được vấn đề của hội chứng sợ điện thoại. Tuy thời gian khắc phục sẽ kéo dài và tiến triển chậm, nhưng nếu cố gắng chống lại nỗi sợ thành công, bệnh nhân sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn trong công việc và cuộc sống.
Trị liệu tâm lý bằng liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
Phương pháp trị liệu bằng liệu pháp nhận thức hành vi được đánh giá khá cao và được áp dụng chữa trị cho nhiều loại bệnh của rối loạn lo âu. Trong đó, hội chứng sợ điện thoại cũng có thể sử dụng liệu pháp này để có thể cải thiện tình trạng bệnh. Bằng cách, bệnh nhân sẽ được hiểu rõ các khía cạnh của vấn để đang lo sợ và từ đó giải quyết thứ tự.
Cần xác định rõ nguyên nhân, nguồn gốc vì sao lại sinh ra hội chứng này. Khi các bác sĩ biết rõ được vấn đề xuất phát từ đâu, sẽ khiến việc điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn. Sau khi xác định được vấn đề, người bệnh sẽ được tư vấn những kỹ năng để có thể đối phó và chống lại nỗi sợ của bản thân, khiến nó không phát triển.
Việc luyện tập các kỹ năng để đối phó nỗi sợ, cũng sẽ bao gồm việc bệnh nhân cần phải đối diện và trực tiếp giải quyết nó. Tiếp xúc nhiều hơn với các tình huống liên quan đến điện thoại. Sự tiếp xúc nhiều lần này sẽ khiến cơ chế của cơ thể dần giảm đi sự nhạy cảm và thoát khỏi được sự sợ hãi vốn có.
Xem thêm: Bài test kiểm tra mức độ rối loạn lo âu chính xác
Tiếp xúc và thực hành
Việc tiếp xúc này cũng là một cách của phương pháp CBT, khi người mắc cần phải đối mặt với vấn đề sợ hãi của mình và dần chống trả lại nó. Quá trình này có thể thực hiện trong thời gian dài để tiến bộ dần. Nếu việc nói chuyện với người lạ quá khó khăn, vậy hãy bắt đầu từ những người thân thiết gần gũi để dần lấy lại sự tự tin.
Người bệnh có thể bắt đầu bằng những mẩu chuyện ngắn và nhỏ, những câu giao tiếp thông thường đơn giản. Ví dụ như hỏi về một ngày làm việc như thế nào, hỏi thăm sức khỏe, bàn luận về các vấn đề đã gặp trong ngày,… Làm sao để mỗi cuộc gọi dần sẽ dài hơn và bệnh nhân giao tiếp được nhiều hơn sẽ giúp khắc phục được hội chứng này.
Sau khi đã quen với việc nói chuyện với người quen, để ngừng được hoàn toàn nỗi sợ, bệnh nhân cần thực hành với cả người lạ. Việc này ban đầu sẽ rất khó khăn, nhưng dần bệnh nhân sẽ dạn dĩ và không còn thấy sợ hãi nữa. Có thể tập luyện bằng cách gọi cho một nhà hàng để đặt bàn, đặt đồ ăn, hỏi thăm về giờ mở cửa, đóng cửa,…
Soạn ý khi nói chuyện
Nếu lo lắng khi không biết phải nói gì trong một buổi nói chuyện, hoặc quá căng thẳng dẫn đến truyền đạt không đầy đủ và lủng củng, vậy hãy tập ghi ra những ý chính. Việc ghi chú những thông tin, ý tưởng cần nói cho đối phương qua điện thoại, sẽ giúp khắc phục được tình trạng lo sợ và căng thẳng khi nói chuyện điện thoại.
Việc soạn ý trước khi bắt đầu cuộc nói chuyện qua điện thoại, sẽ phù hợp và tiện lợi đối với các cuộc gọi quan trọng, đối tác làm ăn, đồng nghiệp, các vấn đề về công việc,… Vì thế khi ghi chú trước sẽ giúp đảm bảo được chất lượng của buổi nói chuyện. Đồng thời, cũng hạn chế được những “khoảng lặng” khiến bệnh nhân hoảng sợ.
Tuy nhiên, việc soạn sẵn trước ý đồ của mình sẽ khiến việc giao tiếp không được tự nhiên và linh hoạt. Người bệnh vẫn còn hạn chế hết mức việc cuộc trò chuyện chệch hướng ra khỏi kịch bản đã soạn, nên buổi nói chuyện có thể sẽ hơi không thoải mái. Nhưng điều này có thể khắc phục và dần bệnh nhân sẽ không cần phải ghi chú trước.
Giữ thái độ bình tĩnh và vui vẻ
Dù biết rằng tâm trạng đang rất lo lắng và hoảng loạn khi nhận được cuộc gọi, nhưng để khắc phục tình trạng này, cần phải tự trấn an bản thân và khiến cơ thể thoải mái bình tĩnh hơn trước khi nghe máy. Cố gắng xây dựng cho mình một tinh thần ổn định và bình tĩnh trước mọi tình huống để việc vượt qua hội chứng dễ dàng hơn.
Trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện qua điện thoại, hãy cố gắng nghĩ vui vẻ và tích cực, điều này sẽ vô thức khiến hành vi của bạn cũng bình tĩnh theo. Đừng suy nghĩ và tưởng tượng ra những thứ nghiêm trọng trước khi bắt đầu nói chuyện điện thoại vì sẽ khiến tâm trạng trở nên căng thẳng và lo sợ hơn.
Khi giọng điệu và tâm trạng vui vẻ, đối phương cũng có thể cảm nhận thấy điều đó. Việc này rất quan trọng đối với những cuộc gọi cùng khách hàng, khi bạn tạo được sự vui vẻ và hài hòa cũng khiến khách hàng cảm thấy thoải mái hơn. Đồng thời, họ cũng ấn tượng và đánh giá cao về sự chuyên nghiệp của bạn.
Tập hít thở
Tập hít thở cũng là một phương cách giúp việc khắc phục tình trạng sợ nghe điện thoại được hiệu quả hơn. Vì khi sợ, bệnh nhân thường có xu hướng thở dốc và mạnh dẫn đến việc mất bình tĩnh và hoảng loạn. Việc tập luyện thở đều và chậm sẽ giúp cơ thể được thư giãn và tinh thần thoải mái hơn.
Cố gắng tập hít thở và điều chỉnh nhịp độ thở trước, trong và sau khi thực hiện cuộc gọi. Hít thở điều độ cũng giúp bản thân được tập trung hơn. Do đó, hãy cố gắng hít sâu từ 5-10 lần trước khi bắt đầu một cuộc gọi. Điều này giúp cơ thể và cả suy nghĩ được thư giãn hoàn toàn, tránh các sự tiêu cực, phóng đại sẽ ảnh hưởng đến việc bình tĩnh.
Sau mỗi cuộc gọi, cần cách nhau vài phút để tinh thần được ổn định trở lại. Không thực hiện cuộc gọi liên tục và dồn dập, cần có khoảng nghỉ để giảm bớt lo lắng và cải thiện hiệu suất. Hãy cố gắng gợi nhớ lại cảm giác thoải mái, thành công sau một cuộc điện thoại tích cực và giữ nó cho những cuộc gọi tiếp theo.
Hội chứng sợ gọi điện thoại hay nghe điện thoại (Telephobia) khiến người mắc trở nên lo sợ và căng thẳng khi phải nghe một cuộc gọi. Cho dù đó là một cuộc gọi đơn giản hay phức tạp cũng khiến bệnh nhân muốn né tránh. Điều này gây ra nhiều bất lợi cho việc tiếp nhận thông tin, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm:
- Nỗi ám ảnh sợ quá khứ và cách vượt qua
- Sốc Tâm Lý Vì Nỗi Đau Mất Người Thân Và Cách Giúp Bạn Vượt Qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!