[VTV2] Chăm sóc sức khỏe tâm lý cho trẻ vị thành niên

Với những thay đổi về tâm sinh lý, trẻ vị thành niên thường nhạy cảm hơn về cảm xúc và có thể dẫn tới các vấn đề tâm lý hơn. Trong chương trình Khỏe đẹp cho ngày mới của truyền hình VTV2, Chuyên gia Tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến đã có những chia sẻ giúp cho phụ huynh dễ dàng nhận biết vấn đề tâm lý, phân biệt chúng với những ẩm ương của tuổi mới lớn để cha mẹ có hướng đồng hành cùng con phù hợp và hiệu quả.

Tuổi vị thành niên là giai đoạn mà con người có sự thay đổi về tâm sinh lý nên trẻ thường nhạy cảm hơn về mặt cảm xúc dễ dẫn tới những vấn đề tâm lý ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng học tập, thậm chí là phải trả những cái giá rất đắt mà thực tế chúng ta cũng được biết.

Theo một thống kê về vấn đề sức khỏe tâm thần của bệnh viện Nhi trung ương thực hiện với trẻ vị thành niên cho thấy: Tỷ lệ sàng lọc trầm cảm là 26%, stress là 33% và có rối loạn lo âu tới 38%. Đây là những con số biết nói khiến chúng ta cần phải lưu tâm hơn nữa về vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm lý cho trẻ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề này quả thực chưa được nhiều bậc phụ huynh quan tâm và để ý đúng với những gì mà những con số ở trên phản ánh.

Tham dự chương trình Khỏe đẹp cho ngày mới, Chuyên gia Tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến đã chia sẻ đến quý vị khán giả của VTV2 những kiến thức hữu ích về vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm lý cho trẻ ở tuổi vị thành niên.

Chuyên gia Tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến.

Chuyên gia Tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến hiện đang là Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam – Đơn vị số 1 về trị liệu trầm cảm không dùng thuốc tại Việt Nam.

Chuyên gia Hải Yến cũng từng là khách mời của nhiều chương trình truyền hình uy tín khác:

  • Chương trình Vì sức khỏe người Việt – VTV2.
  • Chương trình Góc chuyên gia – VOV điện tử
  • Chương trình Chuyện khó có bác sĩ – Kênh 14.
  • Chương trình Câu chuyện cuộc sống – THVL1.
  • Chương trình Mỗi ngày một niềm vui – VTV3.

3 Nguy cơ tiêu biểu gây nên vấn đề tâm lý ở tuổi vị thành niên

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, trẻ dễ tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ gây ra vấn đề tâm lý và khiến cho vấn đề tâm lý của trẻ ngày một phức tạp hơn. Chuyên gia Tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến đã chỉ ra một số nguy cơ tiêu biểu:

Nghịch cảnh của cuộc sống, những trải nghiệm xấu mà các bạn trẻ phải trải qua. Một số trải nghiệm xấu, nghịch cảnh mà chúng ta dễ nhận thấy như cha mẹ ly hôn, mất đi người thân trong gia đình, thường xuyên bị cha mẹ la mắng, trì triết, thậm chí là đánh đập, bạo lực học đường, xâm hại tình dục… Tuy nhiên, còn nhiều trải nghiệm khác mang lại cho trẻ những cảm xúc, suy nghĩ, quan điểm không tích cực mà chúng ta không dễ dàng nhận ra.

Cảm giác bị hụt so với các bạn cộng với sự yêu thương chưa đúng cách, sự so sánh, sự kỳ vọng quá của cha mẹ. Trong xã hội hiện đại ngày nay, trẻ có thể có áp lực học tập rất lớn tại nhà trường. Trẻ bị áp lực về thành tích với thầy cô, áp lực đồng trang lứa với bạn bè. Đặc biệt là khi trẻ cảm thấy lực học của bản thân bị đuối so với bạn bè hoặc trẻ tự gây áp lực lên chính mình. Những áp lực học tập đó nếu cộng thêm sự yêu thương không đúng cách của cha mẹ sẽ gây ra vấn đề tâm lý ở trẻ.

Sự yêu thương không đúng cách ở đây là cách mà cha mẹ giao tiếp với trẻ hàng ngày. Đó có thể là những ngôn từ chưa tích cực, khiến trẻ cảm thấy nặng nề, mệt mỏi, tụt năng lượng. Đó có thể là sự so sánh giữa trẻ và bạn bè với mong muốn thúc đẩy trẻ học tập tốt hơn nhưng thực tế lại thui chột đi sự tự tin và nhiều khả năng khác ở trẻ. Đó có thể là sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ vào trẻ về thành tích học tập, thậm chí là cả các thành tích về năng khiếu.

Sự phát triển của Internet khiến các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận đến những thông tin không phù hợp nếu như không thực sự tỉnh thức. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, các bạn trẻ dễ dàng được cha mẹ cho tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại, ipad từ rất sớm nhưng lại không được cha mẹ định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ trong việc tiếp xúc với thông tin trên mạng như thế nào cho phù hợp.

Cha mẹ thường đưa cho trẻ một chiếc điện thoại và để chơi gì, xem gì tùy thích. Điều này dễ khiến trẻ rơi tiếp xúc với những thông tin không phù hợp, không tích cực, không lành mạnh ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển tâm sinh lý đưa các bạn trẻ đến nguy cơ khiến cho mình khác lạ và khó hòa nhập với bạn bè trang lứa, gia đình… dẫn tới những chuyển biến tâm lý không tốt.

Dấu hiệu cảnh báo trẻ đang gặp vấn đề tâm lý

Có thể thấy có rất nhiều yếu tố nguy cơ xung quanh cuộc sống của trẻ. Bởi vậy, việc đồng hành của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, có nhiều bậc phụ huynh khi thấy con có sự thay đổi thì lại nghĩ rằng đó chỉ là sự ẩm ương của tuổi dậy thì. Nếu trẻ may mắn ở tình trạng nhẹ, trẻ có thể dễ dàng vượt qua nhưng nếu trẻ ở trong tình trạng nặng hơn thì hậu quả sẽ thực sự đáng tiếc. Vậy làm thế nào cha mẹ có thể nhận biết được dấu hiệu tâm lý để sớm đồng hành cùng con?

Là một người có rất nhiều kinh nghiệm trong việc trị liệu tâm lý cho khách hàng tuổi vị thành niên, chuyên gia Bùi Thị Hải Yến nhấn mạnh một số biểu hiện giúp cha mẹ có thể dễ dàng nhận thấy sự bất ổn trong tâm lý của con:

“Lúc đầu, các bạn trẻ có thể có biểu hiện rất là nhẹ nhàng, trầm tính đi và bắt đầu thích ở một mình, không có tâm sự nhiều với ba mẹ nữa. Nhiều mối quan hệ bạn bè đâu đó không còn được hòa hợp như trước nữa. Trẻ có thể rối loạn trong một số hành vi: Rối loạn ăn uống, giấc ngủ…, nói chung một số sinh hoạt thường ngày không được khoa học như trước nữa. Có những suy nghĩ, lời nói, quan điểm rất tiêu cực. Nghiêm trọng hơn, một số bạn trẻ có thể tự làm đau bản thân. Đấy là những dấu hiệu mà cha mẹ thấy thì cần thực sự để tâm đến con, hãy xem trọng nó và đừng nghĩ một cách đơn giản rằng đó chỉ là sự ẩm ương của tuổi mới lớn, rồi sẽ qua thôi, rồi sẽ ổn thôi”.

Cha mẹ nên làm gì để đồng hành cùng con vượt qua vấn đề tâm lý

Khi nhận thấy những dấu hiệu bất bình thường ở con, việc đầu tiên cha mẹ cần làm đó là chấp nhận. Chấp nhận sự thật rằng con đang có bất ổn về tâm lý để đồng hành cùng với con. Nghe thì tưởng chừng dễ nhưng nhiều cha mẹ nhận thấy con có bất ổn nhưng lại không dễ để chấp nhận đó là sự thật. Điều này khiến cho vấn đề của con không được nhận định đúng đắn và tìm ra hướng giải quyết phù hợp cho con một cách sớm nhất.

Thứ hai là cần phải kiên nhẫn với con. Khi con rơi vào tình trạng trầm cảm, rối loạn lo âu, có rất nhiều cha mẹ đưa ra những lời khuyên, yêu cầu với con hoặc hay nói những câu như “có mỗi thế thôi mà cũng không vượt qua được”, “có gì mà phải buồn” để giúp con vượt qua tình trạng. Có thể những lời khuyên của cha mẹ không sai nhưng nó lại không có tác dụng, trong không ít trường hợp, thậm chí là khiến con áp lực nhiều hơn và tình trạng trở nên trầm trọng hơn khi cha mẹ không thể kiên nhẫn và bật lên những câu nói, cảm xúc không phù hợp.

Vấn đề tâm lý của con ngày hôm nay đã trải qua một quá trình hình thành mà thậm chí là nó đã bắt đầu từ những năm tháng đầu đời của trẻ chứ không phải mới xuất hiện ngày hôm qua. Hãy kiên nhẫn và cho con thời gian.

Thứ ba, cha mẹ hãy yêu thương con bằng tình yêu không có kỳ vọng. Hãy tôn trọng cái bản thể của con và cho phép con được là chính mình. Tình yêu thương không có kỳ vọng tức là yêu con mà không mong cầu ở con điều gì dù là học giỏi hay là ổn định tâm lý. Bất kỳ một sự kỳ vọng nào đều gây thêm áp lực cho con trong thời gian này. Bản thể của con có như thế nào, dù là vấn đề sức khỏe, học tập, ngoại hình, tính cách, thói quen…, cũng hay tôn trọng, yêu thương con bằng tình yêu thiêng liêng của người cha, người mẹ. Hãy cho con được là chính con. Nếu con không thích học toán thì đừng áp đặt con phải giỏi toán.

Thứ tư, thực hành công thức 4B: Bạn – Bàn – Ban – Bán.

Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến phân tích: “Đầu tiên hãy làm bạn với con, hãy cùng bàn bạc với con tất cả những vấn đề. Đừng nghĩ rằng, mình sinh con ra, mình nuôi con, mình cho con rất nhiều điều kiện tốt thì mình như một người ban phước cho con. Đừng như vậy, Ban ở đây là ban tặng với sự hân hoan, vui vẻ và người tiếp nhận cũng không hề áp lực. Cuối cùng mới là bán, để cho con cùng với mình đặt ra và đạt được ước mơ chung cho gia đình, bán ước mơ của chính cha mẹ cho con. Khi mà mình thực hành được điều đó thì mình sẽ cùng với con thực sự mang đến cho gia đình mình sự thành công và hạnh phúc trọn vẹn”.

Tìm gặp người có chuyên môn là một điều văn minh

Bên cạnh những cái khó đã chia sẻ ở trên, nhiều bậc phụ huynh còn tìm cách né tránh vấn đề, ngại gặp những người có chuyên môn như chuyên gia tâm lý trị liệu hay bác sĩ tâm lý để giải quyết vấn đề của con. Họ âm thầm chịu đựng, âm thầm tìm cách nhưng nếu phương pháp của mẹ chưa phù hợp thì có thể khiến con rơi vào tình trạng tâm lý trầm trọng hơn và có thể có những hệ lụy thực sự đáng tiếc xảy ra.

Chia sẻ về vấn đề này, Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến cho rằng, trong thời đại ngày nay, việc chuyên môn hóa là điều dễ hiểu và cần thiết. Nếu có ai đó gặp vấn đề tâm lý thì các chuyên gia sẽ là những người giúp đỡ, đồng hành, hỗ trợ một cách chuẩn xác nhất. Chưa kể với cái tâm của một nhà trị liệu tâm lý, họ sẽ chạm được đến trái tim của những người đang có rất nhiều tổn thương trong lòng để giúp các khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn và trở lại cuộc sống với đầy sự hân hoan, tích cực. Bất kỳ ai sinh ra trên cuộc đời này cũng đều xứng đáng có được cuộc sống tươi đẹp như vậy.

Như vậy, để giúp con vượt qua các vấn đề tâm lý ở tuổi vị thành niên, cha mẹ phải thật sự dũng cảm để đồng hành cùng con.

Chương trình Khỏe đẹp cho ngày mới – VTV2 với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe tâm lý cho trẻ” với tư vấn chuyên môn của Chuyên gia Tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến đã mang đến nhiều điều bổ ích cho các bậc phụ huynh. Hy vọng các bậc làm cha mẹ đã nhận được những thông tin cần thiết để đồng hành cùng con trong giai đoạn tuổi vị thành niên.

Nếu bạn cần Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến hỗ trợ thêm, bạn có thể liên hệ đến Hotline: 096 589 8008 hoặc để lại thông tin tại đây.

Có thể bạn quan tâm:

[Hot] [VOV] Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến hỗ trợ sĩ tử bước vào mùa thi
[New]Trầm cảm tuổi dậy thì – NHC Việt Nam đồng hành cùng truyền hình Vĩnh Long
[Xem nhiều nhất] VTV2 giới thiệu giải pháp trị liệu trầm cảm không dùng thuốc của Trung tâm NHC Việt Nam

 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *