Hội chứng sợ bẩn, sợ vi khuẩn (Mysophobia) & Cách vượt qua

Hội chứng sợ bẩn, hay hội chứng sợ vi khuẩn, khiến người bệnh có cảm xúc hoảng loạn, sợ hãi và bài xích cực độ với những sự vật, sự việc gợi nhớ đến bụi bẩn và vi khuẩn. 

Hội chứng sợ bẩn là gì?

Mysophobia hay hội chứng sợ bẩn, hội chứng sợ vi khuẩn, và hội chứng sợ vi trùng là những tên gọi thường gặp của một dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi liên quan đến vết bẩn và vi khuẩn.

mysophobia là gì
Hội chứng sợ bẩn gây ra sự sợ hãi, hoảng loạn phi lý với vi khuẩn và bụi bẩn.

Thuật ngữ Mysophobia được ghép từ hai thành phần là μύσος (musos, “ô uế”) và φόβος (phobos, “sợ hãi”). Ngoài ra, tình trạng này còn những tên gọi khác bao gồm: Germophobia, Bacillophobia, Bacteriophobia, và Verminophobia.

Người bệnh sẽ hoảng sợ, ghê tởm, đau khổ khi tiếp xúc, hoặc nghĩ đến những vật dơ bẩn và nhiễm khuẩn như:

  • Thực phẩm hư thối
  • Chất dịch từ cơ thể người
  • Đất, đá, cát,…
  • Vật dụng trong nhà vệ sinh,
  • Những đồ vật nơi công cộng,…

Người bệnh biết nỗi sợ của mình là vô lý, nhưng không thể ngăn bản thân hoảng loạn. Họ tìm mọi cách tránh thoát khi đối diện với những tác nhân gây ám ảnh.

Không cần tiếp xúc trực tiếp, chỉ cần một suy nghĩ thoáng qua về vi khuẩn cũng có thể đẩy họ vào trạng thái mất kiểm soát cảm xúc và hành vi.

Hội chứng sợ bẩn, sợ vi khuẩn cũng có thể liên quan đến chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Người bệnh bị ám ảnh về vi trùng, luôn rửa tay và làm sạch mọi thứ xung quanh thường xuyên.

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ bẩn

Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng sợ bẩn vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng tỷ lệ xuất hiện hội chứng sợ bẩn ở một người bao gồm:

1. Chấn thương tâm lý

Những kí ức tồi tệ liên quan đến bụi bẩn, vi khuẩn có thể kích phát hội chứng sợ bẩn ở người. Một số trường hợp thường gặp bao gồm:

  • Bị buộc ăn thức ăn mất vệ sinh, dơ bẩn
  • Từng bị ngộ độc thực phẩm
  • Bị nhốt trong những nơi tối tăm, ẩm thấp
  • Chứng kiến những sự kiện kinh hoàng liên quan đến vi khuẩn, sự dơ bẩn.
  • Từng ngửi, chạm vào những vật bẩn.
hội chứng sợ vi khuẩn
Những ký ức đau buồn trong quá khứ có thể gây chấn thương tâm lý nặng nề.

Người bệnh có thể trực tiếp trải qua, hoặc chứng kiến những sự kiện này. Dù là với phương thức nào, ám ảnh về sự dơ bẩn vẫn để lại chấn thương tâm lý nặng nề cho bệnh nhân.

2. Môi trường sống

Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, tâm lý. Môi trường sống ô nhiễm, có nhiều bụi bẩn, vi khuẩn và mùi hôi thối có thể làm tăng tỷ lệ mắc chứng sợ vi khuẩn.

Những người từ nhỏ được giáo dục cẩn thận, hoặc có sự ám ảnh nhất định về sự sạch sẽ, cũng có nguy cơ mắc hội chứng này cao hơn bình thường.

3. Bất thường trong cấu trúc não

Sự bất thường trong cấu trúc não dường như có liên quan đến chứng ám ảnh cụ thể. Sự ám ảnh, phi lý với một sự vật, sự việc được cho là chịu ảnh hưởng của hạch hạnh nhân.

Đây là bộ phận trong não có nhiệm vụ thu nhận và xử lý cảm xúc lo lắng của con người. Nếu có bất thường xảy ra ở bộ phận này, cảm xúc sợ hãi, lo âu sẽ có dấu hiệu bất thường.

4. Gen di truyền

Di truyền luôn được xem là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần. Di truyền có thể là một yếu tố thúc đẩy tỷ lệ mắc chứng sợ vi khuẩn ở người.

5. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD cũng được cho là có ảnh hưởng đến hội chứng sợ bẩn. Khi người bị OCD có “ám ảnh” với việc sạch sẽ, họ sẽ có hành vi “cưỡng chế” là rửa tay liên tục, dọn dẹp sạch sẽ những vật bên cạnh,…

Hai tình trạng này có thể cùng xảy ra, hoặc người bệnh chỉ chịu ảnh hưởng của một trong hai rối loạn. Để phân biệt hay trường hợp, người bệnh cần được chẩn đoán từ bác sĩ.

Triệu chứng của hội chứng sợ bẩn

Hội chứng sợ bẩn có thể xuất hiện sớm trong thời thơ ấu, hoặc xuất hiện sau những sự kiện nghiêm trọng ảnh hưởng đến tâm lý. Tình trạng này xuất hiện ở độ tuổi, giới tính, hay điều kiện sinh hoạt.

1. Biểu hiện thể chất của hội chứng sợ bẩn

Những biểu hiện thể chất của hội chứng sợ vi khuẩn bao gồm:

biệu hiện hội chứng sợ bẩn
Người mắc chứng sợ vi khuẩn sẽ cảm thấy khó thở, tim đập nhanh, đổ mồ hôi,…
  • Rơi vào trạng thái hoảng loạn
  • Tay chân rung rẩy
  • Đổ mồ hôi lạnh
  • Khó thở
  • Chóng mặt
  • Đau tức ngực
  • Tim đập nhanh
  • Choáng váng, mất thăng bằng
  • Buồn nôn, có cảm giác ớn lạnh
  • Đầu óc không tỉnh táo vì bị nỗi sợ hãi bao phủ
  • Khóc lóc trong hoảng loạn
  • Có những hành vi quá khích
  • Ngất xỉu nếu chịu khích thích quá lớn

2. Hành vi đặc trưng của hội chứng sợ bẩn

Người mắc hội chứng sợ bẩn, sợ vi khuẩn còn có những hành vi đặc trưng. Chúng xuất hiện trong mọi trường hợp, nhưng thường nghiêm trọng hơn ở nơi công cộng.

  • Rửa tay quá nhiều, đặc biệt là sau khi chạm vào một món đồ nào đó
  • Bàn tay mẫn cảm, nứt nẻ, viêm nhiễm do dùng hóa chất nhiều
  • Luôn mang theo đồ cá nhân (muỗng, đũa, khăn tay,..)
  • Hạn chế đến mức thấp nhất, hoặc từ chối, dùng đồ ở nơi công cộng
  • Không chạm vào thanh nắm cửa, ghế ngồi, tay cầm, hay đồ vật bị nhiều người chạm qua
  • Giữ cho môi trường sống sạch sẽ một cách thái quá
  • Từ chối bắt tay, không đụng chạm người khác, cũng không cho ai đụng chạm mình
  • Hạn chế đến những nơi đông người vì lo sợ vi khuẩn
  • Người bệnh có thể mắc kèm hội chứng sợ bệnh viện,
  • Chọn những công việc ít tiếp xúc với bụi bẩn, vi khuẩn, ít đi lại
  • Hạn chế nuôi động vật vì lo sợ vi khuẩn và lông của chúng dính lên cơ thể.
  • Người sợ bẩn thường mặc đồ sáng màu, đeo bao tay bảo vệ và tắm nhiều lần trong ngày.

Những biểu hiện này gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng đến học tập, xã giao, những mối quan hệ xã hội và cơ hội việc làm.

hội chứng sợ vi khuẩn
Người bệnh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc sống.

Những người có triệu chứng nghiêm trọng thường sống khép kín, ít tiếp xúc với mọi người, bị hạn chế về cơ hội việc làm. Những yếu tố này đều có thể làm tăng tỷ lệ stress, trầm cảm.

Chẩn đoán hội chứng sợ vi khuẩn

Để được chẩn đoán mắc hội chứng sợ bẩn, người bệnh cần đáp ứng một số tiêu chí dưới đây. Những tiêu chí này được đề cập trong DSM-5, dùng chung để đánh giá các hội chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi:

  • Nỗi ám ảnh sợ hãi kéo dài từ 6 tháng trở lên
  • Xảy ra trong mọi trường hợp, không phân biệt là nơi quen thuộc hay xa lạ
  • Nỗi ám ảnh, sợ hãi là phi lý, không đe dọa đến sức khỏe hay sinh mạng của người bệnh
  • Ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt hàng ngày, học tập, công việc, giao tiếp xã hội
  • Các triệu chứng không chịu ảnh hưởng của những vấn đề sức khỏe tâm thân khác

Để chắc chắn hơn về chẩn đoán, bác sĩ có thể hỏi thêm người bệnh về bệnh sử, và một số vấn đề xung quanh nỗi ám ảnh. Dựa trên mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, họ sẽ đưa ra phương pháp cải thiện hiệu quả nhất.

Cách vượt qua hội chứng sợ bẩn

Hội chứng sợ bẩn, sợ vi khuẩn hiện nay vẫn được cải thiện thông qua liệu pháp tâm lý, kết hợp với việc dùng thuốc. Người bệnh cũng có thể thực hiện một số liệu pháp thư giãn, giải tỏa căng thẳng tại nhà để tăng hiệu quả trị liệu.

 1. Tư vấn tâm lý

Việc áp dụng liệu pháp tâm lý trong trị liệu các hội chứng sợ mang đến những kết quả tích cực. Liệu pháp này dần trở thành phương pháp trị liệu chính cho người bệnh.

Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) và liệu pháp tiếp xúc luôn là hai liệu pháp được tin dùng và được đánh giá cao. Mỗi liệu pháp sẽ có những tác động riêng

  • Liệu pháp CBT: Người bệnh có thể nhận thức nỗi ám ảnh và sợ hãi của bản thân là vô lý thông qua những cuộc trò chuyện với nhà tư vấn tâm lý.
  • Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp đánh thẳng vào nỗi sợ bẩn, sợ vi khuẩn của người bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp. Người bệnh được đối mặt và học cách làm quen với nỗi sợ thông qua tranh ảnh, những đoạn phim ngắn, hoặc những sự vật ngoài đời thật với mức độ tăng dần.
điều trị chứng sợ bẩn
Tâm lý trị liệu hiện đang là biện pháp điều trị chính

Liệu pháp thôi miên và phương pháp thực tế ảo có thể được áp dụng nhằm hỗ trợ, và tăng hiệu quả điều trị. Thôi miên giúp giảm cảm giác sợ hãi, tìm hiểu về nỗi sợ, và tìm cách giải quyết từ gốc rễ.

Thực tế ảo tạo môi trường điều trị an toàn, chân thật hơn. Thực tế ảo sẽ tạo ra những trải nghiệm tiếp xúc chân thật nhất, đảm bảo an toàn hơn trong điều trị

2. Trị liệu bằng thuốc

Thuốc không có tác dụng loại bỏ nỗi sợ. Thuốc được dùng để giảm nhẹ những triệu chứng hoảng loạn, căng thẳng, mất kiểm soát cảm xúc.

Ngoài ra, thuốc còn giảm nhẹ hành vi cưỡng chế có hại, giảm tình trạng khó ngủ,… Thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta và thuốc benzodiazepin là những loại thuốc thường được sử dụng.

Thuốc không có tác dụng trong mọi trường hợp, vì phản ứng của từng người bệnh với thuốc là không giống nhau. Do đó trị liệu bằng thuốc chỉ được áp dụng khi thật sự cần thiết.

3. Phương pháp khác cải thiện tại nhà

Yoga và thiền là những bài tập tại nhà giúp giảm căng thẳng, giảm lo lắng, mang đến sự thư giãn và suy nghĩ tích cực hơn. Suy nghĩ tích cực rất tốt cho quá trình cải thiện các triệu chứng.

Những kỹ thuật này không có hiệu quả chữa trị bệnh, nhưng lại giúp ta cải thiện tâm trạng và suy nghĩ. Cách hít thở tỏ ra hiệu quả khi người bệnh rơi vào hoảng loạn, lo lắng.

Bên cạnh việc luyện yoga hay thiền, người bệnh cũng nên hạn chế sử dụng các chất kích thích, kiêng thuốc lá và rượu bia. Những chất độc hại này có thể khiến tình trạng lo lắng, hoảng sợ nghiêm trọng hơn.

Hãy dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân, tâm sự cùng bạn bè, tìm kiếm thú vui lành mạnh. Bạn cũng cần hạn chế căng thẳng, xây dựng chế độ sống khoa học để đẩy nhanh quá trình hồi phục.

Có lẽ bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *