Hội chứng sợ đau (Algophobia): Biểu hiện và Cách vượt qua

Hội chứng sợ đau (Algophobia) khiến bệnh nhân luôn ám ảnh với những cơn đau. Nỗi đau có thể do bệnh nhân đã được trải nghiệm hoặc tự suy tưởng, khi mắc phải sẽ có các dấu hiệu hoảng loạn, lo lắng. Cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị, tránh kéo dài gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Giải thích về hội chứng sợ đau (Algophobia)

Hội chứng sợ đau (tên khoa học: Algophobia) là một dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, đặc trưng bởi việc một người có nỗi ám ảnh cực độ với những cơn đau. Nỗi sợ cơn đau thường là đau đớn về thể chất, có thể là do những việc họ đã trải qua khiến họ sợ hãi.

Giải thích về hội chứng sợ đau (Algophobia)
Hội chứng sợ đau mang đến một tâm lý bất an, hoảng loạn, lo sợ về một cơn đau.

Nhưng thông thường, người mắc hội chứng này cũng hay phóng đại hoặc tưởng tượng ra nỗi đau mặc dù nó chưa hề diễn ra. Họ sẽ tự suy diễn ra diễn biến của nỗi đau và khiến bản thân nhạy cảm với cơn đau đó cho dù nó sẽ không bao giờ xảy ra với họ. Những cơn đau này là nhận thức một cách chủ quan của họ và có khi nó chưa từng tồn tại.

Hội chứng sợ đau sẽ dễ mắc ở những người có cơn đau mãn tính, các bệnh lý kéo dài, khiến họ đau đớn và từ đó sinh ra ám ảnh. Có những trường hợp nặng hơn khiến bệnh nhân dễ rơi vào trầm cảm.

Người mắc dễ phản ứng cực đoan một cách bất thường khi phải nghĩ đến nỗi đau nào đó đang hành hạ cơ thể họ. Họ sợ cơn đau và sợ việc phải đối diện với một hoàn cảnh hoặc yếu tố có nguy cơ gây ra sự đau đớn. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày, gây ra các bất tiện khiến người mắc luôn căng thẳng, lo âu.

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng sợ đau (Algophobia)

Sự rối loạn ám ảnh về sự sợ đau chưa thể xác định rõ nguyên nhân xuất phát. Vì nó có thể xảy ra ngay cả khi bệnh nhân chưa từng trải nghiệm qua nỗi đau đó. Khó xác định được yếu tố nào có thể gây ra hội chứng đau, bệnh nhân có thể nhạy cảm với cả những cơn đau nhẹ nhất hoặc gần như không có cảm giác đau.

Họ phát triển nỗi sợ đau của mình theo xu hướng tiêu cực và khiến bản thân lo lắng khi nghĩ về nó. Nếu để giải thích đơn giản về nguyên nhân phổ biến gây nên hội chứng sợ đau, có thể ở quá khứ, bệnh nhân đã từng phải chịu đựng một số loại đau đớn như: tai nạn, mổ, hành hạ, bạo lực,… Từ đó họ ám ảnh vĩnh viễn với sự đau đớn.

Trường hợp khác, người mắc hội chứng sợ đau cũng có thể phát sinh nỗi sợ khi thu thập thông tin từ người khác. Nghe người đối diện kể về cơn đau đã trải qua, tự bản thân họ sẽ tưởng tượng về nỗi đau đó với cường độ nghiêm trọng hơn sẽ xảy đến với mình và sinh ra sợ hãi cực độ.

Người mắc hội chứng sợ đau sẽ dùng nỗi sợ đó để bảo vệ bản thân. So với người bình thường, thì người bị Algophobia sẽ tự phát triển nỗi sợ hãi như một cách để khiến họ cảm thấy an toàn hơn. Họ tự tưởng tượng ra cơn đau và việc mình phải đối diện với nó ra sao từ đó có thể an ủi được nỗi sợ hãi của họ.

Bệnh nhân có xu hướng tránh né các hoạt động hoặc tình huống mà họ cho rằng có thể gây ra đau đớn. Nhưng việc này vô tình khiến căn bệnh ngày càng nghiêm trọng và gây ám ảnh nhiều hơn. Các dây thần kinh cảm nhận của người mắc hội chứng sợ đau sẽ hoạt động không bình thường dẫn đến việc họ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế về cơn đau.

Biểu hiện của hội chứng sợ đau (Algophobia)

Mặc dù việc sợ đau ở con người là một tâm lý bình thường, nhưng đối với người mắc hội chứng sợ đau sẽ phản ứng mạnh và dần trở nên ám ảnh. Biểu hiện của hội chứng sợ đau cũng dễ hiểu lầm khi ta sợ một điều gì đó, nhưng nếu vẫn có thể thích nghi và đối diện với nỗi sợ thì đó không phải là Algophobia.

Một số biểu hiện tâm lý phổ biến của người mắc hội chứng sợ đau giúp việc chẩn đoán được dễ dàng và chính xác hơn:

  • Phản ứng không phù hợp

Khi người mắc chứng sợ đau đối diện với một tình huống nào đó mà họ nghĩ rằng sẽ gây tổn thương và đau đớn với họ, từ đó họ biểu hiện và phản ứng không phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Ngay cả khi, tình huống đó không hề gây ra đau đớn. Những phản ứng có phần cực đoan, sợ hãi khi đối diện với sự đau là biểu hiện của hội chứng này.

Vì thế, để hạn chế phát bệnh, người mắc hội chứng sợ đau sẽ né tránh những tình huống dễ gây ra sợ hãi. Việc tránh né dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác. Nó cũng khiến việc hòa nhập xã hội và cộng đồng bị kém đi.

  • Mất kiểm soát

Nỗi sợ trong hội chứng sợ đau thường sẽ không có lý do cụ thể, đơn giản là do bản thân bệnh nhân không cảm an toàn và sợ việc phải trải nghiệm nỗi đau. Điều này, khiến họ không thể kiềm chế và kiểm soát hiệu quả được nỗi sợ của mình.
Cảm giác sợ hãi tự xuất hiện và phát triển bên trong suy nghĩ, dẫn đến hành vi mất kiểm soát ở bệnh nhân. Gây ra việc cảnh giác cao độ và luôn lo lắng về mọi thứ xung quanh mình. Bệnh nhân tự phản ứng trước sự đe dọa và dần mất kiểm soát khi kết hợp sự vô hại của tình huống thực tế với cảm giác đau đớn của cơ thể.

  • Nỗi sợ hãi kéo dài

Hội chứng sợ đau sẽ không xảy ra trong khoảng thời gian ngắn hạn, mà đó có thể kéo dài và có khi là suốt cuộc đời. Hội chứng này sẽ tồn tại lâu dài nhưng tùy mức độ mà sự phản ứng sẽ khác nhau. Nhưng nếu được can thiệp bởi thuốc và liệu pháp tâm lý, bệnh nhân vẫn có thể khắc phục và vượt qua được hội chứng này.

Nếu bạn thường sợ hãi quá mức và có nỗi ám ảnh cực độ với những cơn đau. Điều này, thường xuyên xảy ra ngay cả với tình huống không gây hại thì có thể bạn đã mắc hội chứng sợ đau Algophobia.

Ngoài ra, những biểu hiện sức khỏe ở bên ngoài cơ thể cũng cho thấy được bệnh nhân đang mắc hội chứng sợ đau:

  • Sự gia tăng hoạt động của hệ thần kinh tự trị.
  • Nhịp tim và hô hấp nhanh.
  • Đồng tử giãn.
  • Đổ mồ hôi nhiều, căng cơ.
  • Chóng mặt và choáng váng.
  • Ngất xỉu.
  • Buồn nôn.
  • Run rẩy.
  • Khó chịu ở dạ dày hoặc khó tiêu.
Biểu hiện của hội chứng sợ đau (Algophobia)
Tim đập nhanh, run rẩy, đổ mồ hôi là những biểu hiện phổ biến ở người mắc chứng sợ đau.

Đối tượng mắc hội chứng sợ đau (Algophobia)

Hội chứng sợ đau (Algophobia) sẽ không phân rõ đối tượng hoặc một độ tuổi nhất định mắc phải hội chứng này. Như đã nói, hội chứng sợ đau có thể xuất phát từ việc bệnh nhân đã trải nghiệm qua cơn đau hoặc có thể do người khác miêu tả lại cơn đau đó.

Nỗi sợ hãi về cơn đau thường xảy ra ở những người bị mắc các bệnh mãn tính và gây đau đớn kéo dài. Theo nghiên cứu, một nửa số người bị những cơn đau như: nhức đầu, ung thư, đau thắt lưng, viêm khớp, rối loạn thần kinh, chấn thương,… sẽ có cảm giác sợ hãi cao hơn và dễ mắc phải hội chứng sợ đau.

Hội chứng sợ đau có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng, nhưng phổ biến nhất ở những người lớn tuổi. Do đã trải qua bệnh tật, hoặc trong quá khứ phải đối mặt với những cơn đau, nên về già họ bị ám ảnh về sự đau đớn. Ngoài ra, khi lớn tuổi họ cũng nhạy cảm hơn với cơn đau, nên khi nghe ai nói về sự đau đớn cũng khiến họ lo sợ.

Một vài đứa trẻ cũng dễ mắc hội chứng này một cách bị động, do tiếp xúc với môi trường không lành mạnh. Trẻ em khi bị hù dọa, dọa nạt, la mắng cũng có thể gây ra sự sợ hãi và lâu dần trở nên lo sợ. Bên cạnh đó, một số trẻ bị bạo hành, đánh đập, đòn roi,… dễ ảnh hưởng đến tâm lý, khiến nguy cơ mắc hội chứng sợ đau cao hơn.

Chẩn đoán và cách điều trị hội chứng sợ đau (Algophobia)

Mỗi căn bệnh đều cần phải được chẩn đoán và điều trị hợp lý để tình trạng bệnh thuyên giảm. Hội chứng sợ đau (Algophobia) tuy là một bệnh về sức khỏe tâm lý, nhưng nó cũng sẽ gây nguy hiểm và những tác động nghiêm trọng cho bệnh nhân nếu không được chữa trị sớm.

Chẩn đoán

Trên thực tế, hội chứng sợ đau rất khó để chẩn đoán chính xác. Số người mắc bệnh không quá nhiều và đa phần bệnh nhân không đi chữa trị, trừ khi bệnh biểu hiện quá nghiêm trọng.

Hội chứng sợ đau thường hay bị nhầm với tâm lý sợ đau bình thường ở con người. Những người mắc các bệnh mãn tính và trải qua cơn đau dai dẳng sẽ khó phân biệt được giữa nỗi sợ giả định và nỗi sợ thực tế. Vì thế việc chẩn đoán chính xác hội chứng này phải qua nhiều giai đoạn kiểm tra và đánh giá để có thể kết luận đúng.

Khi kiểm tra, các bác sĩ tâm lý sẽ thường hỏi những câu hỏi khai thác về nỗi ám ảnh cơn đau của bạn. Điều cần thiết là bệnh nhân phải cố gắng trả lời thật chi tiết, cụ thể, và diễn đạt cảm xúc thành thật nhất về cảm giác sợ mà bạn đang đối mặt. Cung cấp càng nhiều thông tin, càng dễ cho bác sĩ chẩn đoán.

Các bác sĩ tâm lý cũng sẽ tiến hành thực hiện một bài kiểm tra về Thang đo triệu chứng lo âu để đánh giá mức độ nghiêm trọng của hội chứng Algophobia. Bài kiểm tra có các câu hỏi liên quan đến việc đánh giá mức độ phản ứng của tâm lý đối với những cơn đau. Số điểm dựa trên thang đánh giá đi từ 0 (thấp nhất) đến 5 (cao nhất).

Chẩn đoán và cách điều trị hội chứng sợ đau (Algophobia)
Làm bài test tâm lý cũng là một cách để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Bác sĩ cũng có thể chẩn đoán được hội chứng sợ đau nếu bệnh nhân có:

  • Các hành vi tránh né các hoạt động nghĩ có thể gây đau như: thể thao, hoạt động xã hội, nhảy múa, lái xe,…
  • Phản ứng quá mức cực đoan với những cơn đau hoặc khi nghĩ đến cơn đau.
  • Đã từng trải qua những cơn đau trong quá khứ.
  • Chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng do chứng sợ đau.

Xem thêm: Bài test kiểm tra mức độ rối loạn lo âu chính xác

Điều trị

Hội chứng sợ đau là một căn bệnh tâm lý, nó xuất phát từ tâm lý nên việc điều trị cũng đa phần là xoa dịu tâm lý cho người bệnh. Nó không giống như những căn bệnh về sức khỏe thông thường, bệnh tâm lý phải mất thời gian khá dài để trị liệu hoặc có khi là cả đời.

Các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý sẽ đề xuất một số phương pháp điều trị cho hội chứng sợ đau như:

  • Dùng thuốc: Tùy vào mức độ của bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc giúp hỗ trợ ổn định thần kinh, an thần, giảm bớt các hiện tượng căng thẳng, lo lắng. Khi dùng thuốc cần lưu ý nếu phát sinh các tác dụng phụ cần dừng uống thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Thay đổi nhận thức và hành vi thông qua phương pháp liệu pháp nhận thức hành vi: Tập trung vào việc giúp bệnh nhân có thể phân tích và giải quyết từng phần của vấn đề. Các bác sĩ có thể giải thích về từng cơn đau và phổ biến cách để xử lý những cơn đau đó. Điều này khiến người bệnh biết cách giải tỏa những lo lắng và căng thẳng về nỗi sợ cơn đau.
  • Tham gia nhiều tình huống: Đối mặt với những tình huống từng tránh né cũng là phương pháp điều trị hội chứng sợ đau. Thực hiện các hoạt động một cách từ tốn, chậm rãi và nhẹ nhàng, sẽ giúp não bộ nhận thực được rằng hoạt động hoặc tình huống đó không hề đau đớn. Dần sẽ giúp bệnh nhân vượt qua chứng sợ đau.
  • Tăng cường tập thể dục: Việc tăng cường thể dục thể thao có thể giúp bệnh nhân giải tỏa được những căng thẳng và cải thiện được tình trạng sợ đau. Tập thể dục khiến tâm trạng thoải mái hơn, kiểm soát và giải quyết cơn đau hiệu quả hơn.

Cách phòng ngừa hội chứng sợ đau (Algophobia)

Đây là bệnh tâm lý, bệnh nhân sẽ không có cách cụ thể để phòng ngừa tuyệt đối hội chứng này. Khó có thể tránh được một tình huống hoặc một sự kiện bất ngờ xảy ra, vô tình sẽ khiến con người mắc phải hội chứng sợ đau. Nhưng vẫn sẽ có những cách giúp giảm thiểu được nguy cơ có thể mắc nỗi sợ từ cơn đau.

Chú ý nhiều hơn đến chế độ ăn uống hằng ngày: Nhiều người vẫn chủ quan và ăn uống không khoa học. Tránh các loại thực phẩm có chứa nhiều chất kích thích, caffeine, đồ uống có cồn, đồ ăn nhiều chất béo sẽ khiến cho thần kinh bị kích thích dẫn đến tình trạng lo lắng, căng thẳng, dễ sinh ra hội chứng sợ đau.

Duy trì lối sống lành mạnh: Ngoài ăn uống khoa học, cần duy trì thêm lối sống, sinh hoạt lành mạnh. Không thức khuya, không ngủ quá nhiều, tăng cường tập luyện, cân bằng tâm lý. Khi cơ thể khỏe mạnh, những nguy cơ gây bệnh sẽ giảm đi .

Giải tỏa tâm lý: Trong cuộc sống hằng ngày, khó tránh khỏi những phiền muộn và lo âu, vì thế cần giải bày và tâm sự để giải tỏa tâm lý. Nếu cảm thấy sợ hãi, hãy tìm cách để chia sẻ với người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp. Vì khi tâm lý nhẹ nhàng, sẽ giúp chống lại được các suy nghĩ tiêu cực dẫn đến lo âu.

Cách phòng ngừa hội chứng sợ đau (Algophobia)
Việc tâm sự với người khác sẽ giúp giải tỏa được lo âu, tránh tình trạng căng thẳng quá độ.

Thăm khám bác sĩ tâm lý: Tuân theo các chỉ định của bác sĩ. Nếu có những triệu chứng bất thường về tâm lý, nên đến bác sĩ để được kiểm tra sớm. Thường xuyên nói chuyện và chia sẻ với bác sĩ để được theo dõi tâm lý, tránh tình trạng chủ quan, xem thường bệnh để không xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Hội chứng sợ đau (Algophobia) là hiện tượng tâm lý luôn cảm thấy lo sợ, bất an về một cơn đau khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Người bệnh cần cố gắng cân bằng tâm lý của mình, kết hợp vừa điều trị bằng thuốc vừa duy trì lối sống lành mạnh, tích cực sẽ giúp bệnh nhân vượt qua được hội chứng này.

Tham khảo thêm:

 

 

 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *